Mây Trắng Của Trời Xanh
Người dịch: Hường Chipkey
___________________
Người dịch: Hường Chipkey
___________________
Cô gái hư hỏng nhất mà tôi từng gặp, tên Thập Nương.
Nghe đồn hồi cấp 3 cô ấy từng phá thai 5 lần, đổi bạn trai 10 lần.
Tôi không biết mấy lời đồn đó là thật hay giả. Nhưng tôi biết, cô ấy không để tâm đến mấy lời đồn đó.
Đúng 7h sáng mỗi ngày, cô ấy luôn luôn căn đúng những giây cuối cùng mới vào trường.
Thong dong rảo bước trên sân trường, chưa từng hoảng loạn.
Có không ít những thành phần hư hỏng, mượn cớ sáng sớm học bài mà đứng ngoài hành lang và to giọng đọc sách.
Nhưng lại giống như một thỏa thuận đã được định trước, cứ vào một lúc nhất định nào đó, tất cả cùng nhau phân tâm.
Không ai vạch trần cả, nhưng trong lòng dường như hiểu rõ.
Mỗi ngày, một quãng đường ngắn như vậy, cũng chỉ mấy chục giây ngắn ngủi, hầu như tất cả nam sinh trong trường, hồi ức cùng nhau trải qua.
Chỉ là một cô gái như vậy, không ai dám tiến đến.
Bởi vì có quá nhiều truyền thuyết nguy hiểm liên quan đến cô ấy.
Ở trường chúng tôi, mỗi khi tan học, sẽ luôn có một nhóm lưu manh đi xe máy đứng đợi ai đó ở cổng trường.
Cổng trưởng sau giờ tan học, kẻ đến người đi, không ai dám nhìn bọn họ.
Suy cho cùng thì đều là con ngoan trò giỏi, sợ nếu nhìn đám người kia không chừng sẽ phải gặp rắc rối không đáng có.
Nhưng Thập Nương không sợ. Vì người mà bọn họ đang đợi là cô ấy.
Cô ấy đi đến chỗ đám người đó rồi ngồi vào yên sau. Vèo một cái, cả đám phóng vù đi.
Tất nhiên, cũng có những người nhìn thấy cảnh tượng này không khỏi khó chịu.
Thỉnh thoảng có một vài bạn nữ túm tụm mắng mỏ và truyền ra mấy câu chuyện đồn đại.
Có điều chẳng được bao lâu thì bọn họ đều tự mình chạy đến xin lỗi.
Cúi thấp đầu, mắt đỏ hoe.
Thập Nương trước nay vẫn vậy, không để tâm đến bọn họ.
Năm lớp 11, chia lớp. Chúng tôi được xếp vào cùng lớp.
Cô ấy ngồi trong góc của bàn cuối cùng của dãy, vị trí bên cạnh không có ai dám ngồi.
Thầy chủ nhiệm lúc đó, gọi là “ Quỷ kiến sầu”.
Tôi với thầy ấy cực kỳ không hợp.
Có lần tranh cãi, tôi đã tức điên lên.
Không nói một lời, xách balo xuống bàn cuối.
Đây là khu vực không ai quản.
Nó như một mớ hỗn độn. Có đủ mọi việc diễn ra ở khu vực này.
Khi đó, Thập Nương đang xem phim bằng điện thoại di động.
Tôi ném cặp sách của mình xuống cái ghế trống bên cạnh cô ấy.
Thập Nương nhai kẹo cao su, không cả ngước mắt lên.
Khoảng thời gian đó cả lớp cũng chịu khổ của “Quỷ kiến sầu” từ lâu. Tôi là người đầu tiên dám “cứng” với thầy ấy như vậy.
Sau khi ngồi xuống, cô ấy không nói câu gì mà chìa ra một chiếc tai nghe.
Thuận tiện đẩy luôn điện thoại ra giữa bàn.
Hai chúng tôi từng chào hỏi nhau, từng gian lận cùng nhau, không tính là không quen biết gì.
Bộ phim cô ấy đang xem là Avengers.
Tôi cũng chẳng xa lạ gì, đưa tay ra và lướt thanh tiến trình về lúc mở đầu phim.
Cô ấy giơ ngón giữa về phía tôi, kèm theo một cái gõ đầu tôi nữa.
Cứ thế hai cái đầu chụm lại gần nhau. Quang minh chính đại, cùng nhau xem phim.
Tôi không nhớ nhiều về tình tiết bộ phim, chỉ nhớ khi Hulk hạ gục Loki. Cô ấy trộm cười thật vui vẻ.
Răng cô ấy rất trắng, và có cả má lúm đồng tiền nữa, rất đẹp.
Tôi không bao giờ hỏi nhiều về những tin đồn của cô ấy.
Chỉ là thỉnh thoảng sẽ nhiều lời mà hỏi một câu.
Hỏi mấy câu có tính gây thù hằn như thế này dễ gây ra rắc rối lắm.
Đương nhiên, ngay sau đó, tôi sẽ bị cô ấy kí đầu cho một cái.
“Xem phim cũng không thể bịt nổi miệng của cậu.”
Sau đó, cô ấy sẽ tăng âm thanh trong tai nghe lên một vài độ.
Bây giờ nghĩ lại, lượng phim ban đầu mà tôi xem được có lẽ được tích lũy từ đây mà ra.
Mọi việc đã thay đổi trong một buổi chiều bình thường.
Thập Nương bằng cách nào đó đã bỏ lỡ một tiết tự học.
Khi cô ấy quay lại lần nữa, trên mặt in dấu một cái tát.
Những người trong lớp bắt đầu bàn tán rất nhiều. Cô ấy trông vẫn hung dữ như cũ, không thèm nhìn xung quanh.
Quay trở lại chỗ ngồi. Cô ấy nhổ ra một cục kẹo cao su dính máu.
Tôi không nói gì cả, tiện tay cầm lấy rồi ném vào thùng rác.
Hồi lâu, tôi hỏi cô ấy.
“Thế nào, hôm nay xem gì?”
Cô ấy đang trầm ngâm mới phản ứng lại, bỏ tai nghe ra, đưa cho tôi một bên.
“Vua hài kịch” đi.
Tôi gật đầu, được đấy, vẫn là cái đề tài cắm sừng.
Cô ấy không nhịn được, cười rồi.
Rồi lại giơ ngón giữa về phía tôi, sau đó tiện tay kí đầu tôi một cái.
Tiếp đó, bộ phim tiếp tục chiếu.
Cho đến khi Châu Tinh Trì hét lên câu kinh điển với Trương Bá Chi. “Anh nuôi em”.
Cô ấy cầm điện thoại, ném nó vào ngăn bàn học.
Tôi hỏi cô ấy “sao lại không xem nữa?”
Cô ấy nói “đừng ngốc nghếch nữa, chỉ là phim mà thôi”.
Sau đó tôi mới biết, hôm đó, cô ấy chia tay.
Tin tức lan truyền đi cực kỳ nhanh chóng.
Không còn sự bảo vệ, “kẻ thù truyền kiếp” một thời đã trở lại.
Một nhóm con gái.
Chặn cô ấy trong nhà vệ sinh, đánh cô ấy một tiết học.
Tối đó có cuộc họp lớp.
Chủ đề là “ước mơ”.
Lại là câu chuyện cũ rích.
Thầy chủ nhiệm ở trên bục giảng, tinh thần sục sôi, kể về câu chuyện của mình.
Thầy ấy là trẻ mồ côi, lớn lên trong trại trẻ mồ côi với em gái của mình.
Cuộc sống rất khó khăn.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên, chỉ thi được hơn 300 điểm.
Sau đó, thầy ấy nhận ra rằng không thể tiếp tục như thế này, sau này không thể nuôi nổi em gái được.
Vì thế, thầy ấy học lại một năm. Theo như lời của thầy cô hay nói, thì “đứa trẻ này mang theo sát khí học tập”.
Cuối cùng, điểm thi vào đại học tăng gần gấp đôi, thầy ấy đỗ vào một trường trong đề án 985.
Câu chuyện này tại thời điểm đó vô cùng nổi, được coi như một truyền thuyết.
Câu chuyện được kể đi kể lại, không biết đã kể bao nhiêu năm. Nhưng vẫn luôn có người lọt hố câu chuyện này.
Ai cũng đều khí thế hừng hực, nóng lòng muốn làm được như thầy ấy.
Chỉ có tôi tỏ vẻ khinh thường, vùi đầu vào sách.
Lẩm bẩm. “Giỏi như thế, không phải cuối cùng vẫn trở thành giáo viên à?”
“Thế còn cậu?” Thập Nương đột nhiên hỏi tôi.
Tôi hơi bất ngờ. “Làm một nhà văn. Đời này, ít nhiều gì cũng để lại chút gì đó.” “Còn cậu thì thế nào?” Tôi hỏi lại.
“Diễn viên.”
“Tại sao?”
“Bởi vì có thể sống cuộc sống của người khác.”
Tôi ngồi ngây ở đó, ngước mắt nhìn cô ấy.
Trong mắt cô ấy có ánh sáng, nhưng trong ánh sáng ấy lại là vực sâu.
Bình luận facebook