• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full KINH THÀNH VỀ ĐÊM (DẠ LAN KINH HOA) (1 Viewer)

  • Chương 31: Đêm tuyết soi chiếu kinh hoa (4)

Tấm màn xanh nhạt óng ánh bóng đèn như hồ nước, cô như ngồi trong làn thu ấy, vầng sáng lấp lánh gợn lên mắt mày Tạ Vụ Thanh, khiến khuôn mặt anh lung linh biến ảo. Vừa rồi còn nghĩ đến ‘phương tiện môn’. Anh đã thay quân phục, ẩn nấp trên giường bạt bộ trong viện này, còn không phải là ‘phương tiện môn’ sao? Nghĩ đến đây cô bất giác mỉm cười.



Cô thủ thỉ nói với anh: “Hình như mỗi lần anh tới, đều vì chúc mừng sinh nhật em”.



“Em ước muốn gì?” Anh dịu dàng hỏi.



Cùng một vấn đề.



“Lời thật lòng của Tạ Vụ Thanh”. Cô cười đáp.



Tạ Vụ Thanh bảo: “Lúc này, thật không đoán được em muốn nghe gì”.



“Không thể để Tạ Vụ Thanh và Tạ Khanh Hoài là một, anh có tiếc nuối không?” Cô không thích người khác hiểu lầm anh.



Anh vậy mà cười: “Hoàn bích tuy tốt, nhưng thói đời khó dung”.



Anh bổ sung thêm: “Một khi vẫn còn nhược điểm, sẽ có cơ hội bị mua chuộc. Nếu giết anh rồi, binh trong tay anh cũng không thể thuộc về bọn họ, kết đồng minh với anh mới là điều họ muốn. Nếu anh là Tạ Vụ Thanh, hiểu rõ chuyện bo bo giữ mình, đối với người phương Bắc mà nói sẽ có cơ hội lôi kéo, bọn họ liền giảm ý định muốn giết anh, giúp anh thuận lợi quay về nam. Nếu anh là Tạ Khanh Hoài, ngay lần trước vào kinh đã chết trong nhà lao rồi”.



“Trước Cách mạng Tân Hợi, hai vị tướng quân bắc Ngô nam Thái là nổi danh nhất.
Ngô Lộc Trinh [1] ở phương Bắc trước chống giặc Oa sau lại phản Thanh, hùng tài vĩ lược, vậy mà một đời tướng lĩnh yêu nước lại bỏ mạng vì ám sát. Anh từng gặp gỡ vị trưởng bối này, nếu ông ấy còn sống, Tây Bắc hôm nay sẽ có một cảnh tượng khác”.




[1] Ngô Lộc Trinh là một trong những tướng quân cuối thời nhà Thanh, trên thực tế, ông là đảng viên Đảng Cách mạng “nằm vùng” trong triều Thanh. Sáng sớm ngày 7/11/1911, Ngô Lộc Trinh đang ở bến xe Thạch Gia Trang của Bộ Tư lệnh soạn thảo thư mời liên quan Trương Triệu Tăng vào kinh ứng cứu, vừa mới viết xong mực còn chưa kịp khô đã bị Mã Huệ Điền dẫn theo một đám côn đồ xông vào giết chết.



“Thanh danh không quan trọng”, anh nói, “Những tướng lĩnh như chúng ta đều thề chết trên chiến trường, vì quốc gia hy sinh không tiếc, mà không phải tuỳ tiện xả thân trước họng súng của bất kỳ ai”.



Giọng anh lúc êm đềm, lúc dịu dàng, có thể cảm hoá lòng người.



Tạ Vụ Thanh tắt đèn.



Anh nói tiếp: “Phụ nữ đến tìm anh, cũng không chỉ vì nói chuyện tình cảm, rất nhiều người đều đến để đưa tiền”.



Hà Vị bị chọc cười, âm thầm nói: “Vậy anh còn không mau đi, đừng ở trong viện của em nữa, ra ngoài gặp mấy người giai nhân của anh. Vài lần nhìn mặt liền có được mấy trăm khẩu súng, biết đâu không thoả lại gặp được bà nhỏ hào sảng của tên quân phiệt nào đó, liền có một chiếc máy bay chiến đấu”.



Tạ Vụ Thanh giả vờ suy nghĩ: “Cô hai không hổ là người làm ăn kinh doanh, khoản tiền này tính rất tốt”.



Hai người nhìn nhau cười.



Tạ Vụ Thanh buông lỏng áo sơ mi, nằm thẳng xuống giường. Anh rất mệt, cần ngủ một giấc. Chờ người nằm xuống rồi, vừa nhắm mắt anh lại nghĩ, chúc mừng sinh nhật đơn giản như vậy không biết có thể làm cô vui vẻ không.



Hô hấp anh dần yên tĩnh.



Cô nằm trong chăn gấm, chạm vào vạt áo sơ mi của anh, muốn kiểm tra xem có phải anh thật sự thiếp đi rồi không, liền thử cởi cúc áo trắng của anh, từng cúc từng cúc một. Cô thoáng ngửi thấy mùi kem đánh răng trên mặt anh, lặng lẽ in dấu môi xuống chiếc cằm của anh.



Anh mười bảy tuổi đến Tứ Cửu Thành, đứng dưới cổng Đức Thắng Môn sừng sững giữa đêm tối, trong lòng chỉ mong có thể lật đổ vương triều nhà Thanh, mong khôi phục đại nghĩa, mong hồi sinh non sông… Không hề biết nữ nhi tình trường là gì, nên không tưởng được cảnh mười mấy năm sau, bản thân nằm trong một gian nhà cao cửa rộng ở thành Bắc Kinh, có một cô gái ở bên cạnh, cởi bỏ áo sơ mi anh từng chút một…



Đêm nay hương Tô Hợp càng đốt càng nồng.



Áo sơ mi Tạ Vụ Thanh rất trơn, không biết làm từ chất liệu gì, ngược lại trắng thuần sạch sẽ, cô sờ vào cổ áo anh, cuối cùng dời lên hai tấc, chậm rãi áp cánh môi mình lên đôi môi mềm mại của anh.



Cô tự giác nhắm chặt mắt, không phát hiện Tạ Vụ Thanh đã nhìn cô tự lúc nào.



Đợi đến khi có cảm giác tay người đàn ông giữ sau gáy mình, môi tách ra hôn đáp lại, cô giống như bị điện giật, cả người tê tái. Tay Tạ Vụ Thanh trượt xuống, cách một lớp áo mỏng giữ eo cô.



Anh muốn ngủ, là vì để tránh đụng chạm thân mật thường xuyên.



Nhưng cô gái mình thích đang cởi áo anh, từ từ hôn anh, bất kỳ người đàn ông nào cũng không thể ngăn lại phản ứng tự nhiên của cơ thể.



Tạ Vụ Thanh đè chặt eo cô, khẽ khàng hôn. Tay kia ôm lấy tay cô, càng lúc càng nóng.



Chốc lát sau, Tạ Vụ Thanh nghiêng đầu, kề sát tai cô thủ thỉ: “Không muốn ngủ à?”



Mặt cô rất nóng, thật ra cô chỉ muốn hôn anh thôi.



Anh mỉm cười, chạm vào vành tai nóng bỏng của cô: “Đêm nay thật sự rất mệt. Nếu làm chuyện khác, chỉ sợ quá sức sẽ không quan tâm đến cảm xúc của em. Chờ thêm hai ngày rồi nói tiếp”.



Lúc này Tạ Vụ Thanh thật sự thiếp đi.



Phòng thứ hai phía tây chỉ cách nơi này một cánh cửa.



Cô mơ hồ nghe thấy Khấu Thanh lắp bắp nói chuyện với Liên Phòng, bên ngoài tuyết rơi rồi, cô bé từ nhỏ lớn lên ở phương nam, sau khi vào kinh mỗi năm thấy tuyết đầu mùa đều vui sướng nhảy nhót một hồi. Liên Phòng thấp giọng nhắc nhở, bên trong đều đã ngủ, bảo cô bé nhỏ tiếng một chút.



Cuộc nói chuyện này, đêm tuyết này, giống như đã từng xảy ra. Là vào cái đêm lần đầu tiên cô gặp anh.



Nhân sinh trên đời, cùng lắm là ngày này qua ngày khác, năm này tiếp năm kia. Ngày rồi đêm, năm nào cũng có tuyết. Cô nằm sấp trên gối đầu, sợ ngủ quá say sẽ lật người đè lên vết thương của anh, cố tình dùng chăn gấm dựng thành một tấm chắn, ngăn giữa hai người.



Lúc tỉnh giấc, tuyết vẫn bay đầy trời, như không bao giờ kết thúc.



Tạ Vụ Thanh không có trong phòng. Quân Khương bảo anh được nhị tiên sinh mời tới đông viện rồi.



Cô tìm đến thư phòng.



Chú hai đang uống thuốc, Tạ Vụ Thanh theo thường lệ ngồi vào chỗ ghế cao bên cạnh lò hương, hẳn là mới đến không bao lâu, dưới ủng quân đội vẫn còn đọng vệt tuyết. Anh nói chuyện với Hà Tri Hành về sự hưng vượng của ngành công nghiệp:



“Quốc lực là nền tảng. Tôi từ trước đến nay luôn kính nể những vị tiên sinh cống hiến cho nền công nghiệp. Quân nhân thế hệ chúng tôi tuy có thể xua đuổi giặc ngoại xâm, kết thúc chiến tranh loạn lạc, nhưng công cuộc khôi phục Hoa Hạ, vẫn còn phụ thuộc vào giáo dục và công nghiệp”.



Hà Tri Hành cười cười: “Nếu nói công nghiệp, Hương soái mới là người tiên phong, hậu bối chúng ta chỉ cầu mong có thể kéo dài, không thể phụ tâm huyết người đi trước”.



Nhóm tổng đốc triều Thanh hồi trước thường được gọi là “soái”, hết soái này đến soái kia, chỉ có vị
Hương soái Trương Chi Động [2] mới là danh xứng với thực. Đường sắt cùng nhà máy sản xuất súng ống, sợi bông, lưới sắt… Còn có xây dựng các trường đại học, đều là vì giữ lại tài phú đa dạng cho lớp hậu bối.




[2] Trương Chi Động là một viên quan và chính trị gia nổi tiếng cuối triều Thanh, là người ủng hộ phái cải cách một cách thận trọng. Ông đỗ đạc Tiến sĩ và từng giữ nhiều chức vị quan trọng. Thành tựu lớn nhất đời ông là ủng hộ phát triển công nghiệp địa phương, canh tân quân đội, gây dựng công binh xưởng Hán Dương và nhiều đóng góp vào công cuộc giáo dục cho đất nước.



Bọn họ đàm đạo không bao lâu, Lâm Kiêu đứng ngoài nhắc nhở, đã tới giờ phải rời đi.



Tạ Vụ Thanh chờ Lâm Kiêu bước ra mới buông chén trà.



“Hà nhị tiên sinh”, Tạ Vụ Thanh đứng thẳng người, “Tạ mỗi hôm nay tới, là vì muốn trực tiếp bàn chuyện hôn sự cùng Vị Vị. Trong điện báo chị hai tôi có nói, ngày đó tiên sinh không gật đầu”.



Hà Vị kinh ngạc, đứng trong khói hương từ lò hạc nhìn chú hai chăm chú.



Hà Tri Hành cười nói: “Có một số lời phải giáp mặt hỏi rõ ràng, sau đó sẽ để con bé tự quyết định”.



Hà Tri Hành nói tiếp: “Tướng quân thành danh từ thời niên thiếu, nắm trong tay trọng binh hai tỉnh, quyền cao chức lớn, nhìn từ góc độ nào cũng không thiệt thòi cho Vị Vị, đối với mối hôn sự này ta vô cùng hài lòng. Tuổi tác Vị Vị cũng đúng lúc nên gả đi rồi, anh chị em trong nhà bằng tuổi con bé đều đã sớm có con đầu lòng, ta không lý nào ngăn cản con bé. Chỉ có điều hai người một nam một bắc, sau khi kết hôn ở chung thế nào?”



Tạ Vụ Thanh nhìn Hà Tri Hành đáp: “Chờ bắt phạt chấm dứt, hai miền nam bắc thống nhất, tôi tự khắc sẽ ra bắc, sống luôn ở Bắc Kinh”.



Hà Tri Hành cười: “Vậy nếu bắc phạt thất bại thì làm sao bây giờ?”



Căn phòng yên tĩnh.



Tạ Vụ Thanh trầm mặc hồi lâu, thấp giọng nói: “Hôm nay ở trước mặt tiên sinh, Tạ Vụ Thanh tôi xin lập lời nguyện. Trong cuộc hôn nhân giữa tôi cùng Vị Vị, cô ấy có toàn bộ quyền tự chủ. Vị Vị có thể tuỳ lúc kết thúc mối quan hệ này, không cần hỏi ý kiến tôi, Tạ gia cũng tuyệt đối không có dị nghị, càng không ngăn cản”.



“Còn Tạ tướng quân thì sao? Nếu cậu thân bất do kỷ, phụ lòng con bé thì thế nào?”



Trong phòng lại lần nữa tĩnh lặng.



Thật ra chỉ có mấy giây, mà hệt như một đời.



Tạ Vụ Thanh chăm chú nhìn đôi mắt cô, quả quyết nói: “Quốc gia cùng người, đều có thể bỏ tôi, nhưng tôi tuyệt không bao giờ phụ bạc họ”.



Cô thu lại hơi thở, nhìn thẳng vào anh.



Hà Tri Hành khẽ thở dài, tay chống xuống giường muốn đứng dậy, Hà Vị định đỡ ông liền bị ông xua tay: “Chờ ở đây”. Ông chậm rãi thả chân, để đầu gối quen với việc cơ thể đứng thẳng, sau đó đi đến cạnh bàn làm việc, tự mình mài mực.



Cô cùng Tạ Vụ Thanh đến bàn ông.



Cho đến khi chú hai viết xong một tờ giấy, thổi khô mực giao cho Tạ Vụ Thanh: “Đây là bát tự ngày sinh của Vị Vị, cậu mang về trước. Sau khi bắc phạt xong thì đến
hạ sính [3]




[3] “Hạ sính” là một trong những lễ phải làm để kết hôn vào thời xưa, lễ hạ sính là nhà trai mang sính lễ đến nhà gái để định hôn, lễ này đến nay vẫn còn, gọi nôm na là “đưa sính lễ”.



Đây là gạt bỏ ý định bọn họ kết hôn ngay lúc này.



“Được”. Tạ Vụ Thanh gật đầu đồng ý.



Anh nhận lấy tờ giấy trong tay, gấp lại kỹ càng rồi cất vào quân phục.



Vì vụ ám sát ở khách sạn Bắc Kinh nên hành lý của Tạ Vụ Thanh đều được chuyển đến khách sạn Lục Quốc.



Hà Vị tiễn anh đến cổng lớn, đứng trong cánh cửa chào tạm biệt: “Chú hai chuyện gì cũng nghĩ cho em, anh đừng để ý lời ông nói”.



Tạ Vụ Thanh giống như không để tâm chuyện vừa rồi, ngược lại bảo: “Ở Thiên Tân anh có một căn hộ nhỏ, vốn định từ Phụng Thiên trở về sẽ đưa em tới xem”. Anh dừng lại một chút rồi nói tiếp, “Là quà tặng sinh nhật tuổi hai mươi của em”.



Cô ra vẻ thoải mái trêu chọc anh: “Xem ra anh có không ít bất động sản ở phương bắc. Sau này em phải cẩn thận tra kỹ mới được”.



Anh cười. Chỉ có hai chỗ, bây giờ đều là của cô.



Cô không nỡ nhìn theo Tạ Vụ Thanh bước qua cửa lớn, đứng ngoài cửa chờ đến khi hơn mười mấy sĩ quan vây quanh anh lên xe.



Ngoài cổng tuyết lớn sớm đọng dày thành lớp, chú Mậu dẫn người đến xúc tuyết, thấy xe Tạ Vụ Thanh muốn rời đi, chạy đến chào hỏi bảo bọn họ đợi một lát. Lâm Kiêu tính tình rất tốt bèn đứng cạnh xe, nói không sao, chờ chút là được.



Trong mắt người ngoài, Tạ Vụ Thanh chỉ vừa đến hồi sáng này, không kẻ nào biết người qua đêm ở tây viện tối hôm trước là ai.



Tạ Vụ Thanh dựa vào sau ghế, nhắm mắt dưỡng thần.



Lâm Kiêu lên xe ngồi.



Tạ Vụ Thanh nhẹ giọng dặn, không cần chờ, cứ đi đường vòng. Nếu không, Vị Vị vẫn đứng trong cửa đợi nhìn xe rời đi, lạnh cô lắm.







Trở về thư phòng, Hà Tri Hành hỏi cô: “Trách chú hai sao?”



Cô nhẹ lắc đầu: “Nếu chú hai không gật đầu, con sẽ không gả”.



Hà Tri Hành dịu giọng nói: “Cậu ta không giống Triệu Ứng Khác hay Bạch Cẩn Hành. Chú hai không phản đối hai đứa nói chuyện tình cảm, nhưng hiện giờ nếu kết hôn sẽ gây ra nhiều phiền phức, thậm chí là họa sát thân”.



Nhìn thấy cô đau lòng, chú hai thở dài, nói tiếp: “Nếu vẫn khăng khăng muốn kết hôn, ít nhất phải chờ nam bắc khai chiến, xem tình thế thật sự thế nào đã”.



Chú hai còn chưa nói hết, thật ra ông cũng muốn nhìn thử xem quyết tâm của Tạ Vụ Thanh muốn cưới cô.



Lần trước anh mang thân phận con tin, những lão cáo già kia ngoài mặt vẫn phải giả vờ tốt bụng, hiện giờ anh bạo gan đến tận đây, liền bị thương ngay khách sạn mới cao cấp nhất Bắc Kinh. Nghe nói chuyện này, ngay cả Tạ gia cùng nhà chồng của bốn vị tiểu thư, còn có những người liên quan gọi điện đến trách mắng.



Một trong số đó chính là kẻ chủ mưu năm ấy ở Bắc Kinh giam cầm Tạ Vụ Thanh, sau khi từ chức thì chuyển đến tô giới Thiên Tân dưỡng lão. Hồ ly cáo già đặc biệt gửi điện tín, “lời lẽ chính đáng” chỉ trích hành vi ám sát tướng lĩnh yêu nước của nhóm quân phiệt, như thể quên mất trước kia mình từng làm gì.



Trong tờ Kinh báo, hôm qua cũng có một bài viết lên án nặng nề vấn đề này. Bút lực của văn nhân, súng ống của quân phiệt, đều đã giằng co ở Bắc Kinh nhiều năm qua, lần này quân phiệt vừa lên đài, đối với tiếng gió trong dân gian vô cùng để tâm. Nghe nói hôm ấy có người mang theo một số tiền lớn, đi đến ngõ Nguỵ Nhiễm, định mua chuộc phóng viên hòng bịt miệng, có điều lại bị đuổi ra ngoài.



Hà Vị lật xem tờ Kinh báo trong phòng khách, nhớ đến người phóng viên mình từng thấy trên tàu hoả.



Hình minh hoạ của bài viết là bên ngoài khách sạn Bắc Kinh. Mặc dù có tên của Tạ Vụ Thanh cùng danh tính hai vị đại biểu bị ám sát, thế nhưng lại không thấy ảnh của họ. Với sự cẩn thận của anh, hẳn sẽ không để lại ảnh chụp trên mặt báo này.



“Hôm nay là sinh nhật cô hai đúng không? Vẫn đến làm việc à?” Giám đốc bưng trà tiến vào.



“Không có việc gì làm nên đến đây”.



“Ngày sinh nhật nên đi giải khuây”.



“Mỗi ngày đều cùng người ta giải khuây, hôm nay không muốn đi”, cô khép lại tờ báo, “Sau này trong văn phòng không cần giữ lại báo nữa, chuẩn bị thêm một ít sách không quan trọng là được. Bằng không nếu để người có tâm tư nhìn thấy, sẽ tìm chúng ta gây phiền toái”.



Giám đốc cẩn thận đáp lại, nhận lấy tờ báo: “Nhân viên đến toà soạn giao vé tàu, thuận tiện mang về thôi”.



Công ty vận tải đường thuỷ nằm trong một căn tứ hợp viện, là nhà cũ của Hà nhị gia, sau khi chú hai mua lại căn nhà quan mới thì dùng nơi này làm văn phòng chung, cách chỗ toà soạn ở Tuyên Nam không xa. Vùng Tuyên Nam nổi tiếng khắp cả nước là nơi văn nhân hội tụ. Trước đây còn có câu
“Tuyên Nam sĩ hương” [4], phàm là sĩ tử nhập kinh để chuẩn bị thi cử đều đến sống ở đây, mà hiện giờ, nơi ấy cùng Trình báo trên phố Vọng Bình ở Thượng Hải, chính là hai trung tâm báo chí lớn nhất của Trung Quốc.




[4] Tuyên Nam, phía nam của Tuyên Vũ Môn, lấy xưởng Lưu Ly cùng cầu Hổ Phường làm trung tâm, các nhà nghiên cứu sau này còn lại là “Tuyên Nam sĩ hương”, tức nơi hội tụ của các văn nhân sĩ phi nhà Thanh, là nguồn gốc của sự hình thành văn hoá Tuyên Nam.



Tờ báo nổi tiếng nhất thành Bắc Kinh là Xã hội nhật báo và Kinh báo, hai vị tổng biên tập nếu không phải thường xuyên đi dạo một vòng trong tù thì cũng bị người ta hạ lệnh giết chết.



Cô ở nhà tâm trạng hỗn loạn nên muốn đến văn phòng tìm chút việc gì đó để làm.



Văn phòng ở Bắc Kinh đã bỏ trống một tháng, hiện giờ công việc bề bộn chồng chất. Ngoại trừ kế toán, toàn bộ sổ sách trong đó cũng chỉ có cô xem hiểu.



Trước kia cô từng rất đau đầu mỗi khi học cái này, một ngày nọ, lão tiên sinh trong phòng sổ sách nói với cô, những vương gia triều Thanh trước đó, những gia đình quan lại tai to mặt lớn đều bại sản vô cùng nhanh, nguyên nhân là vì sinh hoạt xa hoa lãng phí, một phần khác cũng do bản thân bọn họ không biết số học, thường bị phòng thu chi trong nhà có cớ lừa gạt. Những công tử văn nhân trong xã hội cũ đều tự hào vì không sờ vào bàn tính, đối với bọn họ mà nói, đôi bàn tay kia chỉ dùng để lật sách viết chữ, nâng chén cầm đũa mà thôi.



Cô nghe xong lời của lão tiên sinh phòng sổ sách, ngược lại có hứng thú học tập, dần dần nghiệm ra được vấn đề.



Cô cầm bàn tính hạt châu làm bằng ngọc tinh xảo, xem sổ sách nhập tâm đến khi giám đốc gõ cửa, nói trong nhà gọi điện đến văn phòng. Hà Vị lúc xem sổ sách luôn thích an tĩnh, có thói quen rút dây cắm điện thoại ra.



Cô cắm lại xong, lại gọi về, người nhận điện thoại không phải Liên Phòng hay Quân Khương, mà là cô bảy.



Cô bảy nghe máy chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Về nhà trước, ngay lập tức về”.



Điện thoại ngắt, cô không dám chậm trễ, liền cầm túi xách vội vàng rời khỏi văn phòng, bước lên xe.



Dọc đường đi cô vẫn khiếp hồn bạt vía, hối hận vì không hỏi thêm một câu, thế nên căn bản không biết rốt cuộc xảy ra chuyện gì.



Hà Vị giục xe nhanh lên, xe trượt hai lần trên đường, cô trấn tĩnh lại nói: “Chạy bình thường đi”. Lỡ như đụng phải gì đó, sợ càng chậm trễ thời gian về nhà.



Vừa bước vào phủ, nhìn thấy hai mắt Liên Phòng đầy nước, đi lên nắm lấy tay cô: “Nhị tiên sinh…”



Hà Vị thấy cô bé như thế, lòng nóng như lửa đốt, bỏ lại Liên Phòng chạy nhanh về phía đông viện.



Cô vừa chạy, vừa đoán có lẽ vì chuyện của mình và Tạ Vụ Thanh mới khiến chú hai phát bệnh, tim đau như dao cắt. Không ngờ lúc đến đông viện thì nhìn thấy người chật ních trong sân, đều là mấy gã sai vặt trong dòng tộc Hà gia. Mà những chủ nhân khác của bọn họ đều đang ngồi đầy trong chính phòng của chú hai, Hà Vị bước vào, mắt thấy cha ruột mình liền biết mọi chuyện là do ông mà ra. Cô vừa định đến phòng ngủ, thoáng bắt gặp bài vị đặt trên sảnh lớn của chính phòng, trên đó viết “Hà Nhữ Tiên”.



Trong lòng cô chấn động, muốn chất vấn cha ruột vì sao lại đem bài vị đặt ở chỗ này, bị cô bảy đứng trước cửa phòng ngủ gọi đến: “Vị Vị, lại đây”.



Hà Vị cố ép mình phải bình tĩnh, cô bảy giúp cô vén rèm cửa, để cô vào trong.



Trong tấm rèm vàng sậm, chú hai vô tri vô giác nằm trên giường, sắc mặt tái nhợt như tờ giấy, một bên là lão trung y trong nhà, còn có chú Mậu và Quân Khương. Hai mắt Hà Vị đỏ lên, nước mắt đều rơi xuống.



Cô muốn nắm tay Hà Tri Hành, nhưng lại sợ tay mình lạnh lẽo, chỉ ngồi cạnh giường nhỏ giọng kêu: “Chú hai”.



“Bây giờ không nghe được”, lão trung y thấp giọng nói, “Chờ đến bình minh, có lẽ sẽ tỉnh dậy”.



Trong ánh sáng đèn tường.



Cô nhìn sắc mặt Hà Tri Hành, nước mắt lăn đầy trên má, trong phòng không ai dám lên tiếng, đều lo lắng cho Hà Tri Hành.



Mà cách một bức tường, bên ngoài lại vô cùng náo nhiệt, giống như sinh hoạt ngày thường trong dòng tộc. Có người hỏi, khi nào chuẩn bị cơm tối, là gọi giao đến nhà ăn, hay đặt bàn ở tửu lầu. Có kẻ giả mù sa mưa đáp lại “Anh hai còn chưa tỉnh, ăn trong nhà đi”…



Cô bảy đóng cửa phòng ngủ lại, chặn chút ồn ào bên ngoài.



Hà Vị cố nén nước mắt, thấp giọng hỏi: “Bọn họ đã làm gì?”



“Đám người đó mang bài vị cậu cả đến đây, nói trước mặt tiên sinh, cậu cả là một nghịch tử, không cần bài vị này nữa”, chú Mậu nói bằng giọng mũi nghẹn ngào, “Tiên sinh lý luận với họ, bọn họ liền nói, đứa con trai này là của đại lão gia, dù có vứt bài vị đi cũng không ai quản được. Nếu muốn đưa bài vị vào từ đường chỉ có một cách, đó là mang toàn bộ tài sản thuộc về cậu cả chuyển hết cho đại lão gia. Tiên sinh lập tức nổi giận công tâm…”



Lúc trước khi xảy ra chuyện ở Nam Dương, vốn dĩ chú hai có thể đưa tàu đến đón anh trai cô về, nhưng vì khi ấy hai phòng Hà gia cùng Hà nhị gia đấu đá quá lớn, bên kia dùng quan hệ giữ lại toàn bộ tàu ở bến cảng. Chú hai cầu xin mấy ngày, mới có thể gặp mặt cha ruột Hà Vị, vừa xuất hiện ông ta đã yêu cầu chú hai trả con trai cho mình, cha ruột luôn nghĩ chú hai không con không cái, không ai tranh giành gia sản vận tải đường thuỷ giúp ông. Chú hai không hề do dự, ngay ngày hôm đó ký vào giấy tờ trả anh trai về cho cha ruột cô.



Nhưng cuối cùng vẫn chậm một bước.



— HẾT CHƯƠNG 31 —
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom