Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Những Ngày Thơ Ấu - Chương 7 - Đồng Xu Cái
Chương 7 - Đồng Xu Cái
Mấy ngày đầu xuân của năm ấy tươi đẹp như màu xác pháo phấp phới chạy là là trên những vỉa hè quét vôi trắng xóa. Trưa mồng hai tết, ăn cơm xong, mẹ tôi sai tôi xếp bốn quả cam Xã Đoài, một chục cau tươi và năm lá trầu vàng vào một nắp quả con. Ra ngoài đường tôi chực gọi xe, mẹ tôi gạt đi. Tôi nũng nịu:
- Từ nhà lên Phù Long xa lắm, con chả đi bộ đâu!
- Nhưng không có tiền xe!
- Thì mợ đi một mình vậy.
Mẹ tôi và tôi đến đầu phố, mấy người phu xe đổ xô lại. Không đắt khách, họ lại tản đi chỗ khác. Tôi đưa như vứt cái nắp quả cho mẹ tôi:
- Đây mợ bưng lấy. Con trở về. Mẹ tôi yên lặng nhìn tôi, giây phút rồi chậm rãi nói:
- Con đi bộ để mẹ bảo cái này. Chưa bao giờ mẹ tôi có những vẻ mặt nghiêm nghị như lúc ấy. Tuy biết mẹ tôi dù cương quáết chừng nào nhưng vẫn yếu ớt không thể khuất phục được tôi, nhưng tôi không dám tỏ ra khinh thường. Vì sau bao nhiêu ngày tháng đày đọa, cực nhục, thiếu sự chăm sóc trìu mến của người mẹ, tôi đã tự hứa không bao giờ làm phật lòng mẹ tôi, mặc dầu mẹ tôi vì quá thương yêu tôi mà thành ra sợ tôi, vui vẻ chiều theo ý tôi như một tên nô lệ sung sức. ý nguyện này của tôi còn có một ý nghĩa nữa là để mẹ tôi cảm thấy rằng con mình đã biết quý mến mình và sẽ đau đớn khổ nhục vô cùng khi mình đã lìa bỏ nó. Tôi liền đỡ cái quả và vâng một tiếng ngọt ngào. Nhưng khi đi bên mẹ tôi một quãng xa, tôi bỗng trở nên băn khoăn nghi ngại. Sao mẹ tôi lại bảo tôi đi bộ để nói chuyện với tôi? Xưa nay mẹ tôi có khi nào chuyện với tôi một cách kỳ khu như thế?
Mà chuyện lành hay chuyện dữ? Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy mẹ tôi cúi đầu trông xuống đường và gương mặt mẹ tôi bỗng mờ đi. Mẹ tôi chợt phào ra một tiếng gọi:
- Hồng! Tôi không thưa, càng mở to mắt nhìn mẹ tôi. Mẹ tôi gọi tên tôi một lần nữa rồi run run nói với tôi:
- Mợ hỏi con cái này. Con cứ trả lời cho mợ biết.
Từng tiếng của một câu nói nghẹn ngào chen lấn với những hơi thở dồn dập ấy điểm bên tai tôi. Tôi bối rối vội nắm lấy tay mẹ tôi lay lay:
- Cái gì? Cái gì... hở mợ? Mẹ tôi ngước mắt nhìn tôi rồi lại cúi xuống trông đường:
- Con có bằng lòng không đã? Tôi bực tức:
- Sao con chả bằng lòng! Nhưng cái gì, mợ bảo con ngay đi. Mẹ tôi e dè:
- ừ thì mợ bảo, nhưng con đừng... Mẹ tôi, phải, người mẹ mới ngoài ba mươi tuổi, gương mặt còn tươi sáng ấy, sau vài phút ngập ngừng đã hỏi tôi một câu sau đây, giọng nói nhỏ và run rẩy:
- Con có bằng lòng cho mợ đưa em bé về không? Trời! Một sự bêu riếu! Phong tục và lễ nghi cổ hủ đã bắt một người mẹ coi sự sinh nở khi chưa đoạn tang chồng cũ ghê tởm hơn là những tội gian ác xấu xa nhất. Và các thành kiến gông cùm từ ngàn xưa truyền lại đã nâng một đứa con trai chưa đầy mười bốn tuổi lên một địa vị cao trọng để mẹ nó phải khuất phục, cầu khẩn! Tôi lay mạnh vai mẹ tôi:
- Mợ đừng khóc nữa! Mợ cứ đưa em bé về! Việc gì mợ phải hỏi con? Những ý nghĩ căm hờn đột nhiên nổi dậy trong tâm trí tôi. Bị kích thích, tôi nói rất nhanh:
- Mợ không sợ ai hết! Mợ cứ đường hoàng đưa em về.
Nghe câu nói cứng cỏi ấy không biết mẹ tôi có thấy cả một lòng phẫn uất của tôi đã sôi lên không? Chịu bao nhiêu sự đầy đọa, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương yêu, tôi đã nghiến răng dày đạp lên những cái quái ác hèn hạ của những kẻ khinh bỉ tôi vì tôi là con một người mẹ góa hiền lành và cùng khổ vì phải bước sớm đi một bước nữa. Mẹ tôi không đáp lời tôi, chỉ ngước mắt lờ đờ nhìn tôi vừa mỉm một nụ cười như không bao giờ hết trên đôi môi xinh tươi tuy không có son tô. Chấm xong những giọt nước mắt, hai gò má mẹ tôi hồng lên và lấp lánh: màu hồng của gò má ấy, tia sáng vui mừng của con mắt long lanh ấy, mơn mởn như những búp bàng non lặng thấm nắng xuân rực rỡ lúc bấy giờ.
* * *
Thấm thoắt đã hết tháng giêng và tháng hai. Những sung sướng trong tình thương yêu trìu mến lại bị ngắt quãng. Nhưng đời sống của tôi không đến đầy đọa như trước, tuy lần này mẹ tôi lại giao tôi cho bà tôi và người em gái thầy tôi, cô G. nuôi nấng. Tưởng rằng bà tôi và cô tôi nuôi thật chẳng đúng tý nào. Chính tôi nuôi tôi bằng đồng tiền tay tôi kiếm được. Từng xu xà phòng, trinh lơ, một vài hào mua giấy bút và lấy vé đi xem chớp bóng, đá ban đều là tiền tôi. Mà hôm mẹ tôi cắp thúng ra đi, dốc túi còn đúng năm xu cho tôi và bảo tôi:
- Hồng! Con chịu khó ở nhà, mợ ra Hải Phòng vay bác T. một món tiền làm vốn buôn bán mẹ con lần hồi nuôi nhau và cũng để vào Thanh đón em con về. Một tuần, hai tuần... rồi một tháng, hai tháng, cũng không thấy mẹ tôi về, tôi chẳng nhận được lấy một lá thư của mẹ tôi. Những ngày trời nặng mây đen và bụi nước thấm thía về cuối mùa xuân ấy là phản ánh lòng tôi trong những đêm dài mà tôi thao thức nghĩ đến sự thất vọng của mẹ tôi không vay được tiền lại đành phải vào Thanh Hóa, buôn bán đầu đường cuối chợ để nuôi đứa em gái tôi chưa được giáp mặt. Những nỗi nhớ thương mẹ tôi càng chua xót khi tôi lật quyển lịch cũ lên, thầm đọc lại những mẩu nhật ký bỏ dở trước đây. Nhưng bắt đầu sang tháng ba, bỗng cuộc sống của tôi thay đổi hẳn. Tôi chẳng còn mấy khi đau đớn, phiền muộn nữa. Dần dần sự bình tĩnh vui vẻ trở lại lòng tôi. Tôi bước vào một quãng đời mới tự do và đầy đủ. Chỉ vì tôi đã nảy ra một cái tài phi thường: tôi muốn nói cái tài đánh đáo lối mới rất lợi hại của tôi. Khi thầy tôi còn sống, cách năm ấy bốn năm, tôi đã là một đứa trẻ nhịn mặc được chứ không thể nào nhịn "đáo" được. Nhưng đánh đáo bao giờ cũng thua. Nào có ít, có ngày nướng hàng một, hai hào. Thầy tôi đã cùm tôi lại và lấy máu đít tôi ra vì tôi dám vượt cả mọi sự ngăn cấm của thầy tôi mà chơi bời bê tha. Rồi năm thầy tôi chết, tôi trở nên một tay "đáo" giỏi có thể đối chọi với các trẻ cùng mạt, ranh mãnh mà không thua, đã thế lại còn biết cách rủ rê những kẻ ngờ nghệch như các người lớn rửng mỡ và các bọn trẻ nhỏ con nhà giàu để "gẫu". Hai năm sau ngày thầy tôi mất, các môn đáo lần lượt đổi mới. Lối chơi cũ của tôi dù xuất sắc cũng vô ích. Tôi thua lụn thua bại, thò đồng xu nào mất đồng xu ấy. Có lần mẹ tôi ở Thanh gửi cho tôi hai đồng để mua sách, tôi chơi có hai tuần lễ mà thua gần hết. Môn đáo thịnh hành nhất thời bấy giờ là đáo "bật" ở Hà Nội đưa xuống. Cách chơi rất giản dị, chóng được chóng thua. Người chơi vạch hai vạch cách nhau chừng hai thước tây. Vạch dưới là chỗ đứng để quẳng tiền lên vạch trên. Đồng tiền ở xa vạch trên, gần vạch dưới thì khó "bật". Vì, cầm đồng xu cái đánh bay đồng trinh lên khỏi vạch trên mới được. Nếu đánh trúng mà đồng trinh vẫn nằm nguyên một chỗ hay không nhúc nhích qua vạch trên, hay chạm đồng trinh khác thì hỏng. Suốt năm tháng ròng, chơi thứ đáo "bật" này tôi chỉ thua. Có nhiều tiền không sao, chứ hôm nhịn quà bánh, tích cóp được sáu bảy xu, chưa được mấy ván đã hết nhẵn, tôi cực phát khóc lên được. Không có tiền đánh, nhưng tôi cũng nán lại xem cho đỡ nhớ. Những lúc đó, tôi càng để ý nhận xét khi đánh, người ta giơ cánh tay lên nhanh như chớp rồi vụt mạnh xuống, quật đồng xu cái lên đồng trinh con, thúc cho nó vượt khỏi hẳn vạch trên. Cách đánh của các tay "bật" giỏi kia, tôi đã hết sức bắt chước. Nhưng dù tôi dọi mạnh chừng nào nữa, đồng trinh chỉ dí xuống đất hoặc hơi nhích đi một vài phân. Mà điệu trên cách xa hàng thước! Mưa dầm đã bắt đầu kéo dài hết tuần này sang tuần khác. Đất sân nhà trường, vườn hoa, các bờ hè chưa lát gạch, trơn và sền sệt như mỡ đổ. Tôi càng quẫn bách vì thua đáo! Thì một buổi chiều, tôi không thể nhớ rõ buổi chiều thứ mấy, hai ống quần tôi nặng trĩu bùn, và tóc tôi đã vắt ra nước mà tôi vẫn mải miết đánh. Một túi áo tôi đầy lèn xu, nặng đến nỗi mỗi lần tôi cúi xuống dọi đồng trinh, tay trái tôi phải túm chặt lấy miệng túi để xu khỏi dốc ra và tôi phải nâng túi lên cho khỏi vướng. Một lúc sau, túi áo bên mà ban nãy tôi không dám bỏ tiền sợ làm ngược tay phải cầm xu cái cũng gần đầy. Tôi phải đổi lấy hào đôi và hào con các một hào một trinh cho tụi hàng quà thấy tôi được nhiều thì bắt bí.
Bao nhiêu học trò đến trường đều đổ cả lại xem bàn đáo của chúng tôi. Mỗi lần tôi giơ tay đánh, chúng lại reo ầm lên và dồn mắt vào đồng trinh vọt qua vòng người, còn bắn thêm đi rất xa. Tụi trẻ thua phát cáu, nhiều lượt chúng bắt tôi đánh lại vì chúng nghi rằng tôi lấy ngón tay hất nhanh đồng trinh lên chứ có bao giờ và có ai dọi xu cái trăm bận đều thúc tung tiền lên cả trăm. Tụi bạn học đứng xem kịch liệt phản đối. Chúng cãi cho tôi rằng tay tôi quật xu xuống không bao giờ chạm tới mặt đất cả. Trống trường đã điểm lần thứ hai. Tụi trẻ thua hết tiền. Hai tay giữ túi đầy xu, tôi chạy ra máy nước để rửa chân tay và gột quần áo. Theo sau tôi hàng chục thằng bạn hỏi xin tiền. Tôi không thể từ chối được vì bị một thằng khóa lấy cánh tay rồi nó tự nhiên móc túi tôi, lấy xu phân phát cho những đứa xin. Đồng xu cái ấy không lúc nào rời khỏi tay tôi. Khi tan đáo, tôi cậy hết bùn đất nhét vào các khe chữ, rồi rửa xu xong, tôi lau chùi thật khô, thật bóng, đoạn mới cho vào cái hộp sáp mỏng cất trong túi. Cẩn thận hơn, vài ngày một lần tôi nhúng nó vào thuốc đánh đồng rồi lấy dạ mỏng cọ sát hàng giờ. Giơ đồng xu lên ánh nắng, nó lấp lánh như bằng vàng điệp. Tôi đã sung sướng, tự kiêu, và có cảm tưởng rằng nó còn quý hơn vàng. Vì nhờ nó mà mỗi ngày tôi kiếm được sáu, bảy hào, tích gộp số tiền đánh đáo được còn nhiều hơn giá một cục vàng đồng cân với nó. Khi đi ngủ, tôi không dám bỏ vào túi, sợ nó văng ra giường ai bắt được tiêu đi. Tôi phải luồn nó vào dải rút, bỏ lòng thòng trong quần. Có một lần, đánh mạnh quá, nó văng vào một bụi cây rậm đầy gai góc, tôi đành bỏ cả buổi học để tìm. Đòn vọt, phạt quỳ, phạt đi học thứ năm, hay bị đuổi hẳn, tôi không sợ bằng đồng xu cái hiếm có ấy mất. Tôi quý đồng xu cái ấy hơn cả những tiên nga và hoàng hậu giữ gìn thân thể, nhan sắc và châu ngọc của mình, hơn cả những anh hùng và hoàng đế trọng đãi những đạo binh cảm tử tinh nhuệ, từng lập chiến công hiển hách cho vinh quang của họ. Nằm dưới gốc cây ở vườn hoa, tôi trông ngắm đồng xu cái mãi mà không chán mắt. Gãi tay vào cái cạnh sắc, tôi lấy làm khoan khoái vì có những cảm giác buồn buồn. Bốn chữ nho, những chữ Pháp và hình người đàn bà nổi lên trong đồng xu đã đem đến tâm trí tôi một ý tưởng lạ thường: đúc một đồng xu có hình ảnh và tên tuổi mình để đi khắp các tỉnh kiếm ăn bằng nghề đáo. Tôi không bao giờ dám dùng đồng xu cái quý hiếm nọ đánh thử. Sợ nó mòn đi hay sứt sát một cách vô ích. Và tôi còn có ý đặt nó lên một địa vị cao quý hơn hết cả mọi đồng xu khác, để tỏ lòng kính cẩn cái kỷ niệm sâu xa của một chiều kia, bỗng nhiên tôi được nó và nghĩ ra một lối chơi đáo bật tuyệt diệu đặc biệt của tôi ấy. Cái bí quáết gồm có mấy điểm: Không cần phải dọi mạnh, chỉ nhằm đít đồng trinh mà quật đồng xu dày dặn và sắc cạnh ấy xuống. Cạnh xu cái có thể thúc bay trinh lên và có khi để lại một lối bầm sâu xuống đất. Lối chơi này sau một vài tháng phát minh, ở khắp tỉnh Nam Định, trẻ con nào cũng biết. Nhưng đều thua tôi. Chúng không thể như tôi, người nghĩ ra và thực hành đầu tiên, có thể đánh bất kỳ đồng trinh ở đâu cũng bật lên khỏi vạch trên. Các bạn đọc và các trẻ chơi đáo đã đặt cho tôi cái biệt hiệu "Bật câu cơm". Tôi đã không hổ thẹn mà lại nghênh ngang nhận lấy cái danh hiệu mỉa mai ấy.
Mấy ngày đầu xuân của năm ấy tươi đẹp như màu xác pháo phấp phới chạy là là trên những vỉa hè quét vôi trắng xóa. Trưa mồng hai tết, ăn cơm xong, mẹ tôi sai tôi xếp bốn quả cam Xã Đoài, một chục cau tươi và năm lá trầu vàng vào một nắp quả con. Ra ngoài đường tôi chực gọi xe, mẹ tôi gạt đi. Tôi nũng nịu:
- Từ nhà lên Phù Long xa lắm, con chả đi bộ đâu!
- Nhưng không có tiền xe!
- Thì mợ đi một mình vậy.
Mẹ tôi và tôi đến đầu phố, mấy người phu xe đổ xô lại. Không đắt khách, họ lại tản đi chỗ khác. Tôi đưa như vứt cái nắp quả cho mẹ tôi:
- Đây mợ bưng lấy. Con trở về. Mẹ tôi yên lặng nhìn tôi, giây phút rồi chậm rãi nói:
- Con đi bộ để mẹ bảo cái này. Chưa bao giờ mẹ tôi có những vẻ mặt nghiêm nghị như lúc ấy. Tuy biết mẹ tôi dù cương quáết chừng nào nhưng vẫn yếu ớt không thể khuất phục được tôi, nhưng tôi không dám tỏ ra khinh thường. Vì sau bao nhiêu ngày tháng đày đọa, cực nhục, thiếu sự chăm sóc trìu mến của người mẹ, tôi đã tự hứa không bao giờ làm phật lòng mẹ tôi, mặc dầu mẹ tôi vì quá thương yêu tôi mà thành ra sợ tôi, vui vẻ chiều theo ý tôi như một tên nô lệ sung sức. ý nguyện này của tôi còn có một ý nghĩa nữa là để mẹ tôi cảm thấy rằng con mình đã biết quý mến mình và sẽ đau đớn khổ nhục vô cùng khi mình đã lìa bỏ nó. Tôi liền đỡ cái quả và vâng một tiếng ngọt ngào. Nhưng khi đi bên mẹ tôi một quãng xa, tôi bỗng trở nên băn khoăn nghi ngại. Sao mẹ tôi lại bảo tôi đi bộ để nói chuyện với tôi? Xưa nay mẹ tôi có khi nào chuyện với tôi một cách kỳ khu như thế?
Mà chuyện lành hay chuyện dữ? Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy mẹ tôi cúi đầu trông xuống đường và gương mặt mẹ tôi bỗng mờ đi. Mẹ tôi chợt phào ra một tiếng gọi:
- Hồng! Tôi không thưa, càng mở to mắt nhìn mẹ tôi. Mẹ tôi gọi tên tôi một lần nữa rồi run run nói với tôi:
- Mợ hỏi con cái này. Con cứ trả lời cho mợ biết.
Từng tiếng của một câu nói nghẹn ngào chen lấn với những hơi thở dồn dập ấy điểm bên tai tôi. Tôi bối rối vội nắm lấy tay mẹ tôi lay lay:
- Cái gì? Cái gì... hở mợ? Mẹ tôi ngước mắt nhìn tôi rồi lại cúi xuống trông đường:
- Con có bằng lòng không đã? Tôi bực tức:
- Sao con chả bằng lòng! Nhưng cái gì, mợ bảo con ngay đi. Mẹ tôi e dè:
- ừ thì mợ bảo, nhưng con đừng... Mẹ tôi, phải, người mẹ mới ngoài ba mươi tuổi, gương mặt còn tươi sáng ấy, sau vài phút ngập ngừng đã hỏi tôi một câu sau đây, giọng nói nhỏ và run rẩy:
- Con có bằng lòng cho mợ đưa em bé về không? Trời! Một sự bêu riếu! Phong tục và lễ nghi cổ hủ đã bắt một người mẹ coi sự sinh nở khi chưa đoạn tang chồng cũ ghê tởm hơn là những tội gian ác xấu xa nhất. Và các thành kiến gông cùm từ ngàn xưa truyền lại đã nâng một đứa con trai chưa đầy mười bốn tuổi lên một địa vị cao trọng để mẹ nó phải khuất phục, cầu khẩn! Tôi lay mạnh vai mẹ tôi:
- Mợ đừng khóc nữa! Mợ cứ đưa em bé về! Việc gì mợ phải hỏi con? Những ý nghĩ căm hờn đột nhiên nổi dậy trong tâm trí tôi. Bị kích thích, tôi nói rất nhanh:
- Mợ không sợ ai hết! Mợ cứ đường hoàng đưa em về.
Nghe câu nói cứng cỏi ấy không biết mẹ tôi có thấy cả một lòng phẫn uất của tôi đã sôi lên không? Chịu bao nhiêu sự đầy đọa, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương yêu, tôi đã nghiến răng dày đạp lên những cái quái ác hèn hạ của những kẻ khinh bỉ tôi vì tôi là con một người mẹ góa hiền lành và cùng khổ vì phải bước sớm đi một bước nữa. Mẹ tôi không đáp lời tôi, chỉ ngước mắt lờ đờ nhìn tôi vừa mỉm một nụ cười như không bao giờ hết trên đôi môi xinh tươi tuy không có son tô. Chấm xong những giọt nước mắt, hai gò má mẹ tôi hồng lên và lấp lánh: màu hồng của gò má ấy, tia sáng vui mừng của con mắt long lanh ấy, mơn mởn như những búp bàng non lặng thấm nắng xuân rực rỡ lúc bấy giờ.
* * *
Thấm thoắt đã hết tháng giêng và tháng hai. Những sung sướng trong tình thương yêu trìu mến lại bị ngắt quãng. Nhưng đời sống của tôi không đến đầy đọa như trước, tuy lần này mẹ tôi lại giao tôi cho bà tôi và người em gái thầy tôi, cô G. nuôi nấng. Tưởng rằng bà tôi và cô tôi nuôi thật chẳng đúng tý nào. Chính tôi nuôi tôi bằng đồng tiền tay tôi kiếm được. Từng xu xà phòng, trinh lơ, một vài hào mua giấy bút và lấy vé đi xem chớp bóng, đá ban đều là tiền tôi. Mà hôm mẹ tôi cắp thúng ra đi, dốc túi còn đúng năm xu cho tôi và bảo tôi:
- Hồng! Con chịu khó ở nhà, mợ ra Hải Phòng vay bác T. một món tiền làm vốn buôn bán mẹ con lần hồi nuôi nhau và cũng để vào Thanh đón em con về. Một tuần, hai tuần... rồi một tháng, hai tháng, cũng không thấy mẹ tôi về, tôi chẳng nhận được lấy một lá thư của mẹ tôi. Những ngày trời nặng mây đen và bụi nước thấm thía về cuối mùa xuân ấy là phản ánh lòng tôi trong những đêm dài mà tôi thao thức nghĩ đến sự thất vọng của mẹ tôi không vay được tiền lại đành phải vào Thanh Hóa, buôn bán đầu đường cuối chợ để nuôi đứa em gái tôi chưa được giáp mặt. Những nỗi nhớ thương mẹ tôi càng chua xót khi tôi lật quyển lịch cũ lên, thầm đọc lại những mẩu nhật ký bỏ dở trước đây. Nhưng bắt đầu sang tháng ba, bỗng cuộc sống của tôi thay đổi hẳn. Tôi chẳng còn mấy khi đau đớn, phiền muộn nữa. Dần dần sự bình tĩnh vui vẻ trở lại lòng tôi. Tôi bước vào một quãng đời mới tự do và đầy đủ. Chỉ vì tôi đã nảy ra một cái tài phi thường: tôi muốn nói cái tài đánh đáo lối mới rất lợi hại của tôi. Khi thầy tôi còn sống, cách năm ấy bốn năm, tôi đã là một đứa trẻ nhịn mặc được chứ không thể nào nhịn "đáo" được. Nhưng đánh đáo bao giờ cũng thua. Nào có ít, có ngày nướng hàng một, hai hào. Thầy tôi đã cùm tôi lại và lấy máu đít tôi ra vì tôi dám vượt cả mọi sự ngăn cấm của thầy tôi mà chơi bời bê tha. Rồi năm thầy tôi chết, tôi trở nên một tay "đáo" giỏi có thể đối chọi với các trẻ cùng mạt, ranh mãnh mà không thua, đã thế lại còn biết cách rủ rê những kẻ ngờ nghệch như các người lớn rửng mỡ và các bọn trẻ nhỏ con nhà giàu để "gẫu". Hai năm sau ngày thầy tôi mất, các môn đáo lần lượt đổi mới. Lối chơi cũ của tôi dù xuất sắc cũng vô ích. Tôi thua lụn thua bại, thò đồng xu nào mất đồng xu ấy. Có lần mẹ tôi ở Thanh gửi cho tôi hai đồng để mua sách, tôi chơi có hai tuần lễ mà thua gần hết. Môn đáo thịnh hành nhất thời bấy giờ là đáo "bật" ở Hà Nội đưa xuống. Cách chơi rất giản dị, chóng được chóng thua. Người chơi vạch hai vạch cách nhau chừng hai thước tây. Vạch dưới là chỗ đứng để quẳng tiền lên vạch trên. Đồng tiền ở xa vạch trên, gần vạch dưới thì khó "bật". Vì, cầm đồng xu cái đánh bay đồng trinh lên khỏi vạch trên mới được. Nếu đánh trúng mà đồng trinh vẫn nằm nguyên một chỗ hay không nhúc nhích qua vạch trên, hay chạm đồng trinh khác thì hỏng. Suốt năm tháng ròng, chơi thứ đáo "bật" này tôi chỉ thua. Có nhiều tiền không sao, chứ hôm nhịn quà bánh, tích cóp được sáu bảy xu, chưa được mấy ván đã hết nhẵn, tôi cực phát khóc lên được. Không có tiền đánh, nhưng tôi cũng nán lại xem cho đỡ nhớ. Những lúc đó, tôi càng để ý nhận xét khi đánh, người ta giơ cánh tay lên nhanh như chớp rồi vụt mạnh xuống, quật đồng xu cái lên đồng trinh con, thúc cho nó vượt khỏi hẳn vạch trên. Cách đánh của các tay "bật" giỏi kia, tôi đã hết sức bắt chước. Nhưng dù tôi dọi mạnh chừng nào nữa, đồng trinh chỉ dí xuống đất hoặc hơi nhích đi một vài phân. Mà điệu trên cách xa hàng thước! Mưa dầm đã bắt đầu kéo dài hết tuần này sang tuần khác. Đất sân nhà trường, vườn hoa, các bờ hè chưa lát gạch, trơn và sền sệt như mỡ đổ. Tôi càng quẫn bách vì thua đáo! Thì một buổi chiều, tôi không thể nhớ rõ buổi chiều thứ mấy, hai ống quần tôi nặng trĩu bùn, và tóc tôi đã vắt ra nước mà tôi vẫn mải miết đánh. Một túi áo tôi đầy lèn xu, nặng đến nỗi mỗi lần tôi cúi xuống dọi đồng trinh, tay trái tôi phải túm chặt lấy miệng túi để xu khỏi dốc ra và tôi phải nâng túi lên cho khỏi vướng. Một lúc sau, túi áo bên mà ban nãy tôi không dám bỏ tiền sợ làm ngược tay phải cầm xu cái cũng gần đầy. Tôi phải đổi lấy hào đôi và hào con các một hào một trinh cho tụi hàng quà thấy tôi được nhiều thì bắt bí.
Bao nhiêu học trò đến trường đều đổ cả lại xem bàn đáo của chúng tôi. Mỗi lần tôi giơ tay đánh, chúng lại reo ầm lên và dồn mắt vào đồng trinh vọt qua vòng người, còn bắn thêm đi rất xa. Tụi trẻ thua phát cáu, nhiều lượt chúng bắt tôi đánh lại vì chúng nghi rằng tôi lấy ngón tay hất nhanh đồng trinh lên chứ có bao giờ và có ai dọi xu cái trăm bận đều thúc tung tiền lên cả trăm. Tụi bạn học đứng xem kịch liệt phản đối. Chúng cãi cho tôi rằng tay tôi quật xu xuống không bao giờ chạm tới mặt đất cả. Trống trường đã điểm lần thứ hai. Tụi trẻ thua hết tiền. Hai tay giữ túi đầy xu, tôi chạy ra máy nước để rửa chân tay và gột quần áo. Theo sau tôi hàng chục thằng bạn hỏi xin tiền. Tôi không thể từ chối được vì bị một thằng khóa lấy cánh tay rồi nó tự nhiên móc túi tôi, lấy xu phân phát cho những đứa xin. Đồng xu cái ấy không lúc nào rời khỏi tay tôi. Khi tan đáo, tôi cậy hết bùn đất nhét vào các khe chữ, rồi rửa xu xong, tôi lau chùi thật khô, thật bóng, đoạn mới cho vào cái hộp sáp mỏng cất trong túi. Cẩn thận hơn, vài ngày một lần tôi nhúng nó vào thuốc đánh đồng rồi lấy dạ mỏng cọ sát hàng giờ. Giơ đồng xu lên ánh nắng, nó lấp lánh như bằng vàng điệp. Tôi đã sung sướng, tự kiêu, và có cảm tưởng rằng nó còn quý hơn vàng. Vì nhờ nó mà mỗi ngày tôi kiếm được sáu, bảy hào, tích gộp số tiền đánh đáo được còn nhiều hơn giá một cục vàng đồng cân với nó. Khi đi ngủ, tôi không dám bỏ vào túi, sợ nó văng ra giường ai bắt được tiêu đi. Tôi phải luồn nó vào dải rút, bỏ lòng thòng trong quần. Có một lần, đánh mạnh quá, nó văng vào một bụi cây rậm đầy gai góc, tôi đành bỏ cả buổi học để tìm. Đòn vọt, phạt quỳ, phạt đi học thứ năm, hay bị đuổi hẳn, tôi không sợ bằng đồng xu cái hiếm có ấy mất. Tôi quý đồng xu cái ấy hơn cả những tiên nga và hoàng hậu giữ gìn thân thể, nhan sắc và châu ngọc của mình, hơn cả những anh hùng và hoàng đế trọng đãi những đạo binh cảm tử tinh nhuệ, từng lập chiến công hiển hách cho vinh quang của họ. Nằm dưới gốc cây ở vườn hoa, tôi trông ngắm đồng xu cái mãi mà không chán mắt. Gãi tay vào cái cạnh sắc, tôi lấy làm khoan khoái vì có những cảm giác buồn buồn. Bốn chữ nho, những chữ Pháp và hình người đàn bà nổi lên trong đồng xu đã đem đến tâm trí tôi một ý tưởng lạ thường: đúc một đồng xu có hình ảnh và tên tuổi mình để đi khắp các tỉnh kiếm ăn bằng nghề đáo. Tôi không bao giờ dám dùng đồng xu cái quý hiếm nọ đánh thử. Sợ nó mòn đi hay sứt sát một cách vô ích. Và tôi còn có ý đặt nó lên một địa vị cao quý hơn hết cả mọi đồng xu khác, để tỏ lòng kính cẩn cái kỷ niệm sâu xa của một chiều kia, bỗng nhiên tôi được nó và nghĩ ra một lối chơi đáo bật tuyệt diệu đặc biệt của tôi ấy. Cái bí quáết gồm có mấy điểm: Không cần phải dọi mạnh, chỉ nhằm đít đồng trinh mà quật đồng xu dày dặn và sắc cạnh ấy xuống. Cạnh xu cái có thể thúc bay trinh lên và có khi để lại một lối bầm sâu xuống đất. Lối chơi này sau một vài tháng phát minh, ở khắp tỉnh Nam Định, trẻ con nào cũng biết. Nhưng đều thua tôi. Chúng không thể như tôi, người nghĩ ra và thực hành đầu tiên, có thể đánh bất kỳ đồng trinh ở đâu cũng bật lên khỏi vạch trên. Các bạn đọc và các trẻ chơi đáo đã đặt cho tôi cái biệt hiệu "Bật câu cơm". Tôi đã không hổ thẹn mà lại nghênh ngang nhận lấy cái danh hiệu mỉa mai ấy.
Bình luận facebook