• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Hot Quân vương ngự nữ (7 Viewers)

  • Chương 216

Theo chân tổng quản thái giám Trịnh Hoài An, Trần Tĩnh Kỳ nhanh chóng tiến vào bên trong Ngự thư phòng. Khi đã đứng trước thư án, hắn liền khom lưng cúi đầu, kính cẩn thưa:

- Tĩnh Kỳ thỉnh an phụ hoàng.

Hai tiếng "phụ hoàng" này, thú thật Trần Tĩnh Kỳ hắn cũng không thích gọi đâu. Nhưng nếu Lý Uyên đã bảo, hắn rất sẵn lòng làm theo. Đã từng sống nhẫn nhục bao nhiêu năm nơi cung cấm Trần đô, hắn sớm thích nghi rồi.

Hạng đế đem tấu chương đang cầm để lại xuống bàn, hồi đáp:

- Tĩnh Kỳ, ngươi tới rồi. Khục...

- Phụ hoàng, sức khoẻ của người...?

Lý Uyên khoát tay:

- Không cần để ý, chỉ là cảm mạo thông thường thôi.

Trần Tĩnh Kỳ lặng lẽ quan sát, thấy thần sắc của Lý Uyên có phần nhợt nhạt, mắt cũng thâm quầng, hẳn do thiếu ngủ. Hắn đoán những ngày qua, vì chuyện quốc gia mà Lý Uyên đã phải hao tâm tổn trí nhiều.

- Phụ hoàng, người nên giữ gìn long thể.

Lý Uyên cười hiền, quay sang căn dặn thái giám Trịnh Hoài An một câu, rồi bảo hắn lui hẳn ra bên ngoài chờ đợi.

- Tĩnh Kỳ, hôm nay ta cho gọi ngươi đến, lý do ngươi hẳn cũng đã đoán ra đi.

- Phụ hoàng, là vì việc lựa chọn người đảm nhiệm chức vị Đại tướng quân?

Lý Uyên gật đầu:

- Vấn đề này vốn không nên trì hoãn lâu.

Rồi hắn hỏi:

- Tĩnh Kỳ, theo ngươi thì nên bổ nhiệm ai là thích hợp nhất?

- Việc này...

Trần Tĩnh Kỳ vờ tỏ ra do dự.

Thấy hắn bày ra bộ dáng đắn đo như vậy, Lý Uyên mới giục:

- Không có gì phải lo lắng, ngươi cứ thẳng thắn nêu ra quan điểm của mình.

- Vậy... Tĩnh Kỳ xin bày tỏ.

Trần Tĩnh Kỳ hít nhẹ một hơi, nói:

- Phụ hoàng, trong số những cái tên đã được đề cử, Tĩnh Kỳ cho rằng Tương Kính hầu là thích hợp hơn cả.

Trên mặt Lý Uyên chẳng biểu lộ gì, rất điềm tĩnh.

- Tương Kính hầu? Tại sao ngươi lại cho rằng Tương Kính hầu là người thích hợp nhất?

- Có ba lý do.

Trần Tĩnh Kỳ nêu ra:

- Thứ nhất, chức Đại tướng quân trước do Tương Kính hầu đảm nhiệm, vốn đã vô cùng quen thuộc. Thứ hai, uy vọng của Tương Kính hầu trong quân ngũ là không cần bàn cãi, chắc chắn đủ để phục chúng, dễ dàng thống nhất nhân tâm tướng sĩ. Thứ ba, Tương Kính hầu nói riêng và Lâm gia nói chung, xưa giờ đều rất mực trung thành, chưa từng phát sinh chuyện kéo bè kết đảng, chỉ vì lợi ích quốc gia mà phục vụ...

Lý Uyên im lặng lắng nghe, đợi Trần Tĩnh Kỳ trình bày xong hết mới ngẩng lên nhìn, rồi hỏi:

- Tĩnh Kỳ, ngươi đối với Tương Kính hầu, đối với Lâm gia đã hiểu được bao nhiêu?

- Thưa phụ hoàng, Tĩnh Kỳ hiểu biết không nhiều, nhưng cũng giống như các trí sĩ, những lão thần Hạng quốc, tin tưởng Tương Kính hầu là người trung can nghĩa đảm, hết lòng lo nghĩ cho quốc gia.

...

Lý Uyên rời ghế, chân hướng cửa sổ bước lại. Hắn đưa mắt nhìn ra bên ngoài, nét mặt đăm chiêu, mãi một hồi lâu mới lại lên tiếng:

- Lúc trước, trong lòng ta đối với Lâm gia quả thực đã có nghi kị. Lâm gia mấy đời nắm giữ quyền binh, uy vọng quá lớn, tới đời Lâm Hào thì lại càng chói lọi, tới mức khiến cho kẻ làm vua như ta cũng tự thấy ảm đảm ba phần. Ta tự hỏi, nếu có một ngày Lâm gia nảy sinh tham niệm, muốn thay thế nhà họ Lý ta thì sao? Khi ấy ta lấy gì để chống trả?

- Ta đã từng kể với ngươi rồi đúng không? Thời còn trẻ, bản thân ta cũng đã từng cầm binh đánh trận. Ở trong quân ngũ, bất kể là nơi nào, chỉ cần nhắc đến Đại tướng quân Lâm Hào, chỉ cần nhắc đến Lâm gia, các tướng sĩ đều sẽ tỏ rất ra kính trọng. Từ ánh mắt bọn họ, ta thấy được sự ngưỡng mộ, sùng bái, biết ơn... Có lẽ chúng đã ám ảnh ta.

- Sau này, khi đăng cơ, ta bắt đầu chỉnh đốn lại triều đình, từng bước phân tán quyền lực của Lâm gia. Cuối cùng, ta chính thức bãi bỏ chức vị Đại tướng quân, thu lại binh phù từ tay Lâm Hào...

- Chẳng giấu gì ngươi, sau khi bãi nhiệm chức vị của Lâm Hào, có một đoạn thời gian khá dài ta đã cử người giám sát. Phải, ta chưa thể an tâm. Trong lòng ta đối với Lâm gia vẫn còn nghi kị.

Lý Uyên khẽ thở dài.

- Đôi lúc ta tự hỏi, không biết những gì ta làm liệu có đúng? Ta đối xử với một gia tộc tận trung, đã mấy đời vì Đại Hạng mở mang bờ cõi, hi sinh gìn giữ cương thổ như vậy, liệu có quá vô tình?

Trần Tĩnh Kỳ cân nhắc câu chữ, đáp:

- Phụ hoàng cũng chỉ là vì lo nghĩ cho giang sơn xã tắc. Hạng quốc vốn dĩ thuộc về họ Lý.

- Ngươi nói không sai, giang sơn này là của họ Lý. Thiên thu vạn đại đều phải do Lý gia ta cai trị.

Cuộc trò chuyện hãy còn tiếp tục. Hạng đế đã nói khá nhiều, chuyện xưa nhắc lại không ít. Giống như bộc bạch, giống như biện minh. Song, với Trần Tĩnh Kỳ, hắn cho đó là sự thăm dò. Lý Uyên, ông ta muốn xem phản ứng của hắn.

Đương nhiên là hắn phải phối hợp, chân thành khuyên giải, phân tích thiệt hơn. Đợi đến khi Lý Uyên có vẻ đã "ổn định" tâm tình, nhắc chuyện tướng quân, lúc này hắn mới đưa ra kiến nghị nhằm giúp vị phụ hoàng này của mình được an tâm mà đem chức vị giao phó cho Lâm Hào. Kiến nghị ấy, nội dung như sau: khôi phục chức vị Đại tướng quân cho Lâm Hào, đồng thời tấn phong cho Khúc Long, Khương Nhị làm Tả tướng quân và Hữu tướng quân - hai chức danh mới trong thể chế quan lại triều đình. Mục đích của việc này, dĩ nhiên là nhằm hạn chế sự tập trung quyền lực vào tay Lâm Hào.

Như vậy, nỗi lo của Lý Uyên đã hoàn toàn được giải quyết, trong lòng coi như không còn vướng mắc nữa. Chả thế mà chỉ hai hôm sau, tại buổi thiết triều, Lý Uyên đã liền hạ chiếu, chính thức quyết định bổ nhiệm Lâm Hào làm Đại tướng quân, đồng thời sắc phong cho Khúc Long làm Tả tướng quân, Khương Nhị làm Hữu tướng quân, cùng nhau đảm trách việc quản lý, điều hành quân đội.

"Một nước đi khá bất ngờ", nhiều người đã nghĩ như vậy. Văn võ đại thần, hầu như chẳng có ai lường được quyết định này. Sau khi ngẫm lại, bọn họ lại không thể không thán phục, trong lòng ngợi ca.

"Hoàng thượng thật là anh minh."
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom