Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hoa Hồng Xứ Khác - Chương 08
Số thằng Ngữ là số xui. Kể từ hôm tôi hứa giúp nó, nhỏ Gia Khanh không quay xuống mượn đồ của tôi nữa. Gia Khanh mua một cây thước và một cục gôm. Nó kẻ rẹt rẹt. Nó gôm rào rào. Toàn bằng đồ của nó.
Tôi ngồi nhấp nhỏm trên ghế suốt ba ngày, chờ Gia Khanh quay xuống để chơi trò "đố vui để học" theo kịch bản của Ngữ. Nhưng tôi chỉ hoài công.
Ngữ thất vọng ra mặt. Sốt ruột theo dõi mấy ngày liền, thấy tôi chưa "phỏng vấn" Gia Khanh được câu nào, nó nhăn mặt trách móc:
- Thật tao chưa thấy ai vô tích sự như mày! Chiến trường gì mà im ru bà rù, không bên nào nổ được một phát súng!
Tôi thở dài:
- Nó không quay xuống làm sao tao "nổ"? Chẳng lẽ tao bắn lén sau lưng?
Nghe tôi phân trần, Ngữ tặc lưỡi, không nói gì. Chắc nó nhận ra nó vừa trách oan tôi.
Hai đứa lặng lẽ nhìn nhau, đầu loay hoay nghĩ kế. Một lát, Ngữ chép miệng nói, giọng trầm ngâm:
- Thôi, tụi mình ráng chờ thêm vài hôm nữa! Nhiệm vụ của mày vẫn như cũ. Cứ "canh" em thật sát, hễ em quay đầu xuống là mày "nổ" liền!
Chuyện tình cảm mà thằng Ngữ nó nói nghe phát ớn, nghe cứ như máu chảy đầu rơi tới nơi! Tôi bâng khuâng hỏi lại:
- Nhỡ nó không quay xuống thì sao?
Ngữ khịt mũi:
- Em sẽ quay! Nhất định em sẽ quay! Em sẽ hỏi mượn mày một cái gì đó!
Tôi trố mắt:
- Một cái gì là một cái gì? Thước, gôm bây giờ nó đã có đủ, nó không có cần mượn tao nữa đâu!
Ngữ vẫn khăng khăng:
- Nhưng em sẽ hỏi mượn một cái khác! Một cái gì đó!
Rồi thấy mặt mày tôi vẫn ngơ ngơ ngác ngác, Ngữ hùng hồn giải thích:
- Mày cóc hiểu tâm lý con người ta gì hết! Cái đứa nó đã không thích mượn đồ thì có cho vàng nó cũng không hé môi hỏi mượn. Còn cái đứa có thói quen mượn đồ người khác như em Gia Khanh thì trước sau gì em cũng sẽ lại hỏi mượn. Không mượn cái này thì mượn cái khác. Không mượn em chịu không được.
Sau khi lên lớp cho tôi một bài về "khoa tâm lý... mượn đồ", Ngữ bỏ đi mất. Tôi không biết Ngữ có tin lời mình nói hay không, nhưng nhìn theo dáng đi thất thểu của nó, tôi đoán rằng nó chẳng phấn khởi bao nhiêu.
Tôi buồn không thua gì Ngữ. Những ngày vừa qua đối với tôi là những ngày trống vắng. Khi Gia Khanh quay xuống hỏi mượn cái này cái nọ, mặt tôi lầm lì nhưng bụng lại thấy vui vui. Đến khi nó làm lơ, tự dưng tôi cảm thấy thiếu thiếu một cái gì. Lần đầu tiên trong đời tôi trải qua một cảm giác lạ lùng như vậy. Tâm trạng thẫn thờ đó khiến tôi cảm thấy bất an quá chừng.
Gia Khanh không giống như tụi con gái mà tôi vẫn dè chừng trước nay. Nó xinh đẹp và dịu dàng. Lại hiền hậu nữa. Nhìn vẻ mặt âm u của tôi, nó không quay mặt đi, nhổ nước bọt và lẩm bẩm "đồ... mặt sắt" như những đứa khác. Nó vẫn tươi tỉnh như không. Mỗi khi trả đồ nó còn thân ái cảm ơn tôi bằng cái giọng ngọt ngào và du dương như hát. Sau này tôi mới vỡ lẽ ra là Gia Khanh hát rất hay và nó nhanh chóng trở thành giọng nữ chính của ban văn nghệ lớp tôi.
Trong những ngày bềnh bồng đó, tự nhiên tôi đâm ra nghi ngờ những câu "châm chích... ngôn" trong sổ tay của tôi. Suốt mấy năm qua, tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những lời vàng ngọc dành cho đàn ông đó. Vậy mà chỉ cần ba ngày Gia Khanh không hỏi mượn đồ, niềm tin đó lập tức lung lay như cây non gặp bão. Bây giờ, ngay cả "kinh" cũng không răn được tôi nữa. Kinh Talmud từng nói cái lưỡi đàn bà là một trong những sai lầm khó chịu nhất của tạo hóa. Trước đây, kinh dạy sao, tôi nghe vậy. Nhưng từ khi sao chổi Gia Khanh xuất hiện, tôi lại nghĩ khác: chỉ kinh sai lầm thì có, chứ tạo hóa chẳng sai lầm tí ti ông cụ nào! Cái lưỡi của Gia Khanh là cái lưỡi tuyệt vời, lời ăn tiếng nói của nó mới êm ái làm sao!
Trong khi chờ đợi Gia Khanh quay xuống hỏi mượn "một cái gì đó", như lời dự đoán của Ngữ, tôi tẩn mẩn lục tìm trong sách báo và vô cùng ngỡ ngàng khi phát hiện ra vô số câu thành ngữ và vô số nhà thông thái không tiếc lời tán dương phụ nữ. Họ ca ngợi "kẻ thù" của tôi lên tận mây xanh. Nào là "Trên đời này chỉ có hai cái đẹp: phụ nữ và hoa hồng", nào là "Phụ nữ là nhà giáo dục đầu tiên", nào là "Phụ nữ được tạo dựng nên để làm dịu sự hung hãn trong tính cách của người đàn ông", ôi thôi đủ thứ! Ngay cả đại văn hào như ông Balzac cũng "bơm" phụ nữ hết biết: "Rung cảm, yêu, chịu đau khổ, hy sinh: những chữ này mãi mãi dệt nên trang đời của phụ nữ". Nếu phụ nữ "tuyệt diệu" như ông nói thì đặt quách họ lên bàn thờ mà lạy cho rồi! Hẳn lòng ông nghĩ thế nhưng ông ngại nói thẳng ra đấy thôi! Chả bù với ông Legouver! Ông này thì nói huỵch toẹt, không úp mở: "Bạn hãy quì dưới chân những người cùng phái với mẹ bạn!". Ôi, nghe ông xúi mà tôi phát khiếp!
Tôi chưa hề quì dưới chân bất cứ một đứa con gái nào, nhưng tôi đã từng bị con quỷ Mỹ Hạnh gạt cho tôi quì dưới chân... bảng đen suốt một buổi ê ẩm trước hàng chục cặp mắt xoi mói của bạn bè. Mối thù đó, tôi nhớ đời. Và từ đó, tôi không bao giờ tưởng tượng được có một người đàn ông nào trên cõi đời này lại điên khùng mở miệng đi khen ngợi phụ nữ. Hóa ra, sự thể không giống như tôi nghĩ. Những câu danh ngôn "xu nịnh" phụ nữ kia càng giúp tôi hiểu sâu sắc hơn câu ca dao "Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên". Và tôi cũng hiểu thêm rằng những nhà thông thái không phải lúc nào cũng tỏ ra thông thái. Hoặc giả, có hai loại người thông thái khác nhau. Thoạt đầu, có lẽ họ cũng đoàn kết với nhau trong một khối thuần nhất và rắn chắc. Kể từ khi bọn đàn bà con gái xuất hiện, bọn này mới chia họ ra thành hai phe. Phe yêu, phe ghét.
Sự khám phá muộn màng và bất ngờ này khiến tôi bối rối vô kể. Trước nay, tôi thuộc phe ghét. Năm ngoái, tôi lỡ yêu một lần, cũng chỉ "yêu chơi". Nhưng từ hôm Gia Khanh nhập học đến nay, tôi bỗng nghiệm ra tụi con gái rắc rối hơn tôi tưởng nhiều. Không phải đứa nào trong bọn chúng cũng đáng ghét như nhỏ Mỹ Hạnh hay nhỏ Hồng. Cũng có những đứa dịu dàng mà tụi con trai chúng tôi hoàn toàn có thể thương... thiệt.
Nghĩ ngợi vẩn vơ một hồi, tôi chợt giật mình. Tôi cảm tưởng tôi đang lây bệnh của thằng Ngữ. Mấy hôm nay, nó chuyển qua "thương thiệt", nó nhờ tôi giúp. Tôi giúp nó chưa xong, lại đi bắt chước nó, chắc mọi sự rối tung. Nghĩ vậy, tôi hãi quá. Tôi ra sức giữ gìn. Tôi cố dằn lòng tụng niệm. Tôi là thầy Tam Tạng. Thiên Trúc đi gần tới nơi, đừng bắt tôi nửa đường "chuyển hệ" thành... Trư Bát Giới, hễ thấy con gái là mê tít thò lò.
Ngữ chẳng nghi ngờ gì tôi. Ngày ngày nó vẫn ngồi thấp thỏm quan sát trận địa từ xa. Nó chong mắt chờ Gia Khanh quay xuống hỏi mượn tôi "một cái gì đó".
Trong khi tôi đinh ninh lời tiên đoán của Ngữ sẽ không bao giờ xảy ra thì bỗng một hôm, Gia Khanh hỏi mượn đồ của tôi thật. Dĩ nhiên, nó không mượn thước, mượn gôm. Lần này, nó hỏ mượn viết:
- Khoa có viết đỏ không, cho Gia Khanh mượn đi!
Tôi đang xài cây viết hai màu, màu xanh và màu đỏ. Tôi liền nhanh nhẹn đưa cho nó, miệng kèm theo một nụ cười thật tươi. Trước đây, trong những trường hợp như thế này, tôi không bao giờ cười. Gia Khanh hỏi món gì, tôi làm thinh đưa món đó, mặt lạnh như tiền. Nhưng lâu nay nó không quan hệ "hỏi-mượn" với tôi, tôi thấy nhớ nhớ. Vì vậy, sáng nay vừa bắt gặp đôi mắt long lanh quen thuộc quay xuống, tôi nghe tim mình đập thình thịch và lập tức nhoẻn miệng cười.
Khi Gia Khanh quay lên, tôi liếc xuống chỗ Ngữ ngồi. Nó đang nhìn tôi, nháy nháy mắt, mặt mày rạng rỡ như hoa mùa xuân. Chắc hẳn nó vui lắm! Tội nghiệp, nó đâu có biết tôi vui hơn nó gấp tỉ lần.
Lát sau, Gia Khanh lại quay xuống. Nó trả viết cho tôi và như thường lệ, nó cảm ơn tôi bằng cái giọng êm ái như ru.
Còn tôi, khác với thường lệ, lần này Gia Khanh chưa kịp quay lên, tôi đã đánh bạo "nổ" trước:
- Gia Khanh... nè!
Tôi thấy Gia Khanh giật nẩy người. Có lẽ hiện tượng "cóc mở miệng" khiến nó vô cùng sửng sốt. Sau một thoáng bàng hoàng, Gia Khanh chớp mắt nhìn tôi và hỏi bằng giọng ngạc nhiên:
- Khoa nói gì?
Tự nhiên tôi cảm thấy lúng túng. Sau một thời gian dài cắt đứt quan hệ với tụi con gái, bây giờ chủ động gợi chuyện, tôi không biết phải bắt đầu như thế nào.
Đang bối rối, sực nhớ đến những lời Ngữ dặn, tôi ấp úng hỏi:
- Gia Khanh đã đọc tờ báo tường của lớp mình chưa?
Trong khi tôi đang cố nhớ câu hỏi tiếp theo là câu gì thì Gia Khanh lắc đầu, tỉnh khô:
- Chưa.
Gia Khanh làm tôi chưng hửng. Tờ báo treo lên đã mười ngày nay rồi, nó bận chuyện gì mà chưa đọc không biết! Mà nó chưa đọc thì làm sao tôi giúp Ngữ được! Chẳng biết nói gì, tôi bần thần hỏi lại:
- Gia Khanh chưa đọc thật à?
- Thật! - Gia Khanh gật đầu, rồi nó chép miệng nói tiếp - Gia Khanh chỉ mới đọc lướt qua mấy bài thơ!
Ồ, vậy là được rồi! - Tôi mừng quýnh, nhủ bụng - Thằng Ngữ cũng chỉ cần có thế thôi! Và tôi sốt sắng hỏi tiếp:
- Gia Khanh có đọc bài thơ của Ngu Kha không?
Gia Khanh không biết tôi định dẫn nó đi đến đâu nhưng nó vẫn thật thà đáp:
- Có. Bài thơ viết về tình thầy trò chứ gì?
- Ừ.
Gia Khanh buột miệng xuýt xoa:
- Bài thơ cảm động ghê!
Gia Khanh khen bài thơ của Ngu Kha làm tôi tức anh ách. Tôi đang giúp Ngữ, nhưng thấy nó sắp sửa thành công, tôi lại đâm ra ghen tị, bứt rứt. Nhưng đã lỡ hứa với nó, tôi phải gắng làm tròn trách nhiệm. Tôi liếm môi, hỏi câu quyết định:
- Thế Gia Khanh có biết Ngu Kha là ai không?
- Làm sao Gia Khanh biết được!
Gia Khanh đáp với vẻ ngỡ ngàng. Và chẳng hiểu nó đã rõ âm mưu đen tối của bọn tôi chưa mà nó bỗng hỏi lại, giọng cảnh giác:
- Nhưng Ngu Kha là ai, việc đó đâu có dính dáng gì đến Gia Khanh?
Tôi cười chúm chím:
- Có đấy! Tại Gia Khanh không biết đó thôi!
Rồi thấy Gia Khanh vẫn chưa hiểu, tôi bèn giải thích:
- Chữ Kha tức là tên Khanh đấy!
- Kha sao lại là Khanh?
- Ừ, đó là tên Khanh bỏ chữ "nh".
Mặt Gia Khanh thoạt ửng đỏ. Tôi tưởng nó sẽ quay phắt đi. Nhưng không, Gia Khanh mỉm cười, láu lỉnh:
- Thế còn chữ Ngu? Ngu là gì?
Tôi hắng giọng:
- Ngu là tên người... khác.
- Người khác là ai?
Gia Khanh hỏi thẳng làm tôi đâm hoảng. Mục đích của cuộc "đối thoại" hôm nay là làm cho Gia Khanh hiểu được tình ý của Ngữ. Từ nãy đến giờ, tôi phải cất công dệt từng mắt lưới để giăng bẫy Gia Khanh, nhưng đến khi nó rơi vào tròng rồi, tôi lại đâm ra lóng ngóng, không biết xử lý ra sao. Thái độ điềm tĩnh của Gia Khanh khiến tôi không đủ can đảm khai tên thủ phạm. Tôi đành nói vòng vo:
- Thì Gia Khanh thử đoán coi! Lớp mình đâu có mấy người "ngu"!
Chửi xỏ thằng Ngữ được một câu, tôi khoái lắm. Còn Gia Khanh thì không nói gì. Nó khẽ nhíu mày và lặng lẽ quay lên. Chắc nó đang nát óc tìm xem cái đứa "ngu" trong lớp là đứa nào!
Trưa đó, trên đường về, Ngữ chạy lại bá vai tôi, rối rít hỏi:
- Sao? Mày nói gì với em chưa?
- Rồi.
- Mày nói sao?
- Thì những gì mày đã dặn.
Ngữ có vẻ sốt ruột trước những câu trả lời lừng khừng của tôi. Nó nhăn nhó:
- Nhưng cụ thể là sao chứ? Mày tường thuật tỉ mỉ nghe coi!
Tôi liền "tường thuật tỉ mỉ". Vừa nói, tôi vừa liếc Ngữ. Mặt nó căng ra như mặt trống, cặp mắt thì thao láo, tai dỏng lên như tai mèo, điệu bộ nom hài hước dị dạng quá chừng.
Kể đến chỗ chữ Ngu, tôi bỗng ngập ngừng. Ngữ chột dạ:
- Mày làm gì ấp a ấp úng vậy? Em có biết Ngu là tao không?
Tôi gật đầu:
- Biết.
- Mày nói hả?
Tôi lắc đầu:
- Tao không nói. Tao chỉ bảo nó tự đoán lấy. Mà lớp mình thì chỉ có một mình mày "ngu" chứ đâu còn ai "ngu" nữa!
Lâu nay, tôi luôn luôn bị "lép vế" trước mặt Ngữ, bây giờ lợi dụng thời cơ nghìn năm có một, tôi chửi nó chơi. Tưởng Ngữ sẽ nổi khùng cự lại, nào ngờ bữa nay nó hiền khô. Không những nó không giận tôi mà còn ngoác miệng ra cười:
- Cho mày chửi! Mày cứ giúp tao tận tình vào, rồi muốn chửi bao nhiêu cũng được! Tha hồ!
Ngữ làm tôi kinh ngạc thực sự. Thời nó còn "thương chơi", tôi mới đụng nó một câu, nó nói lại mười câu. Bây giờ "thương thiệt", nó tự dưng từ bi bác ái quá chừng. Chẳng lẽ đó là triệu chứng của bệnh... yêu sao?
Tôi tự hỏi và không trả lời được. Ngữ chắc thừa sức giải đáp, nhưng tôi không tiện hỏi. Lúc này, Ngu Kha bận bù đầu. Ngày nào nó cũng sáng tác cả chục bài thơ. Nó hút thuốc vàng tay. Tối, nó thức khuya lơ khuya lắc, tẩy tẩy xóa xóa. Sáng ra mắt nó đỏ kè.
Dòm nó, tôi không hiểu rốt cuộc thì "thương thiệt" là ngu hay khôn!
Tôi ngồi nhấp nhỏm trên ghế suốt ba ngày, chờ Gia Khanh quay xuống để chơi trò "đố vui để học" theo kịch bản của Ngữ. Nhưng tôi chỉ hoài công.
Ngữ thất vọng ra mặt. Sốt ruột theo dõi mấy ngày liền, thấy tôi chưa "phỏng vấn" Gia Khanh được câu nào, nó nhăn mặt trách móc:
- Thật tao chưa thấy ai vô tích sự như mày! Chiến trường gì mà im ru bà rù, không bên nào nổ được một phát súng!
Tôi thở dài:
- Nó không quay xuống làm sao tao "nổ"? Chẳng lẽ tao bắn lén sau lưng?
Nghe tôi phân trần, Ngữ tặc lưỡi, không nói gì. Chắc nó nhận ra nó vừa trách oan tôi.
Hai đứa lặng lẽ nhìn nhau, đầu loay hoay nghĩ kế. Một lát, Ngữ chép miệng nói, giọng trầm ngâm:
- Thôi, tụi mình ráng chờ thêm vài hôm nữa! Nhiệm vụ của mày vẫn như cũ. Cứ "canh" em thật sát, hễ em quay đầu xuống là mày "nổ" liền!
Chuyện tình cảm mà thằng Ngữ nó nói nghe phát ớn, nghe cứ như máu chảy đầu rơi tới nơi! Tôi bâng khuâng hỏi lại:
- Nhỡ nó không quay xuống thì sao?
Ngữ khịt mũi:
- Em sẽ quay! Nhất định em sẽ quay! Em sẽ hỏi mượn mày một cái gì đó!
Tôi trố mắt:
- Một cái gì là một cái gì? Thước, gôm bây giờ nó đã có đủ, nó không có cần mượn tao nữa đâu!
Ngữ vẫn khăng khăng:
- Nhưng em sẽ hỏi mượn một cái khác! Một cái gì đó!
Rồi thấy mặt mày tôi vẫn ngơ ngơ ngác ngác, Ngữ hùng hồn giải thích:
- Mày cóc hiểu tâm lý con người ta gì hết! Cái đứa nó đã không thích mượn đồ thì có cho vàng nó cũng không hé môi hỏi mượn. Còn cái đứa có thói quen mượn đồ người khác như em Gia Khanh thì trước sau gì em cũng sẽ lại hỏi mượn. Không mượn cái này thì mượn cái khác. Không mượn em chịu không được.
Sau khi lên lớp cho tôi một bài về "khoa tâm lý... mượn đồ", Ngữ bỏ đi mất. Tôi không biết Ngữ có tin lời mình nói hay không, nhưng nhìn theo dáng đi thất thểu của nó, tôi đoán rằng nó chẳng phấn khởi bao nhiêu.
Tôi buồn không thua gì Ngữ. Những ngày vừa qua đối với tôi là những ngày trống vắng. Khi Gia Khanh quay xuống hỏi mượn cái này cái nọ, mặt tôi lầm lì nhưng bụng lại thấy vui vui. Đến khi nó làm lơ, tự dưng tôi cảm thấy thiếu thiếu một cái gì. Lần đầu tiên trong đời tôi trải qua một cảm giác lạ lùng như vậy. Tâm trạng thẫn thờ đó khiến tôi cảm thấy bất an quá chừng.
Gia Khanh không giống như tụi con gái mà tôi vẫn dè chừng trước nay. Nó xinh đẹp và dịu dàng. Lại hiền hậu nữa. Nhìn vẻ mặt âm u của tôi, nó không quay mặt đi, nhổ nước bọt và lẩm bẩm "đồ... mặt sắt" như những đứa khác. Nó vẫn tươi tỉnh như không. Mỗi khi trả đồ nó còn thân ái cảm ơn tôi bằng cái giọng ngọt ngào và du dương như hát. Sau này tôi mới vỡ lẽ ra là Gia Khanh hát rất hay và nó nhanh chóng trở thành giọng nữ chính của ban văn nghệ lớp tôi.
Trong những ngày bềnh bồng đó, tự nhiên tôi đâm ra nghi ngờ những câu "châm chích... ngôn" trong sổ tay của tôi. Suốt mấy năm qua, tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những lời vàng ngọc dành cho đàn ông đó. Vậy mà chỉ cần ba ngày Gia Khanh không hỏi mượn đồ, niềm tin đó lập tức lung lay như cây non gặp bão. Bây giờ, ngay cả "kinh" cũng không răn được tôi nữa. Kinh Talmud từng nói cái lưỡi đàn bà là một trong những sai lầm khó chịu nhất của tạo hóa. Trước đây, kinh dạy sao, tôi nghe vậy. Nhưng từ khi sao chổi Gia Khanh xuất hiện, tôi lại nghĩ khác: chỉ kinh sai lầm thì có, chứ tạo hóa chẳng sai lầm tí ti ông cụ nào! Cái lưỡi của Gia Khanh là cái lưỡi tuyệt vời, lời ăn tiếng nói của nó mới êm ái làm sao!
Trong khi chờ đợi Gia Khanh quay xuống hỏi mượn "một cái gì đó", như lời dự đoán của Ngữ, tôi tẩn mẩn lục tìm trong sách báo và vô cùng ngỡ ngàng khi phát hiện ra vô số câu thành ngữ và vô số nhà thông thái không tiếc lời tán dương phụ nữ. Họ ca ngợi "kẻ thù" của tôi lên tận mây xanh. Nào là "Trên đời này chỉ có hai cái đẹp: phụ nữ và hoa hồng", nào là "Phụ nữ là nhà giáo dục đầu tiên", nào là "Phụ nữ được tạo dựng nên để làm dịu sự hung hãn trong tính cách của người đàn ông", ôi thôi đủ thứ! Ngay cả đại văn hào như ông Balzac cũng "bơm" phụ nữ hết biết: "Rung cảm, yêu, chịu đau khổ, hy sinh: những chữ này mãi mãi dệt nên trang đời của phụ nữ". Nếu phụ nữ "tuyệt diệu" như ông nói thì đặt quách họ lên bàn thờ mà lạy cho rồi! Hẳn lòng ông nghĩ thế nhưng ông ngại nói thẳng ra đấy thôi! Chả bù với ông Legouver! Ông này thì nói huỵch toẹt, không úp mở: "Bạn hãy quì dưới chân những người cùng phái với mẹ bạn!". Ôi, nghe ông xúi mà tôi phát khiếp!
Tôi chưa hề quì dưới chân bất cứ một đứa con gái nào, nhưng tôi đã từng bị con quỷ Mỹ Hạnh gạt cho tôi quì dưới chân... bảng đen suốt một buổi ê ẩm trước hàng chục cặp mắt xoi mói của bạn bè. Mối thù đó, tôi nhớ đời. Và từ đó, tôi không bao giờ tưởng tượng được có một người đàn ông nào trên cõi đời này lại điên khùng mở miệng đi khen ngợi phụ nữ. Hóa ra, sự thể không giống như tôi nghĩ. Những câu danh ngôn "xu nịnh" phụ nữ kia càng giúp tôi hiểu sâu sắc hơn câu ca dao "Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên". Và tôi cũng hiểu thêm rằng những nhà thông thái không phải lúc nào cũng tỏ ra thông thái. Hoặc giả, có hai loại người thông thái khác nhau. Thoạt đầu, có lẽ họ cũng đoàn kết với nhau trong một khối thuần nhất và rắn chắc. Kể từ khi bọn đàn bà con gái xuất hiện, bọn này mới chia họ ra thành hai phe. Phe yêu, phe ghét.
Sự khám phá muộn màng và bất ngờ này khiến tôi bối rối vô kể. Trước nay, tôi thuộc phe ghét. Năm ngoái, tôi lỡ yêu một lần, cũng chỉ "yêu chơi". Nhưng từ hôm Gia Khanh nhập học đến nay, tôi bỗng nghiệm ra tụi con gái rắc rối hơn tôi tưởng nhiều. Không phải đứa nào trong bọn chúng cũng đáng ghét như nhỏ Mỹ Hạnh hay nhỏ Hồng. Cũng có những đứa dịu dàng mà tụi con trai chúng tôi hoàn toàn có thể thương... thiệt.
Nghĩ ngợi vẩn vơ một hồi, tôi chợt giật mình. Tôi cảm tưởng tôi đang lây bệnh của thằng Ngữ. Mấy hôm nay, nó chuyển qua "thương thiệt", nó nhờ tôi giúp. Tôi giúp nó chưa xong, lại đi bắt chước nó, chắc mọi sự rối tung. Nghĩ vậy, tôi hãi quá. Tôi ra sức giữ gìn. Tôi cố dằn lòng tụng niệm. Tôi là thầy Tam Tạng. Thiên Trúc đi gần tới nơi, đừng bắt tôi nửa đường "chuyển hệ" thành... Trư Bát Giới, hễ thấy con gái là mê tít thò lò.
Ngữ chẳng nghi ngờ gì tôi. Ngày ngày nó vẫn ngồi thấp thỏm quan sát trận địa từ xa. Nó chong mắt chờ Gia Khanh quay xuống hỏi mượn tôi "một cái gì đó".
Trong khi tôi đinh ninh lời tiên đoán của Ngữ sẽ không bao giờ xảy ra thì bỗng một hôm, Gia Khanh hỏi mượn đồ của tôi thật. Dĩ nhiên, nó không mượn thước, mượn gôm. Lần này, nó hỏ mượn viết:
- Khoa có viết đỏ không, cho Gia Khanh mượn đi!
Tôi đang xài cây viết hai màu, màu xanh và màu đỏ. Tôi liền nhanh nhẹn đưa cho nó, miệng kèm theo một nụ cười thật tươi. Trước đây, trong những trường hợp như thế này, tôi không bao giờ cười. Gia Khanh hỏi món gì, tôi làm thinh đưa món đó, mặt lạnh như tiền. Nhưng lâu nay nó không quan hệ "hỏi-mượn" với tôi, tôi thấy nhớ nhớ. Vì vậy, sáng nay vừa bắt gặp đôi mắt long lanh quen thuộc quay xuống, tôi nghe tim mình đập thình thịch và lập tức nhoẻn miệng cười.
Khi Gia Khanh quay lên, tôi liếc xuống chỗ Ngữ ngồi. Nó đang nhìn tôi, nháy nháy mắt, mặt mày rạng rỡ như hoa mùa xuân. Chắc hẳn nó vui lắm! Tội nghiệp, nó đâu có biết tôi vui hơn nó gấp tỉ lần.
Lát sau, Gia Khanh lại quay xuống. Nó trả viết cho tôi và như thường lệ, nó cảm ơn tôi bằng cái giọng êm ái như ru.
Còn tôi, khác với thường lệ, lần này Gia Khanh chưa kịp quay lên, tôi đã đánh bạo "nổ" trước:
- Gia Khanh... nè!
Tôi thấy Gia Khanh giật nẩy người. Có lẽ hiện tượng "cóc mở miệng" khiến nó vô cùng sửng sốt. Sau một thoáng bàng hoàng, Gia Khanh chớp mắt nhìn tôi và hỏi bằng giọng ngạc nhiên:
- Khoa nói gì?
Tự nhiên tôi cảm thấy lúng túng. Sau một thời gian dài cắt đứt quan hệ với tụi con gái, bây giờ chủ động gợi chuyện, tôi không biết phải bắt đầu như thế nào.
Đang bối rối, sực nhớ đến những lời Ngữ dặn, tôi ấp úng hỏi:
- Gia Khanh đã đọc tờ báo tường của lớp mình chưa?
Trong khi tôi đang cố nhớ câu hỏi tiếp theo là câu gì thì Gia Khanh lắc đầu, tỉnh khô:
- Chưa.
Gia Khanh làm tôi chưng hửng. Tờ báo treo lên đã mười ngày nay rồi, nó bận chuyện gì mà chưa đọc không biết! Mà nó chưa đọc thì làm sao tôi giúp Ngữ được! Chẳng biết nói gì, tôi bần thần hỏi lại:
- Gia Khanh chưa đọc thật à?
- Thật! - Gia Khanh gật đầu, rồi nó chép miệng nói tiếp - Gia Khanh chỉ mới đọc lướt qua mấy bài thơ!
Ồ, vậy là được rồi! - Tôi mừng quýnh, nhủ bụng - Thằng Ngữ cũng chỉ cần có thế thôi! Và tôi sốt sắng hỏi tiếp:
- Gia Khanh có đọc bài thơ của Ngu Kha không?
Gia Khanh không biết tôi định dẫn nó đi đến đâu nhưng nó vẫn thật thà đáp:
- Có. Bài thơ viết về tình thầy trò chứ gì?
- Ừ.
Gia Khanh buột miệng xuýt xoa:
- Bài thơ cảm động ghê!
Gia Khanh khen bài thơ của Ngu Kha làm tôi tức anh ách. Tôi đang giúp Ngữ, nhưng thấy nó sắp sửa thành công, tôi lại đâm ra ghen tị, bứt rứt. Nhưng đã lỡ hứa với nó, tôi phải gắng làm tròn trách nhiệm. Tôi liếm môi, hỏi câu quyết định:
- Thế Gia Khanh có biết Ngu Kha là ai không?
- Làm sao Gia Khanh biết được!
Gia Khanh đáp với vẻ ngỡ ngàng. Và chẳng hiểu nó đã rõ âm mưu đen tối của bọn tôi chưa mà nó bỗng hỏi lại, giọng cảnh giác:
- Nhưng Ngu Kha là ai, việc đó đâu có dính dáng gì đến Gia Khanh?
Tôi cười chúm chím:
- Có đấy! Tại Gia Khanh không biết đó thôi!
Rồi thấy Gia Khanh vẫn chưa hiểu, tôi bèn giải thích:
- Chữ Kha tức là tên Khanh đấy!
- Kha sao lại là Khanh?
- Ừ, đó là tên Khanh bỏ chữ "nh".
Mặt Gia Khanh thoạt ửng đỏ. Tôi tưởng nó sẽ quay phắt đi. Nhưng không, Gia Khanh mỉm cười, láu lỉnh:
- Thế còn chữ Ngu? Ngu là gì?
Tôi hắng giọng:
- Ngu là tên người... khác.
- Người khác là ai?
Gia Khanh hỏi thẳng làm tôi đâm hoảng. Mục đích của cuộc "đối thoại" hôm nay là làm cho Gia Khanh hiểu được tình ý của Ngữ. Từ nãy đến giờ, tôi phải cất công dệt từng mắt lưới để giăng bẫy Gia Khanh, nhưng đến khi nó rơi vào tròng rồi, tôi lại đâm ra lóng ngóng, không biết xử lý ra sao. Thái độ điềm tĩnh của Gia Khanh khiến tôi không đủ can đảm khai tên thủ phạm. Tôi đành nói vòng vo:
- Thì Gia Khanh thử đoán coi! Lớp mình đâu có mấy người "ngu"!
Chửi xỏ thằng Ngữ được một câu, tôi khoái lắm. Còn Gia Khanh thì không nói gì. Nó khẽ nhíu mày và lặng lẽ quay lên. Chắc nó đang nát óc tìm xem cái đứa "ngu" trong lớp là đứa nào!
Trưa đó, trên đường về, Ngữ chạy lại bá vai tôi, rối rít hỏi:
- Sao? Mày nói gì với em chưa?
- Rồi.
- Mày nói sao?
- Thì những gì mày đã dặn.
Ngữ có vẻ sốt ruột trước những câu trả lời lừng khừng của tôi. Nó nhăn nhó:
- Nhưng cụ thể là sao chứ? Mày tường thuật tỉ mỉ nghe coi!
Tôi liền "tường thuật tỉ mỉ". Vừa nói, tôi vừa liếc Ngữ. Mặt nó căng ra như mặt trống, cặp mắt thì thao láo, tai dỏng lên như tai mèo, điệu bộ nom hài hước dị dạng quá chừng.
Kể đến chỗ chữ Ngu, tôi bỗng ngập ngừng. Ngữ chột dạ:
- Mày làm gì ấp a ấp úng vậy? Em có biết Ngu là tao không?
Tôi gật đầu:
- Biết.
- Mày nói hả?
Tôi lắc đầu:
- Tao không nói. Tao chỉ bảo nó tự đoán lấy. Mà lớp mình thì chỉ có một mình mày "ngu" chứ đâu còn ai "ngu" nữa!
Lâu nay, tôi luôn luôn bị "lép vế" trước mặt Ngữ, bây giờ lợi dụng thời cơ nghìn năm có một, tôi chửi nó chơi. Tưởng Ngữ sẽ nổi khùng cự lại, nào ngờ bữa nay nó hiền khô. Không những nó không giận tôi mà còn ngoác miệng ra cười:
- Cho mày chửi! Mày cứ giúp tao tận tình vào, rồi muốn chửi bao nhiêu cũng được! Tha hồ!
Ngữ làm tôi kinh ngạc thực sự. Thời nó còn "thương chơi", tôi mới đụng nó một câu, nó nói lại mười câu. Bây giờ "thương thiệt", nó tự dưng từ bi bác ái quá chừng. Chẳng lẽ đó là triệu chứng của bệnh... yêu sao?
Tôi tự hỏi và không trả lời được. Ngữ chắc thừa sức giải đáp, nhưng tôi không tiện hỏi. Lúc này, Ngu Kha bận bù đầu. Ngày nào nó cũng sáng tác cả chục bài thơ. Nó hút thuốc vàng tay. Tối, nó thức khuya lơ khuya lắc, tẩy tẩy xóa xóa. Sáng ra mắt nó đỏ kè.
Dòm nó, tôi không hiểu rốt cuộc thì "thương thiệt" là ngu hay khôn!