• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full LANG HOÀI HỮU NGỌC (5 Viewers)

  • Chương 6

Từ khi Bùi Nhị Lang trở về, cửa tiệm tào phớ vốn đã đông khách lại càng trở nên náo nhiệt.

Đầu tiên là huyện lệnh lão gia tự mình đến ăn tào phớ, sau đó phủ doãn Thao Châu cũng ngồi xe ngựa tới.

Nhờ vậy mà ta mới biết, trong cuộc chiến ngoài biên ải, Bùi giáo úy ban đầu phụng mệnh lĩnh một ngàn binh mã qua núi Lộc sông Hồn để nội ứng ngoại hợp với Trấn Bắc đại tướng quân, giành lại huyện Võ Tì trong tay người Hồ.

Sau đó, hắn lại xuất quân công phá hậu phương của địch, bắt sống mấy ngàn người già, phụ nữ và trẻ em người Hồ.

Lúc ấy, có người đề nghị giữ lại tù binh để áp chế giặc Hồ.

Kết quả là Bùi giáo úy chỉ thờ ơ đáp: “Không cần thiết.”

Mấy ngàn phụ nữ và trẻ em bị tàn sát, thiêu cháy toàn bộ.

Khi hắn hạ lệnh, ai nấy đều nói Bùi giáo úy thủ đoạn tàn nhẫn, máu lạnh vô tình.

Tin tức truyền tới hoa kinh, có những quan văn lòng đầy căm phẫn, hành động như thế thì có khác đám mọi rợ man tộc đâu?

Đương kim thiên tử là một minh quân, vốn có tấm lòng nhân từ, mà Đại Sở đối xử với tù binh luôn là chiêu hàng chứ không giết, huống chi phụ nữ trẻ em.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thanh danh Bùi giáo úy đã vang dội với vô số lời khen chê không thống nhất.

Mãi tới khi chiến dịch kết thúc, Trấn Bắc tướng quân và Bình Tây lão vương gia trở về kinh thành, thấy danh sách phong thưởng của thiên tử chỉ không có mỗi Bùi giáo úy chiếm phần lớn chiến công thì không khỏi nhắc nhở Hoàng Đế, lúc trước Bình Thành thất thủ, bá tánh huyện Võ Tì bị đồ sát, tất cả chỉ bởi những người lính ở biên giới phía Bắc đã thương hại một đứa bé man tộc, khiến nó có cơ hội hạ độc vào trong nguồn nước.

Nhân từ trên chiến trường chính là đưa cả bụng lẫn lưng cho địch chém. Ai có thể đảm bảo trong mấy ngàn phụ nữ và trẻ em kia, không có kẻ nào lòng dạ khó lường cơ chứ?

Không ai có thể hiểu rõ sự giảo hoạt và ngoan độc của mọi rợ Hồ hơn những người trở về từ biên quan như họ.

Bình Tây lão vương gia nói Hoàng Đế đứng ở vị trí thiên tử, đương nhiên nên gánh vác trách nhiệm của một thiên tử.

Hoàng Đế áy náy trong lòng, lập tức hạ chỉ sắc phong Bùi giáo úy làm Võ Vệ tướng quân, còn ban thưởng rất phóng khoáng.

Sau đó khi tuyên Bùi tướng quân lên điện, Hoàng Đế còn định cho hắn nhiều thể diện hơn, muốn phong cáo mệnh cho một vị nữ quyến trong nhà.

Nữ quyến của Bùi gia, ngoài thái mẫu đã cao tuổi thì cũng chỉ còn một vị quả tẩu.

Quả tẩu kia lo liệu việc nhà, hiếu thuận với thái mẫu, nuôi dạy tiểu cô, vừa thủ tiết vừa hiểu lễ nghĩa, cũng coi như một tấm gương tốt.

Thiên tử bừng bừng hứng chí, nhưng Bùi Nhị Lang lại cự tuyệt.

Hắn đã cự tuyệt…

Cự tuyệt…

Song cũng nghe nói, Hoàng Đế hỏi Bùi tướng quân, đều từ biên ải trở về, những người khác trẫm đã phong thưởng hết, chỉ mãi không triệu ngươi vào yết kiến, ngươi có suy tính gì không?

Bùi tướng quân nói: “Có, thần định cởi giáp, về quê nhà bán tào phớ.”

Hoàng Đế nghẹn họng, bởi vì ông ta bỗng nhiên cảm thấy, Bùi Nhị Lang dù giọng điệu hờ hững nhưng sắc mặt lại có chút nghiêm túc, có vẻ như hắn thực sự không mấy bận tâm đến chuyện phong thưởng.

Võ quan tam phẩm từ kinh thành về hiển nhiên vô cùng có giá.

Từ sau khi trở về nhà, Bùi Nhị Lang không lúc nào là nhàn rỗi. Rượu của quan huyện lệnh có thể không uống, nhưng phủ doãn tam phẩm và phủ đài nhị phẩm thì không thể không nể mặt.

Hơn nữa nhìn vào thái độ của họ, ta cảm thấy đường công danh của Bùi Nhị Lang mai sau sẽ cực kỳ rộng mở.

Suy đoán này tất nhiên là chính xác, bởi vì sau đấy, mấy người Hàn tiểu tướng tới cửa tiệm ăn tào phớ còn tiết lộ cho ta biết, Trấn Bắc tướng quân Phùng Kế Nho rất coi trọng Bùi Nhị Lang, có ý định tuyển hắn làm con rể.

Nhà họ Phùng ở hoa kinh vốn là hoàng thân quốc thích, trâm anh thế tộc chân chính.

Tướng quân Phùng Kế Nho không chỉ là anh trai ruột của Phùng quý phi trong cung mà còn là cữu cữu ruột của Khang Vương điện hạ.

Đồng thời cũng là cháu trai nhà mẹ đẻ của đương kim Thái Hậu.

Phùng gia có ba vị tiểu thư chưa xuất giá, mà Phùng tướng quân lại cố ý hứa gả con gái vợ cả cho Bùi Nhị Lang, ý tứ trong đó, không cần phải nói cũng biết.

Bùi tướng quân sắp một bước lên mây rồi.

Ta nghe vậy, nhịn không được mà hỏi Hàn tiểu tướng: “Thế vị Phùng tiểu thư kia là người như thế nào?”

“Thế gia tiểu thư, đương nhiên là rất tốt rồi. Chỉ có điều, nghe nói người ta là con gái của vợ cả nên bị người nhà chiều tới mức hơi phách lối, tâm cao khí ngạo.”

Hàn tiểu tướng nói xong, đôi mắt đảo quanh bốn phía một hồi rồi mới khẽ nói với ta: “Nhưng tẩu tẩu cứ yên tâm, ở trước mặt tướng quân nhà chúng ta cô ta không thể kiêu căng được đâu. Lần đầu tiên tướng quân đến nhà họ Phùng, Phùng tiểu thư nghe nói cha muốn gả mình cho hắn thì định ra oai phủ đầu với tướng quân, bỡn cợt tướng quân một phen, nào ngờ tướng quân của chúng ta căn bản không để ý tới cô ta, còn Phùng tiểu thư thấy tướng quân thì lại ngây ngẩn cả người, từ đó về sau cũng rất ít ra khỏi cửa, nghe nói là đang ở nhà thêu hoa, tu dưỡng tính tình.”

Hàn tiểu tướng vẻ mặt đắc chí, ta cũng gật gà gật gù: “Nhị thúc nhà ta xuất thân bần hàn, tuy xứng với quý nữ thế gia nhưng chỉ sợ vẫn bị người ta khinh rẻ, được vậy thì tốt quá rồi.”

“Sao có thể chứ, huynh ấy chính là Bùi Ý, người đã dẫn một ngàn binh mã đánh qua núi Lộc sông Hồn, tự mình ra lệnh tàn sát mấy ngàn phụ nữ trẻ em man tộc một cách vô cùng quyết đoán. Dũng khí như thế, ai dám coi thường chứ?”

Phái nữ chung quy vẫn là phái nữ, cho dù biết quyết định xử lý phụ nữ và trẻ em là chính xác nhưng nghe thấy Hàn tiểu tướng nhắc lại thì ngực ta vẫn khó chịu, trong lòng giá buốt.

Nhị thúc nhà họ Bùi, quả thực là một người tàn nhẫn.

Tuy nhiên, dù cho hắn có hơi tàn nhẫn chút thì vẫn là nhị thúc của Bùi gia, trước khi chính thức thành hôn, những chuyện nên lo liệu vẫn cần quả tẩu là ta thu xếp.

Chẳng hạn như lần này hắn trở về, ngoài bộ áo lông cừu và áo giáp trên người kia thì chẳng còn quần áo nào khác cả.

Khí hậu biên cương rét mướt, nhưng thời tiết ở kinh đô và Thao Châu thì lại không lạnh như vậy, buổi sớm mặc áo lông cừu còn được, chứ tới buổi trưa thì hơi nóng quá.

Huống chi hắn hiện giờ còn phải tham dự yến tiệc của phủ đài đại nhân.

Thế là ta liền dành ít thời gian tới tiệm vải, chọn mấy cuộn vải thật tốt, định may hai bộ áo bào dài cho hắn.

Trước giờ ta đều lựa chọn dựa theo cảm tính của mình, nhưng nay hắn đã trở lại, ta cũng phải hỏi ý kiến hắn một chút.

Ta chờ một mạch tới khuya, trong lúc đang chong nến may túi da dê màu đen thì chợt nghe tiếng vang truyền tới từ hậu viện, sau đó là tiếng Tiểu Đào cất giọng nói: “Nhị ca, huynh lại uống rượu rồi.”

“Ừ.” Bùi Nhị Lang hời hợt đáp.

Tiếp theo là tiếng bước chân càng lúc càng gần. Bên căn phòng sát vách, cửa phòng bị đẩy ra.

Ta bỏ kim chỉ xuống, đứng dậy, đi qua bên ấy hỏi hắn.

“Nhị thúc, chiều nay ta đã qua tiệm vải mua mấy cuộn vải, định may áo bào cho thúc. Ta muốn lấy vải xanh lục làm áo bào cổ tròn tay bó, còn cuộn xanh đen màu sắc tối hơn một tí, hợp làm áo bào cổ dài, ống tay áo may kiểu có thể quấn lại, sau đó dùng vải lụa màu lục làm viền tay và viền cổ, thúc thấy thế nào? Nếu thúc không thích thì ta sẽ đi mua hai cuộn màu khác…”

Ánh nên trong phòng lay động, Bùi Nhị Lang đang trông ra cửa sổ bất chợt quay đầu nhìn ta, mày kiếm khẽ nhếch, trong giọng nói trầm thấp là chút ý cười dịu hòa…

“Cô tự quyết định là được.”

Nhị Lang nhà họ Bùi, tính tình lãnh đạm, sắc mặt cũng lãnh đạm.

Lần này hắn trở về, tuy càng có vẻ lãnh đạm hơn những lần trước, nhưng ta lại cảm thấy hắn gần gũi với người nhà hơn rất nhiều, ít nhất là khuôn mặt không phải lúc nào cũng lạnh tanh, thỉnh thoảng trong mắt sẽ thoáng ý cười.

Ta gật đầu, dù đứng cách hắn một khoảng nhưng vẫn ngửi thấy mùi rượu trong phòng, thế nên lại nói: “Nhị thúc uống rượu à? Để ta xuống lầu đun ít trà đường cho thúc, thúc ngồi nghỉ đi.”



Ta nổi lửa dưới phòng bếp. Trà đường nấu không khó, chẳng mấy chốc đã xong.

Nhưng khi ta để trà vào khay rồi bưng lên trên lầu, lại chẳng thấy Bùi Nhị Lang đâu cả.

Ta đặt trà đường xuống bàn, quay về phòng ngủ của mình.

Quả nhiên, Bùi Nhị Lang đang ở gian phòng sát vách.

Giữa ánh nến vàng tù mù, hắn đĩnh đạc đứng nơi ấy, cúi đầu nhìn mấy cuộn vải cùng giỏ kim chỉ trên bàn của ta.

“Nhị thúc, ta nấu trà đường xong rồi, để ở bàn bên kia đó.”

“Ừ.” Hắn đáp, nhưng lại không hề rời đi.

Trong lúc ta đang nghi hoặc, hắn bỗng nhiên cười nói: “Chẳng phải là may quần áo à, không định đo kích cỡ một chút sao?”

Ta sực tỉnh táo lại, “à” một tiếng rồi lấy thước đo trong giỏ ra.

Bùi Nhị Lang vẫn đang mặc chiếc áo lông cừu mà ta mới may cho hắn. Áo thuần một màu xanh lam, khiến hắn trông càng cao ráo, rắn rỏi như ngọc.

Hắn vững vàng đứng đó, hai tay dang rộng. Ánh nến hắt lên từng góc cạnh rõ ràng trên khuôn mặt hắn, soi tỏ mày kiếm thẳng tắp.

Ta cầm cây thước gỗ dài, có hơi chần chừ: “Cái áo thúc đang mặc không vừa người sao?”

“Ừ, có hơi chật.”

“Chật à? Thế để ta nới eo ra một chút.”

“Cứ đo hết đi, phần vai và lưng cũng chật.”

Giọng nói của Bùi Nhị Lang trầm khàn và rất có sức thuyết phục, gần như không cho phép người ta phản bác, có lẽ là thành quả của nhiều năm tòng quân.

Thế nên ta chỉ đành tiến lên phía trước một bước, bỏ cây thước gỗ trong tay mình xuống: “Nhị thúc thứ lỗi, phần eo thì để ta lấy tay đo nhé, sẽ chuẩn hơn dùng thước một chút.”

“Ừ, làm phiền rồi.”

Ta đứng ở trước mặt hắn, vươn tay ra. Hắn sinh ra đã cao to, khiến ta trông càng có vẻ nhỏ gầy trước ánh nến.

Đỉnh đầu ta còn không chạm tới cằm hắn, chỉ có thể so được ngang vai hắn.

Mà hắn lại là người tập võ, dáng vẻ uy nghiêm dũng mãnh, chỉ cần một bên bả vai cũng đủ che hết mặt ta.

Khi đã đến đủ gần, ta đặt tay lên eo hắn, đo từng tấc một, tuy vẻ mặt rất nghiêm túc nhưng hình bóng ở trên tường lại trông như cả người ta đang dán sát vào lồ ng ngực hắn, đôi bên quấn quít lấy nhau.

Bùi Nhị Lang dáng vóc cường tráng nhưng vòng eo lại săn chắc, mùi rượu trên người cùng hơi thở lạnh giá của hắn quyện lại với nhau, khiến trái tim ta run rẩy.

Thế nên động tác của ta vừa khẽ khàng vừa mau lẹ, ngón tay chạm hờ trên eo của hắn, hết một vòng liền rụt về.

Khi đang ghi nhớ kích cỡ ước lượng trong đầu thì ta chợt nghe hắn gọi: “Tiết Ngọc.”

“Hả?”

Ta ngẩng đầu nhìn hắn, vẫn đang đứng trước mặt hắn, khoảng cách rất gần, gần đến mức ta có thể trông rõ từng biểu cảm nhỏ nhặt khi hắn cúi xuống nhìn ta.

Mái tóc đen thẳm như mực, hàng mày xa xăm như núi, đôi mắt dưới bờ mi dài như đang chất chứa vô vàn phiền muộn và áp lực, che giấu một loại tâm sự không thể cho người khác biết.

Hắn hơi mím môi, đầu óc vừa mới ghi nhớ kích cỡ của ta nhất thời trở nên trống rỗng, đáy lòng run rẩy, cảm giác như mình có vẻ đã bỏ lỡ điều gì đó.

Ánh mắt đôi bên giao nhau, vẻ mặt của ta vừa hoang mang vừa lúng túng.

Hắn nói với giọng khàn khàn: “Vai lưng còn chưa đo kìa.”

Khi đã hồi phục tinh thần, ta mới phát hiện tay mình vẫn đang run rẩy, sau lưng còn đổ một lớp mồ hôi mỏng.

Ánh mắt vừa rồi của hắn, có chút khác với Bùi nhị thúc thường ngày.

Nó sắc bén đến cực điểm, tựa như cặp mắt lóe sáng của một con sói trong bóng tối.

Quả không hổ là Bùi tướng quân thủ đoạn tàn ác, giết người như ngóe trên chiến trường mà người ta vẫn đồn đại, chỉ cần mỗi ánh mắt thôi là đã khiến cho kẻ khác sợ phát run trong lòng rồi.

Ta có hơi sợ hắn.

Khi đã bình ổn tâm trạng để đo vai và lưng cho hắn, ta liền tìm một đề tài để nói chuyện, tránh cho bầu không khí trở nên quá mức quái dị.

“Nhị thúc, ngày thúc và mấy người Hàn tiểu tướng trở về, chuyện lá thư mọi người nói là thế nào vậy, sao lại bảo không vì lá thư kia thì không biết có phúc tới quận Thao Châu ăn tào phớ hay không?”

Bùi Nhị Lang im lặng, một hồi lâu sau mới chầm chậm nói: “Khi lên kế hoạch đánh chiếm huyện Võ Tì, chúng ta đã phái một đội nhân mã đi đường vòng qua sông Hồn. Lúc ấy tiết trời giá rét, tuyết đã rơi mấy ngày liền, không ngờ giữa đường lại đụng phải một đoàn người Thiết Lặc đang hạ trại. Địch nhiều ta ít, nếu đánh thì khả năng thắng là rất thấp, hơn nữa còn trì hoãn viện quan trọng, vậy nên ta dẫn bọn họ trốn vào núi Lộc.

“Đám người Thiết Lặc hạ trại ba ngày, chúng ta cũng chịu rét ở núi Lộc ba ngày. Trời quá lạnh, đêm đầu tiên đã chết mất mười mấy người, hôm sau là mấy trăm người. Ngày thứ ba, ta nói với bọn họ, nhà họ Bùi chúng ta mở một cửa tiệm tào phớ ở huyện Vân An quận Thao Châu, nếu như bọn họ sống sót thì sau này ta sẽ dẫn họ đi ăn tào phớ và canh lòng gà.

“Bọn họ không tin, bảo là giáo úy nói xạo, vừa lúc trên người ta có thư cô gửi cho ta, liền lấy ra đọc cho họ nghe, mọi người khi ấy mới tin tưởng hẳn.

Trong nhà hết thảy đều tốt, thái mẫu ăn uống ngon miệng, chỉ có Tiểu Đào học hành không chăm chỉ lắm. Cửa tiệm tào phớ làm ăn ngày càng thuận lợi, láng giềng đều nói rất giống tay nghề của Bùi đại bá năm đó. Chúng ta hiện tại còn bán thêm canh lòng gà, mười lăm văn tiền một bát, bên trong có miến, còn cho được cả bánh bao vụn vào, mùa đông ăn một bát thì ấm bụng lắm, khi nào nhị thúc trở về có thể nếm thử xem. Mong sớm bình an về nhà.

Bùi Nhị Lang đọc lại toàn bộ nội dung bức thư, không sót một chữ. Dưới ánh nến màu vàng nhạt, khuôn mặt hắn vừa ôn hòa lại vừa có vẻ đau xót, giọng nói rất chậm rãi và nhẹ nhàng. Cuối cùng, hắn còn khẽ cười một tiếng.

Ta đột nhiên có cảm giác hơi chua xót, nhịn không được mà siết tay, nói với hắn: “Nhị thúc, hành quân đánh trận khó tránh khỏi gặp phải nhiều chuyện bất ngờ nảy sinh, cũng đâu còn cách nào khác.”

“Không, có cách đấy.”

Bùi Nhị Lang nhìn ta, đôi mắt đầy ẩn ý: “Chúng ta có ngựa, nếu làm thịt ngựa lót dạ hoặc uống mấy bát máu ngựa, sẽ không bị chết nhiều người như vậy.

“Chỉ có điều nếu làm thế thì tức là trì hoãn quân lệnh, gi3t chết chiến mã càng là trọng tội. Cho nên giữa quân lệnh và trách nhiệm, ta đã chọn vứt bỏ họ.”

“Chuyện này không phải thúc sai, trong những hoàn cảnh như thế, đâu ai biết lựa chọn nào mới là chính xác. Giết một con ngựa dễ thôi, nhưng cho dù có làm vậy thì cũng chưa chắc tất cả mọi người đều có thể sống sót. Nhị thúc, ta tin mỗi lựa chọn thúc đưa ra đều đã cân nhắc kỹ càng.”

Quân lệnh như sơn, xưa nay vẫn luôn là vậy.

Nhưng hình như những lời an ủi của ta cũng chẳng có tác dụng gì với hắn. Hắn lẳng lặng nhìn ta, khóe môi cong lên thành một nụ cười châm chọc: “Phải, hạ lệnh tàn sát mấy ngàn phụ nữ và trẻ em, cũng là đã cân nhắc kỹ càng rồi.”

“… Tuy rằng như thế rất tàn nhẫn, bọn họ cũng rất đáng thương, nhưng lỗi không phải tại thúc.”

“Thế thì là lỗi tại ai?”

“Lỗi tại họ là người Hồ, chúng ta là người Hán, lỗi tại họ sinh ra nơi hoang dã, chúng ta sinh cùng cảnh xuân, lỗi tại họ muốn giết chóc và cướp bóc, còn chúng ta muốn bảo vệ quốc gia của mình, lỗi tại họ muốn ăn no mặc ấm, chúng ta cũng muốn cấy cày làm ruộng.”

Phụ nữ trời sinh đã có chút cảm tính và nhu nhược. Khi nói, giọng ta cũng không tránh khỏi hơi nghẹn ngào: “Nếu đã định là kết thúc bằng chém giết thì hà cớ gì phải phân rõ đúng sai, nếu như thúc sai thì những gì người khác làm cũng không thể coi là đúng. Đâu có ai là thần tiên trên trời, sao có thể kín kẽ không một khe hở mãi chứ, gáo gỗ dùng lâu thì vẫn sẽ rạn nứt mà.”

Mặc dù nói vậy nhưng dù sao cũng là mấy ngàn mạng người. Ta nói một hồi, mắt đã nóng lên, vô dụng lau lau nước mắt.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom