Tiếp nhé các bác
“Từ khi nhận biết được các thứ xung quanh, em đã thấy em bị gọi là con dâu nhà ấy. Lúc đó em không biết gì, cứ vô tư sang nhà anh ấy chơi vì hai bác vui tính, nhà lại có khu vườn rất đẹp. Đến khi lớn lên một chút, biết “con dâu” là gì và cảm thấy đó không phải là gọi đùa, em mới phản đối lại mọi người. Kết quả em bị bố đánh cho một trận, lần đầu tiên em nghe câu nói “không có bác thì không có mày trên đời đâu con ạ” và biết rằng, phận của em đã được định đoạt từ lúc chào đời…”
“V. là con cả, khỏe mạnh nhanh nhẹn nhưng rất nghịch ngợm, kiểu coi trời bằng vung, hơn em hai tuổi nhưng học đúp mãi, cuối cùng thành cùng lớp với em. Suốt những năm phổ thông, luôn luôn là em đứng đầu còn anh ấy đứng cuối lớp. Từ năm lớp 9 anh ấy đã bắt đầu gọi em là vợ, em bực lắm nhưng sợ không dám cãi lại. Có đứa con trai trong lớp trêu em, bị anh ấy đánh một trận rồi dìm xuống mương suýt chết ngạt. Từ lúc đó không ai dám nói gì về V. và em nữa, cũng may anh ấy chỉ gọi thế nhưng không làm gì quá đáng, cuối cùng cũng học được hết phổ thông…”
“Ở quê em, đàn bà con gái không hề có tiếng nói trong nhà, tất cả mọi sự đều do người đàn ông quyết định. Em biết mẹ phản đối sự sắp đặt của bố nhưng cũng như tất cả những chuyện khác, mẹ chỉ dám để trong lòng. Có lần em chứng kiến mẹ chỉ khẽ khàng có lời: Anh ạ, con T. nhà mình học được, hay để cho nó học lên kiếm lấy cái nghề tử tế, đừng bắt nó lấy chồng sớm quá? Chỉ có thế mà bố em nổi điên, cầm chiếc ấm quăng ra giữa sân, và em lại được nghe câu không có bác ấy thì đừng hòng có nó trên đời…”
“Theo sắp đặt của bố em và bác ấy thì học xong phổ thông là em phải ở nhà lấy chồng, nhưng lên cấp ba em học giỏi đạt giải quốc gia, nên việc học của em được nhiều người chú ý. Nhờ các thầy nói giúp, bố đã đồng ý cho em thi đại học, anh ấy cũng xin được một suất học trung cấp ở Hà nội…”
“Lên Hà nội, em cắm đầu vào học và đi làm, vì chỉ có đó là con đường duy nhất giúp em có thể thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại. Nhưng V. không chịu từ bỏ, bố em cũng không đổi ý, anh ấy không ngăn cản em nhưng luôn theo dõi em từng bước, tra hỏi về từng người em gặp. Em đã mất những chỗ làm rất tốt vì tính ghen tuông của V. cho đến khi tìm được việc trong văn phòng của chú B., cũng chỉ vì V. nhận xét rằng chú ấy trông có vẻ tử tế…”
“V. không học xong trung cấp, có đi làm một vài nơi nhưng vì tính hay cãi nên chỉ được vài tuần là mất việc. Lần cuối cùng là anh ấy làm bảo vệ, cãi nhau với khách hàng đến mức chút nữa gây án mạng, sau đó anh ấy bảo không thể sống được ở Hà nội nữa và bắt em cũng phải về quê…”
Lý do em về quê thì ra là như vậy. Theo lời anh bạn, suốt mấy năm mình cứ nghĩ vì anh chàng người yêu thấy ba người đi ăn trưa nên mới nổi cơn ghen. Dù sao cũng có chút nhẹ nhõm trong lòng khi biết mình không phải là lý do đẩy em vào bi kịch…
Có lẽ đã đau đến tận cùng nên giọng em vô cùng bình thản, bình thản như nói về chuyện của người khác: “Em thấy V. đã không còn cách chữa, lại bị bố thúc giục nên đành trở về nhà, chỉ hy vọng không khí và môi trường sống làng quê có thể làm anh ấy trở nên thuần tính...”
“Những năm qua, mặc dù không muốn nhưng em hiểu nỗi khổ tâm của bố. Bác ấy có thể không bị thương nặng như thế, nhưng vì cứu bố em mà mất hẳn một chân, còn bị mảnh đạn găm đầy trong phổi. Vì bác mà bố em còn sống, em được sinh ra trên đời, làm con bác để trả ơn là chuyện em không thể từ chối…”
Mình không hiểu tại sao, nghe vậy mà lòng mình chỉ thấy thương em vô hạn, không bất bình với hai ông bố, cũng không có cảm giác căm ghét V. Tình yêu thật sự bao dung như thế chăng? Hay trong tình cảm của mình với T. còn cả tình thương của anh trai với em gái, của con người đối với đồng loại của mình? Mỗi một người trong câu chuyện của em đều mắc phải một cái nghiệp đã định sẵn, hoặc vô thức đi theo như V. hoặc cố vùng vẫy để thoát ra như em, cuối cùng cũng không thể thoát khỏi…
“Khi em về, cả bố em và bác ấy đều muốn cưới ngay cho xong, chỉ vì bà ngoại mất chưa lâu nên phải chờ thêm mấy tháng. Ngày ăn hỏi và đám cưới đã định, ban ngày em phải sang nhà anh ấy làm dâu, đến tối mới được về. Em làm mọi thứ trong nhà, không nề hà bất cứ việc gì. Thực ra em rất thương bác gái, và dần dần cũng hiểu hoàn cảnh của bác trai. Hai bác chỉ có hai con trai nhưng V. thì không chí thú, người con trai thứ hai lại bị chậm phát triển, lấy em làm dâu có lẽ là hy vọng duy nhất để hai bác có thể yên tâm về sau này…”
“Về nhà vài tuần, em nhận ra em đã nhầm. V. không chịu tĩnh trí làm ăn, suốt ngày chỉ lang thang ngoài quán, hôm nào về nhà cũng hơi rượu nồng nặc. Bà bán rượu cũng ái ngại, giục anh ấy kiếm việc đi làm, V. đã trả lời ngay giữa quán: Tôi cần quái gì đi làm. Vợ tôi nó giỏi lắm, nó khắc lo được tất!”
“Câu nói của V. làm hy vọng cuối cùng trong em sụp đổ. Buổi tối đi qua bờ ao, lần đầu tiên em đã nghĩ đến cái chết. Ao làng em lúc nào cũng đầy nước, em chỉ cần đi sang trái mấy bước là xong… May mà lúc ấy có mấy đứa trẻ con đi sinh hoạt đội ngang qua, không thì không biết bây giờ thế nào…”
“Đó cũng vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất, chuyện tồi tệ nhất là em phải chịu đựng sự động chạm với V. Cả bố em và bố anh ấy đều cấm không được làm gì trước ngày cưới, nhưng V. vẫn tìm đủ mọi cách để chạm vào người em. Lần nào bị V. động vào, em cũng cứng cả người vì sợ, không phải sự sợ hãi bình thường mà gần như là em bị tắc thở, cảm giác như sợ đến ngất đi. Lúc bấy giờ em mới nhận ra, lý trí có thể chịu đựng nhưng bản năng của em lại tuyệt đối không chấp nhận anh ấy…”
“Em còn đủ sức sống tiếp là chỉ vì nghĩ đến mẹ. Phận người phụ nữ quê em, tủi nhục thế nào cũng chỉ dám khóc thầm, mẹ chỉ an ủi xót thương em chứ không dám trách móc gì bố. Có lẽ sống quá lâu trong đè nén áp bức, con người ta cũng dần tự coi mình như con sâu cái kiến. Lúc ấy em đã chôn vùi mọi dự định ước mơ, coi như cuộc đời mình sẽ kết thúc ở đó, chỉ có thân thể em vẫn khăng khăng phản kháng, không chịu chấp nhận để V. chạm vào…”
“Hôm ấy là buổi chiều tối. Em làm việc nhà bên ấy xong, chuẩn bị đi về thì V. về nhà. Vừa xuống khỏi xe máy, anh ấy say quá nôn ngay ra sân. Em đỡ anh ấy vào giường, lấy chậu lấy nước rồi đi lau dọn. Chắc là vì say, V. đang nằm tự nhiên vùng dậy lôi em xuống…”
“Cả người anh ấy nồng nặc mùi rượu, mùi nôn, em cố vùng ra nhưng không thể chống lại. Cảm giác sợ hãi, uất ức khiến em gần như ngất đi, lần thứ hai em lại nghĩ đến cái chết…”
“Không biết vì sao, lúc đó V. tự nhiên tỉnh rượu. Thấy thái độ của em, hình như anh ấy nhận ra điều gì đó và buông em ra lấy xe phóng đi, lại ra quán uống đến tối khuya. Lúc về anh ấy lạc tay lái, lao xuống chân đê bất tỉnh, nằm viện gần một tuần thì mất…”
“Đám tang V., đầu tiên em không muốn đội khăn. Vì chuyện đó mà em bị bố đánh một trận kinh khủng, đến khi mẹ em phải quỳ xuống van xin cả hai bố con, em đành phải nghe lời mẹ. Thế rồi không biết từ đâu, trong làng lại kháo nhau là vì em cậy học cao khinh người nên V. mới buồn, mới uống rượu mà bị tai nạn. Em trở thành chủ đề cho người ta cạnh khóe, răn dạy, cả họ hàng cũng xa lánh…”
“Em chỉ còn cách cúi mặt xuống mà sống, định hết giỗ đầu anh ấy mới đi cho trọn nghĩa. Không ngờ bố anh ấy nhất định không chịu buông tha, ép bố em phải gả em cho đứa con trai chậm phát triển của báy ấy, ý rằng em nhất định phải gán vào nhà bên đó để trả nợ, trả cái ơn vì cứu bố em mà em được sinh ra…”
“Đến lúc ấy thì mẹ em cũng không thể chịu được nữa, mẹ nói với em: “Con thu xếp ngày mai đi ngay đi, đừng để ai biết. Nếu phải lấy mạng đền ơn, ngày mai mẹ chết trước mặt ông ấy thay cho bố con!” Em khóc xin mẹ cùng đi với em, nhưng mẹ bảo mẹ không bỏ được bố. Em đành phải gạt nước mắt đi như chạy trốn khỏi làng, hơn năm năm rồi…”
“Năm năm trời, em có nhà mà không dám về, chỉ thỉnh thoảng nói chuyện được với mẹ vì bị bố cấm. Mẹ em bây giờ khổ lắm, vừa làm việc nhà vừa phải sang bên ấy giúp vì mẹ V. bị ốm liệt giường, cậu em trai lại không thể tự lo. Cứ nghĩ đến là em lại như mất trí, không biết làm sao để giúp mẹ…”
Giọng em nhỏ dần, rồi co người trên ghế thiếp đi. Mình cho xe từ từ lăn bánh, lòng chợt trở nên bình tĩnh lạ thường. Mình sẽ phải giúp em vượt qua tất cả các chuyện này, thực sự rất khó nhưng mình tin nếu có lòng thành, mình và em sẽ làm được…
“Từ khi nhận biết được các thứ xung quanh, em đã thấy em bị gọi là con dâu nhà ấy. Lúc đó em không biết gì, cứ vô tư sang nhà anh ấy chơi vì hai bác vui tính, nhà lại có khu vườn rất đẹp. Đến khi lớn lên một chút, biết “con dâu” là gì và cảm thấy đó không phải là gọi đùa, em mới phản đối lại mọi người. Kết quả em bị bố đánh cho một trận, lần đầu tiên em nghe câu nói “không có bác thì không có mày trên đời đâu con ạ” và biết rằng, phận của em đã được định đoạt từ lúc chào đời…”
“V. là con cả, khỏe mạnh nhanh nhẹn nhưng rất nghịch ngợm, kiểu coi trời bằng vung, hơn em hai tuổi nhưng học đúp mãi, cuối cùng thành cùng lớp với em. Suốt những năm phổ thông, luôn luôn là em đứng đầu còn anh ấy đứng cuối lớp. Từ năm lớp 9 anh ấy đã bắt đầu gọi em là vợ, em bực lắm nhưng sợ không dám cãi lại. Có đứa con trai trong lớp trêu em, bị anh ấy đánh một trận rồi dìm xuống mương suýt chết ngạt. Từ lúc đó không ai dám nói gì về V. và em nữa, cũng may anh ấy chỉ gọi thế nhưng không làm gì quá đáng, cuối cùng cũng học được hết phổ thông…”
“Ở quê em, đàn bà con gái không hề có tiếng nói trong nhà, tất cả mọi sự đều do người đàn ông quyết định. Em biết mẹ phản đối sự sắp đặt của bố nhưng cũng như tất cả những chuyện khác, mẹ chỉ dám để trong lòng. Có lần em chứng kiến mẹ chỉ khẽ khàng có lời: Anh ạ, con T. nhà mình học được, hay để cho nó học lên kiếm lấy cái nghề tử tế, đừng bắt nó lấy chồng sớm quá? Chỉ có thế mà bố em nổi điên, cầm chiếc ấm quăng ra giữa sân, và em lại được nghe câu không có bác ấy thì đừng hòng có nó trên đời…”
“Theo sắp đặt của bố em và bác ấy thì học xong phổ thông là em phải ở nhà lấy chồng, nhưng lên cấp ba em học giỏi đạt giải quốc gia, nên việc học của em được nhiều người chú ý. Nhờ các thầy nói giúp, bố đã đồng ý cho em thi đại học, anh ấy cũng xin được một suất học trung cấp ở Hà nội…”
“Lên Hà nội, em cắm đầu vào học và đi làm, vì chỉ có đó là con đường duy nhất giúp em có thể thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại. Nhưng V. không chịu từ bỏ, bố em cũng không đổi ý, anh ấy không ngăn cản em nhưng luôn theo dõi em từng bước, tra hỏi về từng người em gặp. Em đã mất những chỗ làm rất tốt vì tính ghen tuông của V. cho đến khi tìm được việc trong văn phòng của chú B., cũng chỉ vì V. nhận xét rằng chú ấy trông có vẻ tử tế…”
“V. không học xong trung cấp, có đi làm một vài nơi nhưng vì tính hay cãi nên chỉ được vài tuần là mất việc. Lần cuối cùng là anh ấy làm bảo vệ, cãi nhau với khách hàng đến mức chút nữa gây án mạng, sau đó anh ấy bảo không thể sống được ở Hà nội nữa và bắt em cũng phải về quê…”
Lý do em về quê thì ra là như vậy. Theo lời anh bạn, suốt mấy năm mình cứ nghĩ vì anh chàng người yêu thấy ba người đi ăn trưa nên mới nổi cơn ghen. Dù sao cũng có chút nhẹ nhõm trong lòng khi biết mình không phải là lý do đẩy em vào bi kịch…
Có lẽ đã đau đến tận cùng nên giọng em vô cùng bình thản, bình thản như nói về chuyện của người khác: “Em thấy V. đã không còn cách chữa, lại bị bố thúc giục nên đành trở về nhà, chỉ hy vọng không khí và môi trường sống làng quê có thể làm anh ấy trở nên thuần tính...”
“Những năm qua, mặc dù không muốn nhưng em hiểu nỗi khổ tâm của bố. Bác ấy có thể không bị thương nặng như thế, nhưng vì cứu bố em mà mất hẳn một chân, còn bị mảnh đạn găm đầy trong phổi. Vì bác mà bố em còn sống, em được sinh ra trên đời, làm con bác để trả ơn là chuyện em không thể từ chối…”
Mình không hiểu tại sao, nghe vậy mà lòng mình chỉ thấy thương em vô hạn, không bất bình với hai ông bố, cũng không có cảm giác căm ghét V. Tình yêu thật sự bao dung như thế chăng? Hay trong tình cảm của mình với T. còn cả tình thương của anh trai với em gái, của con người đối với đồng loại của mình? Mỗi một người trong câu chuyện của em đều mắc phải một cái nghiệp đã định sẵn, hoặc vô thức đi theo như V. hoặc cố vùng vẫy để thoát ra như em, cuối cùng cũng không thể thoát khỏi…
“Khi em về, cả bố em và bác ấy đều muốn cưới ngay cho xong, chỉ vì bà ngoại mất chưa lâu nên phải chờ thêm mấy tháng. Ngày ăn hỏi và đám cưới đã định, ban ngày em phải sang nhà anh ấy làm dâu, đến tối mới được về. Em làm mọi thứ trong nhà, không nề hà bất cứ việc gì. Thực ra em rất thương bác gái, và dần dần cũng hiểu hoàn cảnh của bác trai. Hai bác chỉ có hai con trai nhưng V. thì không chí thú, người con trai thứ hai lại bị chậm phát triển, lấy em làm dâu có lẽ là hy vọng duy nhất để hai bác có thể yên tâm về sau này…”
“Về nhà vài tuần, em nhận ra em đã nhầm. V. không chịu tĩnh trí làm ăn, suốt ngày chỉ lang thang ngoài quán, hôm nào về nhà cũng hơi rượu nồng nặc. Bà bán rượu cũng ái ngại, giục anh ấy kiếm việc đi làm, V. đã trả lời ngay giữa quán: Tôi cần quái gì đi làm. Vợ tôi nó giỏi lắm, nó khắc lo được tất!”
“Câu nói của V. làm hy vọng cuối cùng trong em sụp đổ. Buổi tối đi qua bờ ao, lần đầu tiên em đã nghĩ đến cái chết. Ao làng em lúc nào cũng đầy nước, em chỉ cần đi sang trái mấy bước là xong… May mà lúc ấy có mấy đứa trẻ con đi sinh hoạt đội ngang qua, không thì không biết bây giờ thế nào…”
“Đó cũng vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất, chuyện tồi tệ nhất là em phải chịu đựng sự động chạm với V. Cả bố em và bố anh ấy đều cấm không được làm gì trước ngày cưới, nhưng V. vẫn tìm đủ mọi cách để chạm vào người em. Lần nào bị V. động vào, em cũng cứng cả người vì sợ, không phải sự sợ hãi bình thường mà gần như là em bị tắc thở, cảm giác như sợ đến ngất đi. Lúc bấy giờ em mới nhận ra, lý trí có thể chịu đựng nhưng bản năng của em lại tuyệt đối không chấp nhận anh ấy…”
“Em còn đủ sức sống tiếp là chỉ vì nghĩ đến mẹ. Phận người phụ nữ quê em, tủi nhục thế nào cũng chỉ dám khóc thầm, mẹ chỉ an ủi xót thương em chứ không dám trách móc gì bố. Có lẽ sống quá lâu trong đè nén áp bức, con người ta cũng dần tự coi mình như con sâu cái kiến. Lúc ấy em đã chôn vùi mọi dự định ước mơ, coi như cuộc đời mình sẽ kết thúc ở đó, chỉ có thân thể em vẫn khăng khăng phản kháng, không chịu chấp nhận để V. chạm vào…”
“Hôm ấy là buổi chiều tối. Em làm việc nhà bên ấy xong, chuẩn bị đi về thì V. về nhà. Vừa xuống khỏi xe máy, anh ấy say quá nôn ngay ra sân. Em đỡ anh ấy vào giường, lấy chậu lấy nước rồi đi lau dọn. Chắc là vì say, V. đang nằm tự nhiên vùng dậy lôi em xuống…”
“Cả người anh ấy nồng nặc mùi rượu, mùi nôn, em cố vùng ra nhưng không thể chống lại. Cảm giác sợ hãi, uất ức khiến em gần như ngất đi, lần thứ hai em lại nghĩ đến cái chết…”
“Không biết vì sao, lúc đó V. tự nhiên tỉnh rượu. Thấy thái độ của em, hình như anh ấy nhận ra điều gì đó và buông em ra lấy xe phóng đi, lại ra quán uống đến tối khuya. Lúc về anh ấy lạc tay lái, lao xuống chân đê bất tỉnh, nằm viện gần một tuần thì mất…”
“Đám tang V., đầu tiên em không muốn đội khăn. Vì chuyện đó mà em bị bố đánh một trận kinh khủng, đến khi mẹ em phải quỳ xuống van xin cả hai bố con, em đành phải nghe lời mẹ. Thế rồi không biết từ đâu, trong làng lại kháo nhau là vì em cậy học cao khinh người nên V. mới buồn, mới uống rượu mà bị tai nạn. Em trở thành chủ đề cho người ta cạnh khóe, răn dạy, cả họ hàng cũng xa lánh…”
“Em chỉ còn cách cúi mặt xuống mà sống, định hết giỗ đầu anh ấy mới đi cho trọn nghĩa. Không ngờ bố anh ấy nhất định không chịu buông tha, ép bố em phải gả em cho đứa con trai chậm phát triển của báy ấy, ý rằng em nhất định phải gán vào nhà bên đó để trả nợ, trả cái ơn vì cứu bố em mà em được sinh ra…”
“Đến lúc ấy thì mẹ em cũng không thể chịu được nữa, mẹ nói với em: “Con thu xếp ngày mai đi ngay đi, đừng để ai biết. Nếu phải lấy mạng đền ơn, ngày mai mẹ chết trước mặt ông ấy thay cho bố con!” Em khóc xin mẹ cùng đi với em, nhưng mẹ bảo mẹ không bỏ được bố. Em đành phải gạt nước mắt đi như chạy trốn khỏi làng, hơn năm năm rồi…”
“Năm năm trời, em có nhà mà không dám về, chỉ thỉnh thoảng nói chuyện được với mẹ vì bị bố cấm. Mẹ em bây giờ khổ lắm, vừa làm việc nhà vừa phải sang bên ấy giúp vì mẹ V. bị ốm liệt giường, cậu em trai lại không thể tự lo. Cứ nghĩ đến là em lại như mất trí, không biết làm sao để giúp mẹ…”
Giọng em nhỏ dần, rồi co người trên ghế thiếp đi. Mình cho xe từ từ lăn bánh, lòng chợt trở nên bình tĩnh lạ thường. Mình sẽ phải giúp em vượt qua tất cả các chuyện này, thực sự rất khó nhưng mình tin nếu có lòng thành, mình và em sẽ làm được…