Hồi 10 - Lá thư đến từ thảo nguyên
Tôi chưa bao giờ nghe kể gì về bọn trộm mộ Nê Hội, ngần này tuổi đầu rồi đây mới là lần đầu tiên nghe nhắc đến cái tên ấy. Nhưng "Y Quán đạo" mà thím Tư mới nói tới đó thì tôi và Tuyền béo đều có loáng thoáng biết một chút. Đám người theo tà phái này chuyên cắt sinh thực khí của các bé trai làm thuốc dẫn luyện đơn, sau giải phóng liền bị nhân dân trấn áp, giờ không còn tồn tại nữa rồi. Tôi thấy thím Tư này nói đâu ra đấy, liền biết bà ta không phải nói đùa để dọa vớ dọa vẩn làm gì.
Chốn rừng sâu núi thẳm phóng mắt nhìn quanh chỉ toàn núi non trùng trùng điệp điệp, có cơ hội nghe người già kể chuyện xưa từ thời Tam hoàng Ngũ đế đối với chúng tôi tuyệt đối là một hoạt động giải trí vô cùng trọng đại. Huống hồ tôi và Tuyền béo còn đã tận mắt nhìn thấy một đống thi thể ăn mặc rất giống với đám phỉ đồ Nê Hội trong cái hầm bên dưới miếu Hoàng đại tiên, lại càng tăng thêm mấy phần hiếu kỳ, liền nằn nì, xin thím Tư kể thêm nữa về bọn phỉ Nê Hội ấy.
Nhưng thím Tư cũng không hiểu nhiều về bọn Nê Hội ấy lắm, bà chỉ nhặt nhạnh ra những thứ gì mình biết kể qua loa cho bọn tôi, toàn là những chuyện từ thời trước giải phóng. Thời bấy giờ vùng Đông Bắc này loạn lắm, thổ phỉ trong núi nhiều như lông trâu, hạng phỉ tặc lớn như "Già Liễu Thiên" thì khỏi phải nhắc đến, ngoài ra còn rất nhiều nhóm nhỏ rải rác tụm năm tụm ba vài tên chuyên đi cướp phá nhà dân, lại còn bọn bắt cóc tống tiền, chuyên đi bắt các cô nương sắp xuất giá lấy chồng. Vì các cô bị bắt như thế không thể để qua đêm, qua đêm là nhà chồng chắc chắn sẽ không ưng hôn sự này nữa, vì vậy nhà con tin phải nhanh chóng kiếm đủ tiền chuộc ngay trong ngày, thế nên mới gọi là "bắt chuộc nhanh". Đại đương gia của bọn Nê Hội ấy hồi trước chính là một tên phỉ chuyên nghề "bắt chuộc nhanh", chẳng những vậy, hắn ta còn học được yêu thuật trong đạo môn, nghe đâu có cả bản lĩnh độn thổ, dù phạm án thì quan phủ cũng chẳng thể làm gì nổi. Sự thực có lẽ là tên đó chẳng qua chỉ từng làm "quật tử binh", một dạng lính tương tự như công binh bây giờ nên giỏi nghề đào đất mà thôi. Có điều tình hình cụ thể ra làm sao thì người ngoài căn bản không thể nào biết được, tất cả chỉ là đoán bừa hết. Về sau tên này phát hiện ra ngón đào mồ quật mả có thể kiếm được lợi lớn, vậy là bèn chuyển qua làm các phi vụ giày vò người chết ấy.
Hắn ta đào rất nhiều mồ mả, danh tiếng ngày một tăng lên, lại còn thu nhận không ít đồ đệ, hình thành nên một băng phỉ riêng chuyên đào đất bới bùn, rồi bắt đầu có danh có hiệu đàng hoàng. Đồ đệ của hắn đa phần đều xuất thân từ bọn trẻ nghèo chuyên đi bới bùn lắng ở lòng sông, cũng muốn được oai vệ một chút, bèn thêm một chữ hội vào đằng sau mới đặt ra danh hiệu là Nê Hội[13].
Nê Hội nổi lên từ cuối thời nhà Thanh, về danh nghĩa là hình thức thầy trò môn phái, nhưng trên thực tế thì cơ cấu tổ chức hoàn toàn giống các băng phỉ khác, tức là cũng có "bốn rường tám cột". Bọn này làm xằng làm bậy, lòng dạ ác độc, thủ đoạn tàn bạo, đừng nói là người chết, rất nhiều dân chúng sống trong núi cũng đều bị chúng làm hại, quan phủ đã nhiều lần xuất binh tiễu trừ mà không thành công. Trong khoảng mấy chục năm hoạt động, bọn chúng đào được rất nhiều cổ mộ, càng về sau lại càng táo tợn chẳng kiêng nể gì. Vì trong các mộ xưa thường hay có thi biến, hoặc trong thân thể chủ mộ có đổ thủy ngân để phòng mục rữa, bọn chúng muốn lấy những châu ngọc ngậm trong miệng những xác chết ấy, thường buộc dây thừng kéo xác chủ mộ ra bên ngoài, treo ngược lên cành cây để thủy ngân chảy ra hết, sau đó vạch miệng moi ruột người ta ra. Nhiều khi cổ mộ ở ngay gần làng mạc có người cư trú, bọn chúng vẫn cứ nghênh ngang táo tợn làm những chuyện thương thiên bại lý ấy giữa ban ngày ban mặt, chẳng hề e ngại điều gì. Ai làm cái nghề ấy cũng phát tài to, vì vậy đám người này tên nào tên nấy đều có vũ khí hàng xịn trong tay, căn bản chẳng có ai dám đụng tới cả.
Bọn chúng đào mồ quật mả lên vơ vét sạch những thứ đáng tiền bên trong, rồi để lại một đống lộn xộn những quan quách vỡ bung, xác người tung tóe, người dân thường nhìn thấy không ai là không than thở ngậm ngùi. Những cái xác cổ ấy cũng thật đúng là xúi quẩy mười tám đời, chết rồi vẫn còn bị kẻ khác giày vò, tình cảnh thực sự là thảm không nỡ nhìn.
Bọn phỉ Nê Hội chủ yếu ẩn hiện trong chốn rừng sâu núi thẳm Đại Hưng An Lĩnh và Tiểu Hưng An Lĩnh, khắp cả một dải tam sơn ngũ lĩnh ấy, phàm là mộ cổ mồ hoang nào bị phát hiện ra, bọn chúng đều tìm đủ mọi cách quật lên vơ vét đồ minh khí. Vì quanh năm suốt tháng làm cái nghề này, có tật giật mình, đám này rất mê tín, mặc đồ đen từ đầu đến chân chính là để làm giảm đi dương khí của người sống hòng tiện khi hành sự. Cổ mộ xưa nay là nơi tích tụ khí âm lạnh lẽo, kỵ nhất là để dương khí của người sống lưu lại đó. Ngoài ra, bon này cũng rất chú ý tránh tà, dây mũ, bít tất, thắt lưng tuyền một màu đỏ chói, toàn bộ đều được nhuộm bằng tiết lợn.
Về sự tích của đám phỉ này, đến giờ cũng chẳng mấy ai biết mà kể ra được nữa, dù sao cũng toàn là chuyện từ mấy chục năm trước rồi. Thím Tư sở dĩ biết được nhiều như vậy, là vì hồi trước giải phóng, anh ruột của bà bị bọn Nê Hội này bắt đi làm lao dịch, từng phải đào đất gánh bùn khi chúng quật mồ quật mả người ta, cuối cùng khó khăn lắm mới tìm được đường sống trong nẻo chết mà thoát khỏi ổ phỉ trở về, rồi kể cho bà nghe những chuyện xảy ra ở trong đấy.
Như thím Tư nhớ lại, tên trùm phỉ Nê Hội từng dẫn theo băng đảng đào rất nhiều hang động trong núi Đoàn Sơn, cuối cùng đã đào ra được một ngôi miếu Hoàng đại tiên ở đằng sau nấm đất Mộ Hoàng Bì Tử. Bọn chúng muốn tìm một món bảo bối trong hầm bí mật bên dưới căn miếu, kết quả là chọc vào đại tiên gia gia, mất đi mấy mạng người. Có điều bọn Nê Hội này cũng chẳng phải tay vừa, kế này không thành liền giở ngay mánh khác, kết quả vẫn đắc thủ thành công, moi được một cái rương khảm đầy vàng ngọc bên trong ấy.
Bọn phỉ trộm mộ ấy vừa mới đắc thủ, liền kéo hết những sơn dân bị chúng bắt đến giúp sức đào hang ra khe núi giết người diệt khẩu, anh trai thím Tư trúng một phát súng xuyên từ đằng trước ra đằng sau. Ông may mắn thoát nạn, bò được ra khỏi đống người chết, nhưng sau khi về làng vết thương mãi vẫn không khỏi, cộng với trước đó đã bị kinh hãi cực độ, nên chẳng được mấy năm sau thì cũng ô hô ai tai, hồn về cõi Phật. Còn chuyện cái rương bọn Nê Hội đào được trong miếu Hoàng đại tiên giờ đang ở đâu, bên trong rốt cuộc đựng bảo bối gì thì không ai biết được. Vả lại từ đó trở đi, Nê Hội cũng biến mất, không còn ai thấy bọn chúng xuất hiện ở vùng rừng núi này nữa, chắc chắn là đã bị báo ứng, tên nào tên nấy đều chết không chốn chôn thây rồi.
Tôi và Tuyền béo lắng nghe hết sức chăm chú, trong miếu Hoàng đại tiên rốt cuộc có giấu thứ gì, mà khiến bọn Nê Hội ấy liều cả tính mạng như thế? Cái rương đó đã bị chúng mang đi đâu rồi? Rốt cuộc Nê Hội về sau như thế nào? Bọn tôi đều có tính tò mò, không thể hỏi cho rõ ngọn rõ ngành thì tối chẳng thể nào ngủ ngon giấc, nhưng thím Tư cũng chỉ biết có ngần ấy, vả lại cũng không thể đảm bảo tính chân thực của những gì bà kể được. Năm đó anh trai bà trúng đạn bò về làng chỉ còn thoi thóp thở, nói năng mê sảng, ai biết được ông ta nói có đáng tin cậy không chứ.
Tôi thấy chẳng còn gì để nghe ngóng nữa, đành cùng Tuyền béo quay lại tiếp tục cắt gạch mộ. Hồi ấy đang đề xướng thay phong đổi tục, dẹp bằng mộ địa để khai khẩn thành ruộng đất, vì rất nhiều vùng biên viễn còn chưa có hỏa táng, vẫn tiến hành thổ táng, nhưng cách thức khác nhiều với thời xã hội cũ. Một là mai táng giản tiện, hai là đào sâu chôn chặt, mộ huyệt sâu hai chục thước, không đắp nấm, bên trên mộ huyệt vẫn có thể trồng trọt như thường.
Có điều ở chốn núi rừng bóng người thưa thớt này, cũng không đến nỗi phải lo lắng về diện tích mồ mả với ruộng nương mấy, chẳng qua chỉ là dẹp bằng một ít mồ hoang mộ cổ, lấy gạch mộ làm vật liệu xây dựng mà thôi. Nhưng thứ gạch mộ này cũng không dễ cắt gọt chút nào, gạch đá ở đây đều bị hơi xác thối ngấm vào, cực kỳ khó ngửi, tuy đã trải nhiều năm nhưng vẫn không tiêu tan hết, sau khi cắt gọt bằng phẳng, lại phải dùng rượu hòa với vôi mới trừ hết được mùi thối.
Tôi lại cắt thêm mấy viên gạch nữa rồi đưa ngón tay lên mũi ngửi, lập tức bị xộc lên một phát, mặt mũi nhăn tít lại. Bần thần một lúc tô vỗ vỗ lên cái cổ tê cứng, đưa mắt nhìn rặng núi trầm mặc bên ngoài thôn làng, đột nhiên trong lòng bỗng dâng lên một cảm giác hụt hẫng khó tả, lẽ nào cả đời tôi phải ở chốn núi sâu này cắt gạch mộ, canh lâm trường hay sao? Mao chủ tịch vung tay đổi đường lối, trăm vạn học sinh sinh viên liền đổi chiến trường, lên núi về quê tiếp nhận học tập cải tạo, tuy đây đích thực là một cách rèn luyện con người, nhưng dẫu sao cũng khác quá xa với lý tưởng của tôi. Thuở bấy giờ tôi hẵng còn quá trẻ, rất lo lắng thấp thỏm với tiền đồ của mình, vừa nghĩ đến cả đời đều phải ở chốn núi non rừng thẳm này không thể nhập ngũ đánh trận thực hiện ước mơ, sâu thẳm trong lòng lập tức bùng lên những cơn sóng khủng hoảng, sống mũi cay cay, nước mắt suýt chút nữa thì ứa ra.
Tuyền béo thấy tôi thần sắc cổ quái, liền hỏi đang nghĩ cái gì thế? Sao cả ngày cứ mặt ủ mày chau? Tôi thở dài một tiếng trả lời cậu ta: "Tiên sư cha nhà nó, lại còn không phải lo âu vì sự nghiệp giải phóng của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latin à?" Tuyền béo thấy thế bèn khuyên: "Đừng rầu rĩ nữa, cuộc sống của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latin người ta như thế nào, bọn mình lo không nổi đâu, có lẽ người ta cũng không cần chúng ta lo lắng cho họ đâu, sắp xong việc rồi, đến tối tôi mời các cậu xơi món lòng lừa, lúc ấy thì ăn cho thoải con gà mái đi."
Tôi quẹt quẹt nước mũi chảy ra, đang định bàn tính với Tuyền béo xem cỗ lòng lừa ấy nên nấu món gì, thì ông bí thư chi bộ về. Ông lên đại đội làm việc, tiện thể mang về cho đám thanh niên trí thức mấy cái bưu kiện, Chỗ này giao thông không tiện, bọn tôi về đây tham gia lao động sản xuất mấy tháng rồi, gần như hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài, lần đầu tiên có bưu kiện thư từ, làm sao mà không vui không sướng cho được, vậy là liền quên biến hết cả mọi sự trên đời. Tôi và Tuyền béo mong chờ nhất, đương nhiên là tin tức ở nhà, nhưng ông bí thư lục lọi một lúc lâu, lại bảo rằng bọn tôi không có bưu kiện gì, chỗ này đều là của mấy người kia cả.
Tuy tôi cũng biết người nhà mình đều bị cách ly hết rồi, đương nhiên chẳng có cơ hội mà gửi đồ đến, nhưng trong lòng cũng vẫn hụt hẫng khó chịu lắm, đang định xoay người bỏ đi thì ông bí thư bỗng gọi giật hai đứa tôi lại. Ông giơ ra một lá thư, bảo chỉ có lá thư này là gửi cho tôi và Tuyền béo thôi.
Tôi và Tuyền béo thoáng ngẩn người ra, vội vàng xông tới giằng lấy lá thư, trong lòng vẫn hết sức thắc mắc, sao lại gửi một lá thư chung cho hai bọn tôi nhỉ? Yến Tử cũng lấy làm tò mò, ngó đầu vào xem. Tôi cố nén tâm trạng kích động, vội vội vàng vàng xem phong bì trước. Thư này được gửi từ quân khu quê chúng tôi đến, vì vậy cái phong bì bên trong mới là thư ban đầu. Hiển nhiên, người gửi thư không biết tôi và Tuyền béo về lao động ở vùng nào, nên gửi thư đến quân khu, sau đó mới chuyển về đây.
Tôi bóc bì thư ra, cẩn thận đọc từng chữ từng chữ một. Thì ra người gửi chư này là chiến hữu hồng vệ binh tôi và Tuyền béo quen trên xe lửa hồi tham gia hoạt động "nối liền cả nước[14]", tên là Đinh Tư Điềm. Cô cũng tầm tuổi bọn tôi, là mũi nhọn văn nghệ, từng cùng tôi và Tuyền béo kết bạn đi khắp nửa đất nước, ở quê hương Mao chủ tịch, mọi người bốc một nắm đất, cả đêm không buông tay, kết quả là tay sưng phồng lên. Ở quê hương cách mạng Diên An, chúng tôi từng chia nhau ăn một miếng lương khô trong hang núi. Chúng tôi còn cùng tiếp nhận chỉ thị tối cao ở trước Thiên An Môn. Khi hoạt động kết thúc, chúng tôi có trao đổi địa chỉ gửi thư, nhưng chuyện này cũng khá lâu rồi, khi ấy bọn tôi đều không thể ngờ là sẽ nhận được thư của cô ở chốn núi rừng xa xôi này.
Bố mẹ Đinh Tư Điềm đều làm việc trong bảo tàng, nhà tổng cộng có bốn đứa con, lần lượt đặt tên theo câu "Kháng Mỹ viện Triều, ức khổ tư điềm[15]", đây cũng là trào lưu đặt tên của trẻ con thời ấy. Trong lá thư Đinh Tư Điềm gửi chúng tôi có viết: Viết cho chiến hữu cách mạng thân thiết nhất của tôi, Hồ Bát Nhất và Vương Khải Tuyền, từ khi chúng ta chia tay nhau ở thủ đô Bắc Kinh vĩ đại, tôi không lúc nào là không hoài niệm về những ngày tháng chúng ta ở bên nhau, từ lâu đã muốn viết thư cho các bạn, nhưng trong nhà xảy ra rất nhiều việc... tôi nghĩ các bạn nhất định đã được vào quân ngũ đúng như ước nguyện rồi nhỉ. Vẻ vang gia nhập quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, trở thành một chiến sĩ cách mạng cũng là mộng tưởng của tôi, hy vọng các bạn có thể gửi cho tôi một tấm ảnh mặc quân phục, để tôi được chia sẻ niềm vui ấy... Cuối cùng xin đừng quên tình bạn cách mạng giữa chúng ta, chúc cho tình hữu nghị ấy còn cao hơn núi còn xa hơn đường, nghìn năm vẫn xanh ngắt, vĩnh viễn không phai màu.
Qua thư chúng tôi biết, Đình Tư Điềm muốn vào quân đội, nhưng vì thành phần gia đình và nhiều nguyên nhân khác mà đành phải đi tham gia lao động sản xuất ở Khắc Luân Tả Kỳ vùng Nội Mông Cổ, vả lại rõ ràng cô không hề biết hoàn cảnh của tôi và Tuyền béo cũng chẳng khá hơn cô là mấy. Cả hai thằng đều không được đi lính, mà bị xua đến vùng Đại Hưng An Lĩnh này lao động hết cả. Đọc xong thư, tôi và Tuyền béo đều không nói năng gì một lúc lâu, thực chẳng còn mặt mũi nào mà hồi âm cho Đình Tư Điềm nữa, mà cũng lấy đâu ra ảnh chụp mặc quân phục gửi cho cô bây giờ.
Từ lá thư gửi đến, tôi cảm thấy Đinh Tư Điềm rất cô đơn, có lẽ cuộc sống ở cái nơi gọi là Khắc Luân Tả Kỳ ấy còn đơn điệu hơn trong núi này nhiều. Khắc Luân Tả Kỳ tuy cùng thuộc vùng Nội Mông Cổ với trại Cương Cương chỗ chúng tôi, nhưng không cùng một khu vực. Khắc Luân Tả Kỳ là khu chăn nuôi trên thảo nguyên, môi trường khắc nghiệt, người sống càng thưa thớt hơn, cách khu Hưng An rất xa. Đinh Tư Điềm nhảy múa hát ca, bảo cô nàng đi chăn gia súc trên thảo nguyên thì thật khó mà tưởng tượng nổi, làm sao yên tâm cho đành? Tôi đang nghĩ ngợi, bỗng phát hiện Tuyền béo đang lật tủ lật hòm kiếm giấy viết thư hồi âm bèn bảo cậu ta: "Đừng tìm nữa, cả giấy chùi đít còn không có, lấy đâu ra giấy viết thư cho cậu. Tôi thấy bọn mình ở trong núi này sắp thành ngố rừng mất thôi, hay là đến thảo nguyên chơi một chuyến, tiện thể thăm chiến hữu thân thiết của chúng ta xem thế nào."
Yến Tử nghe tôi bảo muốn đi thảo nguyên, kinh ngạc hỏi: "Hả? Đến thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ á? Mất cả mười ngày nửa tháng cũng không về được đâu, bao nhiêu ngày không làm việc thế, bọn anh không thèm công điểm nữa à? Lúc về thì ăn bằng cái gì?
Tôi gật gật đầu với Yến Tử, vấn đề này đương nhiên không thể không nghĩ đến. Công điểm là mạng sống của thanh niên trí thức. Thanh niên trí thức về nông thôn tham gia lao động không giống với tham gia binh đoàn xây dựng sản xuất. Các binh đoàn kiểu này ở miền Bắc đều áp dụng quản lý theo chế độ quân sự hóa, cơ cấu tổ chức đơn vị chia thành sư đoàn, bên dưới có trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội. Thành viên binh đoàn được bao ăn bao ở, mỗi tháng thêm sáu mươi đồng tiền lương, ưu điểm là có thu nhập cố định, nhược điểm là thiếu tự do, không thể nói đến là đến, muốn đi là đi được. Còn thanh niên trí thức thì tổ chức theo chế độ công điểm, nhược điểm là thu nhập không ổn định, ưu điểm là tự do thoải mái, xin nghỉ rất tiện. Hẳn là có người sẽ lấy làm lạ, nếu thanh niên trí thức đã tự do như thế, tại sao không về thành phố luôn đi? Nguyên nhân chủ yếu là vì về thành phố thì chẳng có cái mà ăn, hơn nữa đã gọi là về nông thôn tham gia lao động sản xuất, tức là hộ khẩu cũng bị chuyển luôn về nông thôn rồi, về thành phố cũng chỉ là ở chui, không phải dân thành phố thì không thể tìm được việc làm. Dẫu sao thì "dân dĩ thực vi thiên", người sống ở đời không thể không ăn cơm, mà không có công điểm thì không có cơm ăn, vì vậy người cũng bị cột chặt ở đấy.
Mấy ngày trước chúng tôi nhặt được khá nhiều miếng vàng nhỏ ở lâm trường, thứ này dĩ nhiên tôi không dám giấu lại làm của riêng rồi. Chỉ là sau khi nộp sung công, ông bí thư lấy làm vui vẻ, tuy thời bấy giờ không có lệ thưởng tiền, nhưng vẫn hứa sẽ ghi cho chúng tôi hai tháng công điểm, để dành đến Tết về thăm người thân nghỉ một hơi dài luôn. Cũng tức là tôi và Tuyền béo có hai tháng không phải làm gì, ở trong núi lâu quá cũng phát ngấy lên rồi, lại cũng nhơ nhớ Đinh Tư Điềm, vậy là bèn quyết định đi thảo nguyên một chuyến.
Chú thích:
[13] Hội Bùn.
[14] Một hoạt động kéo dài từ năm 1966 đến 1967, tham gia chủ yếu là các học sinh sinh viên thuộc tổ chức Hồng vệ binh, cá nhân hoặc tổ chức tham gia được miễn phí ngồi xe (hoặc đi bộ), tiếp đãi (ăn ở) để đi khắp đất nước tuyên truyền giao lưu. Đây là một trong hoạt động của cuộc Cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông phát động.
[15] Chống Mỹ, cứu viện Triều Tiên, nhớ đắng cay, mong ngọt bùi.
Tôi chưa bao giờ nghe kể gì về bọn trộm mộ Nê Hội, ngần này tuổi đầu rồi đây mới là lần đầu tiên nghe nhắc đến cái tên ấy. Nhưng "Y Quán đạo" mà thím Tư mới nói tới đó thì tôi và Tuyền béo đều có loáng thoáng biết một chút. Đám người theo tà phái này chuyên cắt sinh thực khí của các bé trai làm thuốc dẫn luyện đơn, sau giải phóng liền bị nhân dân trấn áp, giờ không còn tồn tại nữa rồi. Tôi thấy thím Tư này nói đâu ra đấy, liền biết bà ta không phải nói đùa để dọa vớ dọa vẩn làm gì.
Chốn rừng sâu núi thẳm phóng mắt nhìn quanh chỉ toàn núi non trùng trùng điệp điệp, có cơ hội nghe người già kể chuyện xưa từ thời Tam hoàng Ngũ đế đối với chúng tôi tuyệt đối là một hoạt động giải trí vô cùng trọng đại. Huống hồ tôi và Tuyền béo còn đã tận mắt nhìn thấy một đống thi thể ăn mặc rất giống với đám phỉ đồ Nê Hội trong cái hầm bên dưới miếu Hoàng đại tiên, lại càng tăng thêm mấy phần hiếu kỳ, liền nằn nì, xin thím Tư kể thêm nữa về bọn phỉ Nê Hội ấy.
Nhưng thím Tư cũng không hiểu nhiều về bọn Nê Hội ấy lắm, bà chỉ nhặt nhạnh ra những thứ gì mình biết kể qua loa cho bọn tôi, toàn là những chuyện từ thời trước giải phóng. Thời bấy giờ vùng Đông Bắc này loạn lắm, thổ phỉ trong núi nhiều như lông trâu, hạng phỉ tặc lớn như "Già Liễu Thiên" thì khỏi phải nhắc đến, ngoài ra còn rất nhiều nhóm nhỏ rải rác tụm năm tụm ba vài tên chuyên đi cướp phá nhà dân, lại còn bọn bắt cóc tống tiền, chuyên đi bắt các cô nương sắp xuất giá lấy chồng. Vì các cô bị bắt như thế không thể để qua đêm, qua đêm là nhà chồng chắc chắn sẽ không ưng hôn sự này nữa, vì vậy nhà con tin phải nhanh chóng kiếm đủ tiền chuộc ngay trong ngày, thế nên mới gọi là "bắt chuộc nhanh". Đại đương gia của bọn Nê Hội ấy hồi trước chính là một tên phỉ chuyên nghề "bắt chuộc nhanh", chẳng những vậy, hắn ta còn học được yêu thuật trong đạo môn, nghe đâu có cả bản lĩnh độn thổ, dù phạm án thì quan phủ cũng chẳng thể làm gì nổi. Sự thực có lẽ là tên đó chẳng qua chỉ từng làm "quật tử binh", một dạng lính tương tự như công binh bây giờ nên giỏi nghề đào đất mà thôi. Có điều tình hình cụ thể ra làm sao thì người ngoài căn bản không thể nào biết được, tất cả chỉ là đoán bừa hết. Về sau tên này phát hiện ra ngón đào mồ quật mả có thể kiếm được lợi lớn, vậy là bèn chuyển qua làm các phi vụ giày vò người chết ấy.
Hắn ta đào rất nhiều mồ mả, danh tiếng ngày một tăng lên, lại còn thu nhận không ít đồ đệ, hình thành nên một băng phỉ riêng chuyên đào đất bới bùn, rồi bắt đầu có danh có hiệu đàng hoàng. Đồ đệ của hắn đa phần đều xuất thân từ bọn trẻ nghèo chuyên đi bới bùn lắng ở lòng sông, cũng muốn được oai vệ một chút, bèn thêm một chữ hội vào đằng sau mới đặt ra danh hiệu là Nê Hội[13].
Nê Hội nổi lên từ cuối thời nhà Thanh, về danh nghĩa là hình thức thầy trò môn phái, nhưng trên thực tế thì cơ cấu tổ chức hoàn toàn giống các băng phỉ khác, tức là cũng có "bốn rường tám cột". Bọn này làm xằng làm bậy, lòng dạ ác độc, thủ đoạn tàn bạo, đừng nói là người chết, rất nhiều dân chúng sống trong núi cũng đều bị chúng làm hại, quan phủ đã nhiều lần xuất binh tiễu trừ mà không thành công. Trong khoảng mấy chục năm hoạt động, bọn chúng đào được rất nhiều cổ mộ, càng về sau lại càng táo tợn chẳng kiêng nể gì. Vì trong các mộ xưa thường hay có thi biến, hoặc trong thân thể chủ mộ có đổ thủy ngân để phòng mục rữa, bọn chúng muốn lấy những châu ngọc ngậm trong miệng những xác chết ấy, thường buộc dây thừng kéo xác chủ mộ ra bên ngoài, treo ngược lên cành cây để thủy ngân chảy ra hết, sau đó vạch miệng moi ruột người ta ra. Nhiều khi cổ mộ ở ngay gần làng mạc có người cư trú, bọn chúng vẫn cứ nghênh ngang táo tợn làm những chuyện thương thiên bại lý ấy giữa ban ngày ban mặt, chẳng hề e ngại điều gì. Ai làm cái nghề ấy cũng phát tài to, vì vậy đám người này tên nào tên nấy đều có vũ khí hàng xịn trong tay, căn bản chẳng có ai dám đụng tới cả.
Bọn chúng đào mồ quật mả lên vơ vét sạch những thứ đáng tiền bên trong, rồi để lại một đống lộn xộn những quan quách vỡ bung, xác người tung tóe, người dân thường nhìn thấy không ai là không than thở ngậm ngùi. Những cái xác cổ ấy cũng thật đúng là xúi quẩy mười tám đời, chết rồi vẫn còn bị kẻ khác giày vò, tình cảnh thực sự là thảm không nỡ nhìn.
Bọn phỉ Nê Hội chủ yếu ẩn hiện trong chốn rừng sâu núi thẳm Đại Hưng An Lĩnh và Tiểu Hưng An Lĩnh, khắp cả một dải tam sơn ngũ lĩnh ấy, phàm là mộ cổ mồ hoang nào bị phát hiện ra, bọn chúng đều tìm đủ mọi cách quật lên vơ vét đồ minh khí. Vì quanh năm suốt tháng làm cái nghề này, có tật giật mình, đám này rất mê tín, mặc đồ đen từ đầu đến chân chính là để làm giảm đi dương khí của người sống hòng tiện khi hành sự. Cổ mộ xưa nay là nơi tích tụ khí âm lạnh lẽo, kỵ nhất là để dương khí của người sống lưu lại đó. Ngoài ra, bon này cũng rất chú ý tránh tà, dây mũ, bít tất, thắt lưng tuyền một màu đỏ chói, toàn bộ đều được nhuộm bằng tiết lợn.
Về sự tích của đám phỉ này, đến giờ cũng chẳng mấy ai biết mà kể ra được nữa, dù sao cũng toàn là chuyện từ mấy chục năm trước rồi. Thím Tư sở dĩ biết được nhiều như vậy, là vì hồi trước giải phóng, anh ruột của bà bị bọn Nê Hội này bắt đi làm lao dịch, từng phải đào đất gánh bùn khi chúng quật mồ quật mả người ta, cuối cùng khó khăn lắm mới tìm được đường sống trong nẻo chết mà thoát khỏi ổ phỉ trở về, rồi kể cho bà nghe những chuyện xảy ra ở trong đấy.
Như thím Tư nhớ lại, tên trùm phỉ Nê Hội từng dẫn theo băng đảng đào rất nhiều hang động trong núi Đoàn Sơn, cuối cùng đã đào ra được một ngôi miếu Hoàng đại tiên ở đằng sau nấm đất Mộ Hoàng Bì Tử. Bọn chúng muốn tìm một món bảo bối trong hầm bí mật bên dưới căn miếu, kết quả là chọc vào đại tiên gia gia, mất đi mấy mạng người. Có điều bọn Nê Hội này cũng chẳng phải tay vừa, kế này không thành liền giở ngay mánh khác, kết quả vẫn đắc thủ thành công, moi được một cái rương khảm đầy vàng ngọc bên trong ấy.
Bọn phỉ trộm mộ ấy vừa mới đắc thủ, liền kéo hết những sơn dân bị chúng bắt đến giúp sức đào hang ra khe núi giết người diệt khẩu, anh trai thím Tư trúng một phát súng xuyên từ đằng trước ra đằng sau. Ông may mắn thoát nạn, bò được ra khỏi đống người chết, nhưng sau khi về làng vết thương mãi vẫn không khỏi, cộng với trước đó đã bị kinh hãi cực độ, nên chẳng được mấy năm sau thì cũng ô hô ai tai, hồn về cõi Phật. Còn chuyện cái rương bọn Nê Hội đào được trong miếu Hoàng đại tiên giờ đang ở đâu, bên trong rốt cuộc đựng bảo bối gì thì không ai biết được. Vả lại từ đó trở đi, Nê Hội cũng biến mất, không còn ai thấy bọn chúng xuất hiện ở vùng rừng núi này nữa, chắc chắn là đã bị báo ứng, tên nào tên nấy đều chết không chốn chôn thây rồi.
Tôi và Tuyền béo lắng nghe hết sức chăm chú, trong miếu Hoàng đại tiên rốt cuộc có giấu thứ gì, mà khiến bọn Nê Hội ấy liều cả tính mạng như thế? Cái rương đó đã bị chúng mang đi đâu rồi? Rốt cuộc Nê Hội về sau như thế nào? Bọn tôi đều có tính tò mò, không thể hỏi cho rõ ngọn rõ ngành thì tối chẳng thể nào ngủ ngon giấc, nhưng thím Tư cũng chỉ biết có ngần ấy, vả lại cũng không thể đảm bảo tính chân thực của những gì bà kể được. Năm đó anh trai bà trúng đạn bò về làng chỉ còn thoi thóp thở, nói năng mê sảng, ai biết được ông ta nói có đáng tin cậy không chứ.
Tôi thấy chẳng còn gì để nghe ngóng nữa, đành cùng Tuyền béo quay lại tiếp tục cắt gạch mộ. Hồi ấy đang đề xướng thay phong đổi tục, dẹp bằng mộ địa để khai khẩn thành ruộng đất, vì rất nhiều vùng biên viễn còn chưa có hỏa táng, vẫn tiến hành thổ táng, nhưng cách thức khác nhiều với thời xã hội cũ. Một là mai táng giản tiện, hai là đào sâu chôn chặt, mộ huyệt sâu hai chục thước, không đắp nấm, bên trên mộ huyệt vẫn có thể trồng trọt như thường.
Có điều ở chốn núi rừng bóng người thưa thớt này, cũng không đến nỗi phải lo lắng về diện tích mồ mả với ruộng nương mấy, chẳng qua chỉ là dẹp bằng một ít mồ hoang mộ cổ, lấy gạch mộ làm vật liệu xây dựng mà thôi. Nhưng thứ gạch mộ này cũng không dễ cắt gọt chút nào, gạch đá ở đây đều bị hơi xác thối ngấm vào, cực kỳ khó ngửi, tuy đã trải nhiều năm nhưng vẫn không tiêu tan hết, sau khi cắt gọt bằng phẳng, lại phải dùng rượu hòa với vôi mới trừ hết được mùi thối.
Tôi lại cắt thêm mấy viên gạch nữa rồi đưa ngón tay lên mũi ngửi, lập tức bị xộc lên một phát, mặt mũi nhăn tít lại. Bần thần một lúc tô vỗ vỗ lên cái cổ tê cứng, đưa mắt nhìn rặng núi trầm mặc bên ngoài thôn làng, đột nhiên trong lòng bỗng dâng lên một cảm giác hụt hẫng khó tả, lẽ nào cả đời tôi phải ở chốn núi sâu này cắt gạch mộ, canh lâm trường hay sao? Mao chủ tịch vung tay đổi đường lối, trăm vạn học sinh sinh viên liền đổi chiến trường, lên núi về quê tiếp nhận học tập cải tạo, tuy đây đích thực là một cách rèn luyện con người, nhưng dẫu sao cũng khác quá xa với lý tưởng của tôi. Thuở bấy giờ tôi hẵng còn quá trẻ, rất lo lắng thấp thỏm với tiền đồ của mình, vừa nghĩ đến cả đời đều phải ở chốn núi non rừng thẳm này không thể nhập ngũ đánh trận thực hiện ước mơ, sâu thẳm trong lòng lập tức bùng lên những cơn sóng khủng hoảng, sống mũi cay cay, nước mắt suýt chút nữa thì ứa ra.
Tuyền béo thấy tôi thần sắc cổ quái, liền hỏi đang nghĩ cái gì thế? Sao cả ngày cứ mặt ủ mày chau? Tôi thở dài một tiếng trả lời cậu ta: "Tiên sư cha nhà nó, lại còn không phải lo âu vì sự nghiệp giải phóng của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latin à?" Tuyền béo thấy thế bèn khuyên: "Đừng rầu rĩ nữa, cuộc sống của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latin người ta như thế nào, bọn mình lo không nổi đâu, có lẽ người ta cũng không cần chúng ta lo lắng cho họ đâu, sắp xong việc rồi, đến tối tôi mời các cậu xơi món lòng lừa, lúc ấy thì ăn cho thoải con gà mái đi."
Tôi quẹt quẹt nước mũi chảy ra, đang định bàn tính với Tuyền béo xem cỗ lòng lừa ấy nên nấu món gì, thì ông bí thư chi bộ về. Ông lên đại đội làm việc, tiện thể mang về cho đám thanh niên trí thức mấy cái bưu kiện, Chỗ này giao thông không tiện, bọn tôi về đây tham gia lao động sản xuất mấy tháng rồi, gần như hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài, lần đầu tiên có bưu kiện thư từ, làm sao mà không vui không sướng cho được, vậy là liền quên biến hết cả mọi sự trên đời. Tôi và Tuyền béo mong chờ nhất, đương nhiên là tin tức ở nhà, nhưng ông bí thư lục lọi một lúc lâu, lại bảo rằng bọn tôi không có bưu kiện gì, chỗ này đều là của mấy người kia cả.
Tuy tôi cũng biết người nhà mình đều bị cách ly hết rồi, đương nhiên chẳng có cơ hội mà gửi đồ đến, nhưng trong lòng cũng vẫn hụt hẫng khó chịu lắm, đang định xoay người bỏ đi thì ông bí thư bỗng gọi giật hai đứa tôi lại. Ông giơ ra một lá thư, bảo chỉ có lá thư này là gửi cho tôi và Tuyền béo thôi.
Tôi và Tuyền béo thoáng ngẩn người ra, vội vàng xông tới giằng lấy lá thư, trong lòng vẫn hết sức thắc mắc, sao lại gửi một lá thư chung cho hai bọn tôi nhỉ? Yến Tử cũng lấy làm tò mò, ngó đầu vào xem. Tôi cố nén tâm trạng kích động, vội vội vàng vàng xem phong bì trước. Thư này được gửi từ quân khu quê chúng tôi đến, vì vậy cái phong bì bên trong mới là thư ban đầu. Hiển nhiên, người gửi thư không biết tôi và Tuyền béo về lao động ở vùng nào, nên gửi thư đến quân khu, sau đó mới chuyển về đây.
Tôi bóc bì thư ra, cẩn thận đọc từng chữ từng chữ một. Thì ra người gửi chư này là chiến hữu hồng vệ binh tôi và Tuyền béo quen trên xe lửa hồi tham gia hoạt động "nối liền cả nước[14]", tên là Đinh Tư Điềm. Cô cũng tầm tuổi bọn tôi, là mũi nhọn văn nghệ, từng cùng tôi và Tuyền béo kết bạn đi khắp nửa đất nước, ở quê hương Mao chủ tịch, mọi người bốc một nắm đất, cả đêm không buông tay, kết quả là tay sưng phồng lên. Ở quê hương cách mạng Diên An, chúng tôi từng chia nhau ăn một miếng lương khô trong hang núi. Chúng tôi còn cùng tiếp nhận chỉ thị tối cao ở trước Thiên An Môn. Khi hoạt động kết thúc, chúng tôi có trao đổi địa chỉ gửi thư, nhưng chuyện này cũng khá lâu rồi, khi ấy bọn tôi đều không thể ngờ là sẽ nhận được thư của cô ở chốn núi rừng xa xôi này.
Bố mẹ Đinh Tư Điềm đều làm việc trong bảo tàng, nhà tổng cộng có bốn đứa con, lần lượt đặt tên theo câu "Kháng Mỹ viện Triều, ức khổ tư điềm[15]", đây cũng là trào lưu đặt tên của trẻ con thời ấy. Trong lá thư Đinh Tư Điềm gửi chúng tôi có viết: Viết cho chiến hữu cách mạng thân thiết nhất của tôi, Hồ Bát Nhất và Vương Khải Tuyền, từ khi chúng ta chia tay nhau ở thủ đô Bắc Kinh vĩ đại, tôi không lúc nào là không hoài niệm về những ngày tháng chúng ta ở bên nhau, từ lâu đã muốn viết thư cho các bạn, nhưng trong nhà xảy ra rất nhiều việc... tôi nghĩ các bạn nhất định đã được vào quân ngũ đúng như ước nguyện rồi nhỉ. Vẻ vang gia nhập quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, trở thành một chiến sĩ cách mạng cũng là mộng tưởng của tôi, hy vọng các bạn có thể gửi cho tôi một tấm ảnh mặc quân phục, để tôi được chia sẻ niềm vui ấy... Cuối cùng xin đừng quên tình bạn cách mạng giữa chúng ta, chúc cho tình hữu nghị ấy còn cao hơn núi còn xa hơn đường, nghìn năm vẫn xanh ngắt, vĩnh viễn không phai màu.
Qua thư chúng tôi biết, Đình Tư Điềm muốn vào quân đội, nhưng vì thành phần gia đình và nhiều nguyên nhân khác mà đành phải đi tham gia lao động sản xuất ở Khắc Luân Tả Kỳ vùng Nội Mông Cổ, vả lại rõ ràng cô không hề biết hoàn cảnh của tôi và Tuyền béo cũng chẳng khá hơn cô là mấy. Cả hai thằng đều không được đi lính, mà bị xua đến vùng Đại Hưng An Lĩnh này lao động hết cả. Đọc xong thư, tôi và Tuyền béo đều không nói năng gì một lúc lâu, thực chẳng còn mặt mũi nào mà hồi âm cho Đình Tư Điềm nữa, mà cũng lấy đâu ra ảnh chụp mặc quân phục gửi cho cô bây giờ.
Từ lá thư gửi đến, tôi cảm thấy Đinh Tư Điềm rất cô đơn, có lẽ cuộc sống ở cái nơi gọi là Khắc Luân Tả Kỳ ấy còn đơn điệu hơn trong núi này nhiều. Khắc Luân Tả Kỳ tuy cùng thuộc vùng Nội Mông Cổ với trại Cương Cương chỗ chúng tôi, nhưng không cùng một khu vực. Khắc Luân Tả Kỳ là khu chăn nuôi trên thảo nguyên, môi trường khắc nghiệt, người sống càng thưa thớt hơn, cách khu Hưng An rất xa. Đinh Tư Điềm nhảy múa hát ca, bảo cô nàng đi chăn gia súc trên thảo nguyên thì thật khó mà tưởng tượng nổi, làm sao yên tâm cho đành? Tôi đang nghĩ ngợi, bỗng phát hiện Tuyền béo đang lật tủ lật hòm kiếm giấy viết thư hồi âm bèn bảo cậu ta: "Đừng tìm nữa, cả giấy chùi đít còn không có, lấy đâu ra giấy viết thư cho cậu. Tôi thấy bọn mình ở trong núi này sắp thành ngố rừng mất thôi, hay là đến thảo nguyên chơi một chuyến, tiện thể thăm chiến hữu thân thiết của chúng ta xem thế nào."
Yến Tử nghe tôi bảo muốn đi thảo nguyên, kinh ngạc hỏi: "Hả? Đến thảo nguyên Khắc Luân Tả Kỳ á? Mất cả mười ngày nửa tháng cũng không về được đâu, bao nhiêu ngày không làm việc thế, bọn anh không thèm công điểm nữa à? Lúc về thì ăn bằng cái gì?
Tôi gật gật đầu với Yến Tử, vấn đề này đương nhiên không thể không nghĩ đến. Công điểm là mạng sống của thanh niên trí thức. Thanh niên trí thức về nông thôn tham gia lao động không giống với tham gia binh đoàn xây dựng sản xuất. Các binh đoàn kiểu này ở miền Bắc đều áp dụng quản lý theo chế độ quân sự hóa, cơ cấu tổ chức đơn vị chia thành sư đoàn, bên dưới có trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội. Thành viên binh đoàn được bao ăn bao ở, mỗi tháng thêm sáu mươi đồng tiền lương, ưu điểm là có thu nhập cố định, nhược điểm là thiếu tự do, không thể nói đến là đến, muốn đi là đi được. Còn thanh niên trí thức thì tổ chức theo chế độ công điểm, nhược điểm là thu nhập không ổn định, ưu điểm là tự do thoải mái, xin nghỉ rất tiện. Hẳn là có người sẽ lấy làm lạ, nếu thanh niên trí thức đã tự do như thế, tại sao không về thành phố luôn đi? Nguyên nhân chủ yếu là vì về thành phố thì chẳng có cái mà ăn, hơn nữa đã gọi là về nông thôn tham gia lao động sản xuất, tức là hộ khẩu cũng bị chuyển luôn về nông thôn rồi, về thành phố cũng chỉ là ở chui, không phải dân thành phố thì không thể tìm được việc làm. Dẫu sao thì "dân dĩ thực vi thiên", người sống ở đời không thể không ăn cơm, mà không có công điểm thì không có cơm ăn, vì vậy người cũng bị cột chặt ở đấy.
Mấy ngày trước chúng tôi nhặt được khá nhiều miếng vàng nhỏ ở lâm trường, thứ này dĩ nhiên tôi không dám giấu lại làm của riêng rồi. Chỉ là sau khi nộp sung công, ông bí thư lấy làm vui vẻ, tuy thời bấy giờ không có lệ thưởng tiền, nhưng vẫn hứa sẽ ghi cho chúng tôi hai tháng công điểm, để dành đến Tết về thăm người thân nghỉ một hơi dài luôn. Cũng tức là tôi và Tuyền béo có hai tháng không phải làm gì, ở trong núi lâu quá cũng phát ngấy lên rồi, lại cũng nhơ nhớ Đinh Tư Điềm, vậy là bèn quyết định đi thảo nguyên một chuyến.
Chú thích:
[13] Hội Bùn.
[14] Một hoạt động kéo dài từ năm 1966 đến 1967, tham gia chủ yếu là các học sinh sinh viên thuộc tổ chức Hồng vệ binh, cá nhân hoặc tổ chức tham gia được miễn phí ngồi xe (hoặc đi bộ), tiếp đãi (ăn ở) để đi khắp đất nước tuyên truyền giao lưu. Đây là một trong hoạt động của cuộc Cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông phát động.
[15] Chống Mỹ, cứu viện Triều Tiên, nhớ đắng cay, mong ngọt bùi.
Bình luận facebook