• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Hot MA THỔI ĐÈN (1 Viewer)

  • Quyển 8 - Chương 9: Còi báo động máy bay tập kích

Tôi và Tuyền béo đang định nhổm dậy đuổi theo bóng đen kia, chợt nghe trong hầm phòng không vang lên tiếng còi báo động chói tai, đường hầm này rất tụ âm, tiếng rít dài khủng khiếp ấy tựa hổ được cả núi non sông suối đồng thanh hưởng ứng, khiến người ta nhất thời kinh hồn bạt vía.


Cả bọn thảy đều kinh hãi, trong đường hầm phòng không Thanh Khê bỏ hoang nhiều năm, sao lại có tiếng còi báo động máy bay được chứ? Lẽ nào đây là hành vi của trung đoàn trưởng Phong kia? Tuyền béo buột miệng chửi bậy: "Thằng cha trung đoàn trưởng kia cầm tinh con thỏ hả, sao chạy nhanh thế?" Út lắc đầu nói: "Không phải người, ai mà nhanh thế được chứ? Em thấy giống khỉ Ba Sơn hơn..."


Một màn vừa rổi diễn ra thực sự quá nhanh, trong đường hầm có rất nhiều chỗ nứt toác như giếng trời, lấy được không ít ánh sáng, tuy không phải chỗ nào cũng tối om như mực, nhưng ánh sáng nhập nhèm mông lung, căn bản không kịp nhìn rõ cái bóng đen kia là người hay khỉ. Lúc này, nghe tiếng còi hụ báo động vang lên đầy cổ quái, chúng tôi do dự không biết có nên tiến vào trong xem xét hay không.


Đột nhiên thấy giáo sư Tôn bật dậy, chạy thẳng vào sau bên trong đường hầm, vừa chạy lão ta vừa hét gọi tên trung đoàn trưởng Phong, tôi và Shirley Dương định vươn tay ra níu lão ta lại. nhưng đều hụt mất. Tôi gọi với: "Tôn Cửu gia, ông điên rồi à?" đoạn cũng guồng chân đuổi theo lão. Đồng thời gọi mấy người kia nhanh chóng bám sát.


Cả bọn chạy dọc theo dường hầm dược mấy chục mét , đến trước một cánh cửa vòm bằng xi măng rất lớn, Tôn Cửu gia chạy đằng trước thình lình dừng phắt lại, tiếngcòi hụ báo động phát ra chính từ chân bức tường có kẻ biểu ngữ "Chuẩn bị chiến tranh, đề phòng mất mùa". Đó là một góc chết ánh sáng không chiếu vào được, trong góc có thứ gì đó đang nhấp nhổm không yên, dường như đang quay một cái còi báo động phòng không kiểu quay tay.


Tôi nhân lúc giáo sư Tôn dừng lại liền tóm chặt lão ta, đồng thời giơ đèn pin mắt sói soi về phía góc chết tối om ấy. Vật trong góc cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng, lập tức ngẩng đầu lên, không ngờ lại là một bộ mặt lông lá kỳ dị như dã nhân, đôi mắt xanh lam sáng rực như ngọn đuốc.


Con quái vật lập tức bị ánh sáng chói từ đèn pin làm hoa mắt, kinh hãi kêu lên một tiếng quái dị rồi ném bỏ thiết bị báo động phòng không đang cầm trên tay xuống. Tiếng còi hụ vang khắp hầm phòng không lập tức im bặt, chỉ thấy nó giơ tay lên che cột sáng chói lóa đang chiếu vào mắt, da trên bàn tay nhăn nhúm đầy lông đen sì, móng tay cũng dài thượt, tuyệt đối không thể là tay người.


Lúc này, Shirley Dương, Út, Tuyền béo cũng lần lượt chạy tới. Tuyền béo thấy vậy lập tức giơ nỏ liên châu lên định bắn chết con vật kia, nhưng Tôn Cửu gia vội đẩy cái nỏ của cậu ta ra, thở hồng hộc nói: "Đừng... chớ bắn tên, lão Phong... là... là lão Phong.


Út không hiểu lão Phong mà giáo sư Tôn nói đến là ai, ngẩng mặt lên nhìn, bất giác kinh ngạc thốt: "Lão Phong cái gì chứ? Đây là con khỉ Ba Sơn thường gặp trong núi lắm mà, người trong núi ai mà chẳng gặp rồi ?"


Con khỉ Ba Sơn trong góc cao gần bằng người, nhân lúc chúng tôi chưa xông lên, liền bưng cặp mắt bỏng rát vì ánh sáng của đèn pin mắt sói, lách người chui vào bóng tối phía sau khung cửa xi măng, tiếng hú chớp mắt đã ở xa ngoài trăm bước. Lúc này dù là nỏ liên châu cũng chẳng theo kịp nó nữa rồi.


Tôi sợ giáo sư Tôn lại lên cơn điên đuổi theo con khỉ kia, vẫn tóm chặt lấy bắp tay lão ta không dám buông ra, hỏi: "Tôn Cửu gia, ông bị hoa mắt hay mất trí vậy? Cả người với khỉ mà cũng không phân biệt được à? Ông không nhìn rõ sao? Đó đâu phải trung đoàn trưởng Phong chứ?"


Giáo sư Tôn giậm chân nói: "Cậu tưởng tôi không chịu được đả kích như lão Trần, bảo điên là điên luôn đấy hả? Đó rõ ràng là con khỉ trung đoàn trưởng Phong nuôi mà, hồi đó ở nông trường cải tạo lao động tôi đã gặp nó rồi. Con khỉ này cực kỳ tinh quái, tuy không ở cạnh chủ nhân, nhưng toàn đi khắp nơi trộm đồ ăn, nhân lúc người ta không để ý lại mang đến cho lão Phong, thuốc lá bánh kẹo trà lá trứng gà hoa quả... chẳng gì mà nó không trộm được, bấy giờ tôi cũng được hưởng sái ăn theo không ít thứ."


Shirley Dương hỏi Tôn Cửu gia: "Giáo sư có thể xác định không ? Loài khỉ Ba Sơn này ở trong rừng đâu đâu cũng có, trong thiên hạ nào phải chỉ có mỗi con khỉ được trung đoàn trưởng Phong thuần dưỡng ấy."


Giáo sư Tôn đáp: "Dù tôi già cả mắt kém, nhưng tuyệt đối không thể nhìn lầm được, tại sao biết không? Vì trên cổ con khỉ già ấy có đeo một cái kim bài. Tôi thoáng liếc mắt đã thấy ngay, hồi trước trung đoàn trường Phong bị đày đi lao động cải tạo, không được phép mang theo bất cứ vật phẩm cá nhân nào. Nhưng ông ta có một miếng kim bài Quan Sơn thái bảo của tổ tiên truyền lại, đấy là vật Minh Thái Tổ ngự ban, nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ bị tịch thu. trung đoàn trưởng Phong không nỡ bỏ vật này, bèn đeo lên cổ con khỉ mình nuôi. Lúc ống ta bỏ trốn về đây, chắc chắn cũng dẫn theo cả con khỉ ấy cùng về."


Tôi nói: "Xem ra vị trung đoàn trưởng Phong này cũng là một nhân vật đượm màu sắc truyền kỳ đây, nếu ông ta còn sống đến nay, tôi thật rất muốn gặp một lần cho biết."


Tuyền béo nhặt bộ còi báo động phòng không kiểu quay tay lên, nói thứ nàv giờ là hàng hiếm, ở Phan Gia Viên chuyên thu mua, cũng không biết con khỉ kia trộm ở đâu ra, bỏ đây thì tiếc quá, nói đoạn cậu ta tiện tay nhét luôn vào ba lô, rồi bảo: "Nếu con khỉ Ba Sơn ấy hiểu được ý người, chi bằng chúng ta đuổi theo bắt sống, ép nó dẫn chúng ta đi quét sạch thôn Địa Tiên, con khỉ này chắc chắn thích ăn kẹo, ở đây ta có đầy sô cô la Mỹ, còn sợ không tìm được lối vào mộ cổ hay sao ?"


Giáo sư Tôn nói: "Khỉ Ba Sơn tuy rất thông minh, nhưng dù sao cũng là loài thú, ép nó dẫn đường cho chúng ta thì không thể, nhưng có thể lần theo dấu vết của nó, không chừng lại tìm thấy lão Phong và mộ cổ Địa Tiên cũng nên."


Tôi gật đầu nói: "Cứ vậy đi, tiểu đội trưởng đầu heo Vương Khải Tuyền, không phải cậu muốn làm tướng quân sao? Cậu đi trước mở đường cho chúng ta đi, nhanh chóng xuất phát."


Bọn tôi sợ để con khỉ Ba Sơn chạy xa quá sẽ không thể theo dấu được, không dám lần lữa, vội chạy dọc đường hầm đuổi theo nó. Đường hầm này chạy xuyên qua cả ngọn núi phía Tây trấn Thanh Khê, trên mặt đất có đường ray để vận chuyển đất đá, những mỏ muối khoáng xung quanh đã đào rỗng ruột ngọn núi, hầm phòng không và đường hầm chính quy chỉ là một phần nhỏ trong đó, bên trong địa hình phức tạp, nhiều chỗ rẽ nhánh. Chúng tôi di trong đường hầm tối đen như mựckhoảng mấy cây số vẫn không thấy bóng dáng con khỉ Ba Son kia đâu, chẳng rõ nó đã chạy đến tận đâu rồi.


Trước mắt, muốn tìm "Địa Tiên", vẫn phải tìm thấy "ô dương" chứ không thể theo con khỉ Ba Sơn kia chạy loạn trong hệ thống đường hầm như mê cung này được. Chúng tôi đành tiếp tục đi về phía cuối đường hầm, chỗ đó nối liền với một hẻm núi đan xen chằng chịt, là nơi mạch khoáng muối không vươn tới, cũng là khu vực chúng tôi định khảo sát theo kế hoạch ban đầu.


Đi đến cuổi đường hầm, chỉ thấy bức tường mé bên đã sạt lở, để lộ một hang núi rất lớn, trong hang toàn gạch đá vỡ vụn, nhìn màu sắc thì đều là gạch cổ, bên trong vẫn còn một đống thú đá ô dương mới bới ra được một nửa, một nửa vẫn chìm trong tầng đất, nhìn qua đủ thấy số lượng cũng không ít.


Tôi nói với những người còn lại, chỗ này có thể bị sụt lún lộ ra lúc công trình đi gần đến giai đoạn cuối. Hầm phòng không này là sản phẩm đặc thù của một thời đại đặc thù. Thực ra trong lòng núi chằng chịt những hầm mỏ khai thác muối khoáng thời xưa này, tình hình ngấm nước và sạt lở rất nghiêm trọng, căn bản không thể xây công trình phòng hộ nào hết, người chui vào đây không bị chôn sống là may phước rồi, còn mong gì phát huy tác dụng ba phòng với chẳng bốn phòng.


Giáo sư Tôn cắm đèn pin chiếu vào hang động lộ ra ở chỗ sụt lún xem xét: "Đây là hố tuẫn táng à? Nhưng cũng không giống..." Ngay sau đó, lão ta phát hiện ra những con thú đá ô dương mới đục đẽo một nửa và đống đá nguyên liệu, liền đoán đây có thể là nơi điêu khắc tượng thú đá thời cổ. Bên trong hang động lớn bằng khoảng bảy tám nhà dân, bề mặt tầng nham thạch trơn nhẵn kiên cố, mạch đá hết sức đặc biệt. Những tảng đá dùng điêu khắc thú đá ô dương đều được khai thác tại chỗ, ngoài ra không còn vật gì đặc biệt, nhưng hang động này không có mạch khoang muối Vu, nếu chẳng phải vì công trình đường hầm kéo dài đến đây, thì không thể phát hiện ra được .


Shirley Dương phát hiện trên vách núi có luồng gió lưu động, cơ hồ có khe hở thông ra ngoài, bèn lấy xẻng xúc lớp đất bám bên trên, để lộ một bức tường không chắc chăn lắm. Cô đưa tay đẩy nhẹ, tường gạch liền rầm ràm đổ xuống, ánh sáng bèn ngoài chiếu thẳng vào. Tôi thò đầu ra quan sát, thấy miệng hang này mở ra lưng chừng núi, phía trước có một con đường đi dốc đứng ngoằn ngoèo dẫn xuống đáy hẻm núi, nhưng từ chỗ này nhìn xuống không thể thấy được tình hình phía dưới.


Đối diện là một vách núi dựng đứng dựa trời tiếp đất, vách cao nghìn thước, khói mây mù mịt, mấy chục dòng thác hình thành sau cơn mưa từ trong núi cuồn cuộn trào ra, chảy từ các khe ránh trên vách đá xuống đáy hẻm núi. Vì vách núi rất cao, những dòng nước chảy ra đều như những sợi chỉ bạc buông thẳng, rơi xuống giữa những sườn dốc hiểm trở cây cối um tùm, trông hết sức hùng vĩ.


Trên vách đá cheo leo hai bên hẻm núi đều có đường đục vào lòng núi, ngang dọc đan xen như mạng nhện, không biết là dẫn tới những đâu. Đoạn đường dốc bên dưới miệng hang có tượng thú đá ô dương chỉ là một đoạn rất nhỏ trong hệ thống ấy. Tôi hỏi Út có biết hẻm núi này là nơi nào không? Út bảo, đây là hẻm núi Quan Tài, khắp nơi đều là quan tài treo. Nơi ấy thuở trước có phong tục "treo quan tài lấy may, gỗ rơi xuống là điểm lành", chẳng biết đã qua bao nhiêu đời. Rất nhiều khe núi quanh đây đều là quan tài treo, nhưng hẻm núi Quan Tài là nhiều nhất, vì vậy mới có tên .


Tôi thầm nghĩ, truyền thuyết về Mộ cổ thôn Địa Tiên chưa từng nhắc đến chuyện treo quan tài trên vách đá, Quan Sơn thái bảo hẳn cũng không chọn nơi lộ ra cho gió dập mưa vùi này làm âm trạch, bèn hỏi tiếp Út, dưới hẻm núi này có gì không? Có ai từng xuống dưới đó chưa?


Út lắc đầu, ý bảo mình cũng không rõ lắm, vì dân bản địa đa phần đều biết, hẻm núi Quan Tài không chỉ là một hẻm núi, mà mười mấy hẻm núi khe sâu hun hút đan xem chằng chịt với nhau, từ trên cao nhìn xuống, địa hình trông tựa như một chữ "Vu", nên còn được gọi là Tiểu Vu Hiệp. Trong đó, hầu hết các vách đá đều có đường sạn đạo do cổ nhân xây dựng, có điều vì đã quá lâu, hệ thống sạn đạo đã biến thành một mê cung phức tạp, nhiều chỗ đi được một nửa là không còn đường đi nữa. Đồng thời, từ bên ngoài cũng không có đường nào để tiến vào. Ngay cả dân trong vùng cũng rất ít người thông thạo đường đi lối lại, bởi ngoài việc đường đi khó khăn nguy hiểm, bên trong hẻm núi Quam Tài còn đầy những quan tài treo lơ lửng, toàn là xương cốt người chết, ai rỗi hơi đến đây làm gì? Hồi trước, Út từng nghe người già trong trấn nói rằng: "Hẻm núi Quan Tài, một đường trời, mười người trông thấy chín kẻ sầu".


Tôn Cửu gia nói: "Vậy thì đúng rồi, người trong vùng hiện nay đã không phân biệt nổi sạn đạo cổ lơ lửng trên vách núi và điểu đạo khảm vào lòng núi nữa. Kỳ thực cổ đạo ở hẻm núi Quan Tài này đều được khoét vào vách núi dựng đứng, cách một đoạn lại có một hang nông, giống như ổ chim vậy, nên mới gọi là điểu đạo. Chắc chắn câu Điểu đạo tung hoành, trăm bước chín hồi kia chỉ hệ thống điểu đạo chằng chịt ở khu vực này, trăm bước điểu đạo có lẽ là một đoạn nào đó, chỉ cần nghĩ cách tìm dược đoạn đường ấy, thì chúng ta đã đến rất gần lối vào mộ cổ Địa Tiên rồi đấy."


Shirley Dương quan sát một lúc, đoạn nói: "Độ cao của vách đá dựng đứng không dưới một nghìn mét, hệ thống điểu đạo trên đó ngang dọc rất phức tạp, có thể nói là cực kỳ ngoằn ngoèo, chẳng những vậy thế núi lại cheo leo mờ mịt, xung quanh bị sương mù phong tỏa, làm sao phán đoán được đoạn nào mới là chỗ trăm bước chín hồi chứ?"


Tôi thấy hình thế hẻm núi Quan Tài này quả thực bất phàm, chênh lệch độ cao hơn một nghìn mét là khái niệm thế nào chứ? Tương đương chồng vài tòa nhà mấy chục tầng lên nhau đấy. Vả lại, mỗi hẻm núi đều chạy vòng tít tắp, trong núi mây mù mờ mịt, nước xiết cuồn cuộn, khí tượng thần bí vô cùng, vừa hùng vĩ vừa tráng lệ, nhìn mãi không hết, ngắm mãi không chán.


Những nơi thâm nghiêm hiểm trở mà tôi từng thấy trong đời, đều không thể bì với nơi này. Dù giẫu mười vạn đại quân trong hẻm núi Quan Tài, cũng tuyệt đối không thể lộ chút dấu vết nào, nếu mộ cổ Địa Tiên được xây dựng tại đây, người ngoài không hiểu nội tình và bí mật bên trong, sợ rằng có được thần tiên giúp cũng khó lòng tìm ra nổi.


Tôi bảo mọi người, muốn soát sơn tàm long, phân kim định huyệt ở đất này chỉ e còn khó hơn lên trời, tốt nhất phải nghĩ cách tìm được "điểu đạo trăm bước". Tình hình trước mắt cho thấy, mấy câu gợi ý của trung đoàn trưởng Phong đa phần đều đã có đối ứng, bây giờ chúng ta đang ở vùng ngoại vi của hẻm núi Quan Tài, đợi tiến vào trong xem xét rõ tình hình rồi tính toán tiếp, cứ tùy cơ ứng biến là được.


Tuyền béo nghe loáng thoáng phải đi trên "điểu đạo nghìn thước", ngước lên đã thấy hoa mắt chóng mặt, trông xuống thì đầu váng mắt hoa, thực quá cao quá nguy hiểm, lập tức đòi đánh trống lui quân, viện cớ nói Quan Sơn thái bảo chắc chắn không ở trong hẻm núi Quan Tài này, vẫn nên quay lại hầm phòng không Thanh Khê tìm con khỉ dẫn đường mới là thượng sách.


Tôi liền giở phép khích tướng, vỗ vỗ cái bụng thịt của Tuyền béo, hỏi cậu ta gần đây có phải mải mê hưởng thụ đến chột cả lá gan đi rồi hay không? Hẻm núi Quan Tài đích thực là nơi thập phần hiểm yếu, "dẫu bậc cái thế anh hùng cũng phải khiếp đảm kinh tâm" nhưng nếu không phải vậy, mộ cổ Địa Tiên đã không thể thoát khỏi bàn tay đám trộm mộ mà giữ được nguyên vẹn đến ngày nay. Chủ nhân ngôi mộ ấy, chính là một kẻ trùm sò năm xưa từng đi trộm mộ khắp nơi, kim châu bảo ngọc bên trong, có thể nói là nhiều không kể xiết, tư lệnh Tuyền béo nhà cậu còn không mau chóng đi tiếp quản thì sớm muộn gì cũng thành vật trong túi kẻ khác đấy.


Tuyền béo bị tôi gãi đúng chỗ ngứa, nghe thấy mấy chữ "kim châu bảo ngọc" càng sáng bừng hai mắt, hừng hực lửa lòng, nghiến răng nghiến lợi mãi rồi cũng hạ quyết tâm, dằn giọng nói: "Hôm nay để cho các người thấy, ông Tuyền béo còn chưa về hưu đâu, tiên sư nó chứ, ông chính là loại người dám đấu tranh, dám thắnglợi đây, nêu không có đảm lượng khí phách mặc sóng to gió lớn, ngồi vững Điểu Ngư đài(1), thì đâu xứng với sự nghiệp đổ đấu này nữa chứ?"
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom