• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Lá nằm trong lá (3 Viewers)

  • Lá nằm trong lá - Chương 10

Ngần ngừ một lát, Sơn quay xe, đạp máy, chở tôi về.


Nhà này chắc là thằng Lợi nhưng nó không có nhà, tụi tôi cũng chẳng cố vào làm gì.


Sơn vừa lái xe tránh mấy gốc cây cụt ven đường vừa càm ràm:


- Bữa nay xui quá mày!


- Ờ.


- Lên ngõ trên thì gặp đám bạn con Xí Muội, xuống ngõ dưới thì gặp con nhỏ hắc ám này…


Tự nhiên Sơn bỏ dở câu nói, mắt nhìn chăm chăm về bên tay trái. Chiếc 67 giảm ga, chạy rì rì.


- Gì thế? – Tôi ngạc nhiên,


- Mày nhìn coi. Ai như thằng Lợi.


Tôi nhìn theo ánh mắt của nó, thấy cách con đường đất vài thửa ruộng có một cái gì giống như cái ao, mặt nước lấp loáng trong nắng trưa. Một chiếc xe đầy gỉ sét nằm tênh hênh trên bờ, chất đầy bùn đất. Đang nhô lên hụp xuống trên mặt ao là một mái tóc vàng như rơm khô.


Mái tóc đó quá quen thuộc với hai đứa tôi.


- Lợi!


Tôi bắc tay lên miệng làm loa, kêu lớn.


Đúng như sự chờ đợi của bọn tôi, Lợi ngước mắt nhìn về phía phát ra tiếng kêu vì nó quả thật là thằng Lợi. Dường như nó có vẻ sửng sốt. Nhận ra hai đứa tôi, nó cứ chôn chân ngâm mình dưới ao, chẳng nói tiếng nào, cũng chẳng tỏ ra vui mừng.


- Mày đang làm gì đó? – Tôi toét miệng cười – Tụi tao đi kiếm mày quá trời!


- Tụi mày kiếm tao chi vậy? – Lần này thì Lợi mở miệng đáp, tiếng nói bị nhòe đi trong gió.


- Mày lên đây đi! – Sơn vẫy tay.


Lợi quay đầu một vòng như sợ có ai nhìn thấy, rồi lắc đầu:


- Tao chưa xong việc.


Tôi thúc tay vô lưng Sơn


- Nó không lên thì tụi mình xuống.


Sơn dựng xe sát vệ cỏ, rồi hai đứa tôi men theo bờ thửa lần tới chỗ Lợi.


Tôi cúi nhìn chiếc xe đẩy chất đầy bùn, khịt mũi:


- Mày moi bùn làm gì vậy?


- Trát vách.


Lợi đáp gọn lỏn, lại thụp người xuống moi bùn, chỉ thò mỗi cái đầu trên mặt nước.


- Thôi, mày đừng moi nữa! – Sơn chép miệng – Nghỉ tay nói chuyện chút đi!


Nó liếc chiếc xe đẩy nằm sát mép ao:


- Xe mày cũng đầy rồi. Chất thêm nữa, mày đẩy không nổi đâu!


Lợi không ừ hử tiếng nào nhưng sau khi bê hai cục bùn to nhoài người đắp lên xe, nó không hụp người xuống nước nữa. Nó đứng yên dưới ao, giương mắt nhìn hai đứa tôi như muốn nói tao nghỉ tay rồi đó tụi mày muốn nói gì nói đi.


Tôi e hèm:


- Mày viết xong phần kết truyệnChàng chăn ngựa của nhà vua chưa?


- Chưa.


Trên đường đi, tôi và Sơn đã bàn với nhau kỳ này quyết bắt thằng Lợi phải thòi cái phần kết ra, nó chưa viết thì hai đứa kè hai bên bắt nó ngồi viết tại chỗ. Nhưng bây giờ bắt gặp nó trong tình cảnh này, biện pháp “bánh mì kẹp thịt” của bọn tôi phá sản sản hoàn toàn. Hơn nữa, về mặt tình cảm, tôi cũng chẳng nỡ lòng nào gây sức ép thẳng thừng với Lợi khi nó đang ngâm mình dưới ao, bùn đất lem nhem đầy đầu chẳng khác nào một tay thợ cấy.


Tôi nhìn vạt ruộng xa xa, nói bâng quơ:


- Sáng nay thằng Thọ và thằng Hòa đi thành phố in bìa đặc san. Nội dung tụi tao cũng in ronéo gần hết rồi…


Tôi chẳng nhắc gì đến Lợi, nhưng giọng nói lẫn vẻ mặt của tôi còn trắng trợn hơn cả kẻ đi đòi nợ.


- Mai tao đưa – Lợi nói ngay, làm như nó không muốn nhức đầu khi nghe tôi ca cẩm, cũng có thể nó muốn qua phứt chuyện này cho rồi để nó tiếp tục moi bùn cho cậu nó.


Sơn cười hề hề:


- Nói phải giữ lời nha mày!


Lợi không nói gì, có vẻ như nó coi chuyện này đã giải quyết xong rồi, lại nhúc nhích chuẩn bị khom mình xuống ao moi bùn tiếp.


Tôi dùng câu hỏi chặn nó lại:


- Ngày nào mày cũng đi moi bùn à?


- Đâu có – Lợi thẳng lưng lên – Tao mới đẩy xe bùn hai bữa nay.


Tôi nhìn mái tóc vàng hoe trên đầu nó, bỗng nhớ câu nói của nó hôm trước “Tao không có thì giờ học bài”, lòng chợt bâng khuâng:


- Thế những ngày khác về nhà mày làm gì?


- Cậu tao kêu tao làm gì tao làm nấy.


Lợi ngập ngừng đáp, trông nó có vẻ không muốn nhắc đề tài này.


Sơn ngồi thụp xuống, đập đập tay lên cỏ:


- Làm gì mày đứng hoài dưới nước vậy? Leo lên bờ ngồi nói chuyện đi!


*


**


Đợi thằng Lợi leo lên bờ ngồi xếp chân đâu vào đó rồi, Sơn mới đằng hắng lấy giọng:


- Khi nãy tụi tao ghé nhà cậu mày.


Lợi có vẻ biến sắc khi nghe Sơn thông báo. Tôi thấy cặp mắt nó đưa qua đưa lại như hai ngôi sao chuẩn bị đổi ngôi, và khi nó hỏi tôi thấy răng trên nó cắn vào môi dưới, hoàn toàn không tự chủ:


- Làm sao tụi mày biết nhà cậu tao?


Sơn bĩu môi:


- Thôn Liễu Trì của mày nhỏ như cái lỗ mũi, dò hỏi một chút là ra ngay.


- Thế tụi mày có gặp cậu tao không? – Lợi lại hỏi, tôi có cảm giác nó đang lo lắng và điều đó làm tôi rất ngạc nhiên. Tụi tôi đi tìm nó vì công việc của nhà trường chứ tụi tôi đâu có đi chơi. Lúc đó thực sự tôi rất muốn chui vào đầu nó và đánh lên một que diêm xem nó đang nghĩ gì.


- Không – Sơn gãi cằm – Tụi tao chỉ gặp nhỏ em họ của mày.


- Nó bảo tao ở ngoài này hả? – Mặt Lợi tiếp tục lộ vẻ xao xuyến.


- Nó chả bảo gì cả. Tao hỏi mày có nhà không, nó cóc thèm trả lời, ngoáy đít đi luôn.


Sơn có vẻ vẫn còn ấm ức về thái độ của con nhỏ khi nãy, nó nói về nhỏ em họ của Lợi bằng cái giọng như thể đang nói về một con cóc.


- Ờ.


Lợi “ờ” một tiếng nguội ngắt, và đưa mắt nhìn ra xa như muốn bằng thái độ đó ngăn tụi tôi tiếp tục nói về đề tài này.


Nhưng Lợi càng muốn ngăn tụi tôi càng thấy có quá chừng thứ để hỏi.


- Tao thấy con nhỏ đó quen quen, mày – Tôi vừa nói vừa đập tay lên vai Lợi cho nó quay lại.


Lợi quay lại nhưng không nhìn đứa nào trong hai đứa tôi. Nó cúi gằm như thể rà xem sau khi chôn người hàng buổi trong bùn nó có bị rụng mất ngón chân nào không, và ở tư thế rất bất tiện để trò chuyện đó, nó ấp úng giải thích:


- Nó học lớp tám trường mình.


- Hèn gì! – Tôi reo lên, nhưng rồi tôi khựng ngay lại – Ủa, học lớp tám, em mày phải biết tao và thằng Sơn chứ. Sao lúc nãy nó nói chuyện với tụi tao như nói chuyện với kẻ thù vậy?


Cứ như thể tôi vừa bắt Lợi uống một vốc thuốc ký ninh. Mặt nó cau lại, và mặc dù nó mới mười sáu tuổi lúc này tôi thấy những vết hằn chạy dài trên trán nó.


Nó nhìn tôi, mấp máy môi nhưng không có âm thanh nào phát ra.


Tôi tính gân cổ “Mày nói lớn lên coi!” nhưng rồi cuối cùng tôi kềm lại sự nóng nảy khi phát hiện đôi mắt Lợi đột nhiên lạnh đi dù cả bọn đang ngồi giữa trưa nắng gắt.


Lợi có vẻ không muốn trả lời thắc mắc của tôi, nhưng thấy tôi nhìn như xoáy vào mặt nó, Lợi biết thừa dù tôi không mở miệng giục nhưng cái nhìn đầy chờ đợi đó cho biết tôi sẽ ngồi trên bờ ao này đến tối nếu nó chưa tiết lộ tại sao nhỏ em họ của nó đối xử với tôi và thằng Sơn như vậy.


- Ờ… chắc vì tụi mày là… bạn tao – Lâu thật lâu, Lợi mới mở miệng, giọng ngắt quãng vì gió và vì nó có vẻ vô cùng bối rối khi thú nhận như vậy.


- Mày nói gì? – Sơn chồm người tới trước như bị ai xô, miệng há hốc.


Tôi cũng chưng hửng:


- Vì tụi tao là bạn mày? Mày có nói lộn không vậy?


Trong khi Lợi đang trù trừ, có lẽ không phải để tìm câu trả lời mà tìm dũng khí để thốt ra câu trả lời đó, thì Sơn buột miệng “à” lên một tiếng:


- Tao hiểu rồi! Con nhỏ đó nó ghét mày nên ghét lây cả bạn mày phải không?


Lợi không nói phải hay không nhưng cái cách nó lúng túng đưa bàn tay đầy bùn sình lên gãi đầu có giá trị gấp chục lần lời thừa nhận.


- Mày làm gì mà nó ghét mày dữ vậy?


Tôi dè dặt hỏi, giọng cố tỏ ra dịu dàng để không chạm đến nỗi khổ tâm của nó.


Lợi nuốt nước bọt:


- Tao có làm gì đâu.


- Hay tại mày ghét nó trước? – Tôi vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Lợi, dò hỏi bằng cả miệng lẫn mắt.


- Làm gì có! Tụi mày cũng biết rồi, phận tao là phận ở nhờ… – Lợi cười khổ, nó đã bỏ tay khỏi mái tóc nhưng tay này lại nắm chặt tay kia, c chỉ khiến tôi tin là nó vẫn chưa trấn tĩnh khi hai đứa tôi cứ xoay quanh câu chuyện em gái nó.


Sơn khụt khịt mũi:


- Hay tại cậu mày đem mày về nuôi nên nó ghét mày?


- Tao không biết.


Lợi ủ rũ đáp, có vẻ như nó đang loay hoay trong mớ câu hỏi mà tụi tôi nhồi vô đầu nó.


Không muốn làm thằng Lợi khó xử hơn nữa, tôi ngước nhìn mặt trời đang treo ngay đỉnh đầu, phủi quần đứng dậy:


- Tụi tao về đây.


Trước khi men theo bờ thửa để ra đường, tự nhiên tôi buột miệng – như ông cụ non:


- Dù sao mày và nó cũng là anh em họ mà. Ông bà mình nói rồi. Một giọt máu đào hơn ao nước lã.


*


**


Bữa đó, trên đường về tôi và thằng Sơn buồn thỉu buồn thiu.


Chẳng đứa nào ngờ văn sĩ Mã Phú lừng danh khi về nhà lại vất vả đến vậy. Khi nãy nếu xe đẩy của Lợi chưa đầy, hai đứa tôi không ngần ngại gì mà không cởi áo nhảy xuống ao moi bùn phụ với nó.


Bây giờ tôi mới biết tại sao Lợi không thể cà nhỏng suốt ngày như bọn tôi. Hôm nào cũng vậy, hễ trống tan trường vừa vang lên là nó ôm cặp lủi mất. Hóa ra có bao nhiêu công việc nặng nhọc đang đợi nó ở nhà.


So với nó, bọn tôi giống như những ông hoàng con, rảnh lúc nào là đi chơi rừng chơi suối. Chơi chán lại tụ tập cà phê cà pháo, chả bao giờ phải mó tay vào việc nhà.


Đã mấy lần tôi tính mở miệng nói với Sơn về thằng Lợi, rằngthằng Lợi khổ quá mày há,rằngtội nó ghê mày há,đại loại những câu như vậy, nhưng cuối cùng tôi cố nén những lời thương cảm đó lại vì càng nói thì càng giống như tôi đang trố mắt nhìn vào số phận của thằng Lợi mà như vậy thì thiệt là xót ruột.


Thằng Sơn chắc cũng đang ở trong tâm trạng giống như tôi nên nó cũng chẳng hó hé tiếng nào từ lúc rời khỏi Liễu Trì. Hai đứa làm như hôm nay chẳng đứa nào nhìn thấy gì, nhưng éo le một nỗi khi tụi tôi càng làm ra vẻ không nghĩ gì đến thằng Lợi thì chính là lúc tụi tôi chỉ toàn nghĩ về nó.


Trưa đó, hai đứa chia tay trong ngượng ngập, cố không nhìn vào mắt nhau dù đứa nào cũng gân cổ lấy hơi rống thật to “Gặp lại nhé” như thể tụi tôi vừa trải qua một ngày chủ nhật tuyệt diệu nhất trong đời.


Tôi và Sơn chỉ có thể đánh lừa nhau (dù đứa nào cũng biết đứa này đang lừa đứa kia và cố nhiên lừa cả chính mình) nhưng không thể lừa được thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn.


Buổi tối, lúc Thọ triệu tập bút nhóm Mặt Trời Khuya trong quán cà phê quen thuộc để nghe nó thuật lại chuyện đi in bìa đặc san, ngay từ đầu nó đã nhận ra vẻ mặt không vui của tôi và Sơn.


Sau khi huênh hoang sùi bọt mép về công việc, nó nheo mắt nhìn hai đứa tôi, nhún vai:


- Hai đứa mày bữa nay ăn trúng thứ chi vậy hả?


Tôi nói, sau một thoáng ngâp ngừ:


- Hồi sáng tụi tao xuống nhà thằng Lợi..


- A! – Tiết lộ của tôi khiến Thọ gần như nhỏm lên khỏi chỗ ngồi, cảm giác có một cậy kim vừa chích vô mông nó – Tụi mày gặp nó không? Tụi mày xuống nhà nó chi vậy?


- Gặp – Tôi gãi cổ – Tụi tao giục nó đưa phần kết của câu chuyện.


- Nó bảo sao? – Thọ hỏi, vẻ nôn nóng, nó chồm cả người lên mặt bàn, suýt nữa làm đổ cả ly cà phê trước mặt.


- Nó bảo mai nó đưa.


Thọ ngả người ra lưng ghế, thở phào:


- Hay quá! Tao cứ sợ nó dùng dằng!


Thọ vừa thở hơi ra đã hít hơi vô. Nó lại thẳng lưng lên, cắm mắt vào mặt tôi:


- Ủa, như vậy tụi mày phải tươi mặt lên mới phải chứ?


Lần này Sơn lên tiếng đáp thay tôi, giọng nó buồn xo và khi nói thì nó cúi đầu xuống như thể nó đang nói chuyện với hai bàn chân của nó:


- Phận mồ côi khổ lắm tụi mày ạ. Thằng Lợi không sung sướng như tụi mình đâu!


*


**


Câu chuyện của hai đứa tôi khiến Thọ và Hòa ngẩn ngơ. Như có một sự khắc khoải chạy quanh các gương mặt, bốn đứa tự nhiên thừ ra như thể cả bốn đều là Trầm Mặc Tử và không khí tự nhiên lặng phắt đến mức có thể nghe thấy cả tiếng ruồi bay.


Ngay cả thời gian dường như cũng dừng lại, chỉ đến khi Thọ cất giọng mới có cảm giác nó bắt đầu trôi tiếp:


- Chậc! Bậy quá!


Như mọi khi, tụi tôi im lặng chờ thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn tự giải thích cái sự bậy của mình.


- Trước nay tao vẫn không ưa thằng Mã Phú – Thọ tặc lưỡi, cảm xúc ăn năn trào khỏi đôi môi vẫn quen mắng chửi của nó khiến tôi bất giác cảm thấy chạnh lòng.


Hòa gật gù, nó (cả tôi và Sơn nữa) hiểu ngay Thọ muốn nói gì:


- Ừ, tao cũng tưởng nó xa cách với anh em.


Thọ đưa hai tay lên trời, cao giọng, ai trông thấy chắc tưởng nó đang tôn vinh một danh nhân:


- Mã Phú đúng là “viên ngọc quý”!


Tôi liếm môi:


- Vậy nó không pê-đê hả mày?


- Pê-đê sao được!


Thọ quắc mắt gầm gừ như thể tôi vừa nói một điều gì hết sức bậy bạ, quên phắt rằng chính nó là đứa gán cho thằng Lợi hai chữ này. Nó hùng hồn, bắt đầu ra dáng một luật sư.


- Một viên ngọc quý thì không bao giờ pê-đê, hiểu chưa? Nó chỉ không có thì giờ đàn đúm như tụi mình thôi, hiểu chưa?


Sơn khép miệng, cảm khái:


- Hơn nữa, chắc nó mặc cảm…


Không khí đột nhiên chùng xuống sau câu nói của Sơn. Bút danh Hận Thế Nhân của nó lúc này lại có vẻ phù hợp với thằng Lợi hơn bao giờ hết và ý nghĩ đó khiến bọn tôi lập tức bị nỗi buồn nhấn chìm. Cà phê để trước mặt nhưng chẳng đứa nào buồn cầm lên.


Thọ cúi nhìn đăm đăm chiếc ly trước mặt, dáng nặng nề trông như không phải nó đang cúi nhìn mà đầu nó đang đổ gục ra phía trước.


Nhưng rồi Thọ ngẩng phắt lên. Nó cựa quậy người, cố xốc lại bản thân và khi nó mở miệng tôi biết ngay nó đang cố kéo câu chuyện ra xa đề tài ảm đạm này:


- À, con nhỏ đó là đứa nào vậy?


Tôi ngơ ngác mất một lúc mới biết thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn đang nói về ai:


- Con nhỏ em họ thằng Lợi hả?


- Ờ. Tụi mày có đứa nào biết nó không?


Ba chàng thi sĩ còn lại nghệt mặt nhìn nhau và trừ hai đứa chắc chắn mù tịt về đám con gái lớp tám là tôi và Sơn, thằng Hòa có vẻ cũng ú ớ nốt.


Bọn tôi đi học, xưa nay chỉ để ý tụi bạn cùng lớp hoặc các học sinh lớp lớn, chẳng đào đâu ra thì giờ để quan tâm đến lũ học trò lớp dưới. Đám em út lóc chóc đó (bọn tôi luôn coi là lũ nhóc hỉ mũi chưa sạch) không có bất cứ cơ hội cỏn con nào để lọt vào tâm trí của bọn tôi.


Tôi nhớ có lần tôi đến chơi nhà chú tôi, bị nhỏ em họ hỏi bài. Lúc đó đang ngồi học chung với nó là một con nhỏ xinh ơi là xinh, má nó mỗi khi cười lộ ra hai núm đồng tiền duyên đáo để. Con nhỏ này có vẻ ngưỡng mộ tôi ghê gớm khi tôi thao thao bày cho tụi nó phép giải hình học quỹ tích. Suốt buổi, nó nhìn vào tập thì ít, lom lom dòm tôi thì nhiều.


Hôm sau nhỏ em họ nói với tôi, vẻ hết sức bí mật “Bạn em thích anh lắm đó!”, tôi chỉ nói “Vậy hả?, lòng chẳng thấy xúc động tí ti nào. Thấy tôi chẳng thưởng nó cây kẹo nào, thái độ lại hờ hững phát ghét, nhỏ em họ liền hùng hồn quảng cáo “Nhỏ đó là hoa khôi lớp em đó”. Nhỏ em nói, tôi tin ngay. Cũng như tôi tin con nhỏ đó thậm chí xứng đáng là hoa khôi toàn trường. Nhưng dù vậy trong mắt tôi, hoa khôi có xinh đẹp cỡ nào cũng chỉ là đứa ranh con. Sau này khi trở thành thi sĩ Cỏ Phong Sương, và tương lai sẽ trở thành thi hào Đinh Hùng, Nguyễn Bính, bọn nhãi nhép đó tôi càng không để vào mắt.


Hận Thế Nhân và Trầm Mặc Tử chắc cũng vậy. Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn hỏi cả buổi rồi mà chẳng đứa nào lên tiếng.


Cuối cùng Thọ nhún vai, tự trả lời:


- Chắc chẳng đứa nào biết.


Sơn vớt vát, nghe giọng thì có vẻ nó cảm thấy có lỗi khi không biết chút gì về em họ thằng Lợi:


- Con nhỏ đó sống ở ngay thị trấn may ra tụi tao còn biết. Đằng này nó ở tuốt dưới Liễu Trì.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom