• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Dã cẩu cốt đầu (Chó hoang và xương) (1 Viewer)

  • Chương 20: Chó hoang - Từ đó về sau Trần Dị không còn phải sầu não vì tiền nữa.

Học phí trường trọng điểm của tỉnh không quá cao, tổng học phí và những khoản phí khác là một ngàn hai, phí trọ ký túc xá là bảy trăm, tiền đồng phục và tiền học quân sự là năm trăm, có thể tiền học khóa bổ sung và các phí thanh toán chi trả khác sẽ vượt ngoài dự tính. Hai tháng nghỉ hè Miêu Tĩnh có đi tìm việc, sáng ở nhà làm ít đồ thủ công, tối làm thuê ở tiệm net, Trần Dị và đám bạn của anh cũng thường hay lui tới tiệm net. Công việc cũng khá an toàn nhẹ nhàng.

Trấn Dị ném cho cô một chiếc điện thoại, bảo cô đi làm cái sim, lưu số điện thoại của anh vào đấy: “Có chuyện gì thì gọi cho tao.”

Hai ngày trước khi khai giảng cấp 3, Miêu Tĩnh thôi việc ở tiệm net, cầm tiền lương về nhà với Trần Dị. Công việc này là do Trần Dị vỗ ngực cam đoan cho cô, mười lăm tuổi thực sự còn quá nhỏ, chủ tiệm net không dám tuyển người nhỏ tuổi như thế, nên chỉ đành để cô làm ca đêm trong phòng máy với vài công việc vặt vãnh. Trần Dị chơi game với khách cũng kiếm được tiền, Miêu Tĩnh thức đêm ăn mì gói cùng Trần Dị, hít khói thuốc anh hút. Cô cảm nhận sâu sắc rằng tiệm net là một nơi khiến người ta thấy vừa vui vẻ vừa buồn phiền, bên là niềm hứng khởi sung sướng của người trẻ, bên sự thương cảm trụy lạc của thanh niên.

Túi của cả hai đều có tiền, tâm trạng khá tốt, bước đi chậm rãi. Chín giờ sáng, trên đường có mấy bà nội trợ đi mua thức ăn. Miêu Tĩnh cũng tiện đường vòng vào chợ một chuyến. Trần Dị đi theo cô, lúc ngang qua một tiệm quần áo nhỏ bên đường, anh bèn gọi cô lại. Hai người sắp khai giảng, cần mua vài món quần áo mới.

Ở trường Miêu Tĩnh mặc đồng phục suốt, những đồ khác toàn hàng vỉa hè, áo may ô năm tệ, áo phông mười tệ, chỉ thế thôi nhưng cô mặc trông không xấu tẹo nào. Làn da trắng bóc, tóc đen nhánh, lông mi dày, kết hợp với khí chất trầm tĩnh đoan trang là những điểm cộng cực kỳ đắt giá. Quần áo Trần Dị mặc cũng chỉ tiện tay mua, chứ anh không quá chú trọng. Ngày xưa còn có thời kỳ diện áo sơ mi hoa và quần bò rách đi ngược trào lưu, dạo này thì anh đã thay đổi thành một khuôn mẫu nhất định gồm áo phông và quần dài, món nào mặc bị hỏng là vứt luôn. Tổng lại cũng chỉ có mỗi hai kiểu quần áo đó.

Hai người mua hẳn một bộ từ đầu xuống chân, đều là áo phông, quần dài, giày vải bạt đơn giản. Mua xong ra ngoài, thừa lúc Trần Dị đứng hút thuốc cạnh thùng rác, Miêu Tĩnh đi sang tiệm bán đồ lót ở ngay bên. Người cô gầy, trước nay cô toàn mặc loại áo lá cotton cỡ bé dưới chiếc áo phông rộng thùng thình, bó chặt căng chẳng thấy đường cong đâu cả, nên luôn thấy ngực mình bí bách. Hơn nữa áo lá giặt nhiều sẽ bị giãn, biết các bạn gái cùng tuổi đã bắt đầu mặc kiểu nội y định hình, song vì xấu hổ nên Miêu Tĩnh chưa mua loại ấy bao giờ. Lần đầu có kinh lẫn ngực phát triển là những chuyện Ngụy Minh Trân không kịp dạy cho cô, cô phải tự thân đi mò từng tí một.

Miêu Tĩnh hơi chột dạ và bối rối, bất chấp mà cò kè mặc cả với chủ hàng. Trần Dị xách đồ tới tìm cô, bình thường anh kiêu căng ngạo mạn, chẳng lúc nào gặp được vẻ thiếu niên ngây ngô non nớt ở anh. Nay bỗng nhiên trông thấy chồng đồ lót rực rỡ sắc màu, anh lại lúng túng dừng bước, sau đó chạm phải đôi mắt nhìn sang của Miêu Tĩnh, tự dưng anh vặn vẹo người, mắt ra vẻ vô tình liếc lên trên trời.

Bà chủ hết mực nhiệt tình, nói bằng chất giọng rất thuyết phục: “Ba mươi tệ một chiếc, không rẻ hơn được nữa đâu. Con gái nhỏ nhắn như cháu mặc áo lót này là vừa vặn nhất đấy. Màu hồng xinh lắm này, có cả viền ren hoa, hiệu quả nâng ngực tạo khe cực cao, thoải mái chạy bộ. Để cô ướm thử lên người cho, đúng cỡ của cháu đấy."

Người quen đang đứng ngoài kia, toàn thân Miêu Tĩnh bứt rứt mất tự nhiên, lễ phép từ chối ý tốt của bà chủ, chỉ muốn mau chóng trả tiền rồi rời khỏi.

Trần Dị đút tay trong túi quần, khẽ nhíu mày nhìn chỗ khác, bụng nghĩ đồ có ba chục tệ mà cũng mặc được nữa à. Nghe Đại Đầu Viên khoe từng đi mua loại đồ này với cô em bồ, vải có tí mà đã mấy trăm tệ. Trên tạp chí phụ nữ hay trên báo, tivi chả nói đồ này phải mặc loại đắt nhất, tốt nhất đấy ư, không thì về sau sẽ bị chảy xệ hoặc thành ngực đông tây gì gì đó. Còn Ngụy Minh Trân, mẹ kiếp đúng là không phải người, bỏ mặc con gái chả thèm ngó ngàng, tính anh đã tiêu hoang rồi lại còn phải trông con gái hộ người ta.

“Miêu Tĩnh.” Anh gọi Miêu Tĩnh ra, “Đi.”

“Dạ?”

“Đi đi đi, nhanh lên.”

Anh sốt ruột giục giã, Miêu Tĩnh cũng thấy ngượng, cô bỏ bà chủ ở đấy rồi chuồn mất.

Mua xong những đồ khác, mua thêm ít đồ ăn, hai người đi dọc theo con đường về nhà. Đi ngang một cửa hàng đồ lót nữ cao cấp, bước chân Trần Dị hơi khựng, mặt mũi đỏ phơn phớt, tay chỉ chỉ: “Mày vào xem xem?”

“Dạ? Gì cơ?” Miêu Tĩnh sực phản ứng, cổ tay xoắn lại, đỏ mặt e thẹn nhìn cửa hàng đồ lót.

“Có phải là không có tiền đâu.” Anh ngậm điếu thuốc, bộ điệu cà lơ phất phơ, vội móc tiền ném cho cô, “Tự mày xem đi, tao có tí việc, về trước đây.”

Một tiếng sau, Miêu Tĩnh xách hai bộ đồ lót giảm giá về nhà, lòng có chút hưng phấn. Nhân viên cửa hàng đồ lót dịu dàng chỉ cô cách mặc và cách đo kích cỡ, còn khen dáng người cô rất đẹp. Miêu Tĩnh cũng thích những món đồ đẹp, bèn chọn hai bộ đồ lót thuần trắng mềm mại, có đăng ten và hạt ngọc trai trang trí. Con gái lớn không nên mặc hoài hàng rẻ và tối màu, mà nên diện những món trông tươi tắn và thuần khiết.

Về tới nhà, đồ mua buổi sáng chất đầy trên bàn. Trần Dị không ở nhà, chẳng biết đi chơi ở đâu. Miêu Tĩnh nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt sạch quần áo hai người mới mua rồi đem ra ban công phơi. Bầu trời hệt vòm ngói lam xanh, góc áo chưa vắt nhỏ nước tong tỏng. Gió khẽ phất qua, cảm giác ấy vô cùng đặc biệt, như thể mọi chuyện đến giờ đã được định, hoặc như con diều chưa cắt dây bay trên cao vời vợi, cuối cùng cô cũng có một nơi cố định để dừng chân.

Khai giảng lớp 10, toàn bộ học phí do Miêu Tĩnh tự kiếm. Trường cấp 3 đẹp hơn trường hồi cấp 2, học sinh vào được trường này ai cũng là con cưng của trời, nhà không giàu thì sang. Vì trường cách nhà tương đối xa nên cần có phương tiện đi bộ hoặc đi xe buýt. Nhưng thời gian tự học buổi tối dài, mà buổi tối xe buýt nghỉ chạy, thế là Miêu Tĩnh chọn ở ký túc xá. Nộp tiền ký túc xong cô lại thấy hơi hối hận, giá đồ ăn trong căn tin trường khá đắt, các loại chi tiêu lặt vặt cũng nhiều, tiền sinh hoạt có khả năng tăng, ở nhà sẽ tiết kiệm được chút ít. Miêu Tĩnh không muốn mình trở thành gánh nặng của Trần Dị, anh chỉ lớn hơn cô có tí, cũng đang đi học thôi.

Cấp 3 bài vở nhiều, một phòng ký túc sáu người ở, đúng vào độ tuổi thanh xuân rực rỡ. Miêu Tĩnh vẫn lủi thủi một mình như trước, kiệm lời và không thích giao lưu, việc này giúp cô tránh để lộ hoàn cảnh của bản thân, cũng có thể ngăn chặn phát sinh những chi phí kéo theo. Bớt đi rắc rối và tranh cãi, cô dành nhiều thời gian hơn cho việc học.

Đám học sinh trong lớp thích chọc ghẹo cô, rất nhiều thằng con trai có thiện cảm với cô, muốn rủ cô ra ngoài chơi hoặc tụ tập, song luôn vấp phải trắc trở. Vì Miêu Tĩnh chính là “băng sơn mỹ nhân”, cao ngạo xa cách.

Chiếc điện thoại cô mang theo mọi lúc mọi nơi chưa thấy đổ chuông lần nào. Trần Dị không có chuyện gì để tìm cô, cô cũng chả có việc cần tìm Trần Dị. Tuy nhiên cột điền số liên lạc của bạn bè thân thích chỉ có mỗi số anh, quan hệ là anh trai. Chủ nhiệm lớp hỏi bố mẹ cô đâu, Miêu Tĩnh nói bố mẹ làm việc ở vùng khác cả rồi, cô sống với anh trai. Chủ nhiệm lớp ngầm hiểu cô là “trẻ em xa bố mẹ”, còn người anh trai kia thì đã trưởng thành.

Chỉ cần cuối tuần về, Trần Dị chắc chắn cũng sẽ ở nhà. Cô nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà. Anh chơi game, ngủ, ăn cơm. Hai người ở nhà hai ngày, lâu lâu Trần Dị lại cưỡi mô tô chở cô lên trường, đứng trước cổng trường với một phong cách ngầu lòi lóa mắt, khiến người khác cứ phải ngoái nhìn.

Chủ động xin Trần Dị tiền sinh hoạt là một chuyện khó lòng mà mở lời, tự Miêu Tĩnh sẽ nghĩ cách kiếm chút tiền. Giờ cô cũng hiếm khi đi nhặt phế liệu bán lấy tiền, học sinh cấp 3 đã được phép tìm việc làm, ví dụ như làm bài tập hoặc thi hộ cho bạn học của Trần Dị, hoặc làm việc bán thời gian ở chợ đêm, mở quầy hàng bán đồ này đồ nọ. Tuy nhiên chủ yếu là Trần Dị cho tiền, anh chả khi nào thiếu tiền, không nhiều thì cũng ít. Miêu Tĩnh không xin nhiều, cô rất tiết kiệm, cơ bản là ngoài ăn cơm, ở trường cô chẳng tiêu gì nữa, chỉ có những loại tiền như tiền học bổ sung, tiền mua hàng và tiền tài liệu mới phải lo.

Lúc có tiền, Trần Dị có thể cho một hơi năm sáu trăm. Lúc không có tiền, anh cũng biến ra được mấy chục tệ. Tiền đấy một là tiêu cho Miêu Tĩnh, hai là đổ hết vào những cuộc chơi bời. Miêu Tĩnh đâu cần nhiều vậy, nhưng anh cứ nhất quyết dúi cho cô.

“Mày không tiêu, ngày mai tao với bạn cũng tiêu sạch. Thà mày giữ đi, mai mốt tao hết tiền sẽ hỏi mày.”

Miêu Tĩnh ngẫm nghĩ, sau cùng lặng lẽ nhận tiền.



Bạn bè của Trần Dị thuộc đủ hạng người, cạnh anh cũng có đám bạn lông bông quanh năm suốt tháng nhậu nhẹt buông thả, đi nhiều nơi chơi lắm trò, tiếp xúc với bao nhiêu là thứ bẩn thỉu, kích thích. Thanh niên mười bảy, mười tám tuổi, cái gì cũng tràn trề, thậm chí máu trong mạch cũng sôi sùng sục.

Đây là tuổi dễ đi sai đường nhất. Ấy nhưng Trần Dị khôn lanh khiếp, từ nhỏ đến lớn đã như con cá chạch, không ai bắt được anh, những cuộc ăn chơi chưa từng thiếu phần anh. Nhưng anh cũng không hề gây ra chuyện gì vượt quá giới hạn. Một đám thiếu niên bất lương tụ lại với nhau, ngoài chơi game, đánh bạc, đánh nhau thì là tham gia những trò người lớn tục tĩu, số lần xem phim người lớn, đọc tạp chí khiêu dâm nhiều vô kể. Anh em của anh có người tìm bạn gái, có người ấp ủ mấy suy nghĩ biến thái trong đầu. Cũng có rất nhiều cô nàng thầm mến mộ hoặc chủ động theo đuổi Trần Dị. Nhưng ban đầu do tâm trí anh chưa mở mang hết, đánh bida, đua xe hay hoạt động khác với anh đã đủ hấp dẫn, vui hơn nhiều so với việc ngọt ngào quấn quýt bên đám con gái.

Khác người ta, anh không cha không mẹ, không nguồn thu nhập. Tiền tự kiếm về tay phải đem nộp học phí, phải nuôi sống bản thân, còn phải đi đây đi đó với anh em, phải sửa xe nâng cấp trang bị, gần đây lại xuất hiện thêm đứa con riêng đang học trường trọng điểm của tỉnh, hoàn toàn không thừa tí tiền nào để đi ăn cơm, dạo phố, mua sắm, thuê phòng với em gái khác. Trần Dị khá ghét cái kiểu ăn bám, hơn nữa chứng kiến tình trạng yêu đương của Đại Đầu Viên và em bồ kia, anh thấy thực sự chả sướng bằng độc thân.

Nửa năm trôi qua trong mớ hỗn độn như thế, mà chiếm phần lớn là niềm vui. Nghỉ quốc khánh Miêu Tĩnh đi cùng anh tới tiệm net làm bán thời gian. Hôm trung thu, Trần Dị xách hai con cua to về nhà. Nghỉ đông và tết m lịch phải làm chút việc kiếm tiền. Đợi đến khi đi học lại, Miêu Tĩnh muốn về nhà ở. Trần Dị chê phiền vì đường sá xa xôi, và vì như vậy thì anh còn phải thường xuyên về nhà trông cô nữa. Chỉ cần cuối tuần ăn với nhau một bữa cơm xoàng thế thôi là tốt lắm rồi.

Khai giảng chưa đầy hai tháng, Miêu Tĩnh bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại - Trần Dị vào viện.

Tai nạn xảy ra trong trận đua xe đêm trên núi. Mấy băng đảng hẹn chiến, Trần Dị vốn ngang ngạnh, tên tuổi cũng nổi, bình thường đã có thù oán xung đột với người khác. Tối đó có kẻ cố ý chơi chiêu xấu, chặn kín đường đua, cuối cùng là va chạm mô tô liên hoàn. Trần Dị chạy ngay đầu, anh mạng lớn, phanh kịp thời, chứ không đã ngã xuống núi. Người anh đầy máu do đập vào đá núi, gãy xương chân, chảy máu đầm đìa nằm trong bệnh viện.

Miêu Tĩnh chạy tới bệnh viện, nhìn đám Ba Tử và Bảo Mao đứng vây trước giường bệnh, rồi lại nhìn Trần Dị, cặp mắt trong veo trợn trừng, mặt trắng bệch, ngơ ngác không nói năng gì.

Mặt mày Trần Dị rạng rỡ, người vẫn còn sức, nằm trên giường bệnh vẫn còn cười đùa được. Có người không biết Miêu Tĩnh, thấy cô mặc đồng phục cấp 3, bèn hỏi anh Dị “xây nhà vàng giấu người đẹp” hay đang hại em gái nhà lành nào. Trần Dị nhếch miệng cười toe.

“Cút, đấy là em gái tao.”
“Em gái nào cơ? Anh Dị này, rốt cuộc là anh có bao nhiêu cô em gái thế?”

“Họ hàng nhà tao!”

Anh đuổi đám ruồi chung quanh đi hết, ngả ngớn đặt lưng nằm xuống, cười trêu: “Ông đây có chết đâu mà mặt mày như đưa thế kia hả?”

“Nếu anh chết…” Miêu Tĩnh mấp máy môi, viền mắt phiếm đỏ, “Em, em biết phải làm sao?”

“Phải làm gì thì làm cái đấy. Đi tìm mẹ mày đi, không tìm thấy mẹ mày thì tìm bố mày, không tìm thấy bố mày thì tìm họ hàng mày. Nếu không được nữa thì vẫn còn trại trẻ mồ côi ở đấy.” Giọng anh nhàn nhạt, “Tao mày có quan hệ gì lớn lao đâu.”

Hơn nữa anh cũng không chết được, bị thương không nghiêm trọng, máu trên người toàn là máu từ những vết thương ngoài da. Chỉ có gãy xương là hơi phiền phức, cần nghỉ ngơi dăm tháng.

“Không chết, vậy nếu bại liệt thì sao? Phải cưa chân thì sao? Bị hủy dung thì sao? Vậy thì phải làm sao?”

Cô nhìn anh bằng cặp mắt trong veo.

“Ôi mẹ kiếp, sao mày ăn nói ngứa tai thế nhỉ? Mày trù úm tao đấy à?” Trần Dị nghĩ ngợi, “Nếu vậy thì, vẫn nên chết đi thôi, ông đây tự sát.”

Không thì có ai buồn quan tâm anh sống chết ra sao đâu.

Miêu Tĩnh xin nghỉ vài hôm, cô chạy qua chạy lại giữa bệnh viện và nhà. Trần Dị phải nằm viện điều trị, phải chụp X quang, phải đóng viện phí, phải uống thuốc, phải bổ sung thực phẩm dinh dưỡng. Những khoản tiền ấy cơ bản đã đào rỗng ví của hai người. Đám Ba Tử gom góp ít tiền đưa cho Miêu Tĩnh, mới tạm đủ cho hai người ăn uống.

“Mày đi học đi, rảnh lắm à?” Trần Dị nằm trên giường bệnh xua đuổi cô, “Suốt ngày chạy vào bệnh viện làm gì, chỗ này có đám Ba Tử đưa cơm, không cần mày lo.”

Miêu Tĩnh hầm canh gà, múc trong bình giữ nhiệt ra đưa cho anh, “Sáng em ở trường, xin cô cho nghỉ tiết tự học tối. Dạo này em ở nhà, khéo là đi xe buýt tiện đường nên ghé qua đưa cơm cho anh, không làm lỡ giờ học của em đâu.”

“Tối mày cũng đừng tới đây, không an toàn.” Anh bưng bát, cúi đầu uống một ngụm canh gà ngon lành.

Miêu Tĩnh ngồi cạnh giường bệnh, ngẩn ngơ suy nghĩ thật lâu, cuối cùng quay đầu nhìn anh: “Em tình cờ gặp Bảo Mao, Bảo Mao nói xe mô tô kia của anh được sửa lại rồi, để ở tiệm sửa xe… Hay là… bán xe đi anh.”

Trần Dị cau mày, chiếc mô tô này là bảo bối của anh, trang bị cho xe thôi đã ngốn rất nhiều tiền.

“Hết tiền rồi ạ.” Miêu Tĩnh thò tay vào túi, “Ban nãy em vừa xuống dưới đóng tiền, mấy ngày nữa sẽ đói mất.”

Hàng lông mày xếch câng câng cụp xuống, mặt Trần Dị căng cứng, mím môi: “Được rồi, bán thì bán đi.”

Không cam tâm, anh thêm một câu: “Mẹ kiếp.”

Cứ thế, Trần Dị đã bán lại chiếc mô tô mang phong cách ngầu lòi chất chơi, thu hút vô vàn tiếng hò hét chói tai ấy với một thái độ hết sức bình thản, ôn hòa.

Nằm bệnh viện nửa tháng, Trần Dị được xuất viện về nhà tĩnh dưỡng cùng cái chân bó bột và cây nạng đi kèm. Vì cử động bất tiện nên anh chẳng thể đi đâu, chỉ ở suốt trong nhà. Vết thương ở chân anh chưa lành lặn, không cách nào đi đứng bình thường, anh cũng không muốn ra ngoài để mà tự làm mình bẽ mặt. Điều khiến anh bực bội nhất không phải bị thương, mà là nhuệ khí bị sụt giảm. Từ nhỏ Trần Dị đã hăng hái hăm hở, khí thế xông xáo, có khi nào lại đầy mình thương tích, đi đường khập khiễng thảm hại thế kia.

Miêu Tĩnh phải chăm nom anh, cô dọn đồ từ trường về nhà ở, nhờ Bảo Mao mua cho cô một chiếc xe đạp cũ để mỗi ngày đạp xe đến trường.

Một đứa đi học, một đứa bị hạn chế hoạt động, đồng nghĩa với việc mấy tháng này hai đứa sẽ lâm cảnh “miệng ăn núi lở”. Ngay cả sự đảm bảo về những cái cơ bản nhất trong sinh hoạt cũng không có.

Tới lúc bắt đầu phải ăn món mì luộc, Trần Dị khó chịu mà không có thuốc lá hút. Miêu Tĩnh thấy anh chán nản nằm ở sô pha, tấm áo phông nhăn nhúm như thể dưa muối khô, dưới cằm là cả một mảng xanh, bộ dạng sa sút và uể oải.

“Phục vụ bia kiếm được nhiều tiền lắm ạ?” Cô ngồi trên sô pha gấp quần áo, “Một ngày kiếm được bao tiền? Chỉ cần bán rượu bia thôi ư?”

Trần Dị lười biếng mở mắt: “Tiếp rượu chuyên nghiệp đấy, uống một chai thì khách sẽ mua mười chai, bị đàn ông sờ đùi, mày đồng ý làm không?”

“Em đồng ý.” Miêu Tĩnh điềm nhiên đáp lời anh.

Một chiếc bật lửa thình lình bay qua không trung rồi đập vào đầu cô, đau đến độ Miêu Tĩnh phải nghiến răng nín nhịn.

Anh đứng dậy, hùng hùng hổ hổ lê chân về buồng thay áo, sau đó ra khỏi nhà.

“Anh đi đâu thế?”

“Ông đây không bị liệt, đếch ra ngoài được chắc?” Anh quăng lại một câu, “Mày ở yên trong nhà cho tao.”

Trần Dị chẳng còn mặt mũi nào để tìm đám bạn lông bông kia nhậu nhẹt chơi bời tiếp nữa, đương nhiên cũng chẳng còn mặt mũi nào mà đi vay tiền hoặc kiếm mấy đồng bạc lẻ bằng đường ngang ngõ tắt. Anh đi thẳng ra công trường tìm vài công việc lặt vặt, đưa bao thuốc lá cho chủ thầu hút, nịnh hót đôi câu, theo người ta vào đội lắp đặt làm lắp đặt thiết bị, làm công nhân xây dựng nhỏ. Anh có bộ óc linh hoạt, học hỏi nhanh và cao to khỏe mạnh, phát huy năng lực rất tốt trong những công việc như đập tường, xếp gạch, quét vôi.

Tiền lương thanh toán ngay trong ngày, một ngày hai trăm tệ, cũng đủ sống tạm qua bữa.

Nửa đêm Trần Dị lặng lẽ trở về, Miêu Tĩnh thấy bụi bám trên tóc và lông mày anh, quần áo lấm lem và đôi găng tay bảo hộ lao động vứt ở cửa nhà, làm cô giật mình mãi hồi lâu mới sực tỉnh.

“Mua thịt đi, tao muốn ăn thịt.” Anh cắn răng đặt tiền xuống, xoay người vào phòng tắm tắm rửa.

Anh làm việc này tận đến khi chân cẳng khỏi hẳn, thu nhập ổn định, cuộc sống thoải mái. Ngoài công trường có chỗ ở, Trần Dị gửi quần áo bẩn về nhà, lần nào giặt đồ Miêu Tĩnh cũng phải vò mạnh tay mới giặt sạch được. Tới kỳ nghỉ hè, hằng ngày Miêu Tĩnh sẽ đi đưa cơm, giúp đỡ cho anh.

Thời tiết mùa hè cực kỳ nóng nực, Trần Dị theo chân đội lắp đặt đi lắp đặt trang hoàng nhà cửa cho chủ nhà. Nhà vẫn chưa lắp điện, không gian nhỏ hẹp vừa ngộp vừa bẩn, Miêu Tĩnh xách cặp lồng, mang nước lạnh, nửa quả dưa hấu tới, bắt gặp Trần Dị cởi trần ngồi dưới đất dựa tường nghỉ ngơi. Dưới đất trải đầy báo và giấy, chiếc áo phông bị ném lung tung, anh dang rộng hai chân, một tay hút thuốc, tay kia còn cầm một cuốn sách.

Chả biết sách lấy ở đâu ra, có lẽ là sách dùng lót sàn để quét tường hoặc bị người ta vứt. Trang giấy sờn cũ đã ngả vàng, là một số tựa tiểu thuyết như “Thủy hử truyện”, “Bá tước Monte Cristo”, “Thép đã tôi thế đấy!”, “Đỏ và đen”, thậm chí còn có cả một cuốn “Nhật ký Lôi Phong”.

Anh đọc rất nhập tâm, mái đầu húi cua lấm tấm bụi, bắp thịt màu mật ong đậm loang loáng mồ hôi, trên lồng ngực và bả vai phủ một lớp bụi đất, cơ thể in hằn những dấu đỏ và vệt bụi do ngón tay cào. Miêu Tĩnh thấy hàng mi dày của anh rung nhẹ, bàn tay kẹp điếu thuốc lật giở trang sách, hồn nhiên rít một hơi thuốc, mắt khẽ chớp, chậm rãi nhả làn khói trắng. Trông tựa một bức tranh tĩnh vật, cũng hệt tác phẩm điêu khắc tượng đàn ông mang vẻ đẹp tĩnh lặng.

Trần Dị không hề phát hiện cô đã đứng lúc lâu. Mãi tới khi Miêu Tĩnh bước vào, ngồi xếp bằng bên cạnh anh, nhẹ nhàng bảo anh ăn cơm, hỏi anh đang đọc gì.

“Nhà thờ Đức Bà Paris.” Anh hãy chưa dời mắt sang nhìn, giọng thoáng ý cười, “Hay lắm, sao hồi xưa không biết có nhiều sách hay thế này nhỉ, hay hơn chơi game nhiều.”

Như có hạt bụi rơi vào mắt Miêu Tĩnh, cô bỗng chớp chớp mắt liên hồi.

Anh buông cuốn sách, bắt đầu ăn ngốn nga ngốn nghiến, tướng ăn thô kệch, tốc độ vèo vèo, quét sạch số đồ ăn mà Miêu Tĩnh mang đến trong một nốt nhạc. Kế đó anh dặn Miêu Tĩnh về mua ít đồ, đem mớ quần áo bẩn của anh về nhà giặt.

Miêu Tĩnh ngồi một chốc, bây giờ phải nghỉ trưa, anh ngả lưng xuống đống giấy báo, lấy sách che mặt, bảo cô đi về sớm. Miêu Tĩnh dọn dẹp đồ về nhà, trước khi đi, cô ngoảnh đầu nhìn anh lần nữa.

Về tới nhà, Miêu Tĩnh giặt quần áo cho anh. Cô ngâm đồ trong chậu nước, đổ biết bao nhiêu là bột giặt nhưng giặt mãi vẫn không sạch, vò đến nỗi ngón tay Miêu Tĩnh đỏ bừng, song chẳng tài nào gột hết đi lớp sơn bám trên đấy. Miêu Tĩnh vứt quần áo vào chậu, nước bẩn bắn lên người, cô không nhịn nổi nữa mà vùi đầu giữa đầu gối gào khóc. Khóc xong, cô lấy điện thoại gọi cho Ngụy Minh Trân, lại chạy ra ngoài đi tìm nhà của gã đàn ông bỏ trốn cùng bà, hỏi xem có tin tức gì của hai người không.

Khi chân Trần Dị hoàn toàn bình phục thì cũng đã qua mấy ngày.

Tốt nghiệp trường nghề, Trần Dị vẫn chưa đủ mười tám tuổi, anh nghỉ đua xe, không còn ham hố những trò lấy mạng sống ra đánh cược nữa. Anh có dịp chân chính đặt chân vào xã hội. Tới câu lạc bộ bida cùng bạn, anh đánh bida rất khá, đánh bại rất nhiều người, cũng làm quen với những kiểu người muôn hình muôn vẻ, lọt mắt xanh của giám đốc câu lạc bộ. Công việc chính thức đầu tiên của anh là nhân viên an ninh cho câu lạc bộ.

Thời buổi ngày nay, kiểu giang hồ lưu manh vác dao ẩu đả trên đường phố, cướp giật, thu tiền bảo kê đã thành lỗi thời. Nay đều đã có bộ mặt mới, những kẻ cho vay nặng lãi, đòi nợ, câu lạc bộ giải trí và cung cấp thương phẩm độc quyền nhanh chóng biến hình thành người kinh doanh.

Từ đó về sau, Trần Dị không còn phải sầu não vì tiền nữa. Lần đầu tiên anh mặc tây trang bước vào cửa nhà, bộ âu phục bình thường diện trên người anh toát lên một phong thái vừa mạnh mẽ vừa hào hoa. Dường như ở anh chưa từng tồn tại sự ngây ngô, mà trước giờ vẫn luôn trầm ổn, hoang dại và liều lĩnh.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

[Zhihu] Nụ Hồng Hoang Dã
  • Dịch: Tiệm sách cũ
Chương 6 END
Khoáng Dã Lang《旷野狼》
  • 让我再吃一口吧/ Để Ta Ăn Thêm Miếng Nữa Đi
Phần 5 END
XUÂN DÃ
  • Xảo Khắc Lực A Hoa Điềm
TỪ DÃ QUÁI BẮT ĐẦU TIẾN HÓA THĂNG CẤP
  • Mệnh Cấp Nhĩ Hành Bất Hành
SÍ DÃ
  • Giản Đồ
Chương 23

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom