PHẦN MỘT
THƯ HÀ NỘI
Hà Nội, 25. 12. 1986
Nhàn thân mến,
Mình định viết thư cho Nhàn luôn, nhưng tính lười thế nào ấy, rồi công việc và bận bịu hàng ngày cứ cuốn đi, chẳng làm sao ngồi viết cho được. Hôm nay, đọc lại “thư chung” Nhàn gửi, để ở chỗ chị Mến, [1] mình thấy cần phải viết, nhưng gởi ai, cầm đi lúc nào thì chưa biết được. Mong rằng thư sẽ tới vào Tết ta, góp với Nhàn một niềm vui nho nhỏ trong cảnh xa nhà. Cái “không gian lữ thứ” ấy, mình chỉ có thể hình dung, nhưng cũng có thể chia sẻ.
Hà Nội thế nào ư? Thì cũng vẫn như thế. “Nhà” ta, “Hội” ta thế nào ư? [2] Thì cũng vẫn vậy. Có vẻ chộn rộn hơn mà cũng có vẻ thưa vắng hơn.
Mình sẽ kể lộn xộn ít điều.
Thứ nhất là cái tin (về sau không thành sự thật) về việc ông Nguyễn Khải sẽ vào TW khóa này.
Ông Nguyễn Minh Châu đưa tin đến Tác Phẩm Mới một buổi sáng trước ĐH [3] một tuần, với một vẻ hứng khởi đặc biệt. Ông Châu giải thích là ông ấy không hình dung được ông Khải sẽ ra sao khi tới cơ quan Hội hoặc “nhà số 4” [4] bằng xe Volga! Mà ông ấy bảo tự Châu đánh giá Khải rất cao, như một nhà văn có được ở mức cao nhất ý thức về thiên chức của mình, con người mình. “Mấy năm gần đây, qua sáng tác, có thể thấy ông Khải hư vô nhiều hơn, hoài nghi và trừu tượng nhiều hơn. Sở dĩ tôi nói thế vì tôi (NMC) cũng tự thấy mình hư vô hoài nghi và trừu tượng nhiều hơn. Nó khiến ta trở về là người Á châu nhiều hơn: Chỉ người Á châu, anh trí thức nào cũng có một chút Thiền. Và cũng thấy những nét đó ở Bondarev, Aitmatov, [5] những nhà văn của cùng một thế giới XHCN. Con người nghệ sĩ ấy sẽ đặt ra sao cho vừa vào cái khuôn politique, [6] một vị trí khác hẳn, mà lại là một miếng rất to!”…
Lê Lựu thì bảo: “Tôi đang hí hửng sẽ được một cái giường. Ông Khải gửi ở chỗ tôi một cái giường và một cái tủ do cơ quan sắm cho ông đại tá, cứ giục tôi gửi vào Sài Gòn cho. Kỳ này ông ấy được nhà cửa rộng rãi hàng trăm mét vuông, chắc mình được lộc là cái giường ấy”.
Cái “lo” của Nguyễn Minh Châu và cái mừng của Lê Lựu đều hụt cả!
Ngô Thảo có vẻ đang vào lúc hết sức hứng khởi. Bây giờ Thảo là tay chức việc hàng số 1 của giới sân khấu: Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản SK mới thành lập; Phó tổng biên tập Tạp chí SK, đều dưới quyền trực tiếp của Xuân Trình. Nay Hà Nội mai Sài Gòn, lại có cuốn ghi chép: Nguyễn Thi Năm tháng chưa xa, [7] trên 600 trang vừa ra, Thảo đi tặng khắp, bảo là đáng việc hơn cả một ban “truyền thống” của Hội! May là Thảo đang lúc hứng, cho nên mình cứ lo Thảo ở Tiệp về sẽ cho mình một trận về “tội” chữa tàn bạo bài viết chung trong tập sách chung của bọn ta. [8] Mình đưa ông Mạnh và Sử xem, các vị chỉ nhận xét, rồi giao cho mình chữa. Chữa nát ra, gạch bỏ, rồi có khi lợi dụng chữ nghĩa của Thảo, xoay ngược ý của hắn ta lại. Nhưng đến giờ Thảo vẫn chưa kịp xem, đã tuyên bố là chấp nhận tất. Thảo dọa sẽ tống cho mình 1.000 trang các loại bài để soạn một quyển phê bình tiểu luận mình định giành cho Thảo ở Tác Phẩm Mới năm 88! [9]
À, Thảo bảo có nhận được thư Minh Thái, than phiền mất cắp ở Leningrad (ở Hà Nội không mất, lại mất ở Petersburg cơ đấy!) và nói buồn. Thảo bảo: Cô mình cứ bắt bồ với vài thằng Tây, rồi sẽ tìm được niềm vui sống thôi, dễ hơn cánh đàn ông chúng tôi nhiều! Không biết có dám viết như vậy cho người đẹp không?
Nhân nói thế, lại nói đến PHZ. Mới trông, hắn có vẻ một công chức lười ngồi lỳ ở bàn làm việc. Nhưng có ngồi nói chuyện mới thấy hắn quan tâm đến thời sự tỉ mỉ lắm. Thỉnh thoảng ra vào bên nhà Văn học, mình mới có dịp tiếp xúc nhiều hơn với hắn. Có cảm tưởng là khoa nghiên cứu văn học Xô-viết chẳng vào hắn ta mấy tí, vì hắn coi thường nó lắm. Hắn là “con của bố hắn” cả về phương diện văn học. Có lần nhắc tới Sử và món thi pháp khét tiếng của anh bạn chúng ta, Hân pha một mẩu này: Tại một cuộc họp ở Italia, một nhà nghiên cứu Xô-viết bảo phải nghiên cứu hình thức thì một tay nghiên cứu tư bản bảo phải chú trọng tìm hiểu nội dung! Mình bắt đầu nhận ra cái ý nhận xét của Nhàn trước đây về cái chất khinh bỉ người khác ở chàng này. Hắn kể về một nhà văn say rượu, cách một ngày lại tới phòng làm việc của bọn hắn một lần, lè nhè méo cả giọng mà cứ hết lời chê bai Thời xa vắng của Lựu.
Hắn nhại tài lắm kia. Nhưng nói chung, nói chuyện với hắn có nhiều điều lý thú, bổ ích. Một đồng nghiệp tốt lắm mà chưa biết nên rủ hắn làm gì, vì có vẻ hắn chả muốn làm gì ngoài việc dịch. Hắn đã dịch xong Обмен và một số truyện ngắn của Trifonov để làm lại tập Nửa đời nhìn lại ở Tác Phẩm Mới. [10]
Quân thì mình ít gặp thôi, mà dù có gặp ngoài đường thì cũng không phải một mình Quân. Y thường cặp kè với bạn ủy viên thư ký Hội Mỹ thuật kiêm đại biểu QH. Một lần, xách bị đi chợ chiều, mình túm được hắn khi hắn đang trông xe cho cô bạn vào chợ. Hắn bảo hắn đang đói lắm, nghĩa là thiếu tiền lắm. Sách của hắn, năm nay hoặc năm sau cũng có vài quyển sẽ ra, cả cuốn Ngôn ngữ tạo hình lẫn cuốn Ghi chú về nghệ thuật. Đến đám cưới N.T. Oanh, bọn mình đang ngồi ở nhà Oanh, thì hắn và K. cùng đến và cùng về. Có cảm tưởng là hắn sống nhiều, ham vui nhiều, sống với tốc độ cao hơn hẳn bọn ta, nên cũng đã có dấu hiệu hao mòn, tiều tụy. Hắn mà “cháy” quá sớm thì cũng tiếc.
Gần như từ hôm Nhàn đi, mình chưa hề gặp B. Việt. Quan chức bận việc công nhiều quá mà.
À, Thời xa vắng của Lựu càng gây dư luận tợn. Hôm lớp phê bình (trên gác 3, của ông Đệ ấy mà) [11] thảo luận, Lựu có cuộc đối thoại rất lý thú với anh em. Có cảm tưởng là giới phê bình “đụt” quá, ý kiến vớ vẩn quá nhiều. Tại trường Nguyễn Du cũng có mấy cuộc trao đổi, mình có dự. Anh Hiến định biến nơi đây thành một trong những Цeнтр [szentr = trung tâm] của giới kia đấy.
Hôm vừa rồi, có lẽ là nhân sách 40 năm văn học [12] ra, ông Đệ rủ mình cùng vài đứa “trẻ” (Bùi Việt Thắng, Lê Quang Trang, Tôn Phương Lan) đi ăn phở. Đúng lúc mình đau răng, vừa đi khám về, gần như đang lên cơn sốt nhức răng. Thật là tình cảnh bi hài cho mình.
Trần Đình Sử nhiều việc. Anh Mạnh càng nhiều việc hơn. À, cuốn sách chung, chuyển cho Quang Huy biên tập đã xong, đang đọc duyệt. 300 trang đánh máy, độ 400 trang in. Sơ bộ là các nhận xét tốt. Nhưng chưa hoàn toàn xong xuôi, vì sau duyệt xuống in mới yên tâm hẳn. Mình định bàn với anh Mạnh và Sử triển khai đề tài gì đấy, vì hợp tác vừa qua là tốt, nên tiếp tục. Riêng Thảo thì có lẽ sẽ là nhà quản lý, không còn là критик [= nhà phê bình] nữa, nếu còn thì lại là критик театр [= nhà phê bình sân khấu] – một cách từ biệt đúng lúc chăng?
Mấy bạn Ngô Vĩnh Bình, Lê Quang Trang, Trần Bảo Hưng đang làm tập “Văn học 1975-85, tác phẩm & dư luận”, [13] có lẽ chỉ có Bình và Trang là hăng thôi.
Tìm người làm việc thật khó. Hơi mừng vì La Khắc Hòa xuất hiện trên báo chí nhiều hơn và chắc hơn.
Mình thì tự thấy làm việc hơi linh tinh. Lại là “specialiste” [= chuyên gia] viết các lời nói đầu – cho cuốn của H. Bazin ở nhà Phụ nữ, và V. Q. Phương bảo viết cho tuyển tập Chu Văn ở nhà Văn học. [14] Cảm giác càng ngày viết càng khó và mệt. Dịch thì chán, vì thảng hoặc mới gặp được ý hay. Vừa rồi, mình viết và dịch liên hồi chung quanh Trăm năm cô đơn, có đến gần 100 trang (viết 20 trang, dịch 60 trang), có vẻ chẳng để làm gì, chỉ để cho mình, để thỏa mãn một cái cơn tò mò và cũng để tự thỏa mãn cái nhu cầu “giải mã” tác phẩm khó. Một trò chơi thôi.
Nghĩ lại, mình thấy lâu nay trong nước dịch sách nhiều, nhưng chỉ hay dịch văn học loại 2, loại 3 của nước ngoài thôi, còn văn học loại 1 thì ít quá. Nhà Tác Phẩm Mới của ta mắc bệnh ấy đấy. “Phân xưởng sản xuất” của T.B. Tân hóa ra là làm như vậy, mà cái đà của nó thì từ BV. đã định sẵn như thế. Cái này góp ý khó lắm. Nhàn có suy nghĩ gì trùng với mình, nên gửi thư gợi ý với các anh trong BZĐ [= ban giám đốc] hỗ trợ thêm.
Sách tổ mình, 1986 ra hết rồi (40 năm văn học, Nhà văn nói về văn II đã ra cả, cuốn sau bị Xuân Tùng cho sang sách 87). Sách trong kế hoạch 87 cũng nộp in hết rồi (cuốn anh Nam, cuốn Xuân Diệu), còn cuốn Trần Thanh Địch thì bị lùi vào 88! [15] Có chuyện không vui này: Từ trong di sản, [16] bọn ta tưởng nằm đâu Sài Gòn, đến hôm bà M. Hạnh sang xin tạm ứng, mới vỡ lẽ là các vị quản lý in vẫn xếp nó trong hòm ông Hợp, đến lúc ấy mới lôi ra, rồi gửi gấp đi Sài Gòn, đến nỗi mình định xem lại chút ít, bỏ bài Chế Lan Viên ở đầu (vì ông Tấn nhắc: chuyện thời sự với Tàu có thể đổi, nên xem lại!) mà cũng không kịp. Thái Bá Tân còn than phiền là 2 vị đi Liên Xô đã bỏ lại số sách mà 2 nhà xuất bản ИХЛ và CTT [17] gửi cho ta theo yêu cầu, không đem về, người nọ đổ lỗi cho người kia, thật chán quá.
Một lần, V.Đ. Bình nhắc lời Nhàn: không biết 3 năm sau Nhàn về, cơ quan còn thế này không? Biết làm sao hở bạn, vì cơ quan không chỉ là một chỗ làm văn chương nghèo rớt nữa, mà còn là một chỗ ở Hà Nội, một chỗ cũng có đôi chút lợi lộc so với chỗ khác. Chưa nói các yếu tố khác nữa, nhưng chỉ thế cũng đã đủ thấy lo ngại rồi. Anh Nam càng được tín nhiệm thêm, nay kiêm chức bí thư đảng ủy cơ quan Hội. Anh Mãi sang hẳn cơ quan Hội. Anh Kiên phải làm việc cơ quan mình nhiều hơn. Anh ấy yếu đi nhiều, nhưng sự tỉnh táo của anh ấy thì đáng phục thật. Bùi Hòa được cử trưởng phòng tái bản, có cô Thư giúp việc. Thư được đăng truyện đầu tay trên Văn nghệ quân đội, được thưởng năm 86 của tạp chí ấy, vui lắm, nhưng cũng bắt đầu sợ văn học rồi.
Mình định lấy tất cả các sách trong năm 86 cho Nhàn, một thứ một cuốn. [18] Sang 87 trở đi, nếu Nhàn định lấy (mà nên lấy, để về có dịp xem lại văn học 3 năm ấy ra sao) thì mình sẽ nói với các vị hành chính.
Nhàn khỏe chứ? Cảm tưởng công việc ra sao? Liệu có lọt qua cái bộ máy quan liêu Xô-viết của Радуга [Raduga = Cầu Vồng] để “dạy cho bọn họ biết làm sách như thế nào cho người Việt Nam hiện nay” không – như ý định hăng hái lúc ở nhà? Mình cổ vũ đấy, vì các loại sách như của Bakhtin, Zatonsky… hoặc sách chỉ dẫn về văn học Xô-viết mà qua Raduga thì còn hay hơn nhiều.
Chúc Nhàn một năm mới vui vẻ, phấn chấn. Định làm cái gì dài dài, thông báo cho mình biết nhé.
Rất thân
ÂN
– Ví thử có bạn quen nào Nhàn cho đọc thư mình thì cứ bảo họ là các chuyện mình nói là thuần túy интимный [intimnyj = riêng tư] nhé. Kẻo lời đi lời về, gây sự nọ sự kia thì buồn lắm!
– Bây giờ mình thấy rất khó cộng tác với “Văn nghệ”. Họ cứ nhè tên mình mà bỏ bài. Trên “Văn nghệ”, Nhàn sẽ thấy người ta in ảnh G. Marquez chẳng qua vì có ông Q. Tổng biên tập ngồi cạnh. Người ta điểm sách Con đường mòn ấy trong khi có hàng chục tác phẩm như thế được in lại. Thế thì vô phương rồi! Tạp chí của Hội thì chưa ra, mà cũng có vẻ không muốn ra. “Đất làm ăn” chật hẹp quá chừng, Nhàn ạ.
– Quyển của Nhàn, chưa có bài nào điểm đâu. Sử muốn viết, nhưng chưa tìm được chỗ. Có lẽ cậu Nguyên An sẽ viết cho “Văn nghệ”. Nhưng cứ tin rằng dư luận các đồng nghiệp không cổ vũ bọn ta lắm đâu. Thà nghĩ thế còn yên tâm hơn. Riêng mình, mình lại nghĩ một cách tuyệt vọng đến sách vòng 2 cho bọn mình. [19] Sức thì còn, vốn cũng còn. Nhàn cũng vậy. Nhưng khó lắm.
– Ở nhà, “Văn nghệ” đã đăng bài về D.Th. Hương và về Kim Lân [20] của Nhàn. Mình kịp đọc bài về D. Th. Hương. Rất thích, có vẻ автор [avtor = tác giả] tự bộc lộ là критик [kritik = nhà phê bình] nhiều hơn. Sử thì chê mấy chữ “chất lượng…” ở đầu đề, vì ngay về phương diện báo chí cũng không nên dùng hai chữ ấy, như một thông báo đột xuất, không nên. Hương ở Nha Trang ra, bảo mình: có người bảo Hương: thằng Nhàn viết một bài chửi cô tàn tệ thế, cô thấy thế nào? Hương bảo Hương cười trả lời: “Bảo là chửi cũng được, nhưng không phải thế đâu”. Kể ra ở ta người ta hiểu phê bình cũng tồi thật, bọn ta dễ oan lắm. Nếu gặp ông nhà văn nào “bẩn tính” thì còn mệt hơn nữa kia. Hương bảo: đã là bạn bè trong văn học, cứ để bạn viết thỏa sức. Cũng rộng rãi đấy chứ. (Ở Nha Trang ra, Hương cũng vừa thoát khỏi một cuộc đam mê vớ vấn. Năm nay Hương có một tiểu thuyết ra ở nhà Phụ nữ. Một cây viết khỏe ra trò mà cũng là một kẻ bị trời đày).
Chú thích
[1] “thư chung” ở đây ý nói thư Vương
Trí Nhàn gửi chung nhà xuất bản Tác Phẩm Mới khi anh vừa từ Hà Nội sang
Moskva, làm việc biên tập sách hợp tác Xô-Việt (sách Liên Xô dịch sang
tiếng Việt, in tại Moskva, mỗi cuốn đều đứng tên một nhà xuất bản VN và
nhà xuất bản Cầu Vồng /Raduga/ của Liên Xô; bản dịch đã được biên tập sơ
bộ tại VN gửi sang Nxb. Cầu Vồng, tại đây bản dịch được biên tập lại
một lần nữa bởi 2 biên tập viên của phía LX. và phía Việt Nam). “Chị
Mến”: bà Trần Thị Mến, khi ấy là cán bộ phòng hành chính Nxb. Tác Phẩm
Mới.
[2] “Nhà” ta, “Hội” ta: Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới; Hội nhà văn VN.
[3] ĐH: đây ý nói đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, họp từ 15 đến 18/12/1986.
[4] “nhà số 4”: từ nói tắt quen thuộc trong giới văn nghệ, trỏ tạp chí “Văn nghệ quân đội”, trụ sở ở nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội.
[5] Chỗ này nhắc tên Yuri Bondarev (s. 1924) và Chinghiz Aitmatov (1928-2008) hai nhà văn Xô-viết.
[6] “politique” (chữ Pháp): chính trị.
[7] Nguyễn Thi: “Năm tháng chưa xa”,
rút từ số tay ghi chép của Nguyễn Thi tức Nguyễn Ngọc Tấn (1928-68),
Ngô Thảo sưu tầm chỉnh lý giới thiệu; Nxb. Văn nghệ Tp. HCM., 1985.
[8] Cuốn sách viết chung nói đây là
cuốn chuyên luận về thành tựu và các vấn đề của nền văn học Việt Nam dân
chủ cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt Nam từ 1945 đến 1985, do nhà xuất
bản Văn học đặt 5 tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí
Nhàn, Ngô Thảo, Trần Đình Sử; sách in lần thứ nhất nhan đề “Một thời đại văn học mới” (in xong tháng 12/1987 tại Tp. HCM., 284 trang 13×19 cm), in lần thứ hai với nhan đề “Một thời đại mới trong văn học” (in xong trong quý I/1996, tại Hà Nội, 332 trang 13x19cm).
[9] Đây là nói về cách làm sách thời
trước 1990: từng tổ biên tập trong từng nhà xuất bản phải tìm đề tài, dự
kiến trước và làm thành các bản kế hoạch các sách định in trong một vài
năm sắp tới.
[10] Đây là nói truyện vừa Đổi chác (tiếng Nga, Обмен / Obmen), 1969, của Yuri Trifonov, 1925-81; bản dịch truyện này sẽ đưa vào tập Nửa đời nhìn lại, Nxb.
Tác Phẩm Mới tái bản có sửa chữa và bổ sung, H., 1987 (Phan Hồng Giang,
Trần Thọ Chính dịch, Lại Nguyên Ân giới thiệu). Lưu ý: từ sau đây các
trường hợp dùng từ nước ngoài hay viết tắt sẽ ghi chú trong ngoặc vuông [
] ngay trong văn bản.
[11] Đây là nói Lớp lý luận phê bình
trẻ, do Ban thư ký Hội nhà văn mở từ tháng 11/1986, gồm 48 người, sinh
hoạt hàng tuần tại phòng họp ở gác 3 nhà 65 Nguyễn Du; nhà giáo, nhà phê
bình Phan Cự Đệ (1933-2007) là một trong những người tích cực giúp chủ
tịch Hội đồng LLPB của Hội là Hà Xuân Trường mở lớp này, nhiều nhà phê
bình tham dự lớp này vốn là sinh viên từng học với nhà giáo Phan Cự Đệ
nên cũng thường đùa nhau gọi đây là “lớp của ông Đệ”.
[12] Sách 40 năm văn học (do
Nxb. Tác Phẩm Mới đặt bài các tác giả Xuân Diệu, Bùi Hiển, Phong Lê, Hà
Minh Đức, Phan Cự Đệ,…) nói về quá trình văn học cách mạng VN 1945-85;
Lại Nguyên Ân là biên tập viên được giao tổ chức bản thảo cuốn sách này.
[13] Sách này tuy do 4 người cùng làm, nhưng khi đưa in chỉ có 3 người đồng ý để bút danh trong nhóm soạn; đó là cuốn: Văn học 1975-1985, tác phẩm và dư luận /Vân
Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng sưu tầm biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn,
1997, 516 trang 14,5 x 20,5 cm. (Vân Trang = Lại Nguyên Ân; Ngô Hoàng =
Ngô Vĩnh Bình; Bảo Hưng = Trần Bảo Hưng)
[14] Đây là nói tới cuốn Rồi lửa sẽ dập lửa (1978)
tiểu thuyết Hervé Bazin (1911-96), bản dịch Đoàn Chấn, lời giới thiệu
Lại Nguyên Ân, Nxb. Phụ nữ, 1987. Cùng thời gian này L.N.Â. nhận lời
viết lời nói đầu cho một tuyển tập Chu Văn, bài viết sau đó không được
dùng và bản thảo bị thất lạc, gần đây, 2011 mới tìm lại được.
[15] Ở đây nhắc tới các cuốn do tổ biên tập lý luận phê bình Nxb. TPM. thực hiện: Những năm tháng ấy (hồi ức, Vũ Tú Nam), Xuân Diệu, con người và tác phẩm (tiểu luận, tưởng niệm, nhiều tác giả), Tìm hiểu truyện ngắn (kinh nghiệm sáng tác, của Trần Thanh Địch).
[16] Đây là nói đến việc gửi đi in tái bản cuốn Từ trong di sản… (Những ý kiến về văn học từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX ở nước ta),
do nhóm Nguyễn Minh Tấn, Trần Lê Sáng, Hồ Tuấn Niêm thực hiện, đã in
lần đầu vào năm 1981 tại Hà Nội, đến 1986 in lần thứ hai, đưa vào in tại
Tp. HCM.
[17] ИХЛ và CTT (chữ Nga): viết tắt
tên 2 nhà xuất bản nước ngoài; ИХЛ (chữ Nga, viết tắt tên Издательство
Художественной Литературы = Izdatel’stvo Khudozhestvennoj Literatury =
Nhà xuất bản văn học); CTT: không còn nhớ là viết tắt tên một cơ quan
xuất bản nào đó.
[18] Từ lúc tái lập đến lúc này, nhà
xuất bản Tác Phẩm Mới có quy định mỗi tên sách do Nxb. TPM in ra, cán bộ
nhân viên trong cơ quan đều được nhận (không phải trả tiền) mỗi tên
sách 1 cuốn; khi số tên sách mỗi năm ra nhiều hơn thì quy định mỗi người
mỗi năm được 10 cuốn.
[19] “Quyển của Nhàn”: đây là nói đến cuốn “Bước đầu đến với văn học”,
tập tiểu luận phê bình đầu tay của Vương Trí Nhàn (Nxb. Tác Phẩm Mới,
1986); “sách vòng 2”: ý nói tập tiểu luận phê bình thứ hai của mỗi nhà
phê bình. Thời kỳ này vẫn trong tập quán bao cấp, khi làm các cuốn sách
đầu tay cho mỗi cây bút, dù thuộc thể loại nào (thơ, văn xuôi, tiểu luận
phê bình), phải in lần lượt đến hết số người được cho là thuộc cùng một
“lứa” (tất nhiên rất tương đối) rồi mới có thể nghĩ đến lần thứ hai.
[20] Đó là các bài của Vương Trí Nhàn: Chất lượng những sáng tác gần đây của Dương Thu Hương (V.N. s. 41, ngày 11. 10. 1986); Nhà văn Kim Lân (V.N. s. 51, ngày 20. 12. 1986).
THƯ HÀ NỘI
Hà Nội, 25. 12. 1986
Nhàn thân mến,
Mình định viết thư cho Nhàn luôn, nhưng tính lười thế nào ấy, rồi công việc và bận bịu hàng ngày cứ cuốn đi, chẳng làm sao ngồi viết cho được. Hôm nay, đọc lại “thư chung” Nhàn gửi, để ở chỗ chị Mến, [1] mình thấy cần phải viết, nhưng gởi ai, cầm đi lúc nào thì chưa biết được. Mong rằng thư sẽ tới vào Tết ta, góp với Nhàn một niềm vui nho nhỏ trong cảnh xa nhà. Cái “không gian lữ thứ” ấy, mình chỉ có thể hình dung, nhưng cũng có thể chia sẻ.
Hà Nội thế nào ư? Thì cũng vẫn như thế. “Nhà” ta, “Hội” ta thế nào ư? [2] Thì cũng vẫn vậy. Có vẻ chộn rộn hơn mà cũng có vẻ thưa vắng hơn.
Mình sẽ kể lộn xộn ít điều.
Thứ nhất là cái tin (về sau không thành sự thật) về việc ông Nguyễn Khải sẽ vào TW khóa này.
Ông Nguyễn Minh Châu đưa tin đến Tác Phẩm Mới một buổi sáng trước ĐH [3] một tuần, với một vẻ hứng khởi đặc biệt. Ông Châu giải thích là ông ấy không hình dung được ông Khải sẽ ra sao khi tới cơ quan Hội hoặc “nhà số 4” [4] bằng xe Volga! Mà ông ấy bảo tự Châu đánh giá Khải rất cao, như một nhà văn có được ở mức cao nhất ý thức về thiên chức của mình, con người mình. “Mấy năm gần đây, qua sáng tác, có thể thấy ông Khải hư vô nhiều hơn, hoài nghi và trừu tượng nhiều hơn. Sở dĩ tôi nói thế vì tôi (NMC) cũng tự thấy mình hư vô hoài nghi và trừu tượng nhiều hơn. Nó khiến ta trở về là người Á châu nhiều hơn: Chỉ người Á châu, anh trí thức nào cũng có một chút Thiền. Và cũng thấy những nét đó ở Bondarev, Aitmatov, [5] những nhà văn của cùng một thế giới XHCN. Con người nghệ sĩ ấy sẽ đặt ra sao cho vừa vào cái khuôn politique, [6] một vị trí khác hẳn, mà lại là một miếng rất to!”…
Lê Lựu thì bảo: “Tôi đang hí hửng sẽ được một cái giường. Ông Khải gửi ở chỗ tôi một cái giường và một cái tủ do cơ quan sắm cho ông đại tá, cứ giục tôi gửi vào Sài Gòn cho. Kỳ này ông ấy được nhà cửa rộng rãi hàng trăm mét vuông, chắc mình được lộc là cái giường ấy”.
Cái “lo” của Nguyễn Minh Châu và cái mừng của Lê Lựu đều hụt cả!
Ngô Thảo có vẻ đang vào lúc hết sức hứng khởi. Bây giờ Thảo là tay chức việc hàng số 1 của giới sân khấu: Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản SK mới thành lập; Phó tổng biên tập Tạp chí SK, đều dưới quyền trực tiếp của Xuân Trình. Nay Hà Nội mai Sài Gòn, lại có cuốn ghi chép: Nguyễn Thi Năm tháng chưa xa, [7] trên 600 trang vừa ra, Thảo đi tặng khắp, bảo là đáng việc hơn cả một ban “truyền thống” của Hội! May là Thảo đang lúc hứng, cho nên mình cứ lo Thảo ở Tiệp về sẽ cho mình một trận về “tội” chữa tàn bạo bài viết chung trong tập sách chung của bọn ta. [8] Mình đưa ông Mạnh và Sử xem, các vị chỉ nhận xét, rồi giao cho mình chữa. Chữa nát ra, gạch bỏ, rồi có khi lợi dụng chữ nghĩa của Thảo, xoay ngược ý của hắn ta lại. Nhưng đến giờ Thảo vẫn chưa kịp xem, đã tuyên bố là chấp nhận tất. Thảo dọa sẽ tống cho mình 1.000 trang các loại bài để soạn một quyển phê bình tiểu luận mình định giành cho Thảo ở Tác Phẩm Mới năm 88! [9]
À, Thảo bảo có nhận được thư Minh Thái, than phiền mất cắp ở Leningrad (ở Hà Nội không mất, lại mất ở Petersburg cơ đấy!) và nói buồn. Thảo bảo: Cô mình cứ bắt bồ với vài thằng Tây, rồi sẽ tìm được niềm vui sống thôi, dễ hơn cánh đàn ông chúng tôi nhiều! Không biết có dám viết như vậy cho người đẹp không?
Nhân nói thế, lại nói đến PHZ. Mới trông, hắn có vẻ một công chức lười ngồi lỳ ở bàn làm việc. Nhưng có ngồi nói chuyện mới thấy hắn quan tâm đến thời sự tỉ mỉ lắm. Thỉnh thoảng ra vào bên nhà Văn học, mình mới có dịp tiếp xúc nhiều hơn với hắn. Có cảm tưởng là khoa nghiên cứu văn học Xô-viết chẳng vào hắn ta mấy tí, vì hắn coi thường nó lắm. Hắn là “con của bố hắn” cả về phương diện văn học. Có lần nhắc tới Sử và món thi pháp khét tiếng của anh bạn chúng ta, Hân pha một mẩu này: Tại một cuộc họp ở Italia, một nhà nghiên cứu Xô-viết bảo phải nghiên cứu hình thức thì một tay nghiên cứu tư bản bảo phải chú trọng tìm hiểu nội dung! Mình bắt đầu nhận ra cái ý nhận xét của Nhàn trước đây về cái chất khinh bỉ người khác ở chàng này. Hắn kể về một nhà văn say rượu, cách một ngày lại tới phòng làm việc của bọn hắn một lần, lè nhè méo cả giọng mà cứ hết lời chê bai Thời xa vắng của Lựu.
Hắn nhại tài lắm kia. Nhưng nói chung, nói chuyện với hắn có nhiều điều lý thú, bổ ích. Một đồng nghiệp tốt lắm mà chưa biết nên rủ hắn làm gì, vì có vẻ hắn chả muốn làm gì ngoài việc dịch. Hắn đã dịch xong Обмен và một số truyện ngắn của Trifonov để làm lại tập Nửa đời nhìn lại ở Tác Phẩm Mới. [10]
Quân thì mình ít gặp thôi, mà dù có gặp ngoài đường thì cũng không phải một mình Quân. Y thường cặp kè với bạn ủy viên thư ký Hội Mỹ thuật kiêm đại biểu QH. Một lần, xách bị đi chợ chiều, mình túm được hắn khi hắn đang trông xe cho cô bạn vào chợ. Hắn bảo hắn đang đói lắm, nghĩa là thiếu tiền lắm. Sách của hắn, năm nay hoặc năm sau cũng có vài quyển sẽ ra, cả cuốn Ngôn ngữ tạo hình lẫn cuốn Ghi chú về nghệ thuật. Đến đám cưới N.T. Oanh, bọn mình đang ngồi ở nhà Oanh, thì hắn và K. cùng đến và cùng về. Có cảm tưởng là hắn sống nhiều, ham vui nhiều, sống với tốc độ cao hơn hẳn bọn ta, nên cũng đã có dấu hiệu hao mòn, tiều tụy. Hắn mà “cháy” quá sớm thì cũng tiếc.
Gần như từ hôm Nhàn đi, mình chưa hề gặp B. Việt. Quan chức bận việc công nhiều quá mà.
À, Thời xa vắng của Lựu càng gây dư luận tợn. Hôm lớp phê bình (trên gác 3, của ông Đệ ấy mà) [11] thảo luận, Lựu có cuộc đối thoại rất lý thú với anh em. Có cảm tưởng là giới phê bình “đụt” quá, ý kiến vớ vẩn quá nhiều. Tại trường Nguyễn Du cũng có mấy cuộc trao đổi, mình có dự. Anh Hiến định biến nơi đây thành một trong những Цeнтр [szentr = trung tâm] của giới kia đấy.
Hôm vừa rồi, có lẽ là nhân sách 40 năm văn học [12] ra, ông Đệ rủ mình cùng vài đứa “trẻ” (Bùi Việt Thắng, Lê Quang Trang, Tôn Phương Lan) đi ăn phở. Đúng lúc mình đau răng, vừa đi khám về, gần như đang lên cơn sốt nhức răng. Thật là tình cảnh bi hài cho mình.
Trần Đình Sử nhiều việc. Anh Mạnh càng nhiều việc hơn. À, cuốn sách chung, chuyển cho Quang Huy biên tập đã xong, đang đọc duyệt. 300 trang đánh máy, độ 400 trang in. Sơ bộ là các nhận xét tốt. Nhưng chưa hoàn toàn xong xuôi, vì sau duyệt xuống in mới yên tâm hẳn. Mình định bàn với anh Mạnh và Sử triển khai đề tài gì đấy, vì hợp tác vừa qua là tốt, nên tiếp tục. Riêng Thảo thì có lẽ sẽ là nhà quản lý, không còn là критик [= nhà phê bình] nữa, nếu còn thì lại là критик театр [= nhà phê bình sân khấu] – một cách từ biệt đúng lúc chăng?
Mấy bạn Ngô Vĩnh Bình, Lê Quang Trang, Trần Bảo Hưng đang làm tập “Văn học 1975-85, tác phẩm & dư luận”, [13] có lẽ chỉ có Bình và Trang là hăng thôi.
Tìm người làm việc thật khó. Hơi mừng vì La Khắc Hòa xuất hiện trên báo chí nhiều hơn và chắc hơn.
Mình thì tự thấy làm việc hơi linh tinh. Lại là “specialiste” [= chuyên gia] viết các lời nói đầu – cho cuốn của H. Bazin ở nhà Phụ nữ, và V. Q. Phương bảo viết cho tuyển tập Chu Văn ở nhà Văn học. [14] Cảm giác càng ngày viết càng khó và mệt. Dịch thì chán, vì thảng hoặc mới gặp được ý hay. Vừa rồi, mình viết và dịch liên hồi chung quanh Trăm năm cô đơn, có đến gần 100 trang (viết 20 trang, dịch 60 trang), có vẻ chẳng để làm gì, chỉ để cho mình, để thỏa mãn một cái cơn tò mò và cũng để tự thỏa mãn cái nhu cầu “giải mã” tác phẩm khó. Một trò chơi thôi.
Nghĩ lại, mình thấy lâu nay trong nước dịch sách nhiều, nhưng chỉ hay dịch văn học loại 2, loại 3 của nước ngoài thôi, còn văn học loại 1 thì ít quá. Nhà Tác Phẩm Mới của ta mắc bệnh ấy đấy. “Phân xưởng sản xuất” của T.B. Tân hóa ra là làm như vậy, mà cái đà của nó thì từ BV. đã định sẵn như thế. Cái này góp ý khó lắm. Nhàn có suy nghĩ gì trùng với mình, nên gửi thư gợi ý với các anh trong BZĐ [= ban giám đốc] hỗ trợ thêm.
Sách tổ mình, 1986 ra hết rồi (40 năm văn học, Nhà văn nói về văn II đã ra cả, cuốn sau bị Xuân Tùng cho sang sách 87). Sách trong kế hoạch 87 cũng nộp in hết rồi (cuốn anh Nam, cuốn Xuân Diệu), còn cuốn Trần Thanh Địch thì bị lùi vào 88! [15] Có chuyện không vui này: Từ trong di sản, [16] bọn ta tưởng nằm đâu Sài Gòn, đến hôm bà M. Hạnh sang xin tạm ứng, mới vỡ lẽ là các vị quản lý in vẫn xếp nó trong hòm ông Hợp, đến lúc ấy mới lôi ra, rồi gửi gấp đi Sài Gòn, đến nỗi mình định xem lại chút ít, bỏ bài Chế Lan Viên ở đầu (vì ông Tấn nhắc: chuyện thời sự với Tàu có thể đổi, nên xem lại!) mà cũng không kịp. Thái Bá Tân còn than phiền là 2 vị đi Liên Xô đã bỏ lại số sách mà 2 nhà xuất bản ИХЛ và CTT [17] gửi cho ta theo yêu cầu, không đem về, người nọ đổ lỗi cho người kia, thật chán quá.
Một lần, V.Đ. Bình nhắc lời Nhàn: không biết 3 năm sau Nhàn về, cơ quan còn thế này không? Biết làm sao hở bạn, vì cơ quan không chỉ là một chỗ làm văn chương nghèo rớt nữa, mà còn là một chỗ ở Hà Nội, một chỗ cũng có đôi chút lợi lộc so với chỗ khác. Chưa nói các yếu tố khác nữa, nhưng chỉ thế cũng đã đủ thấy lo ngại rồi. Anh Nam càng được tín nhiệm thêm, nay kiêm chức bí thư đảng ủy cơ quan Hội. Anh Mãi sang hẳn cơ quan Hội. Anh Kiên phải làm việc cơ quan mình nhiều hơn. Anh ấy yếu đi nhiều, nhưng sự tỉnh táo của anh ấy thì đáng phục thật. Bùi Hòa được cử trưởng phòng tái bản, có cô Thư giúp việc. Thư được đăng truyện đầu tay trên Văn nghệ quân đội, được thưởng năm 86 của tạp chí ấy, vui lắm, nhưng cũng bắt đầu sợ văn học rồi.
Mình định lấy tất cả các sách trong năm 86 cho Nhàn, một thứ một cuốn. [18] Sang 87 trở đi, nếu Nhàn định lấy (mà nên lấy, để về có dịp xem lại văn học 3 năm ấy ra sao) thì mình sẽ nói với các vị hành chính.
Nhàn khỏe chứ? Cảm tưởng công việc ra sao? Liệu có lọt qua cái bộ máy quan liêu Xô-viết của Радуга [Raduga = Cầu Vồng] để “dạy cho bọn họ biết làm sách như thế nào cho người Việt Nam hiện nay” không – như ý định hăng hái lúc ở nhà? Mình cổ vũ đấy, vì các loại sách như của Bakhtin, Zatonsky… hoặc sách chỉ dẫn về văn học Xô-viết mà qua Raduga thì còn hay hơn nhiều.
Chúc Nhàn một năm mới vui vẻ, phấn chấn. Định làm cái gì dài dài, thông báo cho mình biết nhé.
Rất thân
ÂN
– Ví thử có bạn quen nào Nhàn cho đọc thư mình thì cứ bảo họ là các chuyện mình nói là thuần túy интимный [intimnyj = riêng tư] nhé. Kẻo lời đi lời về, gây sự nọ sự kia thì buồn lắm!
– Bây giờ mình thấy rất khó cộng tác với “Văn nghệ”. Họ cứ nhè tên mình mà bỏ bài. Trên “Văn nghệ”, Nhàn sẽ thấy người ta in ảnh G. Marquez chẳng qua vì có ông Q. Tổng biên tập ngồi cạnh. Người ta điểm sách Con đường mòn ấy trong khi có hàng chục tác phẩm như thế được in lại. Thế thì vô phương rồi! Tạp chí của Hội thì chưa ra, mà cũng có vẻ không muốn ra. “Đất làm ăn” chật hẹp quá chừng, Nhàn ạ.
– Quyển của Nhàn, chưa có bài nào điểm đâu. Sử muốn viết, nhưng chưa tìm được chỗ. Có lẽ cậu Nguyên An sẽ viết cho “Văn nghệ”. Nhưng cứ tin rằng dư luận các đồng nghiệp không cổ vũ bọn ta lắm đâu. Thà nghĩ thế còn yên tâm hơn. Riêng mình, mình lại nghĩ một cách tuyệt vọng đến sách vòng 2 cho bọn mình. [19] Sức thì còn, vốn cũng còn. Nhàn cũng vậy. Nhưng khó lắm.
– Ở nhà, “Văn nghệ” đã đăng bài về D.Th. Hương và về Kim Lân [20] của Nhàn. Mình kịp đọc bài về D. Th. Hương. Rất thích, có vẻ автор [avtor = tác giả] tự bộc lộ là критик [kritik = nhà phê bình] nhiều hơn. Sử thì chê mấy chữ “chất lượng…” ở đầu đề, vì ngay về phương diện báo chí cũng không nên dùng hai chữ ấy, như một thông báo đột xuất, không nên. Hương ở Nha Trang ra, bảo mình: có người bảo Hương: thằng Nhàn viết một bài chửi cô tàn tệ thế, cô thấy thế nào? Hương bảo Hương cười trả lời: “Bảo là chửi cũng được, nhưng không phải thế đâu”. Kể ra ở ta người ta hiểu phê bình cũng tồi thật, bọn ta dễ oan lắm. Nếu gặp ông nhà văn nào “bẩn tính” thì còn mệt hơn nữa kia. Hương bảo: đã là bạn bè trong văn học, cứ để bạn viết thỏa sức. Cũng rộng rãi đấy chứ. (Ở Nha Trang ra, Hương cũng vừa thoát khỏi một cuộc đam mê vớ vấn. Năm nay Hương có một tiểu thuyết ra ở nhà Phụ nữ. Một cây viết khỏe ra trò mà cũng là một kẻ bị trời đày).
Chú thích
[1] “thư chung” ở đây ý nói thư Vương
Trí Nhàn gửi chung nhà xuất bản Tác Phẩm Mới khi anh vừa từ Hà Nội sang
Moskva, làm việc biên tập sách hợp tác Xô-Việt (sách Liên Xô dịch sang
tiếng Việt, in tại Moskva, mỗi cuốn đều đứng tên một nhà xuất bản VN và
nhà xuất bản Cầu Vồng /Raduga/ của Liên Xô; bản dịch đã được biên tập sơ
bộ tại VN gửi sang Nxb. Cầu Vồng, tại đây bản dịch được biên tập lại
một lần nữa bởi 2 biên tập viên của phía LX. và phía Việt Nam). “Chị
Mến”: bà Trần Thị Mến, khi ấy là cán bộ phòng hành chính Nxb. Tác Phẩm
Mới.
[2] “Nhà” ta, “Hội” ta: Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới; Hội nhà văn VN.
[3] ĐH: đây ý nói đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, họp từ 15 đến 18/12/1986.
[4] “nhà số 4”: từ nói tắt quen thuộc trong giới văn nghệ, trỏ tạp chí “Văn nghệ quân đội”, trụ sở ở nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội.
[5] Chỗ này nhắc tên Yuri Bondarev (s. 1924) và Chinghiz Aitmatov (1928-2008) hai nhà văn Xô-viết.
[6] “politique” (chữ Pháp): chính trị.
[7] Nguyễn Thi: “Năm tháng chưa xa”,
rút từ số tay ghi chép của Nguyễn Thi tức Nguyễn Ngọc Tấn (1928-68),
Ngô Thảo sưu tầm chỉnh lý giới thiệu; Nxb. Văn nghệ Tp. HCM., 1985.
[8] Cuốn sách viết chung nói đây là
cuốn chuyên luận về thành tựu và các vấn đề của nền văn học Việt Nam dân
chủ cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt Nam từ 1945 đến 1985, do nhà xuất
bản Văn học đặt 5 tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí
Nhàn, Ngô Thảo, Trần Đình Sử; sách in lần thứ nhất nhan đề “Một thời đại văn học mới” (in xong tháng 12/1987 tại Tp. HCM., 284 trang 13×19 cm), in lần thứ hai với nhan đề “Một thời đại mới trong văn học” (in xong trong quý I/1996, tại Hà Nội, 332 trang 13x19cm).
[9] Đây là nói về cách làm sách thời
trước 1990: từng tổ biên tập trong từng nhà xuất bản phải tìm đề tài, dự
kiến trước và làm thành các bản kế hoạch các sách định in trong một vài
năm sắp tới.
[10] Đây là nói truyện vừa Đổi chác (tiếng Nga, Обмен / Obmen), 1969, của Yuri Trifonov, 1925-81; bản dịch truyện này sẽ đưa vào tập Nửa đời nhìn lại, Nxb.
Tác Phẩm Mới tái bản có sửa chữa và bổ sung, H., 1987 (Phan Hồng Giang,
Trần Thọ Chính dịch, Lại Nguyên Ân giới thiệu). Lưu ý: từ sau đây các
trường hợp dùng từ nước ngoài hay viết tắt sẽ ghi chú trong ngoặc vuông [
] ngay trong văn bản.
[11] Đây là nói Lớp lý luận phê bình
trẻ, do Ban thư ký Hội nhà văn mở từ tháng 11/1986, gồm 48 người, sinh
hoạt hàng tuần tại phòng họp ở gác 3 nhà 65 Nguyễn Du; nhà giáo, nhà phê
bình Phan Cự Đệ (1933-2007) là một trong những người tích cực giúp chủ
tịch Hội đồng LLPB của Hội là Hà Xuân Trường mở lớp này, nhiều nhà phê
bình tham dự lớp này vốn là sinh viên từng học với nhà giáo Phan Cự Đệ
nên cũng thường đùa nhau gọi đây là “lớp của ông Đệ”.
[12] Sách 40 năm văn học (do
Nxb. Tác Phẩm Mới đặt bài các tác giả Xuân Diệu, Bùi Hiển, Phong Lê, Hà
Minh Đức, Phan Cự Đệ,…) nói về quá trình văn học cách mạng VN 1945-85;
Lại Nguyên Ân là biên tập viên được giao tổ chức bản thảo cuốn sách này.
[13] Sách này tuy do 4 người cùng làm, nhưng khi đưa in chỉ có 3 người đồng ý để bút danh trong nhóm soạn; đó là cuốn: Văn học 1975-1985, tác phẩm và dư luận /Vân
Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng sưu tầm biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn,
1997, 516 trang 14,5 x 20,5 cm. (Vân Trang = Lại Nguyên Ân; Ngô Hoàng =
Ngô Vĩnh Bình; Bảo Hưng = Trần Bảo Hưng)
[14] Đây là nói tới cuốn Rồi lửa sẽ dập lửa (1978)
tiểu thuyết Hervé Bazin (1911-96), bản dịch Đoàn Chấn, lời giới thiệu
Lại Nguyên Ân, Nxb. Phụ nữ, 1987. Cùng thời gian này L.N.Â. nhận lời
viết lời nói đầu cho một tuyển tập Chu Văn, bài viết sau đó không được
dùng và bản thảo bị thất lạc, gần đây, 2011 mới tìm lại được.
[15] Ở đây nhắc tới các cuốn do tổ biên tập lý luận phê bình Nxb. TPM. thực hiện: Những năm tháng ấy (hồi ức, Vũ Tú Nam), Xuân Diệu, con người và tác phẩm (tiểu luận, tưởng niệm, nhiều tác giả), Tìm hiểu truyện ngắn (kinh nghiệm sáng tác, của Trần Thanh Địch).
[16] Đây là nói đến việc gửi đi in tái bản cuốn Từ trong di sản… (Những ý kiến về văn học từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX ở nước ta),
do nhóm Nguyễn Minh Tấn, Trần Lê Sáng, Hồ Tuấn Niêm thực hiện, đã in
lần đầu vào năm 1981 tại Hà Nội, đến 1986 in lần thứ hai, đưa vào in tại
Tp. HCM.
[17] ИХЛ và CTT (chữ Nga): viết tắt
tên 2 nhà xuất bản nước ngoài; ИХЛ (chữ Nga, viết tắt tên Издательство
Художественной Литературы = Izdatel’stvo Khudozhestvennoj Literatury =
Nhà xuất bản văn học); CTT: không còn nhớ là viết tắt tên một cơ quan
xuất bản nào đó.
[18] Từ lúc tái lập đến lúc này, nhà
xuất bản Tác Phẩm Mới có quy định mỗi tên sách do Nxb. TPM in ra, cán bộ
nhân viên trong cơ quan đều được nhận (không phải trả tiền) mỗi tên
sách 1 cuốn; khi số tên sách mỗi năm ra nhiều hơn thì quy định mỗi người
mỗi năm được 10 cuốn.
[19] “Quyển của Nhàn”: đây là nói đến cuốn “Bước đầu đến với văn học”,
tập tiểu luận phê bình đầu tay của Vương Trí Nhàn (Nxb. Tác Phẩm Mới,
1986); “sách vòng 2”: ý nói tập tiểu luận phê bình thứ hai của mỗi nhà
phê bình. Thời kỳ này vẫn trong tập quán bao cấp, khi làm các cuốn sách
đầu tay cho mỗi cây bút, dù thuộc thể loại nào (thơ, văn xuôi, tiểu luận
phê bình), phải in lần lượt đến hết số người được cho là thuộc cùng một
“lứa” (tất nhiên rất tương đối) rồi mới có thể nghĩ đến lần thứ hai.
[20] Đó là các bài của Vương Trí Nhàn: Chất lượng những sáng tác gần đây của Dương Thu Hương (V.N. s. 41, ngày 11. 10. 1986); Nhà văn Kim Lân (V.N. s. 51, ngày 20. 12. 1986).
Bình luận facebook