• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đã Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân (4 Viewers)

  • Phần 1

Đã Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân​





Phần 1


Mười một giờ khuya, tôi loay hoay vác mấy thùng đồ từ trong kho ra để xếp lên kệ hàng trong siêu thị. Khi vác đến một thùng nước giặt nặng hơn 20kg thì mồ hôi lạnh trên trán bắt đầu túa ra.
Tôi cắn răng, gồng mình rảo bước đi thật nhanh, may sao đến lúc tưởng như vai không thể chịu được nữa thì quản lý lại vội vàng buông sổ sách, chạy ra đỡ giúp tôi:
– Ôi cái con bé này, nặng thế sao không bảo chị khiêng cùng, một mình vác cái này lỡ gãy lại xương đòn thì sao?
– Em vẫn vác được mà, làm xong sớm còn về sớm, nhờ chị khiêng cùng lại làm mất thời gian của chị.
– Mày có con nhỏ, chị có con nhỏ đâu mà phải cần về sớm. Bỏ xuống đi, đưa đây chị khiêng đỡ cho một tay.
– Em làm được mà, chị cứ để em.
Chị Thanh nói tôi không được, lại nghiêm mặt bảo:
– Đây là yêu cầu của quản lý đấy nhé. Mày bị gãy xương đòn một lần rồi mà vẫn chưa biết sợ à, giờ mà gãy lần nữa là lại nghỉ, siêu thị thiếu nhân viên thì lấy ai mà làm. Bỏ xuống, đưa đây chị khiêng cùng.
Tôi biết chị Thanh muốn tốt cho mình, vả lại đã nói đến mức ấy, tôi cũng không muốn cố chấp làm phật lòng chị ấy nên đành bỏ thùng hàng xuống, cười cười:
– Vâng, em biết rồi. Phiền chị quá, khuya rồi mà vẫn phải ở lại giúp em.
– Chị ở lại cộng sổ sách chứ ở lại giúp mày đâu mà lo. Nào, mỗi đứa một tay, khiêng cái này ra quầy rồi xếp nhanh lên còn về.
– Vâng.
Chị Thanh hơn tôi 4 tuổi, năm nay hơn 30 rồi nhưng chưa lập gia đình. Bình thường đối với nhân viên trong siêu thị, chị ấy là một quản lý nghiêm khắc và khó tính, nhưng riêng với tôi thì chị Thanh giống như một người chị, một người bạn, luôn cảm thông và chia sẻ những vất vả của tôi.
Chị Thanh phụ tôi xếp mấy chai nước giặt to đùng lên kệ, theo thói quen lại hỏi:
– Cái Bí Ngô dạo này có ngoan không? Được mấy cân rồi?
– Cháu ngoan bác ạ, trộm vía dạo này ít ốm vặt nên được 13kg rồi.
– 4 tuổi mà 13kg là vẫn còi, chịu khó bồi bổ cho nó vào. Con nít phải có đủ dinh dưỡng thì mới phát triển tốt được.
– Vâng, em cũng nghĩ thế. Mà mỗi tội đi làm cả ngày, đêm về cũng muộn, ít có thời gian ở nhà làm mấy đồ linh tinh cho Bí Ngô ăn.
– Mày đấy, tham công tiếc việc ít thôi. Người ta làm ngày một ca, mày làm ngày hai ca liên tục, không có thời gian cho con mày, mà cũng không có thời gian cho cả bản thân mày nữa. Thấy không, người mỏng như tờ giấy, chả còn tý sức sống nào cả.
– Gầy bây giờ đang là mốt mà chị.
– Mốt gì mà mốt, phải béo khỏe lên tý còn chăm con. Với cả đàn ông thích phụ nữ nhìn khỏe khoắn tý, mày cũng đâu ở thế cả đời được, chăm lo cho bản thân đi còn lấy chồng.
Thực ra tôi không có ý định lấy chồng nữa, tôi chỉ cần Bí Ngô là đủ rồi, nhưng chị Thanh thương tôi nên cứ khuyên tôi tìm cho mình một người đàn ông tốt để nương tựa. Nhưng đời này, đàn ông tốt liệu có mấy người? Liệu có ai cần một người phụ nữ đã có một đứa con gái riêng như tôi? Hoặc là liệu có ai thực lòng sẽ đối xử tốt với Bí Ngô của tôi?
Chắc hẳn sẽ không có ai cả. Thế nên tôi chỉ cười:
– Em có Bí Ngô rồi, em không lấy chồng nữa đâu. Cứ ở thế, sau già thì Bí Ngô nó nuôi bác ạ.
– Con cái là con cái, mình là mình. Nói chung chị thấy mày cứ tự tin lên, mở lòng ra, từ từ rồi những thứ mới mẻ sẽ đến. Đẹp gái như mày thì lo gì không có ai thương.
– Em chờ chị lấy chồng trước rồi em mới lấy, em không dám qua mặt bác đâu.
– Mày nhớ đấy nhé. Chị mà lấy chồng, mày không lấy thì mày coi chừng.
– Vâng, em nhớ mà.
Xếp đến chai nước giặt cuối cùng, nhìn đồng hồ cũng đã gần mười hai giờ khuya. Tôi sợ Bí Ngô ngủ một mình sẽ giật mình nên không dám nán lại thêm nữa, đành chào chị Thanh ra về.
Lúc tôi vừa mặc áo khoác chuẩn bị ra khỏi cửa, chị Thanh bỗng dưng lại móc ra một tờ tiền màu xanh, đem dúi vào tay tôi:
– Cầm lấy, bác cho Bí Ngô tiền mua sữa.
– Không, em có tiền rồi, chị đừng cho em nữa. Em không dám lấy đâu.
– Chị bảo cầm lấy, chị cho Bí Ngô chứ không cho mày. Ngày mai dậy sớm đi chợ mua ít tôm cá gì cho nó ăn đổi bữa, mấy tháng nữa chị hỏi lại mà không thấy nó tăng cân thì chị xử tội mày.
– Chị…
– Chị cái gì mà chị, đi về đi, nhanh lên không muộn.
Cầm tờ tiền vẫn còn ấm trên tay, tôi tủi thân và biết ơn chị Thanh quá nên sống mũi bất giác cay cay, sau cùng không dám cãi chị ấy mà đành cúi đầu, lí nhí nói cảm ơn rồi ra về.
Đường phố đêm khuya ở Hà Nội thênh thang rộng rãi hơn ban ngày, chỉ có một mình tôi ngồi trên chiếc xe đạp điện cọc cạch băng qua những con phố vắng lặng, băng qua những cơn gió làm lá cây rụng bên đường xào xạc, đến một khu nhà tập thể đã xuống cấp, tôi cố đỗ xe thật nhẹ rồi lại đi đứng thật nhẹ. Khi bước chân tới một căn phòng nhỏ ở cuối góc hành lang, nơi mà ánh sáng đèn điện rọi đến một cách yếu ớt, tôi mới khẽ đẩy nhẹ cánh cửa đi vào.
Mẹ tôi vẫn còn đang ngồi đan chiếc khăn len ở ghế, nghe tiếng động mới khẽ ngẩng lên nhìn:
– Về rồi đấy à?
– Vâng, mẹ vẫn chưa ngủ ạ? Bí Ngô ngủ rồi hả mẹ?
– Nó đi ngủ từ lúc 10 giờ rồi. Sao hôm nào cũng về muộn thế?
– Hôm nay có hàng mới về nên con phải ở lại để xếp. Muộn rồi, sao mẹ không nghỉ sớm đi, để mai trời sáng rồi hãy đan cho đỡ hại mắt.
– Tranh thủ đan được cái nào tốt cái ấy chứ, đến lúc không đan kịp thì ai mà thèm mua mấy cái khăn này nữa.
Nói đến đây, mẹ tôi lại chép miệng thở dài:
– Già bằng tuổi này vẫn còn phải lăn ra làm lụng kiếm tiền. Người ta 60 tuổi đã được hưởng an nhàn, mình đây đêm hôm vẫn lọ mọ kiếm tiền đi nuôi báo cô mấy con vịt giời.
Bình thường, tôi quen nghe những lời nói như vậy rồi, lẽ ra sẽ không bận tâm đến nữa nhưng không hiểu sao trong lòng vẫn rất buồn. Đêm muộn, tôi không muốn tranh cãi nên chỉ bảo “Con đi tắm rồi đi ngủ đây”. Nhưng vừa mới đi được vài bước thì mẹ tôi lại nói:
– Tháng này thằng Long phải nộp tiền học phí, xem làm sao thì làm, đưa tiền để tao đưa cho nó nộp.
– Con vừa thấy em xin tiền nộp tháng trước mà mẹ. Một năm nộp học phí 2 lần thôi, cách 4, 5 tháng mới nộp một lần, sao vừa mới nộp mà giờ lại bảo nộp nữa ạ?
– Ai mà biết, nó bảo thế thì biết thế. Nhà có mỗi đứa con trai, phải cho nó ăn học đàng hoàng chứ chẳng lẽ để cho nó giống mày à? Đời mày đã không ra gì rồi thì phải vun vén cho đời em mày hơn mày.
– Nó học 6 năm rồi chưa ra nổi trường, mẹ đừng chiều nó quá, nó theo bạn theo bè rồi sinh hư.
Mẹ tôi xưa giờ vẫn luôn bênh em tôi, bất kể nó hư hỏng hay chơi bời, hễ cứ ai đụng đến con trai là bà lập tức sửng cồ lên mắng:
– Hư thì có bằng mày không? Cho mày ăn học tử tế rồi giữa chừng mày ôm cái bụng chửa lù lù mang về, đại học thì nghỉ ngang, đến tận giờ vẫn không biết bố của con mày là ai. Mày thì hơn gì thằng Long mà mày dám nói em mày hư? Mày lo cho cái bản thân mày trước đi, sống đàng hoàng tử tế thì đã chẳng làm mẹ mày không dám ngẩng mặt lên nhìn đời.
– …
– Con cái nhà người ta bằng ấy tuổi đã lo được cho bố mẹ cái này cái kia, đấy, con Vy nhà bà Ngoan đấy, kém mày một tuổi mà lương tháng hai, ba mươi triệu, nó còn mua cho mẹ nó hẳn cái tivi màn hình phẳng đời mới đấy. Mày xem mày thì sao? Đã không cho được mẹ mày cái gì còn để tao mang tiếng có đứa con chửa hoang, rồi đèo bòng cả con mày về cho tao nuôi. Tao đã cho mẹ con mày ăn không ở không trong cái nhà này rồi thì mày cũng phải có trách nhiệm mà lo cho em mày, đừng để em mày sống như mày.
Những lời đay nghiến này giống như những cái tát dội thẳng vào mặt tôi, phút chốc làm cổ họng tôi nghẹn đắng.
Tôi biết, sau khi bố mất thì mẹ chỉ còn lại hai chị em tôi, tôi từ một đứa học giỏi mười hai năm trời, thủ khoa của một trường đại học, vậy mà đến năm thứ tư đột nhiên mang thai Bí Ngô rồi nghỉ ngang, đến giờ chỉ làm một nhân viên thời vụ lương ba cọc ba đồng trong siêu thị.
Vì có Bí Ngô mà bao nhiêu công sức mẹ nuôi tôi ăn học đổ sông đổ bể hết, thế nên suốt mấy năm nay mẹ luôn hằn học khó chịu với tôi và con. Tôi biết mình đã làm ra nhiều chuyện sai, tôi đã dập tắt đi rất nhiều hy vọng của mẹ, cho nên dù mẹ có mắng thế nào thì tôi cũng không có tư cách để cãi lại hay nổi giận.
Cuối cùng, tôi khó khăn hít sâu vào một hơi, cố áp chế cảm giác chua xót vào trong lòng rồi nói:
– Vâng, ngày mai con ứng tiền lương trước rồi con đưa cho mẹ. Con đi ngủ trước đây.
Nói xong, tôi không chờ nghe mẹ mắng tiếp đã vội vã đi về phòng, mở cửa ra thấy con gái nhắm mắt ngủ ngon lành trên giường, tự nhiên bao nhiêu khó chịu hay vất vả của cả một ngày dài bỗng chốc dịu đi quá nửa.
Tôi không dám ôm con luôn, sợ làm bẩn con bé nên đi tắm trước, lúc sau đi ra mới nhẹ nhàng tắt đèn rồi trèo lên giường ôm Bí Ngô. Con bé ngủ rất tỉnh, hoặc là lúc nào cũng luôn thấp thỏm chờ tôi về nên khi tôi vừa nằm xuống, Bí Ngô đã lơ mơ quay sang ôm lấy tôi:
– Mẹ Chi về rồi ạ?
– Ừ, mẹ về rồi. Bí Ngô ngủ đi, có mẹ ở đây rồi.
– Bí Ngô vẫn đang ngủ mà. Mẹ Chi có mệt không? Có đói không?
– Không, mẹ Chi ăn cơm no bụng rồi, ôm Bí Ngô cũng hết mệt luôn.
Tôi mỉm cười, cúi xuống hôn lên trán con bé. Mùi dầu gội đầu trẻ em vẫn còn vương trên tóc con rất dễ chịu và rất thơm:
– Bí Ngô hôm nay đi học có ngoan không?
– Dạ ngoan ạ. Cô giáo bảo Bí Ngô tô màu đẹp nhất lớp đấy mẹ Chi ạ.
– Bí Ngô giỏi quá nhỉ? Mai mẹ đi chợ mua tôm về làm tôm chiên để thưởng cho Bí Ngô nhé?
Con gái tôi không thường xuyên được ăn ngon, không phải vì tôi tiếc tiền, mà là mẹ tôi không ưa Bí Ngô, tiền tôi đưa bà cũng không mua đồ ăn ngon mà đều dấm dúi đưa cho em trai tôi hết. Bà bảo “Con gái chỉ là lũ vịt giời bay đi, cho ăn sung mặc sướng chỉ tổ tốn tiền, rồi lại cũng vô tích sự như tôi”, Bí Ngô của tôi không được bồi bổ nhiều như những đứa trẻ khác nên mới còi cọc. Tôi lại bận rộn ở siêu thị từ sáng đến tối, mải mê kiếm tiền nên không có thời gian cho con.
Nhưng có lẽ nhờ ông trời thương, con bé mới chỉ gần 4 tuổi mà đã rất hiểu chuyện, giữa những đứa trẻ vài tuổi vẫn còn hay mè nheo đòi bố mẹ mua thứ này thứ kia, Bí Ngô của tôi thường không bao giờ đòi hỏi gì cả. Ước mơ của con tôi rất đơn giản, chỉ cần có mẹ Chi dẫn Bí Ngô đi nhà bóng chơi một bữa là đủ rồi…
Con gái tôi chớp chớp mắt, rúc vào ngực tôi rồi cười rúc rích:
– Thật hả mẹ? Mẹ Chi làm tôm chiên cho Bí Ngô à? Tôm chiên giống như trong tivi hả mẹ?
– Ừ, tôm chiên giống như trong tivi Bí Ngô vẫn hay xem ấy. Hôm nay bác Thanh cho Bí Ngô tiền mua tôm, lần sau Bí Ngô gặp bác Thanh thì nhớ cảm ơn bác Thanh nhé.
– Vâng, Bí Ngô nhớ rồi ạ.
– Ừ. Giờ Bí Ngô ngủ đi thôi, ngủ sớm ngày mai dậy ăn tôm chiên.
Con bé hào hứng “vâng” một tiếng rõ to, sau đó ngoan ngoãn ngủ thiếp đi trong vòng tay tôi, chẳng bao lâu nhịp thở đã đều đều, nghe chừng đã ngủ say lắm rồi.
Tôi lặng lẽ cúi xuống nhìn gương mặt đáng yêu của Bí Ngô, nhìn đôi môi nhỏ xíu đang chu lên của con, bất giác lại nhoẻn miệng cười một cái.
Thực ra Bí Ngô có đôi mắt giống tôi, lông mày giống tôi, nhưng miệng và mũi lại giống hệt bố nó. Con bé là kết quả của một lần ngoài ý muốn của tôi và anh ta, nếu không muốn nói rằng lần đó tôi bị cưỡng bức nên mới mang thai và sinh ra Bí Ngô.
Những ngày tháng đầu khi biết mình mang thai tôi đã rất sợ hãi, lúc đó đang ở năm cuối Đại học, còn cả một tương lai rộng mở mà bỗng dưng trong bụng lại có thêm một đứa trẻ khiến tôi hoang mang tột cùng. Đã có đôi lần tôi định bỏ Bí Ngô đi, nhưng khi nhìn thấy chấm nhỏ nhỏ trên màn hình siêu âm, nghe bác sĩ nói em bé đã có tim thai và đang phát triển khỏe mạnh, lương tâm và cả tình mẫu tử trong tôi lại trỗi dậy.
Tôi không cho phép mình làm một việc vô đạo đức như vậy nên quyết định giữ lại con. Lúc mẹ tôi biết chuyện đã đánh cho tôi một trận rồi ép tôi phải đi giải quyết cái thai trong bụng. Tuy nhiên, lòng tôi đã quyết nên sống chết thế nào cũng không đi, cứ thế chịu đựng đòn roi cùng những lời chì chiết chửi mắng của mẹ, chịu đựng đủ loại đau khổ và dè bỉu của người đời vì “không chồng mà chửa”, suốt những ngày tháng ấy cứ thấp thỏm chờ đợi từng ngày con tôi lớn lên.
Đã rất rất nhiều lần mẹ hỏi tôi về việc bố của Bí Ngô là ai, nhưng suốt bốn năm nay tôi chưa từng hé răng nửa lời về điều ấy. Bản thân tôi hiểu rất rõ rằng giữa tôi và anh ta không hề có tình yêu, cũng không có tương lai, tôi không thể dây dưa cuộc đời mình với một kẻ đã từng cưỡng bức tôi, cho nên chuyện Bí Ngô là con ai luôn là bí mật tôi giữ cho mình tôi biết.
Con chính là sự lựa chọn của riêng tôi, chỉ cần có hai mẹ con nương tựa vào nhau là đã quá đủ rồi, tôi sợ khi quá nhiều người biết về thân phận của con bé, gia đình bên kia biết được sẽ mang con của tôi đi.
Nghĩ đến đây, tôi nhẹ nhàng đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc lòa xòa cọ vào trán con, sau đó lại ôm chặt Bí Ngô trong lòng rồi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Ngày hôm sau mới 5 giờ sáng tôi đã nhẹ nhàng thức dậy, ra chợ thật sớm để mua tôm về chiên cho con tôi. Bí Ngô được ăn tôm chiên thì hai mắt sáng lấp lánh, ăn liền một mạch bốn con tôm, xong xuôi còn uống hết một hộp sữa rồi mới xoa bụng đứng dậy đi dọn bát.
Trước lúc tôi chở con đi học, mẹ tôi vẫn không quên nhắc nhở:
– Ngày mai là hạn cuối nộp học phí của thằng Long đấy. Nhớ mang tiền về cho nó.
– Vâng, con biết rồi.
– Liệu đấy mà làm, tiền điện, tiền ăn tháng này cũng lo mà đóng đi. Không có tiền thì xem kiếm chỗ nào khác mà ở, ốc không mang nổi mình ốc nên không đèo thêm được rêu đâu.
– Vâng.
Con gái tôi sợ bà ngoại, khi ra khỏi nhà rồi, nó ngồi sau xe đạp điện, bàn tay nhỏ xíu ôm chặt lấy eo tôi, thỏ thẻ hỏi nhỏ:
– Mẹ ơi, bà ngoại không cho mẹ con mình ở nhà nữa hả mẹ?
– Không phải đâu, bà nói đùa đấy. Bí Ngô đừng nói linh tinh. Bà thương con thế thì làm sao lại không cho con ở nhà nữa, bình thường bà vẫn đón Bí Ngô về, nấu cơm cho Bí Ngô ăn, dỗ Bí Ngô đi ngủ, bà thương Bí Ngô nên không đuổi con đi đâu.
– Vâng ạ.
– Bí Ngô ở nhà phải ngoan, đừng nghịch ngợm làm bà mệt, nhớ không con?
– Vâng, con không nghịch đâu. Con ngoan mà. Con ngoan để mẹ Chi đi làm kiếm tiền mua sữa cho con, mẹ Chi nhỉ?
– Ừ, mẹ Chi đi làm kiếm tiền để mua sữa với cả tôm cho Bí Ngô.
– Dạ.
Xe đạp điện dừng ở cổng trường, tôi xuống xe, vừa định dắt con vào thì bỗng nhiên một người đàn ông từ đâu đi đến trước mặt hai mẹ con tôi.
– Chào chị, cho hỏi chị là Diệp Chi phải không?
Từ sau lần bị cưỡng bức cách đây 5 năm, tâm lý tôi rất đề phòng người lạ nên không vội đáp, chỉ kéo Bí Ngô ra sau lưng mình rồi mới ngẩng đầu hỏi:
– Anh là ai thế?
– Tôi là luật sư ở văn phòng Đặng Law. Tôi tên Vinh.
Anh ta vừa cười vừa rút ra một tấm danh thiếp, đưa cho tôi:
– Tôi nhận ủy thác của anh Huy, có một ít chuyện cần trao đổi với chị. Bây giờ chị có thời gian không?
– Không, tôi còn phải đưa con đi học. Tôi không biết anh Huy nào cả, cũng không có chuyện gì để nói với các anh.
Tôi tỏ thái độ rất kiên quyết, mà anh luật sư kia vẫn không hề suy chuyển, vẫn giữ vẻ mặt nhã nhặn, thậm chí còn cúi xuống mỉm cười với Bí Ngô đang nép sau chân tôi:
– Đây là con gái của chị à? Nhìn giống bố quá.
Với người khác, đây là một câu khen rất bình thường, nhưng với tôi thì nó lại nhạy cảm vô cùng. Trong lòng tôi bất giác trở nên hoảng hốt, theo bản năng định kéo Bí Ngô lùi sâu hơn, thế nhưng con bé nghe đến chữ “bố” lại thò đầu ra, hai mắt tròn xoe hỏi tôi:
– Mẹ ơi, chú ấy nói “bố” của Bí Ngô ấy ạ?
– Không phải, chú ấy nhận nhầm người đấy. Bí Ngô không được nghe chuyện người lớn.
– Dạ.
Thái độ của con bé đang háo hức lập tức tiu nghỉu, nép sát mình vào chân tôi. Tôi sợ Bí Ngô nghe được những thứ không nên nghe nên định mặc kệ người đàn ông kia rồi kéo con đi. Thế nhưng, cùng lúc này anh ta cũng nói:
– À… chị cứ đưa cháu vào lớp đi, tôi đứng chờ ngoài này.
– Không cần phải chờ tôi, tôi nói rồi, anh nhận nhầm người rồi.
– Đằng nào cũng mất công đến rồi, tý nữa nói chuyện thêm là biết có phải nhận nhầm hay không thôi. Tôi có thời gian mà, tôi đợi chị.
Tôi không thèm để ý đến anh ta nữa, chỉ cúi xuống bế con đi thẳng vào trong trường. Đã cố ý ở trong lớp con thật lâu rồi, nhưng lúc ra ngoài vẫn thấy người đàn ông kia đứng ở đó. Anh ta vừa thấy tôi đã tiếp tục nói:
– Chị nói chuyện với tôi một lúc được không? Không tốn nhiều thời gian của chị đâu.
– Anh muốn nói chuyện gì với tôi?
– Chuyện về anh Tuấn, bố của con gái chị.
Bước chân tôi lập tức khựng lại, bí mật đã chôn giấu bấy lâu phút chốc bị phanh phui khiến tôi trở tay không kịp, bất giác cả người khẽ run lên. Tôi sửng sốt nhìn anh ta, dưới ánh mắt nghi hoặc và lo lắng của tôi, vị luật sư kia đành bảo:
– Cách đây ba tháng anh Tuấn bị tai nạn bên Mỹ rồi hôn mê đến tận bây giờ vẫn chưa tỉnh, bây giờ đang phải sống thực vật. Bác sĩ tiên lượng anh Tuấn rất khó có thể tỉnh lại, thế nên con gái của chị bây giờ là máu mủ duy nhất của anh ấy.
– Anh lấy thông tin này từ đâu? Anh lấy bằng chứng nào khẳng định con tôi có liên quan đến người tên Tuấn đó?
– Chị xem cái này đi.
Nói rồi, anh ta đưa một tập tài liệu về phía tôi, nhẹ nhàng giải thích:
– Lúc dọn đồ đạc của anh Tuấn thì người nhà tìm thấy cái này, toàn bộ đều liên quan đến chị và bé Trường An.
Tôi nhíu mày, đưa tay nhận lấy hồ sơ đó, ngoài mặt vẫn tỏ ra bình thản thế thôi nhưng trong lòng đã căng thẳng lắm rồi, khi thấy những thứ bên trong thì thực sự còn cảm thấy khủng hoảng hơn cả trăm lần.
Trong hồ sơ kia có rất nhiều ảnh, tất cả đều là hình chụp Bí Ngô, nhưng không phải chụp chính diện mà là chụp lén. Ngoài ra còn có bản photo giấy chứng sinh và khai sinh của con tôi, một bản tài liệu về cuộc sống hiện tại của tôi và Bí Ngô.
Những thứ này tuy chỉ thu thập trong thời gian gần đây nhưng lại rất đầy đủ và chi tiết, chứng tỏ không phải do Tuấn tự tìm hiểu mà có thể do văn phòng thám tử gửi đến cho anh ta.
Luật sư Vinh thấy tôi cau mày, có lẽ cũng đoán ra điều tôi đang nghĩ nên cười bảo:
– Đây là tài liệu do văn phòng thám tử thu thập lại. Thời gian chụp mấy bức hình này là vào hơn 3 tháng trước, trước lúc anh Tuấn bị tai nạn đúng một ngày. Lúc nhận được tài liệu này, gia đình anh Tuấn đã liên hệ với văn phòng thám tử kia, người ở bên đó xác nhận anh Tuấn lúc trước khi hôn mê muốn tìm hiểu thông tin về con của anh ấy, cũng là con gái của chị.
Thì ra là vậy, kể từ sau đêm say rượu kia, tôi không gặp lại anh ta nữa, mà suốt gần năm năm nay Tuấn cũng chưa từng tìm đến tôi. Anh ta là công tử con nhà giàu nên tiền tiêu không đếm xuể, đàn bà cũng nhiều như cá diếc ngang sông, một người như vậy tất nhiên sẽ không bao giờ nhớ tới một kẻ như tôi. Bây giờ đột nhiên phát hiện ra mình có một đứa con rơi ở bên ngoài, chắc chắn sẽ bất ngờ lắm nhỉ?
Tôi gập lại tập tài liệu kia rồi đưa lại cho luật sư Vinh, hít sâu một hơi rồi nói:
– Thế nên bây giờ anh ta không tỉnh lại nữa, đồng nghĩa với việc không còn khả năng tự sinh sản, nên gia đình anh ta mới bảo anh tìm đến con gái tôi phải không?
Nghe tôi nói thẳng như vậy, anh ta có vẻ hơi bất ngờ, nhưng có lẽ vì là một luật sư chuyên nghiệp nên rất nhanh sau đã nở một nụ cười lịch sự đáp:
– Cũng không hẳn là vậy. Con gái chị cũng có một nửa dòng máu là của anh Tuấn, là máu mủ ruột thịt của gia đình anh ấy. Lúc trước gia đình anh Tuấn chưa biết đến cháu nên mới không tìm tới, nhưng giờ đã biết rồi nên nhà bên ấy muốn gặp cháu và nhận cháu. Tôi nghĩ được gặp bố và biết về gia đình bên nội là quyền lợi chính đáng của con gái chị, đứa trẻ nào cũng cần có bố mà, chị thấy đúng không?
– Xin lỗi, nhờ anh nói lại với gia đình bên ấy là mẹ con tôi vẫn sống tốt, con bé vẫn chưa sẵn sàng với việc có bố. Tạm thời cứ để nó lớn rồi nó tự quyết định có nhận bố hay không.
– Với điều kiện bây giờ của chị chắc hẳn sẽ không cho bé được cuộc sống tốt nhất. Còn về gia đình anh Tuấn thì chị cũng biết rồi phải không? Gia đình họ là cả một tập đoàn lớn, có kinh tế và có đủ điều kiện để chăm sóc cho con gái của chị, ít nhất là việc cho bé một ngôi nhà tử tế, một trường học tốt hơn bây giờ, thậm chí là cả về việc chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cũng sẽ tốt hơn.
– Thế nên?
– Thế nên gia đình anh Tuấn rất muốn đón bé Trường An về nuôi dưỡng. Tôi biết việc này hơi bất ngờ với chị, tạm thời chị rất khó chấp nhận, nhưng dù sao con gái chị cũng là con của anh Tuấn, hai bên thử nói chuyện với nhau một lần xem sao.
– Tôi sẽ không giao con của tôi cho ai cả.
Con bé là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời này của tôi, là sinh mạng của tôi, thế nên tôi sẽ không giao con tôi cho bất cứ ai cả.
Luật sư Vinh thấy tôi dứt khoát như thế, đành thở dài bảo:
– Chị Diệp Chi, chị cũng biết đấy, để đến khi phải đưa ra để pháp luật giải quyết sẽ rất phiền phức cho chị, mà quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bé. Chị suy nghĩ kỹ đi. Mà nếu có yêu cầu gì thì chị cứ gặp gia đình người ta nói chuyện, chị không muốn giao hay thế nào đi nữa thì cứ thử nói với anh Huy xem sao.
Tôi nhíu mày, cái tên Huy này rất lạ, ban nãy tôi nghe anh ta nhắc một lần rồi nhưng không để ý, bây giờ luật sư Vinh nhắc lại, tôi mới hỏi:
– Huy nào?
– À… xin lỗi vì chưa giải thích kỹ với chị. Anh Huy là anh trai của anh Tuấn, anh ấy hiện giờ đang điều hành tập đoàn Lạc Thành, cũng là người quyết định một số việc chính trong gia đình. Anh Tuấn bây giờ không thể nói chuyện trực tiếp với chị, thế nên anh Huy sẽ thay anh ấy giải quyết việc này.
Nói đến đây, anh ta xoay người chỉ về chiếc limouse dài bóng loáng đỗ ở cách cổng trường một đoạn, bảo tôi:
– Anh Huy đang ngồi trên xe, nếu chị không muốn giao bé cho gia đình anh ấy thì cứ đến nói chuyện với anh ấy xem thế nào.
Tôi nghĩ, gia đình anh ta đã tìm đến đây nghĩa là tất cả mọi việc đã không thể giấu được nữa, và họ cũng sẽ không dễ dàng để Bí Ngô tiếp tục ở với tôi. Cả cái đất Hà Nội này, không có ai là không biết đến tập đoàn Lạc Thành, với gia thế của nhà họ thì đè bẹp tôi dễ dàng như đè bẹp một con kiến, lấy Bí Ngô của tôi đi cũng dễ dàng như trở bàn tay.
Nhưng với tư cách của một người mẹ, với tư cách của một người yêu con hơn cả sinh mạng mình, tôi không thể để con bé rời xa tôi được. Đã không thể trốn tránh, vậy thì tôi sẽ đối diện, thẳng thắn nói với gia đình anh ta rằng tôi sẽ không giao Bí Ngô cho bất kỳ ai cả, nếu ép mẹ con tôi xa nhau thì có phải ch.ế.t thì tôi cũng sẽ liều mạng.
Tôi lẳng lặng hít sâu vào một hơi dài, cuối cùng hạ quyết tâm nói:
– Được, nói chuyện thì nói chuyện. Anh dẫn tôi đến đó.
Lúc luật sư kia dẫn tôi đi đến chiếc Limouse Dcar đó, mở cửa ra mới thấy một người đàn ông ngồi bên trong.
Trái với tưởng tượng của tôi, cái người tên Huy này không có vẻ ngoài chơi bời trác táng như Tuấn mà rất phong độ và chững chạc. Anh ta trông khá giống bố của Bí Ngô nhưng ánh mắt lại lạnh lùng hơn rất nhiều, khi ngước lên nhìn tôi, sự sắc bén của anh ta bất giác khiến tôi có cảm giác vô cùng áp lực.
Có lẽ vì lần đầu tiên gặp một người như vậy nên tâm trạng vốn đang căng thẳng của tôi lại càng cuống lên, tôi không chờ anh ta mở miệng nói gì đã tuôn thẳng một mạch:
– Tôi sẽ không giao con của tôi cho ai cả. Tôi với em trai anh không yêu nhau, mà Tuấn chắc chắn cũng không muốn có con với tôi, chẳng qua là lúc đó tôi quên uống thuốc tránh thai nên mới có bầu. Từ lúc mang thai tôi đã xác định con bé không có bố, cũng không cần người nhà anh chịu trách nhiệm. Bây giờ con bé với tôi đang sống rất thoải mái, mong gia đình anh đừng phá vỡ cuộc sống yên ổn bây giờ của mẹ con tôi.
Tôi nói một câu rất dài, vế này chắp vá vế kia, nói chung chẳng biết anh ta có nghe lọt tai hay không nhưng đây toàn là những lời thật lòng của tôi. Hy vọng một người có ăn có học như anh ta sẽ hiểu.
Thế nhưng, Huy nghe xong mà sắc mặt vẫn không lộ ra biểu cảm gì, anh ta chỉ lạnh nhạt nhìn tôi, nhìn đến mức tôi cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Mãi một lát sau, anh ta mới đưa mắt nhìn về chiếc ghế đối diện rồi bảo:
– Ngồi đi.


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom