Trên đời này nếu loại mặt hàng nào nhiều người mua mà ít người bán, thì giá nó sẽ cao, ngược lại, nhiều người bán mà ít người mua thì tự nhiên giá nó sẽ thấp. Cái đó gọi là quy luật, nhưng độc nhất có một loại mặt hàng chỉ một người mua và một người bán, mà đã bán thì bằng giá nào cũng sẽ phải mua, đó là xác người chết trôi. Hôm vừa rồi bên làng đối diện có vụ đuối nước hết sức thương tâm, một nhà ba người đi du lịch biển Sầm Sơn với công ty, nghe nói là người chồng sáng sớm có ra tắm cùng mấy đồng nghiệp, chẳng may bơi trúng vào chỗ sóng xa bờ, kết quả anh ta và một người nữa bị cuốn ra biển, mãi tới chiều tối mới tìm thấy xác. Thế thì bên làng ấy lại có tin đồn là, lúc tìm thấy xác chỉ cách bờ có 700m gì đó, cuốn cũng không xa lắm, sở dĩ tìm lâu như vậy là vì bị ma da giấu xác. Tôi lần đầu nghe tới cái giống ma nước đó, lúc đấy có hỏi bố, bố tôi mới kể cho nghe về câu chuyện ma da ở đập thủy điện Thác Bà.
Bố tôi sinh năm 1962, đến năm 1968 thì theo bà tôi lên Thác Bà tham gia xây dựng đập thủy điện. Năm ấy cô thứ - em bố tôi mới lên 2 tuổi, ban ngày bà đi làm phân phối vật tư cho bên nhà thầu xây dựng, để bố tôi với cô thứ ở nhà trông nhau. Đập thủy điện được xây ở nơi địa hình tương đối hiểm trở, người ta phải xẻ núi, ngăn sông, xây hồ chứa nước, mọi công tác đều gặp khó khăn vì thời kỳ đó đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, trang thiết bị thô sơ, hầu như phải dựa vào sức người là chính. Giai đoạn ngặt nghèo nhất phải kể đến là quá trình xây đập, nước sông Chảy rất dữ, chưa kể lại liên tiếp có lũ tràn xuống, tai nạn xảy ra nhiều như cơm bữa.
Bố kể có một lần, bà đem hai anh em đến cơ quan, phòng làm việc được dựng cách công trường 300m, ngồi trong nhà kín mà nghe rõ mồn một tiếng nước reo bên ngoài, muốn nói chuyện cũng phải rướn cổ lên mới nghe thấy. Lúc đấy là buổi chiều, bố tôi bế cô thứ đứng xem bà làm việc, bỗng nhiên từ bên ngoài có người chạy vào cuống quýt thông báo, lại vừa có người bị rơi xuống thác, tình hình này không biết có cứu được không nữa. Mọi người ùa ra rìa đập, bố tôi bế em chạy theo bà, nước chảy cứ ào ào trước mặt, không thấy bóng dáng người kia đâu cả. Có vài người chỉ vào cái đầu dây dập dềnh trong nước, nói là dây vẫn căng, chắc người chưa bị cuốn đi đâu.
Thì tức là công nhân thi công trên mặt đập ai cũng được đeo một dây bảo hiểm trên người, nghe nói là trong lúc công nhân kia đu xuống kiểm tra móng đập, một đầu dây đột nhiên bị đứt, may mà dây mắc vào giữa hai cái dầm thép nên còn giữ lại được. Những trường hợp thế này thực ra không phải ít, hầu như tuần nào cũng có một vụ, mà thường thì không cứu được, đoạn này sông thắt vào vừa hẹp vừa dốc, không tính nông sâu, chỉ riêng sức nước đã đủ chết rồi.
Khi bố tôi ra xem thì đã có vài ba người đang đu xuống cứu, bên dưới tình hình không rõ, chỉ thấy tự nhiên có người kêu la thất thanh, rồi dây tời được kéo lên. Một người kể lại rằng, lúc xuống tới nơi thì dây mắc vẫn rất căng, kéo không được, phải mò theo đường dây chìm sâu trong nước, vừa lặn một cái thì chân bị mắc, nhìn cổ chân người đó lằn lên một dấu đỏ như bị dây siết, nhưng cảm giác lúc đó lại không giống dây, nó giống như tay người nắm vào hơn. Người kia vùng vẫy kịch liệt mới ngoi lên mặt nước kêu cứu được, đồng thời sợi dây mắc cũng chùng xuống, lúc kéo lên thì thấy đầu dây đã đứt, họ không vớt được gì cả.
Với những người bình thường thì đây chỉ là một vụ tai nạn, còn những người có chút đầu óc tâm linh lại cho rằng, chuyện này hẳn là còn nguyên nhân khác. Người ta mở cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích, mò vớt rồi giăng lưới các kiểu tới nửa đêm cũng không được kết quả gì, sợ rằng nước đã cuốn cái xác ra tận sông lớn rồi. Bấy giờ có ai đó đề xuất thuê dân bản địa ở đây tìm cho, vùng đất Yên Bái ngày ấy còn hoang vu hiểm trở, có những cái mà chỉ người ở đây mới hiểu và giải quyết được. Trong những người được thuê tới có cụ Bá Vừng, người dân tộc Tày, khi đó đã hơn 80 tuổi, nghe cán bộ tới tuyên truyền thì xung phong theo ra sông mò xác.
Cụ Bá Vừng chỉ nhánh sông xây đập thủy điện rồi nói với mọi người rằng, đoạn này trước đây hay có lũ quét lũ ống, rất nhiều người chết, những người đó thành ma trốn trong nước và chuyên kéo người khác xuống sông. Dân ở đây gọi nó là ma da. Chúng xuất hiện mọi lúc, kể cả ban ngày, màu đen nhớt, ai mà bị nó kéo chân thì không tài nào cứu được. Loài ma này còn biết đánh bẫy, nó dụ cho người ta xuống cứu rồi kéo chết theo, như là lúc chiều nó giữ cho sợi dây căng ra, rồi khi có người tới cứu thì nắm chân dìm xuống. Thực ra cũng có thể là người bị chết đuối sờ được chân người nên cố níu lấy, phản xạ tự nhiên thôi, có điều sau khi người kia giãy ra được là con ma cũng bỏ đi, nó đem theo xác người chết giấu xuống lòng sông.
Muốn vớt được xác thì phải xin ma da. Cụ Bá Vừng ngày trước hành nghề chèo thuyền ra giữa sông Chảy bắt cá, đoạn đó hay có xoáy nước nên nhiều người e ngại, nhưng đặc biệt là nơi tụ tập của những giống cá to. Có lần giăng lưới cụ bắt được con cá trắm đen trũi, nặng hơn chục cân, đem về mổ ra thấy trong bụng nó có nguyên một con mắt người. Lần khác cụ đi mò trai ở lòng sông, con nào cũng to bằng hai bàn tay, lúc cạy miệng trai thấy trong toàn xương đốt ngón tay. Vốn là bọn sinh vật tầng đáy thường ăn tạp, mà ma da lại chuyên giấu xác xuống lòng sông, con nào con nấy bắt lên vừa to vừa chắc thịt, nhưng mà toàn thịt người đắp vào, không ai dám ăn.
Cụ Bá Vừng vừa kể chuyện vừa chuẩn bị đèn đuốc, vài xấp giấy xanh đỏ, một túi gạo và những vật dụng kỳ lạ, khi đã đủ hết mọi thứ cần thiết, cụ bảo mọi người yên lặng, ma da rất kị tiếng động mạnh, nếu bị nó lôi chân mà có người nhìn thấy, hãy lấy cục đá ném xuống mặt nước chỗ đó, ma da tự khắc buông tay. Cụ Bá Vừng đốt xấp giấy xanh đỏ, xong hú hồn người chết, mỗi lần hú lên cụ lại rải một nắm gạo xuống mặt nước, chân cụ bước từ từ vào lòng hồ, cứ thế xa dần, mọi người nhìn theo đến khi chỉ còn thấy mỗi mái tóc bạc của cụ hiện ra lơ lửng giữa khoảng không tối đen.
Tiếng lội nước ì oạp nghe như có con gì đang hút nước dưới sông, càng lúc càng nổi lên rõ rệt, bỗng cụ dừng lại, mực nước chỗ đó cao tới ngực cụ, mọi người nheo mắt nhìn, cả bố tôi cũng trông thấy, có một bóng đen chồi lên trên mặt sông gần chỗ cụ đứng. Bóng đen đội nước nhô lên, không một tiếng động, nó cứ lù lù một đống ở đấy, xấp giấy cháy trên tay cụ Bá Vừng lay động, huơ lên huơ xuống rồi phụt tắt. Mọi người lo lắng nhìn nhau, ngay sau đó thì tiếng ì oạp lại vang lên, cụ Bá Vừng từ lòng sông trở về, dáng vẻ gấp gáp, cụ lấy một chiếc thuyền rồi cùng với hai người nữa ngồi lên trôi ra sông.
Trên thuyền có trải sẵn một tấm vải đỏ đặt vào chỗ khô ráo nhất, ban đầu mọi người không hiểu ý, nhưng về sau càng trôi vào lòng sông mảnh vải càng biến đổi, họ hiểu ra mảnh vải này là để đón hồn người chết về. Trên mảnh vải dần dần hiện lên hai dấu chân ướt, ban đầu nó còn mờ mờ, thuyền tự trôi không cần ai chèo chống, cụ Bá Vừng bảo hồn người được thả trước, còn xác thì nổi sau. Thuyền cứ đi lòng vòng trên sông tới 2h sáng, nhiều người trên bờ đợi không được đã đi về ngủ, chỉ còn một số ít cán bộ ở lại trực công tác vớt xác.
Đến sáng bố tôi nghe người ta kể lại là đã vớt được xác từ đêm qua, quả nhiên mới chỉ trôi cách đập thủy điện 900m gì đó, chưa ra tới sông lớn. Lưng nổi lên đầu tiên, da xác căng đẫy như da cóc, động vào trơn nhớt lùng bùng, lúc lật ngửa xác lên thuyền, trong miệng người chết ộc ra một đống như đờm dãi, mắt mũi tai đều chảy máu đen, khuôn mặt bị dìm xuống nước sâu nên biến dạng. Cụ Bá Vừng sau đó báo giá vớt xác cho bên cán bộ, cụ là người có tâm nên chỉ lấy tiền vía thôi, tính ra cũng không nhiều lắm.
Nhưng bố tôi lại nghe ai đó nói nhỏ rằng, cụ Bá Vừng trước khi về còn bảo, đại loại là cái đập thủy điện này xây ở đây không hợp ý thần sông đâu, kiểu gì thần cũng nổi giận mà giáng tội xuống. Không ai tin, nếu có thì người ta chỉ nghĩ là những vụ tai nạn thường xuyên xảy ra trong khi thi công chính là do thần sông gì đó nổi giận. Nhưng sau hai năm, tức là vào năm 1970, đập thủy điện hoàn tất công đoạn xây dựng, ban chỉ đạo đồng ý chặn dòng chảy để dẫn nước vào hồ chứa. Chưa đầy một tháng sau cửa số ba bị bục, kèm theo mưa lớn, nước từ thượng nguồn tràn về ồ ạt gây ra trận lũ quét cùng sạt lở đất nghiêm trọng cho khu vực ven Thác Bà, Yên Bái.
Thiệt hại về người và của rất lớn. Ngay cả những nhà dân đã di dời cũng chịu ảnh hưởng từ trận lũ, nghe nói là cả nhà cụ Bá Vừng không ai thoát được, tất cả đều bị con nước nhấn chìm xuống lòng sông Chảy. Ngày đó báo chí bị phong tỏa thông tin, vì đây là con đập thủy điện đầu tiên của miền Bắc, sai sót xảy ra là không thể tránh khỏi, kể cả những vụ tai nạn trong quá trình thi công cũng được người nhà và các cán bộ dàn xếp với nhau.
Thành thử số lượng người thiệt mạng cho con đập này có thể lớn không tưởng, ông bà tôi vì có liên quan tới trận lũ năm đó nên sau khi đập được đưa vào hoạt động năm 1971, nhà nước thuyên chuyển công tác hai ông bà về nông thôn và sau 5 năm thì cho nghỉ hưu sớm. Phần lớn số người chết năm đó đều không tìm được xác, có thể là do dòng nước xiết cuốn ra sông lớn, cũng có thể là do họ bị ma da giấu xác xuống lòng sông Chảy.
Ngay tới người như cụ Bá Vừng cũng không thể trải qua được tai họa đó, người ta thường nói sinh nghề tử nghiệp, cụ cùng gia đình bị cơn lũ dữ cuốn đi, tôi từng hỏi bố không biết sau đó cụ có trở thành ma da không, bố tôi không biết. Khi sống cụ chuyên làm người đưa thuyền cho hồn ma về bờ, tới lúc chết lại chết ở dưới sông, không ai đưa tiễn, đây họa chăng mới chính là cái giá cuối cùng dành cho những người làm nghề vớt xác chết trôi…
Bình luận facebook