Nhưng bức thư này vì dính đến bí mật quân sự, nên chỉ huy sư đoàn 92 quân Nhật lúc đó là Matshushita Koji đã ra lệnh giữ lại, từ đó Oshima Koichi mất hẳn liên lạc với người nhà.
Sau này Nhật Bản đầu hàng, bức thư này theo hồ sơ của Oshima Koichi về nước. Mấy năm đầu, vợ của Oshima Koichi là Ota Usa nhiều lần tìm kiếm thông tin về chồng mình, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được đáp án qua loa là “Mất tích”.
Bà ấy không tin một quân y lại mất tích trên chiến trường, cho dù bị quân đội Trung Quốc bắt làm tù binh thì cũng vẫn nên còn sống chứ. Trong mấy năm sau đó, tù binh từ Trung Quốc lần lượt được trao trả về Nhật Bản, nhưng vẫn không thấy bóng dáng Oshima Koichi. Đến tận khi nhóm tù binh cuối cùng được trao trả về nước, Mika mới hoàn toàn tin rằng Oshima Koichi không còn sống nữa.
Thời gian trôi nhanh, đến trước thập niên 90, quan hệ Trung Nhật ấm lên, không ít người Nhật Bản đến Trung Quốc đầu tư, trong đó có cả cha của Oshima Masao là Oshima Hideaki.
Lúc đầu Oshima Hideaki xây dựng một số nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Quảng Đông, làm ăn phát đạt. Sau mấy năm phát triển, ông ấy thành lập công ty TNHH Oshima.
Mười năm trước, Oshima Hideaki về hưu, giao công ty mình sáng lập cho con trai duy nhất Oshima Masao. Cùng lúc đó, một bảo tàng chiến tranh ở Nhật Bản tìm đến Oshima Masao, trao lại phong thư của Oshima Koichi cho bà Ota Usa.
Phong thư này mất 70 năm mới đến tay người nhận, giải thích sự mất tích của Oshima Koichi năm đó…
70 năm trước, quân đội nơi Oshima Koichi đầu quân thành lập một tiểu đội hành động đặc biệt, điều động 20 quân y, trong đó có Oshima Koichi. Tiểu đội này gồm 70 quân nhân người Nhật Bản, mang theo dụng cụ bí mật ẩn nấp vào một hang động bí mật tại nơi nào đó ở Quý Châu.
Sau khi họ hạ trại ở đó thì bắt đầu bí mật nghiên cứu một loại vũ khí sinh học mới. Hai mươi quân y là nhân vật quan trọng của hành động bí mật này. Sau khi Oshima Koichi biết nội dung hành động, cảm thấy có lẽ mình không còn đường sống quay về cố hương, nên đã viết phong thư này, để con cháu biết mình đã đi đâu.
Chúng tôi nghe Tiểu Triệu kể xong câu chuyện xảy ra hơn 70 năm trước, cảm giác sâu sắc sự tàn khốc của chiến tranh, bất luận những quốc gia phát xít kia vì lý do gì mà đi xâm lược nước khác, đến cuối cùng cũng là tự tạo quả ác mà thôi.
Đối với Nhật Bản, chúng tôi vẫn luôn không thoải mái, không biết là vì sao? Mặc dù chúng tôi không trải qua đoạn thời gian như địa ngục kia. Có lẽ hận thù là thứ chảy trong máu, lặp lại trong nhiễm sắc thể, truyền từ đời này sang đời khác…
Nói thật, trong sự kiện này, người duy nhất đáng thương chỉ có vợ của Oshima Koichi, Ota Usa. Mấy chục năm chờ đợi dài đằng đẵng, đến chết cũng không biết chồng mình sống chết thế nào.
Chị Bạch thấy chúng tôi nghe xong chuyện cũng không nói gì thì lên tiếng giảng hòa nói: “Mặc dù chuyện này có liên quan đến thù hận quốc gia, nhưng mọi người không tò mò ư? Những năm đó Nhật Bản ở trong rừng sâu núi thẳm Quý Châu làm những gì?”
Thật ra, trước khi tìm đến chúng tôi, Oshima Masao đã tìm kiếm nhiều năm trong nước. Ông ta đã tra các tư liệu, văn kiện khắp cả nước, nhưng không có tài liệu nào đề cập đến tổ hành động đặc biệt bí ẩn kia.
Ông ta cũng đã từng đến Quý Châu nghe ngóng những nơi phát hiện hài cốt của người Nhật Bản, nhưng đều không phải ông nội Oshima Koichi của mình. Sức khỏe của cha ông ta, Oshima Hideaki, không được tốt, nguyện vọng cuối cùng là tìm di thể của cha mình, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân mất tích của ông ấy năm đó.
Bữa cơm này ăn khá xấu hổ, cả bữa cơm Oshima Masao liên tục lấy lòng chúng tôi, dụng ý rõ ràng, muốn chúng tôi vứt bỏ thành kiến để giúp ông ta tìm ông nội.
Sau bữa ăn, Oshima Masao đi trước, còn lại mấy người chúng tôi cũng dễ nói chuyện hơn. Chị Bạch nói thù lao lần này rất cao, có thể thấy Oshima Masao rất thành tâm.
Nhưng chú Lê lại lắc đầu nói: “Năm đó chết ở Trung Quốc có hàng ngàn hàng vạn binh lính Nhật Bản, không phải ai cũng được nhặt xác, không tìm thấy là chuyện bình thường! Không nói đây đã là chuyện của 70 năm trước, chỉ xác định được phạm vi ở Quý Châu cũng đã ngang với mò kim đáy biển rồi.”
Tôi cũng đồng ý với quan điểm của chú Lê, dù sao bức thư đó cũng được viết trước khi Oshima Koichi xuất phát, chẳng ai biết họ có thực sự đến Quý Châu hay không? Dù sao năm đó đã xảy ra chuyện gì, cũng không còn ai biết nữa.
Huống hồ, đây là chuyện đã xảy ra 70 năm trước, cho dù may mắn chúng tôi tìm được vật có bám tàn hồn của Oshima Koichi, tôi cũng không dám đảm bảo có thể tìm thấy nơi chôn thi thể của Oshima Koichi.
Trời đất thay đổi, không ai biết rừng núi sẽ có những biến hóa như thế nào, dù địa danh năm đó có tồn tại cũng không biết bây giờ có còn như cũ hay không? Lại còn là tìm người Nhật Bản, tôi không hiểu tiếng Nhật.
Đinh Nhất vốn không nói gì, lần này bỗng lên tiếng: “Việc này quá khó, không nói đến hao tổn thời gian sức lực, đến cuối cùng còn có khả năng không tìm được cái gì...”
Chị Bạch thấy ba chúng tôi thể hiện thái độ rõ ràng nên cũng không nói thêm gì, nhưng chị ấy cũng không nói sẽ từ chối. Trước khi chúng tôi đi, chị ấy nói sẽ thương lượng lại Oshima Masao, tìm cách giảm độ khó và tổn thất xuống.
Sau khi về đến nhà, chú Lê vẫn canh cánh trong lòng, nói thẳng sao chị Bạch lần này lại nhận một mối làm ăn như vậy? Thật ra cũng không khó hiểu lắm, chắc chắn Oshima Masao có quan hệ làm ăn quan trọng với chị Bạch nên chị ấy mới không tiện từ chối…
Lúc đó, ba người chúng tôi không nghĩ đến chuyện nhận việc này, nên tôi cho rằng cứ thế là bỏ qua thôi!
Không ngờ mấy ngày sau, chị Bạch lại gọi cho chúng tôi, nói Oshima Masao sẽ chi trả toàn bộ chi phí, tất cả chi tiêu trên đường tìm xác sẽ do ông ta chi trả, chỉ hi vọng chúng tôi có thể giúp ông ta một lần. Nếu như vẫn không có kết quả gì thì ông ta sẽ từ bỏ, dù sao cũng đã qua mấy chục năm rồi.
Lần này chú Lê hơi khó nghĩ, bởi vì chú biết tôi và Đinh Nhất đều không muốn đi, nhưng cũng ngại chị Bạch, hơn nữa thù lao lần này đúng là dọa người, nếu quả thật vẫn từ chối thì không tốt lắm.
Thế là chú ấy lại gọi chúng tôi đến nhà, muốn thương lượng lại xem cuối cùng là có đi hay không?!
Bình luận facebook