Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 85
Suốt thời gian mấy tháng Vũ Văn Nhậm cai trị Thăng Long, bộ Lễ không có việc gì để làm nên ngôi công quán dành cho bộ Lễ trở nên tiêu điều. Khi Vũ Văn Ước cùng hai người lính đến nơi làm việc, họ buồn rầu như bị xem nhẹ hoặc thất sủng. Công đường của Lễ bộ đây ư? Một ngôi nhà dột nát, cửa ngõ đã bị tháo gỡ gần hết. ở chái đông, mái nhà bị thủng một lỗ lớn gần bằng cái nong, mái vỡ, rui mè gãy mục vẫn còn vương vãi trên khoảng nền thấp úng thủy. Không khí bên trong nồng nặc mùi phân dơi, và khó thở vì quá ẩm ướt. Bàn ghế không còn gì ngoài vài ba cái đã gãy chân nằm lăn lóc trong xó.
Quan Lễ bộ phải xăn tay áo lên phụ lực với hai người lính dọn dẹp lại, mới có thể xếp đặt chỗ làm việc được. Mặt khác, ông cầu cứu quan đại tư mã Ngô Văn Sở về khoản bàn ghế. Vũ Văn Ước sai một tên lính đi rồi, lòng dạ cứ nôn nao thắc thỏm. Ông chỉ sợ các quan cựu triều lũ lượt kéo nhau đến mà ông chưa có đủ nghi vệ tối thiểu. Một lúc sau, Ngô Văn Sở cho chở tới một cái bàn cẩn xa cừ khá cao (vì được dùng làm hương án) một cái ghế gỗ tốt, chạm trổ vụng về, một cái ghế mây đã thủng ở chỗ tựa lưng, và một cái đôn sứ hình con voi. Quan Lễ bộ vội cho kê chiếc bàn ngay chính giữa công đường cho đúng lệ, dù chỗ đó nước mưa làm nền ẩm ướt và lấm láp. Sau cái bàn, hướng về phía cổng chính, Vũ Văn Ước đặt chiếc ghế gỗ và cái đôn sứ. Giấy tờ, nghiên mực, ống bút thì đặt tạm trên chiếc ghế mây. Quan Lễ bộ đặt hai chiếc ghế, vì đề phòng quan Trung thư Trần Văn Kỷ có thể đến bất ngờ để tiếp chuyện giới sĩ phu Bắc Hà. Hai tên lính theo hầu thì được phân công như sau: một tên cầm giáo đứng gác trước cổng, một tên đứng ngay trước thềm để hướng dẫn từng người vào gặp quan Lễ bộ rồi đưa người đó ra để đến lượt người khác.
Mặt trời lên được một con sào, giấy mực đã bày sẵn trên bàn mà vẫn chưa có ai đến trình diện. Vũ Văn Ước lấy làm lạ, ngờ rằng các quan cựu triều chưa biết chỗ phải đến. Ông sai một người lính đem dán tờ "chỉ dụ ủy cho Sùng nhượng công làm giám quốc" lên tấm bình phong trước cổng, rồi sai người lính kia đến các đường phố trước công đường xem chừng. Người lính dựng cây giáo vào xó công đường, chạy đi một lúc, trở về bẩm rằng có nhiều người đương tụ năm tụ ba trước đường cái, già có, người nào cũng khăn áo chỉnh tề đúng cách nhà nho nhưng thái độ cử chỉ thì rụt rè lắm.
Quan Lễ bộ Vũ Văn Ướt mỉm cười, kéo cái ghế sát vào bàn để ngồi thẳng lưng, chờ đợi.
Ông phải chờ thật lâu. Một lúc sau, đã có tiếng chân rào rạo trên đường rải sỏi. Vũ văn Ước sửa lại thế ngồi, hai cánh tay khuỳnh ra, hai bàn tay đặt lên mép bàn cho thêm oai vệ. Tiếng chân bước nhẹ ở thềm. Một nhà nho mặc áo lương đen khoảng 40 tuổi, có đôi mắt sâu, ánh nhìn mỏi mệt, cái mũi thẳng, chòm râu đen lưa thưa, tiến về quan Lễ bộ. Tự nhiên Vũ Văn Ước cảm thấy ngại ngùng. Đôi mắt ấy có vẻ tự tin của người quen nắm quyền thế, lại vừa có vẻ trách móc hờn dỗi, như cách nhìn của một vị vương tử nhân từ trách một người hầu cận sơ ý lầm lỗi. Quan Lễ bộ muốn ngồi rán theo tư thế cũ để hỏi danh tính chức vị người khách đầu tiên, nhưng có cái gì còn mạnh hơn cả ý chí buộc ông đẩy ghế đứng dậy. Trong trí ông, một ý tưởng thoạt đến: Hay đây là một hoàng tử của họ Lê? Phải rồi, nếu không phải cành vàng lá ngọc thì không dám ngạo nghễ vào đây một mình như vậy. Bọn quan lại cựu triều vẫn còn đứng khép nép ngoài kia, kẻ này chờ kẻ nọ đi trước để dò đường. Đúng là phong thái của một vì vương tử". Người khách đã đến trước mặt Vũ Văn Ước. Quan Lễ bộ chắp tay vái chào. Người khách hơi ngỡ ngàng, sau đó mỉm cười, chắp tay chào lại. Vũ Văn Ước vui vẻ trỏ chiếc đôn sứ mời:
- Thật hân hạnh quá. Chúng tôi biết thế nào ngài cũng đến. Mời ngài ngồi tạm xuống đây. Bộ Lễ lâu ngày bỏ không, nên ngài thấy đấy... Nhưng, đây chỉ là chỗ hẹn để chúng tôi làm quen với các tôn thất sĩ phu Bắc Hà, vì quan Trung thư sẽ xin tiếp kiến quí ngài ở một nơi khác gần đây. Mời ngài ngồi!
Ngô Thì Nhậm ngồi xuống cái đôn sứ, hơi ngạc nhiên vì cách đón tiếp niềm nở vượt quá mong ước của mình.
* * *
Vừa lúc đó Phan Lê Phiên và Nguyễn Hoàn đang được hai người trai trẻ dìu từng bước lên thềm. Quan bình chương sự (Phan Lê Phiên) dẫn tên hầu đi theo. Hoàn quận công (Nguyễn Hoàn) tuổi già sức yếu, nên có người con trai đi theo chăm sóc. Thực ra, ngoài lý do sức khỏe, hai quan đại thần đã cao tuổi còn tính phòng xa: nếu vạn nhất có bị quân Nam Hà bắt giữ, thì còn có người chạy về thông báo cho gia đình kịp lánh nạn. Đề phòng kỹ lưỡng như thế, lại thêm ỷ vào cái tuổi già gần đất xa trời, hai vị đại thần đã bạo dạn vào bộ Lễ trước nhiều người.
Vũ Văn Ước thấy hai ông già đi đứng lẩy bẩy, nét mặt không có nhiều khí sắc linh hoạt, ăn mặc bình thường như các cụ đồ già ở thôn quê, nên ngồi yên trên ghế, hỏi từ xa:
- Các ông là quan cựu triều phải không?
Phan Lê Phiên liếc nhìn Nguyễn Hoàn, có ý nhường cho người lớn tuổi hơn. Hoàn quận công đang húng hắng ho, nên Phiên đáp:
- Thưa vâng.
Vũ Văn Ước hỏi tiếp:
- Các ông đã đọc kỹ tờ chỉ dụ của Chúa Thượng rồi chứ?
Vẫn Phan Lê Phiên đáp:
- Thưa đã đọc kỹ.
Vũ Văn Ước với tay kéo thếp giấy và cái bút lông gần phía mình, chấm đầu bút vào nghiên mực sẵn sàng viết, và hỏi:
- Hai ông cho biết tên họ và chức tước.
Quan lễ bộ liếc nhìn Ngô Thì Nhậm, không nhận ra vẻ lúng túng của viên cựu hữu thị lang bộ Công, mím môi viết số thứ tự lên tờ danh sách rồi chừa trống dòng đầu, chờ ghi tên hai đại thần vào hàng thứ hai và thứ ba. Phiên nói lớn:
- Tôi là Phan Lê Phiên, trước làm bình chương sự.
Hoàn quận công nói:
- Tôi là Nguyễn Hoàn.
Vũ Văn Ước chờ lâu chưa thấy Hoàn xưng chức tước, ngước lên hỏi:
- Làm gì?
Quan lễ bộ ngơ ngác vì thấy Ngô Thì Nhậm đã đứng dậy len lén đi ra phía cửa. Vũ Văn Ước nghĩ: "Chắc vương tử mắc đi giải". Ông mỉm cười, hỏi Nguyễn Hoàn:
- Ông hãy thành thật khai chức tước cao nhất. Không việc gì đâu. Chúa Thượng muốn dùng người tài đất Bắc, chứ không làm hại đâu mà sợ.
Nguyễn Hoàn đáp:
- Trước khi cáo lão, tôi đã từng làm tham tụng.
Vũ Văn Ước vội ngửng lên nhìn hai ông khách. Chức bình chương sự nghe mới mẻ lạ tai nên quan Lễ bộ chưa hiểu thấp cao, nhưng chức tham tụng thì ông biết rõ. Trong một thoáng, ông nhìn hai người một cách khác. Vũ Văn Ước đứng dậy lễ phép nói:
- Quí ngài cảm phiền chờ cho một chút. Vương tử trở lại, tôi sẽ đưa cả ba vị qua gặp quan Trung thư lệnh. Không biết vương tử đi đâu lâu vậy?
Thấy Vũ Văn Ước dáo dác tìm, Phan Lê Phiên thắc mắc hỏi:
- Ngài vừa nói đến vị vương tử nào?
Vũ văn Ước đáp:
- Vị ấy vừa ngồi đây với tôi.
Phiên hiểu sự lầm lẫn của Vũ văn Ước, nhưng chưa hiểu vì sao Ngô Thì Nhậm phải đánh lừa quan Lễ bộ Tây Sơn, nên dè dặt nói:
- Có lẽ Hoàn quận công đây biết rõ người vừa ngồi với ngài.
Vũ Văn Ước hấp tấp hỏi:
- Thưa, vị nào thế ạ?
Nguyễn Hoàn đáp:
- Ông ta là Ngô Thì Nhậm, trước đây có làm hữu thị lang bộ Công, sau đó bị cách đến năm, sáu năm rồi.
Vũ Văn Ước nổi giận vì nghĩ mình bị lừa dối. Ông run run nói:
- Té ra hắn lừa tôi. Quá lắm rồi. Phải bắt đóng gông hắn lại mới được. Xin lỗi hai ngài chờ tôi một chút. Lính đâu, chạy theo bắt hắn lại.
Người lính đứng chỗ cửa chưa hiểu phải bắt ai, thì Vũ Văn Ước đã chạy đến lôi anh ta đi theo mình.
Bốn người còn lại trong công đường thở phào nhẹ nhỏm vì khỏi cần phải giữ ý tứ với ai nữa. Nguyễn Hoàn cười bảo Phan Lê Phiên:
- Thế mà tôi tưởng cái tên "sát tứ phụ nhi thị lang" ấy đã ngầm liên lạc trước với Tây Sơn rồi chứ! (1)
Phiên cũng cười ra vẻ hả hê, đáp lại:
- Hắn vào đầu tiên. Không biết hắn ba hoa thế nào mà viên lễ quan lại lầm ra một vị vương tử họ Lê.
Nguyễn Hoàn nói:
- Hay hắn tưởng bọn mình không ai dám vào, nên mặc sức nói khoác.
Phan Lê Phiên hỏi người con trai Hoàn quận công:
- Đêm qua Kế liệt hầu (Bùi Huy Bích) nói với cháu thế nào, mà hôm nay không thấy ông ta?
Người con trai của Hoàn lễ phép đáp:
- Dạ chính Kế liệt hầu đưa cháu ra ngõ. Cháu đã đi một đoạn, hầu còn kêu lại dặn thưa với cha cháu là sáng nay phải đi cho đông đủ để họ khỏi xé lẻ ra hiếp đáp.
Nguyễn Hoàn nói:
- Ông ấy chịu khó lặn lội từ Thanh Trì lên kinh, tức là đã chịu "ngước trông lên mà thể hội ý ấy" (2) (cả bốn người trong công đường đều cười). Hay vì có người dọa non dọa già, nên nửa chừng ông ấy sợ.
Phan Lê Phiên nói:
- Dọa được non, chứ dọa sao được bọn già. Đến chết là cùng chứ gì.
Nguyễn Hoàn nheo mắt hỏi:
- Nếu họ buộc ta ra, ông tính sao?
Phan Lê Phiên ngập ngừng, rồi hỏi lại:
- Bác tính sao?
Nguyễn Hoàn không trả lời, đặt câu hỏi khác:
- Vận nhà Lê đã hết rồi chăng?
Không ai nói gì nữa sau câu hỏi khó ấy. Một miếng rui mục tự nhiên rơi xuống chỗ nền úng thủy, gây một tiếng động lẻ loi.
* * *
Ngô Thì Nhậm biết trước thế nào Vũ Văn Ước cũng sai quân lính đuổi theo bắt mình, nên trốn nấp ở nhà một người quen cũ ở gần đó, suốt ngày không dám ra khỏi cửa. Đến tối, ông mới đến chỗ quan Trung thư Trần Văn Kỷ ở, xin được tiếp kiến.
Ban đầu, lính canh nại quân luật nghiêm nhặt, nhất định không cho ông vào. Chẳng những thế, một người lính trẻ nói tiếng Thuận Hóa còn dọa đóng gông Nhậm vì tội gây rối. Ngô Thì Nhậm phải xưng tên và nói dối có hẹn trước với quan Trung thư. Bọn lính nửa tin nửa ngờ, tuy vẫn dậm dọa vài câu nhưng một anh (chính người lính Thuận Hóa) vội vã chạy vào trong bẩm báo với Trần Văn Kỷ. Quan Trung thư đang uống trà, nghe tên Ngô Thì Nhậm vội bỏ chén trà uống dở, xỏ guốc chạy ra cổng. Trong lúc vội vàng, Trần Văn Kỷ mang guốc trái, nhưng ông cứ để mặc như thế không kịp sửa lại. Vừa đến cổng dinh, Trần Văn Kỷ đã lớn tiếng hỏi:
- Quan hữu thị lang đâu rồi?
Ngô Thì Nhậm tiến ra chỗ có ánh đuốc chiếu sáng lễ phép đáp:
- Xin lỗi quan Trung thư, tôi đến làm phiền giấc nghỉ của ngài.
Trần Văn Kỷ mừng rỡ, rối rít bảo:
- Không. Không đâu. Nghe danh ông đã lâu, nay mới được diện kiến. Thật hân hạnh lắm. Mời ông vào. Xin theo lối này. Coi chừng chỗ nước bẩn. Các chú giơ đuốc lên cao soi đường cho quan thị lang. Cơn mưa đêm qua lớn quá làm ngập cả vườn, mãi đến gần sáng nước mới rút hết. Chỗ này có một vũng nước nữa. May đêm nay trời tạnh. Xin theo lối này.
Trần Văn Kỷ đi trước dẫn Ngô Thì Nhậm vào nhà khách. Quan Trung thư nói luôn miệng, trong khi Nhậm im lặng theo gót chủ nhân, tuy trong lòng vui mừng. Vừa mời khách ngồi xuống sập, Trần Văn Kỷ đã bảo:
- Trưa nay tôi vừa được một người bạn Bắc Hà cho mượn đọc bài Mộng Thiên Thai phú của ông. Không ngờ trưa xem văn thì tối đã gặp được người. Bài phú hay quá. So với Tiền Hậu Xích Bích phú của Tô Tử không thua chút nào. Nhất là lời ca ở cuối bài. Tôi vẫn còn giữ bài chép đâu đây.
Trần Văn Kỷ đi lại chỗ án thư lục tìm trong chồng giấy tờ bừa bộn bài phú của Ngô Thì Nhậm. Nhậm nghĩ: "Có lẽ ông ấy chưa hề đọc bài phú của mình, chỉ được nghe nhắc tới tên bài phú mà thôi. Nhưng ông ấy cứ giả vờ như đã đọc, để làm quà tiếp khách văn". Phía án thư, Trần Văn Kỷ lầm bầm:
- Quái. Mới để đâu đây mà tìm không thấy. Tôi cứ ngâm nga đoạn "ca rằng" cả buổi trưa. Để tôi cố nhớ xem. Chậc, đã học thuộc bây giờ lại quên.
Ngô Thì Nhậm nhắc:
- Có phải ngài muốn nói đến đoạn (3)
Cất chén mời khách uống, gõ án mà ca rằng:
Chơi Đào nguyên chừ, hẹn Thiên thai.
Hẹn Thiên thai chừ, ta chửa tới nơi.
Ta chửa tới nơi chừ, lòng nhớ khôn nguôi.
Lòng ta gởi man mác
Núi này mãi cao vời..
Trần Văn Kỷ reo lên:
- Đây rồi. Tôi cẩn thận cất kỹ vào quyển thơ nên tìm không ra. Ông để tôi đọc tiếp nhé.
Mong người tri kỷ chừ một phương trời
Lòng ta, lòng ta chừ, tri âm ai người?
Lòng ta vời vợi chừ đối mênh mông.
Nhìn bóng nhìn áo chừ không thẹn thùng
Mong buổi chơi núi chừ hát bài ca núi
Hát xong một khúc chừ rót thêm một chung
Lòng ta phẳng lặng chừ, mệnh ta yên ổn.
Mệnh ta yên ổn chừ, ta vui trong lòng.
Tuyệt diệu. Lời văn hoa lệ mà không phù phiếm, nhìn rõ cuộc thế nhưng không có chút "oán thiên, vưu nhân". Tuyệt diệu.
Ngô Thì Nhậm rộn rã cả lòng vì bất ngờ gặp được người tri kỷ, nhưng vẫn cố nhún nhường.
- Ngài mến chút tài mọn nên quá khoan dung đó thôi.
Trần Văn Kỷ hăng hái nói:
- Không đâu. Giữa ông với tôi, khách sáo chỗ đầu môi chót lưỡi làm gì! Lại còn mấy câu này nữa:
Khắp vùng vũ trụ nhà ta đó
Đôi cánh chim hồng buộc được nao?
Núi này xin dành lại
Đợi ta về tiêu dao.
Đời người gặp gỡ do tiền định
Há chỉ Đào nguyên mới gặp đào?
Tiêu dao phóng dật mà vẫn giữ nguyên phong thái thung dung tự tin của nho gia! Đọc xong không ngậm ngùi như đọc phú Xích bích. Ngược lại, ta khinh khoái, say mê cuộc đời đến độ điên cuồng. Như thế mới đúng "đường danh giáo", phải không ông?
Giọng say sưa nhiệt tình của Trần Văn Kỷ cuốn hút được kẻ thất chí. Ngô Thì Nhậm quên cả dè dặt. Hai người bàn sa đà hết chuyện văn chương đến đạo học, quên cả mấy chén nước trà đã nguội trên bàn khách. Ngô Thì Nhậm nhớ đến mục đích của mình, nhưng câu chuyện đang sôi nổi quanh các vấn đề cao xa tít mù, làm sao chuyển mạch để nhờ vả những điều tầm thường? Cũng may giữa lúc Trần Văn Kỷ đang nói đến Phật pháp, đột nhiên quan Trung thư khựng lại, bối rối, nhìn về phía Nhậm, áy náy hỏi:
- Tôi lơ đễnh quá lắm. Chắc ông đến đây vì có điều gì cần chỉ giáo?
Ngô Thì Nhậm lúng túng, nhưng cũng gắng đáp:
- Thưa vâng. Quả thực tôi có việc cần nhờ ngài giúp đỡ.
Rồi Nhậm kể một mạch vụ rắc rối ban sáng ở nhà Lễ bộ. Trần Văn Kỷ mau mắn đáp:
- Từ lâu "tôi đã nghe ông là bậc kỳ tài, chẳng may bị tiếng dèm pha, phải trốn tránh hơn năm sáu năm, sự súc tích của ông chắc cũng tinh túy thêm nhiều. Ngày nay, đã đến lúc ông nên ra cho đời dùng. Tôi đã có đem tên ông trình với Chúa Thượng, và khen tài ông có thể dùng vào những việc to lớn. May thay Chúa Thượng trông xuống, có lòng mến tiếc. Thế này là tôi tìm đến ông, ông không phải cần gì đến Vũ Văn Ước nữa" .(4) Thảo nào hôm nay ông ấy đưa các quan sang đây gặp tôi nhiều bận, nhưng không nhắc nhở gì đến ông cả.
Ngô Thì Nhậm tò mò hỏi:
- Tôi hỏi điều này chắc không phải phép, xin ngài miễn chấp cho.
Trần Văn Kỷ ân cần đáp:
- Được, được. Ông cứ tự nhiên.
Ngô Thì Nhậm nói:
- Thưa từ sáng đến giờ, những vị nào đã được ngài tiếp kiến?
Trần văn Kỷ đáp:
- Đầu tiên có Hoàn quận công (Nguyễn Hoàn) và Kiến Xuyên hầu. Sau đó có thêm các ông Phan Huy ích, Hiến sát sứ Thanh Hoa, Ninh Tốn Bồi tụng, Nguyễn Bá Lan Phủ doãn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Du... Ngoài ra có thêm vài vị khác làm chức nhỏ hơn, tiếng tăm trong sĩ giới chưa được rộng nên tôi không nhớ hết. à này, ông có biết Nguyễn Huy Trạc không?
Ngô Thì Nhậm đáp:
- Thưa biết. Ông ấy làm tham tri chính sự.
Trần Văn Kỷ nhìn thẳng vào mắt Ngô Thì Nhậm, chậm rãi nói:
- Ông Trạc nghe lệnh triệu có đến kinh, nhưng đã tự tử ở đài ngự sử đêm qua.
Ngô Thì Nhậm hơi kinh ngạc, nhưng trấn tĩnh ngay, đáp chậm và nhỏ ra vẻ than tiếc:
- Việc gì đến nỗi thế! Đáng thương, mà cũng đáng giận thay!
Trần Văn Kỷ reo lên:
- Đúng. Những người như vậy vừa đáng thương vừa đáng giận. Ông thật là người hiểu đời. Thật là Trời đã run rủi cho tôi và Chúa Thượng được gặp ông. Tôi phải đưa ông đến ra mắt Chúa Thượng ngay. Nhưng sợ quá khuya rồi chăng? Thôi, sáng sớm mai ông đến đây nhé. Tôi cũng đã hẹn các quan cựu triều và tôn thất là chiều mai Chúa Thượng sẽ tiếp họ.
Sáng hôm sau, Trần Văn Kỷ đưa Ngô Thì Nhậm ra mắt Chính Bình Vương. Nguyễn Huệ nghe quan Trung thư giới thiệu Nhậm, vui mừng nói:
- "Ngươi ngày trước vì bị chúa Trịnh không dung, một thân một mình phải bỏ nước mà đi. Nếu như ta không đến đây, bao giờ ngươi mới được thấy bóng mặt trời? Có lẽ ý Trời muốn dành nhân tài riêng cho ta dùng. Ngươi nên cố gắng để lo lấy đường báo đáp.
Ngô Thì Nhậm rập đầu lạy tạ.
Nguyễn Huệ ngoảnh lại phía Kỷ, bảo:
- Người này đã do ta gây dựng lại, nên thảo ngay một tờ chế phong làm Lại bộ Tả thị lang, tước Tình thái hầu, cùng với Vũ Văn Ước coi tất cả các quan văn võ nhà Lê.
* * *
Lãng xin phép được ra phố để tìm mua lụa làm quà cho chị và... Lãng không dám nghĩ tiếp, mặt đỏ vì tự thẹn với mình. Tặng cho nàng xấp lụa Bắc có tiện không? Quan Trung thư sẽ nghĩ thế nào? Lấy "danh nghĩa" gì để tặng? Lãng không tìm được câu trả lời thỏa đáng, nhưng cái ý mua lụa làm quà khiến anh rộn rã vui sướng. Anh tự nhủ: nhận hay không là việc về sau. Bây giờ hãy cứ mua hai xấp lụa thật đẹp, thật tốt cái đã!
Rút kinh nghiệm lần trước, Lãng không mặc binh phục Tây Sơn. Anh ăn mặc giống y một anh tú tài Bắc Hà để đi lại được tự do thoải mái, khỏi bị dân Thăng Long e ngại, cảnh giác.
Lãng hỏi khắp nơi không tìm đâu ra lụa để mua. Người ta nhìn anh như nhìn một hiện tượng lạ. Một chỗ, người ta trợn mắt hỏi Lãng:
- Cái gì, anh hỏi lụa à? Mua về cho vợ may áo à? Anh có muốn chúng nó rình ngay đầu ngõ nhà anh lột trần vợ anh để cướp áo lụa hay không? Hôm kia, bọn vô lại bịt miệng chị hàng cau ở bến đò để cướp cái váy vải sô cũ, bỏ chị chàng tồng ngồng giữa thanh thiên bạch nhật, anh chưa biết ư?
Chỗ khác, người ta bảo:
- Thời buổi này mà anh còn hỏi mua lụa, lạ thật! Không lo mua ít gạo để dành đó, ít bữa nữa đói nhăn răng ra. Mặc áo lụa có quên cái bụng rỗng được không?
Người tử tế thì khuyên Lãng:
- Anh không nên hỏi thế nữa. Bọn trộm cướp nghe được, đoán thế nào anh cũng có nhiều tiền. Nguy lắm. Thời buổi này, cẩn thận thì hơn anh ạ.
Lãng chán nản, lang thang giữa các dãy phố kín cửa. Ngoài đường, người đi lại lác đác, phần lớn là đàn ông. Họ đi vội vã, nếu có bạn đồng hành thì câu chuyện trao đổi với nhau có vẻ bí mật do lối nói thì thào, lối nhìn dáo dác như sợ có người lạ nghe thấy. Đi một lúc, Lãng mới nhận thấy nhiều người đi về một hướng. Anh đi theo họ. Hóa ra dân Thăng Long kéo nhau đến cửa Đại Hưng để nghe ngóng tin tức.
Lãng thấy họ chen chúc nhau, xô đẩy nhau để vào được sát cửa đọc tờ chỉ dụ ủy cho Sùng nhượng công làm giám quốc. Các lời bàn tán quanh Lãng thật lắm vẻ:
- Sao, bác? Ông ấy vẫn được giữ lại làm ông từ giữ đền chứ?
- Thì vẫn!
- Thế sao chỉ dụ dài thế?
- Ông không chen vào xem à?
- Cái áo tôi cũ quá, sợ rách về nhà mẹ nó la lối om sòm lên.
- Rách cũng bõ công. Nhiều chuyện hay đáo để.
- Ô kìa, sao bác bỏ đi!
- Ông nhắc tôi mới thấy lạnh ở lưng. Cái áo tôi bị rách toác một đường dài. Ông chen vào xem nhé. Tôi phải về thay áo đây.
Ở một đám khác:
- Thôi, chuyến này thì nhà Lê đi đứt rồi. Không còn ngờ gì nữa!
- Nhà vua đi thì đã có giám quốc. Ông chú còn chín chắn hơn cháu nhiều.
- Ối dào! Giám quốc! Chỉ "giám" được lũ vàng hương với bầy hạc gỗ. Ông không đọc kỹ câu thứ ba ư?
- Câu nào?
- Thì cái câu: "Nay đương lúc vận nhà Lê đã hết, đạo trời mới đổi, trẫm dám đâu không kính sợ Trời để cùng thiên hạ đổi mới".
- Gớm thật! Ông đọc vanh vách, giọng hùng ghê! Xưng trẫm y như bậc đế vương.
- Biết đâu đấy!
- Chỉ nói dại. Ông nên coi chừng cái mồm của ông. Ông nhớ câu thứ ba mà không chịu nhớ câu cuối: "Phạm đến phép Trời làm mê hoặc dao động lòng dân thì vương pháp rất nghiêm quyết không dung thứ".
- Vì hiểu rõ lòng nhau tôi mới ba hoa cho vui thế thôi. Bác khuyên chí phải. Ta nên về thôi!
Lãng đến gần một nhóm nhà nho đứng tuổi:
- Thế mới xứng đáng chứ. Ít ra còn được một người dám chết cho đại nghĩa. Chẳng lẽ phủ chúa sập có được một Lý Trần Quán, lần này điện vua sập lại chẳng có ai tử tiết. Ông ấy rửa mặt giùm cho tất cả bọn nhà nho Bắc Hà đấy!
- Chọn ngự sử đài làm chỗ tử tiết, thâm nhỉ!
- Nhất định rồi! Chẳng lẽ tự vẫn trong buồng vợ.
- Bác ăn nói thế mà nghe được à?
- Chết là hết. Chắc gì quan tham tri (Nguyễn Huy Trạc) đã nghĩ như bác nghĩ.
- Đừng lấy cây gậy lão của mình đo khí tiết bậc quân tử. Không nên đâu. Sĩ phu Bắc Hà không thiếu gì kẻ trung quân. Tôi nghe nhiều người không thèm đến ra mắt Chính Bình Vương, như quan phó đô ngự sử Nguyễn Đình Giản, quan tham tri Lê Duy Đản, quan thiêm sai Phạm Quí Thích, quan khu mật viện Nguyễn Duy Hợp. Quan tham tụng Bùi Huy Bích cũng không đến.
- Này, phủ doãn Nguyễn Bá Lan có đến không?
- Hình như có thì phải.
- Nếu thật thế thì quá lắm. Hoàng thượng đã gia ân đặc cách tha tội cho ông ấy, bây giờ trả ân như thế hả? (5)
Lãng chán nản bỏ cửa Đại Hưng trở về đường cũ. Anh đi về phía đê sông Phú Lương. Càng đi xa phố phường, anh càng thấy cuộc sinh hoạt của dân chúng êm ả, đơn giản hơn. Dường như ngoài kinh thành, cuộc sống trở nên rộng rãi, mênh mông. Gió thổi trên đồng lúa vàng. Buồm căng đưa thuyền lướt êm trên mặt sóng. Trẻ chăn trâu nằm dài trên lưng trâu, để mặc cho trâu thong thả gặm cỏ dưới chân đê. Lãng cảm thấy lòng lâng lâng, anh ngửng mặt hít mạnh hơi thơm của đồng ruộng. Lãng hối tiếc không có người nào bên cạnh để anh san sẻ niềm vui trinh khiết mới mẻ ấy.
* * *
Cũng vào buổi chiều hôm ấy, Chính Bình Vương tiếp các quan văn võ cựu triều ở điện Chính Trung. Lễ quan Vũ Văn Ước và Ngô Thì Nhậm chịu trách nhiệm hướng dẫn các quan vào lạy chào. Vũ Văn Ước hơi ngượng với Nhậm vì hành động nóng nảy hôm trước, nên cứ tránh né không muốn đứng gần Nhậm. Phần Ngô Thì Nhậm thì hơi nhột nhạt trước cái nhìn dò dẫm và các lời thì thào của các quan cựu triều, thái độ mất cả tự nhiên. Do đó quan Trung thư cáng đáng phần lớn việc thù tiếp. Chính Trần Văn Kỷ đứng ra giới thiệu tên tuổi, chức tước của từng người cho Chính Bình Vương biết. Mỗi lần có một người vào lạy mừng, Nguyễn Huệ mỉm cười gật đầu chào lại:
- Không dám. Xin mừng ông.
Đến lúc các quan ra mắt xong, Chính Bình Vương đòi hết lên thềm vào bảo:
- Ta mừng các ông, vì các ông đến đây đều là kẻ thức thời. Các ông đã hiểu vận nhà Lê đã hết. "Tự hoàng nhà Lê chính do ta lập nên. Nhưng ông ấy là người tối tăm, nhu nhược không thể gánh nổi việc nước, cho nên sau khi ta về nam, liền bị Nguyễn Hữu Chỉnh sai khiến, đến nỗi tự rước lấy vạ bại vong. Ta không tham đất Bắc Hà, nay mai ta lại sắp về nam. Sợ Tự hoàng và Giám quốc lại tranh giành nhau gây ra loạn, ta phải để đại tư mã Ngô Văn Sở lại đây chủ trương việc binh. Đợi đến khi bốn cõi tạm yên, ta sẽ gọi về". (6)
Rồi Vương loan báo ngay những quan lại cựu triều được tín nhiệm giao phó các trọng trách mới: Phan Huy Ich được chức Hình bộ thị lang tước Thụy nham hầu; Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan, Nguyễn Du đều nhận chức Hàn lâm trực học sĩ.
Vài hôm sau, trước khi về nam, Nguyễn Huệ gọi đại tư mã Ngô Văn Sở, nội hầu Phan Văn Lân, chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn và Ngô Thì Nhậm đến giao cho trách nhiệm cùng nhau cai trị Bắc Hà. Để cho họ giữ tình đoàn kết, Vương bảo:
- "Sở, Lân là nanh vuốt của ta. Dụng, Ngôn là tâm phúc của ta. Tuyết là cháu ta. Nhậm vừa là bề tôi vừa là khách của ta, vả lại thuộc dòng văn học Bắc Hà, rất am hiểu việc đời. Nay ta giao các người cả 11 trấn, những việc quân quốc quan trọng cho phép các người tùy tiện mà làm, nhưng phải họp nhau bàn bạc, không được vì kẻ cũ người mới mà chia rẽ. Ai nấy đều phải đồng lòng họp sức cho xứng đáng với kỳ vọng của ta". (7)
Sắp xếp xong mọi công việc, Chính Bình Vương rời Thăng Long trở về nam.
(1) Năm 1780, Trịnh Tông lập mưu diệt trừ phe cánh Đặng Thị Huệ để giành ngôi chúa với Trịnh Cán. Âm mưu bị lộ, dư luận đương thời bảo do Ngô Thì Nhậm cùng với Nguyễn Huy Bá tố cáo. Trịnh Sâm trừng phạt nặng nề những đại thần liên can: Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán bị buộc uống thuốc độc chết. Sau đó, Nhậm được thăng: công bộ hữu thị lang.
(2) Hoàn quận công nhại lời chỉ dụ của Nguyễn Huệ.
(3) Trích lại trong Tuyển tập thơ Ngô Thì Nhậm, trang 42, tập 2, Nxb KHXH 1978
(4) Hoàng Lê nhất thống chí, bản Ngô Tất Tố, trang 248.
(5) Tháng giêng mùa xuân 1787. Theo lệ cũ khi tế giao, xa giá nhà vua từ cửa Đại Hưng đi ra. Mở đóng cửa này do phủ doãn phủ Phụng thiên giữ chìa khóa. Bấy giờ Nguyễn Bá Lan làm phủ doãn theo ngự giá nhưng đi sau. Kịp khi nhà vua hồi cung phải chờ chìa khóa hồi lâu không vào được. Triều thần muốn trị tội Bá Lan nhưng nhà vua đặc cách tha cho. (Cương Mục, quyển 47-1)
(6) Hoàng Lê, trang 249.
Hoàng Lê, hồi 13, tờ 19a. Liệt truyện quyển 30, tờ 29a.
Quan Lễ bộ phải xăn tay áo lên phụ lực với hai người lính dọn dẹp lại, mới có thể xếp đặt chỗ làm việc được. Mặt khác, ông cầu cứu quan đại tư mã Ngô Văn Sở về khoản bàn ghế. Vũ Văn Ước sai một tên lính đi rồi, lòng dạ cứ nôn nao thắc thỏm. Ông chỉ sợ các quan cựu triều lũ lượt kéo nhau đến mà ông chưa có đủ nghi vệ tối thiểu. Một lúc sau, Ngô Văn Sở cho chở tới một cái bàn cẩn xa cừ khá cao (vì được dùng làm hương án) một cái ghế gỗ tốt, chạm trổ vụng về, một cái ghế mây đã thủng ở chỗ tựa lưng, và một cái đôn sứ hình con voi. Quan Lễ bộ vội cho kê chiếc bàn ngay chính giữa công đường cho đúng lệ, dù chỗ đó nước mưa làm nền ẩm ướt và lấm láp. Sau cái bàn, hướng về phía cổng chính, Vũ Văn Ước đặt chiếc ghế gỗ và cái đôn sứ. Giấy tờ, nghiên mực, ống bút thì đặt tạm trên chiếc ghế mây. Quan Lễ bộ đặt hai chiếc ghế, vì đề phòng quan Trung thư Trần Văn Kỷ có thể đến bất ngờ để tiếp chuyện giới sĩ phu Bắc Hà. Hai tên lính theo hầu thì được phân công như sau: một tên cầm giáo đứng gác trước cổng, một tên đứng ngay trước thềm để hướng dẫn từng người vào gặp quan Lễ bộ rồi đưa người đó ra để đến lượt người khác.
Mặt trời lên được một con sào, giấy mực đã bày sẵn trên bàn mà vẫn chưa có ai đến trình diện. Vũ Văn Ước lấy làm lạ, ngờ rằng các quan cựu triều chưa biết chỗ phải đến. Ông sai một người lính đem dán tờ "chỉ dụ ủy cho Sùng nhượng công làm giám quốc" lên tấm bình phong trước cổng, rồi sai người lính kia đến các đường phố trước công đường xem chừng. Người lính dựng cây giáo vào xó công đường, chạy đi một lúc, trở về bẩm rằng có nhiều người đương tụ năm tụ ba trước đường cái, già có, người nào cũng khăn áo chỉnh tề đúng cách nhà nho nhưng thái độ cử chỉ thì rụt rè lắm.
Quan Lễ bộ Vũ Văn Ướt mỉm cười, kéo cái ghế sát vào bàn để ngồi thẳng lưng, chờ đợi.
Ông phải chờ thật lâu. Một lúc sau, đã có tiếng chân rào rạo trên đường rải sỏi. Vũ văn Ước sửa lại thế ngồi, hai cánh tay khuỳnh ra, hai bàn tay đặt lên mép bàn cho thêm oai vệ. Tiếng chân bước nhẹ ở thềm. Một nhà nho mặc áo lương đen khoảng 40 tuổi, có đôi mắt sâu, ánh nhìn mỏi mệt, cái mũi thẳng, chòm râu đen lưa thưa, tiến về quan Lễ bộ. Tự nhiên Vũ Văn Ước cảm thấy ngại ngùng. Đôi mắt ấy có vẻ tự tin của người quen nắm quyền thế, lại vừa có vẻ trách móc hờn dỗi, như cách nhìn của một vị vương tử nhân từ trách một người hầu cận sơ ý lầm lỗi. Quan Lễ bộ muốn ngồi rán theo tư thế cũ để hỏi danh tính chức vị người khách đầu tiên, nhưng có cái gì còn mạnh hơn cả ý chí buộc ông đẩy ghế đứng dậy. Trong trí ông, một ý tưởng thoạt đến: Hay đây là một hoàng tử của họ Lê? Phải rồi, nếu không phải cành vàng lá ngọc thì không dám ngạo nghễ vào đây một mình như vậy. Bọn quan lại cựu triều vẫn còn đứng khép nép ngoài kia, kẻ này chờ kẻ nọ đi trước để dò đường. Đúng là phong thái của một vì vương tử". Người khách đã đến trước mặt Vũ Văn Ước. Quan Lễ bộ chắp tay vái chào. Người khách hơi ngỡ ngàng, sau đó mỉm cười, chắp tay chào lại. Vũ Văn Ước vui vẻ trỏ chiếc đôn sứ mời:
- Thật hân hạnh quá. Chúng tôi biết thế nào ngài cũng đến. Mời ngài ngồi tạm xuống đây. Bộ Lễ lâu ngày bỏ không, nên ngài thấy đấy... Nhưng, đây chỉ là chỗ hẹn để chúng tôi làm quen với các tôn thất sĩ phu Bắc Hà, vì quan Trung thư sẽ xin tiếp kiến quí ngài ở một nơi khác gần đây. Mời ngài ngồi!
Ngô Thì Nhậm ngồi xuống cái đôn sứ, hơi ngạc nhiên vì cách đón tiếp niềm nở vượt quá mong ước của mình.
* * *
Vừa lúc đó Phan Lê Phiên và Nguyễn Hoàn đang được hai người trai trẻ dìu từng bước lên thềm. Quan bình chương sự (Phan Lê Phiên) dẫn tên hầu đi theo. Hoàn quận công (Nguyễn Hoàn) tuổi già sức yếu, nên có người con trai đi theo chăm sóc. Thực ra, ngoài lý do sức khỏe, hai quan đại thần đã cao tuổi còn tính phòng xa: nếu vạn nhất có bị quân Nam Hà bắt giữ, thì còn có người chạy về thông báo cho gia đình kịp lánh nạn. Đề phòng kỹ lưỡng như thế, lại thêm ỷ vào cái tuổi già gần đất xa trời, hai vị đại thần đã bạo dạn vào bộ Lễ trước nhiều người.
Vũ Văn Ước thấy hai ông già đi đứng lẩy bẩy, nét mặt không có nhiều khí sắc linh hoạt, ăn mặc bình thường như các cụ đồ già ở thôn quê, nên ngồi yên trên ghế, hỏi từ xa:
- Các ông là quan cựu triều phải không?
Phan Lê Phiên liếc nhìn Nguyễn Hoàn, có ý nhường cho người lớn tuổi hơn. Hoàn quận công đang húng hắng ho, nên Phiên đáp:
- Thưa vâng.
Vũ Văn Ước hỏi tiếp:
- Các ông đã đọc kỹ tờ chỉ dụ của Chúa Thượng rồi chứ?
Vẫn Phan Lê Phiên đáp:
- Thưa đã đọc kỹ.
Vũ Văn Ước với tay kéo thếp giấy và cái bút lông gần phía mình, chấm đầu bút vào nghiên mực sẵn sàng viết, và hỏi:
- Hai ông cho biết tên họ và chức tước.
Quan lễ bộ liếc nhìn Ngô Thì Nhậm, không nhận ra vẻ lúng túng của viên cựu hữu thị lang bộ Công, mím môi viết số thứ tự lên tờ danh sách rồi chừa trống dòng đầu, chờ ghi tên hai đại thần vào hàng thứ hai và thứ ba. Phiên nói lớn:
- Tôi là Phan Lê Phiên, trước làm bình chương sự.
Hoàn quận công nói:
- Tôi là Nguyễn Hoàn.
Vũ Văn Ước chờ lâu chưa thấy Hoàn xưng chức tước, ngước lên hỏi:
- Làm gì?
Quan lễ bộ ngơ ngác vì thấy Ngô Thì Nhậm đã đứng dậy len lén đi ra phía cửa. Vũ Văn Ước nghĩ: "Chắc vương tử mắc đi giải". Ông mỉm cười, hỏi Nguyễn Hoàn:
- Ông hãy thành thật khai chức tước cao nhất. Không việc gì đâu. Chúa Thượng muốn dùng người tài đất Bắc, chứ không làm hại đâu mà sợ.
Nguyễn Hoàn đáp:
- Trước khi cáo lão, tôi đã từng làm tham tụng.
Vũ Văn Ước vội ngửng lên nhìn hai ông khách. Chức bình chương sự nghe mới mẻ lạ tai nên quan Lễ bộ chưa hiểu thấp cao, nhưng chức tham tụng thì ông biết rõ. Trong một thoáng, ông nhìn hai người một cách khác. Vũ Văn Ước đứng dậy lễ phép nói:
- Quí ngài cảm phiền chờ cho một chút. Vương tử trở lại, tôi sẽ đưa cả ba vị qua gặp quan Trung thư lệnh. Không biết vương tử đi đâu lâu vậy?
Thấy Vũ Văn Ước dáo dác tìm, Phan Lê Phiên thắc mắc hỏi:
- Ngài vừa nói đến vị vương tử nào?
Vũ văn Ước đáp:
- Vị ấy vừa ngồi đây với tôi.
Phiên hiểu sự lầm lẫn của Vũ văn Ước, nhưng chưa hiểu vì sao Ngô Thì Nhậm phải đánh lừa quan Lễ bộ Tây Sơn, nên dè dặt nói:
- Có lẽ Hoàn quận công đây biết rõ người vừa ngồi với ngài.
Vũ Văn Ước hấp tấp hỏi:
- Thưa, vị nào thế ạ?
Nguyễn Hoàn đáp:
- Ông ta là Ngô Thì Nhậm, trước đây có làm hữu thị lang bộ Công, sau đó bị cách đến năm, sáu năm rồi.
Vũ Văn Ước nổi giận vì nghĩ mình bị lừa dối. Ông run run nói:
- Té ra hắn lừa tôi. Quá lắm rồi. Phải bắt đóng gông hắn lại mới được. Xin lỗi hai ngài chờ tôi một chút. Lính đâu, chạy theo bắt hắn lại.
Người lính đứng chỗ cửa chưa hiểu phải bắt ai, thì Vũ Văn Ước đã chạy đến lôi anh ta đi theo mình.
Bốn người còn lại trong công đường thở phào nhẹ nhỏm vì khỏi cần phải giữ ý tứ với ai nữa. Nguyễn Hoàn cười bảo Phan Lê Phiên:
- Thế mà tôi tưởng cái tên "sát tứ phụ nhi thị lang" ấy đã ngầm liên lạc trước với Tây Sơn rồi chứ! (1)
Phiên cũng cười ra vẻ hả hê, đáp lại:
- Hắn vào đầu tiên. Không biết hắn ba hoa thế nào mà viên lễ quan lại lầm ra một vị vương tử họ Lê.
Nguyễn Hoàn nói:
- Hay hắn tưởng bọn mình không ai dám vào, nên mặc sức nói khoác.
Phan Lê Phiên hỏi người con trai Hoàn quận công:
- Đêm qua Kế liệt hầu (Bùi Huy Bích) nói với cháu thế nào, mà hôm nay không thấy ông ta?
Người con trai của Hoàn lễ phép đáp:
- Dạ chính Kế liệt hầu đưa cháu ra ngõ. Cháu đã đi một đoạn, hầu còn kêu lại dặn thưa với cha cháu là sáng nay phải đi cho đông đủ để họ khỏi xé lẻ ra hiếp đáp.
Nguyễn Hoàn nói:
- Ông ấy chịu khó lặn lội từ Thanh Trì lên kinh, tức là đã chịu "ngước trông lên mà thể hội ý ấy" (2) (cả bốn người trong công đường đều cười). Hay vì có người dọa non dọa già, nên nửa chừng ông ấy sợ.
Phan Lê Phiên nói:
- Dọa được non, chứ dọa sao được bọn già. Đến chết là cùng chứ gì.
Nguyễn Hoàn nheo mắt hỏi:
- Nếu họ buộc ta ra, ông tính sao?
Phan Lê Phiên ngập ngừng, rồi hỏi lại:
- Bác tính sao?
Nguyễn Hoàn không trả lời, đặt câu hỏi khác:
- Vận nhà Lê đã hết rồi chăng?
Không ai nói gì nữa sau câu hỏi khó ấy. Một miếng rui mục tự nhiên rơi xuống chỗ nền úng thủy, gây một tiếng động lẻ loi.
* * *
Ngô Thì Nhậm biết trước thế nào Vũ Văn Ước cũng sai quân lính đuổi theo bắt mình, nên trốn nấp ở nhà một người quen cũ ở gần đó, suốt ngày không dám ra khỏi cửa. Đến tối, ông mới đến chỗ quan Trung thư Trần Văn Kỷ ở, xin được tiếp kiến.
Ban đầu, lính canh nại quân luật nghiêm nhặt, nhất định không cho ông vào. Chẳng những thế, một người lính trẻ nói tiếng Thuận Hóa còn dọa đóng gông Nhậm vì tội gây rối. Ngô Thì Nhậm phải xưng tên và nói dối có hẹn trước với quan Trung thư. Bọn lính nửa tin nửa ngờ, tuy vẫn dậm dọa vài câu nhưng một anh (chính người lính Thuận Hóa) vội vã chạy vào trong bẩm báo với Trần Văn Kỷ. Quan Trung thư đang uống trà, nghe tên Ngô Thì Nhậm vội bỏ chén trà uống dở, xỏ guốc chạy ra cổng. Trong lúc vội vàng, Trần Văn Kỷ mang guốc trái, nhưng ông cứ để mặc như thế không kịp sửa lại. Vừa đến cổng dinh, Trần Văn Kỷ đã lớn tiếng hỏi:
- Quan hữu thị lang đâu rồi?
Ngô Thì Nhậm tiến ra chỗ có ánh đuốc chiếu sáng lễ phép đáp:
- Xin lỗi quan Trung thư, tôi đến làm phiền giấc nghỉ của ngài.
Trần Văn Kỷ mừng rỡ, rối rít bảo:
- Không. Không đâu. Nghe danh ông đã lâu, nay mới được diện kiến. Thật hân hạnh lắm. Mời ông vào. Xin theo lối này. Coi chừng chỗ nước bẩn. Các chú giơ đuốc lên cao soi đường cho quan thị lang. Cơn mưa đêm qua lớn quá làm ngập cả vườn, mãi đến gần sáng nước mới rút hết. Chỗ này có một vũng nước nữa. May đêm nay trời tạnh. Xin theo lối này.
Trần Văn Kỷ đi trước dẫn Ngô Thì Nhậm vào nhà khách. Quan Trung thư nói luôn miệng, trong khi Nhậm im lặng theo gót chủ nhân, tuy trong lòng vui mừng. Vừa mời khách ngồi xuống sập, Trần Văn Kỷ đã bảo:
- Trưa nay tôi vừa được một người bạn Bắc Hà cho mượn đọc bài Mộng Thiên Thai phú của ông. Không ngờ trưa xem văn thì tối đã gặp được người. Bài phú hay quá. So với Tiền Hậu Xích Bích phú của Tô Tử không thua chút nào. Nhất là lời ca ở cuối bài. Tôi vẫn còn giữ bài chép đâu đây.
Trần Văn Kỷ đi lại chỗ án thư lục tìm trong chồng giấy tờ bừa bộn bài phú của Ngô Thì Nhậm. Nhậm nghĩ: "Có lẽ ông ấy chưa hề đọc bài phú của mình, chỉ được nghe nhắc tới tên bài phú mà thôi. Nhưng ông ấy cứ giả vờ như đã đọc, để làm quà tiếp khách văn". Phía án thư, Trần Văn Kỷ lầm bầm:
- Quái. Mới để đâu đây mà tìm không thấy. Tôi cứ ngâm nga đoạn "ca rằng" cả buổi trưa. Để tôi cố nhớ xem. Chậc, đã học thuộc bây giờ lại quên.
Ngô Thì Nhậm nhắc:
- Có phải ngài muốn nói đến đoạn (3)
Cất chén mời khách uống, gõ án mà ca rằng:
Chơi Đào nguyên chừ, hẹn Thiên thai.
Hẹn Thiên thai chừ, ta chửa tới nơi.
Ta chửa tới nơi chừ, lòng nhớ khôn nguôi.
Lòng ta gởi man mác
Núi này mãi cao vời..
Trần Văn Kỷ reo lên:
- Đây rồi. Tôi cẩn thận cất kỹ vào quyển thơ nên tìm không ra. Ông để tôi đọc tiếp nhé.
Mong người tri kỷ chừ một phương trời
Lòng ta, lòng ta chừ, tri âm ai người?
Lòng ta vời vợi chừ đối mênh mông.
Nhìn bóng nhìn áo chừ không thẹn thùng
Mong buổi chơi núi chừ hát bài ca núi
Hát xong một khúc chừ rót thêm một chung
Lòng ta phẳng lặng chừ, mệnh ta yên ổn.
Mệnh ta yên ổn chừ, ta vui trong lòng.
Tuyệt diệu. Lời văn hoa lệ mà không phù phiếm, nhìn rõ cuộc thế nhưng không có chút "oán thiên, vưu nhân". Tuyệt diệu.
Ngô Thì Nhậm rộn rã cả lòng vì bất ngờ gặp được người tri kỷ, nhưng vẫn cố nhún nhường.
- Ngài mến chút tài mọn nên quá khoan dung đó thôi.
Trần Văn Kỷ hăng hái nói:
- Không đâu. Giữa ông với tôi, khách sáo chỗ đầu môi chót lưỡi làm gì! Lại còn mấy câu này nữa:
Khắp vùng vũ trụ nhà ta đó
Đôi cánh chim hồng buộc được nao?
Núi này xin dành lại
Đợi ta về tiêu dao.
Đời người gặp gỡ do tiền định
Há chỉ Đào nguyên mới gặp đào?
Tiêu dao phóng dật mà vẫn giữ nguyên phong thái thung dung tự tin của nho gia! Đọc xong không ngậm ngùi như đọc phú Xích bích. Ngược lại, ta khinh khoái, say mê cuộc đời đến độ điên cuồng. Như thế mới đúng "đường danh giáo", phải không ông?
Giọng say sưa nhiệt tình của Trần Văn Kỷ cuốn hút được kẻ thất chí. Ngô Thì Nhậm quên cả dè dặt. Hai người bàn sa đà hết chuyện văn chương đến đạo học, quên cả mấy chén nước trà đã nguội trên bàn khách. Ngô Thì Nhậm nhớ đến mục đích của mình, nhưng câu chuyện đang sôi nổi quanh các vấn đề cao xa tít mù, làm sao chuyển mạch để nhờ vả những điều tầm thường? Cũng may giữa lúc Trần Văn Kỷ đang nói đến Phật pháp, đột nhiên quan Trung thư khựng lại, bối rối, nhìn về phía Nhậm, áy náy hỏi:
- Tôi lơ đễnh quá lắm. Chắc ông đến đây vì có điều gì cần chỉ giáo?
Ngô Thì Nhậm lúng túng, nhưng cũng gắng đáp:
- Thưa vâng. Quả thực tôi có việc cần nhờ ngài giúp đỡ.
Rồi Nhậm kể một mạch vụ rắc rối ban sáng ở nhà Lễ bộ. Trần Văn Kỷ mau mắn đáp:
- Từ lâu "tôi đã nghe ông là bậc kỳ tài, chẳng may bị tiếng dèm pha, phải trốn tránh hơn năm sáu năm, sự súc tích của ông chắc cũng tinh túy thêm nhiều. Ngày nay, đã đến lúc ông nên ra cho đời dùng. Tôi đã có đem tên ông trình với Chúa Thượng, và khen tài ông có thể dùng vào những việc to lớn. May thay Chúa Thượng trông xuống, có lòng mến tiếc. Thế này là tôi tìm đến ông, ông không phải cần gì đến Vũ Văn Ước nữa" .(4) Thảo nào hôm nay ông ấy đưa các quan sang đây gặp tôi nhiều bận, nhưng không nhắc nhở gì đến ông cả.
Ngô Thì Nhậm tò mò hỏi:
- Tôi hỏi điều này chắc không phải phép, xin ngài miễn chấp cho.
Trần Văn Kỷ ân cần đáp:
- Được, được. Ông cứ tự nhiên.
Ngô Thì Nhậm nói:
- Thưa từ sáng đến giờ, những vị nào đã được ngài tiếp kiến?
Trần văn Kỷ đáp:
- Đầu tiên có Hoàn quận công (Nguyễn Hoàn) và Kiến Xuyên hầu. Sau đó có thêm các ông Phan Huy ích, Hiến sát sứ Thanh Hoa, Ninh Tốn Bồi tụng, Nguyễn Bá Lan Phủ doãn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Du... Ngoài ra có thêm vài vị khác làm chức nhỏ hơn, tiếng tăm trong sĩ giới chưa được rộng nên tôi không nhớ hết. à này, ông có biết Nguyễn Huy Trạc không?
Ngô Thì Nhậm đáp:
- Thưa biết. Ông ấy làm tham tri chính sự.
Trần Văn Kỷ nhìn thẳng vào mắt Ngô Thì Nhậm, chậm rãi nói:
- Ông Trạc nghe lệnh triệu có đến kinh, nhưng đã tự tử ở đài ngự sử đêm qua.
Ngô Thì Nhậm hơi kinh ngạc, nhưng trấn tĩnh ngay, đáp chậm và nhỏ ra vẻ than tiếc:
- Việc gì đến nỗi thế! Đáng thương, mà cũng đáng giận thay!
Trần Văn Kỷ reo lên:
- Đúng. Những người như vậy vừa đáng thương vừa đáng giận. Ông thật là người hiểu đời. Thật là Trời đã run rủi cho tôi và Chúa Thượng được gặp ông. Tôi phải đưa ông đến ra mắt Chúa Thượng ngay. Nhưng sợ quá khuya rồi chăng? Thôi, sáng sớm mai ông đến đây nhé. Tôi cũng đã hẹn các quan cựu triều và tôn thất là chiều mai Chúa Thượng sẽ tiếp họ.
Sáng hôm sau, Trần Văn Kỷ đưa Ngô Thì Nhậm ra mắt Chính Bình Vương. Nguyễn Huệ nghe quan Trung thư giới thiệu Nhậm, vui mừng nói:
- "Ngươi ngày trước vì bị chúa Trịnh không dung, một thân một mình phải bỏ nước mà đi. Nếu như ta không đến đây, bao giờ ngươi mới được thấy bóng mặt trời? Có lẽ ý Trời muốn dành nhân tài riêng cho ta dùng. Ngươi nên cố gắng để lo lấy đường báo đáp.
Ngô Thì Nhậm rập đầu lạy tạ.
Nguyễn Huệ ngoảnh lại phía Kỷ, bảo:
- Người này đã do ta gây dựng lại, nên thảo ngay một tờ chế phong làm Lại bộ Tả thị lang, tước Tình thái hầu, cùng với Vũ Văn Ước coi tất cả các quan văn võ nhà Lê.
* * *
Lãng xin phép được ra phố để tìm mua lụa làm quà cho chị và... Lãng không dám nghĩ tiếp, mặt đỏ vì tự thẹn với mình. Tặng cho nàng xấp lụa Bắc có tiện không? Quan Trung thư sẽ nghĩ thế nào? Lấy "danh nghĩa" gì để tặng? Lãng không tìm được câu trả lời thỏa đáng, nhưng cái ý mua lụa làm quà khiến anh rộn rã vui sướng. Anh tự nhủ: nhận hay không là việc về sau. Bây giờ hãy cứ mua hai xấp lụa thật đẹp, thật tốt cái đã!
Rút kinh nghiệm lần trước, Lãng không mặc binh phục Tây Sơn. Anh ăn mặc giống y một anh tú tài Bắc Hà để đi lại được tự do thoải mái, khỏi bị dân Thăng Long e ngại, cảnh giác.
Lãng hỏi khắp nơi không tìm đâu ra lụa để mua. Người ta nhìn anh như nhìn một hiện tượng lạ. Một chỗ, người ta trợn mắt hỏi Lãng:
- Cái gì, anh hỏi lụa à? Mua về cho vợ may áo à? Anh có muốn chúng nó rình ngay đầu ngõ nhà anh lột trần vợ anh để cướp áo lụa hay không? Hôm kia, bọn vô lại bịt miệng chị hàng cau ở bến đò để cướp cái váy vải sô cũ, bỏ chị chàng tồng ngồng giữa thanh thiên bạch nhật, anh chưa biết ư?
Chỗ khác, người ta bảo:
- Thời buổi này mà anh còn hỏi mua lụa, lạ thật! Không lo mua ít gạo để dành đó, ít bữa nữa đói nhăn răng ra. Mặc áo lụa có quên cái bụng rỗng được không?
Người tử tế thì khuyên Lãng:
- Anh không nên hỏi thế nữa. Bọn trộm cướp nghe được, đoán thế nào anh cũng có nhiều tiền. Nguy lắm. Thời buổi này, cẩn thận thì hơn anh ạ.
Lãng chán nản, lang thang giữa các dãy phố kín cửa. Ngoài đường, người đi lại lác đác, phần lớn là đàn ông. Họ đi vội vã, nếu có bạn đồng hành thì câu chuyện trao đổi với nhau có vẻ bí mật do lối nói thì thào, lối nhìn dáo dác như sợ có người lạ nghe thấy. Đi một lúc, Lãng mới nhận thấy nhiều người đi về một hướng. Anh đi theo họ. Hóa ra dân Thăng Long kéo nhau đến cửa Đại Hưng để nghe ngóng tin tức.
Lãng thấy họ chen chúc nhau, xô đẩy nhau để vào được sát cửa đọc tờ chỉ dụ ủy cho Sùng nhượng công làm giám quốc. Các lời bàn tán quanh Lãng thật lắm vẻ:
- Sao, bác? Ông ấy vẫn được giữ lại làm ông từ giữ đền chứ?
- Thì vẫn!
- Thế sao chỉ dụ dài thế?
- Ông không chen vào xem à?
- Cái áo tôi cũ quá, sợ rách về nhà mẹ nó la lối om sòm lên.
- Rách cũng bõ công. Nhiều chuyện hay đáo để.
- Ô kìa, sao bác bỏ đi!
- Ông nhắc tôi mới thấy lạnh ở lưng. Cái áo tôi bị rách toác một đường dài. Ông chen vào xem nhé. Tôi phải về thay áo đây.
Ở một đám khác:
- Thôi, chuyến này thì nhà Lê đi đứt rồi. Không còn ngờ gì nữa!
- Nhà vua đi thì đã có giám quốc. Ông chú còn chín chắn hơn cháu nhiều.
- Ối dào! Giám quốc! Chỉ "giám" được lũ vàng hương với bầy hạc gỗ. Ông không đọc kỹ câu thứ ba ư?
- Câu nào?
- Thì cái câu: "Nay đương lúc vận nhà Lê đã hết, đạo trời mới đổi, trẫm dám đâu không kính sợ Trời để cùng thiên hạ đổi mới".
- Gớm thật! Ông đọc vanh vách, giọng hùng ghê! Xưng trẫm y như bậc đế vương.
- Biết đâu đấy!
- Chỉ nói dại. Ông nên coi chừng cái mồm của ông. Ông nhớ câu thứ ba mà không chịu nhớ câu cuối: "Phạm đến phép Trời làm mê hoặc dao động lòng dân thì vương pháp rất nghiêm quyết không dung thứ".
- Vì hiểu rõ lòng nhau tôi mới ba hoa cho vui thế thôi. Bác khuyên chí phải. Ta nên về thôi!
Lãng đến gần một nhóm nhà nho đứng tuổi:
- Thế mới xứng đáng chứ. Ít ra còn được một người dám chết cho đại nghĩa. Chẳng lẽ phủ chúa sập có được một Lý Trần Quán, lần này điện vua sập lại chẳng có ai tử tiết. Ông ấy rửa mặt giùm cho tất cả bọn nhà nho Bắc Hà đấy!
- Chọn ngự sử đài làm chỗ tử tiết, thâm nhỉ!
- Nhất định rồi! Chẳng lẽ tự vẫn trong buồng vợ.
- Bác ăn nói thế mà nghe được à?
- Chết là hết. Chắc gì quan tham tri (Nguyễn Huy Trạc) đã nghĩ như bác nghĩ.
- Đừng lấy cây gậy lão của mình đo khí tiết bậc quân tử. Không nên đâu. Sĩ phu Bắc Hà không thiếu gì kẻ trung quân. Tôi nghe nhiều người không thèm đến ra mắt Chính Bình Vương, như quan phó đô ngự sử Nguyễn Đình Giản, quan tham tri Lê Duy Đản, quan thiêm sai Phạm Quí Thích, quan khu mật viện Nguyễn Duy Hợp. Quan tham tụng Bùi Huy Bích cũng không đến.
- Này, phủ doãn Nguyễn Bá Lan có đến không?
- Hình như có thì phải.
- Nếu thật thế thì quá lắm. Hoàng thượng đã gia ân đặc cách tha tội cho ông ấy, bây giờ trả ân như thế hả? (5)
Lãng chán nản bỏ cửa Đại Hưng trở về đường cũ. Anh đi về phía đê sông Phú Lương. Càng đi xa phố phường, anh càng thấy cuộc sinh hoạt của dân chúng êm ả, đơn giản hơn. Dường như ngoài kinh thành, cuộc sống trở nên rộng rãi, mênh mông. Gió thổi trên đồng lúa vàng. Buồm căng đưa thuyền lướt êm trên mặt sóng. Trẻ chăn trâu nằm dài trên lưng trâu, để mặc cho trâu thong thả gặm cỏ dưới chân đê. Lãng cảm thấy lòng lâng lâng, anh ngửng mặt hít mạnh hơi thơm của đồng ruộng. Lãng hối tiếc không có người nào bên cạnh để anh san sẻ niềm vui trinh khiết mới mẻ ấy.
* * *
Cũng vào buổi chiều hôm ấy, Chính Bình Vương tiếp các quan văn võ cựu triều ở điện Chính Trung. Lễ quan Vũ Văn Ước và Ngô Thì Nhậm chịu trách nhiệm hướng dẫn các quan vào lạy chào. Vũ Văn Ước hơi ngượng với Nhậm vì hành động nóng nảy hôm trước, nên cứ tránh né không muốn đứng gần Nhậm. Phần Ngô Thì Nhậm thì hơi nhột nhạt trước cái nhìn dò dẫm và các lời thì thào của các quan cựu triều, thái độ mất cả tự nhiên. Do đó quan Trung thư cáng đáng phần lớn việc thù tiếp. Chính Trần Văn Kỷ đứng ra giới thiệu tên tuổi, chức tước của từng người cho Chính Bình Vương biết. Mỗi lần có một người vào lạy mừng, Nguyễn Huệ mỉm cười gật đầu chào lại:
- Không dám. Xin mừng ông.
Đến lúc các quan ra mắt xong, Chính Bình Vương đòi hết lên thềm vào bảo:
- Ta mừng các ông, vì các ông đến đây đều là kẻ thức thời. Các ông đã hiểu vận nhà Lê đã hết. "Tự hoàng nhà Lê chính do ta lập nên. Nhưng ông ấy là người tối tăm, nhu nhược không thể gánh nổi việc nước, cho nên sau khi ta về nam, liền bị Nguyễn Hữu Chỉnh sai khiến, đến nỗi tự rước lấy vạ bại vong. Ta không tham đất Bắc Hà, nay mai ta lại sắp về nam. Sợ Tự hoàng và Giám quốc lại tranh giành nhau gây ra loạn, ta phải để đại tư mã Ngô Văn Sở lại đây chủ trương việc binh. Đợi đến khi bốn cõi tạm yên, ta sẽ gọi về". (6)
Rồi Vương loan báo ngay những quan lại cựu triều được tín nhiệm giao phó các trọng trách mới: Phan Huy Ich được chức Hình bộ thị lang tước Thụy nham hầu; Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan, Nguyễn Du đều nhận chức Hàn lâm trực học sĩ.
Vài hôm sau, trước khi về nam, Nguyễn Huệ gọi đại tư mã Ngô Văn Sở, nội hầu Phan Văn Lân, chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn và Ngô Thì Nhậm đến giao cho trách nhiệm cùng nhau cai trị Bắc Hà. Để cho họ giữ tình đoàn kết, Vương bảo:
- "Sở, Lân là nanh vuốt của ta. Dụng, Ngôn là tâm phúc của ta. Tuyết là cháu ta. Nhậm vừa là bề tôi vừa là khách của ta, vả lại thuộc dòng văn học Bắc Hà, rất am hiểu việc đời. Nay ta giao các người cả 11 trấn, những việc quân quốc quan trọng cho phép các người tùy tiện mà làm, nhưng phải họp nhau bàn bạc, không được vì kẻ cũ người mới mà chia rẽ. Ai nấy đều phải đồng lòng họp sức cho xứng đáng với kỳ vọng của ta". (7)
Sắp xếp xong mọi công việc, Chính Bình Vương rời Thăng Long trở về nam.
(1) Năm 1780, Trịnh Tông lập mưu diệt trừ phe cánh Đặng Thị Huệ để giành ngôi chúa với Trịnh Cán. Âm mưu bị lộ, dư luận đương thời bảo do Ngô Thì Nhậm cùng với Nguyễn Huy Bá tố cáo. Trịnh Sâm trừng phạt nặng nề những đại thần liên can: Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán bị buộc uống thuốc độc chết. Sau đó, Nhậm được thăng: công bộ hữu thị lang.
(2) Hoàn quận công nhại lời chỉ dụ của Nguyễn Huệ.
(3) Trích lại trong Tuyển tập thơ Ngô Thì Nhậm, trang 42, tập 2, Nxb KHXH 1978
(4) Hoàng Lê nhất thống chí, bản Ngô Tất Tố, trang 248.
(5) Tháng giêng mùa xuân 1787. Theo lệ cũ khi tế giao, xa giá nhà vua từ cửa Đại Hưng đi ra. Mở đóng cửa này do phủ doãn phủ Phụng thiên giữ chìa khóa. Bấy giờ Nguyễn Bá Lan làm phủ doãn theo ngự giá nhưng đi sau. Kịp khi nhà vua hồi cung phải chờ chìa khóa hồi lâu không vào được. Triều thần muốn trị tội Bá Lan nhưng nhà vua đặc cách tha cho. (Cương Mục, quyển 47-1)
(6) Hoàng Lê, trang 249.
Hoàng Lê, hồi 13, tờ 19a. Liệt truyện quyển 30, tờ 29a.