Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Phần 20
Đã Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân
Phần 20
Tôi sửng sốt quay lại nhìn anh ta, lần đầu tiên thấy gương mặt vốn luôn lạnh lùng của Huy tràn đầy nét căng thẳng, thậm chí tôi còn đọc được trong đáy mắt của anh ta vài tia lo sợ chưa từng có.
Nhưng khi ấy tôi cũng không có tâm trí đâu mà nghĩ ngợi nhiều, vội vàng chạy đến trước mặt Huy:
– Anh có nhóm máu A rh- à? Anh cho Bí Ngô được không? Anh truyền cho con bé được không?
– Bình tĩnh.
– Anh truyền cho Bí Ngô đi, nó mà có sao thì tôi ch.ết mất. Tôi xin anh đấy.
Anh ta thấy tôi vừa nói vừa mếu máo thì đành nói:
– Bị mất máu nên giờ truyền máu vào là không sao. Đợi ở đây, tôi đi truyền máu cho con bé.
– Vâng. Cảm… ơn anh.
Sau đó, Huy đi theo y tá đến phòng xét nghiệm để kiểm tra lại nhóm máu, tiếp theo lại được đưa thẳng vào phòng cấp cứu để truyền máu cho con tôi.
Từ lúc đến đây tới giờ tôi chưa được nhìn thấy con, chỉ nghe người lái xe nói lại là ban nãy trên đường đón Bí Ngô đi học về, tự nhiên có một chiếc xe tải chở hàng mất lái nên đâm vào xe chở con tôi, lại đâm vào đúng bên ghế phụ Bí Ngô đang ngồi, cho nên con bé mới bị nặng như thế.
Vì lo cho con nên tôi không thể ngồi yên được, sốt ruột đi qua đi lại trước cửa phòng cấp cứu mãi, miệng lẩm bẩm cầu trời khấn phật cho Bí Ngô của tôi sẽ không sao.
Một lúc không lâu sau đó thì thấy có tiếng bước chân người từ hành lang bên kia đi tới, quay đầu lại thì thấy ông nội Bí Ngô và vợ chồng Hải đến. Tôi định mở miệng chào, nhưng ông ta không nói năng câu nào đã lao lại, giáng cho tôi một bạt tai nổ đom đóm mắt:
– Cái thứ đàn bà sao chổi, gặp cô thì con tôi bị tai nạn, bây giờ đến lượt cháu tôi bị tai nạn. Sao cô cứ như quỷ ám lấy nhà tôi thế hả? Định ám nhà này cho đến khi tuyệt tự đúng không?
Tôi đang đau lòng vì con, giờ tự nhiên lại ăn một bạt tai một cách vô lý thế này thì ấm ức không chịu được. Lần đầu tiên tôi điên tiết cãi lại ông ta:
– Bác đừng có vô lý như thế, cháu không muốn mọi chuyện ra thế này. Trường An bị tai nạn không phải bác lo lắng nhất đau, cháu là người đẻ ra nó, cháu mới là người đau lòng nhất.
– Cô…
Ông ta giận đến mức hai mắt đỏ ngầu, định giơ tay lên tát tiếp thì Hải vội vàng chạy lại giữ lấy tay bố:
– Bố, bình tĩnh. Ở đây là bệnh viện, Trường An đang cấp cứu trong kia, có gì về nhà nói. Ở đây đông người, lỡ có phóng viên nào chụp ảnh được sẽ không hay.
– Cái loại phụ nữ không biết phép tắc trên dưới, dám cãi người lớn. Thử nhìn lại mình xem có gì không? Nghĩ lại xem tại sao hết thằng Tuấn bị tai nạn rồi lại đến Trường An? Không phải cô sao chổi thì là gì hả?
– Bố, thôi mà… Bố bình tĩnh.
Hải khuyên nhủ bố mình xong lại quay sang đưa mắt ra hiệu cho tôi:
– Diệp Chi ra ngoài một chút đi, đợi bố tôi bình tĩnh lại rồi vào sau.
– Tôi không đi.
Tôi kiên quyết nói “Không”, bây giờ con tôi đang cấp cứu nên tôi sẽ không đi đâu cả, cũng sẽ không nhượng bộ trước ông ta.
Phương nghe tôi nói vậy thì lườm một cái:
– Đi đi được rồi đấy, còn đứng đây làm gì? Có cô ở đây, biết đâu cái Trường An lại…
Cô ta định nói một câu gở mồm, nhưng còn chưa nói xong thì Hải đã trừng mắt nhìn vợ mình, cuối cùng lại đành lảng sang chuyện khác:
– Mà anh cả đâu rồi? Anh cả đến đâu đầu tiên mà, sao giờ không thấy bóng dáng đâu nhỉ?
Tôi biết nhưng không trả lời, chỉ mím môi im lặng đứng đó. Ông nội của Bí Ngô định tiếp tục đuổi tôi đi, nhưng vừa mới nói “còn chưa đi” thì cửa phòng cấp cứu bật mở.
Tôi vội đến mức quên cả lịch sự, vội vội vàng vàng chạy lại túm lấy tay bác sĩ vừa đi ra:
– Bác sĩ, con tôi sao rồi ạ? Con tôi ổn rồi phải không bác sĩ? Nó không sao rồi đúng không? Nó vẫn sống đúng không bác sĩ?
– Gia đình bình tĩnh. Ban nãy bé bị đứt động mạch đùi nên mất rất nhiều máu, nhưng được truyền máu kịp thời nên bây giờ đã ổn rồi. Không cần lo lắng nhiều nữa nhé.
– Vâng, may quá. Cảm ơn bác sĩ, cảm ơn bác sĩ.
– Bây giờ mọi người cứ về phòng bệnh đi, lát nữa hồi sức cho bệnh nhân xong sẽ chuyển qua phòng bệnh bình thường.
– Vâng ạ.
Sau khi nghe bác sĩ thông báo thế, tâm trạng đang căng như dây đàn của tôi mới có thể tạm bình tĩnh lại. Tôi lén lút thở hắt ra một hơi, lúc này, quay lại thì thấy gương mặt ông nội của Bí Ngô cũng giãn ra một chút, còn vợ chồng Hải thì thái độ vẫn y nguyên như vậy. Có điều, khi tôi vô tình bắt gặp ánh mắt của anh ta, chẳng hiểu sao tôi cứ có cảm giác như Hải không cam lòng, thậm chí có cả một chút thất vọng vì Bí Ngô vẫn sống.
Không biết có phải do tôi suy nghĩ quá nhiều hay không, nhưng từ trước đến nay tôi luôn có linh cảm rằng anh ta không tốt như bề ngoài vẫn thể hiện. Mỗi tội bây giờ việc phải quan tâm không phải là Hải mà là con tôi, cho nên tôi cũng không có tâm tư rạch ròi việc này, đành lặng lẽ quay về phòng bệnh ngồi đợi.
Lúc này, vì Bí Ngô đã qua cơn nguy kịch nên ông nội con bé không đuổi tôi đi nữa, nhưng vẫn nhìn tôi bằng thái độ không hài lòng. Tôi biết ông ta cho tôi ở lại là vì sợ Bí Ngô tỉnh không thấy mẹ sẽ khóc, nhưng cũng chẳng buồn để ý, chỉ im lặng ngồi một góc chờ con tôi ra thôi.
Hơn một tiếng sau cuối cùng Bí Ngô cũng được đẩy từ khu hồi sức ra, theo sau còn có một người mà ai cũng biết là ai đó.
Có điều, tôi không có thời gian để ý đến anh ta mà chỉ cuống cuồng chạy lại nhìn con, lúc này một bên đùi con bé bị băng trắng xóa, mất nhiều máu nên da dẻ tái nhợt, gương mặt bầu bĩnh có rất nhiều vết xước đang rỉ máu, chỉ nhìn thế thôi mà tôi cũng cảm thấy xót ruột không chịu nổi.
Tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ tong tong chảy ra, cứ đứng bên cạnh giường nhìn Bí Ngô hồi lâu rồi lại lén lút quay đi, lấy tay áo lau nước mắt. Huy thấy vậy mới đành lên tiếng an ủi tôi:
– Vẫn còn tác dụng của thuốc mê nên con bé vẫn chưa tỉnh. Đừng lo. Không sao rồi.
– À… vâng… Tôi biết rồi. Cảm ơn… anh.
Vừa dứt lời thì bỗng nhiên lại nghe Phương nói:
– Sao mặt anh cả cũng trắng bệch thế?
Cô ta nói vậy làm tất cả mọi người đều dời sự chú ý từ Bí Ngô sang Huy, tôi cũng vô thức ngẩng lên nhìn anh ta. Lúc này, gương mặt Huy tái trắng, bờ môi của anh ta hàng ngày vẫn đỏ, bây giờ cũng khô khốc, trông giống như chẳng còn tý sức sống nào.
Bố anh ta xót con trai nên cũng hỏi:
– Làm sao lại ra thế này? Gọi bác sĩ đi, mặt tái hết cả rồi.
– Không sao. Con truyền ít máu thôi.
– Truyền máu? Anh truyền cho Trường An à?
– Vâng.
– Thế thì lên giường nằm nghỉ ngơi đi. Hải, bảo chú lái xe về nhà lấy ít cháo, tiện gọi điện cho bà Oanh bảo hầm ít tổ yến với táo đỏ đi.
Huy dường như không thích nhiều người quan tâm đến mình nên ngay lập tức từ chối:
– Lúc nãy ở trong phòng hồi sức con uống sữa rồi. Giờ con nằm nghỉ là khỏe ngay thôi. Bố với mọi người về đi, Trường An không sao rồi, giờ nó cần yên tĩnh để nghỉ ngơi.
– Anh cũng về nhà nghỉ đi chứ, chẳng lẽ anh định ở đây cả đêm à?
– Khi nào Trường An tỉnh thì con về sau, mọi người cứ về đi.
– Để tôi bảo người đến chăm sóc nó, anh truyền máu mất sức rồi, còn công việc ở công ty nữa, về nhà mà nghỉ.
– Con tự biết giữ sức khỏe, bố đừng lo.
Nói đến đây, Huy liếc người lái xe đứng ở ngoài cửa, bảo anh ta:
– Đưa bố tôi về nghỉ ngơi đi.
– Vâng, cậu cả.
Ông nội của Bí Ngô không muốn con trai cả phải vì một đứa cháu lạc loài mà vất vả đến như vậy, nhưng thấy Huy kiên quyết thế nên cũng đành thôi. Có điều, trước khi ông ta rời khỏi đó vẫn không quên liếc tôi một cái để cảnh cáo.
Tôi biết ông ta muốn nhắc nhở mình không được tiếp xúc gần gũi với Huy, không được vấy bẩn lên người con trai ông ta. Nhưng Bí Ngô đang đau như thế, kể cả trong lòng tôi có xao động vì con trai cả của ông ta nhiều đến mấy thì tôi cũng sẽ không bao giờ làm như vậy.
Cho nên, tôi cũng không ngần ngại ngẩng lên đáp trả ông ta bằng một ánh mắt thẳng thắn và cứng rắn. Ông ta nhìn thấy ánh mắt này thì hơi cau mày, nhưng cũng không nói gì mà chỉ xoay lưng đi thẳng.
Khi phòng bệnh chỉ còn lại ba chúng tôi, cảm giác bí bách trong lòng tôi mới giảm đi một chút. Tôi quay đầu nhìn Huy đang đứng ở bên cạnh giường con bé, đắn đo một lát mới chậm chạp nói:
– Cảm ơn anh nhé. Mất nhiều máu thế chắc mệt lắm phải không?
Anh ta không trả lời mà chỉ liếc sang chiếc giường bên kia, bảo tôi:
– Nằm xuống nghỉ một lúc đi.
– Tôi không sao, tôi ngồi đây được rồi. Hay là anh nằm ở đó… nghỉ tạm đi.
Tự nhiên ở cùng phòng thế này tôi ngại quá, bảo anh ta nằm giường bên cạnh nghỉ tạm cũng ngại, nhưng dù sao Huy cũng là người truyền máu cho con tôi, không nói như thế thì cũng hơi bất lịch sự.
Huy bảo:
– Không cần. Đợi con bé tỉnh thì tôi về.
– À… Vâng.
Nói rồi, anh ta đi lại ghế sofa rồi ngồi xuống, lúc này cả hai cũng không có tâm trạng, và cũng hơi ngượng nên không ai mở miệng nói gì cả, chỉ có y tá và bác sĩ thỉnh thoảng vào kiểm tra cho con tôi.
Một lát sau thì chú lái xe lại mang đồ đạc đến, từ cháo, tổ yến, hoa quả, đồ dùng của Bí Ngô, thậm chí còn cả quần áo và ipad của Huy nữa.
Chú lái xe cười bảo:
– Không biết cậu cả có định ở lại không, nhưng bà Oanh cứ bảo mang sẵn đến, để lỡ cậu ở lại thì có cái mà dùng.
– Vâng, chú cứ để tạm đấy cũng được.
– À, nãy cô Phương có gửi đến một hộp đồ ăn cho cậu cả nữa, cô ấy bảo đó là tổ yến chưng táo đỏ, với cả đông trùng hạ thảo gì đấy. Cô Phương dặn bảo loại này phải uống nóng mới bổ máu.
Nghe đến đây, Huy bất chợt cau mày:
– Cháu không dùng, chú mang mấy đồ đó về đi.
Mặt mày chú lái xe hiện rõ vẻ lúng túng, nhưng biết tính Huy trước giờ nói một là một, hai là hai, cho nên cuối cùng đành miễn cưỡng gật đầu:
– Vâng, thế để tôi mang về.
Sau khi chú lái xe về rồi, tôi mới lục đục đứng dậy xếp đồ ra ăn. Không phải tôi đói, mà là tôi sợ Huy mất máu nên mệt, nãy cũng định ra ngoài mua cháo cho anh ta, nhưng lại sợ Bí Ngô tỉnh dậy không thấy tôi, thế nên mới chần chừ đến tận bây giờ.
Tôi múc ra hai bát cháo vẫn còn nóng hổi đặt lên bàn, một bát đẩy về phía Huy, một bát ở phía tôi. Tôi nói:
– Anh ăn đi. Chắc cháo này chị Oanh nấu, bình thường chị ấy bỏ ít hành, giờ thấy chỉ có mấy cọng hành thế này thì biết ngay.
– Ừ. Cô cũng ăn đi.
Tôi khẽ gật đầu, chậm chạp múc từng thìa cháo cho vào miệng. Thực sự là ăn uống bây giờ chẳng có cảm giác gì cả, không có tâm trạng nên không thấy ngon. Nhưng cả hai ngồi đối diện ăn uống mà không nói gì thì cũng ngại, cuối cùng, khi thấy Huy cứ chốc chốc lại ngước lên nhìn Bí Ngô xem con bé đã tỉnh chưa, tôi mới cười bảo:
– Chắc hôm nay là sinh nhật đáng nhớ nhất của con bé.
– Ừ. Người ta nói trải qua kiếp nạn lớn mà vẫn sống thì sau này chắc sẽ cao số.
Nghe anh ta nói đùa như vậy, tâm trạng tôi cuối cùng cũng khá hơn đôi chút, tôi nói:
– Ừ, cũng mong là thế. Tôi đặt tên con là Trường An là vì hy vọng cả đời này nó sẽ bình an. Bình an dài lâu.
– Thường con gái sẽ không tên Trường An.
– Ừ. Nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ thích cái tên này, từ hồi chưa có nó đã thích rồi. Lúc có bầu Bí Ngô cũng chỉ siêu âm đúng hai lần thôi, lúc 9 tuần thì chưa biết giới tính, lúc 8 tháng thì bác sĩ nói là con gái. Tôi nghĩ con gái thì càng tốt, gái hay trai gì cũng vẫn là Trường An.
– Lúc đó sao cô không nói cho em trai tôi biết?
– Tôi đã nói rồi, có con bé là việc ngoài ý muốn. Lúc ấy vẫn có thể bỏ đi, nhưng con là sự lựa chọn của tôi, tôi sinh ra thì tôi sẽ tự nuôi. Em trai anh có biết cũng chưa chắc đã để tôi giữ lại con bé.
– Cũng có thể mọi chuyện sẽ khác.
Khi nói câu này, ánh mắt của anh ta tràn ngập vẻ phức tạp, tôi không thể nhìn được gì từ đồng tử sâu hun hút đó, nhưng dường như có thể cảm nhận được một nỗi đau khe khẽ trong đáy mắt của anh ta.
Một nỗi đau mà nhất thời tôi không thể nào đọc hiểu…
Tôi gượng gạo cười bảo:
– Không biết khác thế nào, nhưng bây giờ Bí Ngô cứ lớn lên khỏe mạnh là tôi mừng rồi. Từ nhỏ đến giờ, trộm vía nó ít ốm vặt lắm, hơi còi tý thôi, đây là lần đầu tiên bị thế đấy.
– Rồi nó sẽ khỏe lại thôi.
– Vâng. Nhờ có anh mà con bé mới bình an.
Tôi ngẩng đầu nhìn Huy, nhìn anh ta bằng ánh mắt trịnh trọng và chân thành:
– Cảm ơn anh vì đã truyền máu cứu con bé. Không có anh thì không biết giờ Bí Ngô sẽ thế nào nữa. Cảm ơn anh.
– Không cần nói mấy lời cảm ơn đó với tôi. Bí Ngô cũng là…
Bình thường, anh ta ăn nói rất trơn tru, chưa bao giờ tôi thấy Huy ngắc ngứ. Vậy mà bây giờ nói đến đây, đột nhiên ngữ điệu của anh ta lại có chút chần chừ. Mãi mấy giây sau mới nói nốt hai từ còn lại:
– … cháu tôi.
– Vâng. May mà là cháu anh nên mới có máu A rh- giống anh.
– Ừ, ăn đi.
Sau đó, cứ cách nửa tiếng một lần sẽ có bác sĩ và y tá vào kiểm tra tình hình của con tôi, thay bình truyền và dặn dò một số chuyện sau phẫu thuật. Bí Ngô yếu quá nên mãi vẫn chưa thoát mê được, đến tận gần một tiếng sau mới có thể chớp chớp mắt, gọi “mẹ ơi”.
Tôi vội vàng nắm lấy tay con, miệng liên tục dỗ dành:
– Mẹ đây, mẹ đây.
– Mẹ ơi… Bí Ngô đau lắm.
– Ừ, mẹ biết rồi, để mẹ thổi cho Bí Ngô hết đau nhé? Mẹ thổi là hết đau luôn này.
– Nhưng mẹ ơi, Bí Ngô không hư mà, sao lại tiêm Bí Ngô?
– Không phải tiêm đâu, bác sĩ cắm kim vào tay để Bí Ngô nhanh khỏi ốm đấy. Bí Ngô đau chỗ nào để mẹ thổi nào?
– Bí Ngô đau tay, cả đau chân nữa mẹ ạ.
– Ừ, mẹ thổi này, mẹ thương.
Trộm vía cũng may là đầu con bé không bị va đập nên không sao, chỉ nặng nhất là một vết thương cứa đứt động mạch ở đùi làm mất máu. Thấy con vẫn hoạt bát lạnh lợi, trong lòng tôi khẽ thở phào một tiếng, sau đó cúi xuống thổi vào mấy vết đau của con, chẳng biết có đỡ không, nhưng con nít mà, cứ thích mẹ chăm sóc như thế.
Bí Ngô thức một lúc, mệt quá nên mẹ dỗ một lát lại thiếp đi. Lúc này, nhìn đồng hồ đã 2 giờ sáng mà Huy vẫn chưa có ý định ra về, tôi mới nói:
– Anh về nghỉ đi, tôi trông con bé được mà.
– Lát nữa. Tôi còn đang làm dở việc.
Thấy anh ta nói vậy, tôi không dám làm phiền nữa, cũng không dám trèo lên chiếc giường còn lại nằm mà chỉ ngồi nhìn Bí Ngô. Tôi nhìn một lúc thì cơ thể bắt đầu ngấm mệt, sau cùng quên mất, gục xuống thiếp đi bên cạnh giường lúc nào không biết. Lát sau, bỗng nhiên có cảm giác xung quanh tối lại, tôi mở mắt ra thì thấy Huy đã tắt điện rồi.
Có tiếng bước chân lại gần chỗ tôi, không cần đoán cũng biết người đó là ai, nhưng tôi ngại nên im lặng không nói gì cả, vẫn tiếp tục giả vờ nhắm mắt. Lúc này, dù tôi không nhìn thấy nhưng tôi có thể cảm nhận được anh ta đứng đó nhìn mình và Bí Ngô, nhìn rất lâu…
Tôi không hiểu tại sao anh ta không về, cũng không rõ tại sao Huy lại nhìn mẹ con tôi, nhưng anh ta nhìn bao nhiêu, trái tim tôi đập loạn xạ bấy nhiêu, lòng dạ giống như có một ngọn lửa nhỏ chầm chậm thiêu đốt, ngứa ngáy không yên được.
Sau một hồi nhìn như vậy, bỗng nhiên tôi thấy có một thứ gì đó mềm mềm man mát khoác lên người mình, có mùi khử trùng, có cả hương thơm của nước xả vải. Không cần đoán cũng biết ai đã đắp chăn lên người cho tôi.
Khi ấy tim tôi đột nhiên nhói lên như bị một thứ gì đó sắc bén xuyên qua, không thấy đau đớn, chỉ thấy bàng hoàng và thảng thốt, thậm chí còn cảm nhận được một thứ âm ấm rất to lớn từ dưới đáy lòng lan lên, giống như một dòng suối nóng đang dần dần tràn tới từng mạch máu và thớ thịt.
Tôi không nghĩ một người đàn ông thường ngày luôn lạnh nhạt thờ ơ với mọi thứ lại có một mặt dịu dàng như thế. Anh ta mệt đến mấy cũng vẫn nhất quyết không về nhà nghỉ ngơi mà ở đây với tôi, thậm chí đến cũng không ngủ mà thay tôi trông Bí Ngô, đến bây giờ còn cẩn thận đắp chăn cho mẹ con tôi…
Người đàn ông này… xin anh đấy, xin anh đừng làm tôi rung động thêm nữa, vì thực sự tôi đã cảm thấy mình chạm đến giới hạn rồi…
Huy đắp chăn cho tôi xong thì khẽ thở dài một tiếng, sau đó quay người đi ra ngoài, nhưng không phải đi về mà là ra ngoài ban công hút thuốc. Tôi mở mắt ra nhìn bóng lưng của anh ta như lẫn vào bầu trời đêm, không hiểu sao lại có cảm giác như người đàn ông ấy luôn ẩn giấu một sự cô độc sau lớp vẻ ngoài lạnh lùng đó. Một sự lẻ loi và ưu tư kỳ lạ mà tôi không thể nào hiểu nổi.
Lần này đến lượt tôi nhìn anh ta thật lâu, cũng nghĩ về nhóm máu của Bí Ngô và anh ta rất lâu, sau cùng, bởi vì Huy mãi không quay vào và tôi cũng không thể tìm được ra câu trả lời, cho nên bất lực không nghĩ nữa.
Tôi thao thức gần như cả đêm dài, đến gần sáng mệt quá nên mới lặng lẽ thiếp đi. Sáng mai, 7h sáng Bí Ngô vẫn chưa tỉnh dậy nhưng các bác sĩ đã vào khám bệnh rồi, lúc tôi mở mắt thì không còn thấy Huy ở đây nữa, nhưng sờ đến điện thoại mới thấy anh ta có gửi đến một tin:
– Sáng nay tôi có cuộc họp. Khoảng 10 giờ sẽ xong. Nếu có việc gấp thì cứ gọi điện thoại cho tôi, tôi sẽ đến ngay.
Tôi biết anh ta lo lắng cho con mình nên mới chủ động nhắn tin dặn dò như vậy, thế nên cũng khách sáo trả lời lại một tin:
– Vâng, tôi biết rồi, anh yên tâm. Bác sĩ nói con bé không sao rồi, động mạch được nối rất tốt, bây giờ không có gì đáng ngại nữa, chỉ cần Bí Ngô chịu nằm yên trên giường là sẽ hồi phục nhanh thôi.
Giờ đó, Huy có lẽ đã họp rồi nên không thấy anh ta nhắn lại nữa. Lát sau, có y tá mang cháo và đồ ăn sáng cho mẹ con tôi, Bí Ngô ăn xong lại tíu tít hỏi đủ chuyện, còn hỏi bác cả bao giờ lại đến.
Hai mẹ con đang nói chuyện thì lại thấy ông nội con bé và Hải đến thăm, khi nghe bác sĩ nói Bí Ngô không sao thì mới quay sang hỏi tôi:
– Tối qua thằng Huy ngủ ở đâu?
Dù bị ăn một cái bạt tai, nhưng hôm nay gặp ông ta, tôi vẫn lịch sự đáp:
– Anh ấy chờ đến khi Trường An tỉnh thì đi về ạ, cháu cũng không rõ về nhà hay đi đâu.
– Trường An tỉnh lúc mấy giờ?
– Hơn hai giờ sáng ạ.
Ông ta lập tức cau mày:
– Biết là bệnh viện nhưng nam nữ ở chung một phòng đến tận nửa đêm nửa hôm thế còn ra thể thống gì nữa. Cô là đàn bà, cô cũng nên biết ý bảo nó đi chỗ khác chứ?
– Cháu có nói anh cả về nhà ngủ, nhưng anh ấy lo cho Trường An nên mới chờ con bé tỉnh rồi mới đi.
Ông ta nghe tôi nói thế thì hừ lạnh một tiếng:
– Tốt nhất đừng để những việc như thế lọt ra ngoài. Thằng Huy nó sắp lấy vợ, dù nó là người đứng đắn nhưng để người ta đồn linh tinh thì ảnh hưởng đến danh tiếng con tôi, rồi gia đình vợ nó biết được thì phiền lắm, hiểu không?
– Vâng. Cháu biết.
Ông ta dọa dẫm tôi một lúc rồi cũng đi về, khi ấy Bí Ngô cũng ngủ rồi nhưng tôi không ngủ được, trong đầu cứ quanh quẩn mãi chuyện nhóm máu của con tôi và Huy.
Tôi không biết nhiều về y khoa lắm, nhưng theo tâm lý chung thì cứ nghĩ bố mẹ có nhóm máu giống nhau thì con cũng sẽ có nhóm máu ấy, giờ Bí Ngô khác nhóm máu thì tôi thấy lạ nên sau cùng mới mở điện thoại ra, thử google xem thế nào.
Mấy cái hình ảnh ghép nhóm máu tôi không hiểu, đang định vào web khác để đọc tiếp thì bác sĩ lại đi vào kiểm tra tình trạng của con tôi lần nữa. Đợi khám xong xuôi, tôi mới hỏi:
– Bác sĩ ơi, cháu hỏi một chút về nhóm máu được không ạ?
– Ừ, sao thế? Hôm qua thấy con cô có nhóm máu hiếm nên tò mò hả?
– Vâng. Ví dụ cháu nhóm máu O mà bố của con bé cũng nhóm máu O thì con cháu có thể có nhóm máu khác được không bác sĩ?
Nghe tôi hỏi xong, gương mặt bác sĩ ấy bất giác sượt qua vẻ sửng sốt, dường như mới vừa chợt nhớ ra chuyện gì đó rất chấn động.
Nếu tôi đoán không nhầm thì có lẽ ông ấy nhớ đến câu nói của tôi hôm qua, khi tôi bảo: “Máu của cháu là nhóm máu O, nhóm máu của bố nó cũng là nhóm máu O. Bác sĩ, bác sĩ lấy máu của cháu đi.”
Thấy thái độ của bác sĩ như vậy, tôi cũng thấy hơi chột dạ, lúc này một ý nghĩ quái đản bỗng dưng xẹt qua đầu tôi, khiến tôi hoảng hốt và sợ hãi đến mức hít thở không thông, chỉ mím chặt môi chờ đợi câu trả lời của bác sĩ.
Sau gần nửa phút chần chừ, cuối cùng bác sĩ ấy cũng chậm chạp đẩy gọng kính lên rồi khó khăn bảo tôi:
– Theo như kiến thức của tôi thì bố mẹ cùng nhóm máu O thì con sinh ra cũng phải nhóm máu O. Không thể là nhóm máu khác được.
***
Lời tác giả: Ngày mai là thứ 7 rồi chị em nhỉ? Tuần này bạn Hổ lại nghỉ thứ 7 nhé.
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
Bình luận facebook