• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Búp sen xanh (3 Viewers)

  • Búp sen xanh - Phần 2 chương 20

20


Cuộc nổi dậy của người Thừa Thiên - Huế kéo dài đến ngày thứ tư thì bị dập tắt.


Nguyễn Tất Thành bị cảnh sát săn đuổi. Anh phải sống ẩn náu trong nhà một vài bạn học mà cảnh sát và nhà trường không để ý tới. Thành được anh Đạt và một số bạn hằng ngày đem cho những tin tức mới ở trường Tòa khâm sứ cho người sang trường Quốc học khiển trách về vụ học sinh đã tham gia biểu tình chống "nhà nước bảo hộ". Tòa khâm còn ban bố lệnh: "Những trò nào chỉ là a tòng, vì bị rủ rê mà nhập đòan nhập ngũ đi reo thì phải làm giấy tự thú với hiệu trưởng mới được học tiếp. Những trò nào đứng ra hô hào dân chúng và học trò tham gia bạo loạn thì phải đuổi khỏi trường ngay".


Thầy Lê Văn Miến và một số thầy người Việt phản đối việc đuổi và bắt học trò làm giấy đầu thú. Viên khâm sứ nguyên có biết thầy Miến tại Pa-ri, đã nhiều lần mời thầy sang tòa khâm chơi, nhưng thầy từ chối. Thậm chí mỗi lần y đến trường Quốc học, cố ý để gặp thầy Lê Văn Miế đều tránh mặt y. Lần này, đề lấy lòng thầy Miến, y đã "miễn tội" cho những học sinh tham gia vụ biểu tình chống bắt phu giảm sưu thuế của bà con nông dân Thừa Thiên - Huế. Nhưng, Nguyễn Tất Thành vẫn phải làm "tờ thư" nộp cho hiệu trưởng và đi theo hiệu trưởng đến tòa khâm để cam đoan từ nay về sau không được làm việc gì gây tổn hại đến "sự nghiệp của nhà nước bảo hộ".


Đạt đưa thầy Lê Văn Miến đến gặp Thành. Thầy Miến chân thành nói:


- Trước ngày đi Bình Khê nhận chức, quan phó bảng có dặn thầy: “... hãy vì tình bằng hữu giúp tôi trong việc chăm sóc các cháu Đạt, cháu Thành, đặc biệt là cháu Thành học tới thành chung”. Nếu quan phó bảng không gửi gắm thì thầy vẫn làm phận sự ấy với hai trò. Thầy rất quý cái tâm, cái chí sáng của trò. Thầy muốn trò. chịu nhẫn nhục để học cho tới bằng thành chung rồi trò sẽ tự quyết con đường sống của mình...


- Thưa thầy, - Thành nói từ tốn - con không lỗi đạo thầy trò. Vừa qua, con hành động đúng. Con đã có năm ba chữ, biết suy nghĩ, con sang tuổi mười tám rồi, con không thể thờ ơ trước việc đồng bào mình bị chà đạp, phải đứng dậy đòi được quyền sống. Con biết ơn thầy muốn giúp con được tiếp tục học đến đầu đến đũa ở cái trường này. Nhưng, thưa thầy, con cam chịu bị đuổi ra khỏi trường chứ không thể tự trói mình nộp mạng cho tòa khâm!


- Thưa thầy - Đạt nói - vừa rồi Công tôn nữ Huệ Minh gặp con cho biết: mệ đã gặp vợ ông khâm sứ, nhờ xin cho Thành được trở lại tiếp tục học, do vậy mà tòa khâm mới có cái "đặc ân" gửi sang trường...


- À! - Thầy giáo Miến hơi cúi xuống, vẻ ngạc nhiên. - Thì ra đằng sau cái việc tòa khâm cho trò Nguyễn Tất Thành được trở lại trường học còn có...


- Thưa thầy - giọng Thành đanh lại - lão khâm sứ đã dám chìa bản “đầu thú” viết sẵn ra trước mặt đức vua Thành Thái giữa lúc vua bước ra khỏi hoàng cưng lên đường đi đày. Đức vua đã ném cái tờ giấy nhục nhã ấy xuống đất ngẩng cao đầu: “Muôn dân nô lệ từng đàn, vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta?...”. Thưa thầy, vua ung dung đi đày, không quay trở lại ngồi trên ngai vàng nô lệ. Cái ghế học trò! Con yêu nó như yêu cái thềm nhà in dấu vết con tập bò, tập đi. Nhưng con không thể chịu nhục ôm cái ghế để có mảnh bằng thành chung. Thầy hiểu cho lòng con...


- Tất Thành! Con đừng nói thêm một lời nào nữa! - Thầy Lê Văn Miến hai bàn tay bưng lấy mặt nói. - Con hãy đi... đi theo tiếng gọi của lòng con... Thầy và vị thân sinh của con...


Thầy giáo Lê Văn Miến nghẹn ngào nuốt trở vào những lời ông chưa kịp nói ra. Ông từ biệt Nguyễn Tất Thành, người học trò đã để lại trong tâm trí ông cái ấn tượng như con số 1 đứng ở đầu hàng số dài vô tận...


*


* *


Thầy giáo Miến đi rồi, Thành càng bâng khuâng về lời thầy nói lúc đầu: "Thầy đã ở tại thủ đô nước Pháp. Quả là một cường quốc bậc nhất hoàn cầu. Nước Việt Nam là hàng nhược tiểu, thua kém họ nhiều lắm. Các bậc tiền nhân, các nhà có khoa bảng đã dám đứng ra chống người Pháp, rất đáng kính phục, nhưng chỉ là lấy gậy chọc trời. Rốt cuộc, hết thất bại này đến thất bại khác. Lớp người tai mắt như Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Hàm, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Ngôn, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân, Phạm Văn Ngôn... đều bị gông cổ đày đi biệt xứ. Quan nghè Trần Quý Cáp bị chặt đầu, mất xác. Phan Bội Châu và những đồng chí của ông hiện đang sống lênh đênh, phiêu bạt trên đất Phù Tangt Tàu..."


Tất Thành băn khoăn: Ông Phan Bội Châu coi Nhật là cường quốc của châu Á, chọn Nhật làm chỗ dựa để đuổi người Pháp, giành độc lập cho nước nhà. Nhưng nghe nói Nhật đang bắt đầu trở mặt với ông Phan, thân thiện với Pháp. Thầy giáo Lê Văn Miến đi Pháp về thấy Pháp là nước hùng mạnh, thấy nước nhà nhỏ yếu tuyệt vọng Thầy đã coi việc ta mất nước cho Pháp gần như một định luật, không còn phương cứu nữa...


Đạt đi tiễn thầy Miến rồi về quán trọ Ao Hồ, lúc trở lại vẫn thấy Thành ngồi trầm ngâm như pho tượng, anh an ủi em:


- Nếu không còn ở lại Huế nổi thì em vô Bình Khê với cha, hoặc em về Nghệ An với chị Thanh. Em nghĩ ngợi nhiều có ích gì?


- Không nghĩ sao được anh? Bao nhiêu người tai mắt của đất nước lần lượt bị giết, bị hạ ngục, hoặc đày đi Côn Lôn, Lao Bảo... Còn nữa thì lại nuốt hận, coi việc nước mình mất cho Pháp là điều không tránh khỏi.


- Thầy Miến nói cũng có phần nào đúng chứ em?


- Anh biểu có phần đúng là những phần nào?


- Chúng mình đi đến đâu cũng thấy người Pháp họ đến nắm quyền cai trị, cai trị từ vua cai trị xuống. Chúng mình học, đọc sách, thấy nước Pháp họ văn minh, thứ gì họ cũng hơn hẳn nước mình. Nước lớn ức hiếp nước bé, kẻ mạnh bắt nạt người yếu, thời nào cũng vẫn có chuyện đó, em ạ.


- Điều anh nói đó là hoàn toàn đứng. Nhưng, em thấy nếu cuộc đời chì quay có một chiều: lớn thắng bé, mạnh được yếu, thì nhân loại từ xưa tới nay chi có lăn theo cái trật tự ấy. Trái lại, dân tộc ta nhỏ mà đã thắng nhà Hán, thắng nhà Tốắng nhà Nguyên, thắng nhà Minh, thắng nhà Thanh. Tổ tiên đã dám đánh thắng kẻ thù dân tộc lớn mạnh hơn mình gấp bao nhiêu lần, lẽ nào ngày nay lại không có ai dám dương đầu với quân Pháp cường bạo?


Đạt ngồi lặng nhìn hai bàn chân em luôn luôn xê dịch trên nền nhà. Anh hỏi em một cách đột ngột:


- Em định thế nào?


- Em rời khỏi Huế ngay hôm nay.


- Em đi đâu?


- Em đi lần vô miền trong.


- Để làm gì?


- Em còn muốn đi xa nữa. Đi để biết, để học, để rồi làm được một việc gì có ích cho dân mình, nước mình...


- Em đã nghĩ kỹ chưa?


- Từ lâu em đã tìm, đã lựa chọn cho mình một hướng đi, anh ạ.


- Em đã quyết thì hành. Anh học hết niên khóa này, anh cũng sẽ chọn một hướng sống hợp với mình...


Hai anh em nhìn nhau. Mắt ướt! Ngòai vườn khuya, tiếng chim rời rạc vọng vào như từng giọt lệ rơi: quốc... quốc...
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom