Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Thi Nhân Việt Nam - 33. Đông Hồ
33. Đông Hồ
Chính tên là Lâm Tấn Phác. Sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Ngọ (10-3-1906) ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Thôi học nhà trường năm 16 tuổi. Chịu ảnh hưởng tạp chí Nam Phong.
Lập trí đức học xá. Chủ trương báo Sống (1935).
Đã viết giúp: Nam Phong, Trung bắc tân văn, Đông Pháp thời báo, Kỳ lân báo...
Đã xuất bản:Thơ Đông Hồ (1932), Cô gái xuân (1935).
Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam. Âu cũng vì tiếng Nam đương ở trong cảnh khốn cùng, đương bị nhiều người rẻ rúng. Thói thường con nhà nghèo vẫn thương yêu cha mẹ hơn con nhà sang trọng.
Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít. Thất học từ năm mười lăm, mười sáu; từ đó người chỉ học quốc văn, viết quốc văn, rồi mở trường chuyên dạy quốc văn. Cả những lúc người đai cơm bầu nước cùng học trò đi chơi các vùng thắng cảnh đất Phương thành, các đảo dữ miền duyên hải, tôi tưởng cũng chỉ vì quốc văn: người đi tìm cảm hứng vậy.
Khốn nỗi, người ra đời vào lúc văn học nước nhà đương hồi tàn tạ. Vốn tính hiền lành, không đủ táp bạo để gây nên giữa làng văn một cuộc biến động cần phải có, lúc đầu người chỉ cam tâm hiến mình cho những lối xưa ràng buộc. và người cũng không hề lấy thế làm bứt rứt khó chịu, chưa bao giờ người có ý muốn thoát ly.
Mặc dầu sự tình cờ đã đôi lần đưa người ra ngoài khuôn sáo. Trong tập Thơ Đông Hồ, giữa bao nhiêu câu trơn tru mà tầm thường, trống rỗng đột nhiên ta gặp đôi lời dường như trong ấy ẩn náu một linh hồn. Như những lời thuật hoài sau khi nàng Linh Phượng đã thành người thiên cổ:
Mối sầu khôn dãi cùng trời đất;
Chén rượu đành khuây với nước non.
Cùng những lời nhớ bạn, hoặc thật thà:
Khi biệt dễ dàng khi gặp khó;
Chốn vui ai nhớ chốn sầu chi.
hoặc kín đáo
Cái oanh đâu bỗng ngoài hiên gọi:
Đã hai lần rồi xuân vắng mai (1)
Với nỗi thắc ấy, với nỗi buồn man mác ấy, Đông Hồ đã đi xa trường thơ Nam Phong nhiều lắm.
Nhưng trong tập Thơ Đông Hồ, lạ nhất là bài "Tuổi xuân", người ta có thể tưởng nó đã ở đâu lạc tới. Đến khi tác giả đưa in lại vào tập Cô gái xuân, ta mới thấy nó tìm được hoàn cảnh tự nhiên của nó. Bởi vì trong bài "Tuổi xuân" có cái bồng bột, cái trịnh trọng trước tình yêu mà cả thế hệ trước đây không từng quen biết: họ quen xem người đàn bà như một thứ đồ chơi.
Đông Hồ vẫn là người của thế hệ bây giờ vậy. Cho nên phong trào thơ mới vừa nổi lên là người nhận ngay được con đường của mình. Với phong trào thơ mới tưởng không có sự đắc thắng nào vẻ vang hơn.
Từ nay, Đông Hồ sẽ chỉ ca tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của thi nhân riêng âu yếm những nỗi lòng của thiếu nữ, khi bình yên lặng lẽ, khi phới phới yêu đương. "Cô gái xuân" của Đông Hồ thỏ thẻ những lời đến dễ thương, những lời tuồng như lả lời mà vẫn trong sạch. Ta thấy trong lời nàng cả cái êm dịu cái mơn trớn vuốt ve của tình ái. Nghe nàng nói lòng nào không xiêu? Nhất là khi nàng kể cảnh ái ân trên bãi biển ta khó có thể không cùng nàng mơ tưởng đến những cảnh ấy. Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới ánh trăng thanh tiếng sóng.
Ai cũng thấy thơ Đông Hồ và Cô gái xuân khác nhau xa. Tuy vậy, nếu trong Thơ Đông Hồ ta thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ.
Tháng 8-1941
Chú thích
(1)- "Mai" cũng là tên người yêu (xem bài "Nhớ Mai" trong Cô gái xuân)
Chính tên là Lâm Tấn Phác. Sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Ngọ (10-3-1906) ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên). Thôi học nhà trường năm 16 tuổi. Chịu ảnh hưởng tạp chí Nam Phong.
Lập trí đức học xá. Chủ trương báo Sống (1935).
Đã viết giúp: Nam Phong, Trung bắc tân văn, Đông Pháp thời báo, Kỳ lân báo...
Đã xuất bản:Thơ Đông Hồ (1932), Cô gái xuân (1935).
Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam. Âu cũng vì tiếng Nam đương ở trong cảnh khốn cùng, đương bị nhiều người rẻ rúng. Thói thường con nhà nghèo vẫn thương yêu cha mẹ hơn con nhà sang trọng.
Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít. Thất học từ năm mười lăm, mười sáu; từ đó người chỉ học quốc văn, viết quốc văn, rồi mở trường chuyên dạy quốc văn. Cả những lúc người đai cơm bầu nước cùng học trò đi chơi các vùng thắng cảnh đất Phương thành, các đảo dữ miền duyên hải, tôi tưởng cũng chỉ vì quốc văn: người đi tìm cảm hứng vậy.
Khốn nỗi, người ra đời vào lúc văn học nước nhà đương hồi tàn tạ. Vốn tính hiền lành, không đủ táp bạo để gây nên giữa làng văn một cuộc biến động cần phải có, lúc đầu người chỉ cam tâm hiến mình cho những lối xưa ràng buộc. và người cũng không hề lấy thế làm bứt rứt khó chịu, chưa bao giờ người có ý muốn thoát ly.
Mặc dầu sự tình cờ đã đôi lần đưa người ra ngoài khuôn sáo. Trong tập Thơ Đông Hồ, giữa bao nhiêu câu trơn tru mà tầm thường, trống rỗng đột nhiên ta gặp đôi lời dường như trong ấy ẩn náu một linh hồn. Như những lời thuật hoài sau khi nàng Linh Phượng đã thành người thiên cổ:
Mối sầu khôn dãi cùng trời đất;
Chén rượu đành khuây với nước non.
Cùng những lời nhớ bạn, hoặc thật thà:
Khi biệt dễ dàng khi gặp khó;
Chốn vui ai nhớ chốn sầu chi.
hoặc kín đáo
Cái oanh đâu bỗng ngoài hiên gọi:
Đã hai lần rồi xuân vắng mai (1)
Với nỗi thắc ấy, với nỗi buồn man mác ấy, Đông Hồ đã đi xa trường thơ Nam Phong nhiều lắm.
Nhưng trong tập Thơ Đông Hồ, lạ nhất là bài "Tuổi xuân", người ta có thể tưởng nó đã ở đâu lạc tới. Đến khi tác giả đưa in lại vào tập Cô gái xuân, ta mới thấy nó tìm được hoàn cảnh tự nhiên của nó. Bởi vì trong bài "Tuổi xuân" có cái bồng bột, cái trịnh trọng trước tình yêu mà cả thế hệ trước đây không từng quen biết: họ quen xem người đàn bà như một thứ đồ chơi.
Đông Hồ vẫn là người của thế hệ bây giờ vậy. Cho nên phong trào thơ mới vừa nổi lên là người nhận ngay được con đường của mình. Với phong trào thơ mới tưởng không có sự đắc thắng nào vẻ vang hơn.
Từ nay, Đông Hồ sẽ chỉ ca tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của thi nhân riêng âu yếm những nỗi lòng của thiếu nữ, khi bình yên lặng lẽ, khi phới phới yêu đương. "Cô gái xuân" của Đông Hồ thỏ thẻ những lời đến dễ thương, những lời tuồng như lả lời mà vẫn trong sạch. Ta thấy trong lời nàng cả cái êm dịu cái mơn trớn vuốt ve của tình ái. Nghe nàng nói lòng nào không xiêu? Nhất là khi nàng kể cảnh ái ân trên bãi biển ta khó có thể không cùng nàng mơ tưởng đến những cảnh ấy. Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới ánh trăng thanh tiếng sóng.
Ai cũng thấy thơ Đông Hồ và Cô gái xuân khác nhau xa. Tuy vậy, nếu trong Thơ Đông Hồ ta thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ.
Tháng 8-1941
Chú thích
(1)- "Mai" cũng là tên người yêu (xem bài "Nhớ Mai" trong Cô gái xuân)