Trần Dị đã quen cửa quen nẻo ở đây, anh gỡ một cuộn dây đồng trong cáp điện ra, rồi sai Miêu Tĩnh qua giúp. Bên trong đống máy móc bỏ đi có trục lăn và bi sắt, chỉ cần cô ôm nổi thì muốn lấy bao nhiêu cũng được.
Miêu Tĩnh đi từ nỗi kinh hồn táng đảm đến hoang mang lo sợ, đầu óc lần nữa xoay chuyển sau khi tạm thời ngưng hoạt động. Thấy Trần Dị ngồi xổm đưa lưng về phía mình, động tác thành thạo, ngón tay thoăn thoắt, thần sắc bình tĩnh chuyên chú, cô cũng chầm chậm bước sang đó, chạm vào những máy móc bám đầy dầu nhờn bụi đen, moi ra bất kỳ món linh kiện nào có thể đem bán lấy tiền.
Cuối cùng hai người bước ra trong tình trạng chèm nhèm lem luốc. Mớ đồ máy bọc trong áo khoác của Trần Dị trông hệt cái túi khổng lồ, anh vác trên vai, dẫn Miêu Tĩnh đi qua tòa nhà xưởng bỏ hoang. Cô giơ hai bàn tay nhớp nhúa dầu đen, ngơ ngác theo chân anh, ra ngoài, lên xe máy. Anh chở cô đến bãi phế liệu, bán được một trăm ba chục tệ.
Trần Dị cầm mấy tờ tiền giấy nhăn dúm dó, nhếch miệng cười với Miêu Tĩnh, cặp mắt đen sâu thẳm ánh lên vẻ hài lòng và ngông cuồng: “Đi thôi.”
Đưa cô đi ăn cơm.
Khoảng thời gian này Miêu Tĩnh bị hành vật vã, sớm đã đói tới mức ngực dính vào lưng, mắt nổ đom đóm. Theo Trần Dị vào một tiệm cơm nhỏ nằm ven đường, anh bỏ bốn mươi tệ gọi hai món mặn, gồm thịt xào và gà kho tàu, một thùng cơm lớn* khói bốc nghi ngút, là mùi hương khiến hốc mắt Miêu Tĩnh căng đau.
Trần Dị đưa hết mấy chục tệ còn thừa cho cô. Người ngợm anh bẩn thỉu, uể oải ngồi như người không xương. Nhìn Miêu Tĩnh mím chặt môi trước mặt, anh nhận một cuộc điện thoại, nói với cô rằng có chuyện đi trước, bảo cô tự ăn một mình.
Ấy là bữa cơm khó quên nhất cuộc đời này của Miêu Tĩnh. Từ đó trở về sau, cho dù có ăn bao nhiêu thức ngon của lạ, thì cũng chẳng thể nào sánh bằng hương vị của tiệm cơm nhỏ lắm ruồi nhặng bâu kia.
Tóc cô bù xù, trên mặt in hai vệt bụi, nhưng đôi mắt lại bình thản trong veo lạ thường. Vuốt cái bụng nặng trĩu, đi thật lâu mới thấy bụng dạ thoải mái hơn một chút, sau cùng cô về nhà.
Trong nhà bật đèn, tivi đang mở, Trần Dị tắm xong là vào buồng nằm chỏng vó trên giường đánh một giấc. Máy điều hòa cũ kêu è è, quạt điện thổi thẳng người anh. Miêu Tĩnh lặng lẽ đi tắm, thấy bên cạnh đặt bộ quần áo bẩn anh thay, cô bèn đem quần áo của hai người đi giặt. Ngang qua tủ lạnh, nghe tủ lạnh chợt có tiếng điện bất thường khi khởi động, cô mở ra xem, bên trong nhét đầy trứng gà và sữa.
Tim cô khẽ nhói.
Từ hôm ấy Trần Dị cũng về thường xuyên hơn, đưa cô đi đến nhiều chỗ khác.
Đến xưởng làm thực phẩm, đó là nơi có những thức ăn thừa hoặc sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ được xử lý vào ngày cố định. Rất nhiều thứ còn ăn được, tốn chút tiền là đã đủ lấp dạ.
Ra ngoại thành, bên đấy có hồ chứa nước và ruộng đồng. Không ít người câu cá còn đem tặng cá, giá thức ăn trong làng cũng vô cùng rẻ, cá nuôi trong thùng nước nên ăn được lâu, thịt vịt rẻ hơn thịt gà. Chỉ cần nghĩ cách, ắt sẽ có thịt để ăn.
Nơi đến nhiều nhất chính là bãi phế liệu với đủ mọi thứ trên đời. Những năm đó, Đằng Thành có kha khá các công trình bị phá dỡ, đâu đâu cũng thấy công trường và tòa nhà bỏ hoang. Bình thường chiều tối cuối tuần, Trần Dị sẽ đưa cô ra ngoài. Thực ra vẫn có cách kiếm tiền dễ dàng khác, nhưng ngày nào Miêu Tĩnh cũng bận học, da mặt lại mỏng, không muốn bị người ta bắt gặp, vì vậy cô muốn thế này hơn. Hai người lặng lẽ đi qua tòa dân cư bỏ không, vào những công trường hoang tàn đổ nát hay nhà xưởng vắng vẻ hiu hắt, nhặt vài món đồ về đổi lấy tiền.
Trần Dị không nói nhiều, tuy nhiên anh vẫn chia sẻ bí quyết cho cô. Hễ thấy túi tiền hay tủ khóa thì nhất định phải mở, sẽ có những thứ giá trị bị người chủ bỏ quên. Đúng như lời anh, Miêu Tĩnh đã lục được mấy chục tệ lẻ trong chiếc ví rách tươm thật, cùng với đó là ảnh chụp bị vứt bỏ và vô vàn những câu chuyện khác nhau.
“Đừng đến chỗ này một mình, ở đây hầu hết là dân vô gia cư, côn đồ lưu manh, toàn các hạng người bát nháo.” Tay anh cầm cây thép dài ngoằng, “Nếu mày bị bất kỳ người nào nhìn thấy, hay nhìn chằm chằm.” Anh quay đầu nghiêm mặt cảnh cáo cô, ánh mắt lạnh lẽo, “Mày biết họ sẽ làm gì rồi chứ?”
Miêu Tĩnh mặc chiếc áo khoác xám bụi, đeo bao tay sợi bông và khẩu trang, trấn định gật đầu.
“Tìm cái nào đáng tiền nhất, sợi đồng, máy điện, chip điện tử, mấy món hàng cũ dùng được bán được.”
“Đi nhớ nhìn đường cẩn thận, nếu giẫm phải đinh, bị đồ gì đập trúng người, lỡ đâu ngã xuống là mất toi cái mạng mày.”
Mắt Trần Dị sắc bén, bộ não linh hoạt, sức lớn, luôn tìm được những món đồ lạ. Miêu Tĩnh chỉ cần ngoan ngoãn theo anh, giúp anh một tay.
“Trước đây anh cũng vậy ạ?” Cô đi sau lưng anh, nhẹ nhàng đặt câu hỏi, “Thường hay tới đây.”
Anh cúi đầu quơ một nắm dây kẽm đút vào bao tải, đường nét khuôn mặt anh tuấn, giọng hết sức thờ ơ: “Hồi tiểu học cấp 2 gì đó, hồi ấy lúc nào cũng bị đói, lúc nào cũng muốn ăn.”
Miêu Tĩnh giật mình nhớ lại, cô cũng quên mất rằng hồi ấy anh sống kiểu gì, chỉ nhớ mỗi chuyện anh không về nhà, suốt ngày chơi bời lang thang ngoài đường. Trong nhà chả ai quản anh, cũng chả ai quan tâm anh đã ăn hay chưa.
Cô và Trần Dị một trước một sau đi trong tòa nhà hoang phế trống trải. Mọi thứ trước mắt đều nhuốm bẩn, bị quăng vứt, bị tàn phá bể nát tan tành. Cô lần theo dấu chân Trần Dị, kéo lê cái bao tải to đùng. Người cô lấm lem bụi bẩn, anh cũng thế. Bóng của hai người đổ xuống mặt đất, tối tăm và cô độc. Còn nhớ khi đó màn đêm rất mỏng, lớp bụi mịt mù chắn ngang tầm mắt. Không rõ vì sao, mặt trăng chẳng bao giờ nguyên vẹn lại neo mình ở một góc u tối tĩnh mịch, còn cô mãi chẳng thể đợi được đến khoảnh khắc ngoảnh đầu lại để ngắm nhìn lúc trăng tròn đầy sáng tỏ. Nghe tiếng gió heo hút vang vọng khắp không gian, xa xa lác đác tiếng chó sủa và tiếng huýt sáo khi trầm khi bổng của Trần Dị, cô nhìn bóng lưng cao lớn của anh, rồi nhìn lại bản thân mình, cảm thấy hệt như hai con chó hoang cụp đuôi đi vẩn vơ giữa đồng hoang bát ngát, chân bước hân hoan tìm cái ăn, tìm kiếm sức sống và niềm vui bé nhỏ trong hoang vu trơ trọi.
Miêu Tĩnh không tiêu xài nhiều, mỗi tháng chỉ tiêu vào vật dụng sinh hoạt và đồ ăn thức uống, còn cả mấy món tiền phí lặt vặt ở trường, cũng chẳng nhiều lắm. Tiền bán phế liệu do cô giữ hết, hoàn toàn đủ cho cô sống. Trần Dị vẫn thường không về nhà, cũng không ăn đồ của cô.
Vì không có tiền nên Miêu Tĩnh hiếm khi giao lưu với bạn học, tránh phải tiêu tiền cho những thứ không cần thiết, cũng tránh để bạn học nhận ra hoàn cảnh và sự khó khăn của cô. Cô vốn trầm tính, lớp 9 lại là năm cuối cấp, lớp tổ chức khá nhiều hoạt động tập thể, Miêu Tĩnh không tham gia cái nào. Cô cứ luôn lầm lì xa cách, tự tách khỏi tập thể.
Thực ra một người ở nhà tốn rất ít chi phí, mỗi sáng ra ngoài là cô sẽ bỏ cơm vào hộp giữ ấm rồi mang tới trường, tối ăn chút trứng gà và vụn bánh mì, xong tiết tự học tối thì về nhà nấu chút đồ ăn khuya, kế đó tắm rửa đi ngủ. Một ngày cứ vậy trôi qua.
Ở một mình có sợ không? Ngụy Minh Trân đi rồi, có một khoảng thời gian Miêu Tĩnh từng sợ hãi tương lai, về sau cô bỗng không sợ gì nữa. Đã ra nông nỗi này, còn gì đâu mà phải sợ.
Song, lời xì xào bàn tán của hàng xóm xung quanh càng ngày càng nghiêm trọng. Trần Lễ Bân chết như thế, nhà họ Trần im ắng, chưa được mấy tháng Ngụy Minh Trân đã biến mất tăm hơi, nghe phong thanh là bỏ trốn với tên đàn ông khác, rồi cũng không thấy mặt Trần Dị nốt, căn nhà như bỏ không. Nhưng sau đó tự dưng lại trông thấy Miêu Tĩnh vẫn còn ra ra vào vào, thi thoảng Trần Dị cũng về, chuyện rốt cuộc là sao? Ngụy Minh Trân bỏ rơi con gái luôn ư?
Luôn có người đến bắt chuyện với Miêu Tĩnh, hỏi cô rằng Ngụy Minh Trân đã đi đâu, nom cô ăn mặc sơ sài, bèn hỏi cô chuyện tiền nong nhà họ Trần, lại hỏi Trần Dị ra sao rồi. Miêu Tĩnh giữ kín miệng, không đáp một câu, người ngoài thấy cô vậy, tin đồn nhảm càng lan tràn.
Chả biết là ai đơm đặt, rằng số tiền tích góp cộng thêm tiền bảo hiểm trợ cấp của Trần Lễ Bân khi còn sống lên đến vài trăm vạn, thế giờ tiền đi đâu cả? Bị Ngụy Minh Trân cầm đi, hay người nhà này chia nhau? Nhà có mỗi đứa con gái hơn mười tuổi, có phải trong nhà còn cất ít tiền không?
Bắt đầu có người để mắt tới Miêu Tĩnh, lôi kéo cô thân thiết hỏi han, tặng đồ tới tận nhà, muốn chiếu cố cô, muốn vào nhà ngồi ngó một lúc. Cũng có quân đầu đường xó chợ ở quanh khu chặn giữa đường không cho cô đi, hoặc tối tối là sẽ có người gõ cửa, đùn cửa nhìn qua khe.
Trần Dị lộn người qua cửa sổ về nhà, phát hiện cửa sổ ban công không mở được, khóa chặt cứng, khe cửa sổ còn bị che lấp bằng những thanh gỗ. Anh vòng qua cửa sổ buồng ngủ, bật người nhảy parkour lên, đập cửa sổ buồng Miêu Tĩnh ầm ầm. Buồng dần sáng đèn, nhưng vẫn chẳng có chút động tĩnh. Trần Dị hùng hổ nhảy xuống, nhặt hòn đá đập cửa sổ buồng cô. Nửa tiếng đồng hồ sau, tấm rèm khe khẽ vén ra, để lộ khuôn mặt mếu máo chực khóc, hoảng sợ trắng nhợt của Miêu Tĩnh.
Thấy là Trần Dị, cô mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Trần Dị nén giận bước vào nhà, thấy cửa sổ trong nhà bị cô lấp kín hết, phía dưới cửa sổ rải đinh sắt, cửa buồng phải dùng đồ chặn lại, chỗ cửa chính bị cô bày biện y như cơ quan bẫy rập. Anh nhíu mày, chống nạnh mắng cô: “Mẹ kiếp, mày làm cái gì đấy?”
Mắt Miêu Tĩnh lấp lánh ánh lệ, chỉ chỉ cửa chính, có kẻ đánh dấu một loạt ký hiệu bằng bút đen ở đó. Mặt Trần Dị thoáng chốc sa sầm, mày rậm cau tít, vẻ mặt hung ác: “Chuyện khi nào?”
Cô thuật lại những chuyện mấy hôm nay liên tục gặp phải, có người bám lấy cô, buổi tối có kẻ gõ cửa quấy rầy, ngoài cửa có tàn thuốc. Số lần đám người kia kiếm cô ngày càng nhiều, sự việc ngày càng tệ.
“Ngày mai mày ra ngoài với tao.” Anh cười gằn, “Dám đụng tới ông, gan to đấy.”
Hôm sau, Trần Dị ra khỏi buồng, trong tay anh là con dao nhọn hoắt sáng loáng, túm Miêu Tĩnh với đôi mắt ngập đầy nỗi kinh hoàng đi ra ngoài.
Anh cầm dao đập cửa từng nhà một, tiếng đập rầm rầm làm trời long đất lở. Trên khuôn mặt điển trai là nụ cười dữ tợn, ngữ khí cực kỳ khách sáo: Nghe bảo cô rất có hứng thú với chuyện nhà cháu, hôm nay đúng lúc cháu ở nhà, cô muốn sang ngồi lúc không?
Nhà kia vừa thấy anh như thế thì đã sợ mất hồn vía, run giọng không thốt nên lời.
Trần Dị vuốt lưỡi dao màu bạc, lười nhác dựa vào cửa, ánh mắt hằn nét độc ác nham hiểm: “Chú xem dao này của cháu sắc chứ nhỉ? Số điện thoại của đồn công an cũng dễ nhớ lắm đúng không? Cháu sống ở khu này từ nhỏ đến lớn, hồi bé còn được chú giúp đỡ, cũng khá thân quen với nhà chú, sau này còn qua lại nhiều.”
Thăm hỏi các nhà xong xuôi, cuối cùng anh đứng trong đám người dưới tòa nhà, thái độ thô lỗ ngạo ngược. Đều là hàng xóm lâu năm, cũng đều là người chứng kiến quá trình Trần Dị khôn lớn, giờ đây nhìn anh mỉm cười vuốt dao, tay khoác lên vai Miêu Tĩnh đang đờ mặt. Anh nhờ mọi người chuyển lời giúp, nói nếu có người dám dò la chuyện nhà anh, dám có ý đồ với người trong nhà anh, anh cam đoan sẽ cho kẻ đó toại nguyện, để kẻ đó kiếm được bộn tiền.
Trần Dị lại tìm người đến đánh nhau. Anh gọi một hơi mười mấy người, đủ kiểu thanh niên bất lương tóc vàng tóc xanh, ngậm thuốc lá cưỡi mô tô. Đám người đông nghịt đi lùng người trong khắp các khu trò chơi điện tử và quán mạt chược. Mấy tên côn đồ từng xuất hiện làm phiền Miêu Tĩnh đều bị đánh một trận no đòn.
Bình yên đã được trả về.
Bất cứ ai gặp hai anh em nhà này là tức khắc đi đường vòng, không dám hé nửa lời trước mặt hai người.
Trần Dị cũng vứt một con dao gọt hoa quả cực bén cho Miêu Tĩnh, nhét vào tay cô, dạy cô vài chiêu vật lộn. Miêu Tĩnh lắc đầu nguầy nguậy, lùi về đằng sau, rưng rưng ấp úng: “Em không cần…”
Anh trợn mắt: “Cầm, nhét dưới gối đầu phòng thân.”
Miêu Tĩnh run rẩy nhận lấy, nước mắt vương trên lông mi: “Cảm ơn…”
Trần Dị bực bội hút thuốc, nhìn cô, cụp mắt búng tàn thuốc, chậm rãi nhả làn khói mờ: “Mỗi tuần tao sẽ về mấy ngày.”
Anh quẳng ít tiền cho cô: “Mày ở nhà mua thêm đồ ăn đi, mua đồ ăn đồ dùng… sẽ có lúc cần dùng đến.”
Miêu Tĩnh nhận tiền, mấp máy môi, giọng bé xíu: “Anh thích ăn gì? Em đi mua…”
Anh giãn mày cười, nụ cười vừa rạng rỡ vừa hoang dại.
Bình luận facebook