Cuộc sống như vậy cũng không quá lâu, cho đến một buổi sáng, Lãnh Sương ra giếng sau viện múc nước thì thấy một cô gái tóc dài đang nổi lềnh phềnh ở trong nước. Nhìn kỹ lại, quả đúng là dì Ba đã bị dọa cho phát điên từ lâu…
Nhà họ Triệu bây giờ chỉ còn lại ông Triệu bị bệnh tật giày vò và dì Tư Lãnh Sương gầy gò yếu đuối. Ông Triệu tự thấy mình ngày càng yếu đi, nếu lúc này còn không gọi con trai về thì chỉ e sau khi Triệu Khiêm quay lại, gia nghiệp nhà họ Triệu chẳng biết sẽ rơi vào tay ai.
Vì thế ông ta gửi điện báo cho con trai ở Nam Dương xa xôi, bảo anh nhanh chóng quay về.
Ông Triệu thấy con trai mình thì nước mắt lưng tròng, tuy không nói được rõ ràng, nhưng vẫn hoa tay múa chân ra hiệu cho Triệu Khiêm mau đến bên mình.
Nhưng Triệu Khiêm không có vẻ vui mừng khi gặp lại người thân, mà lại căm hận nhìn bố, chẳng hề tiến tới nửa bước.
Cuối cùng vẫn là Lãnh Sương đẩy anh qua: “Sang đó đi, ông ta sắp đi rồi, dù sao thì cũng là bố con, dù ông ta đúng là kẻ ác độc thật.”
Triệu Khiêm ngẫm thấy cũng đúng, đạo lý rõ ràng như thế, ngay cả một cô gái như dì Tư cũng biết, thì sao anh ta có thể không biết chứ? Nhưng vừa nhìn vào khuôn mặt đó của bố mình, anh ta lại nhớ đến Đỗ Quyên đã chết và cả đứa con chưa chào đời.
Chút sức lực cuối cùng của ông Triệu cũng đổi lại được con trai đến bên, nhưng con trai chỉ nói một câu, ông ta đã tắt thở đi chầu trời…
Triệu Khiêm bình thản nói: “Bố, bố biết không? Con cũng như bố năm đó, đã hỏng bộ phận sinh dục rồi. Bố đã từng tự tay đánh chết cháu trai ruột của bố... Nhà họ Triệu chúng ta tuyệt tự rồi.”
Ông Triệu chết, nhà họ Triệu từng hiển hách một thời cũng suy tàn từ đó. Triệu Khiêm chôn bố mình vào một chiếc quan tài đơn sơ, rồi cầm đôi hài kia ra chỗ chôn cất Đỗ Quyên ở sau núi…
Về sau, anh ta bán tống bán tháo ngôi biệt viện này, rồi đưa một phần tiền cho Lãnh Sương dưỡng già. Còn anh ta thì mang đôi hài của Đỗ Quyên rời khỏi quê nhà, đi biệt xứ.
Nghe đồn, từ đó về sau không còn ai gặp lại đại thiếu gia Triệu Khiêm của nhà họ Triệu nữa…
Lần đầu tiên Lê Quốc Đống nghe được câu chuyện này, ông ta đã muốn cải biên nó thành kịch bản, còn đích thân đến nơi khởi nguồn của nó - thị trấn Hoàng Sơn, cũng đã tìm được biệt thự cổ năm xưa.
Chủ hiện tại của ngôi biệt thự là Trương Duệ, người sưu tầm nhà cổ, rất si mê với văn hóa Huy Châu nên đã mua nó lại. Lúc ông ta nghe đạo diễn Lê muốn quay bộ phim về căn biệt thự cổ này, còn đề nghị cung cấp địa điểm miễn phí cho đoàn phim.
Hai người thống nhất với nhau, Lê Quốc Đống còn khẳng định sẽ không dùng chùa của ông ta, mà ở cuối bộ phim sẽ có một đoạn phim ngắn giới thiệu về nơi này. Trương Duệ đương nhiên là mong còn chẳng được, bèn kể cho Lê Quốc Đống nghe một câu chuyện đã xảy ra trước đó mà ông ta nghe được.
Chuyện xảy ra vào những năm 1970, lúc đó vì kinh tế Trung Quốc lạc hậu, người dân có thu nhập thấp, biệt viện tàn tạ này bị chính phủ tịch thu rồi chia cho người khác.
Lúc bấy giờ, có một người đàn ông họ Lưu làm việc ở cục lương thực, được đơn vị phân cho một viện nhỏ trong biệt viện. Ban đầu lúc cả nhà bọn họ vừa chuyển vào thì mọi chuyện vẫn bình thường, mãi đến khi con gái được sinh ra vào vài năm sau, trong nhà bắt đầu xảy ra một số chuyện đáng sợ.
Năm cô con gái được hai tuổi, đang thời điểm bi bô tập nói, thì thỉnh thoảng lại nói những câu quái lạ. Ban đầu nhà họ Lưu không xem là thật, nhưng về sau, cứ nửa đêm là con gái lại khóc ầm lên, kêu rằng trong phòng có một người đàn ông, con bé sợ…
Việc này làm người trong nhà hết hồn, xã hội lúc đó không thích hợp để nói những chuyện ma quỷ này. Nhưng con gái ngày nào cũng gào khóc, không tốt cho sức khỏe của cô bé, người lớn cũng chẳng được ngon giấc, nên không tài nào yên tâm làm việc được.
Về sau không còn cách nào khác, mẹ con bé mới đến tìm bà Tôn ở quê mình, một vị thu hồn trẻ con mà mẹ con bé rất sợ thời còn nhỏ. Họ nói với người ngoài rằng bà Tôn là người nhà ở quê lên thăm, nhưng thật ra là đến xem cho con gái mình.
Sau khi bà Tôn đến nhà, nhìn quanh đã thấy căn phòng này là lạ chỗ nào đó, nhưng khi ấy lại không nói rõ được là gì. Đêm đó, bà Tôn ôm cô bé ngủ cùng, kết quả là vừa qua nửa đêm, cô bé đã đúng giờ bắt đầu khóc.
Bà Tôn vỗ lưng, miệng lẩm bẩm gì đó, khỏi phải nói, đúng là cô bé dần nín khóc, chẳng bao lâu đã ngủ thiếp đi. Tuy bà Tôn không biết là có chuyện gì, nhưng bà dám chắc rằng nó có liên quan đến căn phòng này.
Thế là bà Tôn lại quan sát mấy đêm liền, phát hiện ra cô bé vừa qua 12 giờ là sẽ bừng tỉnh, khóc lóc ầm ĩ, còn nói cái gì mà trong phòng có một người đàn ông, nó sợ…
Vì ở chung mấy ngày nên bà Tôn đã quen thân với cô bé, bèn hỏi rằng người đàn ông kia trông thế nào? Nó vừa khóc vừa nói: “Ông ấy đội một chiếc mũ đen, mặc bộ đồ dài dài màu xám, tay cầm đôi hài đỏ be bé.”
Bà Tôn biết đây đã là tất cả những gì con bé có thể miêu tả rồi. Còn bà dù sao cũng đã ngần này tuổi, có gì mà chưa từng thấy nữa? Bà cảm thấy theo cách miêu tả của con bé, người đàn ông này ăn mặc rất giống quần áo thời dân quốc.
Vì thế, bà bèn dỗ con bé rồi hỏi tiếp: “Niếp Niếp, cháu có thấy người đàn ông đó đứng ở đâu không?”
Con bé phát run lên, rõ ràng là rất sợ hãi, nhưng có lẽ do không có ai tin, cũng chẳng có ai hỏi nó nhiều như vậy, mà bà Tôn này lại chịu tin mình, nên cô bé cố lấy can đảm, chỉ vào bức tường ở phía Đông rồi nói: “Ông ta đứng ở đó...”
Ngày hôm sau, bà Tôn đứng quan sát bức tường hồi lâu. Sau đó lại đưa tay gõ nhẹ thì giật mình phát hiện bức tường này rỗng không.
Bà nói chuyện này với người nhà họ Lưu, ông bố xem thử mới phát hiện sau căn nhà mình ở mấy năm này, lại còn có một không gian rỗng khác. Vì thế cuối tuần đó, ông ấy đã gọi mấy người bạn tốt của mình đến đục bức tường ra.
Nhưng sau khi đục tường, mọi người đều kinh hãi vô cùng. Ngay đằng sau bức tường lại có một căn phòng nhỏ chưa đến 10m2, bên trong có bày một chiếc giường to, một cái bàn và ghế.
Nhưng đáng sợ nhất là còn có một bộ xương mặc áo dài màu xám, đầu đội mũ dạ, ngồi ngay ngắn trên ghế, trong tay cầm đôi hài gót sen ba tấc của phụ nữ thời xưa.
Nhà họ Lưu báo cảnh sát ngay, sau khi đến điều tra, cảnh sát kết luận người đàn ông này đã chết được mấy thập niên rồi.
Có mấy cụ già hơn tám mươi tuổi ở gần đó nhớ ra, đây có lẽ là đại thiếu gia Triệu Khiêm của nhà họ Triệu năm đó.
Bình luận facebook