Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes - Chương 10 - Phần 2
Holmes xoay chiếc đèn và cả hai chúng tôi cùng cúi xuống nhìn mảnh giấy. Mép giấy nham nhở cho thấy rõ ràng nó đã được xé ra từ một quyển vở. Trên đầu trang có dòng chữ “Tháng 3 năm 1869”, và tiếp đó là những ghi chú kỳ lạ sau:
“Mồng 4: Hudson đến và vẫn khăng khăng giữ mớ chính kiến như trước.
Mồng 7: Đã gửi hạt cam cho McCauley, Paramore và John Swain ở St. Augustine.
Mồng 9: McCauley biến mất.
Mồng 10: John Swain cũng lặn mất tăm.
Ngày 12: Đến thăm Paramore, mọi thứ đều ổn cả”.
- Cám ơn anh! - Holmes nói, và trả lại mẩu giấy cho vị khách - Giờ thì anh không thể bỏ phí một giây nào, chúng ta cũng không còn thời gian để bàn về những gì anh kể cho tôi nữa. Hãy trở về và hành động ngay!
- Vậy tôi nên làm thế nào?
- Có một việc mà anh phải làm ngay lập tức: Đặt mảnh giấy này vào trong chiếc hộp đồng nhỏ đã kể với tôi, kèm theo một tờ giấy ghi những lời nói thống thiết về sự thật - là tất cả đống giấy tờ đã bị bác anh đốt hết và chỉ còn sót lại tờ này thôi. Phải đặt chiếc hộp lên đồng hồ mặt trời như họ đã nói. Anh đã hiểu chưa?
- Tôi hiểu rồi.
- Bây giờ không phải là lúc thích hợp để nghĩ đến báo thù hoặc những việc đại loại như thế. Tôi nghĩ pháp luật sẽ giúp ta làm việc này. Bọn chúng đã giăng bẫy thì chúng ta cũng cần có những biện pháp chống lại. Việc đầu tiên giờ đây là phải giải thoát cho anh khỏi những hiểm nguy cận kề. Sau đó mới vén bức màn bí mật lên và trừng phạt bè lũ phạm tội.
- Cám ơn ngài! - Người thanh niên nói, rồi đứng dậy, khoác áo mưa - Ngài đã mang đến cho tôi cuộc sống mới và niềm hy vọng. Tôi sẽ làm theo đúng những gì ngài dặn.
- Anh không được lãng phí một giây nào hết. Và trên tất cả, phải tự biết bảo vệ mình. Bởi vì tôi cho rằng, có một mối nguy hiểm thường trực đang đe dọa mạng sống của anh. Bây giờ, anh định đi về bằng cách nào?
- Tôi sẽ đi tàu hỏa từ ga Waterloo.
- Giờ chưa đến 9 giờ, trên đường còn rất đông người, nên tôi nghĩ, anh có thể ra về an toàn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cẩn thận không bao giờ thừa.
- Tôi có mang vũ khí.
- Vậy thì tốt rồi. Tôi sẽ bắt tay vào vụ án của anh ngay ngày mai.
- Vậy tôi sẽ gặp ngài ở Horsham chứ?
- Không, bí mật của vụ này nằm tại London, và tôi sẽ tìm ra manh mối vụ án ngay ở đây.
- Vậy khoảng một, hai hôm nữa tôi sẽ đến và trình bày với ngài về tình hình chiếc hộp và những giấy tờ đó. Tôi sẽ làm theo mọi chỉ dẫn và những gì ngài nói.
Rồi chúng tôi bắt tay chào nhau. Bên ngoài, gió vẫn gào thét, những giọt mưa to tướng vẫn đập rào rào vào cửa sổ. Câu chuyện ly kỳ, rùng rợn này khuấy động tâm tư chúng tôi như những cơn bão. Dường như có một trận cuồng phong giận dữ làm đổ sập mọi thứ, rồi kéo bật đi.
Holmes ngồi im lặng một lúc, đầu hơi cúi xuống, mắt nhìn trân trân vào ngọn lửa đỏ rực trong lò. Rồi anh đốt một điếu thuốc, dựa lưng vào ghế và ngửa cổ nhìn theo những vòng khói thuốc uốn lượn bay lên trần nhà.
- Watson, tôi nghĩ đây là vụ án ly kỳ nhất mà chúng ta được biết. - Cuối cùng Holmes cũng phá vỡ sự im lặng.
- Ngoại trừ vụ án “Dấu bộ tứ” ra, thì có lẽ là như vậy.
- Đúng, ngoài vụ đó ra. Nhưng những hiểm họa mà John Openshaw đang phải đối mặt dường như còn lớn hơn nhiều so với ông Sholto.
- Vậy anh đã hình dung được điều gì về mối hiểm họa này chưa?
- Bản chất của chuyện này thì không còn gì phải nghi ngờ nữa. - Holmes trả lời với một giọng chắc nịch.
- Vậy tất cả là thế nào? K. K. K là ai? Và tại sao hắn phải truy sát gia đình Openshaw bất hạnh này?
Holmes nhắm mắt lại, đặt tay vào thành ghế, những ngón tay đan chặt vào nhau. Anh đáp:
- Đối với một thám tử chuyên nghiệp, khi nhìn sự việc trong một tổng thể, anh ta sẽ suy luận ra từ đấy không những toàn bộ mà cả những hậu quả sẽ xảy ra tiếp theo. Cũng như Cuvier, chỉ nhìn vào một chiếc xương mà có thể mô tả được toàn bộ con vật vậy. Một nhà quan sát thì vừa hiểu vấn đề này, vừa phải suy ra được những vấn đề, những sự việc khác xảy ra trước và sau nó. Chúng ta vẫn chưa nắm bắt được kết quả của sự việc, mà mới chỉ có thể suy luận thôi. Mọi việc phải trải qua quá trình nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng mới giải quyết được, chứ nếu chỉ dựa vào trực giác cá nhân thì chắc chắn sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, để đạt được trình độ cao nhất của nghệ thuật suy luận, nhà thám tử phải vận dụng được tất cả những tình tiết mà mình đã biết. Điều này có lẽ không khó hình dung, vì bản thân sự việc đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận được mọi kiến thức. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ đó thì rất khó. Không thể bắt một người nhớ hết những kiến thức mà anh ta cần dùng. Bản thân tôi cũng vậy, tuy đang nỗ lực đạt đến điều đó. Nếu tôi không nhầm, từ ngày đầu tiên chúng ta mới quen nhau, anh đã chỉ ra được những hạn chế về kiến thức của tôi một cách khá ngắn gọn.
- Đúng. - Tôi trả lời và đột nhiên bật cười - Đó là một bản ghi chép khá thú vị. Tôi còn nhớ là: triết học, thiên văn học, chính trị: không điểm; thảo dược: thông thạo; địa chất học: tương đối hạn chế, biết rõ các loại bùn đất trong phạm vi khoảng năm mươi dặm quanh London; hóa học: rất giỏi; giải phẫu: không có hệ thống; còn về khoa học hình sự: đặc biệt khác thường; là chuyên gia đàn vĩ cầm; chuyên gia quyền anh biết sử dụng kiếm, thông thạo luật pháp, thường tự đầu độc mình bằng thuốc lá và thuốc phiện. Tôi nghĩ đó là tất cả những gì tôi đã ghi nhận về anh lúc ấy.
Holmes bật cười khi nghe những nhận định cuối cùng của tôi.
- Cũng như hồi xưa tôi đã từng nói, và giờ phải nói lại: Con người nên sắp xếp ngăn nắp và giữ gìn cẩn thận trong đầu những kiến thức cần thiết cho mình. Còn những thứ khác có thể cất trong thư viện để sử dụng bất cứ khi nào cần đến. Bây giờ, để giải quyết vụ này thì chúng ta phải tận dụng tất cả những gì đã có. Phiền anh đưa cho tôi quyển “Bách khoa toàn thư nước Mỹ” phần chữ K, ở sau lưng tôi. Cám ơn. Giờ chúng ta hãy xem xét lại mọi tình huống để xem có rút ra được điều gì hay không. Đầu tiên, hãy bắt đầu từ một giả thiết là có những lý do rất đáng kể nào khiến ngài đại tá Openshaw phải rời bỏ nước Mỹ. Đến tuổi của ông ấy, con người ta không dễ gì thay đổi toàn bộ thói quen của mình, chịu từ bỏ cuộc sống ở một nơi có khí hậu trong lành như Florida để trở về sống cô độc ở miền quê nước Anh đầy sương mù. Lối sống thu mình cũng như những sở thích kỳ quặc của ông cho ta thấy, có lẽ là ông sợ ai đó hoặc việc gì đó kinh khủng lắm. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra giả thiết là một nỗi sợ khủng khiếp đã đe dọa, buộc ông phải rời khỏi nước Mỹ. Còn ông ta lo sợ điều gì thì chúng ta chỉ có thể suy luận từ những bức thư mà ông ta và những người họ hàng thừa kế của ông ta nhận được. Anh có nhớ đến con dấu bưu điện ở các bức thư đó không?
- Lá thư thứ nhất đến từ Pondicherry; cái thứ hai là từ Dundee, và cái cuối cùng gửi từ London.
- Từ khu Đông London. Anh có thể rút ra kết luận gì? - Các nơi đó đều là những hải cảng. Có lẽ những người viết thư làm việc trên tàu, thuyền.
- Tuyệt. Vậy chúng ta đã có một manh mối rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa, rất có khả năng người viết thư đang ở trên một con tàu. Giờ chúng ta sẽ xem xét đến dữ kiện thứ hai. Trong lần thứ nhất thư gửi đi từ Pondicherry, phải mất bảy tuần, lời đe dọa mới thành sự thật. Còn từ Dundee thì chỉ mất có ba, bốn ngày. Điều này nói lên cái gì?
- Quãng đường từ Pondicherry xa hơn.
- Nhưng chính bức thư cũng phải đi quãng đường dài đúng như thế.
- Thế thì tôi cũng không rõ nữa.
- Chí ít cũng có thể giả thiết thế này: Người đó, hoặc nhóm người đó, đang sống trên một chiếc thuyền. Dường như chúng luôn gửi đi những lời cảnh báo trước khi thi hành bản án. Anh thấy không, sau khi bức thư từ Dundee gửi tới, vụ việc xảy ra rất chóng vánh. Nếu chúng đi tàu từ Pondicherry đến thì chúng phải đến nơi gần như cùng lúc với bức thư chứ. Nhưng trên thực tế, chúng phải mất bảy tuần mới tới nơi. Tôi nghĩ, thời gian chênh lệch ấy cho thấy, bức thư do bưu điện chuyển theo đường hàng hải; còn người viết thư thì lại đi bằng thuyền.
- Có thể là như vậy.
- Không chỉ là “có thể”, mà là gần như chắc chắn! Vì vậy, anh có thể thấy được mối nguy cấp bách trong vụ cuối. Do vậy tôi mới nhắc nhở John phải hết sức cẩn thận. Tai họa luôn xảy ra sau khi những kẻ viết thư kết thúc cuộc hành trình. Lần này nó lại được gửi đi từ London, vì thế chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa.
- Lạy Chúa! - Tôi bàng hoàng kêu lên - Cuộc truy đuổi điên rồ độc ác này có nghĩa lý gì vậy?
- Giấy tờ mà ngài Openshaw cầm, rõ ràng là có ý nghĩa sống còn với tên giết người hoặc tổ chức khủng bố này. Tôi nghĩ, rõ ràng bọn chúng nhất định phải có mấy tên, nếu không thì không thể liên tiếp gây ra hai vụ án mạng mà không để lại bất kỳ dấu vết nào như vậy được. Và bọn chúng phải là những sát thủ quyết đoán, giết người không ghê tay, mới lừa được cảnh sát và bồi thẩm đoàn. Bọn chúng nhất quyết lấy lại đống giấy tờ ấy bằng bất cứ giá nào, cho dù nó đang ở trong tay ai đi chăng nữa. Do vậy có thể thấy, K. K. K không phải là tên viết tắt của một người, mà là của một tổ chức.
- Nhưng là tổ chức nào?
- Anh chưa bao giờ… - Holmes hạ giọng, vươn người ra trước, hỏi nhỏ - chưa bao giờ biết đến hoặc nghe nói tới ba chữ Ku Klux Klan à?
- Tôi chưa hề nghe.
- Anh nhìn xem. - Holmes lật mấy trang sách trên đùi rồi đọc: - “Ku Klux Klan” là tên một tổ chức bắt nguồn từ âm thanh giống tiếng lên qui-lát một khẩu súng. Tổ chức bí mật đáng sợ này do những cựu binh của quân đội miền Nam sau nội chiến lập ra và nhanh chóng có các chi nhánh ở nhiều bang khác. Trong đó chủ yếu là các bang Tennessee, Louisiana, Carolina, Georgia và Florida. Tổ chức này dùng bạo lực để thực hiện những mục tiêu chính trị, chủ yếu là phản đối quyền bầu cử của người da đen và sát hại những người không có cùng quan điểm với chúng. Trước khi ra tay, chúng thường gửi cho nạn nhân những đồ có hình dạng kỳ quái nhưng vẫn còn nhận ra được, ví dụ như một cành sồi, vài hạt dưa, hoặc vài hạt cam. Sau khi nhận được những thứ đó, nạn nhân có thể công khai tuyên bố từ bỏ quan điểm trước kia, hoặc chạy trốn ra nước ngoài. Nếu dũng cảm chống lại, nạn nhân sẽ không tránh khỏi những cái chết kỳ lạ, không ngờ được. Bọn chúng có tổ chức rất chặt chẽ, biện pháp hành động hiệu quả và hoàn hảo đến nỗi hầu như không ai có thể thoát khỏi tay chúng nếu đã nhận được lời cảnh cáo. Và cũng không ai có thể chứng minh được đó là các vụ giết người; không thể tìm ra được tội phạm để mà vạch mặt. Mặc dù chính phủ Mỹ và các tầng lớp nhân dân tiến bộ ở miền Nam ra sức ngăn chặn, nhưng tổ chức này vẫn tồn tại và ngày càng mở rộng. Nhưng cuối cùng, vào năm 1869, tổ chức này đột nhiên chấm dứt hoạt động, cho dù sau đó vẫn có vài vụ lẻ tẻ xảy ra...”
Rồi Holmes đặt quyển sách trên tay xuống, trầm ngâm nói tiếp:
- Anh có thấy không, thời gian tổ chức này ngừng hoạt động trùng với thời gian Openshaw cầm theo đống giấy tờ biến mất khỏi nước Mỹ. Hai sự việc này có khả năng liên quan với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà đám người tàn ác kia cứ truy sát gia đình Openshaw. Chắc anh có thể nhận ra đống giấy tờ và nhật ký kia có liên quan đến những nhân vật có máu mặt ở miền Nam nước Mỹ, và những người đó có thể sẽ mất ăn mất ngủ nếu đống giấy tờ đó chưa được tìm ra.
- Vậy mảnh giấy mà chúng ta xem được…
- Đúng như suy nghĩ của chúng ta thôi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong đó có viết: “Đã gửi hạt cam đến cho A, B, C”, điều đó có nghĩa là tổ chức giết người đó đã gửi những lời cảnh cáo đến cho họ. Tiếp đó lại thấy ghi A, B đã biến mất, hoặc đã ra nước ngoài. Cuối cùng còn ghi thêm đã đến thăm C, tôi e rằng nhân vật này cũng sẽ gặp một chuyện khủng khiếp không kém gì các nạn nhân khác. Này, anh bạn bác sĩ của tôi, chúng ta có thể đã có chút manh mối nào đó. Và tôi tin rằng lúc này là cơ hội duy nhất cho anh chàng John, nếu anh ta làm theo đúng những gì tôi dặn. Tối nay thì không có gì để làm nữa. Anh hãy đưa cây vĩ cầm cho tôi, để tôi dùng nó xua đi những điều khủng khiếp đã xảy ra với gia đình bất hạnh của John, và cả cái thời tiết khốn khổ này.
Sáng sớm hôm sau, bão đã tan. Mặt trời bình thản chiếu những tia nắng rực rỡ qua màn sương mù khổng lồ bao phủ thành London. Khi tôi xuống nhà thì đã thấy Holmes đang ăn sáng rồi.
- Anh không phiền vì tôi không đợi anh chứ? - Holmes lên tiếng - Tôi đoán là cả ngày hôm nay sẽ rất bận rộn với vụ án của chàng trai nhà Openshaw.
- Anh định sẽ làm thế nào? - Tôi hỏi.
- Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cuộc điều tra đầu tiên của tôi. Tóm lại, chắc tôi phải đi Horsham một chuyến.
- Anh không đến đó trước sao?
- Không, tôi sẽ bắt đầu từ trong thành. Chỉ cần bấm chuông thì người hầu sẽ mang cà phê lên cho anh...
Trong khi đợi cà phê, tôi cầm tờ báo chưa mở trên bàn và đọc qua các mục. Một dòng tít lớn trên báo đập vào ngay mắt và tôi chợt rùng mình, người lạnh toát.
- Holmes! - Tôi kêu lên - Anh chậm mất rồi.
- Gì cơ? - Holmes đặt cốc cà phê xuống bàn - Quả đúng như tôi đã lo. Chuyện xảy ra thế nào?
Holmes nói rất bình tĩnh, nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng anh đang xúc động mãnh liệt.
- Tôi thấy cái tên Openshaw, và tiêu đề: “Bi kịch ở cầu Waterloo” đập ngay vào mắt. Bài báo viết như sau: “Khoảng 9 đến 10 giờ tối qua, viên cảnh sát Cook thuộc đội H. đang làm nhiệm vụ ở gần cầu Waterloo thì đột nhiên nghe thấy tiếng kêu cứu, và tiếng một vật gì đó khá nặng rơi xuống, làm nước bắn tung tóe. Đêm hôm qua trời tối đen như mực, gió bão gầm thét, nên cho dù có rất nhiều người qua đường giúp đỡ nhưng cũng không thể cứu được người bị rơi xuống sông. Cảnh sát được gọi tới và lập tức nổi còi báo động, thi thể người chết đã được vớt lên. Người xấu số là một chàng trai trẻ. Và theo tên trên phong bì mang trong người thì đó là John Openshaw, sống ở Horsham. Người ta cho rằng, có lẽ vì quá vội vàng đến ga Waterloo để bắt kịp chuyến tàu cuối về Horsham nên anh ta đã bị lạc đường. Rồi trong đêm tối mịt mùng mưa bão, anh ta bước qua lan can một bến đỗ và đã trượt chân rơi xuống sông. Trên xác nạn nhân không có dấu hiệu bị đánh đập; rõ ràng đây là một cái chết do tai nạn - một trường hợp đáng tiếc. Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn xung quanh các bến đỗ tàu thủy ở bờ sông”.
Chúng tôi ngồi lặng đi một lúc. Chưa bao giờ tôi thấy Holmes tỏ ra buồn bã và xúc động như vậy.
- Chuyện này thật là một đòn đau đối với tôi, Watson ạ! - Cuối cùng thì Holmes cũng ân hận lên tiếng - Đây là một chuyện đáng buồn và nó khiến cho lòng tự hào của tôi bị tổn thương. Bây giờ, việc này đã trở thành việc của riêng tôi rồi. Nếu Chúa cho tôi đủ sức mạnh, tôi sẽ bắt cả băng nhóm tội phạm này phải đền tội. Anh ta đến cầu xin tôi giúp đỡ, vậy mà tôi lại đẩy anh ta vào chỗ chết…
Anh đứng bật dậy, đi đi lại lại trong phòng, không kiềm chế nổi. Đôi má hõm lại một cách dữ tợn, ánh mắt bừng lên sự căm tức, bàn tay anh hết nắm vào lại duỗi ra.
Cuối cùng, anh nói to:
- Bọn này thật ranh ma, làm sao chúng có thể lừa John đi đến chỗ đó được? Bờ sông đâu phải là đường dẫn đến ga. Cho dù anh ta có làm theo đúng ý định của chúng, thì trên cầu lúc đó chắc chắn vẫn có rất nhiều người cơ mà. Watson, anh hãy chờ xem ai là người chiến thắng sau cùng. Giờ tôi phải đi ngay đây!
- Đi báo cảnh sát ư?
- Không, tôi sẽ tự đóng vai cảnh sát. Đợi tôi giăng xong bẫy, chúng ta có thể bắt gọn cả lũ ruồi muỗi này. Đến lúc ấy, chúng chỉ còn mỗi cách bay lên mới thoát được.
Cả ngày hôm đó, tôi bận bịu với công việc ở phòng khám, khi trở về phố Baker thì trời đã tối lắm rồi. Holmes vẫn chưa về nhà. Mãi đến khoảng 10 giờ đêm anh mới trở về với bộ mặt trắng bệch và dáng vẻ vô cùng mệt mỏi. Anh đi thẳng đến bên chiếc tủ đựng thức ăn, ngấu nghiến bánh mì và uống ừng ực từng ngụm nước lớn.
- Anh đói lắm à?
- Đói đến chết mất! Tôi quên cả ăn, từ sau bữa sáng đến giờ chẳng có gì bỏ bụng.
- Chưa ăn gì? Anh nhịn à?
- Tôi chưa ăn, cũng không có thời gian nghĩ đến ăn uống nữa.
- Thế mọi việc ra sao rồi?
- Rất tốt.
- Có bằng chứng rồi sao?
- Bọn chúng đã nằm trong tay tôi. Mối hận của anh chàng Openshaw sẽ sớm được rửa. Watson, chúng ta sẽ dùng chính dao của chúng để giết chúng. Đó là kết quả của những suy tính kỹ lưỡng của tôi đấy.
- Ý anh là sao?
Holmes lấy một quả cam trong tủ, bóc vỏ và tách ra mấy múi, lấy mấy hạt đặt trên bàn. Anh chọn ra năm hạt cam rồi bỏ nó vào trong một chiếc phong bì. Phía trong anh viết: “S.H thay mặt J.O”. Sau đó, anh đề trên phong bì: “Gửi thuyền trưởng James Calhoun, thuyền Lone Star, Savannah, bang Georgia, Hoa Kỳ”.
- Khi hắn ta vào đến cảng thì bức thư này cũng sẽ đợi sẵn hắn. - Holmes cười đắc ý, nói tiếp - Bức thư sẽ khiến hắn mất ăn mất ngủ. Hắn sẽ không được sống yên ổn và phải chịu cùng số phận như John Openshaw.
- Thuyền trưởng James Calhoun là ai vậy?
- Hắn là thủ lĩnh của bọn khốn kiếp ấy. Dần dần tôi sẽ trừng trị cả bọn chúng, nhưng hắn là kẻ phải bị trừng trị đầu tiên.
- Vậy anh đã dùng cách nào để lần ra bọn chúng?
Anh lấy trong túi áo ra một tờ giấy to, trên đó chi chít những dòng chữ ghi ngày tháng và tên người.
- Tôi phải mất cả ngày đấy. Cả ngày chúi đầu vào tập hồ sơ theo dõi hải trình của các con tàu cập bến Pondicherry trong tháng 1 và tháng 2, năm 1883. Theo đó thì trong hai tháng có ba mươi sáu con tàu cập bến. Trong đó tàu Lone Star khiến tôi chú ý ngay vì dù địa điểm xuất phát của nó là từ London, nhưng con tàu lại được đặt tên theo biệt danh của một bang bên Mỹ.
- Hình như là bang Texas thì phải.
- Là bang nào thì tôi cũng không chắc lắm, chỉ biết đó là một con tàu của Mỹ.
- Sau đó thì sao?
- Tôi lại đến tìm hồ sơ ở Dundee. Khi tôi nhìn thấy tên con tàu Lone Star đến đó vào tháng 1 năm 1885, mối nghi ngờ đã được xác thực. Tiếp đó, tôi đến kiểm tra lịch trình của con tàu Lone Star ở cảng London.
- Kết quả?
- Con tàu đã đến London từ tuần trước. Tôi liền hỏi thăm và được biết con tàu đã nhổ neo lúc thủy triều lên sáng nay, về Savannah. Tôi bèn gửi điện báo đến Gravesend, họ nói Lone Star vừa chạy qua đó không lâu. Vì gió thổi theo hướng đông nên tôi tin chắc nó vừa vượt qua Goodwin, và hiện giờ cách hòn đảo Wight không xa.
- Vậy anh tính sẽ làm gì?
- Tôi sẽ đi bắt hắn. Chỉ có hắn và hai tên đồng lõa là những người Mỹ trên tàu thôi, còn lại đều là người Phần Lan hoặc người Đức. Tôi còn biết hôm qua, ba kẻ đó đã rời thuyền đi lên bờ. Tin này do hai phu bốc dỡ ở bến cảng tiết lộ cho tôi biết. Khi chúng trở về Savannah thì lá thư đã đến nơi rồi. Lúc ấy tôi sẽ đánh điện thông báo với cảnh sát ở Savannah bắt ba tên này, vì chúng đang bị truy nã ở Anh quốc về tội giết người.
Tuy nhiên, mọi dự đoán tốt nhất của Holmes cũng không tránh khỏi những sai sót. Những kẻ giết John Openshaw không bao giờ có thể nhận được những hạt cam đó, những hạt cam sẽ cho chúng biết trên thế giới này còn những người kiên quyết và khôn ngoan hơn chúng. Những trận bão mùa thu năm ấy kéo dài và rất dữ dội. Chúng tôi luôn chờ đợi tin tức của con tàu Lone Star, nhưng bặt vô âm tín. Cuối cùng, chúng tôi cũng nghe được tin ở một nơi nào đó trên Đại Tây Dương mênh mông, có người nhìn thấy một tấm ván trôi nổi có khắc hai chữ “L.S”. Và đó là tất cả những gì chúng tôi được biết về số phận của con tàu Lone Star.
“Mồng 4: Hudson đến và vẫn khăng khăng giữ mớ chính kiến như trước.
Mồng 7: Đã gửi hạt cam cho McCauley, Paramore và John Swain ở St. Augustine.
Mồng 9: McCauley biến mất.
Mồng 10: John Swain cũng lặn mất tăm.
Ngày 12: Đến thăm Paramore, mọi thứ đều ổn cả”.
- Cám ơn anh! - Holmes nói, và trả lại mẩu giấy cho vị khách - Giờ thì anh không thể bỏ phí một giây nào, chúng ta cũng không còn thời gian để bàn về những gì anh kể cho tôi nữa. Hãy trở về và hành động ngay!
- Vậy tôi nên làm thế nào?
- Có một việc mà anh phải làm ngay lập tức: Đặt mảnh giấy này vào trong chiếc hộp đồng nhỏ đã kể với tôi, kèm theo một tờ giấy ghi những lời nói thống thiết về sự thật - là tất cả đống giấy tờ đã bị bác anh đốt hết và chỉ còn sót lại tờ này thôi. Phải đặt chiếc hộp lên đồng hồ mặt trời như họ đã nói. Anh đã hiểu chưa?
- Tôi hiểu rồi.
- Bây giờ không phải là lúc thích hợp để nghĩ đến báo thù hoặc những việc đại loại như thế. Tôi nghĩ pháp luật sẽ giúp ta làm việc này. Bọn chúng đã giăng bẫy thì chúng ta cũng cần có những biện pháp chống lại. Việc đầu tiên giờ đây là phải giải thoát cho anh khỏi những hiểm nguy cận kề. Sau đó mới vén bức màn bí mật lên và trừng phạt bè lũ phạm tội.
- Cám ơn ngài! - Người thanh niên nói, rồi đứng dậy, khoác áo mưa - Ngài đã mang đến cho tôi cuộc sống mới và niềm hy vọng. Tôi sẽ làm theo đúng những gì ngài dặn.
- Anh không được lãng phí một giây nào hết. Và trên tất cả, phải tự biết bảo vệ mình. Bởi vì tôi cho rằng, có một mối nguy hiểm thường trực đang đe dọa mạng sống của anh. Bây giờ, anh định đi về bằng cách nào?
- Tôi sẽ đi tàu hỏa từ ga Waterloo.
- Giờ chưa đến 9 giờ, trên đường còn rất đông người, nên tôi nghĩ, anh có thể ra về an toàn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cẩn thận không bao giờ thừa.
- Tôi có mang vũ khí.
- Vậy thì tốt rồi. Tôi sẽ bắt tay vào vụ án của anh ngay ngày mai.
- Vậy tôi sẽ gặp ngài ở Horsham chứ?
- Không, bí mật của vụ này nằm tại London, và tôi sẽ tìm ra manh mối vụ án ngay ở đây.
- Vậy khoảng một, hai hôm nữa tôi sẽ đến và trình bày với ngài về tình hình chiếc hộp và những giấy tờ đó. Tôi sẽ làm theo mọi chỉ dẫn và những gì ngài nói.
Rồi chúng tôi bắt tay chào nhau. Bên ngoài, gió vẫn gào thét, những giọt mưa to tướng vẫn đập rào rào vào cửa sổ. Câu chuyện ly kỳ, rùng rợn này khuấy động tâm tư chúng tôi như những cơn bão. Dường như có một trận cuồng phong giận dữ làm đổ sập mọi thứ, rồi kéo bật đi.
Holmes ngồi im lặng một lúc, đầu hơi cúi xuống, mắt nhìn trân trân vào ngọn lửa đỏ rực trong lò. Rồi anh đốt một điếu thuốc, dựa lưng vào ghế và ngửa cổ nhìn theo những vòng khói thuốc uốn lượn bay lên trần nhà.
- Watson, tôi nghĩ đây là vụ án ly kỳ nhất mà chúng ta được biết. - Cuối cùng Holmes cũng phá vỡ sự im lặng.
- Ngoại trừ vụ án “Dấu bộ tứ” ra, thì có lẽ là như vậy.
- Đúng, ngoài vụ đó ra. Nhưng những hiểm họa mà John Openshaw đang phải đối mặt dường như còn lớn hơn nhiều so với ông Sholto.
- Vậy anh đã hình dung được điều gì về mối hiểm họa này chưa?
- Bản chất của chuyện này thì không còn gì phải nghi ngờ nữa. - Holmes trả lời với một giọng chắc nịch.
- Vậy tất cả là thế nào? K. K. K là ai? Và tại sao hắn phải truy sát gia đình Openshaw bất hạnh này?
Holmes nhắm mắt lại, đặt tay vào thành ghế, những ngón tay đan chặt vào nhau. Anh đáp:
- Đối với một thám tử chuyên nghiệp, khi nhìn sự việc trong một tổng thể, anh ta sẽ suy luận ra từ đấy không những toàn bộ mà cả những hậu quả sẽ xảy ra tiếp theo. Cũng như Cuvier, chỉ nhìn vào một chiếc xương mà có thể mô tả được toàn bộ con vật vậy. Một nhà quan sát thì vừa hiểu vấn đề này, vừa phải suy ra được những vấn đề, những sự việc khác xảy ra trước và sau nó. Chúng ta vẫn chưa nắm bắt được kết quả của sự việc, mà mới chỉ có thể suy luận thôi. Mọi việc phải trải qua quá trình nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng mới giải quyết được, chứ nếu chỉ dựa vào trực giác cá nhân thì chắc chắn sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, để đạt được trình độ cao nhất của nghệ thuật suy luận, nhà thám tử phải vận dụng được tất cả những tình tiết mà mình đã biết. Điều này có lẽ không khó hình dung, vì bản thân sự việc đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận được mọi kiến thức. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ đó thì rất khó. Không thể bắt một người nhớ hết những kiến thức mà anh ta cần dùng. Bản thân tôi cũng vậy, tuy đang nỗ lực đạt đến điều đó. Nếu tôi không nhầm, từ ngày đầu tiên chúng ta mới quen nhau, anh đã chỉ ra được những hạn chế về kiến thức của tôi một cách khá ngắn gọn.
- Đúng. - Tôi trả lời và đột nhiên bật cười - Đó là một bản ghi chép khá thú vị. Tôi còn nhớ là: triết học, thiên văn học, chính trị: không điểm; thảo dược: thông thạo; địa chất học: tương đối hạn chế, biết rõ các loại bùn đất trong phạm vi khoảng năm mươi dặm quanh London; hóa học: rất giỏi; giải phẫu: không có hệ thống; còn về khoa học hình sự: đặc biệt khác thường; là chuyên gia đàn vĩ cầm; chuyên gia quyền anh biết sử dụng kiếm, thông thạo luật pháp, thường tự đầu độc mình bằng thuốc lá và thuốc phiện. Tôi nghĩ đó là tất cả những gì tôi đã ghi nhận về anh lúc ấy.
Holmes bật cười khi nghe những nhận định cuối cùng của tôi.
- Cũng như hồi xưa tôi đã từng nói, và giờ phải nói lại: Con người nên sắp xếp ngăn nắp và giữ gìn cẩn thận trong đầu những kiến thức cần thiết cho mình. Còn những thứ khác có thể cất trong thư viện để sử dụng bất cứ khi nào cần đến. Bây giờ, để giải quyết vụ này thì chúng ta phải tận dụng tất cả những gì đã có. Phiền anh đưa cho tôi quyển “Bách khoa toàn thư nước Mỹ” phần chữ K, ở sau lưng tôi. Cám ơn. Giờ chúng ta hãy xem xét lại mọi tình huống để xem có rút ra được điều gì hay không. Đầu tiên, hãy bắt đầu từ một giả thiết là có những lý do rất đáng kể nào khiến ngài đại tá Openshaw phải rời bỏ nước Mỹ. Đến tuổi của ông ấy, con người ta không dễ gì thay đổi toàn bộ thói quen của mình, chịu từ bỏ cuộc sống ở một nơi có khí hậu trong lành như Florida để trở về sống cô độc ở miền quê nước Anh đầy sương mù. Lối sống thu mình cũng như những sở thích kỳ quặc của ông cho ta thấy, có lẽ là ông sợ ai đó hoặc việc gì đó kinh khủng lắm. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra giả thiết là một nỗi sợ khủng khiếp đã đe dọa, buộc ông phải rời khỏi nước Mỹ. Còn ông ta lo sợ điều gì thì chúng ta chỉ có thể suy luận từ những bức thư mà ông ta và những người họ hàng thừa kế của ông ta nhận được. Anh có nhớ đến con dấu bưu điện ở các bức thư đó không?
- Lá thư thứ nhất đến từ Pondicherry; cái thứ hai là từ Dundee, và cái cuối cùng gửi từ London.
- Từ khu Đông London. Anh có thể rút ra kết luận gì? - Các nơi đó đều là những hải cảng. Có lẽ những người viết thư làm việc trên tàu, thuyền.
- Tuyệt. Vậy chúng ta đã có một manh mối rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa, rất có khả năng người viết thư đang ở trên một con tàu. Giờ chúng ta sẽ xem xét đến dữ kiện thứ hai. Trong lần thứ nhất thư gửi đi từ Pondicherry, phải mất bảy tuần, lời đe dọa mới thành sự thật. Còn từ Dundee thì chỉ mất có ba, bốn ngày. Điều này nói lên cái gì?
- Quãng đường từ Pondicherry xa hơn.
- Nhưng chính bức thư cũng phải đi quãng đường dài đúng như thế.
- Thế thì tôi cũng không rõ nữa.
- Chí ít cũng có thể giả thiết thế này: Người đó, hoặc nhóm người đó, đang sống trên một chiếc thuyền. Dường như chúng luôn gửi đi những lời cảnh báo trước khi thi hành bản án. Anh thấy không, sau khi bức thư từ Dundee gửi tới, vụ việc xảy ra rất chóng vánh. Nếu chúng đi tàu từ Pondicherry đến thì chúng phải đến nơi gần như cùng lúc với bức thư chứ. Nhưng trên thực tế, chúng phải mất bảy tuần mới tới nơi. Tôi nghĩ, thời gian chênh lệch ấy cho thấy, bức thư do bưu điện chuyển theo đường hàng hải; còn người viết thư thì lại đi bằng thuyền.
- Có thể là như vậy.
- Không chỉ là “có thể”, mà là gần như chắc chắn! Vì vậy, anh có thể thấy được mối nguy cấp bách trong vụ cuối. Do vậy tôi mới nhắc nhở John phải hết sức cẩn thận. Tai họa luôn xảy ra sau khi những kẻ viết thư kết thúc cuộc hành trình. Lần này nó lại được gửi đi từ London, vì thế chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa.
- Lạy Chúa! - Tôi bàng hoàng kêu lên - Cuộc truy đuổi điên rồ độc ác này có nghĩa lý gì vậy?
- Giấy tờ mà ngài Openshaw cầm, rõ ràng là có ý nghĩa sống còn với tên giết người hoặc tổ chức khủng bố này. Tôi nghĩ, rõ ràng bọn chúng nhất định phải có mấy tên, nếu không thì không thể liên tiếp gây ra hai vụ án mạng mà không để lại bất kỳ dấu vết nào như vậy được. Và bọn chúng phải là những sát thủ quyết đoán, giết người không ghê tay, mới lừa được cảnh sát và bồi thẩm đoàn. Bọn chúng nhất quyết lấy lại đống giấy tờ ấy bằng bất cứ giá nào, cho dù nó đang ở trong tay ai đi chăng nữa. Do vậy có thể thấy, K. K. K không phải là tên viết tắt của một người, mà là của một tổ chức.
- Nhưng là tổ chức nào?
- Anh chưa bao giờ… - Holmes hạ giọng, vươn người ra trước, hỏi nhỏ - chưa bao giờ biết đến hoặc nghe nói tới ba chữ Ku Klux Klan à?
- Tôi chưa hề nghe.
- Anh nhìn xem. - Holmes lật mấy trang sách trên đùi rồi đọc: - “Ku Klux Klan” là tên một tổ chức bắt nguồn từ âm thanh giống tiếng lên qui-lát một khẩu súng. Tổ chức bí mật đáng sợ này do những cựu binh của quân đội miền Nam sau nội chiến lập ra và nhanh chóng có các chi nhánh ở nhiều bang khác. Trong đó chủ yếu là các bang Tennessee, Louisiana, Carolina, Georgia và Florida. Tổ chức này dùng bạo lực để thực hiện những mục tiêu chính trị, chủ yếu là phản đối quyền bầu cử của người da đen và sát hại những người không có cùng quan điểm với chúng. Trước khi ra tay, chúng thường gửi cho nạn nhân những đồ có hình dạng kỳ quái nhưng vẫn còn nhận ra được, ví dụ như một cành sồi, vài hạt dưa, hoặc vài hạt cam. Sau khi nhận được những thứ đó, nạn nhân có thể công khai tuyên bố từ bỏ quan điểm trước kia, hoặc chạy trốn ra nước ngoài. Nếu dũng cảm chống lại, nạn nhân sẽ không tránh khỏi những cái chết kỳ lạ, không ngờ được. Bọn chúng có tổ chức rất chặt chẽ, biện pháp hành động hiệu quả và hoàn hảo đến nỗi hầu như không ai có thể thoát khỏi tay chúng nếu đã nhận được lời cảnh cáo. Và cũng không ai có thể chứng minh được đó là các vụ giết người; không thể tìm ra được tội phạm để mà vạch mặt. Mặc dù chính phủ Mỹ và các tầng lớp nhân dân tiến bộ ở miền Nam ra sức ngăn chặn, nhưng tổ chức này vẫn tồn tại và ngày càng mở rộng. Nhưng cuối cùng, vào năm 1869, tổ chức này đột nhiên chấm dứt hoạt động, cho dù sau đó vẫn có vài vụ lẻ tẻ xảy ra...”
Rồi Holmes đặt quyển sách trên tay xuống, trầm ngâm nói tiếp:
- Anh có thấy không, thời gian tổ chức này ngừng hoạt động trùng với thời gian Openshaw cầm theo đống giấy tờ biến mất khỏi nước Mỹ. Hai sự việc này có khả năng liên quan với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà đám người tàn ác kia cứ truy sát gia đình Openshaw. Chắc anh có thể nhận ra đống giấy tờ và nhật ký kia có liên quan đến những nhân vật có máu mặt ở miền Nam nước Mỹ, và những người đó có thể sẽ mất ăn mất ngủ nếu đống giấy tờ đó chưa được tìm ra.
- Vậy mảnh giấy mà chúng ta xem được…
- Đúng như suy nghĩ của chúng ta thôi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong đó có viết: “Đã gửi hạt cam đến cho A, B, C”, điều đó có nghĩa là tổ chức giết người đó đã gửi những lời cảnh cáo đến cho họ. Tiếp đó lại thấy ghi A, B đã biến mất, hoặc đã ra nước ngoài. Cuối cùng còn ghi thêm đã đến thăm C, tôi e rằng nhân vật này cũng sẽ gặp một chuyện khủng khiếp không kém gì các nạn nhân khác. Này, anh bạn bác sĩ của tôi, chúng ta có thể đã có chút manh mối nào đó. Và tôi tin rằng lúc này là cơ hội duy nhất cho anh chàng John, nếu anh ta làm theo đúng những gì tôi dặn. Tối nay thì không có gì để làm nữa. Anh hãy đưa cây vĩ cầm cho tôi, để tôi dùng nó xua đi những điều khủng khiếp đã xảy ra với gia đình bất hạnh của John, và cả cái thời tiết khốn khổ này.
Sáng sớm hôm sau, bão đã tan. Mặt trời bình thản chiếu những tia nắng rực rỡ qua màn sương mù khổng lồ bao phủ thành London. Khi tôi xuống nhà thì đã thấy Holmes đang ăn sáng rồi.
- Anh không phiền vì tôi không đợi anh chứ? - Holmes lên tiếng - Tôi đoán là cả ngày hôm nay sẽ rất bận rộn với vụ án của chàng trai nhà Openshaw.
- Anh định sẽ làm thế nào? - Tôi hỏi.
- Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cuộc điều tra đầu tiên của tôi. Tóm lại, chắc tôi phải đi Horsham một chuyến.
- Anh không đến đó trước sao?
- Không, tôi sẽ bắt đầu từ trong thành. Chỉ cần bấm chuông thì người hầu sẽ mang cà phê lên cho anh...
Trong khi đợi cà phê, tôi cầm tờ báo chưa mở trên bàn và đọc qua các mục. Một dòng tít lớn trên báo đập vào ngay mắt và tôi chợt rùng mình, người lạnh toát.
- Holmes! - Tôi kêu lên - Anh chậm mất rồi.
- Gì cơ? - Holmes đặt cốc cà phê xuống bàn - Quả đúng như tôi đã lo. Chuyện xảy ra thế nào?
Holmes nói rất bình tĩnh, nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng anh đang xúc động mãnh liệt.
- Tôi thấy cái tên Openshaw, và tiêu đề: “Bi kịch ở cầu Waterloo” đập ngay vào mắt. Bài báo viết như sau: “Khoảng 9 đến 10 giờ tối qua, viên cảnh sát Cook thuộc đội H. đang làm nhiệm vụ ở gần cầu Waterloo thì đột nhiên nghe thấy tiếng kêu cứu, và tiếng một vật gì đó khá nặng rơi xuống, làm nước bắn tung tóe. Đêm hôm qua trời tối đen như mực, gió bão gầm thét, nên cho dù có rất nhiều người qua đường giúp đỡ nhưng cũng không thể cứu được người bị rơi xuống sông. Cảnh sát được gọi tới và lập tức nổi còi báo động, thi thể người chết đã được vớt lên. Người xấu số là một chàng trai trẻ. Và theo tên trên phong bì mang trong người thì đó là John Openshaw, sống ở Horsham. Người ta cho rằng, có lẽ vì quá vội vàng đến ga Waterloo để bắt kịp chuyến tàu cuối về Horsham nên anh ta đã bị lạc đường. Rồi trong đêm tối mịt mùng mưa bão, anh ta bước qua lan can một bến đỗ và đã trượt chân rơi xuống sông. Trên xác nạn nhân không có dấu hiệu bị đánh đập; rõ ràng đây là một cái chết do tai nạn - một trường hợp đáng tiếc. Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn xung quanh các bến đỗ tàu thủy ở bờ sông”.
Chúng tôi ngồi lặng đi một lúc. Chưa bao giờ tôi thấy Holmes tỏ ra buồn bã và xúc động như vậy.
- Chuyện này thật là một đòn đau đối với tôi, Watson ạ! - Cuối cùng thì Holmes cũng ân hận lên tiếng - Đây là một chuyện đáng buồn và nó khiến cho lòng tự hào của tôi bị tổn thương. Bây giờ, việc này đã trở thành việc của riêng tôi rồi. Nếu Chúa cho tôi đủ sức mạnh, tôi sẽ bắt cả băng nhóm tội phạm này phải đền tội. Anh ta đến cầu xin tôi giúp đỡ, vậy mà tôi lại đẩy anh ta vào chỗ chết…
Anh đứng bật dậy, đi đi lại lại trong phòng, không kiềm chế nổi. Đôi má hõm lại một cách dữ tợn, ánh mắt bừng lên sự căm tức, bàn tay anh hết nắm vào lại duỗi ra.
Cuối cùng, anh nói to:
- Bọn này thật ranh ma, làm sao chúng có thể lừa John đi đến chỗ đó được? Bờ sông đâu phải là đường dẫn đến ga. Cho dù anh ta có làm theo đúng ý định của chúng, thì trên cầu lúc đó chắc chắn vẫn có rất nhiều người cơ mà. Watson, anh hãy chờ xem ai là người chiến thắng sau cùng. Giờ tôi phải đi ngay đây!
- Đi báo cảnh sát ư?
- Không, tôi sẽ tự đóng vai cảnh sát. Đợi tôi giăng xong bẫy, chúng ta có thể bắt gọn cả lũ ruồi muỗi này. Đến lúc ấy, chúng chỉ còn mỗi cách bay lên mới thoát được.
Cả ngày hôm đó, tôi bận bịu với công việc ở phòng khám, khi trở về phố Baker thì trời đã tối lắm rồi. Holmes vẫn chưa về nhà. Mãi đến khoảng 10 giờ đêm anh mới trở về với bộ mặt trắng bệch và dáng vẻ vô cùng mệt mỏi. Anh đi thẳng đến bên chiếc tủ đựng thức ăn, ngấu nghiến bánh mì và uống ừng ực từng ngụm nước lớn.
- Anh đói lắm à?
- Đói đến chết mất! Tôi quên cả ăn, từ sau bữa sáng đến giờ chẳng có gì bỏ bụng.
- Chưa ăn gì? Anh nhịn à?
- Tôi chưa ăn, cũng không có thời gian nghĩ đến ăn uống nữa.
- Thế mọi việc ra sao rồi?
- Rất tốt.
- Có bằng chứng rồi sao?
- Bọn chúng đã nằm trong tay tôi. Mối hận của anh chàng Openshaw sẽ sớm được rửa. Watson, chúng ta sẽ dùng chính dao của chúng để giết chúng. Đó là kết quả của những suy tính kỹ lưỡng của tôi đấy.
- Ý anh là sao?
Holmes lấy một quả cam trong tủ, bóc vỏ và tách ra mấy múi, lấy mấy hạt đặt trên bàn. Anh chọn ra năm hạt cam rồi bỏ nó vào trong một chiếc phong bì. Phía trong anh viết: “S.H thay mặt J.O”. Sau đó, anh đề trên phong bì: “Gửi thuyền trưởng James Calhoun, thuyền Lone Star, Savannah, bang Georgia, Hoa Kỳ”.
- Khi hắn ta vào đến cảng thì bức thư này cũng sẽ đợi sẵn hắn. - Holmes cười đắc ý, nói tiếp - Bức thư sẽ khiến hắn mất ăn mất ngủ. Hắn sẽ không được sống yên ổn và phải chịu cùng số phận như John Openshaw.
- Thuyền trưởng James Calhoun là ai vậy?
- Hắn là thủ lĩnh của bọn khốn kiếp ấy. Dần dần tôi sẽ trừng trị cả bọn chúng, nhưng hắn là kẻ phải bị trừng trị đầu tiên.
- Vậy anh đã dùng cách nào để lần ra bọn chúng?
Anh lấy trong túi áo ra một tờ giấy to, trên đó chi chít những dòng chữ ghi ngày tháng và tên người.
- Tôi phải mất cả ngày đấy. Cả ngày chúi đầu vào tập hồ sơ theo dõi hải trình của các con tàu cập bến Pondicherry trong tháng 1 và tháng 2, năm 1883. Theo đó thì trong hai tháng có ba mươi sáu con tàu cập bến. Trong đó tàu Lone Star khiến tôi chú ý ngay vì dù địa điểm xuất phát của nó là từ London, nhưng con tàu lại được đặt tên theo biệt danh của một bang bên Mỹ.
- Hình như là bang Texas thì phải.
- Là bang nào thì tôi cũng không chắc lắm, chỉ biết đó là một con tàu của Mỹ.
- Sau đó thì sao?
- Tôi lại đến tìm hồ sơ ở Dundee. Khi tôi nhìn thấy tên con tàu Lone Star đến đó vào tháng 1 năm 1885, mối nghi ngờ đã được xác thực. Tiếp đó, tôi đến kiểm tra lịch trình của con tàu Lone Star ở cảng London.
- Kết quả?
- Con tàu đã đến London từ tuần trước. Tôi liền hỏi thăm và được biết con tàu đã nhổ neo lúc thủy triều lên sáng nay, về Savannah. Tôi bèn gửi điện báo đến Gravesend, họ nói Lone Star vừa chạy qua đó không lâu. Vì gió thổi theo hướng đông nên tôi tin chắc nó vừa vượt qua Goodwin, và hiện giờ cách hòn đảo Wight không xa.
- Vậy anh tính sẽ làm gì?
- Tôi sẽ đi bắt hắn. Chỉ có hắn và hai tên đồng lõa là những người Mỹ trên tàu thôi, còn lại đều là người Phần Lan hoặc người Đức. Tôi còn biết hôm qua, ba kẻ đó đã rời thuyền đi lên bờ. Tin này do hai phu bốc dỡ ở bến cảng tiết lộ cho tôi biết. Khi chúng trở về Savannah thì lá thư đã đến nơi rồi. Lúc ấy tôi sẽ đánh điện thông báo với cảnh sát ở Savannah bắt ba tên này, vì chúng đang bị truy nã ở Anh quốc về tội giết người.
Tuy nhiên, mọi dự đoán tốt nhất của Holmes cũng không tránh khỏi những sai sót. Những kẻ giết John Openshaw không bao giờ có thể nhận được những hạt cam đó, những hạt cam sẽ cho chúng biết trên thế giới này còn những người kiên quyết và khôn ngoan hơn chúng. Những trận bão mùa thu năm ấy kéo dài và rất dữ dội. Chúng tôi luôn chờ đợi tin tức của con tàu Lone Star, nhưng bặt vô âm tín. Cuối cùng, chúng tôi cũng nghe được tin ở một nơi nào đó trên Đại Tây Dương mênh mông, có người nhìn thấy một tấm ván trôi nổi có khắc hai chữ “L.S”. Và đó là tất cả những gì chúng tôi được biết về số phận của con tàu Lone Star.