Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 4: Thành Tế Châu hào kiệt lập thần, Sườn Tra Thụ Đường công gặp cướp.
Thơ rằng:
Tri kỷ không ai, biết thế nào
Đầy trời mây kéo, chẳng trăng sao
Kiếm báu bụi đầy, thời chưa gặp
Than dài quán trọ, khách lao đao.
Bài thơ trên đây có tên là "Bảo kiếm thiên", nói cảnh người tài mai một, có cũng như không, bởi lẽ thiên hạ vô dạo, chẳng dung nổi kẻ hào kiệt, đến nỗi kẻ có tài như Lý Uyên, triều đình cũng không dùng. Lại còn bao kẻ anh hùng ở đầm ruộng, mấy người biết đến, lăn lóc giữa đám bụi đời, chờ thời mà hành động. Lòng trời đã quyết hưng Đường diệt Tùy, nên đã trữ sẵn hàng loạt sự việc làm tan nát nhà họ Dương Quảng, đã dành sẵn nhiều công thần, không chỉ tay đao tay thương, khai sáng cơ nghiệp nhà Lý trên chiến trận, mà còn là những cuộc gặp gỡ không ngờ, cứu họ Lý thoát khỏi hiểm nguy.
Một trong những anh hùng đó là Tần Quỳnh, hiệu Thúc Bảo, người Lịch Thành, thuộc Sơn Đông, ông nội là Tần Húc làm tới Vũ vệ đại tướng quân nhà Bắc Tề, cha là Tần Di làm tới Vũ vệ đại tướng quân nhà Bắc Tề, mẹ là Ninh Thị. Lúc Tần Quỳnh ra đời, ông nội là Tần Húc nói:
- Nay nhà Bắc Tề, phía nam thì đánh phá nhà Trần, phía Tây thì chiếm đất nhà Chu, việc binh đao không lúc nào ngừng, làm sao mà ông con cùng cháu nhà ta dựng được cảnh thái bình cho giang sơn.
Nhân thế, mới đặt tên tự cho cháu là Thái Bình.
° ° °
Lại nói, lúc Tần Quỳnh mới ba tuổi, vua Tề sai Tần Di đi giữ Tế Châu, Tần Di đem theo cả gia quyến đến nơi nhậm chức. Tần Húc thì hộ giá vua Tề ở Tấn Dương. Vua Tề hà khắc, dân chúng nổi dậy, nhà Chu kéo quân sang đánh, quân Tề thua to, vua chạy về Tế Châu sai Tần Húc và Cao Đình Tôn ở lại giữ Tấn Dương, cầm cự được khá lâu, nhưng rồi thành bị hạ, Cao Đình Tôn bị bắt, Tần Húc hy sinh trong lúc đánh nhau. Sử thần có làm thơ ca ngợi:
Quyết chiến khói lửa mù
Nhẹ thân báo quốc thù
Nuốt Ngô còn ôm hận
Dẫu chết chí không từ.
Vua Tề tới được thành Tế Châu, sợ có ngày quân Chu kéo đánh, nên sai thừa tướng Cao A Na hiệp sức với Tần Di tìm cách quyết giữ thành Tế Châu, còn mình bỏ chạy sang Phấn Châu. Cao A Na muốn mở thành ra hàng, Tần Di không chịu nghe:
- Triều đình sợ một mình Di này binh ít, lực mỏng, mới sai thừa tướng cùng coi giữ. Thời nào cũng vậy, việc giữ thành thì chính là phải biết cầm cự, làm quân địch nhụt chí. Thừa tướng vốn là bậc đại thần của triều đình, sao lại có thể ham sống mà sinh hai lòng?
A Na đáp:
- Tướng quân chưa quen nhìn thời thế. Quân nhà Chu đến, thế như chẻ tre, Tinh Châu, Nghiệp Châu thành trì kiên cố là thế, mà cũng chẳng giữ được, huống chi mấy bức tường mỏng này. Ta chịu ơn sâu của triều đình, nhưng còn có chữ tòng quyền thì sao, xin tướng quân đừng cố chấp quá thế!
Tần Di cương quyết:
- Cha con Tần Di này thề chết vì giang sơn.
Rồi sai phái quân lính quyết giữ thành. Tần Di nói với Ninh phu nhân:
- Nay chúa thượng sai Cao A Na cùng ta giữ thành, không ngờ A Na lại thành giặc bên trong, thế lớn đã hỏng. Ta thề chết với thành, mong được thấy tiên nhân dưới suối vàng, dòng dõi họ Tần sau này, chỉ trông cậy vào phu nhân.
Vừa nói xong thì đã thấy bên ngoài vào báo:
- Cao thừa tướng đã mở cửa thành đón quân nhà Chu vào.
Tần Di vội xách hỗn thiết thương chạy ra, đã thấy quân địch như một dòng sông dữ tràn vào. Tần Di kéo khoảng vài trăm quân tinh nhuệ, làm sao đương nổi, đánh cho đến khi máu thấm mấy lần áo bào, thương tích đầy người, quân lính mười không còn lấy một, Tần Di nhìn cảnh chiến trường thét lớn:
- Sức ta kiệt rồi!
Tay liền rút đoản đao, giết thêm mấy tên lính nhà Chu nữa, rồi Tần Di mới đâm vào cổ mà tự vận.
Cửa quan trăm lính chết
Tử chiến tướng không sờn
Thành quách rồi đổ hết
Nghĩa khí dậy giang sơn !
Lúc này Ninh phu nhân thu thập gia tư, chạy khỏi Tế Châu, nhưng quân dân chạy loạn tắc nghẽn tất cả các đường mọi lối, kẻ hầu người hạ đều kinh sợ bỏ trốn cả, một mình phu nhân ẵm Thái Bình. Giữa lúc không biết chạy đâu thì may lạc vào một phố vắng, mọi nhà đều đóng chặt cửa, nhưng nghe trong nhà có tiếng trẻ con khóc, biết là có người. Ninh phu nhân liền gõ cửa, một người đàn bà ra mở, trong nhà còn thấy một đứa trẻ ba tuổi nữa. Người đàn bà ấy tự xưng là vợ góa của Trình, con nhỏ tên là Nhất Lang, chỉ có hai mẹ con, không còn ai khác.
Ninh phu nhân xin ở nhờ qua cơn loạn lạc, yên ổn rồi, nhờ mang theo được ít vàng bạc, Ninh phu nhân tìm mua được một ngôi nhà nhỏ, cũng ở một ngõ hẻm gần nhà họ Trình, hai nhà vẫn đi lại thường xuyên. Nhà Tề mất, nên chẳng ai đoái hoài đến vợ con kẻ tử tướng, sống lẫn lộn trong đám dân Tề. Hai đứa trẻ càng lớn càng khỏe mạnh, nghịch ngợm, đến năm hai mươi ba tuổi, thì suốt ngày sinh sự đánh nhau ngoài phố. ít lâu sau, nhân năm mất mùa, mẹ con Trình Nhất Lang về quê cũ Đông A, còn Ninh phu nhân cùng Thúc Bảo thì về ở Lịch Thành.
Đến tuổi trưởng thành Tần Thúc Bảo cao lớn khác thường, mắt to miệng rộng, đầu hổ, hàm én, rất nhác đọc sách, chỉ thích múa côn luyện kiếm, đánh quyền đấu vật, khắp thành đều nổi tiếng vì chuyện bênh vực kẻ yếu, trừng trị lũ ngang ngược, hành hiệp dù chết cũng không quản. Ninh phu nhân thường vừa khóc vừa khuyên con:
- Ba đời họ Tần, còn mỗi mình con, múa thương luyện quyền, vốn nghiệp tướng nhà ta, mẹ cũng không cấm, nhưng không thể khinh thường tấm thân, cậy sức mình, mà phải giữ hiếu đạo, nối nghiệp họ Tần.
Vì vậy dù sinh sự ngoài phố, chỉ nghe mẹ gọi một tiếng, Thúc Bảo liền vứt cả mọi sự trở về nhà. Mọi người thấy Thúc Bảo có sức lực võ nghệ hơn người, thừa nghĩa khí, lại rất có hiếu với mẹ, rất giống với Chuyên Chư người nước Ngô thuở xưa, nên đều gọi Thúc Bảo là Trại Chuyên Chư. Tần lấy người vợ họ Trương, nhà cũng có ít nhiều vốn liếng, Thúc Bảo thường lấy tiền bạc kết giao bạn bè, giúp đỡ kẻ khó khăn, hoạn nạn.
Lúc đầu thì làm bạn với những kẻ hào kiệt trong vùng: một người giữ chức đô đầu, chuyên việc bắt trộm cướp của thành Tế Châu, tên là Phàn Hổ, tự Kiến Uy; một anh học trò trong thành là Phòng Ngạn Tảo, một người có cửa hàng bán yên cương ngựa Giả Nhuận Phủ. Họ thường xuyên gặp nhau, khi thì cùng luyện võ nghệ, khi thì bàn binh Pháp, lại cùng nhau thăm tìm, tiếp đãi các bậc anh hùng ở nơi xa, chuyện này đâu phải chỉ một lần. Thường thì những kẻ không có bản lĩnh, vì đồng tiền mà quen biết nhau, anh thấy bạn hơn mình đã không chịu tiến cử bạn, mà còn dùng đủ thủ đoạn để chèn ép, bạn bè sẽ chê anh ta là hẹp hòi, chẳng ai phục, tên tuổi anh ta vì vậy cũng chẳng bao giờ có người biết đến.
Nói đến bản lĩnh của Thúc Bảo, ngoài chuyện cưỡi ngựa bắn cung, múa giáo thông thường, thì từ xưa tổ tiên họ Tần truyền lại một đôi lưu kim giản 1, nặng tới một trăm ba mươi cân, Thúc Bảo múa đôi giản đó lúc đầu như một đôi mãng xà uốn xuống lượn lên, sau như một đám tuyết phất phới bay, thật chẳng thể ai bằng. Còn về chuyện kết giao, thì Thúc Bảo hết lòng giúp đỡ kẻ anh hùng lỡ vận, người hào kiệt gặp bước long đong, ngay cả Ninh phu nhân và con dâu Trương Thị đều là những phụ nữ sẵn sàng cắt tóc mình bán lấy tiền đãi bạn bè, mỗ thịt ngựa tiếp khách của con của chồng. Cho nên, khi nói đến võ nghệ của Thúc Bảo, cả một vùng Hà Bắc đều tôn xưng hàng đầu, khi nói đến đạo đức Thúc Bảo, ai ai lại cũng hết lời ca ngợi thực tình. Chính là:
Kỳ tài thiên hạ sợ
Trung nghĩa thế gian nghiêng
Đừng buồn không tri kỷ
Bên trời toàn đệ huynh.
Một hôm Phàn Kiến Uy tìm gặp Thúc Bảo nói:
- Gần đây cả một vùng Tề Lỗ mất mùa đói kém, trộm cướp như ong, không tài nào dẹp hết. Hôm qua, thứ sử Tế Châu gặp tiểu đệ bàn chuyện lập đội chuyên bắt trộm cướp, tiểu đệ có tiến cử đại ca, võ nghệ hơn người, anh hùng cái thế, nguyện xin nhường đại ca làm đô đầu tiểu đệ làm phó. Thứ sử bằng lòng ngay, bảo tiểu đệ đến mời đại ca.
Thúc Bảo đáp:
- Hiền đệ, thân không phải có làm quan mới quý. Ta vì theo nghiệp tướng nhà, đắc chí thì cầm đầu một đội người ngựa, trảm tướng đoạt cờ mở mang đất nước, để vinh phong phụ mẫu, ấm tử phong thê. Nếu bất đắc chí đã sẵn mấy ruộng xấu, vài gốc lê táo, có thể phụng dưỡng mẹ già, nuôi đủ vợ con. Lại sẵn mấy gian nhà nát, đủ rượu chè gà lợn, để cùng bạn bè tri kỷ cười đùa, đàm luận. Còn chí bay nhảy anh hùng, nếu chưa nguôi hẳn được, thì tạm ngâm thơ làm phú, đánh trống dạo đàn, vớ thương kiếm múa một hồi giải khuây, cũng đủ một đời. Việc gì phải cúi đầu làm tay chân cho bọn phú huyện ăn bẩn, phải nghe theo chúng sai phái. Bắt được cướp thì công của chúng cả, tìm lại được của thì chúng vơ vét, thành mình chỉ lao tâm khổ lực, làm giàu cho chúng. Không bắt được bọn trộm cướp, lại bị chúng vu cho tội thông đồng. Nếu cùng vào hùa với bọn phủ huyện thì lại thành phường giá áo túi cơm, phản nước hại dân. Làm làm gì, ta không đi!
Kiến Uy nói:
- Đại ca, làm quan thì cũng phải từ thấp rồi mới cao. Lập công thì cũng có nhỏ rồi mới có lớn. Ban đầu Hàn Tín cũng chỉ từ người lính mà nên. Đại ca không học cầm bút, thì sao có thể làm thơ viết phú. Đại ca quên rằng, các bậc tiền bối của nhà ta, không cần vào sự che chở của cha ông dòng dõi, mà chỉ cần một thương một đao làm nên sự nghiệp. Thậm chí chỉ để mưu sống thì cũng vẫn phải làm kia mà.
Buồn chẳng văn chương, tuyết, nguyệt, hoa
Đành theo đao kiếm nối nghiệp nhà
Ngọc lành ẩn núi ai người biết
Gặp vận rồi ra rạng sơn hà.
Đang nói chuyện, thì thấy Ninh phu nhân từ nhà trong ra, nói chuyện nhỏ to với Kiến Uy rồi bảo Thúc Bảo:
- Con quá khí khái. Nhưng Phàn đại ca của con cũng có lý đấy, con suốt ngày chỉ rong chơi không có việc gì nên hồn, cái này không thể lâu dài. Nếu nhận một chức quan nào đó, chí ít cũng có được một ràng buộc, chẳng còn thì giờ mà lêu lổng. Bắt cướp trừ trộm, lập ít công danh buổi đầu cũng là tốt. Ta từng nghe kể, ông nội con từ chức vệ sĩ của Đông cung mà làm nên. Con đừng câu chấp quá thế.
Thúc Bảo vấn hiếu thuận, nghe mẹ nói thế, đành phải nghe theo không dám cãi. Ngày hôm sau, cùng Kiến Uy đến gặp thứ sử. Viên thứ sử này họ Lưu, tên Phương Thanh, thấy Thúc Bảo:
Hiên ngang mây hiện đủ màu
Lẫm liệt tuyết phơi phong độ
Lưng hùm tay gấu vẻ uy nghi
Hàm én tai voi thân tuấn tú
Đôi mắt lấp lánh chi sao sa
Khác gì Quan Vũ chi bạch diện.
Lưu thứ sử hỏi:
- Anh là Thúc Bảo à? Công việc này của anh cũng phải nói cho rõ. Kiến Uy có xin nguyện nhường chức đô đầu cho anh, ta cũng nghĩ anh là một tay được việc, vậy nên ta xếp cả hai giữ chức đô đầu. Anh nên tận tâm mà làm việc.
Hai người tạ ơn lui ra, Kiến Uy nói:
- Đại ca, bọn trộm cướp ở châu này xem ra đều là bọn cưỡi ngựa giỏi, mình chỉ chạy bộ thì không bao giờ tóm được bọn chúng. Đại huynh cần phái sắm một con ngựa thật tốt mới được.
Thúc Bảo đáp:
- Nếu thế ngày mai hiền đệ đi cùng ta đến cửa hàng của Giả Nhuận Phủ xem.
Hôm sau Thúc Bảo gói một đùm bạc, cùng Kiến Uy tìm về phía tây thành, gặp ngay Nhuận Phủ ở nhà. Chào hỏi xong, Kiến Uy nói:
- Đại ca Thúc Bảo vừa ra nhận chức đô đầu, muốn đến đây để cho đôi chân thêm mạnh.
Nhuận Phủ nói với Thúc Bảo:
- Xin mừng đại ca được bổ chức này. Đó thật là chỗ có thể hái ra bạc, nhưng cũng nhiều chuyện rầy rà, đổi sống lấy chết, vu tội cướp của. Việc này, đáng ra đại ca không nên nhận mới phải. Còn nếu nhận, thì sợ rồi sẽ không còn nâng nổi đôi giản gia truyền của họ Tần nữa đâu!
Thúc Bảo gạt đi:
- Chuyện cũng rắc rối lắm, ta không bàn nữa. Không biết ở đây hiền đệ có con ngựa nào tốt không?
Nhuận Phủ đáp:
- Vừa dịp hôm qua bọn lái ngựa vừa dắt đến mươi con.
Mọi người cùng ra chuồng ngựa sau nhà, thì thấy nào là thanh tổng, tử lưu, xích thố, Ô truy, nào là hoàng phiêu, bạch dực, ngũ hoa, con hí, con nhảy, con cúi, con ngẩng, con ăn cỏ, con uống nước, chẳng khác gì một đám mây sắc màu sặc sỡ, thật đúng là:
Lá trúc hai tai dựng
Gió lùa vó nhẹ bay
Trận tiền nề sống thác
Muôn dặm tựa tầm tay.
Kiến Uy xem một hồi, chỉ một con vừa cao vừa to, khỏe mạnh nói:
- Con này tốt, con này tốt!
Rồi chọn con tử lưu màu đỏ. Thúc Bảo lại ưng con hoàng phiêu màu vàng. Nhuận Phủ khuyên:
- Xin mời hai đại ca cưỡi thử xem!
Hai người bèn dắt ngựa ra khỏi chuồng. Kiến Uy cưỡi con tử lưu, Thúc Bảo cưỡi con hoàng phiêu, rồi phóng ra khỏi cửa, bụi bay mù.
Xem ra con tử lưu có vẻ khí thế, hoàng phiêu có vẻ bình tĩnh hơn.
Đến lúc quay về, tử lưu có vẻ mệt, dưới chân có một lớp bụi, hoàng phiêu vẫn nhởn nhơ, chân không hề có bụi, lại vẫn thuần thục.
Nhuận Phủ nhận xét:
- Thì ra hoàng phiêu lại hay hơn.
Thúc Bảo quyết định lấy con hoàng phiêu. Lái ngựa đòi một trăm lạng bạc, Thúc Bảo trả bảy mươi lạng. Nhuận Phủ đứng giữa bàn giá tám mươi lạng, lái ngựa vẫn không chịu. Nhuận Phủ phải lấy tiền của mình cho thêm, giá cả mới xong, làm văn khế, rồi sửa soạn tiệc rượu ngay ở hàng Nhuận Phủ, uống nửa say nửa tỉnh, mọi người mới giải tán. Từ đấy về sau, công việc của Thúc Bảo đều có sức lực của con hoàng phiêu.
Ít lâu sau, phủ Tế Châu bắt được một nhóm cướp đường, bọn này tuy chưa cướp được của, giết được người, nhưng theo hình luật, cũng phải tội sung quân, một nửa đi Lộ Châu, một nữa đi Trạch Châu, đều thuộc phủ Bình Dương. Lưu thứ sử sợ sinh chuyện, nên cử hai đô đầu làm hai đội trưởng dẫn bọn tội phạm đi, Kiến Uy đi Trạch Châu, Thúc Bảo đi Lộ Châu. Thúc Bảo chuẩn bị hành lý, từ biệt Ninh phu nhân và Trương Thị lên đường, trước tiên về qua bộ Binh ở Trường An lấy công văn, sau cả hai cùng lên đường đi Sơn Tây.
Con đi nghìn dặm thẳm
Mẹ già một cửa trông
Níu áo ân cần dặn
Cá nhạn đừng thong dong.
Không nói chuyện Thúc Bảo phải đi giải bọn tội phạm nữa. Hãy nói chuyện Lý Uyên nhận thánh chỉ về làm Hà Bắc đạo hành đài Thái Nguyên quận thủ, Thánh chỉ thật chẳng khác gì lệnh xá tội, Lý Uyên vội thu thập hành trang lên đường. Trước tiên, Lý cho gọi tất cả gia đinh, tụ tập ngay dưới thềm đài bán nguyệt, mọi người đều kéo tới bằng hết, Lý ngồi ngay trên thềm, nhìn thuộc hạ quen thân một lượt nghĩ đến cả bọn lâu nay lao dao, vất vả, Lý rơi nước mắt mà nói:
- Ta thực cũng chỉ mong làm quan ở Trường An thì còn giúp được các ngươi mở mang mày mặt với dời. Không ngờ có những lời đồng dao, nên ta phải quay về quê cũ. Các ngươi lâu nay vẫn ở dưới trướng ta, nay thì tùy lựa chọn.
Lý Uyên ngày thường đãi mọi người rất ơn nghĩa, nên gia đinh nghe nói thế, ai cũng sụt sùi, giọt ngắn giọt dài. Lý thấy vậy nước mắt cũng khó cầm, nhưng rồi Lý cố nén, khuyên mọi người:
- Các người không nên thở than làm gì. Nay ta không ở chức cũ nữa, có đem tất cả đi cũng chẳng biết giao việc gì cho xứng cả. Nay ta có hai đường, tùy các ngươi: hoặc ở lại Trường An, lãnh ruộng nương của ta mà cày cấy, sinh sống qua ngày, nếu đã có nhà cửa. Còn nếu ở Trường An mà không có nhà cửa thân thích, thì hãy cùng ta về Thái Nguyên, giơ thì cao, hạ thì thấp, thế nào rồi cũng có cách sinh sống.
Trong số tay chân, có nhiều kẻ muốn theo, nghe thấy Lý Uyên nói thế, liền thưa lớn:
- Chúng con đều tình nguyện đi theo đại nhân.
Đông người cũng phiền, không rõ ai muốn đi, ai không. Lý Uyên vốn mưu lược, đời nào lại chịu bó tay trước chuyện nhỏ này, bèn lên tiếng:
- Giờ ta chia làm hai nhóm. Nhóm đi Thái Nguyên thì đứng về phía bên đông. Nhóm ở lại Trường An đứng sang bên phía tây, đâu vào đấy rồi, ta còn có chuyện muốn nói.
Lý Uyên miệng thì nói thế, còn trong lòng thầm nghĩ: "Bọn theo về Thái Nguyên, cuối cùng cũng chẳng bao nhiêu". Nào ngờ phần lớn đều nguyện đi Thái Nguyên, có kẻ đã đứng bên phía tây rồi, nghĩ thế nào rồi lại chạy sang phía đông, so ra thì số ở thềm đông nhiều gấp hai số ở thềm tây. Bọn còn lại ở thềm tây lúc này không khỏi băn khoăn tính toán: ở lại Trường An, không còn được sự che chở của Lý đại nhân, nhưng về Thái Nguyên, thì thân bằng cố hữu, quen thuộc lâu nay, chỗ buôn bán, nơi công việc, làm sao mà đem theo được. Lý Uyên hỏi nhóm này:
- Các người đều muốn ở lại Trường An sao?
Một viên quan nhỏ tiến lên thưa:
- Tiểu nhân ơn được đại nhân nâng đỡ, cũng mong được tiến thân.
Những kẻ khác, kẻ thì kể có vốn liếng, có cửa hiệu buôn bán ở Trường An, người thì xin nhận ruộng nương của Lý Uyên ở Trường An, hàng năm nạp hoa lợi. Lý nghe xong, sai đem sổ sách, rương hòm ra, không kể nam nữ, già trẻ, cứ một người phát cho hai tấm vải, một đỉnh bạc. Thưởng xong, còn dặn dò thêm:
- Ta không còn ở Tràng An, các ngươi ở lại cũng nên cẩn thận, im hơi lặng tiếng, giữ lề thói sinh hoạt lâu nay. Hãy nhớ kỹ lời dặn của ta.
Bọn này lạy tạ ra đi. Lý Uyên lại quay về phía bọn đứng ở thềm phía đông hỏi:
- Các ngươi quyết theo ta về Thái Nguyên cả sao?
Tất cả kéo lại vây quanh Lý Uyên thưa:
- Tất cả chúng tôi cùng vợ con đều nguyện theo đại nhân về Thái Nguyên.
Lý Uyên lại sai giở sổ sách, phát ọi người lương thực, quần áo, tiền bạc, đầy đủ hành trang đi đường, lại dặn không được sách nhiễu dân chúng, mua bán phải sòng phẳng, nếu để dân chúng kêu ca, sẽ trách phạt không tha. Sắp đặt xong xuôi, Lý mới quay vào nhà trong, thì đã thấy Đậu phu nhân đến nói với chồng:
- Giờ được về quê, thì quả là may mắn. Nhưng chỉ ngại thiếp đã đến tháng thứ sáu rồi, đường núi dốc đèo, xe ngựa lên xuống, sợ không yên ổn, phu quân chờ cho dăm hôm, nửa tháng nữa có được không?
Lý Uyên giảng giải:
- Phu nhân thử tính xem: Chúa thượng da nghi, xung quanh lại nhiều bọn đơm đặt, lúc nào cũng gào đòi giết sạch họ Lý. Ở lại lúc nào là như ở trong hang cọp lúc ấy. May được thế này, dẫu có chết cũng về quê mà chết. Phu nhân không nhớ chuyện Lý Hồn sao, cả nhà Lý Hồn chỉ mong được về quê mà bây giờ đành về trời cả rồi.
Đậu phu nhân yên lặng không nói, chuẩn bị hành lý lên đường, Lý Uyên từ biệt bạn bè, đồng liêu, vào từ tạ vua Tùy, rồi cùng Đậu phu nhân và con gái cành vàng lá ngọc vừa mười sáu tuổi, ngồi xe có đệm êm lên đường. Có em họ Lý Uyên, Lý Đạo Tôn và con trai cả Lý Kiến Thành cưỡi ngựa kèm sau xe. Gia đinh khoảng trên bốn chục người, đều là những kẻ khỏe mạnh, can đảm quê vùng Quan Tây, cung giương sẵn, kiếm tuốt khỏi vỏ, khí thế oai nghiêm theo hộ vệ.
Trông Trường An, nhớ những ngày
Thân danh chìm nổi, trời đầy mây đen
Người đời rặt kẻ bon chen
Gió tung mưa táp, nhiều phen sững sờ.
Lúc này là giữa tiết thu, Lý Uyên chọn ngày tạnh ráo ra khỏi cửa thành, lên đường rất sớm. Kẻ đưa tiễn cũng không nhiều, chỉ vài người bạn thân uống mấy chén rượu tiễn hành, Lý cũng không dám nói gì đến chuyện quốc gia, chỉ ngắn ngủi vài lời cảm tạ bạn bè rồi từ biệt lên đường. Người ít, ngựa khỏe, nên chẳng bao lâu đã cách Trường An hơn hai mươi dặm. Quãng này vốn có tên là sườn Tra Thụ, người qua kẻ lại, khói bếp ngày càng thưa vắng, xa xa thấy một vách núi, chen chúc rừng cây rậm rạp, đầy vẻ âm u, nguy hiểm.
Vợ chồng Lý Uyên buộc phải thận trọng, không thể đi nhanh hơn, mấy chục gia đinh cưỡi ngựa, hộ vệ chung quanh không dám rời một bước. Đạo Tôn cùng Kiến Thành đi trước với mấy gia đinh, cách xa cả đoàn khoảng trên dưới một dặm, Kiến Thành đội mũ tử kim, khoác áo bào đỏ. Đạo Tôn thì đội mũ vải cứng màu lục, mặc áo bào màu đen bằng vải gai, phía trước có thêu một đóa hoa mẫu đơn lớn, vai lại khoác thêm một tấm khăn choàng, thêu cảnh chim cắt cổ long kim đang tha một con thỏ, chân mang giày trắng.
Phía chân núi bỗng thấy một người dáng to lớn khỏe mạnh, lấp ló rồi mất hút vào rừng cây. Nếu không có bọn Đạo Tôn đi trước, mà Lý Uyên với gia quyến cùng một lúc chui vào rừng, không có chuẩn bị vừa phải trông coi hành lý, vừa phải giữ gìn gia quyến, thì không sao tránh khỏi tổn thất, mấy người đi trước đã báo động được cho cả đoàn.
Vốn là Vũ Văn Thuật sai sẵn người ngựa, từ giờ dần 2 đã ra khỏi kinh thành, chờ lâu mới thấy một đoàn người ngựa tiến vào rừng, có người mặc áo bào ra dáng quan viên, thêm một chàng trai trẻ đúng vẻ công tử con quan đại thần, đinh ninh là gia quyến Lý Uyên, nên sau một tiếng thét lớn làm lệnh, cả bọn xông ra, ai nấy đều khăn trắng trùm kín đầu, mực đen bôi đầy mặt, người hùng hổ, ngựa dữ tợn, cầm toàn thương dài, đao lớn, gào thét ầm ĩ.
- Thằng khốn không râu kia, đem ngay tiền mãi lộ ra đây!
Kiến Thành thấy vậy sợ quá, thúc ngựa quay chạy thẳng. Đạo Tôn tuy cũng giật mình, nhưng vẫn cố ý giữ bình tĩnh lên tiếng quát:
- Chúng bay có lẽ đã được uống mật gấu, hai tai vểnh lên như hai cái gầu tát nước, đến nỗi không biết ông nội chúng bay là người Lý phủ ở Lũng Tây hay sao mà dám ngăn đường chặn lối.
Nói rồi rút dao lớn bên lưng mà chém tới, mấy gia đinh cũng giơ cao đoản đao xông vào đánh. Còn Kiến Thành nằm rạp trên mình ngựa bỏ chạy, vừa thấy xe ngựa của Lý Uyên đã vội la lớn:
- Nguy to rồi, nguy to rồi! Bọn cướp phía rừng đang vây kín thúc phụ rồi!
Vừa mừng thân thoát khỏi hang hùm
Thì khổ chân sa vào ổ sói.
Lý Uyên nghe xong tức tối:
- Sao còn trong đất kinh thành mà đã có cướp là làm sao?
Rồi nhảy xuống xe, Lý sai phái:
- Các người chia làm hai đội, một nửa chạy lên tiếp viện cho Đạo Tôn, một nửa giữ gìn gia quyến, xe ngựa, đưa về phía sau, chỗ có làng xóm dân chúng mà đóng giữ.
Lý Uyên tự mình cất mũ Trung Tĩnh, thay bằng một mũ vải cứng, cởi y phục đi đường, mặc áo vải gai, bên phải có ống đựng tên, bên trái dắt cung, tay giơ thiên phương họa kích, cưỡi ngựa bạch long, dẫn hơn hai mươi gia đinh, phi như bay về phía rừng, thì đã thấy bốn năm chục tên cướp, vũ khí trong tay đang vây kín Đạo Tôn. Đạo Tôn cùng mấy gia đinh, đều cầm đoản đao, cố chống đỡ. Lý Uyên muốn bắn, nhưng lại sợ trúng người nhà, nên đành phải thúc ngựa xông vào thét lớn:
- Lũ cướp này ở đâu, sao coi thường cái chết mà đón đường quân quan ta.
Mới nghe, bọn cướp cũng hoảng sợ, đã vội dồn lại thành một vòng, Lý Uyên cùng gia đinh lập tức xông vào cùng Đạo Tôn kết thành một khối. Đến khi nhìn ra, bọn cướp thấy viện quân kéo tới cũng chỉ hơn hai chục người ngựa, bọn này lấy lại được tinh thần. Vả lại việc chủ lệnh là hại Lý Uyên, nay thấy Lý tới, lẽ nào lại bỏ chạy ngay, vì vậy chúng lại giơ thương múa bổng vào, vây Lý cùng bọn gia đinh vào giữa. Chính là:
Hạng Vương cậy sức nâng nổi đỉnh
Nhưng ách Ô Giang liệu thoát không?
Không biết Lý Uyên làm thế nào mà thoát khỏi vòng vây, xin xem hồi sau sẽ rõ.
Tri kỷ không ai, biết thế nào
Đầy trời mây kéo, chẳng trăng sao
Kiếm báu bụi đầy, thời chưa gặp
Than dài quán trọ, khách lao đao.
Bài thơ trên đây có tên là "Bảo kiếm thiên", nói cảnh người tài mai một, có cũng như không, bởi lẽ thiên hạ vô dạo, chẳng dung nổi kẻ hào kiệt, đến nỗi kẻ có tài như Lý Uyên, triều đình cũng không dùng. Lại còn bao kẻ anh hùng ở đầm ruộng, mấy người biết đến, lăn lóc giữa đám bụi đời, chờ thời mà hành động. Lòng trời đã quyết hưng Đường diệt Tùy, nên đã trữ sẵn hàng loạt sự việc làm tan nát nhà họ Dương Quảng, đã dành sẵn nhiều công thần, không chỉ tay đao tay thương, khai sáng cơ nghiệp nhà Lý trên chiến trận, mà còn là những cuộc gặp gỡ không ngờ, cứu họ Lý thoát khỏi hiểm nguy.
Một trong những anh hùng đó là Tần Quỳnh, hiệu Thúc Bảo, người Lịch Thành, thuộc Sơn Đông, ông nội là Tần Húc làm tới Vũ vệ đại tướng quân nhà Bắc Tề, cha là Tần Di làm tới Vũ vệ đại tướng quân nhà Bắc Tề, mẹ là Ninh Thị. Lúc Tần Quỳnh ra đời, ông nội là Tần Húc nói:
- Nay nhà Bắc Tề, phía nam thì đánh phá nhà Trần, phía Tây thì chiếm đất nhà Chu, việc binh đao không lúc nào ngừng, làm sao mà ông con cùng cháu nhà ta dựng được cảnh thái bình cho giang sơn.
Nhân thế, mới đặt tên tự cho cháu là Thái Bình.
° ° °
Lại nói, lúc Tần Quỳnh mới ba tuổi, vua Tề sai Tần Di đi giữ Tế Châu, Tần Di đem theo cả gia quyến đến nơi nhậm chức. Tần Húc thì hộ giá vua Tề ở Tấn Dương. Vua Tề hà khắc, dân chúng nổi dậy, nhà Chu kéo quân sang đánh, quân Tề thua to, vua chạy về Tế Châu sai Tần Húc và Cao Đình Tôn ở lại giữ Tấn Dương, cầm cự được khá lâu, nhưng rồi thành bị hạ, Cao Đình Tôn bị bắt, Tần Húc hy sinh trong lúc đánh nhau. Sử thần có làm thơ ca ngợi:
Quyết chiến khói lửa mù
Nhẹ thân báo quốc thù
Nuốt Ngô còn ôm hận
Dẫu chết chí không từ.
Vua Tề tới được thành Tế Châu, sợ có ngày quân Chu kéo đánh, nên sai thừa tướng Cao A Na hiệp sức với Tần Di tìm cách quyết giữ thành Tế Châu, còn mình bỏ chạy sang Phấn Châu. Cao A Na muốn mở thành ra hàng, Tần Di không chịu nghe:
- Triều đình sợ một mình Di này binh ít, lực mỏng, mới sai thừa tướng cùng coi giữ. Thời nào cũng vậy, việc giữ thành thì chính là phải biết cầm cự, làm quân địch nhụt chí. Thừa tướng vốn là bậc đại thần của triều đình, sao lại có thể ham sống mà sinh hai lòng?
A Na đáp:
- Tướng quân chưa quen nhìn thời thế. Quân nhà Chu đến, thế như chẻ tre, Tinh Châu, Nghiệp Châu thành trì kiên cố là thế, mà cũng chẳng giữ được, huống chi mấy bức tường mỏng này. Ta chịu ơn sâu của triều đình, nhưng còn có chữ tòng quyền thì sao, xin tướng quân đừng cố chấp quá thế!
Tần Di cương quyết:
- Cha con Tần Di này thề chết vì giang sơn.
Rồi sai phái quân lính quyết giữ thành. Tần Di nói với Ninh phu nhân:
- Nay chúa thượng sai Cao A Na cùng ta giữ thành, không ngờ A Na lại thành giặc bên trong, thế lớn đã hỏng. Ta thề chết với thành, mong được thấy tiên nhân dưới suối vàng, dòng dõi họ Tần sau này, chỉ trông cậy vào phu nhân.
Vừa nói xong thì đã thấy bên ngoài vào báo:
- Cao thừa tướng đã mở cửa thành đón quân nhà Chu vào.
Tần Di vội xách hỗn thiết thương chạy ra, đã thấy quân địch như một dòng sông dữ tràn vào. Tần Di kéo khoảng vài trăm quân tinh nhuệ, làm sao đương nổi, đánh cho đến khi máu thấm mấy lần áo bào, thương tích đầy người, quân lính mười không còn lấy một, Tần Di nhìn cảnh chiến trường thét lớn:
- Sức ta kiệt rồi!
Tay liền rút đoản đao, giết thêm mấy tên lính nhà Chu nữa, rồi Tần Di mới đâm vào cổ mà tự vận.
Cửa quan trăm lính chết
Tử chiến tướng không sờn
Thành quách rồi đổ hết
Nghĩa khí dậy giang sơn !
Lúc này Ninh phu nhân thu thập gia tư, chạy khỏi Tế Châu, nhưng quân dân chạy loạn tắc nghẽn tất cả các đường mọi lối, kẻ hầu người hạ đều kinh sợ bỏ trốn cả, một mình phu nhân ẵm Thái Bình. Giữa lúc không biết chạy đâu thì may lạc vào một phố vắng, mọi nhà đều đóng chặt cửa, nhưng nghe trong nhà có tiếng trẻ con khóc, biết là có người. Ninh phu nhân liền gõ cửa, một người đàn bà ra mở, trong nhà còn thấy một đứa trẻ ba tuổi nữa. Người đàn bà ấy tự xưng là vợ góa của Trình, con nhỏ tên là Nhất Lang, chỉ có hai mẹ con, không còn ai khác.
Ninh phu nhân xin ở nhờ qua cơn loạn lạc, yên ổn rồi, nhờ mang theo được ít vàng bạc, Ninh phu nhân tìm mua được một ngôi nhà nhỏ, cũng ở một ngõ hẻm gần nhà họ Trình, hai nhà vẫn đi lại thường xuyên. Nhà Tề mất, nên chẳng ai đoái hoài đến vợ con kẻ tử tướng, sống lẫn lộn trong đám dân Tề. Hai đứa trẻ càng lớn càng khỏe mạnh, nghịch ngợm, đến năm hai mươi ba tuổi, thì suốt ngày sinh sự đánh nhau ngoài phố. ít lâu sau, nhân năm mất mùa, mẹ con Trình Nhất Lang về quê cũ Đông A, còn Ninh phu nhân cùng Thúc Bảo thì về ở Lịch Thành.
Đến tuổi trưởng thành Tần Thúc Bảo cao lớn khác thường, mắt to miệng rộng, đầu hổ, hàm én, rất nhác đọc sách, chỉ thích múa côn luyện kiếm, đánh quyền đấu vật, khắp thành đều nổi tiếng vì chuyện bênh vực kẻ yếu, trừng trị lũ ngang ngược, hành hiệp dù chết cũng không quản. Ninh phu nhân thường vừa khóc vừa khuyên con:
- Ba đời họ Tần, còn mỗi mình con, múa thương luyện quyền, vốn nghiệp tướng nhà ta, mẹ cũng không cấm, nhưng không thể khinh thường tấm thân, cậy sức mình, mà phải giữ hiếu đạo, nối nghiệp họ Tần.
Vì vậy dù sinh sự ngoài phố, chỉ nghe mẹ gọi một tiếng, Thúc Bảo liền vứt cả mọi sự trở về nhà. Mọi người thấy Thúc Bảo có sức lực võ nghệ hơn người, thừa nghĩa khí, lại rất có hiếu với mẹ, rất giống với Chuyên Chư người nước Ngô thuở xưa, nên đều gọi Thúc Bảo là Trại Chuyên Chư. Tần lấy người vợ họ Trương, nhà cũng có ít nhiều vốn liếng, Thúc Bảo thường lấy tiền bạc kết giao bạn bè, giúp đỡ kẻ khó khăn, hoạn nạn.
Lúc đầu thì làm bạn với những kẻ hào kiệt trong vùng: một người giữ chức đô đầu, chuyên việc bắt trộm cướp của thành Tế Châu, tên là Phàn Hổ, tự Kiến Uy; một anh học trò trong thành là Phòng Ngạn Tảo, một người có cửa hàng bán yên cương ngựa Giả Nhuận Phủ. Họ thường xuyên gặp nhau, khi thì cùng luyện võ nghệ, khi thì bàn binh Pháp, lại cùng nhau thăm tìm, tiếp đãi các bậc anh hùng ở nơi xa, chuyện này đâu phải chỉ một lần. Thường thì những kẻ không có bản lĩnh, vì đồng tiền mà quen biết nhau, anh thấy bạn hơn mình đã không chịu tiến cử bạn, mà còn dùng đủ thủ đoạn để chèn ép, bạn bè sẽ chê anh ta là hẹp hòi, chẳng ai phục, tên tuổi anh ta vì vậy cũng chẳng bao giờ có người biết đến.
Nói đến bản lĩnh của Thúc Bảo, ngoài chuyện cưỡi ngựa bắn cung, múa giáo thông thường, thì từ xưa tổ tiên họ Tần truyền lại một đôi lưu kim giản 1, nặng tới một trăm ba mươi cân, Thúc Bảo múa đôi giản đó lúc đầu như một đôi mãng xà uốn xuống lượn lên, sau như một đám tuyết phất phới bay, thật chẳng thể ai bằng. Còn về chuyện kết giao, thì Thúc Bảo hết lòng giúp đỡ kẻ anh hùng lỡ vận, người hào kiệt gặp bước long đong, ngay cả Ninh phu nhân và con dâu Trương Thị đều là những phụ nữ sẵn sàng cắt tóc mình bán lấy tiền đãi bạn bè, mỗ thịt ngựa tiếp khách của con của chồng. Cho nên, khi nói đến võ nghệ của Thúc Bảo, cả một vùng Hà Bắc đều tôn xưng hàng đầu, khi nói đến đạo đức Thúc Bảo, ai ai lại cũng hết lời ca ngợi thực tình. Chính là:
Kỳ tài thiên hạ sợ
Trung nghĩa thế gian nghiêng
Đừng buồn không tri kỷ
Bên trời toàn đệ huynh.
Một hôm Phàn Kiến Uy tìm gặp Thúc Bảo nói:
- Gần đây cả một vùng Tề Lỗ mất mùa đói kém, trộm cướp như ong, không tài nào dẹp hết. Hôm qua, thứ sử Tế Châu gặp tiểu đệ bàn chuyện lập đội chuyên bắt trộm cướp, tiểu đệ có tiến cử đại ca, võ nghệ hơn người, anh hùng cái thế, nguyện xin nhường đại ca làm đô đầu tiểu đệ làm phó. Thứ sử bằng lòng ngay, bảo tiểu đệ đến mời đại ca.
Thúc Bảo đáp:
- Hiền đệ, thân không phải có làm quan mới quý. Ta vì theo nghiệp tướng nhà, đắc chí thì cầm đầu một đội người ngựa, trảm tướng đoạt cờ mở mang đất nước, để vinh phong phụ mẫu, ấm tử phong thê. Nếu bất đắc chí đã sẵn mấy ruộng xấu, vài gốc lê táo, có thể phụng dưỡng mẹ già, nuôi đủ vợ con. Lại sẵn mấy gian nhà nát, đủ rượu chè gà lợn, để cùng bạn bè tri kỷ cười đùa, đàm luận. Còn chí bay nhảy anh hùng, nếu chưa nguôi hẳn được, thì tạm ngâm thơ làm phú, đánh trống dạo đàn, vớ thương kiếm múa một hồi giải khuây, cũng đủ một đời. Việc gì phải cúi đầu làm tay chân cho bọn phú huyện ăn bẩn, phải nghe theo chúng sai phái. Bắt được cướp thì công của chúng cả, tìm lại được của thì chúng vơ vét, thành mình chỉ lao tâm khổ lực, làm giàu cho chúng. Không bắt được bọn trộm cướp, lại bị chúng vu cho tội thông đồng. Nếu cùng vào hùa với bọn phủ huyện thì lại thành phường giá áo túi cơm, phản nước hại dân. Làm làm gì, ta không đi!
Kiến Uy nói:
- Đại ca, làm quan thì cũng phải từ thấp rồi mới cao. Lập công thì cũng có nhỏ rồi mới có lớn. Ban đầu Hàn Tín cũng chỉ từ người lính mà nên. Đại ca không học cầm bút, thì sao có thể làm thơ viết phú. Đại ca quên rằng, các bậc tiền bối của nhà ta, không cần vào sự che chở của cha ông dòng dõi, mà chỉ cần một thương một đao làm nên sự nghiệp. Thậm chí chỉ để mưu sống thì cũng vẫn phải làm kia mà.
Buồn chẳng văn chương, tuyết, nguyệt, hoa
Đành theo đao kiếm nối nghiệp nhà
Ngọc lành ẩn núi ai người biết
Gặp vận rồi ra rạng sơn hà.
Đang nói chuyện, thì thấy Ninh phu nhân từ nhà trong ra, nói chuyện nhỏ to với Kiến Uy rồi bảo Thúc Bảo:
- Con quá khí khái. Nhưng Phàn đại ca của con cũng có lý đấy, con suốt ngày chỉ rong chơi không có việc gì nên hồn, cái này không thể lâu dài. Nếu nhận một chức quan nào đó, chí ít cũng có được một ràng buộc, chẳng còn thì giờ mà lêu lổng. Bắt cướp trừ trộm, lập ít công danh buổi đầu cũng là tốt. Ta từng nghe kể, ông nội con từ chức vệ sĩ của Đông cung mà làm nên. Con đừng câu chấp quá thế.
Thúc Bảo vấn hiếu thuận, nghe mẹ nói thế, đành phải nghe theo không dám cãi. Ngày hôm sau, cùng Kiến Uy đến gặp thứ sử. Viên thứ sử này họ Lưu, tên Phương Thanh, thấy Thúc Bảo:
Hiên ngang mây hiện đủ màu
Lẫm liệt tuyết phơi phong độ
Lưng hùm tay gấu vẻ uy nghi
Hàm én tai voi thân tuấn tú
Đôi mắt lấp lánh chi sao sa
Khác gì Quan Vũ chi bạch diện.
Lưu thứ sử hỏi:
- Anh là Thúc Bảo à? Công việc này của anh cũng phải nói cho rõ. Kiến Uy có xin nguyện nhường chức đô đầu cho anh, ta cũng nghĩ anh là một tay được việc, vậy nên ta xếp cả hai giữ chức đô đầu. Anh nên tận tâm mà làm việc.
Hai người tạ ơn lui ra, Kiến Uy nói:
- Đại ca, bọn trộm cướp ở châu này xem ra đều là bọn cưỡi ngựa giỏi, mình chỉ chạy bộ thì không bao giờ tóm được bọn chúng. Đại huynh cần phái sắm một con ngựa thật tốt mới được.
Thúc Bảo đáp:
- Nếu thế ngày mai hiền đệ đi cùng ta đến cửa hàng của Giả Nhuận Phủ xem.
Hôm sau Thúc Bảo gói một đùm bạc, cùng Kiến Uy tìm về phía tây thành, gặp ngay Nhuận Phủ ở nhà. Chào hỏi xong, Kiến Uy nói:
- Đại ca Thúc Bảo vừa ra nhận chức đô đầu, muốn đến đây để cho đôi chân thêm mạnh.
Nhuận Phủ nói với Thúc Bảo:
- Xin mừng đại ca được bổ chức này. Đó thật là chỗ có thể hái ra bạc, nhưng cũng nhiều chuyện rầy rà, đổi sống lấy chết, vu tội cướp của. Việc này, đáng ra đại ca không nên nhận mới phải. Còn nếu nhận, thì sợ rồi sẽ không còn nâng nổi đôi giản gia truyền của họ Tần nữa đâu!
Thúc Bảo gạt đi:
- Chuyện cũng rắc rối lắm, ta không bàn nữa. Không biết ở đây hiền đệ có con ngựa nào tốt không?
Nhuận Phủ đáp:
- Vừa dịp hôm qua bọn lái ngựa vừa dắt đến mươi con.
Mọi người cùng ra chuồng ngựa sau nhà, thì thấy nào là thanh tổng, tử lưu, xích thố, Ô truy, nào là hoàng phiêu, bạch dực, ngũ hoa, con hí, con nhảy, con cúi, con ngẩng, con ăn cỏ, con uống nước, chẳng khác gì một đám mây sắc màu sặc sỡ, thật đúng là:
Lá trúc hai tai dựng
Gió lùa vó nhẹ bay
Trận tiền nề sống thác
Muôn dặm tựa tầm tay.
Kiến Uy xem một hồi, chỉ một con vừa cao vừa to, khỏe mạnh nói:
- Con này tốt, con này tốt!
Rồi chọn con tử lưu màu đỏ. Thúc Bảo lại ưng con hoàng phiêu màu vàng. Nhuận Phủ khuyên:
- Xin mời hai đại ca cưỡi thử xem!
Hai người bèn dắt ngựa ra khỏi chuồng. Kiến Uy cưỡi con tử lưu, Thúc Bảo cưỡi con hoàng phiêu, rồi phóng ra khỏi cửa, bụi bay mù.
Xem ra con tử lưu có vẻ khí thế, hoàng phiêu có vẻ bình tĩnh hơn.
Đến lúc quay về, tử lưu có vẻ mệt, dưới chân có một lớp bụi, hoàng phiêu vẫn nhởn nhơ, chân không hề có bụi, lại vẫn thuần thục.
Nhuận Phủ nhận xét:
- Thì ra hoàng phiêu lại hay hơn.
Thúc Bảo quyết định lấy con hoàng phiêu. Lái ngựa đòi một trăm lạng bạc, Thúc Bảo trả bảy mươi lạng. Nhuận Phủ đứng giữa bàn giá tám mươi lạng, lái ngựa vẫn không chịu. Nhuận Phủ phải lấy tiền của mình cho thêm, giá cả mới xong, làm văn khế, rồi sửa soạn tiệc rượu ngay ở hàng Nhuận Phủ, uống nửa say nửa tỉnh, mọi người mới giải tán. Từ đấy về sau, công việc của Thúc Bảo đều có sức lực của con hoàng phiêu.
Ít lâu sau, phủ Tế Châu bắt được một nhóm cướp đường, bọn này tuy chưa cướp được của, giết được người, nhưng theo hình luật, cũng phải tội sung quân, một nửa đi Lộ Châu, một nữa đi Trạch Châu, đều thuộc phủ Bình Dương. Lưu thứ sử sợ sinh chuyện, nên cử hai đô đầu làm hai đội trưởng dẫn bọn tội phạm đi, Kiến Uy đi Trạch Châu, Thúc Bảo đi Lộ Châu. Thúc Bảo chuẩn bị hành lý, từ biệt Ninh phu nhân và Trương Thị lên đường, trước tiên về qua bộ Binh ở Trường An lấy công văn, sau cả hai cùng lên đường đi Sơn Tây.
Con đi nghìn dặm thẳm
Mẹ già một cửa trông
Níu áo ân cần dặn
Cá nhạn đừng thong dong.
Không nói chuyện Thúc Bảo phải đi giải bọn tội phạm nữa. Hãy nói chuyện Lý Uyên nhận thánh chỉ về làm Hà Bắc đạo hành đài Thái Nguyên quận thủ, Thánh chỉ thật chẳng khác gì lệnh xá tội, Lý Uyên vội thu thập hành trang lên đường. Trước tiên, Lý cho gọi tất cả gia đinh, tụ tập ngay dưới thềm đài bán nguyệt, mọi người đều kéo tới bằng hết, Lý ngồi ngay trên thềm, nhìn thuộc hạ quen thân một lượt nghĩ đến cả bọn lâu nay lao dao, vất vả, Lý rơi nước mắt mà nói:
- Ta thực cũng chỉ mong làm quan ở Trường An thì còn giúp được các ngươi mở mang mày mặt với dời. Không ngờ có những lời đồng dao, nên ta phải quay về quê cũ. Các ngươi lâu nay vẫn ở dưới trướng ta, nay thì tùy lựa chọn.
Lý Uyên ngày thường đãi mọi người rất ơn nghĩa, nên gia đinh nghe nói thế, ai cũng sụt sùi, giọt ngắn giọt dài. Lý thấy vậy nước mắt cũng khó cầm, nhưng rồi Lý cố nén, khuyên mọi người:
- Các người không nên thở than làm gì. Nay ta không ở chức cũ nữa, có đem tất cả đi cũng chẳng biết giao việc gì cho xứng cả. Nay ta có hai đường, tùy các ngươi: hoặc ở lại Trường An, lãnh ruộng nương của ta mà cày cấy, sinh sống qua ngày, nếu đã có nhà cửa. Còn nếu ở Trường An mà không có nhà cửa thân thích, thì hãy cùng ta về Thái Nguyên, giơ thì cao, hạ thì thấp, thế nào rồi cũng có cách sinh sống.
Trong số tay chân, có nhiều kẻ muốn theo, nghe thấy Lý Uyên nói thế, liền thưa lớn:
- Chúng con đều tình nguyện đi theo đại nhân.
Đông người cũng phiền, không rõ ai muốn đi, ai không. Lý Uyên vốn mưu lược, đời nào lại chịu bó tay trước chuyện nhỏ này, bèn lên tiếng:
- Giờ ta chia làm hai nhóm. Nhóm đi Thái Nguyên thì đứng về phía bên đông. Nhóm ở lại Trường An đứng sang bên phía tây, đâu vào đấy rồi, ta còn có chuyện muốn nói.
Lý Uyên miệng thì nói thế, còn trong lòng thầm nghĩ: "Bọn theo về Thái Nguyên, cuối cùng cũng chẳng bao nhiêu". Nào ngờ phần lớn đều nguyện đi Thái Nguyên, có kẻ đã đứng bên phía tây rồi, nghĩ thế nào rồi lại chạy sang phía đông, so ra thì số ở thềm đông nhiều gấp hai số ở thềm tây. Bọn còn lại ở thềm tây lúc này không khỏi băn khoăn tính toán: ở lại Trường An, không còn được sự che chở của Lý đại nhân, nhưng về Thái Nguyên, thì thân bằng cố hữu, quen thuộc lâu nay, chỗ buôn bán, nơi công việc, làm sao mà đem theo được. Lý Uyên hỏi nhóm này:
- Các người đều muốn ở lại Trường An sao?
Một viên quan nhỏ tiến lên thưa:
- Tiểu nhân ơn được đại nhân nâng đỡ, cũng mong được tiến thân.
Những kẻ khác, kẻ thì kể có vốn liếng, có cửa hiệu buôn bán ở Trường An, người thì xin nhận ruộng nương của Lý Uyên ở Trường An, hàng năm nạp hoa lợi. Lý nghe xong, sai đem sổ sách, rương hòm ra, không kể nam nữ, già trẻ, cứ một người phát cho hai tấm vải, một đỉnh bạc. Thưởng xong, còn dặn dò thêm:
- Ta không còn ở Tràng An, các ngươi ở lại cũng nên cẩn thận, im hơi lặng tiếng, giữ lề thói sinh hoạt lâu nay. Hãy nhớ kỹ lời dặn của ta.
Bọn này lạy tạ ra đi. Lý Uyên lại quay về phía bọn đứng ở thềm phía đông hỏi:
- Các ngươi quyết theo ta về Thái Nguyên cả sao?
Tất cả kéo lại vây quanh Lý Uyên thưa:
- Tất cả chúng tôi cùng vợ con đều nguyện theo đại nhân về Thái Nguyên.
Lý Uyên lại sai giở sổ sách, phát ọi người lương thực, quần áo, tiền bạc, đầy đủ hành trang đi đường, lại dặn không được sách nhiễu dân chúng, mua bán phải sòng phẳng, nếu để dân chúng kêu ca, sẽ trách phạt không tha. Sắp đặt xong xuôi, Lý mới quay vào nhà trong, thì đã thấy Đậu phu nhân đến nói với chồng:
- Giờ được về quê, thì quả là may mắn. Nhưng chỉ ngại thiếp đã đến tháng thứ sáu rồi, đường núi dốc đèo, xe ngựa lên xuống, sợ không yên ổn, phu quân chờ cho dăm hôm, nửa tháng nữa có được không?
Lý Uyên giảng giải:
- Phu nhân thử tính xem: Chúa thượng da nghi, xung quanh lại nhiều bọn đơm đặt, lúc nào cũng gào đòi giết sạch họ Lý. Ở lại lúc nào là như ở trong hang cọp lúc ấy. May được thế này, dẫu có chết cũng về quê mà chết. Phu nhân không nhớ chuyện Lý Hồn sao, cả nhà Lý Hồn chỉ mong được về quê mà bây giờ đành về trời cả rồi.
Đậu phu nhân yên lặng không nói, chuẩn bị hành lý lên đường, Lý Uyên từ biệt bạn bè, đồng liêu, vào từ tạ vua Tùy, rồi cùng Đậu phu nhân và con gái cành vàng lá ngọc vừa mười sáu tuổi, ngồi xe có đệm êm lên đường. Có em họ Lý Uyên, Lý Đạo Tôn và con trai cả Lý Kiến Thành cưỡi ngựa kèm sau xe. Gia đinh khoảng trên bốn chục người, đều là những kẻ khỏe mạnh, can đảm quê vùng Quan Tây, cung giương sẵn, kiếm tuốt khỏi vỏ, khí thế oai nghiêm theo hộ vệ.
Trông Trường An, nhớ những ngày
Thân danh chìm nổi, trời đầy mây đen
Người đời rặt kẻ bon chen
Gió tung mưa táp, nhiều phen sững sờ.
Lúc này là giữa tiết thu, Lý Uyên chọn ngày tạnh ráo ra khỏi cửa thành, lên đường rất sớm. Kẻ đưa tiễn cũng không nhiều, chỉ vài người bạn thân uống mấy chén rượu tiễn hành, Lý cũng không dám nói gì đến chuyện quốc gia, chỉ ngắn ngủi vài lời cảm tạ bạn bè rồi từ biệt lên đường. Người ít, ngựa khỏe, nên chẳng bao lâu đã cách Trường An hơn hai mươi dặm. Quãng này vốn có tên là sườn Tra Thụ, người qua kẻ lại, khói bếp ngày càng thưa vắng, xa xa thấy một vách núi, chen chúc rừng cây rậm rạp, đầy vẻ âm u, nguy hiểm.
Vợ chồng Lý Uyên buộc phải thận trọng, không thể đi nhanh hơn, mấy chục gia đinh cưỡi ngựa, hộ vệ chung quanh không dám rời một bước. Đạo Tôn cùng Kiến Thành đi trước với mấy gia đinh, cách xa cả đoàn khoảng trên dưới một dặm, Kiến Thành đội mũ tử kim, khoác áo bào đỏ. Đạo Tôn thì đội mũ vải cứng màu lục, mặc áo bào màu đen bằng vải gai, phía trước có thêu một đóa hoa mẫu đơn lớn, vai lại khoác thêm một tấm khăn choàng, thêu cảnh chim cắt cổ long kim đang tha một con thỏ, chân mang giày trắng.
Phía chân núi bỗng thấy một người dáng to lớn khỏe mạnh, lấp ló rồi mất hút vào rừng cây. Nếu không có bọn Đạo Tôn đi trước, mà Lý Uyên với gia quyến cùng một lúc chui vào rừng, không có chuẩn bị vừa phải trông coi hành lý, vừa phải giữ gìn gia quyến, thì không sao tránh khỏi tổn thất, mấy người đi trước đã báo động được cho cả đoàn.
Vốn là Vũ Văn Thuật sai sẵn người ngựa, từ giờ dần 2 đã ra khỏi kinh thành, chờ lâu mới thấy một đoàn người ngựa tiến vào rừng, có người mặc áo bào ra dáng quan viên, thêm một chàng trai trẻ đúng vẻ công tử con quan đại thần, đinh ninh là gia quyến Lý Uyên, nên sau một tiếng thét lớn làm lệnh, cả bọn xông ra, ai nấy đều khăn trắng trùm kín đầu, mực đen bôi đầy mặt, người hùng hổ, ngựa dữ tợn, cầm toàn thương dài, đao lớn, gào thét ầm ĩ.
- Thằng khốn không râu kia, đem ngay tiền mãi lộ ra đây!
Kiến Thành thấy vậy sợ quá, thúc ngựa quay chạy thẳng. Đạo Tôn tuy cũng giật mình, nhưng vẫn cố ý giữ bình tĩnh lên tiếng quát:
- Chúng bay có lẽ đã được uống mật gấu, hai tai vểnh lên như hai cái gầu tát nước, đến nỗi không biết ông nội chúng bay là người Lý phủ ở Lũng Tây hay sao mà dám ngăn đường chặn lối.
Nói rồi rút dao lớn bên lưng mà chém tới, mấy gia đinh cũng giơ cao đoản đao xông vào đánh. Còn Kiến Thành nằm rạp trên mình ngựa bỏ chạy, vừa thấy xe ngựa của Lý Uyên đã vội la lớn:
- Nguy to rồi, nguy to rồi! Bọn cướp phía rừng đang vây kín thúc phụ rồi!
Vừa mừng thân thoát khỏi hang hùm
Thì khổ chân sa vào ổ sói.
Lý Uyên nghe xong tức tối:
- Sao còn trong đất kinh thành mà đã có cướp là làm sao?
Rồi nhảy xuống xe, Lý sai phái:
- Các người chia làm hai đội, một nửa chạy lên tiếp viện cho Đạo Tôn, một nửa giữ gìn gia quyến, xe ngựa, đưa về phía sau, chỗ có làng xóm dân chúng mà đóng giữ.
Lý Uyên tự mình cất mũ Trung Tĩnh, thay bằng một mũ vải cứng, cởi y phục đi đường, mặc áo vải gai, bên phải có ống đựng tên, bên trái dắt cung, tay giơ thiên phương họa kích, cưỡi ngựa bạch long, dẫn hơn hai mươi gia đinh, phi như bay về phía rừng, thì đã thấy bốn năm chục tên cướp, vũ khí trong tay đang vây kín Đạo Tôn. Đạo Tôn cùng mấy gia đinh, đều cầm đoản đao, cố chống đỡ. Lý Uyên muốn bắn, nhưng lại sợ trúng người nhà, nên đành phải thúc ngựa xông vào thét lớn:
- Lũ cướp này ở đâu, sao coi thường cái chết mà đón đường quân quan ta.
Mới nghe, bọn cướp cũng hoảng sợ, đã vội dồn lại thành một vòng, Lý Uyên cùng gia đinh lập tức xông vào cùng Đạo Tôn kết thành một khối. Đến khi nhìn ra, bọn cướp thấy viện quân kéo tới cũng chỉ hơn hai chục người ngựa, bọn này lấy lại được tinh thần. Vả lại việc chủ lệnh là hại Lý Uyên, nay thấy Lý tới, lẽ nào lại bỏ chạy ngay, vì vậy chúng lại giơ thương múa bổng vào, vây Lý cùng bọn gia đinh vào giữa. Chính là:
Hạng Vương cậy sức nâng nổi đỉnh
Nhưng ách Ô Giang liệu thoát không?
Không biết Lý Uyên làm thế nào mà thoát khỏi vòng vây, xin xem hồi sau sẽ rõ.