Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 98
Nơi ban đầu An tưởng là đất chết, thật ra là đất sống!
Vùng đất cằn cỗi hiu quạnh chỉ toàn cát và những bụi gai trơ trụi dưới nắng lửa, nơi không thể nuôi sống con người, nơi Trời dành riêng làm chỗ chém giết sát phạt nhau đó hình như chỉ được biết đến vì những tai ương và máu vô tội. Máu của dân hiền lương và bọn khách buôn bị cướp ở suốt truông Cát. Máu của binh triều và quân Tây Sơn đổ ra trong trận đánh ác liệt năm Giáp Tị (1773) (Mẫm bị tử trận trong trận này, xác bị quân triều vùi xuống dưới một bụi gai sau khi hớt tai, xẻo mũi, băm vằm thân thể đến nát bấy). Máu của binh sĩ Qui Nhơn và Phú Xuân trong các cuộc lưu huyết lẻ tẻ ở ranh giới vì những cái cớ nhỏ nhặt từ năm Đinh Vị (1787) đến nay (năm kết thúc cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt giữa hai anh em Nhạc, Huệ, bằng thỏa ước lấy Bến Ván làm ranh giới phân chia hai vùng cai trị).
Nhưng sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh và bắt đầu cho áp dụng những biện pháp ổn định kinh tế và trị an, nhất là sau khi tờ Chiếu khuyến nông được ban bố và thi hành triệt để (1), Bến Ván trở thành chỗ trú cho nhiều thành phần sống ngoài vòng pháp luật và bọn vô lại.
Vua Thái Đức thấy rõ hơn ai hết uy lực của người em tài ba, của người anh hùng vừa ghi thêm cái công đánh đuổi quân xâm lăng để cứu quốc, của chú em út cứng đầu nhiều tham vọng sau khi đại thắng quân Thanh đang muốn tiến quân về phía nam để thống nhất đất nước, nên hạ lệnh rút bớt số quân phòng thủ ở Bến Ván để tránh các vụ va chạm bất lợi. Nhà vua không muốn các vụ xung đột lâu nay vẫn thường xảy ra ở Bến Ván giữa hai phe trở thành cái cớ cho "chú Tám Thơm" xua quân uy hiếp Qui Nhơn.
Ngược lại, vua Quang Trung cũng ra lệnh rút toán quân đóng bên này cầu về chợ Cầu Ông Bộ, cách Bến Ván gần nửa ngày đường để tỏ ý nhường nhịn. Nguyễn Huệ cũng hiểu rõ hơn ai hết tính đa nghi của vua anh, nên muốn có hành động cụ thể để trấn an Qui Nhơn.
Bến Ván trở thành vùng đất vô luật pháp, cái đệm êm ái cho bọn buôn lậu, bọn trộm cướp, những người sắp thành nạn nhân của ông vua già đa nghi, những dân quen sống lưu tán đã làm giàu nhờ chiến tranh không muốn hồi cư cầm cuốc cầm cày theo biện pháp cương quyết của Chiếu khuyến nông.
Từ vài hàng quà bán nước trà tươi, vài trái ổi rừng, đôi ba quả chuối héo dành bán cho những người lính nghèo, chẳng bao lâu biến thành một khu chợ đông đúc. Hàng hóa thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có, kể cả những hàng Tàu đem từ cửa Hội vào để cung phụng cho gia đình các quan lớn trong Qui Nhơn. Có nhiều thứ hàng đắt tiền như sa, đoạn, nhung, quạt giấy, đèn lồng, đồ sứ, đồ đồng... giá còn rẻ hơn ở cửa Hội, vì các thuyền buôn Quảng Đông đổ hàng lậu lên cửa Hợp hòa để tránh thuế của Tàu vụ. Hàng quán mọc lên như nấm trên nền cát cháy nắng. Ban đầu chỉ là những cái chòi lá xiêu vẹo tạm bợ. Về sau mái tranh liếp nứa đàng hoàng. Từ chợ lập nên phố, dù là phố tranh. Dần dà có hẳn một thứ tổ chức công quyền riêng, do thỏa hiệp giữa bọn con buôn và các nhóm vô lại.
An vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ chứng kiến cuộc đổi lốt kỳ lạ của Bến Ván, lòng thầm cảm ơn Trời xanh đã mở cho mình một sinh lộ. Chị mở một quán cơm ở ngay chợ. Với số vốn mang theo, An mau chóng khuếch trương cơ sở làm ăn, bỏ nghề bán cơm quá sức nhọc nhằn để trở thành người buôn bán tạp hóa. Rồi trở thành một người chuyên trữ hàng Tàu. Nửa năm sau ngày dắt díu con cái đến Bến Ván, An trở thành một người khá giả của vùng đất lộn xộn phức tạp này.
*
* *
Làm sao một góa phụ ba mươi bảy tuổi yếu ớt cùng hai đứa con nhỏ dại có thể sống yên ổn giữa đám vô lại ấy suốt nửa năm trời?
An cũng đã tự hỏi như vậy. Trôi giạt về Bến Ván, không qua được bên kia sông để về chỗ mơ ước, chị phải dừng lại. Phải sống. Che một cái chòi lá để mở quán cơm, việc đó gần tầm tay của An nhất. Bọn lưu manh liều lĩnh và hiếu sắc chung quanh An không thiếu. Chút nhan sắc chưa kịp tàn tạ, cộng với vẻ đoan chính sầu muộn có một sức cuốn hút mạnh mẽ đối với bọn đàn ông ở Bến Ván, kể cả những tay vô học thô bạo chuyên nghề trộm cướp và khuân vác hàng lậu. Quán cơm của An đông khách hơn nơi khác. An vừa mừng vừa hồi hộp lo ngại, nhất là những đêm không làm cách nào đuổi được bọn đàn ông lân la tìm cớ ngồi dai, không chịu ra về. An không bán rượu. Họ mua rượu ở nơi khác đến uống sau bữa cơm. Đã có nhiều tay giả say lè nhè những lời sàm sỡ. Bé Thái sợ quá, thì thào bảo mẹ nên tìm cách dời đi chỗ khác. An còn dùng dằng chưa biết tính thế nào thì không biết từ đâu, có lẽ từ những con buôn cửa Hội, cả Bến Ván xì xầm với nhau về gốc tích ba mẹ con An. Vài khách buôn đường dài chạy hàng Tàu vô ra cửa Hội, Bến Ván trước kia có biết Lợi. Rồi những câu chuyện tô vẽ thêm về mối tình giữa cô con gái ông giáo Hiến với người học trò xuất sắc nhất của ông - những câu chuyện Lợi loan truyền khắp nơi để làm thế dựa mặc cả - mau chóng trở thành đề tài hấp dẫn lúc rảnh rỗi. Mọi người nhìn mẹ con An với đôi mắt khác hẳn. Thái độ của họ, kể cả bọn vô lại, trở nên phức tạp. Một đằng họ thấy ba mẹ con An gần gũi với họ vì cùng thuộc vào hạng sa cơ lỡ vận, hạng không tìm được chỗ nào dung thân nên tụ về miền đất vô pháp luật này sống qua thời. Nhưng địa vị của ông giáo Hiến, thanh thế của Lợi, nhất là mối liên hệ tình cảm giữa vị hoàng đế lẫy lừng và góa phụ ốm yếu này, kể cả cách đi đứng ăn nói của An, tất cả những yếu tố đó khiến họ tự cảm thấy hãnh diện khi được An dọn cho bữa ăn, Thái rót nước trà đem đến mời sau bữa, Phát nhắc ghế cho ngồi. Từ đó không còn cảnh say rượu, ăn quịt, không còn những cái nhìn sỗ sàng, những lời sàm sỡ. Bọn con buôn giàu có dĩ nhiên ít mặc cảm hơn đám vô lại. Nhưng là những con buôn, họ hiểu rõ rằng việc làm ăn phát đạt hiện tại ở Bến Ván chỉ là cơ hội bấp bênh, không thể lâu dài. Khi Phú Xuân hay Qui Nhơn hết nhường nhịn, hoặc hết né tránh nhau, tất nhiên Bến Ván mau chóng trở thành vùng đất không người. Họ chụp giựt mối lợi trước mắt, và khôn ngoan tránh bị lụy vì Phú Xuân hay Qui Nhơn. Chạm vào gia đình mẹ con An là đã chạm đến có thể là lòng tự ái, có thể là danh dự của vị hoàng đế lẫy lừng từ nam ra bắc. Bọn con buôn nghĩ vậy.
Nhờ thế, An buôn bán trong sự an toàn. Gần như chị được cả khách mua lẫn khách bán chiều chuộng. Tuy vậy, lòng An không lúc nào yên. Thằng Phát dễ hư quá. Cái tính hiếu thắng, ương ngạnh, nóng nảy, ưa những điều hời hợt bề ngoài, cộng thêm cái thói mê xóc dĩa mới nhiễm, khiến thằng bé mau chóng trở thành một tên vô lại nhỏ. Nó bắt chước hết tật xấu của bọn lưu manh, từ cách ăn nói, đi đứng. Phát ăn cắp tiền của mẹ, trả công cho bọn trộm cướp chuyên nghiệp dạy võ, lén lấy hàng của mẹ bán lấy tiền đãi chúng rượu thịt. An bơ vơ giữa một đám người xa lạ, đau xót thấy con hư đốn. Cuộc sống chụp giựt bấp bênh làm An chóng mặt, lúc nào cũng hồi hộp lo sợ. Phải tìm một chỗ dựa vững chắc hơn! Dựa vào đâu? Cái ý về An thái cứ lởn vởn trong đầu An. Về được không? Sao không về?
Tháng bảy năm đó, An gửi hai con và nhà cửa cho một người bạn buôn đáng tin cậy, một mình tìm cách vượt sông Bến Ván về Qui Nhơn.
*
* *
Khỏi cần phải kể lại những phí tổn lớn lao và nỗi nhọc nhằn của An trên đường vô nam. Đến Qui Nhơn, An tìm ngay đến cái quán cũ của anh gần bến tắm ngựa. Như An lo lắng từ trước, căn nhà đã đổi chủ. Cái chái tranh trước đây Kiên cất thêm để làm quán rượu đã bị dỡ đi, khung cảnh căn nhà đổi khác hẳn. An do dự, băn khoăn, không hiểu có đúng đây là nhà của Kiên không? Thằng bé trạc mười tuổi thấy có người lạ lảng vảng phía trước rào, e dè đứng chặn ngay cửa nói lớn:
- Không có ai ở nhà cả. Không có gì để cho đâu. Đi đi!
An nhìn lại quần áo mình. Chị giật mình nhận thấy mình ăn mặc nhếch nhác tiều tụy quá. Bụi đường bám lên bộ quần áo đen và mặt mũi, không trách thằng bé lầm An là một người ăn mày. An ngoắc thằng bé ra hỏi:
- Cho chị hỏi thăm. Có phải đây là nhà ông Kiên không?
Thằng bé vẫn đứng ở ngạch cửa, hỏi trổng:
- Ông nào?
- Ông Kiên. Ông Kiên trước đây làm...
An ngập ngừng, không biết nói cho đúng trước đây Kiên làm gì. Thằng bé càng thêm nghi ngờ, nói xẳng:
- Đừng bày đặt chuyện để lấy cắp đồ người ta. Đi đi, tôi gọi lính bắt bây giờ!
Một cụ già hiện ra ở chái tây, nơi có lối ra vườn. An mừng rỡ hỏi lớn:
- Thưa cụ, cho cháu hỏi thăm một chút. Anh Kiên anh cháu có còn ở đây không?
Ông lão chống gậy ra gần cổng, nheo mắt nhìn khắp người An một chặp, mới hỏi:
- Cô là gì của... của Đức Thầy?
An kinh ngạc hỏi lại:
- Đức Thầy nào ạ?
- Cô vừa hỏi nhà ông Kiên phải không?
An hấp tấp đáp, mừng đến líu lưỡi:
- Quả thế. Cụ cũng biết anh Kiên cháu, phải không ạ!
Ông lão chậm rãi nói:
- Vâng. Nhưng Đức Thầy đã về An Thái từ lâu rồi.
- Cụ vừa nói Đức Thầy. Nhưng cháu muốn hỏi nơi anh Kiên cháu...
Ông lão cắt lời An:
- Ở đây không ai dám gọi tên tục Đức Thầy như cô đâu. Mà cô có đúng là người nhà của Đức Thầy không?
- Vâng, đúng ạ. Cháu là...
- Người nhà sao không biết Đức Thầy ở An Thái mà còn đến đây hỏi thăm.
An mừng cho anh, mừng cho mình, giọng nói vui hẳn lên:
- Mấy năm nay, anh em cháu ở xa nhau. Cháu vừa từ Bến Ván vào.
Ông lão giật mình, ngước lên chăm chăm nhìn An dò xét:
- Cô vừa nói gì thế?
- Cháu vừa nói từ Bến Ván vào. Lâu nay cháu ở tận Phú Xuân...
Ông lão đổi ngay thái độ. Với nét mặt nghiêm khắc, giọng nói xẳng, ông bảo An:
- Thôi, cô đi đi. Lão phải làm vườn, không có thì giờ tiếp chuyện với cô nữa.
An chưa hết ngỡ ngàng thì ông lão đã quay ngoắt vào phía trong. An thất thểu quay ra đường, không hiểu vì sao đột nhiên ông lão thay đổi thái độ như vậy. Nhưng lòng An nhen nhúm một niềm vui nhỏ: An đã biết Kiên được mọi người trọng vọng và hiện đang ở An Thái.
*
* *
Lội qua khỏi bến tắm ngựa, An chùn bước ở chỗ ngã ba. Chị xấu hổ tự hứa thế nào vòng trở về cũng phải mua đủ nhang đèn để lạy trước mộ cha, rồi mới đủ an tâm rẽ về phía tay trái, đường dẫn lên Thiết Tràng và An Thái.
An cũng ngập ngừng chân bước y như vậy trước một ngả ba khác: trước mặt chị, tay phải là lối dẫn về khu vườn nhà Hai Nhiều, tay trái là đường ra gò Miễu. Trên đường đi, chị gặp nhiều người sang có, hèn có cùng lên An Thái để xin gặp Đức Thầy. An biết thêm Kiên đã mở am tại gò Miễu, và khách thập phương lũ lượt đổ về đây để xin Đức Thầy hoặc một lá bùa hộ mệnh, hoặc một lời tiên tri.
Bấy giờ đã bắt đầu mùa mưa. Con đường đất dẫn lên gò Miễu được mở rộng hơn trước. Thời mấy cha con ông giáo Hiến còn đi đi về về để làm mấy đám ruộng miễu, con đường này chỉ là một bờ ruộng hẹp không quá một thước mộc. Ngày nay, người ta đã mở rộng thêm nhiều. Mưa đầu mùa làm nhão mặt đất sét; mặt đất lầy lội in nhiều dấu chân ngựa và dấu bánh xe gỗ. Ngay từ ngã ba đã có vài chòi tranh cất tạm, ở đó người ta bán vàng hương, cỏ ngựa và mỗi lần có một chiếc xe hoặc một người khách cưỡi ngựa từ Qui Nhơn lên, từng đàn trẻ con mặt mũi nhem nhuốc, bùn dính đến tận đầu gối, mặc áo tơi lá chạy đến tranh nhau xin được giữ xe, cho ngựa uống nước để lấy công.
An được biết các quan lớn trong triều, nhất là các phu nhân, vẫn thường lên tận đây để xin bùa. Đức Thầy tiếp tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, ai đến trước vào trước, nên nhiều gia đình vọng tộc dưới Hoàng đế thành đã phải chầu chực cả ngày dưới cơn mưa dữ mới đến phiên mình. Chị bán thóc ngựa ở chỗ ngã ba nói với An như vậy, với nét mặt hả hê. Và An lại thêm băn khoăn, bối rối, vừa vui mừng vừa ngao ngán cho ông anh cả.
Tất nhiên An sợ phải gặp Kiên ngay. Sợ điều gì? Chị không rõ. Cho nên khi chị bán thóc mách riêng cho An biết cách đút tiền cho người đệ tử ruột của Đức Thầy (người có trách nhiệm hướng dẫn khách từ cổng vào am để gặp Đức Thầy), tránh khỏi mất công chờ đợi, An vẫn ầm ừ cho qua. Chị bán thóc tưởng An tiếc tiền, khẩn khoản hứa chỉ nhận công môi giới có nửa quan tiền thôi. An thản nhiên cho chị ta nửa quan tiền, rồi lặng lẽ bỏ đi.
Chị phải chờ đến chạng vạng tối mới đến lượt mình. Lòng chị nôn nao, phần vì sợ vu vơ, phần vì nhịn đói từ sáng. Cảnh vật trước mắt chị đều lờ mờ, chao đi chao lại như những ảo ảnh. Chị không nhận ra được cảnh cũ của gò Miễu, vì chung quanh gò đã có một vòng rào tre cao quá tầm mắt. Qua khỏi cổng, An nhận ra được mấy cây mít cỗi. Hai căn nhà lá mái khá rộng được dựng hai bên cái miễu cũ, nhiều đệ tử râu tóc để mọc dài mặc áo trắng vào ra nhộn nhịp. Am chính của Đức Thầy vẫn là cái miễu xưa kia thờ người bị cùi. Mưa rả rích mất hút trong khoảng trời hẹp ngập đầy khói hương và những tiếng thì thào thành kính. An cảm thấy nhỏ lại, lòng hoang mang như đang lạc vào một vùng mù sương xa lạ và bất trắc không tìm được lối về.
*
* *
Hai anh em nhìn nhau mà không nhận ra nhau!
An ray rứt ái ngại tự hỏi thầm:
- Anh ấy đây sao? Có đúng anh ấy không?
Khói hương trong am dày đặc hơn bên ngoài. An cảm thấy ngột thở. Đức Thầy mặc quần áo trắng y như các đệ tử, ngồi theo lối kiết già trên một tấm bồ đoàn bằng lát nhuộm đỏ. An ghi nhận ngay ra mái tóc và chùm râu dài sớm bạc của anh. Trước mặt Kiên đặt một cái khay đồng, phía trên có hai cái dĩa sứ một lớn một nhỏ. Dĩa nhỏ ở gần Kiên đựng mấy miếng cau và trầu còn xếp y nguyên theo vòng dĩa. Dĩa lớn đựng vài nén bạc và nhiều... rất nhiều quan tiền kẽm. An nhìn trân lên cái dĩa lớn, rồi ngước lên tìm đôi mắt Kiên. Chị xót xa nghĩ thầm:
- Anh ấy chưa nhận ra mình. Có đúng anh ấy không?
Đúng là Kiên. An không thể nhầm lẫn được. Vẫn khuôn mặt ấy, cái mũi ấy, hàm răng thưa và vành tai hơi cong về phía trước ấy. Chỉ khác màu râu tóc và... và gì nữa... Phải, có cái gì nữa biến đổi toàn diện đến nỗi An ngờ vị đạo sĩ ngồi đây không phải là anh mình.
Đức Thầy nhìn An một cách ơ hờ, mắt hơi lim dim. An có cảm tưởng Kiên chờ đợi cái gì đó. Có tiếng cánh cửa am kêu kẽo kẹt. Người đệ tử đứng tuổi vừa dẫn An vào trở lại. Đức Thầy ngước lên nhìn An ngơ ngác, rồi quay hỏi đệ tử:
- Khách ngoài đó còn nhiều không?
Người đệ tử lễ phép đáp:
- Bẩm Đức Thầy, còn mấy chị nhà quê bên An Vinh thôi!
Giọng Đức Thầy hơi gắt:
- Mấy tức là bao nhiêu?
- Dạ khoảng năm, sáu người.
- Sao lại khoảng, không đếm kỹ làm sao biết nhiều hay ít hơn hôm qua.
Người đệ tử chỉ dạ nhỏ để tỏ ý hối lỗi, rón rén đến gần cái khay đồng cúi xuống bưng cái dĩa lớn đổ tất cả tiền bạc vào một cái bọc vải điều. An theo dõi tỉ mỉ các động tác của người đệ tử, nhớ lời chị hàng thóc ngoài ngã ba... Rồi An nhìn vào đôi mắt Kiên. Chính lúc đó, chị mới nhận ra ánh mắt anh đã thay đổi hẳn. Trước kia, cái nhìn của Kiên thường phảng phất vẻ hiu buồn, thụ động cam chịu. Bây giờ, đôi mắt ấy trở nên lanh lợi, gần như đong đưa bất trắc. Đức Thầy nhìn An soi mói, mày hơi nhíu lại. Người đệ tử ra khỏi cửa am. An lấy bạo, mím môi lấy hơi để trấn tĩnh, rồi mới run run hỏi:
- Anh không nhận ra em sao?
Kiên đang đẩy cái khay đồng lại gần An, giật mình ngước lên, ánh mắt còn nguyên vẻ thảng thốt. An đau đớn đến phát khóc, giọng nói đã đẫm nước mắt:
- Anh không nhận ra em thực ư? Em đây mà. Em là An của anh đây.
An đưa ống tay áo lên quệt nước mắt. Chị ngửi thấy mùi mồ hôi đậm và mùi bùn. Tiếng Kiên nói, chậm và điềm tĩnh:
- Em về hồi nào?
An vội ngước lên. Ánh mắt Kiên hơi dịu lại, tuy còn phảng phất vẻ cau có. An hấp tấp đáp:
- Em ghé lại chỗ bến tắm ngựa. Cụ chủ nhà chỉ cho em lên đây. Em phải chờ từ sáng.
Rồi để xóa bớt cái không khí nặng nề giữa hai anh em, An cố lấy giọng vui vẻ nói:
- Anh biết không, lúc nghe cụ già kính cẩn nhắc đến Đức Thầy, em không ngờ đó là anh. Vậy mà suốt mấy năm vắng tin anh, tụi em cứ tưởng anh còn mắc vòng lao lý. Tụi em cứ ân hận vì đã trốn ra Phú Xuân mà anh phải chịu ngờ vực, tai họa...
- Chú ấy bị giết lúc nào?
Giọng nói lạnh lẽo đều đều của Kiên như một gáo nước lạnh dội vào đầu An. An ngửng lên, hụt hẫng và hoang mang, chị thấy Kiên ngồi bất động, mắt lim dim như một pho tượng. Chị hối hận đã bị xúc cảm lôi cuốn đi quá xa. An trở nên bình tĩnh hơn, đáp thật chậm:
- Nhà em bị giết ba hôm trước lễ đăng quang.
Từ đó về sau, An cúi xuống đối đáp với anh. Chị sợ không dám nhìn rõ thái độ ơ hờ của anh. Phần Kiên, chỉ hỏi em gái những câu hỏi ngắn:
- Em không cầu xin tha mạng cho chú ấy ư?
- Có, nhưng... (An nghẹn một lúc, mới nói tiếp)... anh hay tin lúc nào?
- Ngay sau đó.
- Ai cho anh hay tin?
- Khắp Qui Nhơn đều biết. Vì sao, em biết không?
- Sao ạ?
- Nhà vua mừng rỡ khi bắt được tin ấy.
- Nhà vua căm giận nhà em đến thế sao?
- Không.
Kiên ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi nói:
- Nhà vua căm ai, em biết rồi. Thôi đủ cách bêu riếu: nào vắt chanh bỏ vỏ, nào giết chồng đoạt vợ, nào gian dâm vô độ...
An hãi hùng kêu lên:
- Trời ơi, người ta dám...
Kiên cắt lời em:
- Em được phép vào tận đây ư?
An ngạc nhiên hỏi:
- Phép gì ạ?
- Phép nước chứ phép gì! Em đã dọn vào ở cung nội chứ?
An hiểu Kiên muốn nói gì. Chị tức đến nỗi giọng nói trở nên nghẹn ngào:
- Anh mà cũng nghĩ như thế sao! Mẹ con em phải trốn khỏi Phú Xuân ngay hôm xuất sư.
Xúc động quá, An mếu máo khóc:
- Gần một năm nay, mẹ con em phải buôn bán lần hồi để kiếm sống. Còn về đây thăm anh là may mắn quá. Em tưởng ba mẹ con em chết rấp ở Bến Ván từ lâu rồi.
Kiên hơi mở lớn đôi mắt nhìn em, rồi nói nhỏ:
- Bến Ván?... ờ, Bến Ván!
Hai anh em im lặng khá lâu, không ai dám nhìn ai. An cảm thấy ray rứt nếu giữ mãi im lặng, vẫn cúi mặt hỏi Kiên:
- Chị và các cháu ra sao hở anh?
Kiên đáp gọn:
- Thất lạc từ dạo đó.
- Từ hồi nào?
- Ra tù, anh về nhà không thấy họ nữa.
- Anh không tìm ư?
- Biết đâu mà tìm. Vả lại...
Kiên không nói tiếp. An hỏi nhỏ:
- Sao ạ?
- Không.
Lại có tiếng cửa am kẽo kẹt. Người đệ tử đứng ở chỗ cánh cửa hé, hỏi vào:
- Bẩm Đức Thầy, sắp tối rồi. Cho họ về hay cố giữ họ nán lại chờ?
Kiên ngập ngừng hết nhìn An lại nhìn ra cửa, hỏi:
- Còn mấy người?
- Bẩm hai bà già đã về, dặn xin vào trước sáng mai. Chỉ còn ba người thôi.
Kiên dứt khoát hơn:
- Hẹn họ mai trở vô.
Cửa am khép kín như cũ. An muốn tránh những điều đau lòng, ngẩng lên nhìn thẳng vào anh bạo dạn hỏi:
- Em không hiểu anh đã làm gì mà được thiên hạ tôn kính và tin tưởng như vậy. Từ Thiết tràng lên đây, em chỉ gặp toàn những người lên xin quẻ Đức Thầy. Lam lũ rách rưới mo cau gói cơm hẩm muối hột cũng có. Mà hạng sang trọng đi ngựa đi xe lên tận ngã ba cũng không ít. Em kinh ngạc quá. Có ai dám ngờ cái gò Miễu hiu quạnh lẻ loi này trở nên một linh địa như thế. Anh có nhớ cái thời nhà ta ra đây khai phá mấy đám ruộng miễu không? Cả chuyện thằng Lãng dám một mình ra đây ban đêm nữa. Rồi những đêm canh lúa bên con cúi rơm ngún lửa! Chao ôi, bao nhiêu vật đổi sao dời. Khó mà tin được!
An nói say sưa, trước mắt hình ảnh Kiên mờ nhạt, lung linh. Lúc dừng lại, An vui mừng nhận thấy Kiên đang mỉm cười, giơ hai hàm răng thưa đã bắt đầu đen ở chân răng. Ánh nhìn của Kiên cũng dịu dàng, hiền hậu y như thời An thái. An thấy ấm áp trong lòng, vui mừng hỏi nhỏ:
- Anh còn nhớ cái thời đó không?
Giọng Kiên hơi run vì xúc động:
- Nhớ chứ! Nhớ cả những người mà em ngại không dám nhắc tới.
Thấy em gái cúi xuống nhìn mặt chiếu hoa trải trên nền am, Kiên biết mình vô tình khơi dậy nỗi đau xót của An. Kiên nói sang chuyện khác:
- Em có biết vì sao anh "đắt khách" thế này không?
An cố ghìm xúc cảm, giả vờ vuốt tóc để gạt ngấn nước mắt, làm bộ hớn hở hỏi:
- Vì sao ạ?
- Trước hết là nhờ "ông Bảy Lữ". Cái thời anh còn ngây thơ, quờ quạng đi tìm "những điều không có đâu" như là căn nguyên của đời sống, qui luật của tạo hóa, sống làm gì, chết về đâu, ý nghĩa của nước mắt, dây mơ rễ má bà con giữa loài người và cỏ cây đất đá... và và... biết bao chuyện bá vơ khác, cái thời đó ông Bảy Lữ cũng chán cảnh bon chen, khao khát đi tìm như anh. Em biết rồi, từ hồi đó, ông ấy vẫn thường cởi áo gấm mặc áo vải lui tới khu vườn nhà anh. Ông ấy đã cởi áo gấm, nhưng thiên hạ vẫn biết ông ấy thuộc dân áo gấm. Mà dân áo gấm thì ăn, ngủ, nói, cười, thậm chí ỉa đái đều có nghĩa lý sâu xa. Ông Bảy thân mật với anh, cứu anh ra khỏi tù, lặn lội từ Hoàng đế thành lên đây đàm đạo với anh, và điều quan trọng hơn hết, chết trong tay anh, tất nhiên phải có nghĩa lý huyền diệu nào đó chứ.
An tò mò cắt lời Kiên:
- Đông Định vương mất trong cái am này sao?
Kiên lắc đầu:
- Không. Những ngày cuối đời, ông ấy yếu quá không đi vòng lên đây được. Vua anh phải cho võng lên đây rước anh xuống. Lúc ấy ông Bảy đã như ngọn đèn sắp tắt. Nhà vua đã ra lệnh chuẩn bị đồ khâm liệm. Trông thấy anh, ông ấy tỉnh lại, như ngọn đèn hết dầu lóe lên lần cuối. Ông ấy thảng thốt hỏi anh chết xong sẽ đi đâu. Anh bảo hãy ôn lại chuyện sống. Ông ấy cười gượng, thều thào thú nhận mình sống vô vị chẳng làm được tích sự gì. Anh bảo ông ấy làm được một việc quan trọng hơn hết mọi điều, cao cả hơn hết mọi người. Ông ấy tươi ngay nét mặt, cố chống tay ngồi dậy. Dĩ nhiên ông ấy không dậy nổi, nhưng vẫn mấp máy môi giục anh nói ngay điều quan trọng cao cả ấy là gì. Anh đáp: "Ngài đã sống đúng bản tính Trời cho, và đã hết sức cố gắng. Những điều khác đều là thừa thãi cả thôi". Ông ấy mỉm cười, cố đưa tay phải lên nắm tay anh. Anh nắm tay ông ấy. Bàn tay đã buông thỏng trên mền gấm. Một lúc sau, bàn tay lạnh ngắt.
Kiên dừng lại. Bên ngoài, mưa thêm nặng hột. Hai cây bạch lạp kêu lèo xèo trên bàn thờ. An đưa tay lên ngực cho tim bớt hồi hộp, run run bảo anh:
- Anh nói đúng. Sống đúng tính trời và hết sức cố gắng. Em ước mong được như vậy.
Kiên không muốn đi sâu vào những điều rắc rối, nên hỏi An:
- Nhưng em có biết ngoài ông Bảy Lữ, anh nhờ nhõi vào đâu không?
- Không ạ.
- Nhờ vào sự yếu đuối. Nhờ vào nỗi sợ hãi của thời loạn.
- Em chưa hiểu.
- Em không thấy các ngài áo gấm mặt mày lấm lét lũ lượt lên đây xin bùa hộ mệnh, xin lễ cầu an hay sao? Cả những người áo rách cũng vậy. Lòng họ có yên đâu! Trong Nam ông Chủng (Nguyễn Ánh) đã về Gia Định, lập hẳn một triều đình. Nghe nói người Tây dương đang đóng tàu sắt cho ông ta. Ngoài Bắc, uy danh của "ông Tám" (Nguyễn Huệ) đang lẫy lừng. Phá được một lần bao nhiêu vạn quân Thanh thì vài toán lính yếu ở Bến Ván có nhằm gì. Khắp Qui Nhơn ai cũng tự hỏi không biết bao giờ thì Phú Xuân xua quân qua cầu. Em ở Bến Ván, có biết lúc nào không?
An thành thực đáp:
- Dạ không. Hiện giờ thì hai bên đều tránh chạm trán nhau. Nhờ thế...
Kiên hăng hái cướp lời:
- Em ở đó không biết thì trong này ai biết được. Không biết nên hoang mang, lo sợ, không lúc nào yên tâm. Bám víu vào đâu đây? Ngày mai ra sao? Con cái sẽ thế nào? Ai trả lời cho?
- Em cũng định hỏi anh những câu đó.
- Em tưởng anh đáp được sao?
- Anh đã đáp cho bao nhiêu người. Họ đến đây rầu rĩ, nhưng em nhận thấy lúc ra về, họ có vẻ yên tâm.
Giọng Kiên hơi phẫn kích:
- Anh lừa thiên hạ, nhưng đâu có nỡ lừa em gái mình.
Nói xong, hình như Kiên hối hận, nên nét mặt nghiêm lại, hai mắt lim dim nhìn thẳng vào khoảng không phía trên cửa am. Cánh cửa hé mở, và như những lần trước, lại kêu kẽo kẹt. Kiên giật mình, ngồi ngay lưng, dõng dạc hỏi:
- Cái gì thế?
Người đệ tử đáp:
- Bẩm đã đến giờ...
Kiên cắt lời đệ tử:
- Ta chưa đói.
Rồi vẫn bằng cái giọng sang sảng khác thường, Kiên hỏi An:
- Tối rồi chị về còn kịp không? Thôi hãy tạm qua đêm ở phòng dành cho các tín nữ. Sáng mai chị lên đây ta dặn thêm vài điều cần làm để tránh hậu hoạn.
Nói xong, Kiên đẩy cái khay đồng về phía em gái. An hiểu, liếc phía sau nhìn người đệ tử đứng tuổi của anh, rút hầu bao đặt lên chiếc dĩa lớn hai quan tiền.
Kiên cố không thay đổi nét mặt, hất đầu bảo An:
- Chị theo chú này ra chỗ nghỉ đêm.
*
* *
Sáng hôm sau, hai anh em lại gặp nhau. Kiên hỏi:
- Em có cần anh giúp đỡ gì không?
An đã bỏ ý định xin dẫn hai con về đây nương tựa anh. Đêm qua, chị thao thức không ngủ được, nhưng không lúc nào An nuôi ý định ấy. Điều chị suy nghĩ là: Làm thế nào Kiên có thể mặc nhiên để cho thiên hạ cung kính gọi Đức Thầy mà không e thẹn, nhột nhạt? Làm thế nào có thể sống hai mặt một cách thản nhiên như vậy suốt bao nhiêu năm và còn tiếp tục sống như vậy cho đến bao giờ? Làm sao một người như vậy có thể thốt được những câu như Kiên đã thốt bên giường bệnh Đông Định vương Nguyễn Lữ?
An vừa giận dỗi vừa thương hại anh cả, đáp:
- Cảm ơn anh. Ngoài Bến Ván, mẹ con em buôn bán cũng đủ sống.
Kiên hơi thất vọng:
- Tùy em.
Đến lúc đó, Kiên mới nhớ mình chưa hỏi thăm Lãng. Khi An cho biết không biết gì về Lãng từ hôm trốn khỏi Phú Xuân, Kiên cố vớt vát:
- Nếu Lãng cũng bị sa cơ, thì nhắn chú ấy về đây.
An lí nhí đáp:
- Cảm ơn anh.
Họ chia tay nhau, lòng nặng trĩu một nỗi buồn vu vơ.
An ra khỏi cổng am, chân do dự. Không tự chủ được, chị nhìn về phía An thái. Lòng chị quặn thắt khi thấy cây gạo ở bến sông đã chết khô từ bao giờ. Chị nhìn trân cây gạo thật lâu, rồi xoay lưng đi về phía mộ mẹ.
Ngay hôm đó, An trở xuống Qui Nhơn thăm mộ cha, mộ Chinh và tìm phương tiện về Bến Ván.
(1) Xem Chiếu Khuyến nông. Tuyển tập Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 2, trang 119.
Vùng đất cằn cỗi hiu quạnh chỉ toàn cát và những bụi gai trơ trụi dưới nắng lửa, nơi không thể nuôi sống con người, nơi Trời dành riêng làm chỗ chém giết sát phạt nhau đó hình như chỉ được biết đến vì những tai ương và máu vô tội. Máu của dân hiền lương và bọn khách buôn bị cướp ở suốt truông Cát. Máu của binh triều và quân Tây Sơn đổ ra trong trận đánh ác liệt năm Giáp Tị (1773) (Mẫm bị tử trận trong trận này, xác bị quân triều vùi xuống dưới một bụi gai sau khi hớt tai, xẻo mũi, băm vằm thân thể đến nát bấy). Máu của binh sĩ Qui Nhơn và Phú Xuân trong các cuộc lưu huyết lẻ tẻ ở ranh giới vì những cái cớ nhỏ nhặt từ năm Đinh Vị (1787) đến nay (năm kết thúc cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt giữa hai anh em Nhạc, Huệ, bằng thỏa ước lấy Bến Ván làm ranh giới phân chia hai vùng cai trị).
Nhưng sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh và bắt đầu cho áp dụng những biện pháp ổn định kinh tế và trị an, nhất là sau khi tờ Chiếu khuyến nông được ban bố và thi hành triệt để (1), Bến Ván trở thành chỗ trú cho nhiều thành phần sống ngoài vòng pháp luật và bọn vô lại.
Vua Thái Đức thấy rõ hơn ai hết uy lực của người em tài ba, của người anh hùng vừa ghi thêm cái công đánh đuổi quân xâm lăng để cứu quốc, của chú em út cứng đầu nhiều tham vọng sau khi đại thắng quân Thanh đang muốn tiến quân về phía nam để thống nhất đất nước, nên hạ lệnh rút bớt số quân phòng thủ ở Bến Ván để tránh các vụ va chạm bất lợi. Nhà vua không muốn các vụ xung đột lâu nay vẫn thường xảy ra ở Bến Ván giữa hai phe trở thành cái cớ cho "chú Tám Thơm" xua quân uy hiếp Qui Nhơn.
Ngược lại, vua Quang Trung cũng ra lệnh rút toán quân đóng bên này cầu về chợ Cầu Ông Bộ, cách Bến Ván gần nửa ngày đường để tỏ ý nhường nhịn. Nguyễn Huệ cũng hiểu rõ hơn ai hết tính đa nghi của vua anh, nên muốn có hành động cụ thể để trấn an Qui Nhơn.
Bến Ván trở thành vùng đất vô luật pháp, cái đệm êm ái cho bọn buôn lậu, bọn trộm cướp, những người sắp thành nạn nhân của ông vua già đa nghi, những dân quen sống lưu tán đã làm giàu nhờ chiến tranh không muốn hồi cư cầm cuốc cầm cày theo biện pháp cương quyết của Chiếu khuyến nông.
Từ vài hàng quà bán nước trà tươi, vài trái ổi rừng, đôi ba quả chuối héo dành bán cho những người lính nghèo, chẳng bao lâu biến thành một khu chợ đông đúc. Hàng hóa thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có, kể cả những hàng Tàu đem từ cửa Hội vào để cung phụng cho gia đình các quan lớn trong Qui Nhơn. Có nhiều thứ hàng đắt tiền như sa, đoạn, nhung, quạt giấy, đèn lồng, đồ sứ, đồ đồng... giá còn rẻ hơn ở cửa Hội, vì các thuyền buôn Quảng Đông đổ hàng lậu lên cửa Hợp hòa để tránh thuế của Tàu vụ. Hàng quán mọc lên như nấm trên nền cát cháy nắng. Ban đầu chỉ là những cái chòi lá xiêu vẹo tạm bợ. Về sau mái tranh liếp nứa đàng hoàng. Từ chợ lập nên phố, dù là phố tranh. Dần dà có hẳn một thứ tổ chức công quyền riêng, do thỏa hiệp giữa bọn con buôn và các nhóm vô lại.
An vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ chứng kiến cuộc đổi lốt kỳ lạ của Bến Ván, lòng thầm cảm ơn Trời xanh đã mở cho mình một sinh lộ. Chị mở một quán cơm ở ngay chợ. Với số vốn mang theo, An mau chóng khuếch trương cơ sở làm ăn, bỏ nghề bán cơm quá sức nhọc nhằn để trở thành người buôn bán tạp hóa. Rồi trở thành một người chuyên trữ hàng Tàu. Nửa năm sau ngày dắt díu con cái đến Bến Ván, An trở thành một người khá giả của vùng đất lộn xộn phức tạp này.
*
* *
Làm sao một góa phụ ba mươi bảy tuổi yếu ớt cùng hai đứa con nhỏ dại có thể sống yên ổn giữa đám vô lại ấy suốt nửa năm trời?
An cũng đã tự hỏi như vậy. Trôi giạt về Bến Ván, không qua được bên kia sông để về chỗ mơ ước, chị phải dừng lại. Phải sống. Che một cái chòi lá để mở quán cơm, việc đó gần tầm tay của An nhất. Bọn lưu manh liều lĩnh và hiếu sắc chung quanh An không thiếu. Chút nhan sắc chưa kịp tàn tạ, cộng với vẻ đoan chính sầu muộn có một sức cuốn hút mạnh mẽ đối với bọn đàn ông ở Bến Ván, kể cả những tay vô học thô bạo chuyên nghề trộm cướp và khuân vác hàng lậu. Quán cơm của An đông khách hơn nơi khác. An vừa mừng vừa hồi hộp lo ngại, nhất là những đêm không làm cách nào đuổi được bọn đàn ông lân la tìm cớ ngồi dai, không chịu ra về. An không bán rượu. Họ mua rượu ở nơi khác đến uống sau bữa cơm. Đã có nhiều tay giả say lè nhè những lời sàm sỡ. Bé Thái sợ quá, thì thào bảo mẹ nên tìm cách dời đi chỗ khác. An còn dùng dằng chưa biết tính thế nào thì không biết từ đâu, có lẽ từ những con buôn cửa Hội, cả Bến Ván xì xầm với nhau về gốc tích ba mẹ con An. Vài khách buôn đường dài chạy hàng Tàu vô ra cửa Hội, Bến Ván trước kia có biết Lợi. Rồi những câu chuyện tô vẽ thêm về mối tình giữa cô con gái ông giáo Hiến với người học trò xuất sắc nhất của ông - những câu chuyện Lợi loan truyền khắp nơi để làm thế dựa mặc cả - mau chóng trở thành đề tài hấp dẫn lúc rảnh rỗi. Mọi người nhìn mẹ con An với đôi mắt khác hẳn. Thái độ của họ, kể cả bọn vô lại, trở nên phức tạp. Một đằng họ thấy ba mẹ con An gần gũi với họ vì cùng thuộc vào hạng sa cơ lỡ vận, hạng không tìm được chỗ nào dung thân nên tụ về miền đất vô pháp luật này sống qua thời. Nhưng địa vị của ông giáo Hiến, thanh thế của Lợi, nhất là mối liên hệ tình cảm giữa vị hoàng đế lẫy lừng và góa phụ ốm yếu này, kể cả cách đi đứng ăn nói của An, tất cả những yếu tố đó khiến họ tự cảm thấy hãnh diện khi được An dọn cho bữa ăn, Thái rót nước trà đem đến mời sau bữa, Phát nhắc ghế cho ngồi. Từ đó không còn cảnh say rượu, ăn quịt, không còn những cái nhìn sỗ sàng, những lời sàm sỡ. Bọn con buôn giàu có dĩ nhiên ít mặc cảm hơn đám vô lại. Nhưng là những con buôn, họ hiểu rõ rằng việc làm ăn phát đạt hiện tại ở Bến Ván chỉ là cơ hội bấp bênh, không thể lâu dài. Khi Phú Xuân hay Qui Nhơn hết nhường nhịn, hoặc hết né tránh nhau, tất nhiên Bến Ván mau chóng trở thành vùng đất không người. Họ chụp giựt mối lợi trước mắt, và khôn ngoan tránh bị lụy vì Phú Xuân hay Qui Nhơn. Chạm vào gia đình mẹ con An là đã chạm đến có thể là lòng tự ái, có thể là danh dự của vị hoàng đế lẫy lừng từ nam ra bắc. Bọn con buôn nghĩ vậy.
Nhờ thế, An buôn bán trong sự an toàn. Gần như chị được cả khách mua lẫn khách bán chiều chuộng. Tuy vậy, lòng An không lúc nào yên. Thằng Phát dễ hư quá. Cái tính hiếu thắng, ương ngạnh, nóng nảy, ưa những điều hời hợt bề ngoài, cộng thêm cái thói mê xóc dĩa mới nhiễm, khiến thằng bé mau chóng trở thành một tên vô lại nhỏ. Nó bắt chước hết tật xấu của bọn lưu manh, từ cách ăn nói, đi đứng. Phát ăn cắp tiền của mẹ, trả công cho bọn trộm cướp chuyên nghiệp dạy võ, lén lấy hàng của mẹ bán lấy tiền đãi chúng rượu thịt. An bơ vơ giữa một đám người xa lạ, đau xót thấy con hư đốn. Cuộc sống chụp giựt bấp bênh làm An chóng mặt, lúc nào cũng hồi hộp lo sợ. Phải tìm một chỗ dựa vững chắc hơn! Dựa vào đâu? Cái ý về An thái cứ lởn vởn trong đầu An. Về được không? Sao không về?
Tháng bảy năm đó, An gửi hai con và nhà cửa cho một người bạn buôn đáng tin cậy, một mình tìm cách vượt sông Bến Ván về Qui Nhơn.
*
* *
Khỏi cần phải kể lại những phí tổn lớn lao và nỗi nhọc nhằn của An trên đường vô nam. Đến Qui Nhơn, An tìm ngay đến cái quán cũ của anh gần bến tắm ngựa. Như An lo lắng từ trước, căn nhà đã đổi chủ. Cái chái tranh trước đây Kiên cất thêm để làm quán rượu đã bị dỡ đi, khung cảnh căn nhà đổi khác hẳn. An do dự, băn khoăn, không hiểu có đúng đây là nhà của Kiên không? Thằng bé trạc mười tuổi thấy có người lạ lảng vảng phía trước rào, e dè đứng chặn ngay cửa nói lớn:
- Không có ai ở nhà cả. Không có gì để cho đâu. Đi đi!
An nhìn lại quần áo mình. Chị giật mình nhận thấy mình ăn mặc nhếch nhác tiều tụy quá. Bụi đường bám lên bộ quần áo đen và mặt mũi, không trách thằng bé lầm An là một người ăn mày. An ngoắc thằng bé ra hỏi:
- Cho chị hỏi thăm. Có phải đây là nhà ông Kiên không?
Thằng bé vẫn đứng ở ngạch cửa, hỏi trổng:
- Ông nào?
- Ông Kiên. Ông Kiên trước đây làm...
An ngập ngừng, không biết nói cho đúng trước đây Kiên làm gì. Thằng bé càng thêm nghi ngờ, nói xẳng:
- Đừng bày đặt chuyện để lấy cắp đồ người ta. Đi đi, tôi gọi lính bắt bây giờ!
Một cụ già hiện ra ở chái tây, nơi có lối ra vườn. An mừng rỡ hỏi lớn:
- Thưa cụ, cho cháu hỏi thăm một chút. Anh Kiên anh cháu có còn ở đây không?
Ông lão chống gậy ra gần cổng, nheo mắt nhìn khắp người An một chặp, mới hỏi:
- Cô là gì của... của Đức Thầy?
An kinh ngạc hỏi lại:
- Đức Thầy nào ạ?
- Cô vừa hỏi nhà ông Kiên phải không?
An hấp tấp đáp, mừng đến líu lưỡi:
- Quả thế. Cụ cũng biết anh Kiên cháu, phải không ạ!
Ông lão chậm rãi nói:
- Vâng. Nhưng Đức Thầy đã về An Thái từ lâu rồi.
- Cụ vừa nói Đức Thầy. Nhưng cháu muốn hỏi nơi anh Kiên cháu...
Ông lão cắt lời An:
- Ở đây không ai dám gọi tên tục Đức Thầy như cô đâu. Mà cô có đúng là người nhà của Đức Thầy không?
- Vâng, đúng ạ. Cháu là...
- Người nhà sao không biết Đức Thầy ở An Thái mà còn đến đây hỏi thăm.
An mừng cho anh, mừng cho mình, giọng nói vui hẳn lên:
- Mấy năm nay, anh em cháu ở xa nhau. Cháu vừa từ Bến Ván vào.
Ông lão giật mình, ngước lên chăm chăm nhìn An dò xét:
- Cô vừa nói gì thế?
- Cháu vừa nói từ Bến Ván vào. Lâu nay cháu ở tận Phú Xuân...
Ông lão đổi ngay thái độ. Với nét mặt nghiêm khắc, giọng nói xẳng, ông bảo An:
- Thôi, cô đi đi. Lão phải làm vườn, không có thì giờ tiếp chuyện với cô nữa.
An chưa hết ngỡ ngàng thì ông lão đã quay ngoắt vào phía trong. An thất thểu quay ra đường, không hiểu vì sao đột nhiên ông lão thay đổi thái độ như vậy. Nhưng lòng An nhen nhúm một niềm vui nhỏ: An đã biết Kiên được mọi người trọng vọng và hiện đang ở An Thái.
*
* *
Lội qua khỏi bến tắm ngựa, An chùn bước ở chỗ ngã ba. Chị xấu hổ tự hứa thế nào vòng trở về cũng phải mua đủ nhang đèn để lạy trước mộ cha, rồi mới đủ an tâm rẽ về phía tay trái, đường dẫn lên Thiết Tràng và An Thái.
An cũng ngập ngừng chân bước y như vậy trước một ngả ba khác: trước mặt chị, tay phải là lối dẫn về khu vườn nhà Hai Nhiều, tay trái là đường ra gò Miễu. Trên đường đi, chị gặp nhiều người sang có, hèn có cùng lên An Thái để xin gặp Đức Thầy. An biết thêm Kiên đã mở am tại gò Miễu, và khách thập phương lũ lượt đổ về đây để xin Đức Thầy hoặc một lá bùa hộ mệnh, hoặc một lời tiên tri.
Bấy giờ đã bắt đầu mùa mưa. Con đường đất dẫn lên gò Miễu được mở rộng hơn trước. Thời mấy cha con ông giáo Hiến còn đi đi về về để làm mấy đám ruộng miễu, con đường này chỉ là một bờ ruộng hẹp không quá một thước mộc. Ngày nay, người ta đã mở rộng thêm nhiều. Mưa đầu mùa làm nhão mặt đất sét; mặt đất lầy lội in nhiều dấu chân ngựa và dấu bánh xe gỗ. Ngay từ ngã ba đã có vài chòi tranh cất tạm, ở đó người ta bán vàng hương, cỏ ngựa và mỗi lần có một chiếc xe hoặc một người khách cưỡi ngựa từ Qui Nhơn lên, từng đàn trẻ con mặt mũi nhem nhuốc, bùn dính đến tận đầu gối, mặc áo tơi lá chạy đến tranh nhau xin được giữ xe, cho ngựa uống nước để lấy công.
An được biết các quan lớn trong triều, nhất là các phu nhân, vẫn thường lên tận đây để xin bùa. Đức Thầy tiếp tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, ai đến trước vào trước, nên nhiều gia đình vọng tộc dưới Hoàng đế thành đã phải chầu chực cả ngày dưới cơn mưa dữ mới đến phiên mình. Chị bán thóc ngựa ở chỗ ngã ba nói với An như vậy, với nét mặt hả hê. Và An lại thêm băn khoăn, bối rối, vừa vui mừng vừa ngao ngán cho ông anh cả.
Tất nhiên An sợ phải gặp Kiên ngay. Sợ điều gì? Chị không rõ. Cho nên khi chị bán thóc mách riêng cho An biết cách đút tiền cho người đệ tử ruột của Đức Thầy (người có trách nhiệm hướng dẫn khách từ cổng vào am để gặp Đức Thầy), tránh khỏi mất công chờ đợi, An vẫn ầm ừ cho qua. Chị bán thóc tưởng An tiếc tiền, khẩn khoản hứa chỉ nhận công môi giới có nửa quan tiền thôi. An thản nhiên cho chị ta nửa quan tiền, rồi lặng lẽ bỏ đi.
Chị phải chờ đến chạng vạng tối mới đến lượt mình. Lòng chị nôn nao, phần vì sợ vu vơ, phần vì nhịn đói từ sáng. Cảnh vật trước mắt chị đều lờ mờ, chao đi chao lại như những ảo ảnh. Chị không nhận ra được cảnh cũ của gò Miễu, vì chung quanh gò đã có một vòng rào tre cao quá tầm mắt. Qua khỏi cổng, An nhận ra được mấy cây mít cỗi. Hai căn nhà lá mái khá rộng được dựng hai bên cái miễu cũ, nhiều đệ tử râu tóc để mọc dài mặc áo trắng vào ra nhộn nhịp. Am chính của Đức Thầy vẫn là cái miễu xưa kia thờ người bị cùi. Mưa rả rích mất hút trong khoảng trời hẹp ngập đầy khói hương và những tiếng thì thào thành kính. An cảm thấy nhỏ lại, lòng hoang mang như đang lạc vào một vùng mù sương xa lạ và bất trắc không tìm được lối về.
*
* *
Hai anh em nhìn nhau mà không nhận ra nhau!
An ray rứt ái ngại tự hỏi thầm:
- Anh ấy đây sao? Có đúng anh ấy không?
Khói hương trong am dày đặc hơn bên ngoài. An cảm thấy ngột thở. Đức Thầy mặc quần áo trắng y như các đệ tử, ngồi theo lối kiết già trên một tấm bồ đoàn bằng lát nhuộm đỏ. An ghi nhận ngay ra mái tóc và chùm râu dài sớm bạc của anh. Trước mặt Kiên đặt một cái khay đồng, phía trên có hai cái dĩa sứ một lớn một nhỏ. Dĩa nhỏ ở gần Kiên đựng mấy miếng cau và trầu còn xếp y nguyên theo vòng dĩa. Dĩa lớn đựng vài nén bạc và nhiều... rất nhiều quan tiền kẽm. An nhìn trân lên cái dĩa lớn, rồi ngước lên tìm đôi mắt Kiên. Chị xót xa nghĩ thầm:
- Anh ấy chưa nhận ra mình. Có đúng anh ấy không?
Đúng là Kiên. An không thể nhầm lẫn được. Vẫn khuôn mặt ấy, cái mũi ấy, hàm răng thưa và vành tai hơi cong về phía trước ấy. Chỉ khác màu râu tóc và... và gì nữa... Phải, có cái gì nữa biến đổi toàn diện đến nỗi An ngờ vị đạo sĩ ngồi đây không phải là anh mình.
Đức Thầy nhìn An một cách ơ hờ, mắt hơi lim dim. An có cảm tưởng Kiên chờ đợi cái gì đó. Có tiếng cánh cửa am kêu kẽo kẹt. Người đệ tử đứng tuổi vừa dẫn An vào trở lại. Đức Thầy ngước lên nhìn An ngơ ngác, rồi quay hỏi đệ tử:
- Khách ngoài đó còn nhiều không?
Người đệ tử lễ phép đáp:
- Bẩm Đức Thầy, còn mấy chị nhà quê bên An Vinh thôi!
Giọng Đức Thầy hơi gắt:
- Mấy tức là bao nhiêu?
- Dạ khoảng năm, sáu người.
- Sao lại khoảng, không đếm kỹ làm sao biết nhiều hay ít hơn hôm qua.
Người đệ tử chỉ dạ nhỏ để tỏ ý hối lỗi, rón rén đến gần cái khay đồng cúi xuống bưng cái dĩa lớn đổ tất cả tiền bạc vào một cái bọc vải điều. An theo dõi tỉ mỉ các động tác của người đệ tử, nhớ lời chị hàng thóc ngoài ngã ba... Rồi An nhìn vào đôi mắt Kiên. Chính lúc đó, chị mới nhận ra ánh mắt anh đã thay đổi hẳn. Trước kia, cái nhìn của Kiên thường phảng phất vẻ hiu buồn, thụ động cam chịu. Bây giờ, đôi mắt ấy trở nên lanh lợi, gần như đong đưa bất trắc. Đức Thầy nhìn An soi mói, mày hơi nhíu lại. Người đệ tử ra khỏi cửa am. An lấy bạo, mím môi lấy hơi để trấn tĩnh, rồi mới run run hỏi:
- Anh không nhận ra em sao?
Kiên đang đẩy cái khay đồng lại gần An, giật mình ngước lên, ánh mắt còn nguyên vẻ thảng thốt. An đau đớn đến phát khóc, giọng nói đã đẫm nước mắt:
- Anh không nhận ra em thực ư? Em đây mà. Em là An của anh đây.
An đưa ống tay áo lên quệt nước mắt. Chị ngửi thấy mùi mồ hôi đậm và mùi bùn. Tiếng Kiên nói, chậm và điềm tĩnh:
- Em về hồi nào?
An vội ngước lên. Ánh mắt Kiên hơi dịu lại, tuy còn phảng phất vẻ cau có. An hấp tấp đáp:
- Em ghé lại chỗ bến tắm ngựa. Cụ chủ nhà chỉ cho em lên đây. Em phải chờ từ sáng.
Rồi để xóa bớt cái không khí nặng nề giữa hai anh em, An cố lấy giọng vui vẻ nói:
- Anh biết không, lúc nghe cụ già kính cẩn nhắc đến Đức Thầy, em không ngờ đó là anh. Vậy mà suốt mấy năm vắng tin anh, tụi em cứ tưởng anh còn mắc vòng lao lý. Tụi em cứ ân hận vì đã trốn ra Phú Xuân mà anh phải chịu ngờ vực, tai họa...
- Chú ấy bị giết lúc nào?
Giọng nói lạnh lẽo đều đều của Kiên như một gáo nước lạnh dội vào đầu An. An ngửng lên, hụt hẫng và hoang mang, chị thấy Kiên ngồi bất động, mắt lim dim như một pho tượng. Chị hối hận đã bị xúc cảm lôi cuốn đi quá xa. An trở nên bình tĩnh hơn, đáp thật chậm:
- Nhà em bị giết ba hôm trước lễ đăng quang.
Từ đó về sau, An cúi xuống đối đáp với anh. Chị sợ không dám nhìn rõ thái độ ơ hờ của anh. Phần Kiên, chỉ hỏi em gái những câu hỏi ngắn:
- Em không cầu xin tha mạng cho chú ấy ư?
- Có, nhưng... (An nghẹn một lúc, mới nói tiếp)... anh hay tin lúc nào?
- Ngay sau đó.
- Ai cho anh hay tin?
- Khắp Qui Nhơn đều biết. Vì sao, em biết không?
- Sao ạ?
- Nhà vua mừng rỡ khi bắt được tin ấy.
- Nhà vua căm giận nhà em đến thế sao?
- Không.
Kiên ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi nói:
- Nhà vua căm ai, em biết rồi. Thôi đủ cách bêu riếu: nào vắt chanh bỏ vỏ, nào giết chồng đoạt vợ, nào gian dâm vô độ...
An hãi hùng kêu lên:
- Trời ơi, người ta dám...
Kiên cắt lời em:
- Em được phép vào tận đây ư?
An ngạc nhiên hỏi:
- Phép gì ạ?
- Phép nước chứ phép gì! Em đã dọn vào ở cung nội chứ?
An hiểu Kiên muốn nói gì. Chị tức đến nỗi giọng nói trở nên nghẹn ngào:
- Anh mà cũng nghĩ như thế sao! Mẹ con em phải trốn khỏi Phú Xuân ngay hôm xuất sư.
Xúc động quá, An mếu máo khóc:
- Gần một năm nay, mẹ con em phải buôn bán lần hồi để kiếm sống. Còn về đây thăm anh là may mắn quá. Em tưởng ba mẹ con em chết rấp ở Bến Ván từ lâu rồi.
Kiên hơi mở lớn đôi mắt nhìn em, rồi nói nhỏ:
- Bến Ván?... ờ, Bến Ván!
Hai anh em im lặng khá lâu, không ai dám nhìn ai. An cảm thấy ray rứt nếu giữ mãi im lặng, vẫn cúi mặt hỏi Kiên:
- Chị và các cháu ra sao hở anh?
Kiên đáp gọn:
- Thất lạc từ dạo đó.
- Từ hồi nào?
- Ra tù, anh về nhà không thấy họ nữa.
- Anh không tìm ư?
- Biết đâu mà tìm. Vả lại...
Kiên không nói tiếp. An hỏi nhỏ:
- Sao ạ?
- Không.
Lại có tiếng cửa am kẽo kẹt. Người đệ tử đứng ở chỗ cánh cửa hé, hỏi vào:
- Bẩm Đức Thầy, sắp tối rồi. Cho họ về hay cố giữ họ nán lại chờ?
Kiên ngập ngừng hết nhìn An lại nhìn ra cửa, hỏi:
- Còn mấy người?
- Bẩm hai bà già đã về, dặn xin vào trước sáng mai. Chỉ còn ba người thôi.
Kiên dứt khoát hơn:
- Hẹn họ mai trở vô.
Cửa am khép kín như cũ. An muốn tránh những điều đau lòng, ngẩng lên nhìn thẳng vào anh bạo dạn hỏi:
- Em không hiểu anh đã làm gì mà được thiên hạ tôn kính và tin tưởng như vậy. Từ Thiết tràng lên đây, em chỉ gặp toàn những người lên xin quẻ Đức Thầy. Lam lũ rách rưới mo cau gói cơm hẩm muối hột cũng có. Mà hạng sang trọng đi ngựa đi xe lên tận ngã ba cũng không ít. Em kinh ngạc quá. Có ai dám ngờ cái gò Miễu hiu quạnh lẻ loi này trở nên một linh địa như thế. Anh có nhớ cái thời nhà ta ra đây khai phá mấy đám ruộng miễu không? Cả chuyện thằng Lãng dám một mình ra đây ban đêm nữa. Rồi những đêm canh lúa bên con cúi rơm ngún lửa! Chao ôi, bao nhiêu vật đổi sao dời. Khó mà tin được!
An nói say sưa, trước mắt hình ảnh Kiên mờ nhạt, lung linh. Lúc dừng lại, An vui mừng nhận thấy Kiên đang mỉm cười, giơ hai hàm răng thưa đã bắt đầu đen ở chân răng. Ánh nhìn của Kiên cũng dịu dàng, hiền hậu y như thời An thái. An thấy ấm áp trong lòng, vui mừng hỏi nhỏ:
- Anh còn nhớ cái thời đó không?
Giọng Kiên hơi run vì xúc động:
- Nhớ chứ! Nhớ cả những người mà em ngại không dám nhắc tới.
Thấy em gái cúi xuống nhìn mặt chiếu hoa trải trên nền am, Kiên biết mình vô tình khơi dậy nỗi đau xót của An. Kiên nói sang chuyện khác:
- Em có biết vì sao anh "đắt khách" thế này không?
An cố ghìm xúc cảm, giả vờ vuốt tóc để gạt ngấn nước mắt, làm bộ hớn hở hỏi:
- Vì sao ạ?
- Trước hết là nhờ "ông Bảy Lữ". Cái thời anh còn ngây thơ, quờ quạng đi tìm "những điều không có đâu" như là căn nguyên của đời sống, qui luật của tạo hóa, sống làm gì, chết về đâu, ý nghĩa của nước mắt, dây mơ rễ má bà con giữa loài người và cỏ cây đất đá... và và... biết bao chuyện bá vơ khác, cái thời đó ông Bảy Lữ cũng chán cảnh bon chen, khao khát đi tìm như anh. Em biết rồi, từ hồi đó, ông ấy vẫn thường cởi áo gấm mặc áo vải lui tới khu vườn nhà anh. Ông ấy đã cởi áo gấm, nhưng thiên hạ vẫn biết ông ấy thuộc dân áo gấm. Mà dân áo gấm thì ăn, ngủ, nói, cười, thậm chí ỉa đái đều có nghĩa lý sâu xa. Ông Bảy thân mật với anh, cứu anh ra khỏi tù, lặn lội từ Hoàng đế thành lên đây đàm đạo với anh, và điều quan trọng hơn hết, chết trong tay anh, tất nhiên phải có nghĩa lý huyền diệu nào đó chứ.
An tò mò cắt lời Kiên:
- Đông Định vương mất trong cái am này sao?
Kiên lắc đầu:
- Không. Những ngày cuối đời, ông ấy yếu quá không đi vòng lên đây được. Vua anh phải cho võng lên đây rước anh xuống. Lúc ấy ông Bảy đã như ngọn đèn sắp tắt. Nhà vua đã ra lệnh chuẩn bị đồ khâm liệm. Trông thấy anh, ông ấy tỉnh lại, như ngọn đèn hết dầu lóe lên lần cuối. Ông ấy thảng thốt hỏi anh chết xong sẽ đi đâu. Anh bảo hãy ôn lại chuyện sống. Ông ấy cười gượng, thều thào thú nhận mình sống vô vị chẳng làm được tích sự gì. Anh bảo ông ấy làm được một việc quan trọng hơn hết mọi điều, cao cả hơn hết mọi người. Ông ấy tươi ngay nét mặt, cố chống tay ngồi dậy. Dĩ nhiên ông ấy không dậy nổi, nhưng vẫn mấp máy môi giục anh nói ngay điều quan trọng cao cả ấy là gì. Anh đáp: "Ngài đã sống đúng bản tính Trời cho, và đã hết sức cố gắng. Những điều khác đều là thừa thãi cả thôi". Ông ấy mỉm cười, cố đưa tay phải lên nắm tay anh. Anh nắm tay ông ấy. Bàn tay đã buông thỏng trên mền gấm. Một lúc sau, bàn tay lạnh ngắt.
Kiên dừng lại. Bên ngoài, mưa thêm nặng hột. Hai cây bạch lạp kêu lèo xèo trên bàn thờ. An đưa tay lên ngực cho tim bớt hồi hộp, run run bảo anh:
- Anh nói đúng. Sống đúng tính trời và hết sức cố gắng. Em ước mong được như vậy.
Kiên không muốn đi sâu vào những điều rắc rối, nên hỏi An:
- Nhưng em có biết ngoài ông Bảy Lữ, anh nhờ nhõi vào đâu không?
- Không ạ.
- Nhờ vào sự yếu đuối. Nhờ vào nỗi sợ hãi của thời loạn.
- Em chưa hiểu.
- Em không thấy các ngài áo gấm mặt mày lấm lét lũ lượt lên đây xin bùa hộ mệnh, xin lễ cầu an hay sao? Cả những người áo rách cũng vậy. Lòng họ có yên đâu! Trong Nam ông Chủng (Nguyễn Ánh) đã về Gia Định, lập hẳn một triều đình. Nghe nói người Tây dương đang đóng tàu sắt cho ông ta. Ngoài Bắc, uy danh của "ông Tám" (Nguyễn Huệ) đang lẫy lừng. Phá được một lần bao nhiêu vạn quân Thanh thì vài toán lính yếu ở Bến Ván có nhằm gì. Khắp Qui Nhơn ai cũng tự hỏi không biết bao giờ thì Phú Xuân xua quân qua cầu. Em ở Bến Ván, có biết lúc nào không?
An thành thực đáp:
- Dạ không. Hiện giờ thì hai bên đều tránh chạm trán nhau. Nhờ thế...
Kiên hăng hái cướp lời:
- Em ở đó không biết thì trong này ai biết được. Không biết nên hoang mang, lo sợ, không lúc nào yên tâm. Bám víu vào đâu đây? Ngày mai ra sao? Con cái sẽ thế nào? Ai trả lời cho?
- Em cũng định hỏi anh những câu đó.
- Em tưởng anh đáp được sao?
- Anh đã đáp cho bao nhiêu người. Họ đến đây rầu rĩ, nhưng em nhận thấy lúc ra về, họ có vẻ yên tâm.
Giọng Kiên hơi phẫn kích:
- Anh lừa thiên hạ, nhưng đâu có nỡ lừa em gái mình.
Nói xong, hình như Kiên hối hận, nên nét mặt nghiêm lại, hai mắt lim dim nhìn thẳng vào khoảng không phía trên cửa am. Cánh cửa hé mở, và như những lần trước, lại kêu kẽo kẹt. Kiên giật mình, ngồi ngay lưng, dõng dạc hỏi:
- Cái gì thế?
Người đệ tử đáp:
- Bẩm đã đến giờ...
Kiên cắt lời đệ tử:
- Ta chưa đói.
Rồi vẫn bằng cái giọng sang sảng khác thường, Kiên hỏi An:
- Tối rồi chị về còn kịp không? Thôi hãy tạm qua đêm ở phòng dành cho các tín nữ. Sáng mai chị lên đây ta dặn thêm vài điều cần làm để tránh hậu hoạn.
Nói xong, Kiên đẩy cái khay đồng về phía em gái. An hiểu, liếc phía sau nhìn người đệ tử đứng tuổi của anh, rút hầu bao đặt lên chiếc dĩa lớn hai quan tiền.
Kiên cố không thay đổi nét mặt, hất đầu bảo An:
- Chị theo chú này ra chỗ nghỉ đêm.
*
* *
Sáng hôm sau, hai anh em lại gặp nhau. Kiên hỏi:
- Em có cần anh giúp đỡ gì không?
An đã bỏ ý định xin dẫn hai con về đây nương tựa anh. Đêm qua, chị thao thức không ngủ được, nhưng không lúc nào An nuôi ý định ấy. Điều chị suy nghĩ là: Làm thế nào Kiên có thể mặc nhiên để cho thiên hạ cung kính gọi Đức Thầy mà không e thẹn, nhột nhạt? Làm thế nào có thể sống hai mặt một cách thản nhiên như vậy suốt bao nhiêu năm và còn tiếp tục sống như vậy cho đến bao giờ? Làm sao một người như vậy có thể thốt được những câu như Kiên đã thốt bên giường bệnh Đông Định vương Nguyễn Lữ?
An vừa giận dỗi vừa thương hại anh cả, đáp:
- Cảm ơn anh. Ngoài Bến Ván, mẹ con em buôn bán cũng đủ sống.
Kiên hơi thất vọng:
- Tùy em.
Đến lúc đó, Kiên mới nhớ mình chưa hỏi thăm Lãng. Khi An cho biết không biết gì về Lãng từ hôm trốn khỏi Phú Xuân, Kiên cố vớt vát:
- Nếu Lãng cũng bị sa cơ, thì nhắn chú ấy về đây.
An lí nhí đáp:
- Cảm ơn anh.
Họ chia tay nhau, lòng nặng trĩu một nỗi buồn vu vơ.
An ra khỏi cổng am, chân do dự. Không tự chủ được, chị nhìn về phía An thái. Lòng chị quặn thắt khi thấy cây gạo ở bến sông đã chết khô từ bao giờ. Chị nhìn trân cây gạo thật lâu, rồi xoay lưng đi về phía mộ mẹ.
Ngay hôm đó, An trở xuống Qui Nhơn thăm mộ cha, mộ Chinh và tìm phương tiện về Bến Ván.
(1) Xem Chiếu Khuyến nông. Tuyển tập Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 2, trang 119.
Bình luận facebook