• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Ai bảo quan kinh thành có tiền có thịt (4 Viewers)

  • Chương 100

Năm ông nội ta ba mươi chín tuổi, nhậm chức Quốc Tử Giám tế tửu, hai năm sau, xin được từ quan, mang theo gia quyến đi Ngô Giang.

Nghe nói lúc ấy tiệc rượu đưa tiễn trong kinh bữa này nối tiếp bữa khác, mà tiệc rượu trong thiên hạ này, làm sao có thể ăn cho hết chứ?

Thế gian này, hợp rồi tan là chuyện rất thường tình, thật ra không cần lo lắng việc này vừa kết thúc, cũng sẽ không còn gặp lại.

So sánh với bậc cha chú của ông, cuộc đời ông lại yên tĩnh, không có gì đặc sắc đến mức nhạt nhẽo. Mỗi người đều có lựa chọn cùng với chu toàn của chính mình, làm quan quy ẩn cũng không phải là con đường trọn vẹn nhất, thứ mong cầu, chẳng qua là bản tâm của mình thôi.

Lúc ông rời kinh, dưới gối đã có hai trai một gái và một cháu trai, con trai trưởng chính là cha ta Thẩm Quân, còn ta chính là trưởng tôn ấy.

Bà nội ta là Cố An, nguyên quán ở Ngô Giang, gia đình bà chính là nhà giàu nhiều đời ở Giang Nam, nổi danh là dòng dõi thư hương, đến đời của bà nội ta, lại ít nhiều có chút xuống dốc. Trước khi kết hôn, bọn họ cũng không quen biết, mà sau đó không lâu, liền sinh ra cha ta.

Cứ nghe bà cố ta quản giáo vô cùng nghiêm khắc, ánh mắt cũng thật sự rất cao, cho nên người vợ mà bà tuyển chọn cho con trai độc nhất này, cũng tuyệt đối xứng đôi với ông nội ta. Nói như vậy, thật ra không được bài bản cho lắm, nhưng ánh mắt của bà quả thực là rất tốt, cũng giống như bà buôn bán kiếm tiền thành công nhiều như vậy, cọc hôn sự này của ông nội bà nội ta, sau này sự thật đã được chứng minh là vô cùng viên mãn.

Vào năm ta được sinh ra, bà cố cũng qua đời, bởi vì hàng năm bôn ba bên ngoài, có lẽ khiến cho dạ dày bị yếu, trong mấy tháng vào lúc cuối đời, ăn thứ gì vào cũng đều ói ra, chỉ có thể nuốt một ít thức ăn lỏng. Nghe nói trước khi lâm chung, người bà gầy trơ xương, chịu khổ cho đến khi dầu hết đèn tắt. Ông cố thì đã mất từ trước khi ta sinh ra, cả đời ông ấy làm quan cống hiến cho triều đình. Truyền thuyết kể lại, sau khi qua đời, người đến phúng viếng ông nối liền không dứt, trong đó có rất nhiều người đều không dám nói chuyện với ông khi ông còn sống.

Cũng vào năm bà cố ta qua đời, ông nội ta từ quan ở kinh thành, thu thập hành trang, mang theo người một nhà đi đến cố hương của bà nội —— Ngô Giang.

Nghe nói tính tình của bà cố ta hấp tấp nóng nảy, ông cố ta lại thích im lặng không lên tiếng, vừa nói một câu là phải đâm vào chỗ đau của người khác. Ngược lại ông nội ta lại hoàn toàn không giống hai người bọn họ, tâm tính của ông rất là bình thản, bao nhiêu năm làm việc trong triều đình, chưa bao giờ gây thù địch với ai, cũng không lộ ra sự sắc sảo của mình, nhân duyên vô cùng tốt, có thể nói là một người tao nhã khiêm tốn.

Sau khi quay về Ngô Giang, ông tự mình xây dựng thư viện, thu nhận học sinh rộng khắp, mặc dù công việc vẫn là dạy học, nhưng lại hoàn toàn khác với Quốc Tử Giám ở kinh thành. Vài năm sau, ông chuyên tâm nghiên cứu học vấn, cuộc sống quả thật là tự đắc.

Nhưng, ông cũng sẽ già.

Cha ta đã khuyên ông nhiều lần, nên đi ra ngoài nhiều nhiều một chút, đừng cứ ru rú trong thư phòng như thế nữa. Nhưng lão nhân gia đã đi đứng không quá thuận tiện, đi ra ngoài dạo một vòng quay về, lại cười nói là chân đau đớn vô cùng, mỗi khi gặp phải thời tiết ẩm thấp, cả người lại nặng nề, kiểu gì cũng không thoải mái được.

Năm ấy, ta đã nhược quán, ông cười nói, ta cũng sắp đến tuổi cưới vợ rồi, nhưng vì chưa bao giờ đi đâu quá xa nhà, liền đề nghị ta rời khỏi Ngô Giang, đi ra ngoài quan sát việc đời.

Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường. Tuy học vấn chưa hẳn là nằm trên đường đi, nhưng trên đường thì lại gặp được nhiều khả năng xảy ra hơn.

Ta thương lượng với phụ thân về việc này, phụ thân gật đầu tán thành, ta liền bắt đầu thu thập hành trang, dự định xuất phát.

Trước khi đi, ông nội gọi ta qua, từ trong một cái hộp nhỏ tinh xảo, lấy ra một tờ khế đất đã ố vàng giòn rụm, hết sức cẩn thận mở ra cho ta xem, sao chép lại rồi bỏ lại vào trong hộp kia, nói: “Tụng Chi, lúc trước con sinh ra trong ngôi nhà ở kinh thành này. Chúng ta dọn khỏi kinh thành ngần ấy năm, ông không còn sức quay lại thăm nó nữa, con đi xem một chút đi. Nếu có ý tưởng gì, cứ xử lý sạch tòa nhà kia là được.”

Vẻ mặt ông ôn hòa, muốn dưỡng ra tính tình như vậy cần rất nhiều năm, nhưng hình như từ nhỏ ông đã như thế, mãi cho đến hiện tại, cũng vẫn nho nhã phong độ như trước.

Y tích hồng nhan mĩ thiếu niên.(1)

(1) Một câu trong bài ‘Đại bi bạch đầu ông’ (Thương thay ông lão đầu bạc) của Lưu Hi Di, câu này nghĩa là ‘xưa kia cũng từng là một thiếu niên tuấn tú’.

Cũng không biết trước khi ông đón dâu, có phải là người trong mộng của biết bao cô gái nơi khuê phòng hay không. Năm ông mười chín tuổi thì trở thành Trạng nguyên được chính tay Hoàng thượng ngự bút khâm điểm, cho nên mới bước chân trên quan lộ, ba mươi chín tuổi quy ẩn ở vùng sông nước Giang Nam, không va chạm mưa gió, không chấn động lòng người, cứ thế sóng êm gió lặng mà sống qua hai mươi năm.

Số mạng như vậy, không phải ai cũng có, mà cũng không phải là rơi xuống đầu ai, người đó cũng sẽ cảm thấy hài lòng thỏa dạ mà nhận lấy. Mong muốn của con người nhiều vô cùng, lòng tham không đáy, có vài người không cam lòng sống qua những ngày như thế. Mà thật ra không thể nói được kiểu cuộc sống nào tốt hơn, thật ra ở trong mắt ta, đều giống như nhau cả.

***

Ngày ta đến kinh thành, thời tiết lạnh đến mức xương cốt cũng phát đau. Ta có hơi mù đường, tìm hơn nửa ngày, lại toàn đi nhầm đi lạc.

Mắt thấy trời sắp tối, ta định bụng tìm một gian khách điếm trước, lấp đầy bụng ngủ một đêm no nê rồi nói sau. Đáng tiếc, ở thành đông này có rất nhiều tiệm ăn, nhưng lại tìm không thấy một gian khách điếm nào.

Ta ngừng lại trước một tiệm ăn, nghe đâu tiệm ăn kia đã mở gần trăm năm, là cửa hiệu lâu đời ở kinh thành. Sau khi vào trong, tiểu nhị hết sức nhiệt tình, báo tên món ăn cũng khá là có thứ tự, mà lại không hề nghỉ tạm lấy hơi.

Ở đại sảnh có mời một tiên sinh kể chuyện đến, khiến thoạt nhìn có vẻ giống tiệm trà. Tiên sinh kể chuyện kia rất biết cách chọc cười, mấy tiết mục ngắn gây cười cứ thế mà tùy ý lôi ra, sau lại uống vào vài ngụm rượu, coi như đã có thể đuổi bớt khí lạnh nặng nề nơi kinh thành này.

Trong bữa ăn, mọi người vỗ tay trầm trồ khen ngợi, tiên sinh kể chuyện kia cũng đang lúc hăng hái, liền kể liên tiếp thêm một hồi về mấy cuốn sách vô cùng đặc sắc, thật sự là rất lợi hại. Nhìn kỹ mới thấy, chẳng qua cũng chỉ là một người trẻ tuổi khoảng trên hai mươi. Cuối cùng, hắn thu hồi tiền thưởng, đi đến lối ra, ta lại chợt nghe thấy người ngồi bàn bên cạnh nghị luận: “Nghe nói tiên sinh kể chuyện hôm nay chính là cháu trai của Bạch các lão, vô cùng thông minh, đã gặp qua là không quên được, nhưng lại không có hứng thú đi thi lấy công danh, khiến cho cha hắn gấp gần chết.”

“Thật sao? Xuất thân từ gia đình như vậy mà lại không đi thi lấy công danh, thật sự rất đáng tiếc.”

“Mỗi người một chí hướng, sao có thể cưỡng cầu? Nhưng hắn kể chuyện tốt như vậy, nếu đi làm gián quan, khẳng định…… quá tuyệt luôn.”

Ta nhìn qua, thấy hắn đi tới cửa bên này. Hắn đi mà giống như lên đồng, khi sắp đến gần chỗ ta, lại nghiêng đầu nói vài câu với người quen, liền đụng vào rương sách bằng dây mây mà ta để trên mặt đất.

Hắn quay đầu vội vàng cúi người dọn dẹp rương sách, nói xin lỗi với ta.

Ta nói không sao, hắn lại nói: “Mời hiền đệ uống chén rượu vậy.” Nói xong liền vẫy vẫy tay với tiểu nhị kia, bảo là muốn một bình rượu mười năm.

Hai kẻ xa lạ bèo nước gặp nhau, thật ra không có bao nhiêu lời để nói. Ta cũng không hiểu biết gì về chuyện trong kinh, đối với chuyện xưa lại hoàn toàn không biết gì cả. Mặc dù ta sinh ra ở kinh thành, nhưng đây cũng không được coi là cố hương của ta, vì thế cũng không có đề tài gì để nói.

Hỏi tên họ của nhau, mới biết được hắn tên là Gia Lư, Bạch Gia Lư. Ta nói ta vừa mới có tên tự, gọi là Tụng Chi, Thẩm Tụng Chi, từ Ngô Giang đến.

Hắn nghe vậy, lại bỗng nhiên nhẹ nhàng cau mày, trong đôi mắt có tia sáng: “Ngô Giang…… Thẩm gia? Bà nội ngươi chính là Cố thị ở Ngô Giang?”

Ta có chút kinh ngạc.

Hắn lại ha ha nở nụ cười, nói: “Người kể chuyện khá là thích dò la tin tức. Nếu có đường đột, xin đừng trách.”

Một bình rượu mười năm vào bụng, hơn nữa còn có thức ăn ngon cùng với bạn cùng bàn dẻo miệng, lần đầu tiên kể từ khi ta đến kinh thành không cảm thấy thời tiết lạnh đến thế.

Cuối cùng ta đứng lên, đeo rương sách lên lưng, nói: “Bạch huynh là người kinh thành, có thể chỉ đường cho ta một chút không, không biết có khách điếm nào có thể dừng chân?”

“Đi khách điếm làm gì? Nhà ta có phòng dành cho khách, không biết hiền đệ có sẵn lòng nể mặt, đợt này ở kinh thành, để ngu huynh làm ông chủ hay không. Huống chi hai ngày nữa chính là đại thọ chín mươi của ông nội ta, lúc đó chắc sẽ vô cùng náo nhiệt.”

“Vậy…… Thật làm phiền.”

"Không phiền.” Hắn xách gói đồ lên, liền đi ra cửa cùng với ta. Nhưng chưa đi được vài bước, hắn lại ngừng lại trước một tòa nhà, chỉ vào tòa nhà ngay cả biển hiệu trước cửa cũng không có, nói: “Tòa nhà này vốn có tên là Thục viên, không biết ngươi có ấn tượng hay không.”

Ta cẩn thận hồi tưởng lại một phen, nhưng không nhớ rõ có ai đó từng đề cập qua một tòa nhà tên Thục viên với ta hay không. Tòa nhà kia tối đen như mực, thoạt nhìn vô cùng quạnh quẽ, e là đã nhiều năm không có ai ở lại.

Hắn không nói nhiều lời, vỗ vỗ vai ta, ý bảo ta đi tiếp.

Bạch phủ ở thành tây, mọi người nói quan kinh thành cơ bản đều ở thành đông, bởi vì phong thuỷ nơi đó tốt. Nhưng mấy người trong tiệm ăn lúc nãy lại nói, ông nội hắn đã làm được đến các lão, đó cũng là quan to, vậy mà lại ở thành tây, thật đúng là khiến người ta cảm thấy tò mò.

Chẳng lẽ trong đó có ngọn nguồn gì đó mà người ta không biết sao?

Nghe Bạch Gia Lư nói, hồi trước Bạch đại nhân cùng thế hệ với bà cố của ta, nhưng vì Bạch đại nhân đến tuổi trung niên mới có con trai, nên trên thực tế bối phận của Bạch Gia Lư cao hơn ta. Hắn ngẫm lại: “Ừ, nếu nói như vậy, ta còn là thúc thúc của ngươi ấy chứ.” Hắn nói xong lại cười, nói tiếp: “Nói giỡn thôi nói giỡn thôi, như vậy quá quái dị, cứ xưng hô như lúc trước là được.”

Lần đầu ta được gặp vị Bạch đại nhân này, chính là trên bàn ăn vào sáng hôm sau. Sáng sớm Bạch Gia Lư đã kéo ta qua ăn sáng, nói là ông nội hắn muốn gặp ta một lần, vì thế ta đành phải cắn răng mà đi.

Bạch đại nhân đã mày dài tóc bạc, nghiêm trang ngồi trên ghế chủ vị. Bên cạnh ngồi theo thứ tự là phụ thân của Bạch Gia Lư, huynh trưởng cùng với nhị ca của Bạch Gia Lư, sau đó chính là Bạch Gia Lư cùng ta.

Khi ông ấy còn trẻ…… nhất định là rất hung dữ. Nhìn bộ dáng này, hiển nhiên là rất khắt khe với quan dưới.

Ông đột nhiên hỏi tên họ của ta, lại khàn giọng xụ mặt nói: “Ông nội ngươi còn từng làm việc dưới quyền ta một hồi, tuy chỉ mấy tháng sau đó đã đi đến Quốc Tử Giám.”

Lại còn có quan hệ sâu xa như vậy sao, nhưng ông nội chưa từng nhắc tới với ta.

Vì Bạch đại nhân rất nghiêm túc, cho nên trong bữa ăn cũng không còn lời nào dư thừa nữa, vừa ăn xong, Bạch Gia Lư lập tức lôi kéo ta ra cửa, oán hận nói: “Nếu không ra ngoài nhất định sẽ bị nghẹn chết mất. Ông nội không cho phép đám tiểu bối bọn ta nói đùa, cho nên trên bàn cơm cũng không có gì quá vui vẻ.” Lại nói tiếp: “Hôm nay hiền đệ muốn đi đâu?”

Ta lấy ra tờ giấy viết địa chỉ kia: “Ông nội ta nói đây từng là nhà của gia đình ta, không biết hiện giờ đã biến thành thế nào, ta muốn đi xem một chút.”

Bạch Gia Lư làm như đoán được ta không tìm được đường, liền nói: “Dù sao ta cũng không có chuyện gì để làm, dẫn ngươi đi vậy.”

Đều nói, càng gần quê hương càng thấy khiếp sợ, khi tới trước cửa tòa nhà kia, trong lòng ta quả thực là có một chút sợ hãi. Nơi này là nơi ta sinh ra, nhưng ta lại không hề có ấn tượng gì với nó.

Tấm biển trên cổng lớn vẫn còn, cũng đã phủ đầy bụi.

Thẩm trạch.

Tục truyền đây là tòa nhà ngự ban, vốn là ban cho thái cữu công của ta, sau đó thái cữu công bán tòa nhà này cho bà cố của ta, còn mình thì dọn ra ngoài, mua một tòa nhà khác. Chuyện này cũng chỉ do ông nội nói sơ qua với ta, còn tình hình năm đó rốt cuộc ra sao, lớp con cháu như chúng ta cũng khó mà biết được.

Trong nhà lộ ra hương vị tro bụi, Bạch Gia Lư oán giận nói: "Ngươi mang khế đất lại đây, là định bán nó đi sao?”

“Còn chưa có tính toán gì.”

Vì đã vào đông, hoa cỏ tạp nham trong sân viện đã bị tàn úa. Bạch Gia Lư lượn một vòng trong nhà, lại quay trở lại, nói: “Trong ngôi nhà thế này nhất định là có rất nhiều chuyện xưa. Phải mà có người biết rõ tình tiết thì tốt rồi.”

Nhưng người biết rõ, phần lớn đều không còn trên nhân thế.

Ta không khỏi thở dài.

Bạch Gia Lư nói: "Lại nói tiếp, sau khi nhà các ngươi dọn đến Ngô Giang, cũng không còn liên lạc gì với kinh thành bên này nữa sao?”

“Mới đầu còn có, nhưng mỗi người đều có gia đình của mình, hơn nữa lại cách nhau khá xa, dần dần cũng không lui tới nữa.”

"Là vậy à……”

Đại thọ chín mươi của Bạch đại nhân vào ngay ngày hôm sau. Mới sáng sớm hôm đó, ta đã nhìn thấy rất nhiều quan lại cùng với nhóm phú thương trong kinh thành đến chúc thọ. Bạch đại nhân lại có vẻ như không thích kiểu náo nhiệt này cho lắm, cũng không bày ra sắc mặt hòa nhã cho người ta nhìn.

Quản gia đang nhận quà, Bạch Gia Lư thì đứng một bên, vừa ghi nhớ danh mục quà tặng, vừa chào hỏi khách khứa. Ta thoáng nhìn qua danh mục quà tặng một cái, thấy viết người tặng chính là Thẩm Thụ. Ta rất quen thuộc với cái tên này, ông ấy là cữu công của ta, nhưng ta lại không thấy ông ấy.

Ta thuận miệng hỏi một câu, Bạch Gia Lư nói: "À, việc này, ngươi không thấy được đâu. Ông ấy sai quản gia đến tặng, còn người thì không có tới đâu.”

Nghĩ lại, ông ấy còn lớn tuổi hơn ông nội ta, hiện giờ đã gần bảy mươi, cũng không biết thân thể có còn khoẻ mạnh hay không.

Tiệc mừng đại thọ chín mươi tuổi được tổ chức vô cùng náo nhiệt, nhưng dường như Bạch đại nhân cũng không quá vui vẻ. Có lẽ do trong bữa tiệc mừng thọ hôm nay có quá nhiều đấu đá, chỉ ăn một chút cơm nhưng xem ra cũng tâm cơ khắp nơi. Tục danh của đương kim Thánh Thượng là Thành Tử Giang, ngài cũng già giống cữu công của ta, gần đây nghe nói đã định nhường ngôi lại cho hoàng trưởng tôn, đương nhiên trong triều lại là một phen đấu sức.

Vào lúc đêm khuya, khách khứa cũng lục tục rời đi, Bạch đại nhân ngồi một mình trên ghế dựa, ngẩn người nhìn một gốc cây trong sân. Có lẽ cũng không phải là ông ấy đang nhìn gốc cây kia, ánh mắt của người lớn tuổi đều có một ít mờ nhạt tan rã, con ngươi cũng ảm đạm.

Qua hơn nửa ngày, ông mới chậm rãi nói một câu: “Nhóm lão gia hỏa này cũng đều đã không còn."

Bạch Gia Lư vỗ vỗ vai ta: “Đi thôi.”

***

Ta ở Bạch phủ không được bao lâu, Thẩm trạch cũng đã dần dần được dọn dẹp sạch sẽ, ít nhất cũng có chốn để ta dung thân. Ta viết phong thư, nhờ người mang giùm về nhà ở Ngô Giang, nói với ông nội và phụ thân, định ở kinh thành thêm một thời gian, trường học ở nơi này không quá giống ở Ngô Giang, ta muốn được trải nghiệm một phen.

Ông nội hồi âm, nói: "Rất tốt."

Ta liền an tâm ở tiếp.

Gần đến năm mới, vào ngày giao thừa ta treo đèn lồng trước cửa, dán câu đối xuân bày tỏ ý vui.

Tòa nhà này đã nhiều năm không ai ở, ta muốn làm cho nó thoạt nhìn không còn tịch mịch.

Tay ta không được khéo, không biết làm sủi cảo, liền đến tiệm ăn gần nhà mua một ít về luộc. Đậy là lần đầu tiên ta đón năm mới một mình, ở đây, trong căn nhà cũ kỹ cổ xưa này.

Lúc mở cửa…… đều có thể nghe được âm thanh "Ken —— két" đáng sợ.

May mà ta không sợ mấy thứ đó. Ta ăn xong sủi cảo, muốn đi ra đằng trước nhìn xem cửa có khóa kỹ hay không, lại nghe thấy tiếng gõ cửa bên ngoài.

Sẽ là ai đây?

Ta mở cửa, chỉ thấy một vị tăng nhân đứng đó.

Thời tiết rét lạnh như thế này, mà ông ấy cũng chỉ mặc một tấm áo hòa thượng mỏng manh màu nâu thẫm.

Ông ấy nhìn ta, vẻ mặt cũng cực kỳ thản nhiên, giống như đang nhìn một người quen: "Bần tăng thấy trước cửa đốt đèn lồng, liền đến đây nhìn một cái." Giọng điệu của ông vô cùng chậm chạp: “Tòa nhà này…… đã nhiều năm không ai lui tới.”

Ông ấy đưa cho ta một chuỗi vòng kết lại bằng lá cây tử đàn, nhưng không nói lời dư thừa nào khác, chắp tay thành chữ thập hành lễ, rồi lập tức xoay người, chậm rãi bước đi……

【 Toàn văn hoàn 】
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom