• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đừng nói chuyện với cô ấy (3 Viewers)

  • Quyển 1 - Chương 6

SỰ KIỆN GIẾT NGƯỜI BẰNG PHƯƠNG THỨC KÍCH THÍCH GÂY ÁN MẠNG

Type & Beta: Mều

Căn nguyên của mọi tâm trạng tiêu cực đều là nỗi sợ hãi. Tiếp theo đây hãy nghe tôi nói về nỗi sợ hãi ở sâu trong nội tâm của Trần Hy, một nỗi sợ hãi mà ngay đến bản thân cô ta cũng không hề phát giác.

Tôi không cách nào theo kịp dòng suy nghĩ của cô ta. “Nhưng… Ừm… Tiếp theo đó thì sao? Nói đi nói lại thì cô ta cũng chỉ bị mắc một chứng bệnh tâm thần tiềm tàng mà thôi, cô đã lợi dụng những tâm trạng tiêu cực kia của cô ta thế nào mà lại có thể khiến cô ta bị nhồi máu cơ tim cấp tính như vậy chứ?”

“Đừng nôn nóng.” Diệp Thu Vi khẽ xua tay. “Vẫn còn chưa tới chỗ mấu chốt mà. Vấn đề về tâm lý của cô ta chỉ là một phương hướng mà thôi, không phải là vũ khí hay biện pháp cụ thể. Muốn dùng phương pháp ám thị để giết chết cô ta, tôi cần phải tìm hiểu sâu hơn về cô ta mới được.” Cô ta lặng lẽ nhìn tôi, mãi một lúc sau mới hỏi: “Anh còn nhớ căn bệnh di truyền của cô ta không?”

Tôi khẽ gật đầu. Trần Hy từng nhắc đến rất nhiều lần trong cuốn Nỗi đau ngầm rằng mình bị mắc một căn bệnh di truyền nào đó, căn bệnh này tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại mang đến rất nhiều bất tiện và rắc rối. Trong quá trình trưởng thành, cô ta đã bị căn bệnh này giày vò rất nhiều, nhưng sau khi thành niên, cùng với sự chín chắn không ngừng trong tính cách, căn bệnh đó không ngờ đã biến mất hoàn toàn giống như là một kỳ tích vậy.

Có điều từ đầu đến cuối, Trần Hy chưa từng miêu tả chút nào về căn bệnh di truyền này.

“Bệnh của cô ta… Cô ta chưa từng kể rằng đó rốt cuộc là loại bệnh gì.” Tôi nói. “Cô dựa vào đâu mà cho rằng đây là một yếu tố có thể lợi dụng được?”

“Cô ta quả thực không nói rõ, nhưng hiển nhiên là có khao khát muốn nói rõ.” Diệp Thu Vi hơi ngước mắt ngó lên phía trên. “Nếu anh chú tâm nghiên cứu quá trình trưởng thành của cô ta thì sẽ không khó phát hiện, bệnh của cô ta chính là u tế bào ưa crôm tuyến thượng thận di truyền.”

“U tế bào.. ưa crôm… tuyến thượng thận… di truyền…” Tôi lặp lại cái danh từ vừa dài vừa xa lạ đó một một lần, thế rồi không kìm được tò mò hỏi: “Đây là loại bệnh gì thế?”

“Là một loại u chủ yếu tồn tại trong tủy thượng thận…” Diệp Thu Vi giải thích. “Đa phần là lành tính. Tế bào ưa crôm bình thường là một loại tế bào tuyến, chủ yếu phân bố ở tủy thượng thận và hạch thần kinh giao cảm, có chức năng là tiết ra các nội tiết tố thuộc nhóm catecholamine để giúp đỡ hệ thống thần kinh giao cảm thực hiện chức năng điều hòa và khống chế sự hưng phấn.”

Tôi hoàn toàn không hiểu nổi cô ta đang nói cái gì. “Cô Diệp, cô có thể giải thích sao cho dễ hiểu hơn một chút được không?”

Cô ta suy nghĩ một chút rồi nói: “Nói một cách đơn giản thì tế bào ưa crôm tồn tại trong hệ thống thần kinh của chúng ta, phụ trách tiết ra các loại nội tiết tố như là epinephrine. Epinephrine thì anh nhất định đã từng nghe nói tới rồi, đó là một loại nội tiết tố thuộc nhóm catecholamine. Loại nội tiết tố này có tác dụng như là co bóp mạch máu, tăng tốc độ chuyển hóa của các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Các tình trạng tim đập nhanh khi gặp người yêu, toàn thân hưng phấn khi vận động, không kiểm soát được sự căng thẳng khi gặp phải nguy hiểm, đều là do tác dụng của loại nội tiết tố này.” Hơi dừng một chút, cô ta mới lại nói tiếp: “Một khi tế bào ưa crôm hình thành u thì sẽ thoát khỏi sự khống chế của hệ thống thần kinh, từ đó tiết ra nội tiết tố catecholamine quá liều lượng, khiến cho hàm lượng của loại nội tiết tố này trong máu tăng cao. Hàm lượng catecholamine tăng cao thì sẽ gây ra sự rối loạn của hệ thống tuần hoàn máu và chức năng chuyển hóa, triệu chứng thường gặp nhất chính là cao huyết áp và các biến chứng kèm theo, chẳng hạn như là tim đập nhanh hay là lòng dạ bồi hồi thấp thỏm.”

Những lời giải thích này có thể nói là dễ hiểu, tôi tuy còn chưa hiểu được hoàn toàn nhưng cũng đã đại khái nắm được những chỗ mấu chốt. Sau khi suy nghĩ một lát, tôi bèn nhìn Diệp Thu Vi bằng ánh mắt kính phục, nói: “Không ngờ cô còn biết cả về y học nữa.”

“Cũng có biết sơ qua một chút.” Cô ta mặt mày hờ hững nói: “Tuy tôi chủ yếu nghiên cứu về hóa học vật liệu, nhưng cũng thường xuyên phải tiếp xúc với các tri thức sinh hóa, do đó tất nhiên là có chút hiểu biết về sinh lý học. Ngoài ra, trong quá trình học thạc sĩ tâm lý học tôi đã hiểu được một điều, đó là muốn đi sâu vào nghiên cứu tâm lý thì trước tiên phải nắm được đủ tri thức về thần kinh học, ít nhất cũng phải biết các loại tâm trạng ở con người được sinh ra do loại vật chất nào.”

Tôi cúi gằm mặt, bỗng nhiên cảm thấy có chút ủ rũ.

Tôi xưa nay vẫn luôn cho rằng mình đã nghiên cứu tâm lý học tội phạm nhiều năm, tri thức về tâm lý học có thể coi là phong phú, thậm chí còn thường lấy đó làm niềm kiêu hãnh. Nhưng bây giờ nghe thấy những lời này của Diệp Thu Vi, tôi mới phát hiện ra mình thật nông cạn biết bao. So với Diệp Thu Vi, những thứ mà tôi biết thực chẳng đáng kể gì.

Diệp Thu Vi sau nháy mắt đã nhìn thấu nội tâm tôi, bèn nói: “Sự ủ rũ vì thiếu thốn tri thức sẽ rất dễ chuyển hóa thành khao khát đối với tri thức.”

Tôi thở dài một hơi, nói giọng chân thành: “Cảm ơn cô, cô Diệp. Nếu không có cô, chắc tôi vẫn chưa ý thức được rằng mình đã lãng phí quá nhiều thời gian. Ôi, tôi cũng nên tích cực bổ sung thêm kiến thức cho mình rồi.” Rất nhanh sau đó, tôi đã khôi phục lại tâm trạng bình tĩnh, bèn nói: “Xin lỗi, cứ ở đây mà cất lời cảm khái như thế thật là không nên. Xin hãy tiếp tục đi thôi, cô làm sao lại phán đoán ra được căn bệnh di truyền mà Trần Hy mắc phải như thế? Hơn nữa, không phải cô ta đã nói là sau khi mình trưởng thành thì căn bệnh đó đã tự động biến mất rồi ư?”

“Cô ta cho rằng nó đã biến mất, nhưng đó thực chất chỉ là một hiện tượng giả tạo mà thôi.” Một cơn gió nhẹ nhàng thổi vào phòng, tà váy của Diệp Thu Vi hơi lay động. “Xét kĩ ra, u tế bào ưa crôm là một loại bệnh thuộc hệ thống thần kinh, cho nên triệu chứng của nó có sự liên quan mật thiết tới trạng thái tinh thần của người bệnh.”

Tôi ít nhiều hiểu được ý tứ của cô ta, thế là bèn nói: “Ý cô là sự biến chuyển trong bệnh tình của cô ta có liên quan tới thói quen kìm nén của cô ta ư?”“Tôi bắt đầu nói lại từ đầu nhé.” Diệp Thu Vi đưa tay giữ tà váy đang lay động. “Chính như tôi vừa mới nói, sau khi đọc xong cuốn Nỗi đâu ngầm kia rôi liền nhận ra rằng Trần Hy đã giấu tất cả mọi tâm trạng tiêu cực của mình vào một nơi sâu thẳm trong tiềm thức, và những tâm trạng tiêu cực bị ẩn giấu này chính là nhược điểm về tâm lý của cô ta, nó giống như là ngòi nổ của một quả bom vậy. Nhưng chỉ có ngòi nổ thôi thì hiển nhiên là còn chưa đủ, tôi cần phải tìm thấy thuốc nổ trên người cô ta nữa, như vậy thì mới có thể làm cho cô ta bị nổ tung thành từng mảnh vụn.”

“Quả là một sự so sánh rất thú vị.” Tôi phát huy năng lực tổng kết cần có ở một người làm biên tập. “Giết người bằng phương pháp ám thị cũng giống như là châm ngòi nổ để làm nổ một quả bom vậy. Trong vụ tai nạn xe ở lần giết người đầu tiên của cô, nỗi ám ảnh trong tâm lý của Thư Tình chính là ngòi nổ, còn việc cô ta lái xe trên đường cao tốc chính là thuốc nổ. Trong sự kiện Lã Thần giết người, chứng hoang tưởng của Lã Thần là ngòi nổ, còn việc cô ta sống chung một nhà với Đinh Tuấn Văn chính là thuốc nổ. Nói tóm lại, ngòi nổ là nhân tố tâm lý, còn thuốc nổ là nhân tố hiện thực, chỉ khi nào hai thứ kết hợp lại với nhau thì mới có thể tạo ra một vụ nổ, cũng tức là thông qua tâm lý để tác động đến hiện thực.”

Diệp Thu Vi nhìn chằm chằm vào tôi, trong mắt thoáng qua mấy tia kinh ngạc, sau đó lại tiếp tục phân tích: “Đúng như anh nói, tôi đã phát hiện ra nhân tố tâm lý để có thể giết chết Trần Hy, điều cần làm tiếp theo chính là tìm ra nhân tố hiện thực có thể lợi dụng. Sau khi nảy ra suy nghĩ này rồi, thứ mà tôi nghĩ đến đầu tiên chính là bệnh của Trần Hy. Tiếp đó, tôi chép lại toàn bộ phần nội dung có liên quan tới căn bệnh di truyền kia trong cuốn sách Nỗi đau ngầm, thế rồi phân tích một mạch đến tận khi trời tối.”

“Xin hãy nói rõ hơn về quá trình phân tích đi.”

“Trần Hy phát bệnh lần đầu tiên là do mẹ cô ta rời đi.” Diệp Thu Vi nói: “Cuối năm 1988, cha mẹ cô ta làm thủ tục ly hôn. Đầu năm 1989, còn chưa qua rằm tháng Giêng thì mẹ cô ta đã về nhà lấy đồ, sau đó liền rời đi luôn mà chẳng ngoái đầu lại lấy một lần. Khi đó, cô ta nhìn theo bóng lưng đang đi xa của mẹ mình, đột nhiên cảm thấy toàn thân nóng bừng, đầu óc nặng trịch, thế rồi liền ngất lịm đi. Bác sỹ không thể tìm ra căn nguyên của vấn đề, cuối cùng liền đưa ra một kết luận qua loa đại khái, nói cô ta bị ngất đi là do huyết áp đột ngột tăng cao.”

Tôi cố gắng lùng sực lại kí ức của bản thân, cảm thấy trong cuốn Nỗi đau ngầm dường như thực sự có một đoạn như vậy.

“Nhưng kể từ lần đó, tình trạng ngất xỉu này của Trần Hy liền xuất hiện liên tục.” Diệp Thu Vi dường như cũng đang cố gắng nhớ lại nội dung của cuốn sách. “Lần thứ hai cô ta ngất xỉu là khi đang chơi trong phân xưởng sản xuất của cha mình. Hồi đó những đứa trẻ trong khu nhà tập thể của xí nghiệp thường hay kết bạn với nhau rồi đến các phân xưởng chơi đùa, Trần Hy cũng có sở thích như vậy, chẳng biết vì sao mà lần đó khi đang chơi thì cô ta đột nhiên ngất đi. Lần thứ ba là vào lúc nhà trường tổ chức đại hội thể dục thể thao, Trần Hy đang chơi với bạn thì bỗng dưng lại ngất xỉu. Tiếp đó là lần thứ tư rồi lần thứ năm, hơn nữa tần suất càng lúc càng dày đặc, rốt cuộc cũng đã khiến Trần Kỳ Xí chú ý đến. Ông ta đưa Trần Hy đến Bệnh viện Nhân dân số 1 của thành phố để kiểm tra toàn diện, nhưng kết quả kiểm tra lại thể hiện rằng thân thể của Trần Hy hoàn toàn bình thường. Có điều, khi bác sỹ hỏi về tiền sử bệnh tật của gia đình thì được biết hồi thiếu niên, Trần Kỳ Xí từng bị mắc chứng cao huyết áp trong một thời gian dài, mẹ của ông ta, cũng tức là bà nội của Trần Hy, khi còn sống từng thường xuyên bị ngất xỉu do huyết áp đột ngột tăng cao, mãi đến khi chết vẫn chẳng thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh.”

Tôi chăm chú lắng nghe, thầm cảm thấy mình cứ giống như là một sinh viên năm nhất của trường y vậy.

Diệp Thu Vi lại nói tiếp: “Dựa vào những điều này, bác sỹ cho rằng tình trạng ngất xỉu của Trần Hy có thể là do di truyền mà ra, nhưng nguyên nhân gây bệnh cụ thể thì vẫn chưa thể làm rõ được. Sau đó, Trần Hy thỉnh thoảng lại bị ngất xỉu đột ngột, điều này khiến cô ta trở thành trò cười cho rất nhiều người. Mãi đến năm 1993, Trần Kỳ Xí lại một lần nữa đưa cô ta đến Bệnh viện Nhân dân số 1 của thành phố để kiểm tra, và lần này rốt cuộc đã tra rõ được nguyên nhân gây bệnh. Có điều, với điều kiện y học của thời đó thì căn bản không thể chữa khỏi dứt điểm chứng bệnh này. Về sau, Trần Hy phải cố chịu đựng sự giày vò thêm mấy năm nữa. Nhưng rồi rất kỳ lạ, sau khi cô ta vào đại học thì chứng bệnh này dường như đột nhiên biến mất hoàn toàn, không xuất hiện trở lại thêm lần nào nữa.”

Tôi khẽ gật đầu, không kìm được tò mò hỏi: “Vậy… cô làm thế nào mà phán đoán ra được là cô ta bị mắc chứng… u tế bào ưa crôm tuyến thượng thận?”

“Các căn bệnh di truyền gây cao huyết áp có rất nhiều, đa phần là có liên quan tới việc nội tiết tố mất cân bằng, chẳng hạn như là chứng đề kháng insulin, bệnh tiểu đường típ 2, hội chứng giả cường aldosterone, vân vân.” Dtc liệt kê ra tên của mấy loại bệnh, chợt thấy tôi lộ vẻ ngẩn ngơ, bèn dừng việc phân tích lại, nói: “Những loại bệnh mà tôi vừa liệt kê ra đó hoặc là chủ yếu xuất hiện ở nhóm người trung và cao tuổi, hoặc là có đặc trưng là kèm theo chứng cao huyết áp kéo dài, mà hai điều này thì đều không có ở Trần Hy. Ngoài ra, căn bệnh của Trần Hy có một điểm đặc biệt, đó là lần đầu tiên cô ta phát bệnh là do tác động từ việc mẹ cô ta hờ hững rời đi, điều này có mối liên quan với sự kích thích về tinh thần. Căn cứ vào đó mà xét, tôi hoài nghi bệnh của cô ta có dính dáng tới hệ thống thần kinh, mà tế bào ưa crôm thì lại là tế bào nội tiết tố có mối liên quan mật thiết nhất với hệ thống thần kinh. Hơn nữa, tôi còn để ý tới hai mốc thời gian khi Trần Kỳ Xí đưa Trần Hy đi kiểm tra sức khỏe, lần đầu tiên là vào tháng Tư Dương lịch năm 1991, khi đó bệnh viện không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh; lần thứ hai thì là mùa hè năm 1993, lần này thì bác sỹ chẳng gặp bao nhiêu khó khăn đã phát hiện ra Trần Hy mắc chứng bệnh gì. Hai lần kiểm tra đó đều được tiến hành ở Bệnh viện Nhân dân số 1 của thành phố, có lẽ bác sỹ phụ trách việc kiểm tra cũng là cùng một người, tại sao kết quả lại hoàn toàn khác nhau như vậy chứ?”

“Kỹ thuật.” Tôi không chút nghĩ ngợi nói ngay. “Nhất định là bởi vì sự phát triển của kỹ thuật rồi.”

“Ừm.” Diệp Thu Vi nói. “Từ năm 1991 đến năm 1993, Bệnh viện Nhân dân số 1 của thành phố rốt cuộc đã có những sự đổi mới nào về kỹ thuật đây? Qua bạn bè, tôi liên hệ được với một vị bác sỹ già của Bệnh viện Nhân dân số 1, lại lấy cớ là đang viết luận văn để hỏi bà ấy câu hỏi này. Bà ấy suy nghĩ rất lâu, rồi bèn nói trong hai năm đó Bệnh viện Nhân dân số 1 không đưa về được bao nhiêu kỹ thuật tân tiến, sự thay đổi lớn nhất trong hai năm đó có lẽ chính là việc mùa xuân năm 1993, bệnh viện đã mua từ nước ngoài về một bộ thiết bị CT(*) cũ.”

(*) Tức Computed Tomography – Chụp cắt lớp vi tính – ND.

“CT?”

“Điểm này rất quan trọng.” Cô ta kiên nhẫn giải thích. “Tôi bắt đầu tìm kiếm mối liên hệ giữa kỹ thuật CT và việc kiểm tra căn bệnh của Trần Hy, thế rồi liền thấy mối liên hệ này quả thực quá rõ ràng. Trước khi kỹ thuật CT được ứng dụng, phương thức kiểm tra không gây thương tổn chủ yếu đối với các bộ phận trong cơ thể người là siêu âm B. Khuyết điểm của siêu âm B nằm ở chỗ khả năng khống chếc cùng với tính ổn định của sóng âm khá kém, hình ảnh được tạo ra không đủ rõ ràng, cho nên không thể nào theo dõi sát sao những biến đổi bệnh lý nhỏ trong cơ thể người. Kỹ thuật CT đã mang tới những tiến bộ rõ nét về độ chuẩn xác cũng như sự rõ nét của hình ảnh, các bác sỹ có thể dựa vào đó mà phát hiện ra những biến đổi bệnh lý nhỏ bé nhất. Từ điểm này tôi liền đưa ra suy đoán, căn bệnh của Trần Hy nhất định phải dùng kỹ thuật CT thì mới có thể phát hiện ra được.”

“Sau đó thì sao?” Tôi nôn nóng hỏi.

“Sau đó, cuộc sống của Trần Hy vẫn diễn ra bình thường, chỉ thỉnh thoảng mới bị cao huyết áp dẫn đến ngất xỉu đột ngột, điều này chứng tỏ bệnh tình của Trần Hy không hề quá nghiêm trọng. Khi khối u tế bào ưa crôm tuyến thượng thận hãy còn khá nhỏ thì sẽ xuất hiện những dấu hiệu tương tự như thế, mà khối u tế bào ưa crôm tuyến thượng thận có thể tích nhỏ vừa hay chính là thứ mà kỹ thuật CT có thể phát hiện ra được, còn siêu âm B thì lại không thể nào phát hiện ra được.”

Tôi trầm tư một lát, lại ghi chép sơ lược những điều này vào sổ tay, rồi nói: “Xin hãy tiếp tục đi.”

“Tuy đây chỉ là phán đoán của tôi, nhưng lại rất khớp với tình trạng của Trần Hy. Men theo dòng suy nghĩ này, tôi đã lại có thêm rất nhiều phát hiện mới. Trần Hy nói, căn bệnh di truyền kia đã bám theo cô ta rất nhiều năm, vậy nhưng sau khi cô ta vào đại học thì nó lại tự động biến mất. Một căn bệnh tự khỏi thì nhất định là phải có nguyên nhân, lại liên tưởng tới lần đầu tiên cô ta phát bệnh, tôi đột ngột hiểu ra, sự biến mất đột ngột của chứng bệnh này cũng giống như việc năm xưa nó đột ngột xuất hiện vậy, đều là do nhân tố tâm lý mà ra.”
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom