• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Hot Đạo Mộ Bút Ký (3 Viewers)

  • Chương 210

Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo

Beta: Earl Panda

.

.

.*****

Đây là hầm ngầm trong một trại an dưỡng bí ẩn. Ngay tại nơi này, một người phụ nữ bí ấn đã làm ra một số hành động ngoài sức tưởng tượng. Như thế thì, một khi cô ta đã từng sống ở đây, vậy kiểu gì cũng sẽ để lại đầu dây mối nhợ nào đó. Nếu có thể tìm ra một tẹo manh mối thôi, thì có lẽ sẽ hiểu rõ chân tướng sự việc hơn một chút. Cho dù có toàn là một mớ tài liệu vô dụng đi chăng nữa thì từ đó tôi vẫn có thể biết được cuộc sống và trạng thái tinh thần của cô ấy vào thời điểm đó thế nào.

Tất cả những chuyện đã xảy ra trong trại an dưỡng này, tôi gần như không biết lấy mảy may. Vì thế tất cả mọi manh mối đối với tôi đều quan trọng hết.

Tôi bắt đầu lục lọi. Chỉ cần là thứ có thể xem thì kiểu gì tôi cũng phải nhìn một cái.

Trần của tầng hầm này rất thấp. Cơ thể tôi chui trong cái xó này phải chịu cảm giác bị đè nén, thế nhưng vì vậy mà ánh sáng của chiếc bật lửa tương đối phát huy tác dụng, có thể chiếu được ra rất xa. Tôi nhìn sơ sơ bốn phía, quyết định bắt đầu điều tra từ chỗ này.

Trong những hình ảnh đen trắng nhòe nhoẹt của băng ghi hình, tôi không thể nào tự do quan sát toàn cảnh căn phòng một cách tỉ mỉ, nhưng giờ thì có thể rồi, mà những thứ được xem lại còn trực quan hơn nữa. Trước hết tôi tưởng tượng ra dáng vẻ chải đầu của Hoắc Linh, khá là khủng khiếp. Tôi vội lắc đầu để phân tán tư tưởng.

Trong tay tôi là một chiếc Zippo (bật lửa xăng) có thể cháy sáng liên tục, nhưng đã bỏng rẫy đến nỗi tôi chỉ cần nhích lên trên miết một cái để bật mà cũng miết hết nổi luôn. Tôi bèn tìmtrên bàn một miếng giẻ rách, bọc nó lại rồi dùng tiếp.

Dưới ánh lửa yếu ớt, trước tiên tôi quan sát vách tường. Gian phòng này vách tường bồn bề đều quét vôi trắng, hiện giờ cũng bị bụi bặm phủ kín. Trên mặt tường bên cạnh cửa ra vào có đóng đinh một thanh gỗ tròn cắm mấy cái móc. Đó là nơi dùng để treo quần áo. Bên dưới thanh gỗ có dán giấy báo, đề phòng quần áo mắc bên trên cọ phải vôi tường. Đi qua thanh gỗ tròn lại đến một cái tủ mất cánh. Đây là chỗ Hoắc Linh thay y phục, nhưng giờ bên trong đã chẳng còn lại gì. Lúc tôi đến gần để xem thì phát hiện cái tủ cứ như bị thứ gì đó cào phải, toàn những vết khía rất sâu.

Lại nhìn sang tường bên cạnh, chẳng có cái gì cả, chỉ có dây điện chăng bên trên, tất cả đều đã bạc phếch. Một bên còn có một chiếc cổng tò vò thông sang phòng bên cạnh, không biết đã chẳng bịt kín từ lúc xây, hay là về sau mới bị người ta đập ra. Gian phòng bên đó trống không.

Đối diện với tủ là bàn làm việc, hai chiếc kê song song với nhau, bên trên bày đầy đồ đạc, hình như toàn là mấy tờ báo và mấy thứ đồ bỏ đi mà tôi trông không rõ lắm. Trên vách tường cạnh bàn làm việc dán một đống giấy, đều đã phủ đầy bụi.

Tôi thổi bay đám bụi, đọc qua từng tờ từng tờ một thì phát hiện thấy nội dung các tờ giấy được dán trên tường cực kỳ lẻ tẻ vụn vặt. Tôi thấy hóa đơn tiền điện vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, vài ba dãy số tiện tay viết xuống, chẳng có ý nghĩa gì. Mấy thứ giấy tờ này gần như đã dính tịt lại hòa làm một với mặt tường. Có lẽ đây đều là giấy ghi nhớ để tiện ghi chú khi nghe điện thoại, vì tôi nhớ rõ điện thoại để ở vị trí này. Có điều bây giờ nó đã không còn nữa, chỉ sót lại có một đoạn dây điện thoại mà thôi.

Những thứ này không thể cho tôi bất cứ một thông tin gì. Tôi chỉ biết được rằng lúc sống ở đây cô ấy có sử dụng điện. Tôi thở dài, sau đó bắt đầu lục lọi những văn bản trên bàn.

Những tờ giấy kia đều ngập trong lớp bụi, khẽ động vào là mù mịt cả lên. Tôi cũng không để ý nhiều như vậy, cứ lật mở từng tờ từng tờ một. Giấy bên trong đã mủn cả rồi, có mấy con du diên rất nhỏ bị tôi quấy nhiễu liền hoảng sợ bò ra. Có điều cái thứ này so với lũ tuyết mao tử ở núi Trường Bạch thì chỉ đáng xách dép thôi. Tôi lại nhanh chóng lật lật giấy tờ, rút ra từ bên trong mấy quyển sổ.

Lấy ra rồi tôi liền run lên một chốc, phát hiện ra đây hình như là giấy viết bản thảo đóng quyển loại lớn(*), trước đây khi chưa có máy vi tính thì toàn dùng nó để viết bản thảo. Ở bên trên đã có chữ gì đó.

(* Là loại giấy chia sẵn từng ô để tiện đếm chữ khi viết bản thảo, mỗi chữ được viết vào một ô.)

Tôi lật ra, đọc trang đầu tiên. Trên đó có ba hàng chữ:

Phòng sau 2-3

Số thứ tự 012-053

Loại: 20, 939, 45

Thế này nghĩa là thế nào? Tôi tự nhủ, hình như là số thứ tự hồ sơ gì đó. Lẽ nào là tài liệu hoặc sách cổ chép tay gì đó sao?

Giở qua trang đầu tiên, vừa nhìn, tôi liền phát hiện ra là không phải: trên trang thứ hai thế mà lại có một bức tranh, vẽ bằng bút bi. Hơn nữa nét bút khá ẩu, nhìn sơ qua không sao biết được là vẽ cái gì.

Tôi lấy lại bình tĩnh rồi tỉ mỉ phân tích, mất năm sáu phút đồng hồ mới nhìn ra được là bức tranh này là vẽ một nhân vật thời cổ đại. Chỉ có điều, người vẽ rõ ràng không thạo việc vẽ vời, nhân vật này bị vẽ thành gần như biến dạng, nhìn vào thấy quỷ dị vô cùng. Nhân vật cổ đại kia trông chẳng giống người, trái lại còn giống y một con hồ ly mõm dài.

Xung quanh nhân vật này còn vẽ rất nhiều đường cong khó tưởng tượng cực kỳ. Sau khi tôi nhìn ra cái thứ quỷ quái kia là một người rồi, ý nghĩa nhân văn của mấy đường cong này cũng rõ ràng hơn, hẳn là bối cảnh đằng sau nhân vật được vẽ kia, có thể là non nước miếu mạo cây cỏ gì đấy.

Tôi không khỏi bật cười, tự nhủ cái gì thế này, không lẽ đây là tranh phác họa của Hoắc Linh à? Cô này sở thích cũng phong phú quá nhỉ.

Lại giở qua, rồi liên tục lật tiếp ba bốn mươi trang, toàn bộ đều là những hình vẽ như vậy. Không có nội dung bằng chữ, tôi liền bỏ qua. Lại xem đến một quyển khác thì thấy cũng giống thế, ngoại trừ nội dung trên trang đầu tiên không giống ra, bên trong đều là những hình vẽ chắng khác nhau là mấy. Tôi chẳng biết nó là cái gì, bèn xếp chồng vào một bên, tiếp tục giở những giấy tờ kia. Kết quả là bên dưới cũng không có gì, chỉ phát hiện bên trong có mấy nùi gì đó na ná giống giẻ lau, ngay cả một tờ giấy có nội dung, lục khắp nơi mà cũng không tìm thấy.

Tôi chửi một tiếng, tự nhủ xem ra lúc bọn họ rời khỏi đây, có khả năng là đem hết những thứ có chứa thông tin đi rồi.

Có điều tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi không tin ai đó lại có thể mang đi sạch bách không chừa lại chút gì. Tôi ngồi vào vị trí Hoắc Linh chải đầu, nghỉ ngơi một lát rồi kéo ngăn bàn trước mặt ra, định xem trong ngăn có cái gì.

Đó là loại bàn làm việc có ngăn. Tôi kéo cái ngăn lớn nhất dưới mặt bàn một cái, liền cảm thấy mình có cửa rồi. Mẹ kiếp cái ngăn kéo này thế mà lại bị khóa cơ đấy, hơn nữa cảm giác còn nặng chình chịch nữa.

Bình thường dọn nhà xong rồi, chẳng ai đem đồ dùng trong nhà khóa lại, hơn nữa cảm giác này cho thấy bên trong có thể có đồ vật. Tôi phấn chấn hẳn lên. Loại khóa này sao có thể làm khó được tôi. Tôi đứng dậy, bẻ một cái móc treo áo sau cửa, cắm vào khe ngăn kéo rồi dùng sức đè xuống, chốc lát đã đè cho khe ngăn kéo mở rộng. Lẫy khóa tuột ra, tôi kéo một cái liền đưa được cái ngăn ra ngoài.

Cầm lấy bật lửa rọi một cái, tôi kêu lên một tiếng “Yes!”. Trong ngăn kéo quả nhiên chất đầy đồ đạc. Tôi đặt bật lửa sang bên cạnh ngăn kéo rồi bắt đầu tìm kiếm.

Đây nhất định là ngăn kéo của phụ nữ, bên trong lẫn lộn rất nhiều đồ linh tinh, rất lộn xộn, rõ ràng là lúc rời khỏi đây những thứ còn dùng được đã bị mang đi hết rồi. Đồ đạc còn lại gồm một cây lược gỗ, hộp đồ trang điểm nhỏ trông như cái bánh hồi những năm 90, một chồng bự tạp chí “Điện ảnh thời nay”. Những cuốn tạp chí cũ này đã có từ rất lâu rồi, tôi nhớ hồi bé mình còn lấy đọc như văn hóa phẩm đồi trụy đấy. Ngoài ra trong ngăn kéo còn có loại cặp tóc bằng sắt màu đen và rất nhiều phong bì trống rỗng cùng với một quyển album cũng trống không như thế.

Số lượng phong bì rất nhiều nhưng đều chưa từng được sử dụng. Tôi vô cùng kiên nhẫn mở từng phong từng phong ra xem, bên trong chẳng hề có cái gì. Trong cuốn album cũng không có ảnh chụp, có thể thấy vốn nó cũng từng chứa ảnh đấy nhưng đã bị rút hết ra rồi.

Tiếp theo tôi lại lật mấy quyển tạp chí cũ này, giở từng tờ từng trang một cách cực kỳ tỉ mỉ. Thế nhưng vẫn không có phát hiện gì như cũ.

Tôi đổ phịch xuống ghế, cũng chẳng để ý tới bụi bặm bên trên, liền dựa ngay vào đó, có phần mệt mỏi nhìn cái bàn đối diện qua ánh sáng bật lửa lờ mờ. Bốn bề tối đen như mực, yên tĩnh muốn chết, trong lòng tôi cũng thất vọng muốn chết. Rõ ràng là nếu chỗ này thuộc về Hoắc Linh thì người phụ nữ này tương đối kỹ tính, hơn nữa lại còn cố ý không để lại manh mối.

Sự lạnh lẽo khắp bốn phía đã ập xuống “chăm sóc” tôi. Tôi nghiến răng nghiến lợi, không thể bỏ cuộc được. Mẹ kiếp, định luật của Roger đã nói rồi(**), không thể nào không còn thứ gì sót lại được! Tôi nhất định sẽ phát hiện ra được cái gì đó! Tôi tự cổ vũ bản thân một lần nữa, tuy trong lòng đã có vài phần tuyệt vọng. Tôi đóng mạnh từng cái từng cái ngăn kéo về chỗ cũ, đứng dậy nhìn chiếc bàn làm việc phía đối diện.

(** Huân tước Roger Penrose, một nhà toán học, triết học và vật lý học người Anh. Định luật Roger nói trên được phát biểu như sau: “Hễ là những chuyện đã từng xảy ra, nhất định sẽ để lại dấu vết”. Bác này có vẻ cũng đóng vai trò khá lớn trong những nghiên cứu về vật lý vũ trụ, thuyết tương đối rộng, vật lý lượng tử và cách dùng nó để giải thích những hiện tượng siêu nhiên như ma quỷ hay linh hồn =..=)

Bàn đối diện không có ghế để ngồi, tôi liền khom người xuống, phát hiện chiếc ngăn kéo lớn nhất ở giữa đang bị khóa. Thế này thì có hơi kỳ quái. Tôi bổn cũ soạn lại, nạy cái ngăn kéo đó ra.

Tôi hoàn toàn tưởng rằng mình sẽ lại thấy một cảnh tượng giống như ban nãy, phải tự mình lục tìm manh mối giữa một đống rác rưởi bỏ đi. Nhưng vượt quá dự liệu của tôi, lúc này, khi rút ngăn kéo ra xem thì lại thấy bên trong cực kỳ sạch sẽ, trống trơng chẳng có gì, chỉ có một chiếc phong bì lớn vỏ vàng được đặt ở chính giữa. Chiếc phong bì căng phồng, lớn cỡ khổ giấy A4, được đặt ngay ngắn ở đó cứ như là cố tình sắp xếp như thế để chờ tôi đến xem vậy.

“Ơ”, trong lòng tôi giật nẩy lên. Ý thức được điều gì, tôi lập tức cầm nó lên xem xét.

Đây là loại phong bì bảo hiểm lao động thời kỳ cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Mặt trên còn có chân dung Mao Trạch Đông đã bợt màu. Sờ thử một cái, tôi thấy thứ đồ gì đó ở bên trong rất dày, mỗi tội đã bị ẩm hết, sờ lên xù xì những lông, cảm giác cứ mềm mềm nát nát. Trên phong bì không có bất cứ chữ nào.

Tôi thấy vậy là có cửa rồi, vội vàng lật phong bì lại, thọc tay vào bên trong, sau đó móc ra một quyển sổ tay công tác cũ cỡ bằng quyển tạp chí.

Tôi sững sờ một lát, lật trang bìa ra liền phát hiện trên trang đầu tiên của cuốn sổ tay có một đoạn chữ viết bằng bút máy theo thể chữ Hành, nét bút vô cùng thanh tú:

Tôi không biết cô cậu là ai trong số ba người. Nhưng dù có là ai thì thời điểm cô cậu tới đây phát hiện ra phong thư này, tôi tin rằng các người cũng đã vướng vào chuyện đó.

Băng ghi hình là thủ tục bảo hiểm cuối cùng mà chúng tôi bố trí. Băng hình được gửi đi, tức là người trong băng ghi hình đã không thể nào liên lạc được với tôi. Như vậy, cũng tức là tôi đã chết, hoặc là “nó” đã phát hiện ra tôi, cho nên tôi đã rời khỏi thành phố này.

Bất kể là thuộc tình huống nào, nó đều có nghĩa là khả năng không lâu nữa tôi sẽ rời khỏi nhân thế. Cho nên băng ghi hình sẽ chỉ dẫn cho các người đến đây, để các người thấy được cuốn sổ ghi chép này.

Trong cuốn sổ tay này có ghi lại tâm huyết và kinh nghiệm hơn mười năm nghiên cứu của chúng tôi. Tôi để nó lại cho các người. Các người có thể từ đó biết được những thứ các người muốn biết.

Có điều, tôi cũng phải nhắc nhở các người rằng: nội dung bên trong có liên quan đến một bí mật khổng lồ. Tôi đã từng thề phải mang theo những điều này xuống mộ, nhưng rốt cuộc vẫn không thể tuân thủ lời hứa của chính mình. Những bí mật này, sau khi xem xong họa phúc khó lường. Các người phải tự lo lấy thân mình cho tốt.

Trần Văn Cẩm

Tháng Chín năm 1995

________________________________

Editor tâm sự:

Đến đây, hẳn đã có một số bạn chú ý đến cái tên chương: Đạo Mộ Bút Ký. Chúng mình cố tình không dịch cái tên này, mặc dù sử dụng cụm từ “sổ tay trộm mộ” có vẻ phù hợp hơn cho tập tài liệu Trần Văn Cẩm cố tình để lại cho Ngô Tà: một bản sao từ cuốn sổ tay công tác của cô ấy. Lý do ư? Đơn giản thôi, vì từ chương này trở đi, cánh cửa thực sự dẫn tới những bí ẩn của Đạo Mộ Bút Ký mới được mở ra. Cùng với những lời “lật tẩy” chú Ba của anh bạn Lý Trầm Chu, những ghi chép trong sổ tay của Văn Cẩm là thứ lật lại toàn bộ cục diện bàn cờ, từng bước đặt chúng ta vào một mê cung mới: tầng mê cung thực sự của Đạo Mộ Bút Ký, nơi để chúng ta thấm thía câu nói mà các bạn fan Đạo Mộ “bên kia” hay nhắc: nhân tâm còn khủng khiếp hơn quỷ thần.

Và mình rất mừng vì rốt cuộc nhóm cũng lết được tới ngày này =”))))))) Dạo gần đây chúng mình hơi bận (cũng vì Đạo Mộ cả thôi, nhưng công việc ở 1 “chiến tuyến” khác), 1 chương truyện lại dài ra, nên có thể thời gian tới bọn mình sẽ update chậm hơn. Các bạn chịu khó chờ vậy nhé :”)

Cảm ơn các bạn vẫn ủng hộ chung cư nhà mìnhtừ trước tới giờ :”)
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom