• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Luận Anh Hùng (2 Viewers)

  • Chương 130

Trên núi, quyết đấu rất khốc liệt.


Lãnh Huyết đấu với Yến Thi Nhị.


Lãnh Huyết xử dụng kiếm, Yến Thi Nhị cũng xử dụng kiếm.


Kiếm của Lãnh Huyết nhanh, kiếm của Yến Thi Nhị càng nhanh hơn.


Lãnh Huyết vừa xuất kiếm, ngay cả chính y cũng không biết tổng cộng đã đánh ra mấy kiếm, bởi vì kiếm quá nhanh.


Yến Thi Nhị lập tức đánh trả.


Kiếm của hắn vừa xuất ra, ánh vàng chói mắt, rực rỡ khó nhìn. Không ai thấy rõ hình dáng của kiếm trong tay hắn, thậm chí ngay cả dài hay ngắn, sắc hay cùn cũng khó phân biệt được.


Thực sự quá nhanh, hai người đều sử dụng khoái kiếm.


Nhưng dù sao vẫn có sự khác biệt, khác biệt nằm ở kiếm.


Kiếm của Lãnh Huyết là tiện tay nhặt được, một thanh kiếm rỉ sét. Cái gọi là “kiếm” nghĩa là sắc bén, có thể giết được người, còn kiếm của y lại chẳng hề giống như một thanh kiếm. Thậm chí ngay cả vỏ kiếm và lưỡi kiếm cũng có những khiếm khuyết này.


Kiếm của Yến Thi Nhị lại rực rỡ lóa mắt, là một thanh kiếm tốt. Vỏ kiếm khắc rồng sơn phượng, khảm mười ba viên minh châu. Lưỡi kiếm tinh xảo, nạm mười sáu viên bảo thạch và sáu ngôi sao. Xem ra đây chẳng những là kiếm tốt mà còn là danh kiếm.


Lãnh Huyết lại chẳng thèm nhìn. Kiếm của y so với kiếm của Yến Thi Nhị như bùn so với mây, nhưng y cầm kiếm nơi tay lại giống như đó là thần binh lợi khí, còn nổi danh và quý báu hơn so với Ngư Trường kiếm, Thượng Phương bảo kiếm, Thanh Long Yển Nguyệt đao.


Chỉ cần đối phương có một điểm sơ hở, kiếm của y liền đâm ra.


Chỉ cần đối phương có một điểm do dự, thế công của y liền thi triển.


Chỉ cần đối phương có một điểm sợ hãi, y liền đâm vào nơi đối phương sợ nhất.


Chỉ cần đối phương…


Nhưng không có.


Yến Thi Nhị rẽ tóc, cài hoa, áo dài, tay áo xưa, nhưng xuất kiếm còn tàn độc, còn sắc bén, thậm chí còn dũng mãnh hơn Lãnh Huyết.


Cho nên hai người đều xung kích kiếm pháp của đối phương, càng đấu càng anh dũng, càng chiến càng liều mạng, càng đánh càng đặc sắc.


Vì vậy vẫn phân ra cao thấp mạnh yếu.


Bởi vì tính tình của Lãnh Huyết.


Cá tính của y là áp lực càng lớn thì phản lực càng lớn, ngăn trở càng mạnh thì sức phản kháng cũng càng mạnh.


Cao thủ chân chính trên đời là phải gặp khó càng dũng, gặp mạnh càng mạnh, bởi vì trên đời luôn có nhiều ngăn trở, nhiều khó khăn, nhiều cường địch, nhiều thứ để học hỏi.


Hai người liều mạng giao đấu như vậy, rất nhanh đều đổ máu bị thương.


Lãnh Huyết càng bị thương thì càng dũng mãnh, máu chảy cũng chảy ra cả đấu chí của hắn, đấu chí đến tận trời.


Yến Thi Nhị lại không thể, bởi vì hắn quá yêu quý bản thân.


Một người quá quý trọng bản thân thì sẽ không dám quá liều mạng, nhưng nếu một người không liều mạng thì rất khó thấy được bản lĩnh thật sự.


Yến Thi Nhị không dám liều, hắn vẫn cần mạng, còn thế công của Lãnh Huyết thì thật sự không cần mạng, cho nên hắn đành phải liên tiếp tháo lui.


Vừa lui, lại tiếp tục lui, sau ba lần lui đã lộ ra dấu hiệu thất bại.


Nhưng hắn vẫn có biện pháp.


Lúc cổ tay hắn rút lại, bảy viên bảo thạch trong số mười sáu viên trên lưỡi kiếm đột ngột bắn ra, phân biệt đánh vào mười bốn yếu huyệt của Lãnh Huyết.


Bảy viên ám khí làm thế nào đánh vào mười bốn chỗ hiểm?


Bởi vì đó là ám khí không thể ngăn cản, một khi ngăn cản, kình lực ẩn chứa trong nó sẽ tự động đổi hướng, bắn vào bảy chỗ hiểm khác của kẻ địch. Bởi vì lúc ám khí bay đến sát người mới có thể ra tay ngăn cản, vì vậy ám khí bất ngờ đổi hướng chia ra tấn công, kẻ địch sẽ không thể ứng phó kịp.


Yến Thi Nhị thường dùng một chiêu này để giành thắng lợi, cũng dùng một chiêu này lấy mạng kẻ địch. Hắn rất đắc ý với một chiêu này, đây là tuyệt chiêu của hắn.


Nhưng Lãnh Huyết vừa thấy hắn sử dụng chiêu này lại thở dài một tiếng.


Thực ra y giao đấu với cường địch như Yến Thi Nhị, trong lòng bị xung kích rất lớn, đó là xung kích của kiếm, cũng là xung kích của thơ.


Kiếm pháp của Lãnh Huyết, mỗi kiếm đều giống như một câu nói trong lòng, là trực tiếp nhất.


Y cũng dựa vào trực giác để xuất kiếm, đó là một loại bản năng bẩm sinh như dã thú, nhưng loại bản năng này càng nhanh, càng tốc, càng chuẩn xác, càng thần diệu hơn so với dựa vào lý trí phán đoán.


Kiếm pháp của Yến Thi Nhị lại bất đồng, đó là một loại “kiếm pháp của thơ”, “Thi kiếm”.


Thơ cũng rất trực tiếp, là ngôn ngữ tinh luyện nhất, giống như dòng máu quý giá nhất trong thân thể.


Ngôn ngữ của thơ tuy thật, tuy đẹp, tuy cảm động, nhưng dù sao cũng là thứ trải qua chỉnh sửa, mài giũa và suy nghĩ.


Có điều đó cũng là tinh hoa, tinh hoa thật sự.


Loại kiếm pháp này đã xung kích Lãnh Huyết.


Lãnh Huyết hiếu chiến, bởi vì kiếm pháp tuyệt như vậy mới có thể khiến hắn thi triển ra kiếm pháp càng tuyệt thế hơn.


Nhưng Yến Thi Nhị lại không dám liều mạng.


Liều mạng cần phải có dũng khí. Không phải đem mạng đi liều chính là liều mạng, mà là cái tình sống chết có nhau, sống vì kiếm cũng chết vì kiếm.


Không có tình nghĩa sinh tử tương tri với kiếm, cùng sống cùng chết, vậy thì không thể thi triển ra kiếm pháp thần diệu.


Lúc này Lãnh Huyết đã không còn lòng dạ nào tiếp tục chiến đấu, bởi vì y biết mình thắng chắc.


Một kiếm thủ chân chính sẽ không khảm ám khí dùng để ám toán người khác lên kiếm mà mình dùng, bởi vì đó là xem thường chính mình, cũng xem thường kiếm của mình, loại người này đã không xứng được thắng.


Kiếm khách như vậy làm sao là đối thủ của y?


Cho nên y quát lên một tiếng:


- Ngươi không xứng dùng kiếm!


Sau đó y công ra một kiếm.


Một kiếm này xuất chiêu quá mạnh, cũng quá tự tin, cho nên kiếm “rời tay” bay ra.


Là người và kiếm đều quá tự tin, cho nên “kiếm” rời tay bay đi, chứ không phải người “rời tay” phóng “kiếm”.


Kiếm giống như người đều tràn đầy sức sống, còn có thể thấu hiểu chủ nhân, chủ động phát ra công kích.


Tại khoảnh khắc đó, kiếm của Yến Thi Nhị hoàn toàn mất đi ánh sáng.


Kiếm của Lãnh Huyết không chỉ bay thẳng vào đối phương, còn kéo theo bảy viên bảo thạch kia phản công Yến Thi Nhị.


Nếu không phải trên đầu Yến Thi Nhị còn có đóa hoa kia, có lẽ lúc này hắn đã là một người chết, hơn nữa còn là một người bị một kiếm xuyên tim mà chết.


Trong lúc kinh hãi, hắn chợt ngắt xuống đóa hoa trên tóc.


Bàn tay nhón hoa, mặc dù sắc mặt hắn đã sớm phát xanh, cười không ra được.


Cũng không biết làm thế nào, một kiếm kia cắt xuống đóa hoa, sau đó tự động trở lại trong tay Lãnh Huyết, giống như một con chó trung thành luôn đi theo chủ nhân.


Hoa của Yến Thi Nhị đã thay hắn chịu một kiếm, nhận một kiếp.


Hoa rơi, người vẫn còn.


Có lẽ bởi vì hoa rơi, cho nên người không chết.


oOo


Vô Mộng Nữ biết mình đã không có phần thắng, nàng chỉ có cách rút lui.


Nếu như không thể cầu tiến, không thể giành được, ít nhất cũng phải bảo vệ sự an nguy của mình. Khi nhìn thấy tình huống không ổn thì phải thu tay đúng lúc.


- Muốn ông truyền thụ tuyệt kỹ cho tôi, đương nhiên là không thể.


Nàng ngập ngừng nói:


- Nhưng ông có thể đồng ý với tôi, ông và môn đồ của ông sẽ không làm hại tôi chứ?


Gia Cát lạnh nhạt nói:


- Chúng ta không ra tay đối phó với cô, nhưng nếu như cô làm chuyện thương thiên hại lý, phạm pháp phạm tội, cũng sẽ có người trừng trị cô.


Vô Mộng Nữ vui mừng khôn xiết:


- Vậy là ông đã đồng ý?


Gia Cát chỉ nói:


- Vậy cũng không có nghĩa là cô sẽ an toàn.


Vô Mộng Nữ thở ra một hơi:


- Chỉ cần Tứ Đại Danh Bổ và Gia Cát tiên sinh không lùng bắt tôi, người khiến cho tôi sợ còn không nhiều đâu.


Gia Cát tiên sinh lắc đầu:


- Trong thiên hạ có rất nhiều người giỏi, cô đừng cao hứng quá sớm.


Vô Mộng Nữ nghiêm túc nói:


- Nếu như ông đã đáp ứng, sẽ không đổi ý chứ?


Gia Cát vuốt râu nói:


- Nếu như ta là người dễ đổi ý nuốt lời, cô cũng không cần phải đàm phán với ta.


Vô Mộng Nữ nở nụ cười ngọt ngào:


- Gia Cát tiên sinh, một lời nặng tựa ngàn vàng, đương kim thiên tử nói còn không bằng Gia Cát gật đầu một cái.


Gia Cát nói ngay:


- Lời này không thể nói được.


Vô Mộng Nữ hé miệng cười, nói:


- Đáng tiếc Gia Cát cơ trí hơn người, võ công cái thế lại thích làm chó săn cho hoàng đế.


Gia Cát tiên sinh cũng không tức giận:


- Ta không bảo vệ thiên tử này, e rằng trời cao thật sự xem vạn dân như chó cỏ *. Cô có thả người hay không? Nếu như không thả, đó cũng không phải là do ta lật lọng.


* Trích từ câu “thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Trời đất không có tính người, xem vạn vật như chó cỏ, không đối xử thiên vị với thứ nào. Trong tế tự thời xưa thường dùng cỏ buộc thành hình con chó.


Vô Mộng Nữ vội nói:


- Thả, thả, thả… nhưng nếu bây giờ tôi thả lão hòa thượng này, y sẽ quay lại giết tôi ngay.


Xin cát tiên sinh thở dài một tiếng:


- Cô cứ thả y ra trước, đại sư sẽ không tính toán với cô.


Vô Mộng Nữ làm ra vẻ kinh hãi sợ sệt:


- Ông xem, ông xem, y đang phồng mang trợn mắt, thật là hung dữ. Lỡ may tôi vừa thả ra, y liền đem tôi chặt thành trăm mảnh thì sao? Ông tuy đã đáp ứng không giết tôi, nhưng y lại giống như muốn đem cô gái yếu đuối này băm thành thịt vụn, vậy làm sao để thả?


Gia Cát hắng giọng một tiếng:


- Lần này đại sư sẽ tha cô một mạng, sau này cô đừng đâm đầu vào y là được. Y bị cô nắm cổ, dĩ nhiên là phải mắt trợn lên. Cô còn không mau thả sao? Nếu không thì ta sẽ không để ý tới nữa.


Vô Mộng Nữ vừa le cái lưỡi thơm, vừa vội vàng nói:


- Có tiên sinh chịu trách nhiệm, đương nhiên là thả ngay…


Nói xong, nàng quả thật thả Lão Lâm hòa thượng Lôi Trận Vũ ra.


Lúc này Gia Cát tiên sinh mới nói:


- Cô lại sai lầm rồi…
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom