• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Qua Một Đời Chồng (9 Viewers)

  • Phần 1: Làm dâu nhà giàu

Qua Một Đời Chồng​





Phần 1: Làm dâu nhà giàu


Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, hỏi han sức khỏe, kể lại cho nhau những điều đã diễn ra trong một năm. Tết là dịp để nhắc nhở quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai sắp đến.
Đối với mỗi người, dù giàu sang hay nghèo khó, dù là tầng lớp cao thấp thế nào trong xã hội, tết cũng là thời gian vui vầy cùng gia đình, hưởng thụ sự đầm ấm mà chỉ có gia đình mới có thể mang lại.
Nhưng với riêng tôi, từ khi lấy chồng cho đến nay đã bốn năm, cũng là bốn mùa xuân trôi qua, chưa năm nào tôi được tận hưởng một cái tết trọn vẹn.
Tết năm nay cũng vậy!!!
Tôi ngồi bên tô mì tôm đã trương phềnh và nguội tanh nguội ngắt, nước mắt lăn dài trên mặt rồi nhỏ tí tách xuống bàn, muốn cầm lên ăn một thìa cho dạ dày đỡ khó chịu nhưng không làm sao mà nuốt nổi.
28 tết, chồng tôi nói:
– Năm nay về nội ăn tết, khóa cửa nhà từ 28 đến khi nào mở cửa hàng thì lên.
Tôi đang xắn tay lau nhà, nghe thế mới ngẩng lên hỏi chồng:
– Trên này còn khách khứa rồi hàng xóm đến chơi nữa chứ anh. Với cả nhà mình cách nhà nội có 4km, ban ngày về dưới đó, ban đêm phải về nhà mình để thắp hương thắp khói cho ấm cửa ấm nhà chứ.
– Tao không cần hàng xóm khách khứa cái quái gì hết. Bảo về là về, lắm mồm.
– Ơ kìa sao anh lại thế. Vợ chồng mình làm ở trên đây, có nhà riêng rồi, tết phải đón ở đây chứ.
Chồng tôi nghe thế thì trợn mắt, hậm hực đi lại đá đổ xô nước tôi đang lau nhà, hùng hùng hổ hổ giơ tay định tát tôi:
– Tao nói mày cãi phải không? Tao đã bảo đây không phải nhà chính của tao, nhà gốc của tao là ở dưới nội, còn nhà này chỉ là nhà tạm của tao thôi hiểu chưa?
Tôi đã quen với tính nết cộc cằn thô lỗ của anh ta từ lâu nên cũng không đôi co nữa mà chỉ né sang một bên để tránh phải ăn mấy cái tát không đáng có.
Tùng thấy thế, càng chỉ tay vào mặt tôi quát to:
– Tao cho mày ở riêng, mày còn không biết thân biết phận. Cái loại đàn bà đã không đẻ được còn mất dạy với nhà chồng. Cả năm có một cái tết mà còn không chịu về, cái thứ như mày ăn ở không có trách nhiệm với người khác thì không bao giờ có con được đâu con ạ.
– Tuần nào cũng về, có tuần nào không về đâu mà anh nói thế? Với cả từ đây về nhà nội có xa xôi gì, ban ngày chạy đi chạy lại, ban đêm phải về nhà mình cho ấm cửa ấm nhà. Anh không coi cái nhà này là nhà của anh thì cũng đừng rủa người khác như thế. Con là con chung đấy, không phải mình em mà đẻ được đâu.
– Tao không cần có con với loại như mày.
Đúng lúc anh ta lại sắp xông vào đánh tôi thì may sao có tiếng hàng xóm ở ngoài cổng gọi:
– Phương ơi, Phương có nhà không thế?
Tùng quắc mắt nhìn tôi, sau đó bàn tay đang giơ trên không trung định đánh phải đành hạ xuống. Tôi quệt vội mấy giọt nước mắt rồi tất tất tưởi tưởi chạy ra, chị hàng xóm đem đến cho vợ chồng tôi một nải chuối nho nhỏ để bầy bàn thờ, còn dúi vào tay tôi một quả bầu hồ lô:
– Này, nhà chị có buồng chuối biếu nhà dì thắp hương, với cả có quả bầu, tặng dì để năm sau đẻ lấy thằng cu nhé.
– Em cảm ơn chị, chị vào nhà chơi đã. Bác năm nào cũng cho em thôi, ngại quá.
– Thôi, chị về luôn đây, đang dọn nhà dở. Nhớ bỏ quà bầu lên bàn thờ, giao thừa thắp hương rồi khấn xin để có con có cái cho vui cửa vui nhà nhé.
– Vâng ạ. Em cảm ơn chị.
Tôi nhìn quả bầu hồ lô mà chị hàng xóm cho, tủi thân quá, nước mắt lại tuôn ra như thác. Bốn năm có lẻ, vợ chồng tôi đã chạy chữa đủ nơi, đủ chỗ nhưng con vẫn chưa về, trong khi đó chúng tôi lấy nhau vốn dĩ không phải vì tình cảm mà là do bị mua bán ép buộc, thành ra mối quan hệ ban đầu đã nhạt, sau này lại không có đứa con làm cầu nối nên càng ngày lạnh lẽo hơn.
Còn gì cô đơn bằng sống trong một gia đình có bố mẹ chồng cay nghiệt, chồng không yêu thương mình, đến con cái cũng không thể có, tôi sống lầm lũi trong căn nhà trống huơ trống hoác, không biết tâm sự với ai, cũng chẳng dám chia sẻ với ai.
Cách đây hơn bốn năm, khi đó tôi vẫn còn là một cô bé mười tám tuổi với bao nhiêu ước mơ, mơ có tiền để đi thi đại học, mơ được lên thành phố làm việc, mơ được sống một cuộc đời tươi sáng hơn. Nhưng mà mẹ tôi… người đã sinh ra tôi, cũng chính là người đã đập bỏ đi ước mơ chưa được thực hiện ấy.
Mẹ tôi nghiện lô đề cờ bạc nên bố tôi không chịu nổi, cuối cùng hai người phải đưa nhau ra tòa li dị, tôi ở với mẹ còn em trai ở với bố. Trong suốt quãng thời gian ở với mẹ đó, số lần người ta đến đòi nợ mẹ tôi còn nhiều hơn số lần tôi được gặp lại bố và em trai tôi.
Trong một lần mẹ tôi vay nặng lãi để trả tiền thua bạc, nợ nhiều quá mà không có khả năng trả nên xã hội đen đến nhà làm loạn lên. Tôi còn nhớ lúc đó nhà chẳng có nổi thứ gì giá trị, chỉ có mỗi một con lợn tôi nuôi để chờ bán lấy tiền đi thi đại học, mẹ tôi cũng phải bán vội bán vàng để trả lãi cho người ta.
Hôm đó, tôi ngồi bệt giữa ngôi nhà tan hoang vì bị đập phá, ôm tấm ảnh chụp chung duy nhất của gia đình tôi khóc đến mức sưng vù hai mắt. Mẹ tôi mặt mày cũng bị xã hội đen tát thâm tím, bà ngồi xuống bên cạnh tôi, nước mắt ngắn dài:
– Phương ơi, mẹ xin lỗi con, mẹ sai rồi.
Khi ấy, tôi mới học xong cấp ba, trong lòng lúc nào cũng thầm nhủ chỉ còn nửa tháng nữa là tôi có thể thoát khỏi cái xóm nghèo này, có thể lên thành phố kiếm tiền, cánh cổng đại học rộng lớn đang chờ tôi, chỉ cần tôi nỗ lực hết mình thôi. Thế mà bây giờ đến con lợn duy nhất làm lộ phí cho tôi đi thi cũng bị gán nợ, sách vở ôn tập cũng bị người ta xé tan xé nát, mẹ nợ chồng nợ chất như vậy… mọi cánh cửa đối với tôi đã đóng lại, hết rồi… hết thật rồi.
– Phương ơi, con đừng im lặng như thế, con trả lời mẹ đi, con nói gì đi, mẹ xin con đấy.
Tôi gạt nước mắt, ngước hốc mắt sưng đỏ lên nhìn mẹ tôi:
– Mẹ muốn con nói gì bây giờ? Mẹ nợ người ta hai trăm triệu, một ngày lãi đã bằng tiền đi chợ cả tuần, con lợn con nuôi chỉ chờ ngày bán để có tiền đi thi đại học, mẹ cũng gán nợ cho người ta. Mẹ bảo con phải sống làm sao, sống làm sao đây?
– Con ơi mẹ biết mẹ sai rồi. Mẹ chỉ muốn kiếm thêm ít tiền để con đi thi thôi, xong rồi càng thua càng muốn gỡ nên mới nợ.
– Con không cần tiền từ việc cờ bạc của mẹ. Mẹ nhìn xem bao nhiêu năm, bố không chịu nổi cái tính thích đỏ đen của mẹ nên mới phải mang thằng Phong đi, mẹ thấy thế sao vẫn không thay đổi, sao bao nhiêu năm rồi mẹ vẫn không thay đổi.
– Mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi con, mẹ hứa từ bây giờ sẽ bỏ hẳn lô đề cờ bạc, con tha thứ cho mẹ con nhé.
Tôi không còn hơi sức đâu mà đôi co với mẹ nên loạng choạng chống tay đứng dậy, bàn tay vẫn cầm chặt tấm ảnh của gia đình tôi. Mẹ tôi thấy tôi không nói gì, tự nhiên lại quỳ xuống ôm lấy chân tôi, khóc rống lên:
– Phương ơi, mẹ xin con, chỉ có con giúp được mẹ thôi. Nếu không, ngày mai bọn nó đến giết mẹ mất. Con ơi, con phải giúp mẹ.
Tôi nhìn quanh căn nhà chẳng có một thứ gì có giá trị, đồ đạc bị đập ngổn ngang, tự nhiên lại cười nhạt:
– Mẹ nhìn xem nhà mình còn cái gì để gán nợ không, mẹ gán nốt đi.
– Bán cả cái nhà này cũng không đủ trả nợ đâu con ơi.
– Thế sao mẹ biết thế mà mẹ vẫn làm, sao mẹ vẫn ký giấy nợ?
– Mẹ sai rồi, sai rồi. Con ơi, con giúp mẹ đi.
Tôi cúi xuống nhìn gương mặt bị đánh, chỗ thì sưng, chỗ thì tím của mẹ, ngực thắt lại không thở được. Bảo ghét mẹ mình thì không phải, hận bà ấy cũng không phải, tôi chỉ là cảm thấy bất lực, muốn ghét mà không đành, muốn giận mà không được, kiểu như có bệnh nhưng không thể nào cắt bỏ đi vùng cơ thể mang bệnh đó đi.
– Mẹ đứng lên đi, mẹ quỳ xuống thế con có tội với tổ tiên lắm.
– Không, con phải đồng ý với mẹ thì mẹ mới đứng lên. Mẹ cùng đường rồi, nếu không trả được nợ cho họ thì họ giết mẹ mất con ơi.
– Thế mẹ muốn con phải làm sao? Bán gan, bán thận, hay bán cái gì mẹ nói đi.
– Không, không bán cái gì cả. Nhà bà Hoa ở trên phố có một đứa con trai muốn lấy vợ… chỉ còn cách đó thôi con ơi.
Nghe mẹ tôi nói xong một lúc mà tôi vẫn đứng hình, không sao tin được mẹ tôi lại có thể nói ra những lời như thế. Nhà bà Hoa ở trên phố là nhà giàu nhất ở chỗ tôi, mấy đời kinh doanh vàng bạc đá quý, nhà ấy có hai người con trai, một người thì đã lấy vợ sinh con rồi, còn một người thì bị tai nạn nên liệt mất hai chân.
Tôi vằng tay mẹ tôi ra, hét lên:
– Mẹ định bán con cho người ta à? Sao mẹ lại có thể làm như thế được? Con có phải là con của mẹ không, hay con làm nên tội tình gì mà mẹ đối xử với con như thế.
– Không phải đâu con. Nhà ấy giàu có, còn có người giúp việc, con gả vào nhà họ sau này không cần phải lo đến việc kiếm tiền, cứ đẻ cho họ mấy đứa cháu là được thôi.
– Mẹ có biết con bà ấy bị liệt không? Mẹ có biết con mới mười tám tuổi thôi không? Con còn phải thi đại học, con không lấy chồng, mẹ cũng không có quyền quyết định hôn nhân của con.
– Phương ơi, con thương mẹ với. Bây giờ bán nhà đi cũng không đủ trả nợ, mà con về làm dâu nhà ấy cũng không phải vất vả. Con không giúp mẹ thì mẹ chết thôi con ơi.
Tôi giống như kiểu bị sốc, tự nhiên người giống như bị rút cạn sức lực, cuối cùng cũng không muốn nói gì thêm với mẹ tôi nữa, bỏ vào buồng nằm.
Suốt cả đêm đó tôi thức trắng, sáng ngày hôm sau còn chưa kịp tìm ra cách gì thì người ta lại đến nhà đánh mẹ tôi một trận lên bờ xuống ruộng một lần nữa. Cuối cùng, tôi một phần vì không có tiền đi thi đại học, phần vì thương mẹ mình, đành phải nhắm mắt lên xe hoa đi lấy chồng.
Ngày tôi cưới, chồng tôi không đi rước dâu được nên chỉ có mẹ chồng. Mẹ chồng tôi bỏ lễ đen hai trăm triệu, số tiền vừa đủ để trả nợ cho mẹ tôi, còn tôi thì kể từ giây phút đó đã hiểu rằng mình đã bị bán cho nhà người ta, sau này ăn đời ở kiếp nhà họ, không thể nào thực hiện được ước mơ lớn nhất của tuổi mười tám nữa.
Chồng tôi trước đây cũng thuộc kiểu công tử con nhà giàu, trong một lần đua xe bị tai nạn, chấn thương ở đầu, nghe nói máu tụ trong não chèn ép dây thần kinh nên chân mới liệt. Mà Tùng thì đã quen cuộc sống bay nhảy, đến khi không thể đi lại được, suốt ngày phải ở trong nhà và di chuyển bằng xe lăn nên tính tình càng trở nên cục cằn. Cùng lúc đó, ông nội của anh trở bệnh, yếu quá, trước khi nhắm mắt xuôi tay muốn nhìn thấy đứa cháu trai dựng vợ gả chồng nên mẹ chồng tôi mới mua tôi về để cưới chạy tang.
Lúc gặp nhau lần đầu là hôm tân hôn, anh ta bảo tôi:
– Nhìn ở ngoài cũng không khác trong ảnh là mấy nhỉ?
Tôi thấy anh ta ngồi xe trên xe lăn, mặt mũi cũng sáng sủa đẹp trai nhưng có vẻ ngông ngông, mà cổ lại săm một hình chữ thập nữa nên tôi sợ.
Tôi rúm ró đứng sát vào mép giường, gật đầu:
– Vâng ạ. Em chào anh ạ.
– Chào gì? Ơ, sao nói chuyện như người dưng nước lã thế. Bây giờ lấy nhau rồi thì là vợ chồng, nói chuyện tự nhiên lên xem nào.
– À… vâng. Em chào anh Tùng ạ.
Anh ta tự nhiên cười phá lên:
– Bố con điên. Trước đây chưa yêu ai bao giờ à? Hay chưa có thằng nào tán? Còn trinh phải không?
– Vâng.
– Cởi quần áo ra anh kiểm tra hàng họ xem nào. Hôm trước bà già cho xem ảnh, nhìn cũng ngon nghẻ phết, không biết hàng thật hay hàng giả. Giờ cưới rồi phải check hàng mới được.
Trước tôi nghe nói anh ta là dân chơi chính hiệu, thay người yêu như thay áo, mà nhà anh ta giàu nên gái theo nhiều lắm. Giờ gặp, nghe cách nói chuyện của anh ta mới thấy đúng thế thật. Chỉ mỗi tội, từ khi anh ta bị liệt, người yêu cũ, người yêu mới gì cũng chạy mất dép hết luôn.
Mặt mày tôi đỏ lựng, đang không biết phải làm thế nào thì may sao tiếng mẹ chồng tôi gọi vọng lên:
– Con Phương đâu rồi, mày thay đồ gì mà lâu thế, xuống dọn dẹp mau lên.
– Vâng, con xuống ngay đây ạ.
Nhà chồng tôi to nhất huyện nên dù có người giúp việc nhưng tôi vẫn phải dọn bở hơi tai, đến mười hai giờ đêm mới xong xuôi. Mẹ chồng tôi dân kinh doanh nên cũng thuộc dạng ghê gớm, bà ngồi uống nước chè, nhìn tôi không rời mắt một tý nào, đến khi tôi làm xong, bà vẫy lại nói:
– Hôm nay ngày đầu về làm dâu, tôi nhắc nhở cô mấy việc.
– Vâng. Con nghe đây mẹ ạ.
– Thằng Tùng nhà tôi nó bị như thế, giờ cô là vợ nó, cô phải có trách nhiệm chăm sóc nó cho tử tế vào, đừng để nó phải khó chịu hay phiền lòng gì. Nó mà làm sao thì chỉ có do cô thôi. Vợ phải biết vun vén gia đình, biết chiều chồng, hầu chồng, rõ chưa?
– Vâng, con biết rồi ạ.
– Nhà tôi là nhà kinh doanh buôn bán, nhà cửa lúc nào cũng phải sạch sẽ. Cô về đây làm dâu, hàng ngày cô phải dậy sớm cùng người giúp việc lau dọn nhà cửa và lo việc cơm nước, nhớ là nhà phải lau không còn một hạt bụi, một ngày nấu đủ ba bữa sạch sẽ, đầy đủ dinh dưỡng, quan trọng nhất là phải hợp khẩu vị gia đình tôi. Nhà tôi không hơi đâu mà nuôi báo cô cô,
– Vâng.
– Cô làm sao đấy thì làm, chửa đẻ trong năm nay luôn, nhà tôi neo con, đẻ lấy vài đứa thằng Tùng cho nó vui vẻ.
– Vâng.
– Được rồi, lên phòng xem thằng Tùng ngủ chưa, nó bảo cái gì thì nghe cái đó. Nhà này không có chuyện cãi chồng, cãi người lớn đâu, làm con dâu chỉ việc nghe và làm theo thôi, không được có ý kiến, hiểu chưa.
– Dạ vâng ạ, con hiểu rồi ạ. Con xin phép mẹ con lên phòng.
Tôi nói xong, vừa định quay đi thì mẹ chồng tôi lại lên tiếng:
– À quên, còn nữa. Của cải nhà tôi, cô đừng có tơ hào lấy một thứ gì, một đồng cũng đừng có mắt la mày liếc. Để tôi biết thì cô đừng trách, lúc đó không chỉ có mình cô đâu, mẹ cô cũng không xong với tôi đâu.
Thật ra tôi vốn biết gả vào nhà giàu, mà gả theo kiểu bị bán thế này, chắc chắn không bao giờ được người ta tôn trọng hay thoải mái sung sướng gì. Tôi biết thân phận mình nên cũng không mong gì nhiều, nhưng mới ngày đầu về làm dâu mà thế này, tôi thấy sợ và áp lực quá.
Tôi lặng lẽ gật đầu nhìn mẹ chồng:
– Vâng ạ. Con sẽ không làm thế đâu ạ.
– Nói trước cho mà biết. Liệu mà sống. Lên phòng đi.
– Vâng.
Lúc tôi lên đến phòng ngủ đã gần mười hai rưỡi đêm, chồng tôi vẫn đang ngồi trước màn hình máy tính chơi game gì đó tôi không rõ.
Anh ta đeo tai nghe nên không nghe thấy tiếng tôi vào, mà tôi cũng không dám lại gọi nên cứ đứng đực ở cửa, chờ đúng gần một tiếng, Tùng mới quay lại, nhìn thấy tôi anh ta giật mình hét ầm lên:
– Cô làm cái quái gì đấy, định dọa chết người khác à?
***
Lời tác giả: Khai bút đầu xuân còn hơi nhạt nhẽo và thiếu kịch tính, nhưng chị em yên tâm, kiểu gì càng về sau cũng càng mặn.
Mọi người đọc xong đừng quên trả lì xì like cho bạn Hổ đấy nhé. Đa tạ!!!


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom