• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Đường Song Long Truyện (4 Viewers)

  • Chương 637

Tả Hiếu Hữu dẫn thủ hạ quay về Chung Ly. Lý Tử Thông tuy không nghi ngờ, nhưng vì thuỷ sư của hắn gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, tổn thất nghiêm trọng nên trách mắng Tả Hiếu Hữu thậm tệ, giáng họ Tả từ Đại tướng quân xuống còn Tướng quân. Điều đó khiến Tả Hiếu Hữu ôm đầy một bụng oan ức, lòng càng hướng về Khấu Trọng.


Mười ngày sau, Khấu Trọng chia quân làm hai đường, từ Đông Hải và Lương Đô xuất phát.


Một vạn đại quân từ Đông Hải ngồi trên bốn chục chiến thuyền theo đường biển tiến thẳng tới Giang Đô. Thống lĩnh cánh quân này là Tuyên Vĩnh, Trần Trường Lâm, Cao Chiếm Đạo, Ngưu Phụng Nghĩa, Tra Kiệt.


Một cánh quân khác theo hai đường thuỷ bộ Vận Hà xuôi Nam. Binh lực đạt tám ngàn người, gồm cả những chiếc Phi Luân thuyền đã làm Lý Tử Thông kinh hồn táng đởm.


Lý Tử Thông nghe tin tức đó giật mình kinh hãi, vội vã dẫn hai vạn quân thủ hạ rời khỏi Chung Ly để quay về phòng thủ Giang Đô. Chung Ly vẫn do Tả Hiếu Hữu trấn thủ, Cao Bưu do một đại tướng khác của Lý Tử Thông là Tần Siêu Văn chủ trì. Sáu mươi chiến thuyền còn lại tập trung hết về Giang Đô để ứng phó với cánh Thiếu Soái quân từ Đông Hải tới.


Thực ra, lúc này binh lực Chung Ly và Cao Bưu vẫn không thể xem thường được. Mỗi nơi đều có tới trên vạn người, có thể hỗ ứng lẫn nhau, đủ sức ngăn cản cánh quân xuôi Nam tiến đánh Giang Đô của Khấu Trọng. Về mặt chiến lược, Lý Tử Thông không hề sai lầm. Chỉ cần hắn có thể đánh bại thuỷ sư Thiếu Soái quân viễn chinh từ Đông Hải tới thì có thể hội sư ngược Bắc nghênh chiến Khấu Trọng và Từ Tử Lăng.


Nào ngờ, Tả Hiếu Hữu mở cửa thành nghênh tiếp Khấu Trọng, khiến Tần Siêu Văn ở Cao Bưu kinh hãi không dám xuất chiến. Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Bốc Thiên Chí và Trần Lão Mưu đưa hai mươi bốn chiếc Phi Luân thuyền thẳng tiến vào Hoài Thuỷ, qua Vận Hà tiến tới Giang Đô, cùng với thuỷ sư Thiếu Soái quân từ Đông Hải tới giáp kích thủy sư Giang Đô. Ở cửa sông Trường Giang, Khấu Trọng một lần nữa đánh bại Lý Tử Thông, làm số thuỷ sư thuyền còn sót lại của hắn ta bị tiêu diệt hoàn toàn.


Tổng binh lực quân Ngô phòng thủ Giang Đô và Duyên Lăng ở bờ bên kia khoảng bốn vạn người, thực lực vẫn hơn Thiếu Soái quân. Khấu Trọng tuyệt không tham công, sau khi cùng với đại quân của Tuyên Vĩnh hội hợp liền theo Vận Hà ngược Bắc tiến tới Cao Bưu, đi qua Giang Đô nhưng không tấn công. Tần Siêu Văn biết đại thế đã mất, bản thân hắn lại rất tôn kính tác phong của Khấu Trọng, vả lại cũng khiếp phục uy thế và binh pháp của gã nên đã dâng thành đầu hàng.


Tới lúc này, Chung Ly, Cao Bưu hai trọng trấn quân sự quan trọng của quân Ngô ở phía Bắc và hơn mười toà thành xung quanh đã rơi vào tay Khấu Trọng. Binh lực Thiếu Soái quân lên tới tới năm vạn người, thanh uy càng vang dội.


Khấu Trọng tiếp thu đề nghị của Hư Hành Chi, đưa Tần Siêu Văn và một nửa quân lính thủ hạ của hắn cùng gia đình già trẻ lớn bé đồng thời chuyển tới các thành ở Đông Hải quận. Cao Bưu do Tuyên Vĩnh và năm ngàn Thiếu Soái quân trấn thủ, phối hợp với Phi Luân thuyền của Bốc Thiên Chí, khống chế toàn bộ hai tuyến đường sông lớn là Vận Hà, Hoài Thuỷ.


Hai chỗ còn khuyết trong Bát trấn đại tướng của Thiếu Soái quân do Dương Công Khanh và Tả Hiếu Hữu bổ sung vào. Sau đó lại tăng thêm hai trấn tướng nữa là Tần Siêu Văn và Lạc Kỳ Phi, trở thành Thập trấn đại tướng. Thứ tự sắp xếp là Dương Công Khanh đứng đầu, tiếp đó là Tuyên Vĩnh, Bốc Thiên Chí, Cao Chiếm Đạo, Trần Trường Lâm, Bạch Văn Nguyên, Tiêu Hoành Tiến, Tả Hiếu Hữu, Tần Siêu Văn và Lạc Kỳ Phi.


Vì có biểu hiện xuất sắc nên Ngưu Phụng Nghĩa và Tra Kiệt cũng được thăng chức. Ngưu Phụng Nghĩa trở thành Binh Bộ đốc giám của Lục Bộ đốc giám. Tra Kiệt giữ chức Hình Bộ đốc giám, chia sẻ chức vị vốn do Hư Hành Chi kiêm nhiệm.


Hư Hành Chi ngoài phụ trách Lại Bộ và Hình Bộ, còn được phong làm Quân sư hàng đầu của Thiếu Soái quân, có thể lĩnh quân xuất chinh.


Nhân y có biểu hiện xuất sắc hơn người về tài năng quân sự trong chiến dịch ở khe núi Vận Hà nên mọi người đều tâm phục khẩu phục, không có dị nghị gì đối với sự sắp xếp này.


Nhậm Mị Mị và Trần Lão Mưu vẫn chia nhau giữ chức đứng đầu Hộ, Công hai bộ.


Tổ chức của Thiếu Soái quân càng lúc càng nghiêm chỉnh, tướng sỹ bên dưới đều được thăng thưởng nên sỹ khí vốn đã rất cao càng được khích lệ hơn.


Khấu Trọng cũng tiếp thu đề nghị luận công ban thưởng của Hư Hành Chi. Do quốc khố sung túc nên toàn quân từ trên xuống dưới đều được khen thưởng.


Sau khi an bài tất cả xong xuôi, Khấu Trọng dẫn quân trở lại Lương Đô. Lúc này, tin Hổ Lao thất hãm cũng truyền tới. Vương Huyền Ứng khiếp đảm, không đánh đã chạy, coi như hắn hai tay dâng Hổ Lao cho Lý Thế Tích, chạy về Lạc Dương.


Khấu Trọng biết thời biết thế, một khi Lạc Dương thất thủ, đại quân Lý Thế Dân xuôi Đông, với chiến lược siêu phàm của Lý Thế Dân và sự tấn công bằng nhiều hướng của các mãnh tướng nhiều như mây cùng với quân đội tinh nhuệ của nhà Đường, Thiếu Soái quân bề ngoài thanh thế cực thịnh lúc này của gã cũng chỉ còn cách chờ chết, tuyệt không thể chống chọi đến mùa xuân hoa nở sang năm được.


Cách duy nhất để giải cứu là nhanh chân một bước đánh chiếm được Giang Đô. Khi cần thì rút lui về phương Nam. Chỉ cần có thể giữ vững hai trấn Chung Ly và Cao Bưu thì có thể bảo vệ Giang Đô không bị mất.


Một mặt, gã sai Tuyên Vĩnh và Tả Hiếu Hữu tăng cường phòng thủ Cao Bưu và Chung Ly, xây dựng bảo trại ở những nơi hiểm yếu bên bờ sông. Gã cũng đầu tư nhân lực, vật tư để xây dựng chiến thuyền, tăng số Phi Luân thuyền để tăng cường sức chiến đấu của thuỷ sư. Mặt khác, Khấu Trọng cũng khẩn trương chuẩn bị để công hãm Giang Đô.


Uy thế quân đội bây giờ không như trước nữa. Quế Tích Lương và Hạnh Dung cuối cùng cũng thuyết phục được các lãnh tụ khác của Trúc Hoa bang toàn lực giúp đỡ Thiếu Soái quân, làm mạng lưới tình báo của Lạc Kỳ Phi mở rộng ra tới phía đông Trường Giang và các địa phương Giang Nam.


---oOo---


Ngày hôm đó, Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Hư Hành Chi, Lạc Kỳ Phi, Cao Chiếm Đạo, Trần Lão Mưu, Nhậm Mị Mị, Bạch Văn Nguyên, Tiêu Hoành Tiến tập trung trong phòng nghị sự của Thiếu Soái phủ để nghiên cứu hành động tấn công Giang Đô.


Qua nhiều lần nghiên cứu, không ai dám nắm chắc mười phần.


Lạc Kỳ Phi nói:


- Thuỷ sư của Lý Tử Thông chỉ còn lại danh mà không có thực, giờ chỉ còn hơn mười chiếc thuyền vốn là thuyền buôn của thương nhân, bị chúng cưỡng chế rồi cải tạo lại. Bằng Phi Luân thuyền của chúng ta thì có thể dễ dàng phong toả Đại Giang, làm hai thành Giang Đô, Duyên Lăng không thể tiếp ứng cho nhau được. Chỉ cần chiếm được Duyên Lăng, phong toả đường thuỷ thì Giang Đô sẽ cô lập không còn viện trợ, chờ người ta đến làm thịt.


Dương Công Khanh than:


- Nếu như không có mối lo sau lưng là Lý Thế Dân thì Giang Đô đã sớm đầu hàng chúng ta rồi. Nhưng Lý Tử Thông biết sẽ có một ngày đại quân Lý Thế Dân xuôi về phía Nam tấn công Thiếu Soái quân nên hắn tất gắng sức kiên cường phòng thủ Giang Đô. Với tường thành dày chắc và lương thực sung túc thì việc chống chọi nửa năm tuyệt không thành vấn đề. Những tướng sỹ trong thành cũng vì hy vọng vào Lý Thế Dân nên sẽ đồng lòng nhất trí, không dễ bị dao động.


Cao Chiếm Đạo đồng ý:


- Nếu Lý Tử Thông buông bỏ Duyên Lăng, tập trung hết lực lượng vào Giang Đô thì chúng ta càng khó khăn hơn. Đương nhiên chúng ta không thể dốc hết sức lực tiến đánh Giang Đô, mà dù có huy động hết toàn quân thì binh lực cũng không quá năm vạn người, không đủ sức đánh bại bốn vạn quân Ngô trong thành.


Khấu Trọng nhớ lại cuộc chiến tấn công-phòng thủ Lê Dương. Khi đó, Đậu Kiến Đức chuẩn bị sung túc, chiến lược cao minh, binh lực gấp mấy lần quân thủ thành, nhưng vẫn bị tổn thất nghiêm trọng. Gã có thể huy động được nhiều lắm là ba vạn quân để đi đánh thành Giang Đô, vốn còn kiên cố gấp hàng trăm lần Lê Dương, quân thủ thành lại nhiều hơn quân công thành tới một vạn người. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chỉ là hành động lấy trứng chọi đá, tự làm khổ mình mà thôi.


Vấn đề lớn nhất là Thiếu Soái quân không thể chịu tổn thất quá nghiêm trọng về binh lực. Nếu không thì càng không có năng lực đối phó Lý Thế Dân. Việc dụng binh đối với Giang Đô cần phải nắm chắc mười phần, không được thất bại.


Lúc này, Phi Vân thân vệ đến báo Vương Huyền Thứ ở Lạc Dương cầu kiến. Khấu Trọng vô cùng ngạc nhiên, cùng với Dương Công Khanh và Từ Tử Lăng ra phòng ngoài gặp người con thứ của Vương Thế Sung.


Vương Huyền Thứ vẻ mặt phong trần, thần sắc mệt mỏi, không còn vẻ phong lưu anh tuấn như ngày trước. Thấy bọn Khấu Trọng, hắn như gặp được người thân, hai mắt đẫm lệ, hướng về phía Khấu Trọng quỳ phục xuống, thê thảm thốt:


- Xin Thiếu Soái cứu cha ta!


Khấu Trọng vội đỡ hắn đứng lên. Sau khi để Vương Huyền Thứ ngồi yên ổn, đợi hắn bình tĩnh lại rồi mới hỏi ngọn ngành.


Vương Huyền Thứ kể:


- Hổ Lao bị mất, Vương huynh lui về Lạc Dương. Lý Thế Dân chuyển quân về cung Thanh Thành trong cấm uyển Đông Đô, cắt đứt đường thuỷ nơi giao nhau giữa Cốc Thuỷ và Lạc Thuỷ, áp sát Lạc Dương. Phụ hoàng biết tình thế nguy cấp nên mạo hiểm xuất kích, dùng hai vạn quân đến Cốc Thuỷ để chống quân Đường. Lý Thế Dân sai đại tướng thủ hạ Khuất Đột Thông dẫn năm ngàn quân vượt sông tấn công. Khi hai bên còn đang giao tranh chưa phân thắng bại thì Lý Thế Dân lại dẫn đại quân tới chi viện. Hắn đích thân dẫn đám mãnh tướng Thiên Sách phủ và mấy chục thân kỵ tinh nhuệ tung hoành chém giết, đánh xuyên ra sau lưng trận địa quân ta. Bên ta không thể ngăn cản được, tổn thương trầm trọng. Quân hai bên tan rồi lại tụ, tụ rồi lại tan, giao phong nhiều trận. Đại chiến được ba giờ thì quân ta cuối cùng không địch nổi phải lùi lại, bị Lý Thế Dân thừa thế xua quân đuổi giết đến tận dưới chân đô thành. Quân ta mất đến bảy ngàn người, bị vây khốn trong đô thành. Hiện giờ, Lý Thế Dân đang bao vây tấn công bốn phía, ngày đêm không nghỉ tấn công Lạc Dương của bọn ta.


Chỉ nhìn thần sắc bên ngoài của Vương Huyền Thứ là có thể tưởng tượng được cuộc chiến thảm liệt, đánh giết đến trời sầu đất thảm, thây chất đầy nội, máu chảy thành sông lúc đó.


Vương Huyền Thứ thê thảm nói:


- Phụ hoàng hối hận không nguôi vì đã không nghe lời trung ngôn của Thiếu Soái. Ông thường nói nếu không lui binh khỏi Từ Giản, hoặc để Dương đại tướng quân và Thiếu Soái tử thủ Hổ Lao thì cục diện sẽ không chuyển biến thành nguy cấp như hiện nay. Giờ bên ta chỉ còn cách cố giữ được tới giữa mùa đông, lương thảo quân Đường vận chuyển khó khăn không liên tục được thì mối nguy bị bao vây của Lạc Dương mới có thể tự giải khai.


Khấu Trọng và Dương Công Khanh nghe xong, đưa mắt nhìn nhau. Từ Tử Lăng im lặng không nói.


Dương Công Khanh hỏi:


- Lần này, Huyền Thứ công tử đến gặp chúng ta là ý riêng của ngươi hay là ý tứ của Phụ hoàng ngươi?


Vương Huyền Thứ hổ thẹn đáp:


- Là ý tứ của Phụ hoàng. Bọn ta cũng vô cùng tán thành, hy vọng Thiếu Soái không nhớ tới hận cũ, giúp chúng tôi phòng thủ Lạc Dương.


Khấu Trọng hỏi:


- Tình hình lương thực trong thành thế nào?


Vương Huyền Thứ đáp:


- Vì tất cả những đường vận lương từ bên ngoài đã bị cắt đứt nên lương thực và vật dụng thường ngày đều thiếu hụt nghiêm trọng. Đồ trang sức ngọc quý, kim ngân tài bảo biến thành như cỏ rác. Một tấm lụa tốt chỉ đổi được ba thưng gạo, trăm tấm vải mới đổi được một thưng muối. Lương thảo tồn trữ trong kho nếu dùng tiết kiệm thì có thể miễn cưỡng duy trì được một tháng. Tình hình nguy cấp phi thường.


Ba người giật mình. Thì ra Lạc Dương đã tới mức sơn cùng thuỷ tận như vậy. Chẳng trách Vương Thế Sung không kể mất mặt, phái Vương Huyền Thứ đến cầu viện Khấu Trọng.


Vương Huyền Thứ buồn bã tiếp:


- Trăm họ hiện nay toàn ăn lá cây, rễ cỏ. Thậm chí có người còn ăn cả trấu và mùn cưa nữa. ăn vào lại sinh bệnh, phù nề. Mỗi ngày, bọn ta phải phái người đi nhặt xác chết trên đường hoả thiêu để phòng dịch bệnh.


Ngừng lại một lát, hắn lại tiếp:


- Nếu Thiếu Soái và Dương đại tướng quân chấp nhận đến Lạc Dương giúp bọn ta, Phụ hoàng sẽ lập tức đem quyền chỉ huy toàn quân giao cho Thiếu Soái.


Khấu Trọng thầm nghĩ đó là nhượng bộ lớn nhất của Vương Thế Sung. Gã gật đầu đáp:


- Ta cần chút thời gian để suy nghĩ. Huyền Thứ ngươi cứ đến Tân quán nghỉ ngơi. Sáng mai ta sẽ cho ngươi một câu trả lời chắc chắn.


Sau khi thân binh dẫn Vương Huyền Thứ đi khỏi, Khấu Trọng thở ra một hơi dài hỏi:


- Hai vị thấy thế nào?


Từ Tử Lăng cười khổ đáp:


- Ngươi căn bản không có lựa chọn nào khác. Vương Thế Sung tối đa chỉ chống chọi được đến thượng tuần tháng chín, mà chúng ta tuyệt không thể đánh được Giang Đô trong thời gian ngắn như vậy.


Dương Công Khanh tiếp lời:


- Còn có một biện pháp khác. Đó là tìm cách vận chuyển lương thực và vật dụng hàng ngày đến Lạc Dương cho Vương Thế Sung để quân Trịnh chống đỡ thêm một thời gian nữa.


Khấu Trọng lắc đầu:


- Lạc Dương ngoài vấn đề thiếu thốn lương thực thì còn có một nhược điểm trí mạng nữa là đấu chí tiêu tan. Nếu chúng ta muốn Lạc Dương chống chọi được qua mùa đông thì biện pháp duy nhất là thay lão phòng thủ thành. Mặt khác, xin Đậu Kiến Đức bỏ qua hiềm khích cũ, phái đại quân tới cứu viện. Chỉ cần Đậu quân có thể vượt sông thu phục Hổ Lao thì người đau đầu là Lý Thế Dân chứ không phải chúng ta.


Dương Công Khanh đồng ý:


- Đó có thể là cơ hội duy nhất để đánh bại Lý Thế Dân.


Nên biết, Lý Thế Dân là thống soái tung hoành vô địch trong thiên hạ. Quân Đường lại là đội hùng sư dày dạn kinh nghiệm, được huấn luyện tốt nhất, trang bị hoàn thiện nhất. Nếu không phải trong tình thế khác thường thì dù là ai khi đối mặt với hắn cũng không có lòng tin tất thắng. Nhưng hiện giờ, Lý Thế Dân đang toàn lực đánh phá Lạc Dương, không những tổn thất nghiêm trọng mà còn không thể phân thân được. Nếu Khấu Trọng có thể giữ vững Lạc Dương, đại quân Đậu Kiến Đức lại vượt sông tới thì Lý Thế Dân trước sau thụ địch, nếu không lui quân thì rất có thể sẽ thất bại trận này. Vì thế nên Dương Công Khanh mới có nhận xét như vậy.


Khấu Trọng gật đầu:


- Lần này Vương Thế Sung phái Huyền Thứ đến cầu ta xuất thủ cứu viện Lạc Dương, nhìn bề ngoài thì lão coi chúng ta là cứu tinh của lão. Nhưng thật ra, Lạc Dương cũng là cứu tinh duy nhất của ta. Vì thế, chúng ta cứ quyết định vậy đi.


Từ Tử Lăng nói:


- Việc này cần thương lượng cụ thể, không thể khinh cử vọng động. Nếu để Lý Thế Dân biết được phong thanh, phái đại quân đánh úp đội vận lương thì chúng ta sẽ không còn đường chạy.


Dương Công Khanh tin tưởng mười phần nói:


- Đường tới Lạc Dương lão phu rất quen thuộc. Chỉ cần ngày nghỉ đêm đi là có thể thần bất tri quỷ bất giác tới gần Lạc Dương. Nếu chúng ta binh lực đầy đủ thì việc đột phá vòng vây của quân Đường không thành vấn đề. Lạc Dương lại không như Lương Đô của chúng ta. Muốn vây chặt đến mức giọt nước không lọt thì dù vét tất cả quân Đường ở Quan Trung đến chỉ sợ cũng không thể làm được.


Khấu Trọng trầm ngâm nói:


- Đề nghị dụng binh cẩn thận của Lăng thiếu gia vô cùng hữu dụng. Chúng ta cần dùng sách lược con bà nó dương đông kích tây. Giả vờ tiến hành tấn công toàn lực Giang Đô, nhưng thật ra mục tiêu là thành Duyên Lăng đối diện ở bên kia sông. Việc này do Lăng thiếu gia chỉ huy toàn quân. Còn ta và Dương công, Ma Thường cùng với năm ngàn thủ hạ của Dương công ngấm ngầm vận chuyển lương thực đến Lạc Dương, rồi ở lại giúp Vương Thế Sung giữ vững Lạc Dương. Sau đó tìm cách thuyết phục Đậu Kiến Đức đến cứu viện. Hà hà! Lăng thiếu gia chỉ cần hư trương thanh thế, nói không chừng Lý Tử Thông sẽ hai tay dâng Duyên Lăng lên cho chúng ta. Một ngày Thiếu Soái quân của chúng ta còn đóng ở Duyên Lăng thì Lý Tử Thông không dám rời thành nửa bước.


Từ Tử Lăng cười khổ không biết nói gì. Khấu Trọng không muốn gã đến Lạc Dương tuyệt không phải vì muốn gã thống lĩnh Thiếu Soái quân giả vờ tấn công Giang Đô, mà vì hắn biết tâm ý Từ Tử Lăng không muốn chính diện giao phong với Lý Thế Dân.


Dương Công Khanh phấn khởi nói:


- Đây chính là cơ hội tốt để Thiếu Soái quân của chúng ta xoay chuyển tình thế, tranh bá thiên hạ. Ta lập tức đi chuẩn bị mọi việc:


Nói xong, lão vội vã đi ngay.


Chỉ còn lại hai người Khấu Trọng và Từ Tử Lăng. Ngồi cả nửa ngày, dù có ngàn vạn lời muốn nói nhưng không biết nên bắt đầu từ chỗ nào.


Cuối cùng, Khấu Trọng phá vỡ sự im lặng, nói:


- Huynh đệ! Chúng ta lại phải chia tay rồi!


Từ Tử Lăng vô cùng cảm khái. Câu nói đơn giản đó của Khấu Trọng, thật ra bên trong bao hàm ý nghĩa rất sâu sắc.


Với thế tấn công hùng mạnh như vậy của Lý Thế Dân, Khấu Trọng có thể giữ vững Lạc Dương hay không vẫn còn chưa biết. Vì thế, câu này có thể là câu nói trước khi sinh ly tử biệt.


Tiếp đó là việc Đậu Kiến Đức có chấp nhận đến cứu viện, hoặc có thể phân thân giúp đỡ hay không cũng không thể dự đoán được. Nếu Lạc Dương bị phá thì dù Khấu Trọng có thể đột vây chạy trốn, Lý Thế Dân tất sẽ không bỏ qua cơ hội truy sát gã. Khi đó, Khấu Trọng không thể bỏ mặc thủ hạ tướng sỹ để bỏ chạy một mình, nhiều khả năng sẽ bị Lý Thế Dân đuổi kịp và giết chết.


Cuối cùng thì hai kẻ kình địch trời sinh Khấu Trọng và Lý Thế Dân đã tới giờ phút quyết định sống chết. Không còn đất để mà xoay chuyển được nữa.


Khấu Trọng trầm giọng:


- Nếu ta bất hạnh tử chiến ở Lạc Dương thì xin Lăng thiếu gia vì ta giải tán Thiếu Soái quân, vì nếu đầu hàng Lý Thế Dân chỉ sợ cũng không có kết quả tốt lành gì.


Từ Tử Lăng than:


- Tình thế không ác liệt đến mức đó chứ? Dương công cũng nói đó có thể là cơ hội duy nhất đánh bại Lý Thế Dân mà.


Khấu Trọng lắc đầu:


- Ta không biết. Lý tiểu tử là người duy nhất trên thế gian này có thể làm ta mất hết lòng tin. Bất kể là ngươi nghĩ chu đáo thế nào đi nữa, một nước cờ của hắn có thể ăn hết tất cả những gì ngươi có trong tay. Ài! Có một việc ta chưa nói cho ngươi biết. Ngọc Trí đến giờ vẫn không bỏ qua cho ta.


Từ Tử Lăng ngạc nhiên.


Khấu Trọng lộ thần sắc mất mát, không muốn nói tới nữa. Gã chán nản thốt lên:


- Nếu sự tình phát triển đến mức đó thì Lăng thiếu gia sau khi giải tán Thiếu Soái quân nên đến nơi Thạch Thanh Tuyền ẩn cư, bồi bạn với nàng cho tới cuối đời, không cần hỏi tới bất kỳ chuyện gì của thế nhân nữa. Con mẹ nó! Cái gì mà Thạch Chi Hiên, Ma môn Lưỡng phái Lục đạo, Hương Ngọc Sơn, Trì Sanh Xuân, Đại Minh tôn giáo, Đoạn Ngọc Thành… không cần lý tới nữa. Ài! Điều duy nhất ta không thể yên tâm là tiểu Lăng Trọng. Nhưng Đại tiểu thư sẽ nuôi dạy nó tốt thôi. Một ngày còn có Từ Tử Lăng ngươi thì không một ai dám làm thương tổn tới nó.


Từ Tử Lăng thở dài:


- Tại sao ngươi lại biến thành như gà trống bại trận thế? Không cần nói những lời buồn bã đó được không?


Khấu Trọng cười khan một tiếng, rồi lại chán nản thốt:


- Ta vì nhớ tới Trí Trí, bỗng có cảm giác tâm tàn ý lạnh. Thầm nghĩ chết đi cũng tốt, như thế thì tất cả cũng kết thúc.


Từ Tử Lăng ngạc nhiên:


- Nhìn bộ dạng ngươi thì có vẻ như ngươi thật lòng yêu nàng, muốn có nàng, vì thế nàng mới trở thành thương tổn và đả kích nghiêm trọng như thế đối với ngươi.


Khấu Trọng nhăn nhó cười đáp:


- Còn phải nói nữa ư? Những ngày này ta mới thực sự hối hận đã đi tranh đoạt con bà nó thiên hạ này. Tại sao không theo đuổi để giành được nàng mà không hề bị công lợi trói buộc như thế này. Hàng đêm, ôm tấm thân thơm tho ngà ngọc của nàng mà ngủ; đùa giỡn nàng, để nàng đùa giỡn ta, sống con mẹ nó cuộc sống hạnh phúc chỉ làm uyên ương không làm tiên. Không bị nàng oán hận cả đời như bây giờ. Thê thảm nhất là trước mặt thủ hạ ta lại phải giả vờ ra bộ dạng kiên cường vô địch. Thực ra, ta còn rõ hơn ai hết là chúng ta không thể chống chọi được đến mùa xuân hoa nở sang năm. Nếu không có ngươi kịp thời trở lại thì đến Lý Tử Thông và Hương Ngọc Sơn ta cũng không đấu lại rồi.


Hơn ai hết, Từ Tử Lăng hiểu tâm sự Khấu Trọng. Đây chỉ là do tình cảm phát tiết nhất thời chứ không phải gã đã mất hết đấu chí. Từ Tử Lăng cười khổ:


- Mau triệu tập thủ hạ đến mở hội nghị đi. Ngươi sẽ mau phục hồi thôi.


Khấu Trọng hít sâu một hơi, loạng choạng đứng lên nói:


- Nói thật thì ta bị tình hình người chết đầy đường do Huyền Thứ miêu tả làm cho sợ hãi. Ài! Bạt tiểu tử rốt cuộc là đến chỗ nào rồi? Ta cần một người kiên cường như hắn ở bên cạnh để cùng nhau tử thủ Lạc Dương.


Từ Tử Lăng để gã vịn vào vai mình, hỏi:


- Có trở lại phòng hội nghị không?


Khấu Trọng đáp:


- Đi đâu cũng được! Ài! Ngươi không biết khi Trí Trí nói với ta những lời tuyệt tình, ta thê thảm tới mức nào đâu. Đến giờ phút đó, ta mới ý thức sâu sắc được rằng sai lầm mà mình đã mắc phải nghiêm trọng đến mức nào. Lại biết rõ dù miệng mình có nở hoa sen thì cũng không thể làm nàng thay đổi suy nghĩ đối với ta. Ta cảm thấy vô cùng cô đơn. Tối hôm đó, cả đêm ta trăn trở trên giường. Hổ thẹn, tự trách và hối hận dày vò ta, giống như bị Bất Tử Ấn pháp của Thạch Chi Hiên đánh vào, trốn không được mà đỡ không xong. Ngươi có thể dẫn ta tới chỗ nào không có ai để cho ta khóc một trận có được không?


Từ Tử Lăng điềm đạm nói:


- Thiếu Soái! Xin lỗi. Thời gian không nhiều. Sáng mai ngươi phải tới Lạc Dương rồi. Giờ là lúc ngươi phải điều binh khiển tướng.


(Hết hồi 638).
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom