• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Nhất phẩm giang sơn (2 Viewers)

  • Chap-79

Quyển 2: Sửu Nô Nhi - Chương 079: Lầu Nhạc Dương






Lý Bạch có thơ rằng:

“Sớm từ Bạch Đế biếc ngàn mây,

Nghìn dặm Giang Lăng tới một ngày,

Vượn hót ven sông chưa dứt tiếng,

Mà thuyền muôn núi vượt qua ngay.”

Lời này nhằm ca ngợi việc đi thuyền xuôi dòng Giang Lăng. Vào thời đại này, người ta đã cảm nhận cực nhanh rồi.

Trần Khác đứng ở đầu thuyền, ngắm nhìn cảnh đẹp tráng lệ trước mắt. Chỉ thấy từng vách núi như muốn lao tới. Thuyền lớn đi nhanh sát vách núi, giống như sắp đâm vào, khiến hắn không kìm nổi phải nhắm mắt lại. Nhưng khi mở mắt, đoạn vách núi kia đã ở lại đằng sau, thuyền lại hướng vách núi khác đi tới.

Loại trải nghiệm kích thích này, kiếp trước hắn chưa từng trải qua. Những con vượn và khỉ ở trên núi kêu vang, hắn cũng theo bọn chúng hét dài, kéo theo Tống Đoan Bình cũng cùng nhau phát ra tiếng huýt gió. Thanh âm truyền tới vách đá, khiến cho bọn vượn và khỉ ứng thanh, tiếng hét vang lên không dứt.

Những lữ khách vốn uể oải vì say tàu đều nhìn sang, không khỏi kinh ngạc sức sống tràn đầy của những người thanh niên này. Thấy mọi người có vẻ mỏi mệt, bác lái đò cười nói:

- Hiện tại hảo hán không gọi anh hùng. Đợi đến eo sông Cù Đường, tiến đến đồi Tương Tần, nếu lúc đó vẫn khỏe như thế mới là hảo hán thật sự.

Cảm giác bây giờ vẫn chưa tới Tam Hiệp thật sự...

Như bác lái đò nói, chỗ khó đi thật sự là bắt đầu từ eo sông Cù Đường. Sắp đến eo sông, bác lái đò trịnh trọng dặn mọi người, sau khi vào eo sông không được phát ra bất cứ âm thanh nào, lại không được nói những lời bất kính đối với thần linh. Dặn xong, lão liền đem rượu ngon, đầu heo đưa tới trước đầu thuyền, dâng hương thành kính cầu nguyện, xong rồi mới đứng dậy lái thuyền đi vào khe sâu.

Tiến vào eo Cù Đường, liền thấy những đá ngầm thật lớn ẩn hiện bên trong nước sông, những tảng đá lớn này được gọi là đồi Tương Tần. Đặt tên như thế bởi vì sóng to gió lớn đập vào tảng đá, bắn ra bọt nước, trông giống như những lọn tóc mượt mà trên đầu mỹ nữ. Tên những quái thạch này khiến người ta mơ tưởng này lại tạo ra những xoáy nước đáng sợ. Thuyền bị dòng chảy lôi cuốn lao đi vù vù, sóng nước hung hung, chỉ hơi vô ý là sẽ đụng vào tảng đá lớn. Khi đó thì thuyền vỡ người chết, khó mà sống sót được.

Toàn bộ sinh tử của người trên thuyền, đều phó thác vào một mình bác lái đò. Ông lão dựa vào kỹ xảo lái thuyền cực cao cùng kinh nghiệm phong phú, nên thuyền đi tuy kinh hãi nhưng không nguy hiểm, nhanh chóng vượt qua eo Cù Đường, tiến vào eo Vu. Eo Vu dài đến trăm dặm, hai bờ sông là những dãy núi dài liên miên không dứt. Eo sông bị kẹp bởi vách núi tạo thành dòng chảy xiết. Thuyền đi vào đó, ngẩng đầu chỉ thấy một đường trời xanh uốn lượn. Nếu không phải đang chính Ngọ, cho dù trời xanh thẳm thì cũng không thể thấy mặt trời.

Chỗ nguy hiểm ở eo Vu chính là mây mù. Sương mù ở đây quanh năm đều không tiêu tan, như một con người tính tình lãng mạn, tựa như mưa sương, tựa như keo sơn, cho nên mới có từ “Vu Sơn vân vũ”. Sương mù ảnh hưởng nghiêm trọng tầm nhìn của bác lái đò, khiến việc chèo thuyền ở đây rất nguy hiểm.

Đến lúc này, mặt Trần Khác vẫn không biến sắc, nhưng khi thuyền dần dần đi đến một nơi gọi là “Nhân Tiên Hũ”... Nơi này có một tảng đá đặc biệt lớn và tròn, nằm ở giữa dòng sông, chiếm tám phần rộng của con sông. Cho nên đoạn sông trở nên rất hẹp, dòng nước chảy vô cùng xiết. Con thuyền đi qua đây phải chuyển hướng đột ngột, thân thuyền bị va mạnh. Lúc này con thuyền giống như một chiếc lá cây khô héo, đang giãy dụa giữa dòng nước xoáy, luôn có khả năng bị chìm xuống đáy.

Trần Khác chỉ cảm thấy hoa mắt ù tai, tay nắm chặt vào vách thuyền, từng đợt chóng mặt quay cuồng ập tới. Cũng không biết con thuyền có thể vượt qua được không? Đợi cho xóc nảy giảm bớt, người trên thuyền đã chóng mặt nôn khắp nơi. Hắn cũng chạy nhanh ra khoang thuyền, đứng ở mép thuyền không ngừng nôn mửa.

Ra khỏi eo Vu, đi không lâu thì tới Tỷ Quy. Hiện giờ, nơi đây chỉ là một thôn trang nho nhỏ, làm cho người ta không thể liên tưởng tới địa phương đã sản sinh ra những danh nhân như Luy Tổ, Khuất Nguyên, Vương Chiêu Quân, Mạnh Hạo Nhiên. Từ Tỷ Quy đi xuống chút nữa là Hà Mô Bồi. Qua Hà Mô Bồi không xa, đoạn sông trở nên rộng rãi, dòng chảy của sông cũng bớt hung hãn. Dạng thiên uy làm người ta hít thở không thông kia, rốt cuộc cũng đã qua.

Chỉ nghe thấy tiếng ca của người ngư dân văng vẳng đâu đây, những con chim hải âu bay lượn đầy bầu trời, xa xa là khói bếp thôn xá lượn lờ.

Nhìn phong cảnh kiều diễm trước mắt, người trên thuyền đều biết hành trình gian khổ nhất đã vượt qua, về sau thì nhẹ nhàng hơn. Mặc kệ quen hay không quen biết, tất cả mọi người trải qua hoạn nạn đều sinh ra cảm giác thân thiết. Bọn họ lấy ra rượu ngon, tiền bạc khao bác lái đò và các đệ tử của lão, cùng nhau kính rượu, chúc mừng còn sống sót.

Trầm Khác nhớ lại lịch trình hôm nay, thật đúng như ác mộng. Hắn rốt cuộc biết vì sao đất Thục từ trước tới nay chỉ lo thân mình dẫu cho thiên hạ đại loạn... Bởi vì việc di chuyển, thật sự là rất kinh khủng.

Trấn tĩnh lại tâm tình, hắn cắt gừng ra ngậm vào miệng, lại đưa cho Ngũ Lang vài miếng. Sau đó đi đến đuôi thuyền, đưa cho tiểu hòa thượng Huyền Ngọc kia.

- A Di Đà Phật, đa tạ Trần thí chủ.

Huyền Ngọc vẫn ngồi xuống. Nhưng y cũng say tàu, sắc mặt tái nhợt, cơm nước không vào. Dù vậy y vẫn cự tuyệt nói:

- Tiểu tăng không đói bụng.

- Đây là gừng tươi chống say.

Trần Khác cười nói:

- Chả lẽ Phật gia cũng cấm ăn gừng?

- A Di Đà Phật! Gừng không thuộc “Ngũ huân” (*), mà còn là thượng phẩm dưỡng sinh của Thiền Tông.

Huyền Ngọc rất thật thà trả lời:

- Chỉ có điều tiểu tăng từng lập mười hai lời thề, trong đó có không ăn gì nếu qua buổi trưa.

(*) Ngũ huân: Hay “ngũ hạnh”, gồm tỏi, hành, hẹ, kiệu, thuốc lá.

Cũng may Trần Khác học thức coi như phong phú, bằng không khó mà hiểu ý của tiểu hòa thượng. Hắn nhớ tới mười hai lời thề của khổ hạnh tăng. Nào là “Chỉ ngồi không nằm”, nào là “Chỉ cần mang theo ba đồ vật thiết yếu”, nào là “Ngủ ở mộ phần”. Nhưng ở thời này, những vị tăng y vân du, phần lớn là hòa thượng rượu thịt. Hòa thượng còn nhỏ như vậy đã giữ giới nghiêm túc, đúng là hiếm thấy.

Chắc vì vậy mà Vương Phương vô kế khả thi, chỉ đành đem nhiệm vụ gian khổ “Khiến tiểu hòa thượng hoàn tục” này giao cho Trần Khác. Hắn chỉ đành mỉm cười, để hai miếng gừng lại nói:

- Đây là thuốc chống say thuyền, ăn xong mới có thể tĩnh tâm ngồi thiền. Giới luật không nói qua buổi trưa thì không được uống thuốc à?

- Giới luật thực không nói tới...

Huyền Ngọc vẫn là rất đơn thuần, hai tay tiếp nhận nói:

- Đa tạ Trần thí chủ.

- Có thể đổi cách xưng hô không?

Trần Khác cười khổ nói:

- Giọng Tứ Xuyên của ngươi nặng như vậy. “Thí chủ” nghe như là “Ống nhổ” vậy. Ta thì không sao, nhưng người khác nghe thấy vậy lại đánh ngươi.

- A Di Đà Phật!

Huyền Ngọc gọi một tiếng Phật hiệu rồi nói:
- Vậy Trần thí chủ muốn gọi thế nào?

- Cái này...

Trần Khác rất nghiêm túc suy nghĩ một lúc mới nói:

- Như vậy đi. Về sau, ngươi gọi nam là “Anh”, nữ là “Chị” đi.

- A Di Đà Phật...

Huyền Ngọc chắp tay nói:

- Vậy thì theo chủ ý của anh, đa tạ anh chỉ điểm.

- Không có gì, không có gì...

Trần Khác nhét gừng vào trong tay y, cố nhịn cười xoay người đi.

Tiểu hòa thượng Huyền Ngọc cầm lấy mảnh gừng cho vào miệng. Đột nhiên cảm thấy mùi vị thơm ngát, cay cay. Trong lòng tự nhủ, hương vị thật không tồi...

...

Sáng hôm sau, thuyền đi đến điểm cuối, thành Ba Lăng thuộc Nhạc Châu. Nơi đây là chính là quận Ba Lăng nổi tiếng là nơi tụ họp của các thi nhân mặc khách từ khắp thiên hạ.

Mà lầu Nhạc Dương trong truyền thuyết, cũng nằm ở cửa tây thành Ba Lăng, Thủy Thành Môn. Thuyền còn cách bến tàu thật xa, nhưng vẫn có thể thấy tòa lầu nổi tiếng cổ kim cao ba tầng, ngói xanh tường đỏ, mái cong chạm trổ.

Lúc này đã qua tám năm kể từ khi Đằng Tử Kinh sửa lại lầu Nhạc Dương. Tám năm trôi qua, danh tiếng của lầu vẫn như trước, nhưng Đằng Thái thú lại chết bệnh ở Tô Châu.

Trần Khác cùng mọi người từ xa nhìn thấy, lầu Nhạc Dương là một màu trắng thuần. Đợi đi đến gần, mới nhìn rõ là những câu đối cùng cờ trắng treo đầy ở đó. Lại nghe tới từ lầu truyền đến những âm thanh buồn bã tới tận cõi lòng. Thuyền đi vào bến tàu, thì nghe thấy những tiếng khóc rung trời vang lên từ lầu Nhạc Dương.

Thuyền ổn định dừng lại. Tống Đoan Bình liền nhảy lên bến tàu, bắt lấy một nam tử đeo khăn trắng hỏi:

- Đắc tội, là đại quan nhân của nhà ai vừa qua đời à?

- Người kia không phải là người Ba Lăng...

Nam tử lắc đầu nói:

- Lão nhân gia của y thậm chí còn không đi qua quận Ba Lăng...

- Đó là ai?

- Là Phạm công a...

Nam tử nói xong thở dài:

- Ta đoán ngươi chắc là vừa mới từ Xuyên đi ra đúng không. Cũng khó trách, nơi đấy tin tức bế tắc, còn không biết Phạm công đã qua đời vào đầu tháng.

- A...

Tống Đoan Bình chấn động nói:

- Không thể nào!

- Sao lại không thể, triều đình đã định ra thụy hào. (Ban danh cho người đã quá cố có công lớn cho triều đình)

Nam tử nói xong, lại rơi lệ:

- Hôm nay là do các thân sĩ Nhạc Châu chúng ta mở đám tang tưởng niệm. Ngươi cũng đi cúng bái đi.

Tống Đoan Bình buông tay, vẻ mặt kinh ngạc nhìn Trần Khác:

- Sao lại có thể qua đời?

- A Di Đà Phật...

Huyền Ngọc chấp tay hành lễ.

- Đi xem.

Tâm tình Trần Khác lập tức trở nên trầm trọng.

Đoàn người đi tới dưới lầu Nhạc Dương, liền bị cảnh hơn mười nghìn người khóc tang dọa sợ ngây người. Chỉ thấy bất kể là lão thân sĩ hay là dân chúng bình dân, đều quỳ gối trước dàn tế đấm ngực khóc rống như là cha mẹ chết. Tiếng khóc rung trời, thấm sâu vào lòng. Cho dù vài chục năm sau, Trần Khác nhớ lại vẫn bị cảnh tượng này rung động đến tận tâm linh.

Cảnh tượng vạn người khóc thảm thiết, không phải là hắn chưa thấy qua. Nhưng đây là vì đế vương mà khóc, là dưới áp lực của cường quyền mà giả khóc. Nhưng hiện tại chết không phải là Hoàng đế, cũng không phải là một vị quyền thần, mà là một vị quan bị tước quyền lực gần mười năm. Những dân chúng thân sĩ này, giả vờ giả vịt thương tiếc một chút cũng liền thôi, hoàn toàn không cần phải khóc thảm thiết như thế a...

Trần Khác lẳng lặng nhìn cảnh tượng này. Ánh mắt lướt qua đám người quỳ khóc. Nhìn vào câu đối treo ở trước cửa lầu Nhạc Dương. Chỉ thấy hai hàng chữ to mạnh mẽ hữu lực:

“Trước lo nỗi lo của thiên hạ, sau mới vui niềm vui của thiên hạ.”

Đại Tống tháng năm năm Hoàng Hữu thứ tư, Phạm Trọng Yêm qua đời, chết ở trên đường đi Toánh Châu nhậm chức. Trước khi qua đời, ông ta vốn là vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn trong lòng dân chúng. Sau khi qua đời, quan gia bi thương, tổ chức quốc tang. Lễ tang hết sức trọng thể. Tức thì được tôn lên làm vị thánh hiền đầu tiên trong ba trăm năm trở lại đây của triều Tống.

Nhưng một vị thánh hiền đương thời như vậy. Vì sao trong tám năm cuối đời không ngừng bị biếm trích, bị bài xích đi rất xa. Nguyên nhân thuộc về đâu?

Đây là vấn đề mà Trần Khác suy nghĩ mãi cũng không rõ.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom