Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 279
Chú vừa nghe tôi kể chuyện mua căn phòng lớn như vậy thì khiếp sợ, hỏi luôn tôi vì sao muốn mua căn phòng lớn như thế?
Đều là người nhà cả, tôi cũng không muốn giấu chú ấy, vì vậy đã kể lại chuyện mua nhà. Chú ấy nghe xong thì nói: “Thằng cháu cũng quá can đảm rồi, mua nhà có ma cũng không nói với chú một tiếng để bàn bạc.”
Tôi ngượng ngùng nói: “Chẳng phải vì cháu sợ chú sẽ không đồng ý à? Nên mới không dám nói đó.”
Chiêu Tài đứng ở bên cạnh tôi đột nhiên mặt mày khó coi nói: “Haiz, khó trách lần trước ăn lẩu bắt bọn chị gọi nhiều người tới như vậy. Thì ra đó là nhà ma! Thằng nhóc chết tiệt, em cũng đạo đức quá đấy!”
Tôi lập tức nói dối: “Chao ôi, những đồ không sạch sẽ trong nhà đã được em dọn hết rồi, mời nhiều người đến chơi chỉ là muốn căn phòng có thêm hơi người! Không tin thì chị hỏi chú đi.” Nói xong, tôi quay sang nháy mắt với chú.
Chú bất đắc dĩ, chỉ gật đầu nói: “Nếu như... đã thu thập sạch sẽ, thì mời nhiều người đến cho có hơi người cũng không sao...” Chú ấy nói xong thì vỗ gáy tôi tiếp: “Cháu đấy! Ngày càng to gan.”
Tôi cười đắc ý: “Chú yên tâm, tuy cháu theo nghề này không lâu bằng chú, nhưng chút chuyện nhỏ này vẫn xử lý được.”
Chiêu Tài nghe xong thì lườm tôi trắng mắt nói: “Em đừng khoác lác nữa, sẽ có ngày phải khóc cho xem.”
Tôi trừng mắt với Chiêu Tài: “Con nhóc chết tiệt này, chị còn nói nữa, có tin em kể chuyện lúc mười tuổi chị đái dầm cho bác sĩ Triệu biết không?”
Chiêu Tài vừa nghe thấy tôi nói thế thì nóng nảy, vẻ mặt như muốn liều mạng nói: “Em dám?”
Chú vội vàng giảng hòa: “Được rồi, được rồi, đã ngồi máy bay một ngày mà không thấy mệt à. Các cháu đi tắm rửa, hôm nay ngủ sớm chút, ngày mai đưa hai đứa đi câu cá.”
Không biết chú thích đi câu cá từ lúc nào vậy? Thím cười nói với tôi: “Chú cháu càng già càng nhiều trò, thím không theo chú cháu đi câu cá đâu, ngồi xuống câu đã phải mất nửa ngày trời, thời gian đấy thím thà ở nhà xem phim Hàn Quốc còn hơn.”
Tôi và Chiêu Tài vừa nghe thím nói thích xem phim Hàn Quốc, thật là bắt kịp trào lưu hiện nay! Chiêu Tài lại càng hứng thú hỏi thím đang xem phim gì? Kết quả là thím kể ra rất nhiều phim Hàn đang chiếu, lại còn kể vanh vách cả tên các sao Hàn.
Sáng hôm sau, tôi bị tiếng gà trống gọi dậy sớm. Nếu không có tiếng gà gáy này, tôi thực sự không có cảm giác mình đã tới nông thôn. Tôi nhìn xuống, phát hiện chú đang quét sân, thím đang nấu bữa sáng trong bếp.
Tôi vội xoay sang gọi Chiêu Tài, để chị ấy xuống bếp giúp thím một tay. Nhưng Chiêu Tài vừa vào đến bếp đã bị thím đuổi ra, bảo chị ngủ thêm một ít, thím nói sức khỏe của chị còn cần tĩnh dưỡng thêm, ngủ nhiều rất có lợi…
Tôi thầm nghĩ, chị ấy ngủ quá nhiều rồi, ngủ tiếp có thể bị ngốc ấy chứ.
Mặc dù chỉ là đồ ăn nhẹ buổi sáng, nhưng thím cũng chuẩn bị những bốn năm loại, làm tôi và Chiêu Tài ngại ngùng, muốn không ăn nhiều cũng không được. Chú thấy vậy thì cười nói: “Thím cháu bình thường chỉ làm cơm cho hai người ăn, bà ấy bảo mình là anh hùng không có đất dụng võ. Bây giờ có các cháu đến chơi, bà ấy có thể trổ tài, cho các cháu thưởng thức đồ ăn của mình.”
Tôi và Chiêu Tài nhìn nhau, thầm kêu khổ. Ăn như thế này, chẳng mấy chốc mà hai đứa sẽ mập ra một vòng.
Sau khi ăn xong bữa sáng, chú đem dụng cụ đưa cho tôi và Chiêu Tài mỗi người một bộ. Nói thật, đây là lần đầu tiên tôi đi câu cá, trông thấy cái cần câu mà không biết nên làm thế nào.
Nhưng không ngờ Chiêu Tài lại biết dùng, tôi giật mình hỏi: “Chị biết câu cá à?”
Chiêu Tài đắc ý nói: “Chị thường đi câu với bác sĩ Triệu.”
Tôi nghe mà ê ẩm: “Ồ, tìm được một bác sĩ đúng là khác trước! Phẩm giá lại tăng lên rồi.”
Chiêu Tài không thèm so đo với tôi, bình thản nói: “Câu cá phải kiên trì, đừng nhiều lời nữa, nếu không chẳng câu được con nào đâu.”
Tôi bĩu môi không nói gì nữa…
Chú đưa chúng tôi tới một nơi, do tự chú tìm ra, bình thường có rất ít người tới. Vì để người khác không biết được nơi này, chú chưa bao giờ dẫn ai đi. Tới điểm câu, chú nói mỗi lần đi câu đều thắng lợi trở về.
Nhưng hôm nay không biết thế nào, thời gian trôi qua chầm chậm, ba chúng tôi mỗi người một cần nhưng chẳng lần nào có thu hoạch. Đúng lúc tôi đang muốn cười nhạo hai người họ, thì cần Chiêu Tài giật giật, chú thấy thì lập tức đến giúp, tôi thấy một con cá trích dài một thước bị kéo lên.
Chiêu Tài đắc ý nhìn tôi nói: “Thế nào? Buổi trưa hôm nay sẽ nấu canh bằng con cá này, cam đoan ngon đến nỗi em phải rơi hàm.”
“Thôi đi, có gì đặc biệt đâu, đây là do chị may mắn. Chị chờ đấy, em sẽ câu được một con lớn hơn con cá chị câu cho xem.” Tôi không phục nói.
Chiêu Tài muốn nói gì đó nhưng lại nghe tiếng di động trong túi chú vang lên. Chú nhận điện, nói vài câu, sau đó thu cần lại nói: “Về nhà thôi, hôm nay câu đến đây nhé, trong nhà có khách đến”.
Chiêu Tài mờ mịt hỏi: “Khách đến? Ai đến cơ?”
Chú nhìn chị một chút, chỉ cười mà không nói gì. Chiêu Tài không biết chú nói có người đến là sao, có ai đến nhỉ!
Chúng tôi về đến nơi, thấy trong phòng có hai người phụ nữ một già một trẻ đang ngồi. Một người trẻ có khuôn mặt u sầu, nhất định là có việc muốn nhờ. Thím đang trò chuyện với họ, thấy chúng tôi trở về thì kêu chú: “Ông xem cho cô ấy một chút, cô ấy số khổ quá.”
Chú đi rửa tay, sau đó ngồi bên cạnh người phụ nữ, cẩn thận nhìn tướng mạo cô ấy. Sau đó gật gật đầu, rồi quay sang hỏi người phụ nữ lớn tuổi: “Chị Tống, cô gái này là gì của chị?”
Chị Tống nghe xong vội vàng nói: “Nó là Tống Mạn, cháu ruột tôi, mấy năm trước đến ở thôn Ngưu Gia. Lúc đầu không có chuyện gì, nhưng một năm trước, đứa con trai ba tuổi của nó bị người ta bắt cóc mất, vì vậy chồng nó ra ngoài tìm con. Nhưng gần một năm rồi chẳng có tin tức gì của cậu ấy cả. Cho nên hôm nay tôi dẫn nó đến đây, để chú xem cho một chút, xem chồng con nó có còn khỏe không”.
Chú nghe xong gật đầu nói: “Có thể cho biết ngày tháng năm sinh của chồng con cháu không?”
Chị Tống nghe xong thì đẩy cháu gái mình một cái, Tống Mạn lấy một tờ giấy trong túi áo ra đưa cho chú.
Chú nhận rồi nhìn tờ giấy, trên đó có viết hai ngày sinh tháng đẻ, nhưng không viết tên. Vì vậy chú bấm tay một lúc rồi nói, người sinh vào tháng giêng này là chồng cháu phải không?