Tác giả: Hiền Pimenova.
Thể loại: buồn, tình mẫu tử, tình cảm gia đình,...
Độ tuổi: 12+
Chim hải âu chao liệng, con sóng xanh dao động nhè nhẹ, ánh tà dương phản chiếu trên mặt biển, lấp lánh ánh vàng. Mặt trời kết thúc một ngày dạo chơi vòng quanh thế giới, trở về ngôi nhà xinh xắn nằm kế bên nơi tiếp giáp giữa bầu trời và biển cả, nơi đang nhuộm một màu đỏ huyền diệu và tuyệt đẹp.
Sóng rì rào vỗ bờ. Đám trẻ thích thú reo hò, vỗ tay chào đón cơn thủy triều dâng cao cuốn đi tòa lâu đài của chúng. Đây là điều vốn dĩ sẽ xảy đến, và chúng chẳng hề ngạc nhiên. Những bà mẹ ngồi bên thềm nhà nhổ tóc sâu cho nhau, đôi bàn tay chai sần thoăn thoắt khâu vải, tiếng cười vang lên trong làng chài hẻo lánh.
Một khung cảnh yên bình làm sao. Chỉ là...
Có tiếng chiếc gậy gỗ gõ xuống mặt đất. Mọi người đột ngột im lặng. Từ ngôi nhà nhỏ kia, bà cụ già run run bước ra phía bờ biển. Cụ đã già, già lắm rồi. Mái đầu bạc trắng giấu kĩ trong chiếc khăn choàng màu đen đơn sơ. Khuôn mặt nhăn nheo rúm ró cả lại, miệng móm hơi hé ra để lộ vài cái chiếc răng vàng còn may mắn sót lại. Bộ quần áo nâu sồng cũ kĩ, mỏng manh che đi dáng người nhỏ thó. Tấm lưng còng còm cõi in dấu nỗi vất vả và cơ cực ngay từ thuở lọt lòng. Cụ bước đi chậm rãi, run run như sắp ngã nhưng nhất quyết không nhờ sự giúp đỡ, hoặc cũng có thể cụ nghễnh ngãng. Nhưng điều đó chẳng là gì cả.
Cụ là người già cả nhất ở nơi làng chài bé nhỏ này, cũng là người chịu nhiều đau khổ nhất. Tám mươi mấy tuổi đầu, nhưng ngày ngày đều ra đứng trên bờ biển đến tối mịt. Người ta nói cụ hâm hâm dở dở đã mấy chục năm nay rồi, chẳng mấy khi được tỉnh táo. Họ bàn tán, có người bảo là bệnh tật tuổi già, có kẻ cho rằng cụ bị trời hành. Chẳng ai biết đâu là sự thật, nhưng có lẽ giả thuyết thứ hai là đúng hơn cả. Bởi nhiều lão niên trong làng vẫn rất khỏe mạnh, chỉ riêng cụ là ốm đau liên miên không dứt, cứ trái gió trở trời là xương lại nhức, vai lại đau. Ở chung với gia đình con gái mấy chục năm nay nhưng không ngày nào cụ thôi buồn tủi, chẳng phải vì họ không báo hiếu mà là bởi...
Tất cả mọi người, từ già trẻ lớn bé đều biết về cụ, về cái quá khứ bi ai mà cụ từng trải qua. Ngày ấy, giặc Mỹ tràn đến, tàn sát dân làng. Những dân chài cả đời gắn bó với con thuyền, chiếc lưới kéo cá chỉ còn cách kéo nhau chạy vào rừng, trốn trong một hang đá hẹp. Mấy ngày đêm, quân thù ném bom hòng hủy diệt cả ngôi làng. Mọi người không dám chợp mắt, trái tim đập dữ dội khi mỗi một tiếng nổ vang lên. Họ nhịn đói, nhịn khát, và thậm chí, nhịn thở. Chẳng ai dám phát ra tiếng động bởi họ có thể cảm nhận được mũi súng lạnh lùng đang chĩa vào ngực mình từ trong bóng tối.
Nhiều ngày trôi qua, tiếng đì đùng mỗi lúc một gần. Trong đám người chui rúc nơi hang đá lạnh lẽo tăm tối ấy, có một người phụ nữ tuổi còn rất trẻ cùng đứa con gái năm tuổi. Cô ta chỉ mới sinh con thứ, đứa bé xanh xao héo hắt đi vì không gian ẩm thấp của nơi rừng rú và cái lạnh cắt vào da thịt mỗi khi màn đêm buông xuống. Thằng bé khóc suốt cả ngày, dỗ cho nó ngủ một lát thì tiêng súng lại vang lên khiến nó giật mình tỉnh dậy, khóc ngằn ngặt. Mọi người quay lại nhìn người mẹ bằng ánh mắt sợ hãi. Cô siết chặt đứa con còn đỏ hỏn vào lòng, bờ vai gầy run lên bần bật. Cúi đầu nghĩ ngợi một hồi, cuối cùng cô đứng phắt dậy, khóe mi lấp lánh giọt nước mắt. Người phụ nữ lấy bọc khăn quấn núm ruột của mình lại, ôm con bò thật nhanh lên miệng hang. Ngoài kia, mưa rơi tầm tã. Dưới ánh chớp của đạn pháo sáng, cô dùng hai tay đào lớp bùn nhão nhoét để chôn sống con. Khi lấp lại, thấy lớp đất rục rịch, biết con quẫy đạp, người mẹ vẫn gạt nước mắt, mạnh tay xóa dấu trên mặt đất. Nước mắt hòa lẫn cùng nước mưa, tuôn dài trên gò má hom hem của người thiếu phụ tội nghiệp. Ngay lúc tiếng lao xao của giặc lớn dần, cô kịp thời đứng dạy lao thật nhanh vào hang đá, không dám quay đầu lại nhìn những “con quỷ” dẫm đạp lên nơi an nghỉ của đứa con mình.
Người phụ nữ đáng thương mấy chục năm trước, nay là cụ Lam.
Nửa thế kỉ sống trong sự dằn vặt, nếu không phải cố gắng gượng nuôi cô con gái nhỏ thì có lẽ cụ đã tự tử. Mất dấu mộ, cụ hóa điên hóa dại, ngày ngày đi lang thang khắp nơi, cầm theo nén nhang, lảm nhảm duy nhất một câu: “Phải tìm được mộ con.” Chiều đến, lại đi ra bờ biển, đứng đến tối mịt. Ngày lại ngày trôi qua trong nỗi đớn đau đến cực điểm, rồi bệnh tật, rồi nghèo túng, cuộc sống của cụ như chìm trong bóng tối của nỗi tuyệt vọng. Gia đình con gái gắng hết sức chạy chữa, nhưng nhà chị thì lúc nào cũng dưới mức nghèo. Ra biển chài lưới từ sáng tinh mơ đến tối mịt để nuôi năm miệng ăn mà còn phải thắt lưng buộc bụng thì nói chi đến việc chữa bệnh.
Ánh tà dương yếu ớt cố gắng níu giữ những giây phút cuối cùng của một ngày dài, như thể muốn dừng lại thêm một giây, một phút nữa để cảm thông cho nỗi đau của cụ.
Chiếc bóng gầy lặng lẽ đứng trên mặt biển. Gió thôi tấm thân đơn độc ấy xiêu vẹo như muốn đưa cụ đi cùng. Khuôn miệng móm hơi há ra, ngẩng đầu nhìn mặt trời sắp lặn, siết chặt chiếc khăn từng quấn con ngày xưa, từng giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhăn nheo ấy. Cụ khóc, khóc cho linh hồn đứa con xấu số, khóc cho số phận nghiệt ngã của mình, khóc cho quá khứ tối tăm ấy. Tiếng nấc vang lên từng hồi như khiến người ta nghẹt thở.
- Con ơi!
Từ đôi môi run rẩy ấy bật lên lời nói từ tận đáy lòng. Cụ quỳ sụp xuống, mặc cho nước biển thấm lên quần. Nước rất mặn, nhưng có là gì so với những giọt lệ tuôn ra từ hai hốc mắt sâu thăm thẳm thẫn thờ đến vô hồn ấy? Gục mặt vào chiếc khăn cũ kĩ như muốn tìm lại chút hơi thở của con, đứa con chính tay mình giết chết, trái tim đã héo mòn suốt mấy chục năm nay lại càng chịu nhiều giày vò đau đớn.
- Mẹ...xin lỗi...con!
Đáp lại câu hờ cay đắng ấy, chỉ có tiếng sóng biển vỗ rì rào, như muốn an ủi cho người mẹ bất hạnh ấy, người mẹ có trái tim đã chết từ rất lâu rồi…
(End)
Last edited by a moderator:
Bình luận facebook