Quan Gia
Tác giả: Bất Tín Thiên Thượng Điệu Hãm Bính
Chương 1339: Phương án cải cách giáo dục (P1)
Nhóm dịch Quan Trường
Nguồn: metruyen
Ngụy Phượng Hữu và các đồng chí khác, trong lòng đều có băn khoăn, điều này, trong lòng Lưu Vĩ Hồng biết rất rõ ràng. Nhưng hắn cũng chưa dự định sẽ suy xét đến những việc này. So với những việc lớn như cải cách giáo dục cải cách y tế mà nói, quy tắc quan trường đều không tính là gì, Lưu Vĩ Hồng lại càng không suy xét đến những điều lặt vặt trong lòng những đồng nghiệp. Tính quan trọng hoàn toàn không nằm ở cấp bậc.
- Tiểu Đổng, đưa các phương án của Ủy ban Giáo dục các cô ra nói một chút đi.
Ánh mắt Lưu Vĩ Hồng dừng lại trên khuôn mặt xinh đẹp của Đổng Thư Ngữ. Đổng Thư Ngữ là một bông hoa xinh đẹp trong phòng hội nghị, mỗi lần họp, chỉ cần Đổng Thư Ngữ có mặt, tức khắc sẽ có ánh mắt của một vài đồng chí bất giác nhìn về phía cô. Trừ Bí thư Lưu và Chủ tịch khu Ngụy đang ngồi đây, các cán bộ khác vẫn có chút không nhẫn nhịn được, ánh mắt thỉnh thoảng vẫn nhìn qua.
- Vâng, Bí thư Lưu.
Đổng Thư Ngữ lễ phép gật gật đầu, lập tức mở tập tư liệu trước mặt ra.
Đổng Thư Ngữ đến làm việc ở Ủy ban Giáo dục khu Ninh Dương, cũng đã được hai tháng. Lúc trước đối với sự sắp xếp của Lưu Vĩ Hồng, mọi người đều không coi trọng, cho rằng đó là ‘ra lệnh tầm bậy’. Thứ nhất Đổng Thư Ngữ còn trẻ tuổi, thứ hai là đồng chí nữ, thứ ba tính cách yên tĩnh, tình hình như vậy, đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm ở Khu ủy, làm trợ thủ cho Hàn Tất Thành, làm những việc như nghênh đón hoặc đưa tiễn, thì mới thích hợp, cũng là một hình ảnh đại diện khá tốt cho Khu ủy Ninh Dương. Trước đây mời Đổng Thư Ngữ đến như một nhân tài, sắp xếp làm việc ở văn phòng Đảng ủy, là một quyết sách đúng đắn. Sự thật chứng minh, Đổng Thư Ngữ ở vị trí này làm rất tốt, như cá gặp nước, như vậy không cần làm lộn xộn, cứ để cô tiếp tục làm công việc này là được rồi. Lại hà tất phải lập chức mới, cứ phải để một nữ đồng chí an tĩnh trẻ tuổi như vậy, đảm nhiệm một chức vụ quan trọng như Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục?
Từng có một thời gian có lời đồn đại, Lưu Vĩ Hồng và Đổng Thư Ngữ là thế nào thế nào. Dựa theo suy nghĩ quán tính của mọi người, cùng với môi trường của quan trường, cũng không tránh được những lời đồn đại nhảm nhí như vậy. Vốn dĩ nữ cán bộ đã là số ít trong quan trường, hơn nữa Đổng Thư Ngữ lại trẻ trung xinh đẹp như vậy, lại là một nữ tiến sĩ chưa kết hôn, gần như tất cả những hào quang đều tập trung trên người cô, muốn không nảy sinh những lời đồn nhảm cũng khó.
Huống hồ bản thân Lưu Vĩ Hồng, cũng là một ‘ổ thị phi’. Giám đốc sở hai mươi tám tuổi, nhân vật số một Khu ủy, độ tuổi tương đương với Đổng Thư Ngữ, có thể nói là Kim Đồng Ngọc Nữ, khi rảnh rỗi cũng có những người cố ý ghép cặp họ với nhau. Lại thêm Lưu Vĩ Hồng đặc biệt đề bạt Đổng Thư Ngữ, lại càng khiến người ta nói rằng có chuyện mờ ám.
Thực tế, sự ủng hộ của Lưu Vĩ Hồng đối với Đổng Thư Ngữ quả thật cũng rất lớn.
Bởi vì chịu sự liên lụy của Thân Chấn Phát, hai vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục và Trưởng phòng Tài vụ đều lần lượt bị Ủy ban Kỷ luật dẫn đi, áp dụng biện pháp bắt giam. Ba vị trí quan trọng bị trống này, Lưu Vĩ Hồng đều ‘giao’ toàn bộ cho Đổng Thư Ngữ.
Đó chính là ‘giao’ thật sự, ứng cử viên cho hai vị trí Phó chủ nhiệm và Trưởng phòng Tài vụ, đều do đích thân Đổng Thư Ngữ đề danh. Cán bộ cấp Cục phó và cấp Trưởng phòng trong toàn khu, chỉ cần có điều kiện thích hợp, đều được cô chọn, cô nói người nào thì sẽ là người ấy.
Đương nhiên, tiếp theo đó cũng phải đi theo quy trình tổ chức chính quy, Bí thư Khu ủy đề danh, Ban Tổ chức cán bộ Khu ủy tiến hành khảo sát cán bộ, thảo luận thông qua trong Hội nghị thường vụ Khu ủy, mới được công khai ra, cuối cùng mới bổ nhiệm.
Quy trình rất cẩn thận tỉ mỉ.
Nhưng những điều này cũng không thể thay đổi nổi sự thật là Lưu Vĩ Hồng ‘sủng ái’ Đổng Thư Ngữ. Việc bổ nhiệm ba cán bộ này, đều do tay Bí thư Lưu thông qua, những lãnh đạo Khu ủy khác, cơ bản đều không thể xen vào. Nói ra, chính là lộ liễu ‘mưu đồ’ cho Đổng Thư Ngữ.
Kể từ đó, những lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Ủy ban Giáo dục cũ, gần như hoàn toàn bị tiêu diệt, đều đổi lại thành những thân tín của Đổng Thư Ngữ. Trong thời gian hai tháng ngắn ngủi, Đổng Thư Ngữ đã có uy vọng rất cao ở Ủy ban Giáo dục.
Ít nhất bề ngoài là như vậy.
Người ta trẻ tuổi xinh đẹp, lại có nhân vật số một là Bí thư Khu ủy làm chỗ dựa, những cán bộ nhỏ phía dưới, làm được gì?
Còn ngại chỗ ngồi của mình quá vững chắc rồi, trong lòng không thoải mái hay sao?
Những lời đồn đại này, đương nhiên cũng bay vào tai Lưu Vĩ Hồng và Đổng Thư Ngữ. Lưu Vĩ Hồng hoàn toàn không quan tâm, thân trong chốn quan trường, cũng giống như dấn thân vào chốn giải trí vậy, muốn tránh tất cả những lời đồn đại vô vị, thật sự không thể được. Bí thư Lưu nếu để ý những việc này, mỗi ngày chỉ làm mỗi việc là tức giận, những việc khác hoàn toàn không cần phải làm nữa. Về phấn Đổng Thư Ngữ, vẫn giống như lúc trước khi ở Khu ủy, không hề sợ hãi, hoàn toàn không nói với những người khác về chuyện riêng. Cho dù đi làm hay hết giờ làm, gặp mặt với các đồng nghiệp, mở miệng là nói đến công việc, không hề cho những người lắm chuyện cơ hội nào hết.
Phải nói, thái độ ‘chỉ bàn công việc’ này của Đổng Thư Ngữ, cũng khiến cô để lại được những ấn tượng khá tốt trong lòng những cán bộ cấp trung trong Ủy ban Giáo dục. Đối với những cán bộ cấp trung mà nói, Chủ nhiệm Đổng và Bí thư Lưu có phải ngủ cùng một giường hay không, bọn họ thật sự cũng không quan tâm nhiều như vậy. Chẳng có xung đột quan hệ lợi ích mật thiết gì với mọi người mà. Thân Chấn Phát rơi đài, vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục không phải do Đổng Thư Ngữ ngồi, cũng là một người khác đến ngồi, dù sao cũng không đến phiên bọn họ.
Nhưng lãnh đạo mới nhậm chức, lấy công tác làm trọng, không nói chuyện riêng, liền khiến những cán bộ bậc trung này cảm thấy một sự hy vọng và triển vọng nào đó. Mặc kệ Đổng Thư Ngữ lên giường của ai, chỉ cần cô đối xử công bằng với những cán bộ cấp trung, quan tâm trân trọng họ, thì chính là lãnh đạo tốt.
Hai tháng này, ngoại trừ hiểu được những cơ chế quản lý bên trong Ủy ban Giáo dục, công việc chủ yếu của Đổng Thư Ngữ, chính là đề ra một phương án cải cách giáo dục toàn diện. Mấy ngày trước, phương án này đã đặt trên bàn các vị lãnh đạo Khu ủy và Ủy ban nhân dân khu.
Bây giờ thấy Lưu Vĩ Hồng chỉ đích danh, Đổng Thư Ngữ cũng không hề cảm thấy hoang mang.
Sau khi phương án này được gửi lên, Lưu Vĩ Hồng đã đích thân triệu kiến cô, đã cùng cô tiến hành thảo luận từng khoản mục, nói chuyện trong suốt hai giờ đồng hồ. Có thể nói, đây thực ra cũng là phương án của chính Lưu Vĩ Hồng rồi.
- Bí thư Lưu, Chủ tịch khu Ngụy, các vị lãnh đạo, căn cứ theo chỉ thị của Khu ủy và Ủy ban nhân dân khu, Ủy ban Giáo dục chúng tôi thông qua hai lần điều tra, thăm dò luận chứng, đã đưa ra phương án cái cách giáo dục bước đầu. Bây giờ sẽ làm một báo cáo đơn giản với các vị lãnh đạo, có những điểm chưa toàn diện, mong các lãnh đạo phê bình chỉ điểm…
Đổng Thư Ngữ dựa theo quy trình tiêu chuẩn của chính quyền, bắt đầu bản báo cáo của mình.
Phương án này của Ủy ban Giáo dục, tổng cộng chia làm bốn phần lớn.
Phần thứ nhất, là tiến hành trình bày toàn diện về hiện trạng giáo dục hiện nay của Ninh Dương. Ninh Dương trước kia thuộc huyện Kinh Hoa, sự nghiệp giáo dục cũng không được coi trọng lắm. Trong vùng ngoại ô, không có trường cao đẳng, chỉ có hai trường trung cấp chuyên nghiệp. Cho nên Đổng Thư Ngữ chủ yếu trình bày về tình hình của trường trung cấp, trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học.
Căn cứ theo thống kê, hiện nay trong toàn khu Ninh Dương, học sinh trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học có khoảng hai trăm ngàn học sinh, giáo viên có khoảng tám ngàn người.
Lúc này bố trí của trường học trong khu Ninh Dương, vẫn còn sử dụng bố cục của những năm tám mươi. Trong mỗi khu trực thuộc văn phòng quản lý khu, đều có một trường trung học phổ thông. Văn phòng làm việc Đông Dương ở trong nội thành, có ba trường trung học phổ thông, trong toàn khu có hai mươi trường trung học phổ thông. Mỗi một văn phòng quản lý, có ba đến năm trường trung học cơ sở, trong toàn khu tổng cộng có ba mươi chín trường trung học cơ sở, có 117 trường tiểu học.
Toàn bộ học sinh trung học cơ sở và tiểu học trong toàn khu, cũng khoảng mười ngàn.
- Dựa theo thống kê bước đầu của chúng tôi, hiện nay tỷ lệ trẻ đến tuổi được đi học trong toàn khu có khoảng 96%, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở nhập học chiếm khoảng 92%, tỷ lệ nhập học trung học phổ thông 80%. Tỷ lệ này, còn cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc mấy phần trăm.
Đổng Thư Ngữ chậm rãi báo cáo. xem tại
Ninh Dương dù sao cũng là khu trực thuộc cấp phó tỉnh, kinh tế phát triển, nằm hạng trung trong cả nước, nằm trên mức trung bình. Đối với những gia đình bậc trung mà nói, cũng không tính là nghèo khó, tỷ lệ trẻ và thiếu niên nhập học, cao hơn so với tỷ lệ bình quân cả nước, cũng là điều đương nhiên.
Nhưng báo cáo của Đổng Thư Ngữ cũng nói đến, so với các thành phố trong khu trực thuộc khác, tỷ lệ này lại khá thấp. Nhất là tỷ lệ nhập học trung học phổ thông và trường trung cấp chuyên nghiệp, so với các thành phố trực thuộc khu khác còn thấp hơn.
Giống như các khu trung tâm trực thuộc khu như khu Hoàng Long, khu Lý Ngư, tỷ lệ thanh thiếu niên nhập học trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, đạt đến 85% trở lên. Còn tỷ lệ học sinh tiểu học nhập học là 100%, tỷ lệ học sinh nhập học trung học cơ sở cũng vượt qua 95%.
Ngụy Phượng Hữu và những lãnh đạo khu có mặt, đều lộ ra nụ cười.
Theo số liệu này, hiện trạng giáo dục của khu Ninh Dương, không tính là lạc hậu, chứng tỏ những lãnh đạo như bọn họ, trước đây cũng đã khá quan tâm đến công tác giáo dục. Còn về việc chưa bằng được các khu trung tâm như khu Hoàng Long và khu Lý Ngư, đó cũng là điều đương nhiên. Tốc độ phát triển kinh tế khác nhau, kết cấu cư dân cũng không giống nhau, thì sự chênh lệch này cũng rất bình thường.
Phần thứ hai trong phương án của Ủy ban Giáo dục, chính là phổ cập cơ chế giáo dục nghĩa vụ bắt buộc chín năm.
Đây chính là nội dung chính trong toàn bộ phương án.
Quy chế bắt buộc chín năm, trong báo cáo của Đổng Thư Ngữ có nhắc đến ba trọng điểm. Thứ nhất đương nhiên chính là giai đoạn giáo dục nghĩa vụ bắt buộc chín năm, thiếu nhi và thiếu niên đến tuổi nhập học, sẽ được miễn toàn bộ những chi phí phụ, tất cả những kinh phí giáo dục, đều do chính phủ đảm nhận. Trọng điểm thứ hai, chính là bố cục trung tiểu học, phải sửa đổi. Những vùng dân cư đông đúc, số lượng trường trung tiểu học không đủ, rất căng thẳng, còn những nơi khá heo hút khác, lại không đủ học sinh, phân phối nguồn giáo dục không cân bằng. Trọng điểm thứ ba, chính là cưỡng chế nhập học.
Chế độ giáo dục nghĩa vụ, đương nhiên phải có tính cưỡng chế, tính thông dụng. Nếu các bậc cha mẹ có con đến tuổi đến trường mà không đem con đi nhập học, chính phủ phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
- Các vị lãnh đạo, căn cứ theo tình hình thực tế của khu Ninh Dương chúng ta, trước mắt thực hiện cơ chế giáo dục nghĩa vụ bắt buộc chín năm, là rất thích hợp, khá phù hợp với điều kiện thực tế khách quan. Sau này, chờ cho nền kinh tế chúng ta phát triển thêm, khi thu nhập tài chính nhiều hơn, có thể suy xét đến cơ chế nghĩa vụ miễn phí giáo dục mười hai năm thậm chí mười lăm năm nữa.
Đổng Thư Ngữ nhìn thoáng qua cặp tài liệu trước mặt, nói.
Ngụy Phương Hữu không khỏi liếc nhìn qua Phó chủ tịch thường trực khu Tưởng Vĩnh Dân đang ngồi đối diện một cái, khóe miệng cũng lộ ra nụ cười khổ.
Bà cô của tôi, cơ chế giáo dục bắt buộc chín năm, đã khiến cho nguồn tài chính đổ xuống sông xuống biển rồi, cô còn muốn làm cơ chế mười hai năm, mười lăm năm nữa. Tiền không phải do cô kiếm, nên cô không biết quý.
Chỉ là bọn họ vừa rồi nghe Lưu Vĩ Hồng nói, việc này, là Phó thủ tướng Hồng đích thân căn dặn, nên cũng không dám tùy tiện mở miệng phản đối. Vả lại nghe Đổng Thư Ngữ báo cáo xong phương án của cô đã rồi nói.
Bình luận facebook