• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Thi Nhân Việt Nam (2 Viewers)

  • Thi Nhân Việt Nam - 32. Phan Văn Dật

32. Phan Văn Dật


Sinh ngày 17-8-1909 ở làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Chánh quán: làng Đạo Dầu, phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Học trường Quốc học Huế đến đậu thành chung. Hiện làm thư ký ngạch trước bạ Huế.


Viết văn từ 1924, đến 1927 có đăng Nam Phong, Thần Kinh, Rạng Đông, (ký Tiêu Lang và Thường Nga Phố).


Đã xuất bản: Bâng Khuâng (1935).


Hồi tháng 12-1935 tôi có viết trên báo Tràng An một bài về quyển Bâng Khuâng. Nay xem lại thơ Phan Văn Dật cảm tưởng vẫn không khác xưa. Vậy xin trích mấy đoạn chính trong bài thơ ấy.


Trong làng thơ, Phan Văn Dật thuộc về phái thanh niên. Nhưng có lẽ thanh niên vì tuổi hơn vì thơ. Giữa lúc ấy một luồng không khí mới thúc giục người ta thoát ly gia đình, Phan Văn Dật đã dám ca tụng cái tình cha con, anh em; sách của người, người đề tặng song thân, tưởng ngày nay cũng là một điều ít có.


Những điều người mơ ước cũng giống hệt những điều mơ ước của các cụ ta ngày xưa: một cuộc đời bình dị nơi thôn dã. Tôi thấy ở người cái lòng chán nản, hơn nữa cái lòng căm giận những nơi đô hội. Mối hận dài trong thơ Phan Văn Dật sẽ chẳng là cái hận của Dương Quý Phi bị hy sinh vì lẽ nước, nó là cái hận một người đàn bà bị sức quyến rũ của thành thị cướp mất chồng con. Nguyễn Nhược Pháp với tập "Ngày xưa" đã nhìn vào cảnh vật xưa bằng con mắt một người thời nay, Phan Văn Dật với tập "Bâng khuâng" đã nhìn cảnh vật ngày nay sau bức màn một tâm hồn xưa.


Giữa cuộc đời náo động, người ngoảnh mặt làm ngơ và tự tạo cho mình một thế giới riêng, một thế giới lặng lẽ đầy mơ mộng. Cuộc đời như thế ắt sẽ bằng phẳng vô sự. Nhưng chỉ vô sự đối với những con mắt không tinh. Thực ra trong lòng thi nhân không phải là vô sự: thi nhân không thiết chuyện hằng ngày nhưng vẫn luôn luôn sống với một cuộc đời đã qua rất phong phú:





Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại.


Hững hờ, tôi thường để nó đi qua.


Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,


Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại.


"Những giờ không trở lại" đó, Phan Văn Dật nhắc đến một cách âu yếm. Nào những mối tình xưa, xa hơn nữa, những cảm hoài thời thơ ấu, những khi nô đùa với những trẻ con hàng xóm, những khi anh em dắt tay nhau vơ vẩn trong vườn:





Vào buổi bình minh, năm ấy xưa,


Trong vườn đào lý, phủ sương mờ,


Dắt tay hai trẻ tìm hoa rụng,


Mơ chuyện thần tiên, nghĩ vẩn vơ.


Những cảnh ấy đã qua trong đời mình có khi thi nhân để lẫn với những cảnh đã qua mấy mươi năm đời trước. Nhân biệt một người bạn, Phan Văn Dật đã thay lời người đàn bà xưa tiễn chồng đi lính viết lên những câu nhịp nhàng và cảm động. Nỗi buồn riêng ấy của thi nhân còn khiến người nghĩ liên miên đến những nỗi đau đớn của người xương phụ cùng cái ngao ngán vì mọi cuộc tang thương.


Nói cho đúng, thi nhân chẳng phải hoàn toàn sống trong cảnh xưa cảnh mộng và cái thế giới chung quanh tuyệt không có trong con mắt thi nhân. Người cũng biết say vì cảnh đẹp thoáng qua trước mắt. Có lúc bỗng sực nhớ mình là một trai trẻ đương tuổi yêu, nghệ sĩ nắn mấy vần thơ:





Ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp em,


Lời thơ réo rắt tôi săn tìm.


Cậy người mang tặng cho em đọc,


Em để vào ngăn em chẳng xem.


Thì xưa nay vẫn thế!


Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ không réo rắt, không hùng tráng, khong làm tha bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: nó là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh đô là nơi quê hương của thi nhân. Người yêu văn sẽ xem thi nhân như bạn nếu không thể xem như thầy.


Chính Phan Văn Dật cũng không muốn làm thầy ai. Người vốn biết:





Sự hoàn toàn tìm kiếm chỉn thêm hoài.


Ngọc lành là chuyện nói mà chơi,


Chớ kể ngọc nào không có vết!


Tháng 12-1935
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom