Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Phần 7
Vượt Qua Bão Giông
Phần 7
Tôi cũng biết mình trẹo chân, nhưng lúc này cổ chân chưa kịp sưng nên nghĩ anh ta sẽ không phát hiện ra, ai ngờ Việt chỉ liếc một cái là biết ngay.
Trong mấy phim ngôn tình hay có mấy cảnh trẹo chân kiểu này, bình thường nữ chính sẽ khóc lóc tỏ ra đau đớn, sau đó nam chính sẽ cõng nữ chính về nhà. Tất nhiên tôi không hy vọng người như anh ta sẽ cõng mình, càng không thích mấy thứ bánh bèo như vậy, cho nên dù đau chân chết đi được nhưng vẫn cố gắng nặn ra một nụ cười, nói với anh ta:
– À, chắc là không sao đâu. Em chưa thấy đau mấy. Về bôi cao chút là khỏi thôi ạ.
– Đi được nữa không?
– Vẫn được ạ.
Anh ta nghe xong câu này thì ngẩng lên nhìn tôi, đáy mắt vẫn sâu hun hút, sâu đến nỗi khiến một người đã từng được điểm gần như tuyệt đối trong môn tâm lý học tội phạm như tôi cũng không rõ là đang suy nghĩ cái gì. Trong lúc tôi hơi cảm thấy sợ thì Việt lại nói:
– Nếu không sao thì được rồi. Thế này cũng không tập tiếp được nữa, tự đứng dậy đi về đi.
– Vâng. Thế em về đây ạ. Anh tập tiếp đi nhé, em chào sếp.
Nói xong, tôi chống tay đứng dậy, Việt cũng quay người đến trụ đấm lò xo ở gần đó tiếp tục tập luyện. Ban đầu tôi định đi về luôn để xử lý vết thương, nhưng khi thấy anh ta quấn băng bảo vệ tay xong, tự nhiên trong đầu lại nảy ra ý nghĩ muốn nhìn một lát xem trình độ đánh đấm của anh ta ra sao, không ngờ càng nhìn càng không rời mắt đi được.
Xem nào, cơ bắp không phải là to lớn như dân tập Gym nhưng cực kỳ rắn chắc, dù đã mặc áo che đi nhưng tôi vẫn có thể đoán được bụng anh ta ít nhất cũng phải sáu múi, cơ thể gần như không có một chút mỡ thừa. Hơn nữa, động tác khi đấm trụ hơi thậm chí còn dứt khoát chuyên nghiệp hơn cả tôi, ra đòn nhanh, chuẩn, gọn, và đặc biệt là rất đẹp, ngay cả mồ hôi rơi cũng rất có sự quyến rũ của đàn ông.
Cái tên này được đấy, tưởng bình thường mấy gã lắm tiền toàn công tử bột, riêng anh ta lại khác biệt hoàn toàn.
Nghĩ đến đây, tôi hài lòng với đánh giá của mình rồi lặc liễng đi về. Ai ngờ mới bước được vài bước thì va phải một người khác, sau đó loạng choạng thế nào mà chân của người đó còn vô tình dẫm lên đúng cổ chân đau của tôi. Lúc ấy chỉ nghe “rắc” một tiếng, cảm giác đau đến tê tái ngay lập tức từ mắt cá xông lên khiến tôi không thở được, ngồi phịch xuống sàn lần nữa.
Anh chàng đô con kia thấy tôi đau đến tái mét mặt mày như thế thì cuống quít lên hỏi:
– Ôi, xin lỗi, xin lỗi. Em có sao không? Sao đi đứng chẳng nhìn gì thế? Đau lắm à?
– Đau quá. Má ơi. Sao đau dữ vậy nè.
Bị đau nên tôi buột miệng nói tiếng miền nam, gã đô con kia thấy thế thì hai mắt lập tức sáng lên, lập tức ngồi xổm xuống rồi thò tay xuống cổ chân tôi xoa xoa:
– Đau ở đây à? Ôi sưng rồi này. Anh xin lỗi nhé.
– Không sao đâu, anh bỏ tay ra đi.
– Để anh xem sưng thế nào đã, anh dẫm vào chân em mà. Hay giờ anh đưa em đến bệnh viện xem nhé. Anh thấy kiểu này là phải nắn lại, không thì không được đâu, tối nó sưng phát sốt lên đấy.
– Không cần đâu, tôi tự nắn được.
– Thế em có đứng dậy được không?
– Được.
Cái lão này phải đến gần một tạ, hình như tập cả Gym cả Boxing nên nửa thân trên vừa thô vừa to, chân thì bé tý, nhìn cứ dị dị kiểu gì ấy. To con như thế dẫm vào chân tôi không gãy xương là may rồi, trẹo chân thế này chắc vẫn hên.
Tôi vịn tay vào trụ hơi bên cạnh, loạng choạng đứng dậy, lão kia cũng nhanh tay đỡ lấy người tôi, miệng liên tục nói:
– Hay là anh đưa em về. Chân em đau thế này không đi nổi đâu. Nhà em ở đâu anh đưa về?
– Nhà tôi ngay ở đây thôi, anh không cần đưa về đâu. Tôi tự đi được, anh cứ bỏ tay ra đi.
– Chân em thế sao anh bỏ em ra được, bỏ ra là ngã đấy. Thôi cứ để anh đưa về, ở ngay đây thì anh đưa về xong anh quay lại tập.
– Tôi đã bảo không cần mà.
– Ơ sao lại nóng thế nhỉ? Đang bị thương mà nóng tính là không tốt đâu.
Tôi bắt đầu thấy gã này lải nhải làm mình phát phiền rồi, đang định nổi cáu thì bỗng nhiên lại cảm thấy có ai đó xuất hiện sau lưng mình. Quay đầu lại mới biết Việt đang đứng sát bọn tôi, vẻ mặt tuy vẫn lạnh tanh nhưng tôi biết anh ta đến để bảo vệ mình.
Việt nói:
– Có chuyện gì thế?
– À… Chân em đau nên anh này định đưa về.
– Không cần phiền người khác thế đâu, về thôi.
Vừa nói, anh ta vừa đưa tay ra đỡ tôi, động tác rất tự nhiên giống như rất quen thuộc. Tự nhiên đang bình thường mà lại tỏ ra thân thiết như thế, tôi bất ngờ mất mấy giây mới nhận ra cái người này đúng là thâm ơi là thâm, chỉ nói đúng một câu và làm đúng một hành động mà cũng đủ làm cho gã đô con kia tưởng nhầm anh ta là bạn trai của tôi.
Quả nhiên hắn lập tức rút tay về rồi nói:
– Ơ… đây là bạn gái anh Việt ạ? Em không biết. Cứ tưởng cô em nào mới đến đây kia.
– Đi tập Boxing thì tập trung nhìn bao cát với trụ hơi thôi, bớt nhìn vớ vẩn đi.
– À à vâng. Em biết rồi ạ. Em mà biết là bạn anh thì làm gì có gan nhìn. Em xin lỗi.
Gã kia ngượng ngập gãi đầu cười, cũng không dám nhìn tôi nữa mà cứ lén la lén lút liếc ra chỗ khác. Việt cũng không buồn trả lời lại anh ta mà chỉ quay người dẫn tôi đi về.
Ra khỏi phòng tập Boxing, tôi định bảo anh ta bỏ tay ra để mình tự đi, nhưng cổ chân lúc này đã đau đến mức dù được dìu rồi mà mỗi bước vẫn đau như kim chọc vào xương, cho nên tôi cũng chẳng muốn tự ngược đãi bản thân làm gì nữa, đành im lặng để anh ta dắt đi.
Lúc vào đến thang máy, tôi chủ động nói:
– Anh quen cái anh lúc nãy ạ?
– Tập cùng phòng tập nên hay đụng mặt thôi.
– À…
– Nó dọa cô sợ hả?
– Dạ không. Mới nói mấy câu thôi nên chưa sợ lắm. Anh tập Boxing lâu chưa?
Việt đang bấm số tầng, nghe tôi hỏi vậy mới nghiêng đầu lại nhìn:
– Sao thế?
– Nãy em thấy anh tập với trụ hơi rồi. Đánh gọn, chuẩn nữa. Nên đoán là anh tập Boxing lâu rồi.
– Tôi mới tập hai, ba năm gần đây thôi. Boxing phù hợp cho đàn ông hơn, phụ nữ xương không cứng như đàn ông, tập sai kỹ thuật là bị thương đấy.
Không biết là đang nhắc nhở hay đang nói mỉa mình, nhưng tôi cũng không chịu thua, lập tức hỏi ngược lại một câu nửa như quan tâm, nửa như nói móc lại:
– Anh từng bị thương lần nào vì tập Boxing chưa?
Nghe tôi nói xong, khóe miệng của anh ta hơi nhếch lên giống như vừa cảm thấy được điều gì đó thú vị. Nhưng không hẳn là cười mà chỉ đáp:
– Một vài lần, nhưng chưa bị trật khớp xương cổ chân bao giờ.
– Vâng, vì xương của anh cứng hơn xương của em mà.
Chúng tôi vừa nói đến đây thì thang máy dừng lại ở tầng 12, Việt tiếp tục đỡ tôi đi vào nhà. Anh ta không nói gì mấy, cũng không hỏi tôi mấy câu đại loại như “tôi đỡ cô vào nhà nhé?”, “đi thế này đau chân không?”, nhưng tôi để ý thấy anh ta giữ vai phải tôi rất chắc, như vậy trọng lượng cơ thể không dồn vào cổ chân phải đang bị đau, khiến tôi bước đi dễ dịu hơn.
Cái gã này im im thế thôi nhưng khá là galăng ngầm đấy.
Vào đến nhà, Việt dìu tôi ngồi xuống ghế. Tôi thì vừa cười vừa nói:
– Lần trước mời anh thì anh hẹn lần sau vào uống trà, nhưng hôm nay chân đau thế này chắc không pha trà được rồi. Anh thông cảm nhé.
– Không cần phải nói mấy câu khách sáo đó với tôi. Ngồi thẳng lên đi.
Anh ta nói xong lại ngồi xổm xuống, cầm cổ chân tôi lên rồi xoay xoay thử mấy cái, tôi lập tức đau đến mức toàn bộ da gà da vịt trên cơ thể nổi hết cả lên, dây thần kinh căng cứng, lúc ấy chỉ muốn đạp một phát cho anh ta lăn được bao xa thì lăn. Nhưng đúng lúc này Việt lại nói một câu chẳng hề liên quan:
– Tài liệu lúc chiều phòng kinh doanh gửi lên, cô đã đối chiếu số liệu chưa?
– Em đối chiếu rồi, số liệu khớp ạ.
– Phương án dựng màn hình chiếu của cô trong tháng này thu về bao nhiêu lượt khách mua?
– Trong tài liệu gửi đến thì là 27.459 lượt mua, đa phần là các sản phẩm như kệ bếp, giường ngủ và bàn trang điểm. Số lượng mua tủ ba cánh rất ít.
– Thử nêu lý do đi.
– Em nghĩ nên xem xét lại kích thước và mẫu mã của loại tủ này. Đa phần nội thất bên mình theo phong cách…
Còn chưa nói xong thì bỗng nhiên cổ chân bị kéo mạnh ra rồi “Rắc” thêm một tiếng nữa. Tôi bị cảm giác đau đớn cực điểm dội đến lần thứ hai, lời còn chưa kịp thốt ra miệng đã phải nuốt lại, cắn thật chặt môi dưới để không la hét ầm lên.
Trái lại với vẻ mặt tái xanh tái mét của tôi, Việt vẫn bình thản như không, thậm chí còn chẳng thèm hỏi tôi có đau không mà chỉ bảo:
– Được rồi. Vào khớp rồi. Thế này đi lại đỡ đau hơn, lát nữa đến bệnh viện kiểm tra xem có rạn xương không.
– Ơ…
Tôi cứ tưởng anh ta cuồng công việc đến mức ở nhà cũng phải tra khảo trợ lý chuyện ở công ty, ai ngờ vặn khớp xong mới biết, hóa ra Việt cố ý nói thế để phân tán sự chú ý của tôi, để tôi đỡ đau khi anh ta nắn lại khớp xương.
Trong lòng tôi bất giác cảm thấy có một sự cảm kích nho nhỏ len lỏi xông lên, rất kỳ lạ, lần đầu tiên tôi thấy mình có cảm tình với “nghi phạm” đến vậy.
Tôi hít sâu vào một hơi, khi ấy cũng không cảm thấy quá đau như lúc trước nữa mà thực sự đã cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều:
– Vâng, em biết rồi. Không nghĩ là sếp còn biết nắn cả xương. Đỡ đau thật rồi ạ. Cảm ơn sếp.
– Đỡ đau thì được rồi, tôi về đây.
– Vâng. Để em…
Chưa nói xong, anh ta đã chủ động ngắt lời:
– Không cần tiễn tôi.
– Vâng. À mà sếp ơi, nhà anh có băng thun cố định không?
Chân tôi thế này thì không lặc đi mua băng thun được, mà lúc ở trong thang máy tôi cố ý hỏi anh ta từng bị thương vì tập Boxing chưa, anh ta đã nói “một vài lần”, như vậy thì khả năng cao trong nhà anh ta cũng sẽ cố băng thun cố định vết thương.
Quả nhiên Việt nghe xong thì gật đầu, không cần chờ tôi mở miệng hỏi mượn đã tự nói:
– Lát nữa tôi mang sang cho cô.
– Dạ, em cảm ơn sếp.
Sau khi anh ta đi rồi, tôi ôm lấy cổ chân mới thấy chỗ mắt cá đã sưng vác lên như chân voi, vẫn còn đau nhưng chẳng còn cách nào khác, đành phải lấy cao nóng thoa vào rồi lại lặc liễng đứng dậy tắm rửa, sau đó lại đi nấu mì.
Tôi muốn tranh thủ dịp này để cải thiện mối quan hệ với Việt, tiếp cận gần hơn với anh ta cho nên đành bóc ra một gói mì, bật bếp nấu nước rồi cứ thế đứng trong bếp đợi. Chân đau đứng rất khó, nhưng để lát nữa anh ta mang băng thun sang thì cũng gặp đúng lúc tôi đang nấu mì nên tôi cố sống cố chết cắn răng đứng đợi. May sao mới chỉ đứng gần năm phút đã nghe tiếng gõ cửa, tiếp theo giọng anh ta vọng vào:
– Tôi vào được không?
– Vâng, anh vào đi ạ. Cửa không khóa.
Việt mở cửa bước vào, lúc này tôi cũng cố ý vặn lửa to rồi mới chậm chạp từ trong bếp đi ra. Anh ta hình như vừa tắm gội xong, cả người vẫn còn vương hơi nước mát lạnh, tóc cũng vẫn còn hơi ươn ướt. Việt thấy tôi đau chân thế mà vẫn lặc liễng đi lại thì hơi nhíu mày, nhưng cũng không nói gì mà chỉ đưa cuộn băng thun y tế cho tôi:
– Băng thun đây, cô băng vào đi.
– Cảm ơn anh.
Vừa dứt lời thì nồi nước sôi trên bếp đã bắt đầu trào ra ngoài, tôi làm ra vẻ hơi khó xử, ngượng ngập gãi đầu nói:
– À…anh ăn tối chưa? Em đang nấu mì. Anh có muốn ăn không, em nấu luôn.
Anh ta hơi liếc vào trong bát đã bỏ mì của tôi, hỏi một câu chẳng hề liên quan:
– Cô thường ăn mì kiểu này à?
– Vâng. Sao hả anh?
Vẻ mặt anh ta có vẻ không hài lòng, giống như kiểu pha mì chỉ bỏ mỗi gói mì và nước của tôi làm anh ta khó chịu. Qua một lát sau, anh ta mới chịu mở miệng nói chuyện:
– Ra ghế ngồi đi. Nếu không phiền thì để tôi tự nấu.
– Anh là khách mà, anh muốn ăn thế nào thì bảo để em nấu cho.
– Rau củ ở đâu?
– Ở trong tủ lạnh ạ.
Anh ta không nói gì nữa, chỉ đi lại tủ lạnh, mở ra lấy một ít rau củ ở trong đó mang ra gọt sạch, rửa xong còn trùng qua nước sôi một lượt rồi mới bắt đầu nấu mì.
Lúc này tôi cũng không thể đứng được nữa nên đành mặc kệ anh ta loay hoay trong bếp rồi đi ra ngoài, ngồi xuống ghế sofa, sau đó tự lấy dây thun băng cố định mắt cá chân lại.
Ngày trước học trinh sát tôi bị bong gân suốt, tự băng cổ chân bằng dây thun cũng nhiều rồi nên khá thành thạo. Có điều khi băng gọn gàng xong thấy đẹp quá, tôi sợ Việt nghi ngờ nên lại đành tháo ra, băng xấu đi.
Khi tôi vừa cắt dây thun xong thì anh ta cũng bê hai tô mì từ trong bếp đi ra, chỉ cần ngửi mùi thơm bốc lên thôi cũng thấy hương vị khác hẳn mì bình thường mà tôi nấu. Hơn tám giờ tối rồi, mà lại còn tập luyện tốn nhiều Calo nên bụng tôi cũng đã sôi òng ọc, tôi phấn khởi bảo với anh ta:
– Thơm thế. Thơm hơn hẳn mì em nấu.
– Vì có rau.
Việt vừa nói vừa đưa đũa và muỗng cho tôi, hình như anh ta có bệnh sạch sẽ nên mấy thứ đồ này cũng đã được anh ta rửa qua nước nóng, cầm lên vẫn cảm nhận được độ ấm lan truyền qua đầu ngón tay. Anh ta nói:
– Ăn đi.
– Vâng. Anh cũng ăn đi. Em đói rồi, mời sếp nhé.
– Ừ.
Lần đầu tiên ngồi ăn với “nghi phạm” lại là một bát mì, hơn nữa còn là bát mì của “nghi phạm” nấu, tự nhiên trong lòng tôi lại thấy hơi buồn cười. Vì phép lịch sự, tôi chờ Việt ăn trước rồi mới ăn, lúc này mới để ý bát mì của tôi có rất nhiều rau xanh, có cả trứng, còn bát mì của anh ta thì ít rau hơn.
Vị mì thì khỏi phải nói, cũng chỉ là từ một gói mì mà mì tôi nấu ăn chỉ là mì thôi, còn mì của anh ta nấu thì như cao lương mỹ vị vậy. Nhớ đến việc lúc trước gặp nhau ở siêu thị, tôi thấy giỏ của anh ta toàn thực phẩm chế biến sẵn mới đoán là anh ta rất qua loa trong chuyện ăn uống. Hôm nay ngẫm lại mới hiểu, không phải Việt qua loa trong chuyện ăn uống mà là vì anh ta không có thời gian nấu nướng, nếu anh ta rảnh hơn, có khi tay nghề còn hơn cả tôi.
Tôi buột miệng nói:
– Ngon thật. Bình thường em không nghĩ là anh biết nấu nướng đâu.
– Tôi chỉ biết nấu mỗi món này thôi.
– Thật ạ?
– À còn có luộc rau với rán trứng nữa, nhưng bình thường không có thời gian nên hay ăn mì. Thành ra giỏi nhất là nấu mì.
Giả dối. Còn lâu tôi mới tin. Tôi thấy anh ta nói dối trước nên cũng nói dối lại:
– Thế hôm nào mời anh sang nhà em ăn cơm nhé, em biết nấu vài món. Đồ ăn miền nam, anh ăn thử xem sao.
– Ừ, cũng được.
Ăn uống xong xuôi, Việt còn chủ động rửa bát giúp tôi rồi mới đi về. Tôi cũng không mất công bày mưu tính kế để anh ta ở lại “tạo dựng mối quan hệ thân thiết nữa” nên cũng vui vẻ tiễn anh ta ra cửa.
Lúc quay trở lại phòng ngủ, tôi theo thói quen lại lôi sách vở ra học hành, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay có đọc đi đọc lại cũng không tài nào nhập tâm nổi.
Tôi đến thành phố này một mình, xa gia đình, xa bạn bè, xa tất cả, không được sống đúng thân phận, thậm chí muốn sống với sở thích của bản thân cũng không được. Nhiều khi vì nhớ Lâm và nhớ mọi thứ ở Sài Gòn mà tôi cảm thấy rất cô đơn, thậm chí đôi lúc còn cảm thấy ân hận vì không nghe theo lời khuyên của anh Long mà đến đây xông pha. Nhưng hôm nay bỗng dưng tôi lại có cảm giác rất khác lạ. Kiểu như trinh sát cũng có cái hay của trinh sát, dù cô đơn nhưng lại được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị, giống như được trải nghiệm môi trường làm việc mới lạ, ăn một tô mì thật ngon do “nghi phạm” pha.
Nói đúng ra suốt bảy tháng nay quan sát anh ta, ngoài việc nghe những tin đồn về cuộc sống riêng đào hoa ra thì tôi thấy Việt cũng là người rất được. Trong công việc luôn nghiêm túc, đối xử với nhân viên rất đứng đắn, ngay cả bây giờ anh ta là hàng xóm của tôi cũng rất tử tế.
Xét theo phương diện một nhân viên bình thường thì tôi thấy anh ta không có gì đáng chê cả, có nhiều phụ nữ thích anh ta cũng là lẽ thường tình thôi. Nhưng mà đáng tiếc tôi lại là cảnh sát hình sự…
Haizzz…
Bắt đầu nghĩ ngợi lung tung, tôi chán không muốn học nữa nên đành gấp sách lại, sau đó lấy một chiếc điện thoại khác trong ngăn kéo tủ, mở nguồn lên rồi bấm số gọi cho mẹ một cuộc.
Mẹ tôi lâu ngày không thấy số con gái gọi về, không cần “Alo” đã mắng tôi té tát:
– Cái con bé này, sao mấy tháng mới gọi về được một lần thế hả? Đi làm chứ có phải đi Triều Tiên đâu mà mày cắt đứt liên lạc với cả nhà thế?
– Mẹ, dạo này mẹ xem phim Hạ Cánh Nơi Anh đúng không?
– Sao mày biết?
– Tự nhiên nhắc đến không liên lạc được, với cả Triều Tiên, thì chỉ có xem phim Hạ Cánh Nơi Anh thôi.
Ở đầu dây bên kia, mẹ tôi biết không qua mắt được tôi nên cuối cùng cũng chịu cười:
– Cha bố cô. Đúng là đẻ con gái làm cảnh sát hình sự có khác, thính như cún.
– Ai bảo mẹ cho con mẹ theo công an làm chi. Làm công an cực lắm, mấy tháng không liên lạc về thì mẹ cũng đừng trách đó nha. Con đi làm trinh sát phải bí mật nên ít liên lạc cũng là thường tình thôi. Mẹ nhỉ?
– Rồi rồi. Ít liên lạc rồi cũng ít về luôn. Ngoài đó sắp tới mùa đông chưa?
Mẹ tôi là người Bắc, bố tôi là người Nam, cho nên tôi không xưng má – con như người khác mà toàn gọi mẹ – con. Mẹ tôi hơn hai mươi tuổi mới vào Sài Gòn sống nên vẫn nhớ mùa đông Hà Nội, tôi thì lần đầu tiên được hưởng thụ cái se se lạnh đặc trưng của miền bắc nên cũng phấn khởi kể cho mẹ nghe về thời tiết nơi đây:
– Sắp tới rồi ạ. Bây giờ đã bắt đầu lạnh rồi, khoảng 21 – 22 độ đó mẹ. Khoảng hơn nửa tháng nữa là chính thức vào đông.
– Mặc nhiều áo ấm vào. Nhớ quàng khăn. À mà mùa đông Hà Nội thì chỉ mặc áo len mới ấm thôi, bữa nào chịu khó đi mua vài cái áo len nghe chưa.
– Vâng, con biết rồi. Ba có khỏe không mẹ?
– Khỏe, nhưng đi suốt ngày. Mẹ bảo ba vài năm nữa nghỉ hẳn rồi giao công ty cho anh mày đi thôi. Già rồi, ở nhà với mẹ, mua một cái vườn rồi trồng rau nuôi cá.
– Con thấy được đó. Anh hai trưởng thành rồi mà, ba giao cho anh ấy rồi nghỉ đi được rồi.
– Ừ đó, mà ba mày nói đợi hết năm nay rồi mới chuyển chức giám đốc cho anh mày được. Còn liên quan đến cổ phần với cổ tức công ty nữa.
Thực ra gia đình tôi cũng có một công ty khá lớn chuyên về dệt may, ba mẹ tôi sinh được mỗi tôi và anh trai nên từ nhỏ cuộc sống của chúng tôi rất đầy đủ. Mỗi tội tính tôi từ nhỏ đến lớn ương bướng, lại chỉ thích đánh đấm nên nằng nặc đòi theo học trinh sát, mẹ tôi bảo tôi tự chuốc khổ vào thân, ngoan ngoãn học kinh doanh như anh hai thì giờ sung sướng an nhàn rồi.
Nhưng hưởng sung sướng an nhàn thì đâu phù hợp với tôi…
– Vâng. Đợi tết này rồi con về thăm ba mẹ, thăm anh hai nữa.
– Nhớ dắt theo con rể nhé. Không thì đừng về nữa.
– Có ai như mẹ không, con gái chưa qua 24 tuổi đã giục đi lấy chồng. Con lấy chồng rồi là không có ai ở ăn tết với mẹ nữa đâu. Mẹ đừng giục con nữa.
Mẹ tôi biết trong lòng tôi vẫn còn mang nặng hình bóng của Lâm cho nên cũng chỉ nhắc nhở như vậy, cũng không thúc ép tôi nhiều nữa. Bà hỏi han tôi một hồi rồi lại dặn dò:
– Nhớ giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ, ngủ sớm đi.
– Vâng, con biết rồi. Mẹ cũng ngủ sớm đi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
Bình luận facebook