• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

NHO LÂM NGOẠI SỬ (2 Viewers)

  • Chương 26: Hướng thủ đạo khóc bạn khi thăng chức; bão đình tỷ lấy vợ lúc tang cha

Hướng tri phủ thấy có quan đến lấy ấn vội vàng gọi những người thơ lại lo việc hộ và việc hình đến. Hướng đến nói:



- Các anh phải xem lại tất cả giấy tờ ở trong phòng của mình cho thật kĩ càng, chớ để bỏ sót điều gì!



Nói xong, Hướng sai mở cửa và chạy ra chào phó tri phủ. Phó tri phủ đưa một tờ giấy, ghé vào tai nói nhỏ mấy câu rồi lên kiệu đi thẳng còn sai nha thì vẫn đứng đợi ở ngoài. Khi Hướng tri phủ bước vào nhà, bà con và Bão Văn Khanh đều đón hỏi xem có việc gì. Tri phủ nói:



- Chẳng có điều gì hết! Tri phủ Ninh Quốc làm việc hỏng bét, ta được uỷ nhiệm đến đấy lấy ấn của ông ta.



Ngay lúc đó, người nhà sắp sửa ngựa. Tri phủ đi đến ngay phủ Ninh Quốc trong đêm ấy.



Ở phủ cho người mua đồ trang sức, may quần áo mới. Chuẩn bị mùng màn, chăn mền, dọn dẹp nhà cửa để lo đám cưới cho con gái Vương quản gia. Việc này bận rộn mất mấy ngày cho đến khi Hướng tri phủ trở về, chọn ngày mười ba tháng mười là ngày lành.



Hôm đó, ngoài sân đánh trống. Hai người chủ lễ đưa cô dâu vào phòng. Bão Đình Tỷ giắt một cái hoa trên mũ, mặc áo đoạn, mang giày đen đế trắng. Sau khi lạy chào cha, đàn sáo rước Đình Tỷ đến chào cha mẹ vợ. Anh vợ là Vương mặc lễ phục ra tiếp em rể. Uống xong ba tuần trà, người ta đưa Đình Tỷ vào phòng cô dâu cùng làm lễ hợp cẩn. Việc đó không cần phải nói nhiều.



Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng mới ra chào tri phủ và phu nhân. Phu nhân thưởng cho họ tám đồ trang sức trên đầu và hai bộ áo quần mới. Tiệc rượu mừng kéo dài ba ngày. Tất cả mọi người trong nha môn đều ăn uống khắp lượt.



Sau đấy một tháng, Vương lên kinh làm quan. Bão Văn Khanh dọn một bữa tiệc tiễn hành. Sau đó, Bão Đình Tỷ thân hành tiễn đến tận thuyền, cùng ngồi thuyền một ngày mới trở về. Từ đấy Đình Tỷ sống trong nha môn một cuộc đời sung sướng.



Năm mới qua, công việc lại tiếp tục. Thí sinh các huyện lại đến thi ở phủ. Hướng tri phủ nói với cha con Bão Văn Khanh:



- Tôi phải đi chấm thi, nhưng nếu tôi lấy đầy tớ để kiểm soát thì nhất định là chúng làm gian. Hai cha con ông là người tâm phúc của tôi, có thể giúp tôi trông nom mấy ngày không?



Vâng lời tri phủ, cha con Bão Văn Khanh đến trường thi xét tất cả các phòng thi. Ở An Khánh có tất cả ba trường thi. Trong các thí sinh có kẻ tìm người viết thay mình chuyền bài cho nhau, hoặc ném giấy cho nhau, giao bài, ném gạch, ra hiệu bằng mắt, ra dấu hiệu cho nhau, làm đủ mọi cách. Khi đến giờ ăn cháo, Bão Đình Tỷ rất bực mình thấy họ xô lại thành đống, chen ngã nhau. Một thí sinh mượn cớ đi ỉa, đến trước cái tường đất dùi một lỗ hổng, thò tay vào lấy bài của một người khác ở ngoài. Y bị Đình Tỷ bắt quả tang, định đưa ngay lên tri phủ nhưng Bão Văn Khanh cản lại nói:



- Con tôi là một đứa con nít không biết gì, chứ ông là một người đọc kinh đọc sử. Thôi ông đi về chỗ làm bài nếu quan phủ biết việc này, thấy ông ở đây thì thật là bất tiện.



Bão Văn Khanh vội lấy đất trít lỗ hổng và dẫn thí sinh kia về chỗ.



Thi xong, treo bảng Quý Hoàn người huyện Hoài Linh đỗ đầu. Người cha của Quý cũng đỗ Tiến sĩ võ cùng một năm với Hướng tri phủ thị văn, hiện nay đang ở nhà chờ bổ đi làm thủ bị. Vài hôm sau, Quý thủ bị đến thăm Hướng tri phủ để cảm ơn. Hướng tri phủ mời ở lại, thết tiệc ở thư phòng, gọi Bão Văn Khanh cùng ra ngồi tiếp.



Quý thủ bị ngồi ghế đầu, Hướng tri phủ ngồi ghế chủ, Bão Văn Khanh ngồi bên cạnh. Quý thủ bị nói:



- Cụ chấm thi lần này thật là công minh, tất cả phủ không ai không phục.



Hướng tri phủ nói:



- Đã lâu tôi không chấm thi. Tính tôi vốn lơ đễnh, nhưng nhờ có ông bạn của tôi là ông Bão Văn Khanh kiểm soát ở trường thi cho nên lần này không có ai gian dối.



Bấy giờ Quý thủ bị mới biết tên Bão Văn Khanh, dần dần nghe đến chuyện Bão Văn Khanh là một người hát tuồng nét mặt của Quý thủ bị lộ vẻ kì quái. Hướng tri phủ nói




- Bây giờ bọn nhân văn có thể nói mỗi ngày một kém. Nếu ta bảo những người đỗ tiến sĩ, làm hàn lâm phải học kinh, truyền đạo thánh hiền, thì họ sẽ cho là viển vông vô ích. Nếu ta bảo họ lo học cho thông kim bác cổ thì họ sẽ bảo ta là một người không đi sâu vào cái gì cả. Còn đến việc trung với vua, tín với bạn bè thì họ không hề để ý đến! Thật họ kém xa ông bạn Bão của tôi đây! Tuy ông ta làm một cái nghề thấp hèn, nhưng việc làm của ông ta chẳng kém gì một người quân tử 1.



Nhân tiện, Hướng tri phủ kể lại một vài việc tốt đẹp của Bão. Quý thủ bị nghe vậy rất lấy làm kính phục. Sau bữa tiệc Quý cáo từ ra về.



Ba bốn ngày sau Quý thủ bị mời Bão Văn Khanh đến nhà ăn cơm uống rượu. Người con là Quý Hoàn vừa mới thi đỗ đầu cũng ra tiếp. Thấy y là một người thiếu niên dung mạo xinh đẹp, Bão Văn Khanh hỏi:



- Xin ông cho biết hiệu ông là gì?



Quý thủ bị nói:



- Hiệu cháu là Vi Tiêu.



Cơm rượu xong, Bão Văn Khanh trở về. Khi về nha môn, Bão Văn Khanh khen ngợi tướng mạo của Quý Vi Tiêu trước mặt tri phủ và đoán trước Quý Vi Tiêu sau này sẽ rất khá.



Vài tháng sau, người vợ họ Vương của Bão Đình Tỷ chết trong lúc sinh nở. Bão Văn Khanh và con trai khóc lóc thảm thiết. Hướng tri phủ an ủi hai người:



- Thôi đừng khóc lóc, thương xót làm gì! Đó chẳng qua là số mệnh của cô ta. Anh còn trẻ, tôi sẽ kiếm cho anh một người vợ khác. Nếu anh cứ khóc mãi, chỉ làm cho phu nhân thêm đau buồn thôi.



Bão Văn Khanh cũng bảo con thôi không khóc nữa. Nhưng bản thân Văn khanh mắc phải chứng đờm ho suốt đêm thành ra không ngủ được. Bão muốn xin từ biệt Hướng tri phủ để trở về nhà, nhưng không dám nói ra. May sao Hướng tri phủ lại được thăng làm thủ đạo ở đạo Đinh Chương tỉnh Phúc Kiến. Bão Văn Khanh nói với Hướng tri phủ:



- Chúng tôi chúc mừng cụ thăng quan. Đáng lý, chúng tôi phải theo cụ đến nơi mới bổ nhiệm. Nhưng tôi mỗi ngày một già, lại mắc bệnh, xin để cháu ở lại đây để hầu hạ cụ, còn tôi xin từ biệt trở về Nam Kinh.



Hướng tri phủ nói:



- Ông bạn già ơi! Bây giờ đường đi Phúc Kiến xa xôi và khó khăn. Ông lại già, tôi cũng không nỡ mang ông đi, người con của ông thì để nó theo ông hầu hạ chứ tôi mang đi làm gì? Bây giờ tôi phải lên kinh bệ kiến. Vậy tôi hãy đưa ông về Nam Kinh trước, còn tôi sẽ liệu cách.



Hôm sau tri phủ gói một ngàn lạng bạc và sai đầy tớ mang đến thư phòng. Hướng tri phủ nói:



- Ông Văn Khanh! Ông đã sống với tôi hơn một năm nay, không bao giờ ông xin tôi một ân huệ gì, dù nhỏ nhặt đến đâu. Tôi rất buồn vì đứa con dâu tôi tìm cho ông nay đã chết. Tôi muốn ông cầm lấy một ngàn lạng bạc này để mua sản nghiệp và kiếm một người vợ khác cho cháu, như thế ông có thể an hưởng tuổi già. Nếu sau này làm quan, lại có dịp đến Nam Kinh thì tôi sẽ lại thăm ông.



Nhưng Bão Văn Khanh không nhận số bạc.



Hướng tri phủ nói:



- Bây giờ không phải như ngày trước nữa. Nay tôi làm chủ một đạo, tôi có thể để dành ông ngàn lạng bạc một cách dễ dàng. Nếu không nhận thì ông cho tôi là người như thế nào?



Bão Văn Khanh không dám từ chối, cúi đầu cảm tạ. Hướng tri phủ dặn dò, gọi cho Bão một chiếc thuyền lớn, dọn một bữa tiệc tiễn hành và thân hành tiễn ra cửa. Bão Văn Khanh và con cùng quỳ dưới đất ứa nước mắt mà từ biệt. Hướng tri phủ gạt lệ chia tay.



Hai cha con Bão Văn Khanh mang tiền trở về Nam Kinh. Về nhà, Văn Khanh nói với vợ về ân đức của Hướng tri phủ, cả nhà đều cảm kích. Mặc dầu bệnh hoạn, Bão Văn Khanh cũng đi tìm người đem tiền đi mua một cái nhà, hai bộ đồ tuồng để cho hai ban tuồng thuê. Còn thừa bao nhiêu tiền thì dùng vào việc nhà.



Vài tháng sau, bệnh của Bão Văn Khanh càng ngày càng nặng, phải nằm liệt giường. Biết mình sắp chết, Bão gọi vợ con, con gái, con rể đến bên giường và nói:



- Ta muốn cả nhà sống hòa thuận sung sướng. Không nên đợi hết tang mới cưới vợ cho Đình Tỷ. Việc này cần phải làm nhanh.



Nói xong Văn Khanh nhắm mắt qua đời. Cả nhà khóc lóc, lo việc tống táng. Quan tài để ở giữa phòng mấy ngày. Người hát tuồng ở các nơi cũng đến điếu.



Bão Đình Tỷ nhờ thầy địa lý tìm đất và chọn ngày tốt để chôn nhưng chưa có người đề minh tinh 2dằng chợt thấy một người mặc đồ đen chạy vào hỏi:



- Đây có phải nhà ông cụ Bão không?



Đình Tỷ nói:



- Vâng, ông đến đây có việc gì?



- Cụ Hướng làm thủ đạo ở Đinh Chương tỉnh Phúc Kiến đã đến. Hiện nay kiệu của cụ đang ở ngoài cửa.



Đình Tỷ vội vàng cởi đồ tang, mặc một cái áo xanh chạy ra ngoài cửa quỳ xuống tiếp. Hướng thủ đạo xuống kiệu, thấy ở ngoài cửa bọc vải trắng liền hỏi:



- Ông cụ anh mất rồi à?



Bão Đình Tỷ khóc và nói:



- Cha con mất rồi.



- Mất bao giờ?



- Đến mai thì được hai mươi bảy ngày.



- Tôi bệ kiến xong trở về đi ngang qua đây muốn vào thăm ông cụ anh, không ngờ cụ anh nay đã thành người thiên cổ. Anh hãy đưa tôi đến trước quan tài.



Bão Đình Tỷ quỳ khóc chối từ. Hướng tri phủ không chịu đi thẳng đến trước linh cữu nói:



- Ông bạn già Văn Khanh ơi!



Hướng khóc rống một hồi cầm một bó hương vái bốn vái. Mẹ của Bão Đình Tỷ cũng ra lạy tạ. Hướng thủ đạo ra nhà khách hỏi:



- Ông cụ anh bao giờ thì hạ huyệt?



- Định vào mồng tám tháng sau.




- Ai viết minh tinh?



- Con đã hỏi nhiều người nhưng người ta từ chối, nói viết minh tinh khó lắm.



- Có gì mà khó! Đem bút giấy ra đây.



Đình Tỷ liền đem giấy bút tới. Hướng thủ đạo cầm bút viết:



"Linh cữu của "Người dân Triều Minh" là Bão Văn Khanh năm nay hưởng thọ 59 tuổi. Người viết là người bạn cũ Hướng Đinh đỗ tiến sĩ, quan tứ phẩm làm thủ đạo ở đạo Đinh Chương tỉnh Phúc Kiến".



Viết xong, Hướng đưa cho Đình Tỷ nói:



- Anh đem cái này cho hiệu làm đồ tang để họ làm cho.



Rồi lại nói:



- Sáng mai tôi phải xuống thuyền. Tôi có ít tiền giúp vào việc tang, chiều nay tôi sẽ cho đưa lại.



Nói xong, Hướng uống một chén trà rồi lên kiệu đi. Bão Đình Tỷ chạy theo đến thuyền vái chào rồi trở về. Buổi chiều, Hướng thủ đạo sai một người quản gia mang một trăm lạng bạc đến cho gia đình Bão. Người quản gia không kịp uống trà, vội vàng chạy ra thuyền.



Đến ngày mồng tám tháng sau, minh tinh đã làm xong. Kèn cáo, hòa thượng, đạo sĩ và những người hát đám ma tiễn Bão Văn Khanh đến mộ ở ngoài Cửa Nam.



Tất cả những người hát tuồng đều đi đưa đám. Ở một quán rượu ngoài Cửa Nam có bày mấy mươi bàn chay.



Những người đưa đám đều vào đấy ăn. Công việc chôn cất như thế là xong.



Nửa năm sau, một hôm Kim Thứ Phúc đến thăm và muốn nói chuyện với bà Bão. Bão Đình Tỷ mời vào nhà khách ngồi và vào nói với mẹ. Bà Bão ra nói:



- Đã lâu lắm không gặp ông! Hôm nay cơn gió nào thổi ông đến đây thế?



- Thật vậy, đã lâu tôi không gặp bà! Xem thì ra bà gặp may. Có phải bà đã cho một ban tuồng khác thuê áo quần rồi không?



- Phải, vì ban trước chỉ diễn trong thành phố và không kiếm được bao lăm. Vì vậy nên tôi đã đem đồ tuồng cho ban Văn Nguyên thuê. Trong ban này, một nửa là học trò của nhà tôi. Họ đi khắp Vu Thai, Thiên Trường, ở đấy có nhiều người giàu, nhiều thân sĩ, cho nên họ kiếm ra tiền.



- Thế này thì nay bà lại có dịp phát tài nữa đấy!



Sau khi uống một chén trà Kim Thứ Phúc nói:



- Hôm nay tôi đến đây để mách mối một đám cho ông Đình Tỷ. Nếu đám này thành bà lại còn phát tài hơn nhiều kia!



- Cô ấy con cái nhà ai thế?



- Con gái họ Hồ ở Nội Kiều. Ông cha làm việc ở nha môn quan Bố chính. Lúc đầu cô ta lấy ông Vương Ba Béo chủ hiệu cầm đồ An Phong. Nhưng không đầy một năm thì ông kia chết. Cô ta hiện nay mới hai mươi mốt tuổi và rất đẹp, thực là đẹp hơn tranh vẽ. Nhưng vì cô ta còn trẻ, lại không có con cho nên gia đình muốn gả cô ta. Ông Vương chết đi để lại cho cô ta một nhà đầy đồ đạc giá hơn một ngàn lạng, một cái giường lớn, một cái giường nằm mùa hạ, bốn cái tủ và bốn cái rương - tủ và rương đều đầy cả quần áo, đút tay không lọt và nhất là cô ta có ba cái xuyến vàng, hai cái mũ xích kim và vô số châu báu đếm không xuể. Cô ta lại có hai người đầy tớ gái. Một người tên là Hà Hoa, một người tên là Thái Liên, đều đến tuổi gả chồng. Nếu cô ta lấy ông Đình Tỷ thì thực là hợp tuổi, xứng đôi vừa lứa.



Y nói một hơi làm bà Bão rất mừng rỡ. Bà Bão nói:



- Ông Kim! Cảm ơn ông có lòng tốt. Tôi sẽ nói với con rể tôi để nó hỏi cháu xem. Nếu thực như thế thì nhờ ông làm mối cho.



- Cái đó chẳng cần hỏi han gì hết. Nhưng thôi, đi hỏi cũng được. Tôi sẽ đợi tin sau.



Nói xong Kim Thứ Phúc ra về. Bão Đình Tỷ tiễn chân Kim ra cửa.



Đến chiều, người con rể bà Bão là Quy về, bà Bão nói với con rể tất cả những việc vừa nghe và nhờ Quy hỏi xem.



Quy xin bà mấy mươi đồng tiền để sáng mai ra tiệm trà.



Sáng hôm sau Quy đến nhà một người chuyên làm mối là Thẩm Thiên Phù. Vợ Thẩm Thiên Phù là bà Thẩm chân to, một bà mối nhà nghề. Quy kéo Thẩm Thiên Phù đến một tiệm trà để uống trà và đem việc ấy hỏi lại. Thẩm Thiên Phù nói:



- Thế nào? Anh hỏi về chuyện con mụ yêu tinh ấy chăng? Câu chuyện của nó dài lắm. Anh đi mua vài cái bánh nướng đem lại đây. Tôi ăn rồi kể cho mà nghe.



Quy chạy sang nhà bên cạnh mua tám cái bánh nướng đem đến tiệm trà rồi cùng ăn với Thẩm. Quy hỏi:



- Câu chuyện như thế nào?



- Hãy thủng thẳng! Để tôi ăn xong đã.



Sau khi ăn xong mấy cái bánh nướng Thẩm hỏi:



- Anh lại hỏi tôi về cô ấy làm gì? Có phải nhà ông muốn hỏi cô ta không? Cô ấy thì xin phép không lấy được đâu. Rước cái ấy là chuốc nợ vào người đấy!



- Thế là như thế nào?



- Cô ta là con lão Hồ bẹt đầu, làm việc với quan Bố chính. Người cha chết, cô ta sống với người anh - anh chàng này chẳng ra gì, cả ngày chỉ lo đánh bạc và uống rượu, rồi đem bán chức của mình ở trong ty Bố chính để lấy tiền. Vì cô ta có ít nhan sắc cho nên năm cô mười tám, người anh bán cho ông Lại ở Cửa Bắc để làm thiếp. Nhưng cô ta không chịu yên thân làm thiếp. Ai gọi cô ta bằng "cô" thì cô ta mắng và bắt phải gọi bằng "bà". Người vợ cả biết vậy tát cho một trận và đuổi đi. Sau đó, cô ta lấy ông Vương Ba Béo. Ông này đang chờ đợi được bổ đi tri châu. Lần này thì cô ta làm "bà". Nhưng "bà" này ăn ở quá đáng. Thường đánh mắng người con cả và người dâu cả ông Vương mỗi ngày ba, bốn lần và đánh đập bọn đầy tớ a hoàn suốt ngày. Mọi người đều ghét cô ta như ghét tà. Không ngờ không đầy một năm, ông Vương chết. Người con trai nghi rằng cô ta đã lấy hết cả của cải của ông Vương, cho nên hôm ấy vào phòng để khám. Gia nhân a hoàn cũng vào tìm giúp, để cho hả giận. Nhưng cô ta tinh ranh nên đã bỏ tất cả một tráp kim ngân, châu báu vào cái thùng cứt. Họ tìm khắp nơi trong phòng cũng không ra, lại khám khắp người "bà" cũng không thấy tiền bạc đâu cả. Cô ta mới la lối tru tréo lên đem đơn lên huyện Thượng Nguyên kiện người con cả. Khi xét việc này, quan huyện Thượng Nguyên mắng người con cả một trận và khuyên cô ta: "Cô đã lấy hai đời chồng rồi, thì còn thủ tiết làm gì? Xem cái quang cảnh này thì cô không thể ở với người con cả được đâu! Chi bằng bảo anh ta chia sản nghiệp cho cô, rồi đi ở riêng một nơi. Còn việc thủ tiết hay lấy chồng đó là tùy ở cô". Sau việc này xảy ra, cô ta đến ở mấy gian nhà ở đường Yên Chi. Cô ta nổi danh đanh đá đến nỗi không có ai dám "rước". Việc này xảy ra đã bảy tám năm nay. Tuổi cô ta ít nhất cũng hai mươi lăm, hai mươi sáu rồi, nhưng gặp ai cô cũng vẫn nói mình mới hăm mốt.



- Nghe nói cô ta trong tay có một nghìn lạng bạc phải không?



- Xem chừng mấy năm nay cô ta tiêu cũng nhiều, nhưng còn vàng bạc, châu báu, đồ đạc, đồ trang sức, quần áo cũng đến năm, sáu trăm lạng bạc. Cái đó thì cô ta có.



Quy nghĩ bụng: "Nếu cô ta đã có năm, sáu trăm lạng bạc thì bà mẹ vợ ta cũng đã mừng rỡ lắm rồi. Còn cái việc cô ta đanh đá thế nào thì thây kệ thằng con nhà ông Nghê".




Cho nên Quy nói với Thẩm Thiên Phù:



- Này ông. Người con nuôi của cha tôi muốn lấy cô ta đấy. Việc này do ông Kim Thứ Phúc mách mối. Bây giờ chẳng cần cô ta đanh đá hay không. Nếu ông làm cho họ lấy nhau thế là chắc chắn ông được hậu tạ khá nhiều về công làm mối đấy. Tại sao ông lại không làm?



- Cái đó không khó khăn gì. Để tôi về nhà bảo vợ tôi đến nói với cô ta một tiếng, tôi cam đoan rằng thế nào việc ấy cũng xong thôi. Nhưng ông phải trả tiền cho ông mối đấy!



- Cái đó đã dĩ nhiên! Bây giờ tôi về, mai kia sẽ lại hỏi ông xem cô ta trả lời như thế nào.



Quy trả tiền trà, đi ra, mỗi người đi mỗi nơi.



Thẩm về nhà nói với vợ là bà Thẩm chân to về việc ấy. Bà Thẩm lắc đầu mà rằng:



- Trời ơi! Cái "bà" ấy thì ai mà chịu được! Hắn muốn lấy một anh chồng giàu đẹp, làm quan, lại không có mẹ chồng, không có cha chồng, không có ông chú, bà cô cơ! Ngày nào hắn cũng ngủ đến trưa mới dậy và không chịu sờ vào cái gì dù chỉ là ngọn cỏ. Mỗi ngày hắn "xơi" đến tám đồng cân bạc thuốc bổ lại không chịu ăn thịt. Hôm nay thì ăn vịt, ngày mai thì ăn cá, ngày kia lại ăn canh măng tươi, nấm hương. Ngồi không chẳng có việc gì lại xơi mứt cam, long nhãn, hạt sen. Hắn lại là một tay tửu lượng khá. Mỗi buổi tối phải uống ba cân "bách hoa tửu", nhắm với chim sẻ nướng và tôm. Đi ngủ phải có hai người đầy tớ gái thay phiên nhau đấm bóp mãi đến canh tư. Ông vừa nói có một người phường tuồng muốn lấy cô ta phải không? Nhưng cái thứ "bà" ấy thì đời nào chịu lấy phường tuồng.



- Thì cứ bịa ra một hồi là xong cả!



- Được! Tôi sẽ giấu cái việc ông ta là người hát tuồng, tôi cũng không nói ông ta cho thuê đồ tuồng. Tôi sẽ nói rằng ông ta đã đỗ cử nhân nay mai sẽ làm quan, còn gia đình làm chủ một hiệu buôn lớn, lại có nhiều đất đai. Nói như thế được chứ?



- Tốt lắm! Tốt lắm! Cứ nói như thế!



Bà Thẩm ăn cơm xong đến ngõ Yên Chi gõ cửa.



Người đầy tớ gái là Hà Hoa ra mở cửa và hỏi:



- Bà ở đâu đến?



- Ở đây có phải là nhà "bà" Vương không?



- Vâng! Bà đến đây có việc gì?



- Tôi đến đây nói với "bà" Vương một chuyện mừng.



- Mời bà ngồi ở phòng khách! Bà chủ tôi vừa ngủ dậy chưa trang điểm xong.



- Tôi ngồi ở phòng khách làm gì? Tôi phải đi vào trong phòng nói chuyện với "bà" chứ!



Nói xong bà thẩm vén màn bước vào phòng.



Bà Vương đang ngồi bên cạnh giường bó chân. Thái Liên đang đứng bên cạnh bưng cái hộp phèn chua. Thấy bà Thẩm đến, bà Vương biết bà ta đến làm mối, nên bảo ngồi đợi và sai đem trà cho bà Thẩm uống. Đợi một hồi lâu, bà Vương mới bó xong hai cái chân. Sau đó, lại ung dung chải tóc, rửa mặt và mặc áo. Bà Vương trang điểm chậm đến nỗi mặt trời gần lặn vẫn chưa xong. Khi đã xong đâu đấy rồi, bà Vương hỏi:



- Tên bà là gì? Bà đến đây có việc gì? - Tôi họ Thẩm. Tôi đến đây vì có người nhờ tôi làm mối để cho tôi được uống rượu mừng bà.



- Ông ta nhà cửa thế nào? - Ông ta ở Bão phủ trên đường chính, gần cửa Thủy Tây. Người ta thường gọi ông ta là ông cử Bão. Nhà ông ta giàu, ruộng vườn nhiều, lại có một hiệu buôn lớn, gia tài ức, triệu. Năm nay ông ta hai mươi ba tuổi, trên không có cha mẹ, dưới không có anh em chị em. Ông ta muốn lấy một bà vợ hiền để lo cửa lo nhà. Ông ta nói với tôi việc đó đã lâu, nhưng tôi nghĩ không ai xứng đáng bằng bà. Cho nên tôi đánh bạo tới đây.



- Bà nói người đỗ cử nhân là người nào ở trong nhà ấy?



- Chính là con người muốn lấy bà đấy! Nhà ấy còn có ông cử thứ hai nào nữa.



- Cử nhân văn hay cử nhân võ?



- Ông ta đỗ cử nhân võ. Ông ta có thể giương cái cung nặng một trăm cân, nâng một quả tạ nặng ba trăm cân! Thật là một con người khỏe mạnh.



- Bà Thẩm! Bà phải biết rằng tôi là người đã sống ở những nơi quyền quý, chứ không phải như người ta đâu đấy! Nhớ cái ngày tôi mới đến Vương phủ được một tháng thì gặp đám cưới người con gái đầu của ông ta. Cô này lấy một người thân sĩ họ Tôn có ba gian nhà khách rất lớn. Trong nhà đốt một trăm cây đèn sáp lớn, làm những ông tiên bằng đường, ăn uống, tiệc tùng thật là linh đình. Phường tuồng thổi sáo đánh đàn rước tôi vào. Ông Tôn đầu đội mũ phượng, mặc áo thêu mời tôi vào chỗ ngồi chính ở bàn cao nhất. Tôi mang trên đầu một cái mạng có những viên ngọc châu to như hạt đỗ che kín cả má. Ở hai bên là hai con nữ tỳ kéo cái mạng ra để cho tôi uống nước trà ngon, nghe hát, uống rượu suốt đêm. Đến ngày hôm sau tôi trở về với bốn người gia nhân. Một người làm một vết bẩn trên cái áo lụa trắng thêu kim tuyến của tôi. Tôi muốn đánh chết tất cả. Mặc dầu cả bốn người đều đến quỳ ở phòng tôi dập đầu xuống đất mà lạy tôi cũng không tha. Bà Thẩm! Bà nói việc này phải mười phần chắc chắn. Có một điều gì không đúng thì bà sẽ biết tay, tôi không nể nang đâu.



- Cố nhiên là thế! Xưa nay tôi đều nói đúng sự thực, tôi có giống hạng bà mối tầm thường đâu. Nếu ngày mai bà thấy tôi nói một chữ gì sai thì tôi xin vác hai cái má này đến cho bà tha hồ vả.



- Thật không? Thế thì tốt lắm. Bà cứ nói với người ta rằng tôi bằng lòng. Tôi đang đợi bà báo tin đấy.



Bà Vương gói mấy chục đồng tiền, mấy quả táo, mấy cái bánh và nói với bà Thẩm mang về cho con. Nhân phen này khiến cho:



con nhà trung hậu, không may vớ phải ác nhân duyên;



cốt nhục chia lìa, có dịp gặp được thân huynh đệ.



Muốn biết đám cưới này có thành hay không hãy xem hồi sau phân giải.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom