- Tác giả
- Mie
- Thể loại
- lịch sử, chiến tranh
- Tình trạng
- Đang viết
- Lượt đọc
- 3,314
- Cập nhật
Viết cho lịch sử đất An Nam
Mie Huyền Phương
***
Mie Huyền Phương
***
Năm 1858, quân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn kí cho chúng nhiều bản hiệp ước, nhượng vô số quyền lợi, nhắm mắt làm ngơ trước cảnh dân ta đói khổ, bần hàn.
Đứa bé mới sinh vài ngày da thịt xanh tím lại trước cái rét thấu xương tủy của một mùa đông tuyệt vọng, tiếng khóc ai oán thấu trời xanh của người thiếu phụ trước cảnh chồng gục ngã trong vũng máu, giọng khàn đặc của người con gái đã không còn hơi sức để kêu thành tiếng khi bị “lũ quỷ mắt xanh” xâm hại…
Máu chảy thành sông, xương chất thành núi.
Trời đất có thấy chăng? Tổ tiển có thấy chăng?
Bi ai thay! Đau đớn thay! Một cõi giời Nam oán khí tích tụ! Thảm cảnh kia, là vì đâu?
Tổ quốc của ta, quê hương của ta đã bao đời nay chiến đấu oai hùng. Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô, sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã, Gò Đống Đa chôn xác tử thù…Mấy ngàn năm dựng nước, máu xương hy sinh, dòng châu người vợ, người mẹ tựa cửa đợi ai đi mãi không về…tất cả chỉ để giữ cho vẹn nguyên hai tiếng “Việt Nam”.
Dẫu biết rằng đã đến ngày tàn của một thời đại phong kiến vàng son, dẫu biết mỗi triều đều có kẻ đê hèn không xứng ngồi lên vị trí ngai vàng, nhưng sao ta vẫn thấy đáng buồn thay cho nhà Nguyễn, đi theo lối mòn, tách bản thân khỏi sự phát triển từng ngày của thế giới, không chấp nhận quan hệ với những đế quốc Tây phương, để rồi dẫn đến cơ sự này…
Thiết nghĩ, giá như Nguyễn Ánh không có số Đế vương, giá như kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” đó không thoát khỏi lưới kiếm đức hoàng đế Quang Trung, giá như vị vua huyền thoại ấy không ra đi quá sớm, thì có lẽ…có lẽ…
Ta khóc trước tượng đài Thánh thượng quá cố. Hỡi đức vua quyền uy, tài trí, Ngài có nghe thấy tiếng lòng ta chăng? Ngài có trông thấy máu con dân thấm ướt dải đất chữ S này chăng? Ngài có đau khổ, có ngày đêm đỏ mắt ngóng trông đấng anh hùng nào đó tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc đang chìm trong bóng tối tuyệt vọng không lối thoát này chăng?
Ta hận, hận kẻ bán nước kia, hận Trời không phù hộ nước Nam ta…Hỡi những kẻ cầm quyền thực dân, các ngươi bắt lính Lê Dương sang giày xéo đất nước ta, các ngươi ép người Nam lao vào lửa chết thay trong công cuộc mưu đồ bá quyền, các ngươi hành hạ đồng loại. Ta không oán người đi bộ đội nhưng ta nuôi mối cừu thù với lũ khốn chúng bay!
Gió Đông Bắc gào thét ngoài kia, mà trong lòng ta sóng gầm dữ dội. Ta run lên từng hồi bởi nỗi hận thù, không, trên cả hận thù, là…đau xót. Phải, ta đau xót cho dân tộc ta ngàn đời hứng chịu họa xâm lăng. Ta đau xót cho những mảnh đời bất hạnh chết dưới nòng súng, viên đạn. Muốn khóc làm sao, khóc vì tim đang quặn thắt, nhưng cũng khóc trong tự hào. Các ngươi có hiểu không? Các ngươi có hiểu được sự thật trong câu nói của Nguyễn Trung Trực: “Khi nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”? Càng ra sức nhổ, cỏ càng mọc. Loài thực vật hoang dại kia không bao giờ đầu hàng số phận, vươn lên từ nơi cằn cỗi nhất. Cuộc sống dưới ách thống trị đã không bằng cái chết, vậy thì việc gì ta phải sợ? Thà rằng một lần đổ máu với niềm hy vọng lớn lao còn hơn mãi mãi làm phận trâu ngựa, mãi mãi không có ngày nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Các ngươi muốn bình định? Được, cứ việc, ngươi càng đánh, ta càng gan lì chống trả, ngươi càng phá, ta càng quyết chí dựng xây cơ đồ!
Last edited by a moderator:
Bình luận facebook