- Tác giả
- LẠI NGUYÊN ÂN
- Thể loại
- THƯ TỪ - GHI CHÉP
- Tình trạng
- Hoàn thành
- Lượt đọc
- 2,929
- Cập nhật
LỜI DẪN
Trong tập sách nhỏ này, soạn ra nhân ghi nhớ 35 năm thành lập Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (tháng 5/1976), – nơi mà người viết những dòng này từng làm việc suốt 30 năm liền (1977-2007), – thay vì viết mới một số hồi ức, tôi xin đưa ra một vài tài liệu riêng có gắn với quãng thời gian làm việc tại đây. Ấy là những năm 1986 – 1990, khi đời sống văn nghệ trở nên sôi động với công cuộc Đổi Mới do Đại hội Đảng lần thứ VI khởi động.
Cuốn sách gồm ba chùm tài liệu, tạo thành ba phần:
Phần 1, đặt tiêu đề THƯ HÀ NỘI. Phần này gồm trên 20 bức thư tôi viết trong những năm ấy, gửi cho các bạn văn khi đó đang làm việc, học tập tại các nơi xa Hà Nội (như Vương Trí Nhàn, Lê Ngọc Trà đang ở Moskva, Ý Nhi đang ở Tp.HCM) kể về các sự việc và con người trong đời sống văn nghệ ở Hà Nội đương thời mà mình được tham dự hoặc chứng kiến, nhất là các việc tại báo “Văn nghệ” (nơi tôi tham gia nhóm cộng tác viên đặc biệt tại tổ biên tập lý luận phê bình, những năm 1987-88), tại Hội đồng lý luận phê bình của Hội nhà văn Việt Nam (nơi tôi là thư ký từ 1982), tại Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nơi tôi làm việc thường xuyên như một biên tập viên). Đây có lẽ chỉ là một phần trong số thư từ tôi viết gửi cho bạn bè thời gian ấy, nhưng hầu như lại là số thư duy nhất hiện còn thấy lại. Những bức thư này giữ lại được, tìm lại được là do công sức các bạn văn Vương Trí Nhàn, Ý Nhi, Lê Ngọc Trà, – chính các bạn đã tìm lại được và tặng lại tác giả các bức thư ấy. Nhân đây xin tỏ lời cảm ơn chân thành tới các bạn.
Phần 2, đặt tiêu đề NHỮNG TRANG GHI CHÉP RÚT TỪ SỔ TAY, bao gồm những ghi chép còn lại trong sổ tay công tác của tôi những năm kể trên (từ 1986 đến 1988); đây thường là ghi chép khi tham dự các cuộc hội họp, thảo luận, tranh luận trong giới văn nghệ đương thời. Thói quen ghi chép kiểu “tốc ký” từ những năm học đại học đã từng giúp tôi ghi được những điều mà trí nhớ không thể nào nhớ được; nhưng khi nhặt lại trong sổ tay lần này, nhiều lúc tôi phải tiếc ngẩn ngơ vì chính ngòi bút mình đã bỏ qua rất nhiều sự việc, rất nhiều lời nói đặc sắc ở một thời kỳ bộc phát sự giải phóng tư tưởng. Lại cũng khá buồn là thường khi ngòi bút mình chỉ ghi tóm tắt được những ý người ta nói chứ ít khi ghi được đặc sắc ngôn từ của từng người nói… Tuy vậy, với thời gian, đây có thể lại là những dấu tích hiếm hoi về những sự việc đã từng diễn ra, những sự việc mà ngoài những ghi chép riêng trong sổ tay như sổ tay của tôi và của một số người khác từng trải qua thì may ra chúng ta chỉ còn tìm thấy trên báo chí đương thời đôi dòng tường thuật ngắn ngủi. Nghĩ như vậy, tôi khai thác lại những ghi chép này, không ngại tính chất rời rạc của lối ghi sổ tay riêng, dù đây hầu hết là ghi công việc chứ không phải những suy nghĩ riêng. Điều tôi tự thấy ít nhiều khả thủ là còn tìm được qua những ghi chép này một số cuộc thảo luận, tranh luận khá thẳng thắn những năm đầu cao trào đổi mới trong văn nghệ.
Phần 3, đặt tiêu đề VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI, chính là tên một đề cương tôi soạn từ năm 1998, dùng để hướng dẫn một số thực tập sinh, nghiên cứu sinh nước ngoài khi đó được giới thiệu đến Việt Nam để nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, văn học Việt Nam thời đổi mới. Do tính đến đối tượng là những người tuy nghe hiểu được tiếng Việt nhưng thiếu thốn rất nhiều hiểu biết về văn hóa, lịch sử Việt Nam hiện đại và đương đại nên đề cương soạn theo những cách khái lược hoặc tỉ mỉ không đồng đều, chủ yếu là tính đến việc cần thuyết minh về các sự kiện, hiện tượng lịch sử, văn hóa, nhân sự cụ thể ở Việt Nam. Đề cương cũng thể hiện một cách nhìn của người soạn ở thời điểm 1998 về tiến trình văn học Việt Nam. Nếu hôm nay trở lại đề tài này, chắc chắn tôi sẽ soạn khác viết khác. Chính vì thế, đề cương này đối với chính người viết ra nó cũng đã trở thành một loại tư liệu ghi dấu cách nghĩ, cách “sơ kết” của mình với tư cách người nghiên cứu, lại cũng với tư cách người trong cuộc về giai đoạn văn học đổi mới.
Ngoài văn bản các tư liệu cũ, tôi có làm thêm một số chú thích giúp người đọc biết rõ hơn về những người hoặc việc được nhắc văn tắt tới trong đó.
Nói chung, đây là một tập tư liệu cá nhân; tác giả không phải là một quan chức có quy chế đại diện chính thức nào để phát ngôn về các sự việc; tác giả chỉ là một người làm nghiên cứu có hoạt động trong giới văn nghệ; những ghi chép của tác giả chỉ là tư liệu của những trải nghiệm riêng về những hoạt động văn hóa xã hội ở một thời gian cụ thể. Chúng bị giới hạn khá nhiều, do quy mô cá nhân của sự nắm bắt các sự việc, hiện tượng, con người, … Tuy vậy, với thời gian, những tư liệu do cá nhân ghi chép và lưu giữ này, thiết tưởng cũng có ý nghĩa như những quan sát của một nhân chứng, một người trong cuộc. Tác giả công bố các ghi chép này chính là với ý nghĩa như vậy.
Hà Nội, tháng 4 – tháng 5/2012
LẠI NGUYÊN ÂN
Trong tập sách nhỏ này, soạn ra nhân ghi nhớ 35 năm thành lập Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (tháng 5/1976), – nơi mà người viết những dòng này từng làm việc suốt 30 năm liền (1977-2007), – thay vì viết mới một số hồi ức, tôi xin đưa ra một vài tài liệu riêng có gắn với quãng thời gian làm việc tại đây. Ấy là những năm 1986 – 1990, khi đời sống văn nghệ trở nên sôi động với công cuộc Đổi Mới do Đại hội Đảng lần thứ VI khởi động.
Cuốn sách gồm ba chùm tài liệu, tạo thành ba phần:
Phần 1, đặt tiêu đề THƯ HÀ NỘI. Phần này gồm trên 20 bức thư tôi viết trong những năm ấy, gửi cho các bạn văn khi đó đang làm việc, học tập tại các nơi xa Hà Nội (như Vương Trí Nhàn, Lê Ngọc Trà đang ở Moskva, Ý Nhi đang ở Tp.HCM) kể về các sự việc và con người trong đời sống văn nghệ ở Hà Nội đương thời mà mình được tham dự hoặc chứng kiến, nhất là các việc tại báo “Văn nghệ” (nơi tôi tham gia nhóm cộng tác viên đặc biệt tại tổ biên tập lý luận phê bình, những năm 1987-88), tại Hội đồng lý luận phê bình của Hội nhà văn Việt Nam (nơi tôi là thư ký từ 1982), tại Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nơi tôi làm việc thường xuyên như một biên tập viên). Đây có lẽ chỉ là một phần trong số thư từ tôi viết gửi cho bạn bè thời gian ấy, nhưng hầu như lại là số thư duy nhất hiện còn thấy lại. Những bức thư này giữ lại được, tìm lại được là do công sức các bạn văn Vương Trí Nhàn, Ý Nhi, Lê Ngọc Trà, – chính các bạn đã tìm lại được và tặng lại tác giả các bức thư ấy. Nhân đây xin tỏ lời cảm ơn chân thành tới các bạn.
Phần 2, đặt tiêu đề NHỮNG TRANG GHI CHÉP RÚT TỪ SỔ TAY, bao gồm những ghi chép còn lại trong sổ tay công tác của tôi những năm kể trên (từ 1986 đến 1988); đây thường là ghi chép khi tham dự các cuộc hội họp, thảo luận, tranh luận trong giới văn nghệ đương thời. Thói quen ghi chép kiểu “tốc ký” từ những năm học đại học đã từng giúp tôi ghi được những điều mà trí nhớ không thể nào nhớ được; nhưng khi nhặt lại trong sổ tay lần này, nhiều lúc tôi phải tiếc ngẩn ngơ vì chính ngòi bút mình đã bỏ qua rất nhiều sự việc, rất nhiều lời nói đặc sắc ở một thời kỳ bộc phát sự giải phóng tư tưởng. Lại cũng khá buồn là thường khi ngòi bút mình chỉ ghi tóm tắt được những ý người ta nói chứ ít khi ghi được đặc sắc ngôn từ của từng người nói… Tuy vậy, với thời gian, đây có thể lại là những dấu tích hiếm hoi về những sự việc đã từng diễn ra, những sự việc mà ngoài những ghi chép riêng trong sổ tay như sổ tay của tôi và của một số người khác từng trải qua thì may ra chúng ta chỉ còn tìm thấy trên báo chí đương thời đôi dòng tường thuật ngắn ngủi. Nghĩ như vậy, tôi khai thác lại những ghi chép này, không ngại tính chất rời rạc của lối ghi sổ tay riêng, dù đây hầu hết là ghi công việc chứ không phải những suy nghĩ riêng. Điều tôi tự thấy ít nhiều khả thủ là còn tìm được qua những ghi chép này một số cuộc thảo luận, tranh luận khá thẳng thắn những năm đầu cao trào đổi mới trong văn nghệ.
Phần 3, đặt tiêu đề VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI, chính là tên một đề cương tôi soạn từ năm 1998, dùng để hướng dẫn một số thực tập sinh, nghiên cứu sinh nước ngoài khi đó được giới thiệu đến Việt Nam để nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, văn học Việt Nam thời đổi mới. Do tính đến đối tượng là những người tuy nghe hiểu được tiếng Việt nhưng thiếu thốn rất nhiều hiểu biết về văn hóa, lịch sử Việt Nam hiện đại và đương đại nên đề cương soạn theo những cách khái lược hoặc tỉ mỉ không đồng đều, chủ yếu là tính đến việc cần thuyết minh về các sự kiện, hiện tượng lịch sử, văn hóa, nhân sự cụ thể ở Việt Nam. Đề cương cũng thể hiện một cách nhìn của người soạn ở thời điểm 1998 về tiến trình văn học Việt Nam. Nếu hôm nay trở lại đề tài này, chắc chắn tôi sẽ soạn khác viết khác. Chính vì thế, đề cương này đối với chính người viết ra nó cũng đã trở thành một loại tư liệu ghi dấu cách nghĩ, cách “sơ kết” của mình với tư cách người nghiên cứu, lại cũng với tư cách người trong cuộc về giai đoạn văn học đổi mới.
Ngoài văn bản các tư liệu cũ, tôi có làm thêm một số chú thích giúp người đọc biết rõ hơn về những người hoặc việc được nhắc văn tắt tới trong đó.
Nói chung, đây là một tập tư liệu cá nhân; tác giả không phải là một quan chức có quy chế đại diện chính thức nào để phát ngôn về các sự việc; tác giả chỉ là một người làm nghiên cứu có hoạt động trong giới văn nghệ; những ghi chép của tác giả chỉ là tư liệu của những trải nghiệm riêng về những hoạt động văn hóa xã hội ở một thời gian cụ thể. Chúng bị giới hạn khá nhiều, do quy mô cá nhân của sự nắm bắt các sự việc, hiện tượng, con người, … Tuy vậy, với thời gian, những tư liệu do cá nhân ghi chép và lưu giữ này, thiết tưởng cũng có ý nghĩa như những quan sát của một nhân chứng, một người trong cuộc. Tác giả công bố các ghi chép này chính là với ý nghĩa như vậy.
Hà Nội, tháng 4 – tháng 5/2012
LẠI NGUYÊN ÂN