• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Phòng Trọ Ba Người (5 Viewers)

  • Phòng Trọ Ba Người - Chương 04

Chuyên đăng ký học tiếng Anh ban đêm chủ yếu vì mê âm nhạc nước ngoài. Cách đây gần một năm, đến chơi nhà một người bạn, Chuyên đã mê mẩn khi lần đầu tiên nghe nhóm ABBA chơi các bản "Happy New Year", "Ring Ring", "Chiquitita"..., nhất là các giọng nữ của Agnetha Faltskog và Annifrid Lyngstad. Từ đó, anh quyết tâm sắm một cái cassette.

Dành dụm mấy tháng trời được một món tiền kha khá, Chuyên rủ Nhiệm và Mẫn đi lang thang sục sạo các cửa hàng bán đồ cũ. Sau một ngày lê tha hết cửa hiệu này đến cửa hiệu khác đến mỏi nhừ người, cả ba khuân về căn gác trọ chiếc "Panasonic" cũ kỹ còn toòng teng mảnh giấy nhỏ, ghi "chất lượng 80%". Món tiền trong túi không cho phép Chuyên mua một chiếc máy tốt hơn, nhưng dù sao Chuyên cũng rất hài lòng vì đó là món tài sản "đáng giá" duy nhất của ba anh em.

Những ngày sau đó là những ngày lùng sục băng nhạc. Chuyên tha về nhà đủ thứ trên đời: Beatles, ABBA, Boney M., Modern Talking, Wham, Capenter, Scorpions, Beegees... Mua hết tiền của mình, Chuyên vay tiền của Nhiệm. Anh thu thập các băng nhạc một cách say sưa đến nỗi Nhiệm phải bực mình tuyên bố:

- Thôi, đủ rồi! Tao không cho mày mượn tiền nữa!

Bị cắt "viện trợ", Chuyên đành thôi. Và bắt đầu những chuỗi ngày dài nằm lì trên giường nghe nhạc, không buồn nhúc nhích chân tay. Báo hại cho Nhiệm, những ngày đó anh phải rửa chén, cọ rửa sàn nhà thay cho Chuyên. Vừa nhúng nùi giẻ vô thau nước, Nhiệm vừa nhìn lên chỗ Chuyên nằm với ánh mắt ác cảm:

- Chưa chán hả mày?

- Chưa.

Nhiệm liếm môi:

- Vừa lau nhà vừa nghe nhạc cũng được vậy?

Chuyên tỉnh bơ:

- Nằm yên nghe nhạc thích hơn!

Nhiệm gầm gừ:

- Biết vậy trước đây tao không cho mày mượn tiền mua băng!

Mặc cho Nhiệm tức tối, Chuyên vẫn nằm trơ trên giường, cười hề hề.

Nhưng Nhiệm không phải tức tối lâu. Khoảng một tuần lễ sau, Chuyên đã bắt đầu "ngồi dậy" được. Và những cuộn băng nhạc cũng từ từ giảm bớt trên giá sách. Không biết Chuyên đem đi bán lại, đem đi đổi hay cho ai những cuộn băng anh không thích nhưng bây giờ anh chỉ còn giữ lại những collection nhạc của Beatles, ABBA và Boney M.

Trong ba nhóm đó, Chuyên đặc biệt thích ABBA. Mẫn thích ABBA và Beatles. Nhiệm thì khoái Boney M.

Nhiệm bảo:

- Tụi Boney M. hát nghe "khí thế" hơn, táo bạo hơn!

Chuyên chọc quê:

- Táo bạo giống như mày chứ gì?

Nhiệm lắc đầu:

- Làm sao bằng tao được!

Sau vụ "Happy Song", Nhiệm càng khoái Boney M. gấp bội.

Nhưng khác với Nhiệm và Mẫn, Chuyên không chỉ bằng lòng với việc nghe nhạc "khơi khơi" như vậy. Ngoài việc thưởng thức cái hay của âm điệu, tiết tấu, ngoài việc nắm bắt được ý nghĩa của lời ca, Chuyên còn muốn để tâm hồn mình rung động theo những sắc thái tình cảm, những biến đổi tinh tế trong giọng hát John Lennon, Frida v.v... Nói chung, Chuyên mơ ước nghe nhạc nước ngoài bằng cái tai của chính... người nước ngoài, một ước muốn vừa chính đáng vừa có vẻ kỳ quặc. Vì vậy, khi nghe Chuyên tuyên bố sẽ đi học thêm "chính thị" tiếng Anh và giải thích lý do, Nhiệm trợn mắt kêu lên:

- Học tiếng Anh chỉ để nghe nhạc cho... khoái lỗ tai?

- Có sao đâu! Mỗi người học ngoại ngữ đều có mục đích riêng của mình!

- Nhưng tao thấy mục đích của mày nó có vẻ "khùng khùng" làm sao!

Chuyên trợn mắt:

- Tao khùng kệ tao! Mày có đi không?

Nhiệm lắc đầu:

- Thay vì đi học với mày, tao để thì giờ đi chơi với em Sương khoái hơn.

Chuyên bĩu môi:

- Em cho mày đi theo xách dép thì có!

Nhiệm trơ trơ:

- Xách dép cũng được!

Thấy không lay chuyển được Nhiệm, Chuyên quay sang Mẫn:

- Mày đi học chung với tao cho vui!

Mẫn tặc lưỡi:

- Không được! Tối thứ tư và thứ sáu tao kẹt đi dạy kèm.

Rốt cuộc, Chuyên đành phải đi học một mình.

Tối nay là tối khai giảng khóa mới nên giờ vào lớp sớm hơn thường lệ.

Chén qua loa vài chén cơm với hột vịt dằm nước tương, Chuyên ôm tập phóng ra khỏi nhà. Nhiệm nói với theo:

- Tao để dành chén bát cho lát mày về mày rửa nghen!

Chuyên đi thẳng một mạch, không thèm đáp. Anh đang sợ bị trễ giờ. Từ chỗ Chuyên ở đến trường khá gần, đi bộ mất khoảng mười phút. Nhưng hôm nay, do trục trặc vụ "hết dầu" nên anh ra khỏi nhà khá muộn.

Đúng như Chuyên nghĩ, khi anh vào lớp thì các dãy bàn đã chật ních người ngồi. Đảo một vòng, anh lò dò tiến xuống chỗ ghế trống ở cuối lớp.

- Sao đi trễ vậy? - Một người bạn quen ngồi bên cạnh hỏi.

- Tại ăn cơm trễ! - Chuyên đáp.

Rồi Chuyên ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao hôm nay lớp mình đông vậy?

- Hình như có thêm một số học sinh mới.

Chuyên cũng vừa nhận ra những gương mặt xa lạ ngồi rải rác trong lớp. Anh gật gù:

- Hèn chi!

Và không để ý đến chuyện đó nữa, Chuyên bắt đầu lật cuốn sách để trước mặt, lần giở đến chỗ bài học mới.

Nhưng Chuyên chỉ tập trung đầu óc vào bài học được khoảng thời gian đầu. Khi nghỉ giải lao vô, anh không làm sao theo dõi được những lời giảng của cô giáo. Mọi chuyện đột ngột xảy ra khi Chuyên chợt nhìn thấy "con nhỏ" áo đỏ ngồi ở dãy bàn trên cùng.

"Áo đỏ" dễ thương dễ sợ, Chuyên tặc lưỡi. Mặc dù chỉ diện kiến dung nhan người đẹp từ... phía sau, Chuyên vẫn có cảm giác cái mái tóc buông lững lờ trên bờ vai thon thả kia hoàn toàn có thể gây ra sóng gió cho bất cứ chàng trai nào ưa suy nghĩ vẩn vơ. Như Chuyên chẳng hạn.

Và từ lúc đó cho đến khi chuông reo báo giờ tan học, Chuyên vô tình đặt chân lên con đường tiên tri của Nhiệm: anh quên phắt tiếng Anh, quên phắt nỗi đam mê âm nhạc và chợt hiểu rằng trong cuộc sống, tiếng "Em" đáng quan tâm hơn tiếng "Anh" gấp một triệu lần.

Và để thực hiện sự quan tâm đó một cách đầy đủ hơn nữa, Chuyên không ôm tập ra về ngay như thường lệ. Anh đứng lảng vảng trước cổng, chờ áo đỏ đi ngang. Anh tiếc là đã không mang theo xe đạp. Lát nữa áo đỏ phóng vù qua, anh chỉ có nước đứng hít bụi ngó theo. Và trên đường về "lạnh lẽo", chỉ có thể giải khuây bằng cách ngâm tạm bài thơ... "Cuộc chia ly màu... đỏ" của Nguyễn Mỹ: "Chiếc áo đỏ rực như than lửa, cháy không nguôi trước cảnh chia ly...", mặc dù đây là cuộc chia ly ai về nhà nấy và ba ngày sau lại gặp lại.

Mải nghĩ lung tung, áo đỏ đi ngang qua trước mặt lúc nào Chuyên không hay. Khi anh phát hiện ra thì cô đã đi khỏi cổng trường một quãng xa. Chuyên mừng húm khi thấy áo đỏ cũng đi bộ... như mình.

Chuyên vội vã phóng theo và mặc dù thở hồng hộc, Chuyên vẫn ngạc nhiên một cách thích thú khi phát hiện áo đỏ về cùng đường với anh, và cứ theo cái hướng đi đó thì có khi cô về thẳng nhà... anh luôn không chừng!

Tới bén gót người đẹp, Chuyên bắt đầu đi chậm lại và để cho cô gái không nhận ra cuộc rượt đuổi suồng sã của mình, Chuyên hóp bụng điều hòa hơi thở theo lối... dưỡng sinh. Vừa thở, anh vừa nghĩ cách bắt chuyện với cô gái. Tất nhiên, không thể bắt chước tên Nhiệm du côn, hễ mở miệng là "Em dễ thương quá!" liền tù tì được.

Chuyên vừa ngẫm nghĩ vừa liếc chừng áo đỏ. Anh bỗng giật mình khi thấy cô quen quen. Hình như anh có gặp cô ở đâu rồi. Anh lại liếc cô gái và tin rằng mình không lầm. Nhưng dù nặn óc, anh vẫn không tài nào nhớ nổi đã gặp cô trong trường hợp nào.

Cô gái dường như đã phát hiện ra cái đuôi phía sau và cố ý bước nhanh hơn. Không biết làm sao, Chuyên đành rảo bước lên ngang cô gái và tò mò liếc sang, cố nhìn rõ mặt.

Cô gái có vẻ như hết chịu nổi thái độ lì lợm của Chuyên. Cô quay phắt lại nhìn thẳng vào mặt anh với ý định ra một lời "cảnh cáo" xanh dờn nào đó. Nhưng cô bỗng mở tròn mắt, thốt lên một tiếng "A" đầy vẻ ngạc nhiên.

Chuyên cũng bị bất ngờ. Anh ngẩn người ra, lắp bắp:

- Ủa, hóa ra là... Sương! Sương không nhận ra Chuyên ngay. Sau một thoáng bối rối, cô ấp úng hỏi:

- Anh ở đâu, tôi thấy... quen quen?

Chuyên mỉm cười chỉ tay lên trời:

- Tôi ở trên gác.

Sương nhìn theo ngón tay Chuyên, ngơ ngác:

- Gác nào?

- À không! - Chuyên vội rút tay lại cho vào... túi quần để khỏi chỉ bậy một lần nữa - Tôi muốn nói đến căn gác kế nhà Sương kìa!

Sương hiểu ra:

- À, thì ra anh ở chung với anh Nhiệm chứ gì?

Chuyên gật đầu:

- Đúng rồi. Tôi là Chuyên.

Sương cười khúc khích:

- Tôi nhớ tên anh rồi. Cái tên mà hôm trước anh Nhiệm bảo là xưng lộn đó phải không?

Chuyên cười khẽ:

- Đó là anh Nhiệm đùa vậy thôi!

Sương hỏi:

- Còn một người nữa tên gì?

- Anh đó tên Mẫn. Ba anh em học chung với nhau hồi lớp mười hai.

- Bây giờ lại ở chung với nhau vui quá hén?

- Ừ, còn Sương?

- Tôi sao?

- Sương học trường nào? Hùng Vương hay Mạc Đĩnh Chi?

Sương nhún vai:

- Anh đoán trật lất!

Chuyên lại nói mò:

- Hay ở trường chuyên Lê Quí Đôn?

Sương cười:

- Anh không đoán trúng đâu! Tôi đã tốt nghiệp phổ thông rồi.

Chuyên trố mắt:

- Thật không? Sao trông Sương còn "nhí" quá vậy?

- Đó là anh tưởng vậy thôi! Đàn ông bao giờ cũng có thói quen xấu là luôn luôn tự cho mình "lớn" hơn phụ nữ!

Chuyên rụt cổ:

- Chà, chà, Sương lý luận ghê quá! Chắc Sương học trường lý luận phê bình?

- Tôi học Cao đẳng Sư Phạm.

- À, thì ra Sương định làm cô giáo! Nghề giáo nghèo thấy mồ, Sương vô đó làm chi? Bộ Sương không nghe người ta nói "Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm" sao?

Sương "hứ" một tiếng:

- Nói như anh thì lấy ai dạy học trò?

Câu hỏi vặn của Sương khiến Chuyên bối rối. Anh ấp úng:

- Đâu phải mình tôi nói. Nhiều người nói. Báo chí cũng nói...

Sương khẽ nhún vai:

- Nếu ai cũng nói thì tất nhiên ông Nhà nước phải biết. Ổng biết thì ổng phải sửa. Còn bốn năm nữa tôi mới ra trường. Lúc đó, đồng lương nhà giáo chắc đã được nâng lên rồi.

Chuyên khịt mũi:

- Nếu tới lúc đó, lương nhà giáo vẫn còn thấp hơn... mặt đất thì sao?

Đến lượt Sương bối rối. Cô ngập ngừng:

- Thì lúc đó sẽ... tính.

Rồi cô quay sang nhìn Chuyên:

- Nhưng đâu phải ai đến với nghề giáo cũng nhất thiết vì đồng lương!

Chuyên chớp mắt:

- Chứ vì cái gì?

- Vì nhiều lý do. Như tôi chẳng hạn, tôi chọn nghề dạy học vì tôi yêu trẻ con.

Lý do của Sương khiến Chuyên tiếc hùi hụi "Phải chi mình là trẻ con hoài thì hay biết mấy!". Tất nhiên Chuyên không dám nói sự tiếc nuối của mình cho Sương biết. Anh mỉm cười một mình và nói lảng qua chuyện khác:

- Sương mà là cô giáo chắc học trò không dám giỡn mặt.

Sương vuốt tóc:

- Cũng còn tùy! Gặp học trò như ông bạn Nhiệm của anh, chắc tôi phải bỏ nghề sớm!

Chuyên không biết trả lời sao, đành cười hì hì.

Hai người im lặng đi bên nhau.

Một lát, Chuyên hỏi:

- Hôm nay, Sương mới đi học bữa đầu tiên phải không?

- Ừ. Tôi đăng ký đại vô lớp này, không ngờ gặp anh ở đây. Anh theo học lâu chưa?

- Hơn nửa năm rồi.

Sương lại hỏi:

- Ở nhà anh có băng không?

Chuyên sáng mắt lên:

- Có. ABBA, Beatles, Boney.M, đủ thứ!

- Không phải băng nhạc. Tôi hỏi băng học tiếng Anh kìa! Có thì cho tôi mượn nghe vài hôm!

Chuyên gật đầu lia lịa:

- Có, có!

Mặc dù Chuyên thừa biết là mình chẳng có gì cả. Những băng tiếng Anh đã học qua, gần đây Chuyên đều đem đi thu thêm những bài hát của ABBA, Beatles từ các dĩa hát cũ. Băng mới thì anh chưa có. Nhưng anh biết là anh sẽ có, vì Sương, anh sẽ có. Sáng mai, anh sẽ dậy thật sớm, không ăn cơm, không uống cà phê, anh sẽ phóng như bay đến hiệu sang băng gần nhà để thu cuộn băng tiếng Anh có bài học mới nhất. Và dĩ nhiên, để hoàn thành "sứ mạng" đó, and buộc phải... vay tiền của Nhiệm. Nghĩ đến hoàn cảnh trớ trêu đó, bất giác Chuyên bật cười.

- Anh cười gì vậy? - Sương ngạc nhiên.

- Không, tôi có cười gì đâu! - Chuyên chối.

- Anh cười rõ ràng!

- Vậy hả? - Chuyên lúng túng - Tại tính tôi vậy. Tôi hay cười... một mình lắm!

- Tính gì kỳ vậy?

- À, à...

Chuyên đang ậm ừ thì Sương đã lên tiếng:

- Thôi, tôi về đây! Tới nhà rồi!

Như được giải vây, Chuyên mừng rỡ:

- Ừ, Sương về. Tối thứ tư tới, tôi đem băng cho Sương.

- Nhớ nghe!

- Nhớ.

Đợi Sương vào nhà xong, Chuyên mới rảo bước về nhà mình. Hai nhà kề bên, chỉ cách nhau một khoảng sân rộng, khoảng sân mà sáng nào Sương cũng xuất hiện với cây chổi trên tay. Hèn gì khi nãy mình cứ ngờ ngợ, Chuyên vừa đi vừa mỉm cười. Khi đặt chân lên thang gác, anh định bụng sáng mai sẽ bật ngồi dậy ngay lập tức khi tiếng chổi đầu tiên loạt soạt vang lên
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom