• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Hot Thanh xuân chờ (8 Viewers)

  • Chương 33

“Không phải không được mà là không thể cưỡng cầu...”





Tôi trở về nhà như thường ngày, mọi thứ đều không khác ngoài sự hiện diện của hắn. Phải nói rằng, Kiến Văn “lại” đến rồi. Đến vì mục đích gì thì không rõ.



Hắn hôm nay tươi tỉnh, nói cười nhiều. Giả hay thật gì cũng tốt hơn là buồn rười rượi.



Tôi bước vào bếp, chu môi chu mỏ: “Mẹ, lại là mấy món này”



Dạo này tôi thường xuyên thức đêm ôn bài nên khẩu vị rất thất thường. Đúng hơn là không có khẩu vị, nhìn thấy cái gì cũng không có cảm giác thèm ăn. “Lần nào đến cũng là ăn cơm rồi uống nước. Khách nào cũng chán đến chết mất”. Nói thì nói thế tôi vẫn nhanh nhảu đặt cắp sách xuống bàn tới “giúp” một tay bốc nhót.



“Con nhỏ này đúng là không hiểu chuyện!”. Mẹ tôi mắng rồi lại liếc xem Kiến Văn biểu hiện thế nào. Có thể thấy bà rất để tâm cảm nhận của hắn.



“Kiến Văn thích cảm giác gia đình ấm cúng, thằng bé chẳng phải lần nào đến cũng ăn hết những món này hay sao?”. Cái này thì tôi thật sự không dám nói mình biết, tôi chưa đi sâu đến mức điều tra cả chế độ ăn uống của người ta.



Cũng không biết là hắn thật sự quý không khí ấm cúng trên bàn ăn của chúng tôi nên mới ngon miệng như vậy hay kì thực chỉ muốn đóng tròn vai một vị khách để mẹ tôi vui lòng.



Cây hoa giấy trước gió lùa nghiêng ngả, bên ngoài hẳn lại có đợt gió mới tràn về, cát bụi vẩn tứ phía. Cửa ra vào bị xô dính vào tường kêu cái thịch, tôi bị doạ giật thót một cái.



Mẹ tôi nhìn ra, không hài lòng với cánh cửa kia: “Còn không đứa nào chịu ra đóng cửa phòng khách lại, bụi bẩn như thể không tốt cho sức khoẻ...”



Gia Luân liếc tôi hất mặt ra cửa. Tôi coi như chưa nhìn thấy ám hiệu đó, le lưỡi trêu ngươi.



Lão lại hừ hừ mấy tiếng muốn tôi xử lí chuyện chướng mắt của mẹ. Tôi chính là rất thích làm trái ý khiến lão tức điên.



“Hạ Ân, Gia Luân. Không đứa nào nghe thấy mẹ nói sao? Sao còn ngồi ngây ra đó!”



Chúng tôi yên ắng như hai pho tượng tĩnh...



“Để con!”



Hắn đi ra đóng cánh cửa phòng khách lại trong sự đấu khẩu kinh hồn giữa tôi và Gia Luân. Hành động tưởng chừng đơn giản như việc đóng cửa nhưng khi áp dụng lên các đối tượng lười, thì đó lại là việc vô cùng vô cùng phiền phức.



“Đúng là đứa bé ngoan”. Bà cười nhưng không phải cười với anh em tôi. “Hai đứa này nhìn đi, cãi nhau như thế còn ra thể thống gì không?”. Thái độ mắng mỏ này thì đúng!



Có một chân lí gọi là mẹ tôi cho rằng tất cả những đứa trẻ còn lại trên thế giới này đều ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Ngoại trừ hai đứa con lười nhác bà sinh ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này tôi cảm thấy có chút đạo lí!



“Đúng là hiểu chuyện”. Gia Luân chêm vào.



Tôi hôm nay đột nhiên trở nên rất kiệm lời, tóm lại phần lớn là không biết phải chen chân vào câu chuyện của “huynh đệ” người ta thế nào.



Mẹ tôi ăn uống xong xuôi thì cố ý nhường cho ba đứa trẻ chút không khí. Kiến Văn và anh trai tôi ấy vậy mà có rất nhiều chuyện để nói, nói liên tục, rất hợp ý nhau.



Gia Luân tay bắt mặt mừng giới thiệu đủ thứ chuyện trên đời, không khách sáo chút nào còn kể cả tật xấu của tôi.



Hắn thi thoảng vẫn liếc tôi một cái, có lẽ là để thăm dò mà cũng biết đâu là để nhịn cười. Tôi thì lười để ý bọn họ, có người đàn ông “ngay thẳng” nào lại đi nói xấu em gái với một người đàn ông khác cơ chứ! Anh tôi nói đi nói lại chính là không muốn giữ “giá” cho đứa em này.



“À còn nữa, bình thường con bé rất hay nhắc chuyện hai đứa. Kể chuyện ở lớp cũng nhiều nhưng chưa nhiều bằng chuyện của cậu!”



Câu này là giả!



“Anh nói lung tung cái gì thế?”. Tôi xua xua tay, muốn đính chính ngay: “Cậu đừng tin anh ấy. Ở nhà chúng tôi không bao giờ nói chuyện với nhau cả”



Câu này có nửa phần sau là giả!



Sau đó họ lại nói, tôi lại ngồi đó làm chiếc bình phong nghe họ tán gẫu.



Kiến Văn vừa nói vừa ăn, quay đi quẩn lại trên bàn đã sạch trơn.



“Đủ rồi đấy hai người. Mau dọn dẹp đi còn muốn ngồi đến lúc nào nữa”. Tôi nhìn đồng hồ, sốt ruột phát hiện đã chín giờ tối.



Nhưng rồi lại cảm thấy nên cho họ chút thời gian. Kiến Văn là kiểu không dễ thân thiết với người khác, anh tôi là kiểu không dễ đặt tin tưởng lên người ngoài. Nhưng hai cái miệng lợi hại của bọn họ, chuyện trên trời dưới đất bị đào xới cả lên. Cảm giác thân thiết này nghĩ lại mới tốt đẹp làm sao!



Tôi một mình dọn dẹp nhà bếp, xong xuôi hai người họ đã chuyển ra phòng khách ngồi hàn huyên. Không lâu sau thì ba tôi trở về nhà, có lẽ là khoảng sau 10h tối.



Ông về không báo trước, đám chúng tôi đang ầm ĩ chơi game thì bị bắt quả tang. Chẳng đứa nào còn nhỏ nữa nhưng cảm giác bị người lớn bắt quả tang nghịch ngợm thì vẫn rất sợ sệt.



Hình như có “khách” nên tính nghiêm khắc của ba tôi không bộc lộ nhiều, chỉ chào hỏi rồi đi lên phòng ngủ. Ông đi khỏi ba đứa lại huyên náo.



——



“Ăn đêm? Ba, ba đùa mấy đứa nhỏ phải không?”. Tôi và Gia Luân hai đứa nhìn nhau vừa mừng vừa kinh hãi.



Ba tôi không chỉ nghiêm khắc mà còn rất nguyên tắc, nguyên tắc là trọng điểm không thể phá vỡ đối với ông trong tất cả các mặt.



Nếu bữa trưa định sẵn là 12h thì nhất định phải ăn vào 12h, bữa tối lên kế hoạch là 8h thì nhất định phải ngồi vào bàn trước 8h. Công việc của ông ấy coi trọng nhất là giờ giấc, thế nên chúng tôi buộc phải thuận theo. Người trụ cột trong nhà cái bóng lớn hơn bất cứ ai khác, anh em tôi được nuông chiều là cách nói không sai. Nhưng như thế không có nghĩa người đàn ông lớn tuổi nhất gia đình không có trọng lượng trong mắt hai đứa trẻ.



Sai lệch một vài phút có thể nài nỉ xem xét vì cùng chung huyết thống nhưng sai lệch một vài chục phút thì huyết thống cũng phải xét bằng gia quy. Sống cùng nhau lâu như vậy, chỉ có anh em tôi giấu diếm dắt nhau ra ngoài ăn uống no say. Chứ chuyện chủ động từ phía ba mình thì thật sự khiến chúng tôi kinh ngạc.



“Thật sự có thể ăn...ăn đêm ạ?”. Gia Luân xuống giọng.



Ông móc ví đưa tiền ngay. “Nào, đi đi.Xem thái độ của hai đứa kìa, đâu phải chưa được ăn uống bao giờ”



Hắn ở lại, tôi và Gia Luân thì bận hí hửng với đặc ân được có. Cảm giác bỗng dưng được nhận một cái gì đó từ người ba nghiêm khắc của mình, tôi và ngay cả Gia Luân cũng bỗng dưng biến thành những đứa trẻ ham chơi, mải miết vui vẻ vì một điều nhỏ nhắn!



Khi chúng tôi quay lại phòng khách chỉ còn mình hắn, ngồi ở vị trí cũ. Tôi nhìn lên lầu, phòng khách đang sáng đèn. Có thể hiểu, ba không thật sự muốn buông thả hai đứa “ngốc” chúng tôi, ông chỉ là có lời không muốn để chúng tôi biết.



Tôi đưa hắn ra tới cổng, ngập ngừng mãi mới quyết định hỏi. “Ba tôi...có phải đã nói gì đó với cậu?”



Hắn trước thái độ e ngại của tôi thì lại không có một chút muốn che giấu.



“Phải, ông ấy nói rất nhiều chuyện. Về cậu, về gia đình cậu”



“Có thể nói cho tôi biết không?”. Tôi không khẩn cầu xin hắn tiết lộ, đây cũng chỉ coi là một câu hỏi ý kiến mà thôi.



Những người cứng nhắc, cách yêu thương và thể hiện yêu thương của họ không giống người thường. Ba tôi đối với con cái cũng là người cứng nhắc. Ông không mùi mẫn bên con, dạy chúng tôi phải làm thế nào, đi con đường nào. Ông càng không kề cạnh chỉ bảo chúng tôi rằng chúng tôi phải đi theo hướng mà tay ông chỉ.



Hay nói cách khác, ba tôi là một người thích thực tế. Trải qua rồi ắt sẽ tự hiểu ra vấn đề! Thế nên ông không nói nhiều, chỉ lặng lẽ quan sát.



Chúng tôi bước sai một bước, hậu quả chúng tôi sẽ phải tự mình gánh chịu. Nếu như chúng tôi biến thành những kẻ không hiểu chuyện, người khác mắng ông ông ghi nhận vì chúng tôi là người một nhà.



Thế nhưng bởi vì là người một nhà, chúng tôi sẽ vì thế mà tự khắc thấu hiểu lẫn nhau.



Tôi ngồi tựa vào bức tường hoa giấy rủ xuống cổng, hắn kế bên cạnh.



“Ba cậu nói cậu không có nhiều bạn bè. Còn nói người được cậu đồng ý đưa về nhà có lẽ phải là người rất được lòng cậu”



Tôi phản đối: “Tôi đâu có đưa cậu về nhà, là cậu tự mò đến đấy chứ!”



“Nhưng cậu không phản đối”. Nghĩ lại thì thấy không sai, tôi không nói mình hài lòng khi hắn tự vác xác đến nhưng cũng chưa từng nói ”không”.



Hắn nói tiếp, điệu bộ tiếc nuối: “Ông ấy còn nói chiếc máy game khi nãy đã là bản rất cũ rất cũ trước đây rồi. Nếu hôm nay không phải tôi đến có lẽ nó cũng không còn cơ hội chưng dụng nữa”



Ngẫm lại để thấy, đó là món quà ba tặng tôi vào sinh nhật năm 10 tuổi. Sau này bận rộn việc học, áp lực thời gian, bao gồm cả tôi hay Gia Luân đều không còn ham muốn thứ trò chơi ấy nữa.



Ban nãy cùng nhau dọn dẹp, Kiến Văn phát hiện ra chiếc hộp cũ trong hộc bàn để ti vi. Nếu không, ai cũng không nhớ nữa!



“Ba cậu thật ra rất quan tâm cậu. Không giống ba tôi, ông ấy chưa bao giờ để ý đến những chuyện nhỏ như vậy”



Tôi ngước lên phòng sách, ánh đèn kia vất vả cùng ba tôi nhiều. Thế mà tôi còn chưa từng bước vào căn phòng đó của ba dù chỉ một lần. Cảm thấy khi bước vào sẽ chạm phải giới hạn của ba mình mà quên mất rằng...đó là không gian chứa đựng mọi tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của ông.



“Cảm ơn vì đã những điều này với tôi!”



“Không hỏi vì sao ba cậu lại nói những điều đó với tôi à?”



Tôi cười, lí do thì vô vàn. “Bởi vì nếu không nói với cậu thì ông ấy sẽ chẳng tìm được người bạn nào khác dám vác mặt tới đây những mấy lần để nói cả!”



Câu này hoàn toàn là thật lòng! Trách Kiến Văn mà cũng cảm kích hắn vì đã kéo khoảng trái tim của ba tôi tới đây, cho dù theo cách nào.



Tôi nán lại trông theo điểm sáng duy nhất phát ra từ con hẻm nhà mình, trong lòng cũng được thắp lên một đốm sáng nhỏ tí như thế. Kiến Văn đến như một trang để tôi viết lên những hi vọng và tuyệt vọng. Viết về câu chuyện bỏ lửng của Tuấn Phong, viết về sự yêu ghét lạ thường đối với những người khác, còn viết cả về gia đình, bạn bè và mọi điều thân thiết.



Hắn kiên nhẫn ghi nhớ thay tôi tất thảy những điều đó...



Gia Luân choàng tay qua vai tôi, nói năng lung tung cái gì đó. “Cậu này thật sự rất có tiềm năng đấy!”



Tôi gạt tay lão xuống, không có hứng thú tiếp chuyện: “Anh thì biết cái gì chứ!”



“Còn không phải sao? Ít nhất không bơ mày như cái cậu kia”



“Anh không hiểu”. Tôi phủ nhận.



Cái gọi là nằm không cũng dính đạn đôi khi vô lí cực kì, Tuấn Phong nhất định phải đặt ngang hàng với người con trai đó ư?



Cho dù là đúng như vậy tôi thật lòng không cảm thấy quan trọng, chuyện tình cảm chỉ cần có lòng tin thì đã dành được một phần thắng lợi rồi. Tôi tin, thay vì mong...nhất định sự mòn mỏi của tôi sẽ trồng được một mầm non trong trái tim cậu!



“Đừng có nhìn mãi một hướng thế. Đi hướng khác biết đâu sẽ tìm được con đường gần hơn”



“Anh có thích ăn cà chua không?”. Câu trả lời là cả hai chúng tôi đều không thích ăn.



“Không!”



“Vậy nếu biết trước con đường mà anh đang đi sẽ dẫn anh tới một khu vườn lớn toàn cà chua. Anh vẫn sẽ đi à?“



Đạo lí này ngay cả tôi cũng cảm thấy cạn lời! Tôi đang dùng niềm tin ấu trĩ về một ruộng cà chua để thuyết phục bản thân mình rằng tôi chọn Tuấn Phong là đúng chăng?



Tôi ngoe nguẩy đi vào, cảm thấy bản thân thắng cuộc khi dồn được Gia Luân vào đường cùng không nói nên lời.



“Anh sẽ ở khu vườn toàn cà chua đó tập ăn cà chua mỗi ngày thay vì đợi bản thân chết đói!”



Thì ra là do tôi vui mừng quá sớm...



Chớp mắt một cái, niềm tin có một ngày chinh phục được Tuấn Phong lùi dần. Tôi quả thật đã bỏ nhiều thời gian để đi con đường khó khăn này, mỗi ngày cảm tình hay cảm tính có lẽ đã không còn bền vững như những ngày đầu xuất phát.



Nhưng tôi không thích ăn cà chua là thật, chuyện tình cảm cũng giống như chuyện thích ăn gì đó hoặc không thích ăn gì đó mà thôi. Không phải không được mà là không thể cưỡng cầu!



Con người ta không chết đói mà yêu được! Gia Luân từng nói, tôi cũng từng ngầm hiểu!
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom