• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Em phải đến Harvard học kinh tế (1 Viewer)

  • Em phải đến Harvard học kinh tế - Chương 05 - Phần 8

TRƯỚC HÃY LÀM “BẠN” CỦA CON, SAU ĐÓ MỚI CÓ THỂ LÀM “THẦY” CỦA CON


Năm 1991, khi Đình Nhi mới có 10 tuổi, kế hoạch bồi dưỡng Đình Nhi của chúng tôi đã gặp phải một sự quậy phá ghê gớm và bất ngờ: những tập truyện tranh Đô-rê-mon của Nhật Bản như một bầy sâu bệnh khổng lồ ào ạt tràn vào thị trường sách Trung Quốc. Hầu như tất cả các học sinh tiểu học Trung Quốc đều mê mẩn đến quên ăn quên ngủ trước những tập truyện tranh hoang đường ấy của Nhật. Những tập sách truyện cho thiếu nhi truyền thống của Trung Quốc bị nó đánh cho tơi tả. Đình Nhi cũng bị cuốn theo trào lưu ấy. Tình cảnh “văn hóa bị chìm đắm” ấy qua nhật ký của Đình Nhi chúng ta cũng có thể thấy được đôi phần.


Ngày 8 tháng 8


Cả lớp tôi đều say mê võ sĩ tí hon


Ở học kỳ II lớp 4 này, trên sạp hàng các quầy sách lớn nhỏ khắp trong thành phố, đâu đâu cũng nhan nhản bày bán các bộ truyện tranh Đô-rê-mon nhiều tập, một loại truyện khoa học viễn tưởng đầy tính huyền thoại của Nhật Bản. Nhiều nhất là bộ truyện “Những võ sĩ tí hon của nữ thần”. Chuyện kể rằng, bên cạnh nữ thần Atenô luôn có một đoàn thiếu niên dũng cảm bảo vệ bà, họ là những võ sĩ tí hon. Mỗi võ sĩ đều có một vì tinh tú của riêng mình và một bộ áo thần để bảo vệ những vì tinh tú đó. Võ sĩ nào cũng có những sở trường độc đáo về võ nghệ. Trong truyện có năm nhân vật chính, cả năm nhân vật đều có sở trường riêng. Tinh Thỉ có bài quyền “ngựa sao băng”, Nhất Huy có bài quyền “phượng hoàng bay huyền ảo”, Băng Hà có “cú đấm thôi sơn”, Tử Long có bài võ “rồng lên đỉnh núi”, còn Thuấn thì có “sợi dây xích vô địch”.


Xem xong bộ truyện tranh “Những võ sĩ tí hon của nữ thần” ấy, các bạn trai ở lớp tôi ai cũng thấy mê. Đi đâu họ cũng vung chân, múa tay hò hét “Thiên mã sao băng” đây! – “Hãy nếm thử cú đấm thôi sơn này!” – “Đây là phượng hoàng bay”… Họ tháo khăn đỏ trên cổ ra, bảo rằng đây là “sợi dây vô địch” của Thuấn, rồi hai tay quay tít thò lò, rồi lại nhảy băng về phía trước, bảo là “phượng hoàng bay lượn”, nắm chặt lấy tay đấm vòng một quả, thế bảo là “rồng lên đỉnh núi”…


Thật ra, không chỉ có các bạn trai mê Đô-rê-mon, mà ngay cả các bạn gái, vốn xưa nay rất ghét chuyện đấm đá, thế mà cũng bị hàng loạt tập truyện tranh Đô-rê-mon như “Ba chị em mắt mèo” hoặc “Con gái của dòng sông Nêla”… chiếm lĩnh cả tâm hồn. Đình Nhi cũng rất nhiệt tình giới thiệu với tôi mấy bộ truyện tranh Nhật Bản kiểu như vậy, hi vọng tôi cũng sẽ chia vui với cháu trong niềm say mê những cuốn truyện tranh Nhật Bản ấy.


Đây là lần đầu tiên Đình Nhi đã say mê những cuốn sách ngoài phạm vi giới thiệu của tôi, nếu tôi xử lý không tốt, chắc chắn giữa tôi và Đình Nhi sẽ xuất hiện một hố sâu ngăn cách đầu tiên, biết đâu từ đó sẽ làm gián đoạn luôn cả mọi sự giao lưu giữa hai mẹ con sau này. Đã thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề, tôi quyết định dùng đối sách “làm bạn” với con trước, sau mới “làm thầy”. Chỉ có giữ được tiếng nói chung với con, thì mới có thể tìm cơ hội dẫn dắt con vào con đường đúng đắn. Thế là, cùng với sự say mê của con, tôi cũng tìm đọc kĩ khá nhiều bộ truyện tranh Nhật Bản.


Có thể nói rằng, những tập truyện tranh Nhật Bản này cả về hình thức lẫn nội dung đều có những cái hay và cái dở rất điển hình. (Hồi ấy còn chưa nhập vào hoặc in ấn trái phép các loại truyện tranh có tính chất khiêu dâm kích dục hoặc cổ vũ bạo lực của Nhật Bản). Điều làm tôi ngại nhất chính là truyện tranh Nhật Bản có một sức phá hoại cực lớn đối với thói quen đọc sách của trẻ con. Vì hình thức biểu hiện của nó là những bức tranh vẽ biến hóa vô cùng, và một thứ ngôn ngữ vừa giản đơn vừa công thức, hoàn toàn vứt bỏ ngôn ngữ kể chuyện mang tính kể chuyện chính xác và sinh động rất có lợi cho việc bồi dưỡng khả năng tư duy và khả năng biểu đạt của trẻ em. Xem các loại truyện này, trẻ em chỉ cần bám sát các từ tượng thanh ngắn như: “Ối!”, “Ái chà!” được thuyết minh ngay tại cửa miệng các nhân vật trong tranh để theo dõi tình tiết câu chuyện. Trong đầu óc các em, ngoài những tiếng kêu sặc mùi đấm đá như “Chém”, “Song phi”, “Tẩu mã”… hầu như chẳng giữ lại được một câu nói nào hoàn chỉnh. Tồi tệ hơn nữa là, những người xuất bản ra loại truyện tranh này lại chính là những “đại cao thủ” trong nghề buôn bán kinh doanh, họ chỉ bán với giá hai đồng một quyển, năm quyển một bộ, nội dung bộ trước có liên quan chặt chẽ với bộ sau, cứ như vậy họ đã vét sạch những đồng tiền lẻ trong túi trẻ con và cướp đi khoảng thời gian rất ít ỏi dành cho đọc truyện của lứa tuổi học trò. Nếu cứ kéo dài tình trạng như vậy, trình độ ngôn ngữ của dân tộc Trung Hoa sau này không nghèo nàn cằn cỗi đi mới là chuyện lạ.


Tôi tuy trong lòng rất lo, nhưng không ngăn cấm một cách thô bạo việc cháu thích xem truyện tranh Nhật Bản. Trái lại, còn tỏ ra rất thích thú, không hề có thành kiến cùng cháu bàn bạc về những nhân vật và tình tiết của những câu chuyện đó. Hơn nữa, tôi còn bảo cháu hãy lấy những câu chuyện đó làm đề tài cho nhật ký, nhân đó luyện tập cách miêu tả nhân vật và miêu tả cảnh tượng. Tôi coi việc này là một cách “tận dụng đồ bỏ đi” trước khi hoàn toàn vứt bỏ chúng.


Trong quá trình “phòng ngự tích cực” đó, tôi luôn tìm cơ hội để phản công. Sau mấy tháng, những món lợi nhuận kếch xù đã kích thích truyện tranh Nhật Bản ngày càng xuất hiện nhiều hơn, xuất bản bừa bãi hơn. Tôi chọn ra mấy cuốn có nhiều câu sai, chữ sai nhất chỉ ra cho Đình Nhi biết, đồng thời cũng liên hệ đến tình hình thực tế của Đình Nhi là gần đây viết nhật ký, những lỗi sai về câu chữ ngày càng nhiều. Đình Nhi thừa nhận và thán phục nói: “Mê đọc truyện tranh Nhật Bản, rõ ràng là làm cho trình độ ngữ văn ngày một sa sút, từ nay con không bao giờ đọc loại đó nữa”. Ngay hôm sau, mẹ con tôi nhặt nhạnh cả mấy chục quyển truyện tranh Nhật Bản đem bán cho bà hàng đồng nát. Sau này, cũng có đôi lần Đình Nhi mượn của bạn về xem, nhưng chỉ cần nhắc qua, là cháu không xem nữa, vì cháu thừa biết loại sách đó chẳng có tác dụng gì.


Ngay cả việc xem truyền hình và hát những bài hát đang được lưu hành cũng vậy, trước tiên tôi luôn phải là một “người bạn” rất biết đồng cảm với Đình Nhi, sau đó mới làm “quân sư” cho cháu được. Tôi luôn cố gắng để có một tiếng nói chung về sở thích và thị hiếu của cháu. Đối với trẻ con, quan tâm đến sở thích của chúng để nhận được sự đồng cảm hơn so với việc quan tâm đến lợi ích của chúng. Tôi và Đình Nhi cùng xem một bộ phim hoạt hình “Jeane Jackter”, vừa xem hai mẹ còn vừa bình luận với nhau, và rất tự nhiên cháu đã có một bài cảm nghĩ để viết vào nhật ký.


Cảm nghĩ sau khi xem phim “Jeane Jackter”… Sở dĩ Jeane Jackter như vậy là do Jeane đã xem quá nhiều các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, xem lúc nào cũng đến mê mẩn cả người, rồi dẫn đến thần kinh thác loạn. Trước mắt Jeane lúc nào cũng là cả một thế giới huyền ảo, rồi theo sự tưởng tượng chủ quan của mình, Jeane đã chém giết lung tung bất kể là ai. Điều này dạy cho chúng ta biết rằng đối với mọi vấn đề đều phải thật khách quan, không bao giờ được làm việc theo sự tưởng tượng chủ quan của mình.


Ngày 13 tháng 8


Mimô đáng yêu


Mấy ngày nay trên ti-vi có chiếu bộ phim hoạt hình nhiều tập của Nhật Bản “Mimô”. Trong phim có một nhân vật là một cô bé Mimô, ở trong chiếc máy tính. Mimô ở trong nhà của hai anh em người Nhật tên là Đại Giới và Thanh Tử. Mẹ nói: “Bé Mimô thật là xấu xí!” Nhưng tôi lại không cho rằng như vậy. Tôi thấy Mimô rất đẹp, hơn thế nữa lại rất thông minh, cái gì cũng biết. Mimô đã giới thiệu cho hai anh em Đại Giới và Thanh Tử biết nguồn gốc và quá trình phát triển của máy bay, máy ảnh, xe lửa và cả nấm mốc nữa… Mimô còn dặn Đại Giới, Thanh Tử và cả tôi đang ngồi trước màn ảnh nhỏ nữa đi thám hiểm ở Nam cực và Bắc cực, đi du chơi trong thế giới của ánh sáng… Mimô chính là sự kết tinh của tri thức, là hiện thân của trí tuệ, hơn nữa Mimô tính tình thẳng thắn cương trực, có đủ những phẩm chất tốt đẹp của loài người.


Tôi rất muốn có một Mimô. Nếu có Mimô tôi sẽ có được rất nhiều tri thức, tôi sẽ hiểu biết nhiều hơn, rộng hơn đối với thế giới khoa học, tri thức muôn màu muôn vẻ. Nhưng Mimô đang ở Nhật Bản, vậy là ước muốn của tôi chỉ là ảo tưởng. Một hôm tôi nghe thấy trong phim nói: trong trái tim mỗi người đều có Mimô, vậy ước muốn của tôi vẫn còn hi vọng, nhưng tôi lại nghĩ: Mimô ở trong trái tim người, lẽ nào trong trái tim mỗi con người lại không có bé tí hon sống hay sao? Không thể như vậy được. Thế thì nó là cái gì? Tôi vắt óc suy nghĩ, đúng rồi! Mimô chính là sự khao khát hiểu biết ở mỗi con người. Đại Giới và Thanh Tử hễ có điều gì không hiểu lại đi hỏi Mimô. Điều đó chẳng giống như việc đi tìm tư liệu hay sao?


Và nó mách bảo tôi rằng, một con người nếu có sự khao khát hiểu biết, thì từng ngày từng giờ họ luôn được trang bị những tri thức mới, sẽ trở thành con người uyên bác.


NẮM CHẶT NƯỚC ĐÁ MƯỜI LĂM PHÚT, RÈN LUYỆN SỨC CHỊU ĐỰNG


Ngay từ đầu, Trương Hân Vũ đã có dự định: muốn sau này Đình Nhi lớn lên sẽ có triển vọng tốt đẹp, thì bắt buộc phải có sức chịu đựng hơn người, như vậy mới có thể vượt qua được mọi thử thách, cả về áp lực tâm lý lẫn độ dẻo dai của cơ thể. Sự chịu đựng đó tuy rằng cần cho mai sau, nhưng phải được rèn luyện ngay từ bây giờ.


Khi Đình Nhi mười tuổi, Trương Hân Vũ bắt đầu thực hiện kế hoạch này. Nhằm nâng cao khả năng chịu đựng của Đình Nhi, mùa hè năm lớp 4 anh đã cho Đình Nhi thực hiện bài “luyện sức chịu đựng” độc đáo: tay nắm chặt cục nước đá trong một phút. Dụng cụ luyện tập ấy của Đình Nhi là một cục nước đá được lấy từ trong tủ lạnh ra.


Có một sinh viên nói với tôi, cái tin Đình Nhi được vào trường Đại học Harvard và bài viết nói về cách luyện tập này được đăng trên báo, có nhiều sinh viên hiếu kỳ muốn thử sức theo cách tập của Đình Nhi. Nhưng không ai nắm được trọn 15 phút. Vậy tại sao một con người mẫn cảm như Đình Nhi lại có thể vượt qua được những thử thách mà người thường khó vượt qua được? Hãy nghe Đình Nhi kể lại.


Ngày 19 tháng 8 năm 1991 (Khi 10 tuổi)


Đánh cược với ba


Này! Tôi kể cho bạn nghe nhé, tối hôm qua tôi và ba tôi chơi trò đánh cược đấy, kết quả là, tôi thắng ba một quyển sách.


Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Buổi tối, ba lấy từ trong tủ lạnh ra một cục nước đá. Cục nước đá này to hơn một viên pin đại đấy. Ba bảo tôi: “Đình Nhi! Con có thể cầm cục nước đá này trong vòng 15 phút được không? Nếu cầm được, ba sẽ mua cho con một quyển sách”. Tôi nói: “Sao lại không, con với ba đánh cược nhé! Nếu con cầm đủ mười lăm phút, ba phải mua sách cho con đấy”. Tất nhiên là ba đồng ý.


Ba cầm đồng hồ, rồi hô: “Chuẩn bị! Bắt đầu!” Tôi cầm cục nước đá lên nắm chặt. Phút đầu tiên, cảm thấy tạm được, đến phút thứ hai, tôi thấy đau buốt thấu xương, vội vàng cầm ngay lấy lọ thuốc, tập trung đọc những dòng chỉ dẫn ở trên lọ, cốt để chuyển sự chú ý của mình. Phút thứ ba, tôi thấy đau đớn như ngàn vạn mũi kim đâm nhói vào tim, tôi đọc to lời chỉ dẫn trên lọ thuốc để át nỗi đau. Phút thứ tư, tôi có cảm giác như người tôi đóng băng, tê dại, lúc bấy giờ tôi cắn chặt hai hàm răng, để cho nỗi đau chuyển lên khoang miệng và luôn thầm tự động viên: Cố gắng, cố gắng! Phút thứ năm, cả bàn tay tái xám nhợt nhạt, không còn cảm giác đau đớn nữa. Phút thứ sáu, chỉ thấy tê tê. Phút thứ bảy, bàn tay dường như tê dại hẳn. Phút thứ tám, không còn cảm giác gì nữa… Cho đến khi ba tôi nói: “Mười lăm phút rồi đấy!” Tôi buông nước đá, lúc này đã tan gần hết chỉ còn bằng một ngón chân cái. Tôi nhảy cẫng lên vui sướng: “Hoan hô! Hoan hô! Con thắng rồi!” Thế nhưng nhìn xuống bàn tay, tôi thấy một màu tím ngắt, sờ vào cái gì cũng cảm thấy bỏng rát. Ba vội mở vòi nước lạnh cho tôi rửa tay. Vừa ngâm tay trong nước tôi vừa nói với ba: “Ba ơi! Ba hôm nay không gặp may rồi!” Ba nói: “Ba chẳng có gì là không gặp may, trái lại, con có một nghị lực như vậy, chính là ba đang gặp may đấy”.


Đấy tôi đã thắng một quyển sách như vậy đó. Thật chẳng dễ dàng chút nào, phải không bạn?


Ngày 4-6 tháng 3 năm 1992 (Lúc 11 tuổi)


Đánh cược với mẹ


Trưa nay, tôi và mẹ cùng chơi trò thi đứng kiễng chân. Tôi nhớ lại hồi mới lên ba, mẹ dẫn tôi đi xem một bộ phim múa ba-lê Mỹ, phim “Bước ngoặt”. Từ đó, tôi rất mê múa ba-lê, nếu mẹ không cho, tôi không chịu đi ngủ. Mẹ nói: “Học múa ba-lê khổ lắm con ạ, con không học được đâu”. Nhưng tôi vẫn cứ đòi đi học bằng được. Mẹ bật cười bảo: “Nếu con vịn lan can, đứng kiễng chân theo tư thế “kim kê độc lập” đủ 15 phút, mẹ sẽ đồng ý cho con đi học múa ba-lê”. Tôi hăng hái làm đúng tư thế và bắt đầu đứng, ai ngờ mới đứng được năm phút, liền ngã khuỵu. Hôm nay, đã bảy năm, nhớ lại chuyện cũ, cảm thấy thật là thú vị. Tôi nhắc lại chuyện ấy cho mẹ nghe, hai mẹ con cùng cười.


Cho đến hôm nay, tuy tôi không còn nghĩ đến chuyện múa ba-lê, nhưng vẫn chưa chịu thua. Thế là tôi nói với mẹ: “Con đánh cược lại với mẹ, lần này con xin đứng hẳn 30 phút!” – “Hay quá!” Mẹ hào hứng nói: “Nếu con làm được, mẹ sẽ mua tặng con một món quà hợp với túi tiền của mẹ”. Nghe mẹ nói vậy, tôi mừng quá, liền vịn vào tủ sách, co chân đứng theo tư thế “kim kê độc lập” (gà đứng một chân). Mẹ vội nói: “Thôi thôi! Con không làm được đâu, trừ phi con là nghệ sĩ múa Lương Lệ Bình. Con cứ đứng kiễng cả hai chân lấy nửa tiếng đồng hồ là tốt lắm rồi!” Tôi liền bỏ nốt chân kia xuống, đứng kiễng: “Thế càng dễ!” Tuy nói vậy, nhưng trong lòng vẫn lo, vì trước nay chưa đứng thế này bao giờ. Thế là tôi đành phải nói nước đôi: “Mẹ, nhất định con sẽ thắng”. Mẹ trả lời: “Có được nghị lực cao, mới có sức chịu đựng dẻo dai của cơ thể”. Câu nói của mẹ không những không làm cho tôi dao động, mà trái lại càng củng cố lòng quyết tâm của tôi.


Mẹ vẫn cho rằng tôi không làm được, liền gọi cả ba đến chứng kiến, còn tôi hỏi ba: ai sẽ thắng. Ba cười: “Theo ba, lần này mẹ sẽ thắng”. Tôi cười thầm trong bụng: “Ba mẹ đừng quên, ba mẹ đã hai lần thua con về những việc như thế này rồi đấy. Lần thứ nhất, ba mẹ đã đánh cược với con, đứng một tư thế khó, trong vòng 30 phút, con đã thắng. Lần thứ hai, con với ba đánh cược nắm nước đá, kết quả, con cũng thắng. Lần nào mà con chẳng đoạt được giải thưởng của ba mẹ”. Nghe tôi nói vậy, mẹ bật cười: “Mẹ cảm thấy, túi tiền của mẹ đang bị uy hiếp đây”.


Mạnh mồm nói vậy, kỳ thực tôi cảm thấy hai bắp đùi tôi bắt đầu tê tê, liếc nhìn đồng hồ: “Ái chà! Mới được có 3 phút. Không sao, không sao!” Tôi thầm động viên. Tích tắc, tích tắc, ông già thời gian hình như cố ý trêu tức tôi, chậm chạp, lê từng bước. Năm phút trôi qua, bắp đùi tôi đã bắt đầu đau nhức. Tôi vội giở mánh khoé, lấy ở trong túi áo ra một quả bóng bay, phồng mồm thổi, thổi căng rồi lại xả hơi ra, cứ vậy, tôi cố tình chuyển trọng tâm chú ý của mình. Nhưng thật không may, trong khi thổi tôi vô ý để quả bóng bay xuống đất. Làm thế nào bây giờ! Tôi nhìn đồng hồ, hay lắm, đã được 15 phút rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, chân trái đã bắt đầu bị chuột rút, và cũng chỉ lát sau chân phải cũng vậy, chuột rút tê cứng cả người, tôi không còn bóng bay để chuyển trọng tâm chú ý nữa, liền nghĩ ra một cách: nhẩm đọc kết quả bình phương của những con số thường dùng. Cách làm này thật hiệu nghiệm, tôi dường như đã quên được mọi sự đau đớn của cơ thể…


Kiên trì đến cùng tất thắng lợi, lần thứ ba tôi đã thắng!


Những câu chuyện trên đã chứng minh, ngày từ thời thơ ấu, Đình Nhi đã được bồi dưỡng kĩ năng về ý chí, và trong quá trình trưởng thành đã không ngừng củng cố. Nhờ có ý chí kiên cường ấy mà trong khi Đình Nhi vừa tích cực chuẩn bị thi vào đại học, đồng thời vừa học thi TOEFL và hoàn thành 12 lá đơn xin vào học tại 12 trường đại học của Mỹ. Một gánh nặng quá sức liên tục kéo dài trong mấy tháng trời như vậy, nếu không có ý chí kiên cường, nghị lực dẻo dai thì làm sao có thể chịu đựng nổi!
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom