Lời tả của Tần An Mai làm lòng Triệu Từ Thấm dấy lên dự cảm xấu, nhưng nếu chỉ dựa vào dáng dấp cao to và tính tình khó gần thì thành phố này cũng nhan nhản người như thế, chắc gì đã là người cô nghĩ đến.
Triệu Từ Thấm rảo bước vào phòng tranh.
Nơi này nằm ngay đầu khu phố Đông, đất đai đắt đỏ bậc nhất, người qua kẻ lại như mắc cửi. Kế bên là tiệm tạp hoá Long Dương, đối diện là tiệm trà Tây nứt tiếng Thượng Hải, không ít vị phu nhân có danh phận thường xuyên hò hẹn thưởng trà ở đây. Hồi đầu Tần An Mai còn lo về thu chi của phòng tranh, nhưng sau khi biết nhà họ Triệu lắm tiền nhiều của cũng thôi không bận tâm nữa.
Nhà họ Triệu ba đời làm kinh doanh, khi xưa nhờ có nghề dệt Giang Nam mới có chỗ đứng ở Thượng Hải. Sau này cách tân, ông Triệu – Triệu La Tự lại đi theo xu thế thời đại mới mở một xưởng gia công xà phòng. Ông Triệu kết giao không ít bạn bè, có giao tình với không ít quan viên chính khách, một phòng tranh đối với nhà họ Triệu quả thực không đáng để trong mắt.
Buổi chiều, một chiếc Chevrolet [1] màu đen dừng trước cửa phòng tranh.
Khi Tần An Mai đến báo, Triệu Từ Thấm vẫn còn ngây ngẩn, giọt mực rơi khỏi ngòi bút đáp xuống trang giấy vẽ, “Người trong nhà đến à?”
Tần An Mai đáp lời: “Vâng, phu nhân dặn đến đón chị về.”
Nửa tiếng sau, ô tô xuyên qua phố xá náo nhiệt, cẩn thận tránh đụng phải người đi đường, lái thẳng đến dinh thự.
Trong phòng khách, đèn chùm thuỷ tinh xa xỉ toả ánh vàng, Khương Giác có vẻ bồn chồn không thôi, dù đã cố lên dây cót tinh thần nhưng bà vẫn thấy không thể an lòng.
Triệu Từ Thấm vừa về đã ngồi xuống cạnh bà, “Mẹ tìm con về gấp có chuyện gì ạ?”
Sau cùng Khương Giác vẫn cười xoà, bà vỗ nhẹ mu bàn tay cô, “Cái con bé này nói gì đấy, bây giờ con ở một mình, mẹ muốn gặp con mà phải tìm lý do à?”
Đoạn bà tiếp lời: “Lần trước mẹ nhận được điện báo từ em trai con, nó bảo sắp tới sẽ về nhà một chuyến.”
Triệu Từ Thấm nhoẻn môi cười: “Vậy thì tốt quá ạ.”
Triệu Thành Kỳ sinh sau đẻ muộn, nhỏ hơn cô tận mười lăm tuổi, song tình cảm chị em họ lại rất khăng khít. Hai năm trước thành phố Ninh thất thủ, Triệu Thành Kỳ liền đi tòng quân đến nay vẫn chưa về.
Lúc ấy Khương Giác hao hết nước mắt, có đoạn thời gian còn chẳng buồn đọc điện báo cậu gửi về, nhưng rồi bà cũng dần mở lòng với lựa chọn của con trai.
Xong chuyện của Triệu Thành Kỳ, bầu không khí xung quanh bất chợt ngưng trệ.
Thực ra nguyên nhân cũng không hẳn do Triệu Từ Thấm, bản thân cô là người kiệm lời, hiếm khi lộ vẻ nũng nịu với bố mẹ. Ở cô luôn toát lên khí chất khéo léo nhã nhặn của phụ nữ Giang Nam, hồi còn trẻ có thể khiến người khác cảm thấy cổ hủ kém thú vị nhưng trải qua lắng đọng của năm tháng, nét mỹ mạo ngấm trong xương cốt này lại khiến người ta nhìn không sao dứt mắt được.
Sau mấy lần định nói lại thôi, Triệu Từ Thấm mơ hồ cảm giác được sự khác lạ của Khương Giác.
“Từ Thấm, con có nghĩ đến một ngày, nếu một ngày nào đó Trường Phong trở về tìm con thì thế nào chưa?”
Triệu Từ Thấm thoáng giật mình.
Cô nhìn khuôn mặt tha thiết của mẹ mình, cổ họng như bị thứ gì chẹn ngang.
Chặp sau cô mới trả lời: “Mẹ à, con và anh ấy đã ly hôn.”
“Mẹ biết,” Khương Giác kiên trì nhìn cô, “Nhưng khi trước con đưa ra quyết định nó cũng không ở nhà, có lẽ thằng bé cũng khó lòng mà làm khác được.”
“Nhưng kể cả như vậy thì quyết định của con cũng không thay đổi.”
“…”
Bầu không khí như chợt đóng băng.
Sau cùng, Khương Giác mới khuyên giải: “Không phải mẹ muốn kể tốt về thằng bé, nhưng Từ Thấm à, cả đời này đâu phải chỉ có thể lựa chọn một lần. Hai đứa lớn lên cùng nhau, biết rõ tính nhau, lúc trước cũng chính con muốn lấy nó, sao bây giờ lại đổi ý?” Bà thoáng im lặng, nắm lấy tay cô, “Bây giờ nó ở trong phòng chờ con đó, con gặp nó đi, cho nó một cơ hội cũng là cho chính mình một cơ hội.”
Bình luận facebook