• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full KINH THÀNH VỀ ĐÊM (DẠ LAN KINH HOA) (1 Viewer)

  • Chương 35: Trăng thành cổ thiên thu (2)

Đặng Nguyên Sơ bước vào, nhẹ giọng nói: “Anh Thanh sợ cô đau lòng nên bảo tôi đến ngồi cùng cô một lát”.



Hà Vị cầm danh sách liệt kê những loại mứt khô, đặt tờ hôn thư ở giữa, sợ chốc lát lấy ra bị người khác chú ý. Chuyện kia cũng thường thấy… ít nhất là mỗi lão nhân gia chỗ này đều từng chứng kiến hay trải qua.



Cô biết Tạ Vụ Thanh vẫn còn trong toà lâu, không thể vừa ra khỏi phòng riêng đã biến mất, cần phải vượt qua nhiều đường. Cũng không biết trong tràng cười đùa ồn ào xung quanh, nơi nào có anh.



“Anh Thanh là người dạy tiết học đầu tiên của tôi ở Bảo Định”, Đặng Nguyên Sơ ngồi trước mành trúc, tán gẫu với cô, giúp cô giảm bớt tâm sự trong lòng. “Bài đó nói rằng, ở trên chiến trường cần phải có lòng dũng cảm không tiếc hy sinh thân mình vì nước, cũng nên biết trước, vì đại cục, vì đồng bào, vì cuộc sống an ổn, lúc nào cũng có thể bị bỏ rơi. Nhiều khi vì bảo toàn chuyện lớn, đúng lúc ở nơi không thể tiếp viện, đánh đến cuối chỉ còn lại một mình, sau đó là chết trận”, hắn ngừng một lát nói tiếp, “Những thứ kia, cần phải nhìn thấu mới có thể đến chết không hối tiếc”.



Cô bỗng nhớ đến anh từng nói “Quốc gia cùng người, đều có thể phụ tôi”… Chung quy từ đó mà ra.



“Khi ấy tôi đã nghĩ, thầy giáo này rốt cuộc có gì chứ. Không chỉ dựa vào chiến công mới được giữ lại trường”.



“Tiết thứ hai là gì?” Cô muốn biết chuyện quá khứ của anh, càng nhiều càng tốt.



“Tiết thứ hai…” Đặng Nguyên Sơ nhớ lại, “Giảng về —
thượng binh phạt mưu [1], tiếp đến là
phạt giao, rồi lại
phạt binh [2], sau cùng hạ thành”.




[1] Thượng binh phạt mưu, ý chỉ dùng mưu kế, sách lược để đánh hạ kẻ địch.




[2] Phạt giao, ý chỉ phá vỡ sự liên kết của kẻ thù với xung quanh; Phạt binh, ý chỉ phá tan phòng tuyến của binh lính giặc




Đặng Nguyên Sơ nhớ đến liền cười: “Nghe anh ấy giảng xong, tôi liền biết bài học này. Năm đó tôi hỏi anh ấy, liệu tôi có năng lực đến làm việc ở Bộ Ngoại giao không, anh ấy trả lời là, ‘Những người từng lãnh binh đánh trận đều hiểu được đạo lý, mưu trước giao sau, tiếp đến mới dụng binh, đây vốn là môn học bắt buộc, có gì không thể?”



Hắn lại nói: “Giao tiếp để giành lấy hoà bình, là một loại năng lực mà những tướng lĩnh cấp cao cần phải có. Nếu không giỏi chuyện này, cũng không xứng làm học trò của Tạ Vụ Thanh. Cho tới bây giờ, anh Thanh trên chiến trường luôn là một lão hồ ly, so với những kẻ ngày xưa giam lỏng anh ấy ở đây không biết cao hơn bao nhiêu bậc, đúng thật là tính kế tàn nhẫn”.



Hà Vị cười, mọi khổ sở trong lòng đều bị lời này xua tan hết.



“Vẫn là anh ấy hiểu anh”, cô hỏi Đặng Nguyên Sơ, “Chuẩn bị quay về Bộ Ngoại giao sao?”



Đặng Nguyên Sơ ngầm thừa nhận.



“Bác Tấn không con không cái, nhưng quan hệ rộng khắp, cũng rất thích anh. Chú chín đã trở lại, để tôi bảo chú ấy thay hai người làm chứng, giúp anh nhận cha nuôi. Đây cũng là ý định của bác Tấn, ông muốn để lại các mối quan hệ của mình cho anh. Nếu anh còn muốn làm ngoại giao —”



Rèm cửa được vén lên, cô dừng lại.



Có quan quân tiến vào, lấy rương quân trang của Tạ Vụ Thanh đi, đây đều là đồ Tạ Vụ Thanh phải thay khi ra khỏi thành.



“Thay tôi nhắn với tướng quân”, cô nhẹ giọng nhắc nhở, “Sau khi Liên Xô thành lập luôn bị các quốc gia khác cô lập, đường biển sang đó không dễ đi chút nào. Hơn nữa giờ đang là mùa đông, không thể đi được. Hà gia sẽ mở chuyến tàu sớm nhất, vào tháng Ba”.



“Ti chức hiểu ạ”.



Quan quân thẳng lưng, chào theo kiểu quân lễ với cô rồi mang rương da ra ngoài.



Dưới lầu vô cùng náo nhiệt, là cô đào sắp sửa diễn áp trục tối nay bước ra, trang điểm kỹ càng, theo người giới thiệu đến chào các vị khách quý.



Cô đào này tên gọi Chúc Tiểu Bồi, cũng chính là người ở chung với Đặng Nguyên Sơ trong hội quán.



Hà Vị xuyên qua rèm cửa nhìn thấy ông chủ của Quảng Đức Lâu, còn có mấy người đàn ông không biết mặt đứng phía trên, bọn họ hộ tống Tạ Vụ Thanh đi ra sau sân khấu… Thiếu tướng quân của cô, đi thật rồi.







Năm mới này, phòng hai và phòng chín ở cùng nhau.



Hai anh em thân thiết sau khi uống rượu một hồi liền ngủ gà ngủ gật. Thím lớn thím nhỏ cùng vô trở về phòng, ba người chen chúc trên cái giường Bạt Bộ, mở cái hộc tủ trên vách gỗ. Thím nhỏ lấy ra một cây nến sinh nhật, mỉm cười: “Mộc mạc thế”.



Thím lớn thấy lạ hỏi: “Cây nến này từng đốt chưa?” Đỉnh lõi bông vẫn còn vệt màu đen.



Thím lớn theo thói quen định tìm cây kéo, muốn cắt đỉnh lõi bông nhòn nhọn kia.



Hà Vị vừa trông thấy đã đoạt lại: “Cái này không thể cắt đâu ạ”.



Hai người thím của cô trước đây từng sống những ngày phải xem sắc mặt người ta để đoán ý, tất nhiên biết được nến sinh nhật này có liên quan đến vị Tạ thiếu tướng quân kia rồi.



Hà Vị gói kỹ nến sinh nhật trong khăn tay trả về chỗ cũ.



Thím lớn thím nhỏ uống chút rượu nên đi ngủ sớm, cô ngược lại ngủ không yên, bèn xuống giường ra ngoài dạo.



Trong phòng Tây, Khấu Thanh ôm quyển sách tiếng Anh đánh vần, ngẩng đầu trông thấy Hà Vị liền muốn hỏi han, nhưng cố gắng nhíu mày không lên tiếng, nghẹn một lúc lâu mới bật ra nửa câu: “Cô hai sao còn chưa ngủ ạ?”



Hiếm khi cô bé không nói lắp. Tật xấu này của Khấu Thanh vốn không phải bẩm sinh, lão trung y từng nói cô bé không có dị tật, chỉ do tâm bệnh, khi bản thân muốn sửa liền sửa được thôi. Vì thế đôi khi cô bé vẫn có thể nói một câu hoàn chỉnh không lắp bắp.



Nhưng tất nhiên, để nói được một câu trôi chảy như thế, Khấu Thanh đã sửa đi sửa lại suốt nửa tháng.



Mỗi lần đều nghẹn đến đỏ mặt…



“Em rốt cuộc bị thứ gì đả kích?” Cô xốc góc chăn, ngồi xuống cạnh Khấu Thanh, lưng tựa vào thành giường, “Sao bỗng nhiên muốn sửa vậy?”



Khấu Thanh lại nín thở.



Thôi được, cô kiên nhẫn chờ chút.



“Em, em nói lắp tiếp vậy… cái này cũng không thể một hai ngày là có thể sửa ngay”.



Quân Khương xoay người, ngồi trên giường đối diện lên tiếng: “Để em nói thay cho”.



Đêm giao thừa, mọi người đều không quen ngủ sớm, ai cũng tỉnh rụi.



“Có một lần Khấu Thanh nói chuyện cùng Lâm Kiêu, em ấy nghe Lâm Kiêu bảo, Tạ thiếu tướng quân mưu lược hơn người, không chuyện gì không giải quyết. Khấu Thanh liền chạy đi xin giúp đỡ, cầu mong Tạ thiếu tướng quân cho em ấy một lời khuyên, làm sao thoát khỏi tật xấu này”.



Hà Vị không nghĩ Tạ Vụ Thanh còn quản cả mấy chuyện kia.



“Tạ thiếu tướng quân nói với Khấu Thanh là, nếu sau này có một ngày cô hai của các cô phải lẩn trốn che giấu tung tích, mang theo cô sẽ vô cùng nguy hiểm. Vì đặc điểm nhận dạng của cô quá rõ ràng, dù có thay đổi khuôn mặt cũng vô ích”, Quân Khương ngồi dậy, chỉ vào Khấu Thanh, “Nha đầu này nghe thấy liền lập tức hạ quyết tâm”.



Khấu Thanh liên tục gật đầu.



Quân Khương nhớ lại: “Thiếu tướng quân lúc ấy còn nói, vì Khấu Thanh thật lòng thật dạ muốn đối tốt với cô hai, đây là động lực lớn nhất. Chỉ cần lòng người có chỗ hướng về, càng dễ thành công”.



Lòng người có chỗ hướng về, càng dễ thành công.



Cô lẩm bẩm những lời này, phảng phất như nhìn thấy bộ dáng của Tạ Vụ Thanh khi nói chuyện.



Quân Khương cũng chen vào: “Lúc nào cũng phản quân phiệt, phản quân phiệt, thật ra em không hiểu lắm. Thiếu tướng quân rốt cuộc vì cái gì liều mạng như vậy?”



Hà Vị cười khổ.



Tạ Vụ Thanh là tướng quân, với anh mà nói, thời buổi loạn lạc bất kỳ ai cũng có thể cầm súng đứng lên, tuỳ lúc bỏ mạng.



Cô thấp giọng đáp: “Quân phiệt ở các tỉnh một khi giành thắng lợi liền thu thuế, nếu thua cuộc thì bắt trai tráng nhà dân đi lính. Rất nhiều gia đình không có tiền, cũng không có người lao động, toàn bộ đều phải ra ngoài đánh giặc…”



Mà Hà gia xuất thân là thương nhân, đối với chính sách thu thuế hiểu rõ nhất, trong chuyện này mọi người khổ đến thế nào.



Cô lại tiếp lời: “Anh trai trước kia từng làm ở Bộ Tài chính, chỉ có mấy tỉnh thành là thật sự nộp thuế, còn những quân phiệt các tỉnh còn lại vì xưng vua một cõi nên không chịu nộp thuế cho quốc gia. Đất nước làm cái gì cũng không đủ tiền, mà bọn họ lại rặt một đám
phú khả địch quốc [3], ở các tỉnh đó, cái gì cũng có thể đánh thuế được, chỉ có chuyện các em không tưởng nổi chứ không có chuyện bọn họ không dám làm. Nếu thu thuế lương thực không đủ, vậy thì nộp thêm thuế cày cuốc, đến cả việc lên núi hốt phân súc vật mang về bón cây cũng bắt nộp thuế phân. Chưa kể còn có các loại quyên tiền, nào là quyên tiền kết hôn, quyên tiền uống trà, quyên tiền xem kịch, làm hoà thượng cũng phải quyên tiền. Những tư lệnh đó còn sợ không đủ, bắt phải thu thuế trước và sau mấy chục năm, có quân phiệt một lần thu đến năm 2050, thuế của một trăm năm sau đều thu xong hết rồi. Nếu không thể nộp thuế thì làm sao bây giờ? Chỉ còn cách bán con bán cái, cả nhà đói chết la liệt đầu đường”.




[3] Phú khả địch quốc, ý chỉ một người/hộ/nhóm giàu ngang ngửa một quốc gia



Thậm chí có thứ còn khủng khiếp hơn, chính là thuốc phiện. Đây cũng là điều khiến cô và Tạ Vụ Thanh thống hận nhất.



Cô nhẹ nhàng nói: “Quân phiệt các nơi vì muốn mở rộng quân đội, nghĩ cách để nông dân trồng thuốc phiện. Anh Thanh nhiều năm chinh chiến bên ngoài, càng cảm nhận sâu sắc”, thế nên việc Tạ Vụ Thanh muốn cấm thuốc, quả thực là liếm máu trên mũi dao, Hà Vị có thể tưởng tượng được có biết bao kẻ ôm hận vì anh, bởi lẽ đây chính là nguồn thu huyết mạch của đám người đó, “Có quân phiệt còn phát minh ra thuế lười, chuyên trừng phạt những “người lười biếng” không chịu trồng thuốc phiện. Năm đầu tiên Dân quốc, thuốc phiện chỉ chiếm 3 phần đất canh tác, mà nay đã gấp năm, sáu lần”.



Có người đùa rằng, từ khi Dân quốc tới nay, cuộc chiến của quân phiệt là một phiên bản khác của chiến tranh thuốc phiện, các nhóm quân phiệt tranh đoạt đất đai, nhằm chiếm giữ đất canh tác trồng thuốc phiện, chỉ vì muốn thu được nhiều tiền, mua thật nhiều vũ khí tối tân…



Không một quốc gia nào có thể giàu mạnh trong tình cảnh như thế.



Cũng không một người dân thường nào lại muốn sống trong xã hội như vậy, nếu không phải bị bóc lột đến tiền của đời cháu chắt thì chính là chịu cảnh lúc nào cũng có thể bị người ta kéo ra ngoài đánh giặc, sau đó bị giết chết, bị nổ chết trên mảnh đất quê hương mình… Nếu không thì đem toàn bộ cương thổ của Hoa Hạ gieo trồng thuốc phiện.



Một khi không người quản thúc, đám quân phiệt này tương lai sẽ thành dạng gì?



Đều nói
“nhất tướng công thành vạn cốt khô” [4], hài cốt ấy nên là thây xác của những kẻ xâm lấn lãnh thổ trên chiến trường, chứ không phải đạp lên tính mạng của người dân bình thường để xây dựng thành trì.




[4] Nghĩa đen là mỗi một vị tướng thành công đều phải đánh đổi bằng vạn bộ xương cốt của binh lính chết khô; nghĩa bóng là vinh quang của các bậc vua chúa tướng lĩnh đều phải trả giá bằng tính mạng của rất nhiều người.







Mùng Một Tết, Quân Khương mang đến một lá thư.



Hà Vị thấy Quân Khương nén cười, như đoán được điều gì đó, tim đập thình thịch.



Cô vội cướp lá thư từ tay Quân Khương, tìm một cây kéo bạc nhỏ, cẩn thận tỉ mỉ cắt bì dán.



Rút một tờ giấy được gấp làm bốn, cô chậm rãi mở ra, nhìn nét chữ là của Tạ Vụ Thanh:




Em thân yêu,




Nay đã đến nước ngoài, rất nhớ nhung. Mấy ngày gần đây lo lắng tình hình chiến sự phương Nam, ba đường hai ngả đông chinh đều là thuộc hạ cũ của quân phiệt, sợ rằng có dị tâm, cùng quân phản nghịch ngầm trao đổi tin tức. Nhưng, thân đang ở đất Bắc, bị bó buộc tay chân, chỉ đợi mùa đông qua lập tức có thể xuôi Nam. Đông chinh vì thống nhất toàn bộ Quảng Đông, một khi Quảng Đông được củng cố, mới có thể bắc phạt, vì vậy trận chiến này phải thắng, hơn nữa nhất định phải thắng lợi vẻ vang.




Nhớ lại ngày đó chú hai từng hỏi, về chuyện bắc phạt, rất nhanh sẽ đến. Nhiều năm nay tâm nguyện của Thanh chính là bắc phạt, nhưng cũng không chỉ có vậy.




Cường quốc dùng tô giới như một nước trên đất ta, ôm theo tâm tư lang sói, một ngày quốc thổ còn chưa vẹn toàn, thuốc phiện khó được diệt trừ, kéo dài như cá trong ấm nước chờ đun, ngày đêm bất an. Chí hướng trong lòng này, chưa bao giờ thay đổi, vì cứu nước độ dân là thiên chức của người hành quân, đến chết không hối hận. Mà anh độc thân hơn 30 năm, cuối cùng cũng có em làm tri kỷ, chắc vì cứu nước cứu dân, nên được trời xanh thương tình.




Ngày cuối năm, nhớ nhà cũng mong em.




Nhớ đến áo cơm của bốn trăm triệu đồng bào, cũng là nhớ chuyện cơm áo của em, mong cầu cho đất nước của bốn trăm triệu đồng bào, cũng cầu mong em tuổi mới vô ưu vô lo.




Thanh,




Ngày 13 tháng Một.




Cô phát hiện thư có hai mặt, mặt thứ hai chỉ có một hàng chữ:




Từ thời niên thiếu Thanh đã vào Liễu doanh, câu văn không giỏi, cầm bút chỉ viết chuyện chiến tranh, đặt bút chỉ lo bày binh bố trận. Bản thân trên chiến trường buồn chán không thú vị, may mắn có em thân yêu, không chê không bỏ.



Cô bất giác mỉm cười.



Dường như khi anh viết xong mặt trước, cảm thấy không ổn lắm, nên mới viết thêm một mặt nữa.



Cô cầm trên tay phong thư nhà đầu tiên anh gửi, xem đi xem lại đến khi trên mặt cảm giác lành lạnh, vừa ngẩng đầu mới biết là tuyết rơi rồi.



Hà Vị ngửa đầu cười, nhìn bông tuyết lả tả rơi xuống.



Nghe nói phương nam ít tuyết, cũng không biết có thể nhìn thấy tuyết lớn như thế không. Cô chưa từng đến Quảng Châu, nghe bảo ở đó điểm tâm sáng rất ngon. Còn có Quý Châu… Cô nhớ đến bình rượu Mao Đào pha lẫn với trà hoa quế, trước lúc kết hôn, cô nhất định phải đến quê hương anh một lần, tận mắt nhìn ngắm vùng đất anh lớn lên từ thuở bé xíu.



Cô lại nghĩ cái tên Tạ Khanh Hoài lừng danh ở phương nam, nghe bảo không phải trên chiến trường, mà chính là ở trường quân đội. Anh cũng lâu rồi không về quê cũ… Có điều đối với người như anh mà nói, quốc gia chính là quê hương. Bất kể đông tây nam bắc, dân tộc là nhà.







Ngày 1 tháng Hai, chính phủ của Đoàn Kỳ Thuỵ tổ chức thành công hội nghị khắc phục hậu quả sau chiến tranh.



Tại hội nghị khắc phục hậu quả này, quân phiệt các tỉnh Tây Nam một lần nữa đưa ra chủ trương “tự trị liên tỉnh”, bắt chước phương Tây, thành lập một hệ thống nhà nước liên bang.



Đối với chuyện đó, Tấn lão từng đánh giá một câu với cô: “Chưa cần nói tốt xấu, chỉ nhìn từ đời Ngu Hạ Thương Chu, mấy ngàn năm qua chúng ta luôn kiên trì giữ vững bốn biển quy về một mối. Tự trị liên tỉnh ư? Nếu đúng thật thì chẳng ai có thể quản nổi bọn họ, toàn bộ đất nước này trên dưới đều là ruộng thuốc phiện”.



Ngày 1 tháng Ba, Hội nghị Quốc dân tổ chức tại Bắc Kinh.



Trên báo đăng rất nhiều người nổi tiếng đến tham dự hội nghị, ví như Lý Đại Chiêu, Vương Tẫn Mỹ, Triệu Thế Viêm.







Tết năm nay, Tạ Vụ Thanh ở Liên Xô.



Giữa tháng Ba, Tạ Vụ Thanh nhìn thấy Bạch Cẩn Hành du học nước ngoài mấy năm trời, đã nhiều năm không gặp, Bạch Cẩn Hành thành thục không ít. Hai người bạn cũ ôm chào nhau, sau đó buông ra đánh giá đối phương.



“Cậu đến đây khi nào?” Tạ Vụ Thanh hỏi hắn, ý bảo ngồi nói chuyện.



“Lúc ở châu Âu, rất nhiều du học sinh Trung Quốc bị khi dễ, bộ phận của chúng ta ở châu Âu đã giúp những du học sinh này đến Liên Xô, tôi cũng theo tới đây”. Bạch Cẩn Hành cười ngồi xuống.



Bạch Cẩn Hành được cô cả Tạ gia giới thiệu gia nhập Đảng, vừa gặp được Tạ Vụ Thanh càng có nhiều lời muốn nói.



Hai người nói từ chuyện đông chinh đến cuộc chiến bắc phạt sau này, không có hồi kết.



Kể từ lúc quốc cộng hợp tác, có rất nhiều người ở phe họ hoặc đang làm giáo viên, hoặc đang làm học sinh ở Học viện Quân sự Hoàng Phố, lập tức dẫn binh đông chinh, chiến đấu hăng hái vì Quảng Đông thống nhất, cũng là vì công tác chuẩn bị cho cuộc chiến bắc phạt trong tương lai.



Danh tướng như mây, mưu lược như mưa, không một ai cá biệt.







Đêm đó.



Tạ Vụ Thanh vốn đã thiếp đi, lại bị tiếng gõ cửa đánh thức, cấp dưới lúc nào cũng cố gắng đảm bảo việc nghỉ ngơi của anh, trừ phi có chuyện nguy hiểm đến tính mạng, bằng không sẽ không quấy rầy. Anh xoay người ngồi dậy, mở cửa, Bạch Cẩn Hành đứng bên ngoài đưa cho anh một phần điện báo.




Tôn Văn [5] bệnh chết ở kinh thành.




[5] Tôn Văn là tên gọi khác của Tôn Trung Sơn



Tạ Vụ Thanh nhìn mấy chữ ít ỏi, trong lúc đó nhớ lại rất nhiều chuyện. Đều là chuyện của quá khứ. Những người trong cuộc Cách mạng Tân Hợi lần lượt rời đi, năm tháng chiến đấu trên tiền tuyến đời trước của anh dường như trôi qua trước mắt.



Sau nhiều phút trầm mặc, anh gấp điện tín lại rồi ra ngoài.



Trong căn phòng tĩnh lặng đứng đầy tướng lĩnh, Tạ Vụ Thanh thấp giọng nói: “Đêm nay các vị thu dọn hành lý cẩn thận, chúng ta phải quay về rồi. Tìm cách đi đường bộ”.



Mà hành trình trên lưng ngựa chiến của anh nửa đời sau chỉ vừa mới bắt đầu.



Tình hình sau đó, giống như những lời Lý Đại Chiêu tiên sinh đã nói trong điếu văn:



“Trung Hoa là nơi mà các cường quốc thế giới đến tranh giành, từ châu Âu tới Nhật Bản, cướp đoạt chính trị, xâm lăng kinh tế, thậm chí âm mưu liên minh với nhau, chỉ để đoạt được đất nô lệ đem về làm trâu ngựa”.



Vô số tiền nhân đã ra đi, vô số hậu nhân hết người này đến người khác lần lượt ngã xuống.



Thử hỏi kế tiếp là ai? Ắt có người kế nghiệp của Hoa Hạ muôn đời hùng mạnh.



— HẾT CHƯƠNG 35 —
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom