• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

New Liêu Trai Chí Dị (3 Viewers)

  • Chương 135

Truyện THANG CÔNG



Hồi đầu tỏa sự ký đương niên.



Thiện ác phân minh tại nhãn tiền.



Chỉ thử tính linh lưu nhất điểm.



Từ hàng na đắc bất thùy liên.



Năm Tân Sửu (1661), niên hiệu Thuận Trị thứ 18, có nho sinh họ Thang, tên Sánh, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm quan ở tỉnh Sơn Ðông.



Mười một năm sau.



Một hôm, Thang công bị bạo bệnh, lên cơn sốt dữ dội. Gia nhân đi mời thầy lang tới nhà chẩn mạch, hốt thuốc. Ba hôm sau, Thang công hết sốt song chân tay bên phải đã bị tê liệt.

Ba tháng sau. Một sáng, Thang công lại lên cơn sốt dữ dội, phải nằm liệt giường. Gia nhân vội chia nhau săn sóc, người ngồi cạnh nắn bóp, kẻ đi mời thày lang tới nhà chẩn mạch, hốt thuốc.



Thang công đang nằm miên man trên giường thì bỗng thấy một luồng nóng từ lòng bàn chân trái bốc dần lên trên. Luồng nóng tới đùi, thấy cẳng liệt, luồng nóng tới bụng, thấy đùi liệt, luồng nóng tới ngực, thấy bụng liệt. Thế rồi luồng nóng dừng lại ở ngực, chẳng bốc lên nữa. Lát sau, hình ảnh các việc làm trong quá khứ lần lượt hiện ra trong đầu. Thoạt tiên là hình ảnh các việc thiện hiện ra. Thang công cảm thấy người thoải mái dễ chịu, lòng thanh thản. Kế đó là hình ảnh các việc ác từ hồi còn nhỏ hiện ra, như trèo cây, phá tổ chim, giết chim non. Thang công cảm thấy máu nóng dồn lên tim như nước thủy triều, làm cho người khó chịu, lòng bứt rứt, hồi lâu mới nguôi. Sau cùng là hình ảnh các việc ác mới làm gần đây. Thang công cảm thấy luồng nóng lại từ ngực bốc lên, xuyên qua cổ, qua đầu, rồi cuốn mình ra đứng bơ vơ ở giữa đường. Gia nhân thấy chân tay trái của Thang công cũng đã bị tê liệt.



Tối ấy, Thang công mất. Sáng sau, gia nhân khâm liệm thi thể, quàn linh cữu giữa phòng khách.



Thang công còn đang bàng hoàng thì bỗng thấy ở cuối nẻo đường có một người khổng lồ tiến tới gần, cúi xuống bắt mình bỏ vào ống tay áo. Vào trong, thấy có nhiều người đứng chen chúc chật cứng, Thang công muốn thoát ra ngoài song chẳng biết phải làm thế nào. Chợt nhớ tới việc cầu xin nơi đức Phật, Thang công bèn nhắm mắt, chắp tay niệm Phật. Ðột nhiên, Thang công thấy mình thoát ra ngoài. Người khổng lồ thấy thế, lại cúi xuống bắt bỏ vào ống tay áo. Thang công lại niệm Phật rồi lại thoát ra. Người khổng lồ lại cúi xuống bắt lần nữa. Thang công lại niệm Phật rồi lại thoát ra. Thấy ba lần bắt, ba lần thoát, người khổng lồ bèn bỏ đi, chẳng bắt nữa.



Ðứng bơ vơ ở giữa đường, Thang công phân vân chẳng biết là mình phải đi đâu. Chợt thấy mình đang đứng trên con đường đông tây và nhớ tới câu tây phương cực lạc, Thang công bèn nhắm hướng tây mà đi.



Lát sau, thấy ở bên đường có một thiền sư ngồi nhắm mắt tham thiền, Thang công vội chạy tới hỏi: “Bạch hoà thượng! Xin hòa thượng cho biết đệ tử phải đi đâu?” Thiền sư mở mắt, đáp: “Thí chủ là người khoa bảng, phải tới miếu thờ thần Văn Xương với đức thánh Khổng” Lại hỏi: “Xin hòa thượng cho biết đường nào tới miếu?” Ðáp: “Ðường này, hướng tây, trăm dặm” rồi lại từ từ nhắm mắt tham thiền. Vừa lên đường, Thang công bỗng cảm thấy thân mình nhẹ nhàng, lướt nhanh như chim bay, lát sau đã tới miếu. Bước vào miếu, Thang công thấy đức thánh Khổng đang ngồi trên điện cao, quay mặt về hướng nam. Thang công bèn sụp lạy, hỏi: “Xin đức thánh cho biết đệ tử phải đi đâu?” Ðức thánh mở sổ ra coi rồi đáp: “Phải tới đền đức Ðế Quân” Lại hỏi: “Xin đức thánh cho biết đường nào tới đền?” Ðáp: “Ðường này, hướng tây, trăm dặm” Thang công lại lên đường. Lát sau, Thang công bước vào đền thì thấy bên trong nguy nga tựa như cung điện của các bậc vua chúa. Ngửng đầu nhìn lên, Thang công thấy một thần nhân ngồi trên điện cao, trông giống hình đức Ðế Quân mà thế nhân thường vẽ để thờ. Thang công bèn sụp lạy, hỏi: “Xin đức Ðế Quân cho biết đệ tử phải đi đâu?” Ðức Ðế Quân mở sổ ra coi rồi đáp: “Ðược trở về dương thế, song tứ chi đã bị tê liệt!” Hỏi: “Xin đức Ðế Quân cho biết có ai chữa được không?” Ðáp: “Chỉ có đức Bồ Tát chùa Trúc Lâm!” Lại hỏi: “Xin đức Ðế Quân cho biết đường nào tới chùa?” Ðáp: “Ðường này, hướng tây, ngàn dặm” Thang công lại lên đường. Tới khi mặt trời sắp lặn mới đến ngôi chùa ẩn hiện trong khu rừng trúc. Vào trong, Thang công thấy đức Bồ Tát ngồi trên điện cao, khuôn mặt đầy đặn, búi tóc trang nghiêm, bên phải có tiểu thần đứng hầu, bên trái có chậu dương liễu và bình nước trong. Thang công vội sụp lạy, cầu khấn: “Xin đức Bồ Tát mở lượng từ bi, cứu cho đệ tử khỏi bệnh tê liệt!” Ðức Bồ Tát nói: “Khó thay!” Thang công cứ rập đầu mà lạy. Ðức Bồ Tát còn đang trầm ngâm thì tiểu thần đứng cạnh chợt lên tiếng: “Bạch Ðức Bồ Tát, nếu Ðức Bồ Tát muốn thí đại pháp lực, cứu thí chủ này khỏi bệnh tê liệt thì xin Ðức Bồ Tát hãy bẻ liễu làm xương, nắm đất làm thịt mà đắp vào thân cho gã” Ðức Bồ Tát liền đưa tay bẻ một cành dương liễu, bốc một nắm đất, nhúng vào bình nước trong, rồi đắp vào thân Thang công. Thang công bèn phủ phục lạy tạ trước điện. Ðức Bồ Tát quay qua bảo tiểu thần: “Hãy dẫn thí chủ này về dương thế!” Tiểu thần đáp: “Xin tuân lệnh!”



Tối ấy, tiểu thần dẫn Thang công về tới nhà, dắt đến cạnh linh cữu, đẩy vào trong, rồi quay mình bỏ đi. Mở mắt nhìn, thấy mình đang nằm trong linh cữu, Thang công bèn đằng hắng ho lên ba tiếng. Nghe tiếng ho, gia nhân kinh hãi lắm song cũng bảo nhau đem đèn lên coi. Thấy Thang công mở mắt, thở phập phồng, chúng bèn xúm lại khiêng ra khỏi linh cữu, đặt lên giường. Lát sau, thấy chân tay mình tự nhiên cử động được, Thang công bèn ngồi nhỏm dậy, hỏi chúng: “Ta chết đã được bao lâu rồi?” Chúng đồng thanh đáp: “Thưa đã được bảy ngày!” Thang công bèn đứng dậy, đi tắm rửa sạch sẽ rồi ra ngồi thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho chúng nghe.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom