• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Hot Bí Thư Tỉnh Ủy (1 Viewer)

  • Chương 23

Đường xấu, chiếc xe com-măng-ca nhảy chồm chồm. Trước mặt ông dãy Linh Sơn nhấp nhô trùng điệp. Có ba đỉnh núi nhô hẳn lên cao kéo những làn mây núi mỏng như những dải lụa trắng muốt mềm mại vờn quanh mình. Một thời cơ quan huyện ủy Linh Sơn do ông làm bí thư ở trong dãy núi này. Cuộc sống kháng chiến thời đó tuy thiếu thốn, vất vả và có khi phải đổi tính mạng của mình mỗi khi về vùng tạm bị chiếm để làm công tác vận động quần chúng nhưng không phải vất vả lo toan như bây giờ. Nắng quá cũng lo, rét quá cũng lo. Nhìn đồng lúa xấu lo vụ mùa thất bát, nhìn thúng thóc vơi lo dân đói giáp hạt. Gần hai năm trở lại đây tình hình làm ăn lụn bại của các Hợp tác xã như một gánh nặng đè lên người ông, ông đang cố vùng vẫy để thoát ra nhưng rồi có một sợi dây vô hình cứ buộc chặt tay chân ông lại.

- Có vào huyện không thủ trưởng? – Câu hỏi của Hành cắt ngang suy nghĩ của ông.

- Đi thẳng xuống xã luôn không phải qua huyện.

- Vào ủy ban xã trước hay đến chỗ sơ tán của trường cấp Ba thị xã ạ?

– Vào ủy ban làm việc xong, rủ mấy tay ủy ban cùng đi đến nơi sơ tán của trường cấp Ba xem trường lớp ra sao và tiện thể nếu cần gì thì yêu cầu xã giúp đỡ luôn thể. Tớ cũng muốn thăm cái Dương. Lâu lắm hai bố con chưa gặp nhau.

Chiếc xe con chạy vào một con đường men theo mé đồi. Xe chạy thêm một đoạn nữa thì đến trụ sở ủy ban xã Cao Sơn. Đó là một khu nhà cấp bốn mái ngói đã mốc rêu. Trụ sở chẳng có cổng ngõ gì. Chỉ có tấm ván đề mấy chữ Ủy ban Hành chính xã Cao Sơn được gác ngang trên hai trụ bằng bốn đoạn tre chôn sát vào nhau. Tiết trời sang xuân, cây cỏ quanh khuôn viên ủy ban xanh mơn mởn. Chiếc xe con chạy vào sân rồi dừng lại. Đơn, chủ tịch xã, một người đàn ông chừng bốn mươi, người thấp một mẩu chạy ra niềm nở nắm lấy tay ông Kim rung rung:

- Bí thư xuống sao không báo trước cho chúng em?

- Để các cậu khỏi phải lo cơm nước. Tay Khả có ở cơ quan không hay đi cơ sở rồi?

- Anh ấy đang xuống Hợp tác xã Đằng Xá giải quyết cái vụ tay đội trưởng cho xã viên phá lúa để trồng khoai lang.

Ông Kim ngạc nhiên:

- Sao thế?

- Chúng em chưa nắm được lí do. Hôm qua tay Quân chủ nhiệm lên báo cáo với xã và yêu cầu xã phải có hình thức kỷ luật thích đáng với tay đội trưởng về cái tội phá hoại mùa màng nên hôm nay anh Khả xuống đó xem thực hư ra sao.

Ông Kim tỏ ra sốt ruột:

- Đường xuống Đằng Xá ô-tô có đi được không?

- Ô tô chỉ đi được đến thôn Quất Động thôi. Muốn qua Đằng Xá phải lội bộ qua một cánh đồng.

- Càng tốt. Đi bộ để xem lúa má ra sao. Ông cho một người dẫn tớ xuống Đằng Xá ngay bây giờ.

- Bí thư không phải xuống cho vất vả. Thế nào trưa anh Khả cũng về. Bí thư chỉ cần nghe anh ấy báo cáo lại là được rồi.

- Làm lãnh đạo mà sợ xuống cơ sở vất vả thì làm cái đếch gì. Tớ cần nghe trực tiếp chứ không thèm nghe báo cáo. Ông cử người dẫn chúng tớ đi xuống đó. Nếu ông thấy sợ nhân viên của mình vất vả thì tớ sẽ hỏi đường tự đi xuống.

- Ý em không phải sợ vất vả. Nếu bí thư muốn đi thì để em đi cùng.

Ông Kim quày quả ra xe. Đơn chạy theo. Xe đến cuối thôn Quất Động thì gặp phải con đường đất vừa bé vừa xấu xe không đi được nên dừng lại. Ông Kim xuống xe nói với Đô:

- Cậu Đô và cậu Hành cứ ở đây chờ nhé. Tớ qua bên Đằng Xá xem sao.

- Để em cùng đi với anh.

- Thế cũng được. Cậu đi có gì ghi chép hộ.

Ban quản trị Hợp tác xã Đằng Xá đang họp thì ông Kim và Đơn tới. Mọi người đứng lên chào hỏi. Khả, bí thư đảng ủy Cao Sơn vội nói:

- Bí thư xuống sao không báo trước cho chúng tôi biết.

Ông Kim cười:

- Biết để các anh bàn cách đối phó à?

- Bí thư cứ nói thế.

- Các ông tiếp tục họp đi cho mình nghe với.

Quân, chủ nhiệm Hợp tác xã lấy ghế mời ông Kim ngồi.

- Ai là chủ nhiệm Hợp tác xã Đằng Xá? – Ông Kim hỏi.

- Báo cáo bí thư tỉnh ủy, em. Em tên là Quân. Còn kia là đồng chí Nhã, đồng chí Phơ là phó chủ nhiệm. Đồng chí Đương bí thư chi bộ.

- Thế ai là kẻ phá hoại mùa màng bị đưa ra kiểm điểm? – Hỏi xong ông Kim cười.

Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi to béo có nước da đen bóng đứng lên:

- Thưa đồng chí bí thư tỉnh ủy, em. Em tên là Hoãn, đội trưởng sản xuất thôn Đằng Xá.

Ông Kim quay sang hỏi Khả:

- Cuộc họp kiểm điểm đến đâu rồi?

- Báo cáo bí thư, chưa đi đến đâu cả.

- Sao thế?

- Một số đồng chí ủng hộ việc làm của anh Hoãn, một số phản đối nên chưa kết luận được ạ.

Ông Kim rít một điếu thuốc lào rồi hỏi:

- Tớ muốn nghe ý kiến của những người phản đối trước.

Quân đứng lên:

- Báo cáo đồng chí bí thư tỉnh ủy, việc đồng chí Hoãn tự động cho xã viên trong đội của mình nhổ một số diện tích lúa đang đẻ nhánh để trồng khoai lang là một việc làm vô nguyên tắc, vi phạm nghiêm trọng điều lệ của Hợp tác xã. Vô tình phá hoại mùa màng của Hợp tác…

Ông Kim ngắt lời:

- Được rồi, tớ hiểu cậu muốn nói gì tiếp theo rồi. Những người phản đối ngoài việc cho rằng ông Hoãn vi phạm điều lệ, phá hoại mùa màng còn có ý kiến gì khác không?

Một anh đưa tay xin nói. Quân giới thiệu với ông Kim:

- Báo cáo đồng chí bí thư đây là đồng chí Sản, thư ký Hợp tác xã.

- Ông thư ký nói đi.

- Báo cáo…

Ông Kim ngắt lời:

- Các cậu bỏ mấy tiếng báo cáo đồng chí bí thư tỉnh ủy đi để tiết kiệm thời gian. Nói tiếp đi.

Sản bối rối:

- Báo cáo đồng chí… Dạ thưa… Ý kiến của em cho rằng việc làm của anh Hoãn là vi phạm vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ ạ…

Ông Kim lại ngắt lời:

- Vi phạm ở chỗ nào?

- Vâng. Việc làm của anh Hoãn là sai hoàn toàn. Tổ chức xã viên làm ăn cá thể là vi phạm vào đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ đưa nông dân đi lên Chủ nghĩa Xã hội…

- Tớ hiểu rồi. Theo cậu ông Hoãn đáng ghép vào tội phản động có phải không?

- Báo cáo, em không có ý ấy.

- Được rồi. Người khác.

Không thấy ai nói gì, ông Kim bảo:

- Tớ muốn nghe ý kiến những người ủng hộ.

Có mấy cánh tay đưa lên xin nói. Ông Kim chỉ vào Đương:

- Đồng chí bí thư chi bộ nói cho tôi nghe ý kiến của mình.

- Tôi thấy việc làm của anh Hoãn là một việc làm đúng đắn. Anh ấy nghĩ đến việc đưa lại những lợi ích thiết thực. Phá một sào lúa mà khả năng thu hoạch chỉ độ trên dưới mười cân thóc để cấp thời thay vào đó là một sào khoai lang thu được mấy tạ, rõ ràng việc làm của anh Hoãn là một việc làm có tính toán hiệu quả. Quy cho anh Hoãn phá hoại sản xuất là một thái độ chụp mũ thô bạo.

Quân đưa tay định nói. Ông Kim đưa tay ngăn lại:

- Cậu Quân nói tôi đã nghe thủng rồi. Bây giờ tôi muốn cậu Hoãn nói cho tôi biết vì lí do gì cậu cho xã viên phá lúa để trồng khoai?

- Vâng, tôi xin trình bày để bí thư nắm được. Chúng tôi không định bỏ hẳn cây lúa để trồng khoai. Nhưng vụ mùa năm nay ngay từ khi mới đặt cây lúa xuống, nhìn cây lúa mỗi ngày mỗi vàng vọt đã biết ngay sẽ gặp một vụ lúa có năng suất rất thấp. Mặc dù ban quản trị và các đội sản xuất tập trung cứu vãn bằng bón thúc đủ các loại phân nhưng không cải thiện được tình thế là bao. Đặc biệt ở cánh đồng Vải vốn đất đã xấu, khi làm đất cấy do không đầu tư phân tro đúng mức nên nhiều thửa ruộng lúa lên lưa thưa như đầu tóc người mới ốm dậy. Tôi mời đồng chí Đương, bí thư chi bộ đi thăm đồng với tôi và hai anh em đã tính toán nếu có để những ruộng lúa như vậy trổ bông thì thu hoạch mỗi sào may ra chỉ được mười cân thóc. Phá những ruộng lúa ấy thay vào đó cây khoai lang thì sẽ có lợi hơn là cố chăm sóc lúa. Đồng chí Đương hoàn toàn ủng hộ tính toán của tôi. Tôi đã lên đề nghị với Ban quản trị Hợp tác xã nhưng Ban quản trị không đồng ý, bảo làm như vậy là phá kế hoạch sản xuất của Hợp tác, tạo thói quen làm ăn tự do cho xã viên.

Ông Kim chăm chú nghe rồi hỏi:

- Dựa vào đâu cậu khẳng định thay cây khoai lang có lợi hơn là để lúa xấu?

- Tôi dựa trên kết quả của mấy thước ruộng phần trăm của tôi ạ. Mấy năm nay, năm nào sau vụ gặt mùa, nhà tôi đều xen cây khoai lang vào. Nhiều nhà trong đội sản xuất của tôi cũng làm theo. Tôi tính mỗi sào đất nếu được đầu tư phân tro đầy đủ có khả năng cho từ năm đến sáu tạ củ. Lại vừa có dây khoai cho lợn và trâu bò ăn. Một cái lợi nữa là đất qua một vụ khoai xen canh đến lúc làm vụ đất tơi, cày bừa rất lợi công mà cây lúa cấy xuống cũng bén rễ rất nhanh. Thưa đồng chí bí thư, tôi vô phép xin hỏi đồng chí, một sào lúa thu hoạch được mười cân thóc với một sào khoai thu được năm tạ thì đồng chí chọn lúa hay khoai ạ?

Ông Kim cười kha khả:

- Lần đầu tiên tớ thấy có một người dám chất vấn bí thư tỉnh ủy một câu thẳng thừng như thế. Thảo nào mà bất chấp ngăn cấm của ban quản trị dám cho xã viên phá lúa để trồng khoai lang. – Ông Kim quay sang hỏi Khả và Đơn – Thế nào đồng chí bí thư đảng ủy và chủ tịch xã, hai đồng chí đứng về phe phản đối hay đứng về phe ủng hộ việc làm của ông đội trưởng sản xuất?

Không một chút đắn đo, Khả nói:

- Tôi thấy việc làm này nên rút kinh nghiệm.

Ông Kim bĩu môi:

- Đúng là lời lẽ của những anh khôn vặt. Rút kinh nghiệm gì?

Khả im lặng nhìn xuống bàn.

- Ông chủ tịch thế nào? Ủng hộ ai? – Ông Kim hỏi Đơn.

- Tôi ủng hộ việc làm của anh Hoãn – Đơn đáp – Vừa rồi tôi ngồi và nhẩm tính. Nếu quy bốn cân khoai lang thành một cân thóc thì mỗi sào khoai lang được gần trên dưới một tạ thóc. Như vậy tính ra sẽ gấp mười lần so với để lúa lại để gặt.

- Ban quản trị các ông đã nghe rõ chưa? Vì sao một việc làm đưa lại lợi ích to lớn như vậy mà các ông tìm cách ngăn cản? Tớ biểu dương các ông kiên định với đường lối Hợp tác hóa của Đảng, nhưng phê bình các ông trong việc vận dụng đường lối. Sắp tới đây tỉnh ủy sẽ mời các chủ nhiệm Hợp tác xã trong tỉnh về tham quan cách làm ăn của Hợp tác xã Hồng Vân huyện Vĩnh Hòa. Ở đó người ta mua cá giống giao cho các hộ gia đình nuôi và chăm sóc trong ao nhà mình, đến vụ nộp cho Hợp tác xã một lượng cá nhất định, còn lại ăn và được bán tự do. Sau vụ thu hoạch mùa, Hợp tác xã chia đất cho xã viên trồng ngô xen canh. Hợp tác chịu giống, công cày, nước tưới. Xong vụ ngô xen canh trả lại đất cho Hợp tác để làm vụ chiêm. Các ông xem, đất Hợp tác có mất đâu, trong khi đó dân có cá để ăn để bán, ngô đỏ nhà vừa để ăn vừa chăn nuôi. Người biết vận dụng đường lối một cách linh hoạt chính là người chấp hành đường lối tốt nhất. Thế nào ông chủ nhiệm? Tôi nói thế có nghe được không?

Quân mạnh dạn đáp:

- Báo cáo với bí thư, chung quy là lúc nào chúng tôi cũng lo đi chệch đường lối. Nếu cho chúng tôi vận dụng linh hoạt như Hợp tác xã Hồng Vân mà không bị phê bình kiểm điểm thì tôi tin rằng chúng tôi chẳng thua kém gì.

Đơn tiếp lời:

- Chỉ sợ bí thư phê bình khi chúng tôi làm mạnh tay thôi.

Ông Kim tỏ ra vui vẻ:

- Nói là phải làm đấy nhé. Nếu cần thì ngay ngày mai các cậu cử người lên Hồng Vân học hỏi kinh nghiệm của người ta. Chương trình xuống Đằng Xá là đột xuất. Bây giờ tớ phải lên xem trường cấp Ba của thị xã sơ tán ăn ở học tập ra sao. Ông Đơn hay ông Khả đi với tớ lên chỗ trường sơ tán đây?

Khả:

- Em còn ở lại trao đổi thêm với chi bộ Đằng Xá vài việc. Có khi anh Đơn đi với bí thư.

- Để em đi cùng với bí thư – Đơn nói vui vẻ.

- Đúng. Ông là chủ tịch đi theo để có gì tớ còn cần ông chi viện cho trường. Còn ông Khả, khi nãy tớ nói với ông hơi nặng lời có lẽ làm ông không vừa ý, ông đừng giận nhé. Tính tớ nghĩ thế nào nói thế ấy nên đôi lúc hay va chạm lắm, cậu thông cảm.

- Không có gì đâu ạ. Chỉ tại em nói không rõ ràng…
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom