Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 32
Tháng 7 năm Ất Mùi (1775). Tống Phúc Hợp chiếm được phủ Phú Yên. Huệ phải rút về phía bên này đèo Cù Mông. Lại một lần nữa, quân Tây Sơn chịu thất bại nặng nề! Và một lần nữa, hàng ngũ quân lính rối loạn, nhân tâm xao xuyến, tình trạng xã hội xáo trộn, hoang mang.
Thực là ngụy biện nếu bảo rằng hai trận thất bại ở Cẩm Sa và Phú Yên là hai bước tiến quan trọng của phong trào Tây Sơn. Chính Nhạc cũng ú ớ không dám nói như vậy, vì sợ ngượng với mình, và nói như vậy vô ích, vì không ai tin. Hàng loạt những đạo quân lâu nay làm nòng cốt của phong trào tan rã, nhiều nhân vật quan trọng bỏ trốn hoặc làm việc cầm chừng để chờ thời. Nhân tâm ly tán. Lệnh lạc chuệch choạc, các chủ trương chính sách mạnh bạo quyết liệt để ổn định trật tự thường vá víu tạm thời, nên bộ mặt của làng xóm thường tùy thuộc vào phong cách của viên xã trưởng. Những người này không tin tưởng mấy vào sự vững bền của chế độ, thường dùng chính sách hòa hoãn, xuề xòa cho vui vẻ cả làng. Vì thế, từ đèo Cù Mông cho đến châu ổ, vùng kiểm soát của Tây Sơn rã ra thành từng mảng bập bềnh như những dề bèo dạt trên mặt nước lũ.
Chỉ có Huệ là người độc nhất lạc quan trầm tĩnh trước các hiện tượng tan rã nguy hiểm ấy. Lạc quan trầm tĩnh nhờ vững tin vào một điều gần giống như qui luật của lịch sử. Huệ nghĩ dù thế nào chăng nữa, qua bao nhiêu cơn bão và giông tố, qua bao nhiêu trăn trở, bất trắc, mất mát, may rủi, phản trắc, dao động, cuối cùng cái tốt cái đẹp cũng thắng. Đó là qui luật của tạo hóa. Nếu cuộc sống không mỗi ngày mỗi đẹp thêm lên, cuộc đời không mỗi ngày thêm đáng yêu, thì cần gì tạo hóa phải xếp đặt bốn mùa xuân hạ thu đông cho cây cối tăng trưởng tiếp nối, trẻ thơ oe oe chào đời thay chỗ cho kẻ khuất, cần gì mặt trời lên cho người thức dậy ăn uống, cày bừa, khổ sướng, yêu ghét và mặt trời lặn cho giấc ngủ yên nghỉ. Sự hòa điệu của vạn vật vũ trụ, cuộc xếp đặt vĩ đại mà hòa hợp tinh tế ấy tự nó đã là cái đẹp tuyệt đối, cái thiện tuyệt đối. Tạo hóa mất công xếp đặt guồng máy vĩ đại toàn hảo này để cuộc nhân sinh phải thụt lùi từng khắc, để cái xấu đục khoét cây đời như loài bọ độc hay sao? Không! Không! Nhất định không! Cuộc sống là cuộc vận hành phức tạp khó hiểu, nhưng bắt buộc phải xê dần đến cái đích tối thiện.
Trên căn bản suy tưởng đó, Huệ nghĩ ra cái luật thanh lọc mà một lần anh có đánh bạo đem trình bày với thầy. Nhờ vậy, suốt năm Ất Mùi chịu hết thất bại này đến thất bại khác, tai nghe không biết bao lời than van buồn chán, mắt trông thấy những vụ đào thoát phản trắc, hay những hỗn loạn xao xác, Huệ vẫn giữ được lòng lạc quan. Tập Đình bỏ đi mang theo quá nửa số chiến thuyền ở mặt bắc, không khí thường trực dao động của khắp phủ Qui Nhơn sau trận Cẩm Sa, sự đầu hàng của Châu Văn Tiếp, cuộc đào thoát của hai anh em Lễ Nghĩa theo phái bộ Nguyễn Phúc Chất, tất cả những điều đau lòng ấy, qua mắt Huệ, đều ở trong tiến trình đào thải để tinh lọc.
Anh càng tin tưởng ở nhận định của mình hơn, khi thấy do nhiều nguyên nhân, từ nhiều cơ hội (trong đó có những cơ hội hoàn toàn bất ngờ và ra ngoài ý muốn của Huệ) dần dà mặt trận phía nam do anh phụ trách qui tụ được những tướng lãnh trẻ tuổi và thuần khiết nhất của phong trào. Huệ không cần nói một tiếng phản đối, chối từ, mà lần lượt bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn du thủ du thực, bọn say mê bạo hành lặng lẽ lánh xa anh, lánh xa phong trào. Những tên vong mạng còn lại phải tự sửa lối sống do bản năng thích nghi để tồn tại. Châu Văn Tiếp bỏ theo Tống Phúc Hợp kéo theo bọn đầu óc hẹp hòi cố chấp hoặc bọn chuyên sống quì đến nỗi run sợ ở thế đứng thẳng. Khoảng cuối tháng 6 năm Ất Mùi (1775), cùng chung với Huệ ở mặt trận Cù Mông đã có Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Đặng Văn Chân. Ngoài Lộc, Tuyết, Chân xuất thân từ Tây Sơn thượng, ba tướng trẻ lớp sau là Sở, Diệu và Dũng. Sở và Diệu cùng quê làng Xuân Huề với Lợi, còn Dũng người thôn Phú Mỹ ở tả ngạn sông Côn. Đặc biệt Dũng và Diệu rất được người Ba na ở các buôn cao nguyên thương mến, và rất thạo lối đánh theo đường nguồn. Họ cùng một lứa tuổi xấp xỉ trên hai mươi, vững tin ở đạo trời và lòng người, say mê công bằng và lẽ phải, khao khát xây dựng một thứ trật tự mới từ bàn những người dân nghèo chân đất. Dĩ nhiên nhờ là em ruột của trại chủ, lại am tường tình hình chiến trường phía nam, nhất là nhờ ánh mắt lạc quan tin tưởng dễ nổi bật giữa giai đoạn xáo trộn u ám, Huệ được mọi người mặc nhiên công nhận như một vị chỉ huy trẻ tuổi.
Sắc phong "Tiên phong Tướng quân" Nhạc xin Hoàng Ngũ Phúc chấp thuận cho Huệ sau này chỉ làm cái việc cuối cùng là hợp thức hóa vai trò lịch sử của "Chú Tám Thơm" mà thôi!
*
* *
Bản doanh của Huệ đóng ngay trên đỉnh đèo. Dãy núi Cù Mông chạy dài từ cao nguyên xuống đến biển chợ Giã, đến đoạn này lõm xuống một vòng cung tròn như chiếc võng. Màu rừng già in đậm trên bầu trời thanh thiên, cho nên mỗi lần Lãng đi lấy nước từ con suối nhỏ trở về, ngắm bóng những trại lính hình chóp nằm đều trên cái võng êm ái ấy, anh có ý nghĩ đó là hình ảnh hai bàn tay rừng trân trọng dâng trọn những phẩm chất thuần khiết nhất của trần gian cho khuôn thiên. Và lần nào cũng vậy, Lãng hãnh diện sung sướng đến độ đê mê!
Chiều nay vừa về đến bản doanh thì ngựa trạm cũng leo lên tới đỉnh đèo. Được Huệ giao cho nhiệm vụ coi sóc giấy tờ trước khi chuyển cho Huệ giải quyết, Lãng mau chóng phân loại các thư từ, báo cáo, thông lệnh từ nhiều nguồn đem đến. Anh chú ý ngay đến thư của trại chủ báo cho Huệ biết Hoàng Ngũ Phúc đã thuận phong cho Nhạc "Tây Sơn trại trưởng, Tráng tiết Tướng quân" và các đơn khẩn báo ở các làng thuộc Tuy Viễn dọc theo mặt bắc ngọn Cù Mông. Những loại giấy tờ khác kém quan trọng hơn, gồm vài lá đơn của dân khiếu nại lính Tây Sơn thả ngựa ăn lúa, như một tố cáo trộm cướp, và đơn của một bà mẹ xin cho con trai về dự đám cưới của em gái. Lãng lấy viên đá chặn loại giấy tờ không quan trọng lên cái bàn bằng liếp nứa, rồi mang loại giấy tờ khẩn sang cho Huệ giải quyết.
Huệ đọc thư của anh cả, đầu gật gù, miệng cười nửa sung sướng nửa diễu cợt. Huệ ngước lên nhìn Lãng nói:
- "Tráng tiết Tướng quân Tây Sơn trại trưởng", "Tráng tiết Tướng quân Tây Sơn trại trưởng". Oai đấy chứ! Phải không Lãng!
Lãng cười đáp lại:
- Vâng, oai lắm. Như vậy là anh cũng trở thành bề tôi lương đống của nhà Trịnh rồi đấy! Bề tôi quan trọng, vì một mình trấn giữ ở biên thùy heo hút nhất. Giá anh làm thơ được, chắc sẽ trở thành "võ tướng kiêm thi sĩ biên tái"!
Hai người trẻ tuổi cười to. Huệ hỏi:
- Làm sao Lãng biết tôi không làm nổi thơ biên tái?
- Thế anh làm được bài thơ nào, cho em xem thử.
- Chưa làm không có nghĩa là không làm. Mà không làm cũng chưa hẳn là không làm nổi. Cái gì chứ thơ biên tái hả, dễ ợt!
- Thì anh làm đi.
- Khó gì! Một mảnh thành trơ trọi mất hút giữa núi rừng trùng điệp. Đêm đêm tiếng vượn hú thay cho mõ cầm canh. Người lính thú trăn trở suốt đêm trong bộ giáp sắt, nhớ đến lời nỉ non của cành dương liễu. Sáng ra sương lạnh làm mờ vọng canh, đâu đây nghe có tiếng quạ lạnh lẽo.
- Đấy là ý, không phải là thơ biên tái.
Huệ cười cãi lại:
- Quan trọng là ở chỗ tìm ra ý. Còn lựa lời sắp vần là công việc mọn của bọn thợ.
Lãng tức quá, to tiếng:
- Anh nói vậy sao được! Chính do ở cái tài tìm được cái vần chính xác cho cảnh tình, tạo ra được nhạc điệu mà một kẻ phàm phu trở thành thi sĩ. Công việc đó không phải là chuyện tay chân quen thuộc của thợ chữ.
- Nếu vậy, thì đây, Lãng lắng nghe nhé. Tôi làm thơ biên tái đây. Bài thơ không có nhan đề. Chỉ có bốn câu thôi. Tôi đọc xong, hai ta cùng tìm đề sau cũng không muộn. Bốn câu như sau:
Phú Yên nhật mộ loạn phi nha
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia
Đình thụ bất tri nhân khứ tận
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa
(Nghĩa là: Tại Phú Yên lúc chiều tà, chim quạ bay hỗn độn xao xác. Nhìn ra mãi tận phía xa, chỉ trông thấy vài ba nóc nhà tiêu điều. Cây cối trước sân không biết rằng người trong nhà đã đi hết rồi nên khi mùa xuân tới lại nở lại những bông hoa mùa cũ).
- Lãng ngờ ngợ đã nghe bài thơ này ở đâu rồi, đã nghe đã đọc nhiều lần. Chắc chắn không phải là sáng tác của Huệ. Nhưng của ai? Nếu của ai khác, như của một nhà thơ biên tái Trung hoa thì tại sao lại có hai tiếng Phú Yên ở đầu bài. Đột nhiên, Lãng nhớ ra hết. Lãng reo lên:
- A ha! Anh gian lận. Lãng nhớ ra rồi. Đây là bài Sơn phòng xuân sự của Sầm Tham. Anh chỉ đổi hai chữ đầu "Lương viên nhật mộ loạn phi nha" thành "Phú Yên nhật mộ"... Anh lém lắm.
Huệ cười ha hả vì thích thú. Lãng tò mò hỏi:
- Anh tìm đọc ở đâu thế?
Huệ hãnh diện đáp:
- Cả một tủ sách của Tuần Vũ Bình Khang tôi mang về đây. Cái lão tuần vũ ấy trấn nhậm nơi đèo heo hút gió, chắc ít việc, cả ngày chỉ lo đọc thơ vượn hú.
Lãng đưa ra nhận xét:
- Như vậy càng đỡ khổ cho dân. Quan càng ít làm phiền dân bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Cả ngày đọc thơ biên tái rồi nhớ vợ con, dân được yên tâm vỡ rẫy khai hoang.
Rồi nhớ tới một việc quan trọng khác cần báo với Huệ, Lãng trỏ mấy tờ giấy còn lại bảo:
- Nói chuyện thơ thẩn mãi, tí nữa em quên chuyện khẩn cấp này: Một số khá đông các thầy đồ và ký học ở các làng thuộc huyện Tuy Viễn lâu nay vẫn giúp ta việc dạy dỗ trẻ em, tính toán thuế khóa, lục tục kéo nhau bỏ trốn. Tình thế đáng phải báo động về phủ.
Huệ cầm lấy xấp báo cáo, uể oải xem qua như đã biết trước những sự kiện này, không có gì phải kinh ngạc hoặc đáng quan tâm. Huệ chờ Lãng nói nhưng Lãng dừng lại vì thái độ hờ hững của Huệ. Huệ hỏi:
- Theo Lãng thì việc một số nhà nho ở các thôn xóm bỏ đi có tầm quan trọng nào không?
- Dĩ nhiên là quan trọng lắm. Họ là cái óc của các địa phương, là tiêu biểu của đạo đức và truyền thống. Dân tôn kính họ, xem họ là mẫu mực trong tất cả mọi vấn đề.
Huệ tò mò hỏi thêm:
- Thế theo Lãng, vì sao họ trốn đi?
Lãng đáp khỏi cần suy nghĩ:
- Vì chúng ta đã phá sập cái nền lâu nay họ đứng.
- Cái nền gì vậy?
- Cái nền đạo đức. Lâu nay họ chưa trốn đi, vì còn tưởng chúng ta sẽ tôn phù Hoàng Tôn Dương lên ngôi Chúa, làm cái việc lâu nay sách nho vẫn ca tụng là "diệt loạn thần tôn minh chúa". Nay ta dứt khoát làm quan nhà Trịnh, nên các nhà nho ngơ ngác, cảm thấy không còn đất đứng, ấm ức như bị phản bội.
Huệ cãi lại:
- Nhưng cả họ Trịnh lẫn họ Nguyễn đều chỉ là công thần của hoàng triều. Nếu trung là trung với họ Lê, chứ việc gì phải trung với Trịnh hay Nguyễn?
- Từ thời chúa Tiên, miền nam mặc nhiên được xem như cương vực riêng của họ Nguyễn Gia Miêu. Điều đó anh biết rồi. Cho nên các nhà nho nam hà chỉ có thể nhìn chữ trung trong khoảng hẹp hai trăm năm thôi. Xa hơn nữa, họ xem là ngụy biện.
Huệ đột ngột hỏi Lãng:
- Nhưng ý này rất giống với ý thầy. Có phải Lãng thường nghe thầy nói như vậy không?
Lãng thành thực nói:
- Cha em chê em con nít, ít khi nói đến điều gì quan trọng. Hôm trước về thăm nhà thấy cha ủ dột cau có, em hỏi chị An. Chị bảo nguyên do sâu xa là như vậy.
Huệ chợt nhớ điều gì, ánh mắt sáng lên, hạ giọng hỏi:
- Tối hôm ấy, nghĩa là đêm trước ngày chúng ta về đây đấy, An có nói gì với Lãng không?
Lãng đáp:
- Thì kể chuyện em vừa nói. Chuyện vì sao cha buồn rầu.
- Còn chuyện khác.
- Chuyện anh Kiên. Cha hết sức buồn. Anh ấy đi làm đằng kho xong, xuống thẳng chợ phủ mua cá mua mắm về rồi lo nấu ăn, giặt dịa, y như một bà nội trợ. Chị An bảo có lẽ ảnh bị trời hành mới không dưng chen vào làm thân đầy tớ cho một gia đình lạ hoắc.
- Ngoài chuyện anh Kiên, còn nói gì nữa không?
- Hình như hết rồi. Hai chị em nói chuyện tới khuya. Chị An hỏi ở trong này em làm những gì, anh Huệ đối đãi ra sao.
- Rồi Lãng đáp thế nào?
Lãng cười đáp:
- Em bảo anh trở thành "vú em" rồi.
- Nghe Lãng nói vậy, An trả lời thế nào?
- Chị ấy cười. Chị ấy bảo có lẽ vừa bận đánh giặc vừa bận làm vú em, anh ít thì giờ viết thư về nhà.
Huệ tự nhiên dàu dàu nét mặt, nói chậm với Lãng:
- Có gì mà viết. Viết cũng không ai thèm đọc.
Lãng chưa hiểu vội hỏi:
- Anh nói gì thế?
Huệ hỏi lại:
- À, có phải mai Lợi tiếp lương cho ta không?
*
* *
Đây là lần thứ hai Lợi đích thân tiếp lương cho mặt trận phía nam. Và chỉ qua một lần đầu, Lợi đã quen biết khắp mọi người. Cho nên lần này Lợi lên Cù Mông chẳng khác nào một ông trạng vinh qui. Anh chào hỏi người này, bông đùa với người kia, mang thư nhà đến cho người nọ. Những người lần trước nhờ Lợi mua sắm thứ gì, lần này Lợi mang lên đủ, ngay cả đến một cuốn chỉ để vá quần áo anh cũng không quên.
Để mặc cho thuộc hạ lo việc tiếp lương, Lợi chịu khó leo núi đi một vòng thăm khắp các đội trưởng đồn trú đèo Cù Mông. Đến đâu anh cũng mang đến không khí xởi lởi thân mật, tiếng cười đùa huyên náo, và những chuyện gửi gấm mua bán lặt vặt. Anh xưng mày tao với những người nhỏ tuổi, xưng mày tao đối với những người lớn tuổi hơn Lợi đôi chút, điều đó dễ thôi. Cái khó là anh xưng "ông, tôi" một cách dễ dàng tự nhiên với các cụ già khó tính, đăm chiêu, buộc họ phải nhập vào không khí vui vẻ chung. Những món quà nhỏ gia đình gửi Lợi đem lên Cù Mông, cộng thêm những thứ cần thiết cho đời sống đồn trú hiu quạnh như trà, thuốc lá, cau khô, trầu không, đường, kẹo v.v... do Lợi mang theo đủ để họp một cái chợ nhỏ. Và cái chợ đó đã hình thành. Kẻ mua người bán tấp nập, trại lính bị xáo trộn, quấy động vì cảnh đi lại xô bồ mất trật tự. Ngô Văn Sở và Trần Quang Diệu bực quá phải nhờ Huệ can thiệp. Mối ác cảm giữa Lợi và Sở một lần nữa lại gia tăng.
Ngô Văn Sở là cháu của Ngô Mãnh, từng làm Đô thống ở kinh đô, vì nạn Trương Phúc Loan phải dấu gốc tích về ẩn náu trong nhà họ Bùi ở Xuân Huề, giả dạng một người lao động xiêu giạt đi tha phương cầu thực. Ngô Mãnh dạy võ cho con gái chủ nhà là cô Bùi Thị Xuân và cháu của mình là Ngô Văn Sở. Khi Tây Sơn mới khởi nghĩa, Ngô Mãnh còn dè dặt chưa hiểu phong trào có chính nghĩa thực sự hay chỉ là manh động của bọn trộm cướp. Tây Sơn chiếm được Kiên Thành và một dọc các làng từ núi Một xuống An Thái, trong đó làng Xuân Huề, Ngô Mãnh vẫn còn ngần ngừ. Trước mắt ông, cuộc khởi nghĩa dấy quá lớn không còn là một hành động cướp bóc táo tợn, mà rõ ràng đã lôi cuốn được đa số các tầng lớp dân nghèo. Chủ trương đốt sổ thuế, phá kho thóc cứu đói, lấy của nhà giầu đem phân phát cho dân nghèo, thực sự đã thu phục được tin tưởng của quần chúng. Ngô Mãnh tìm gặp Nhạc, khéo léo tìm hiểu chí hướng của trại chủ Kiên Thành. Sau cuộc gặp gỡ đó, viên đô thống họ Ngô mạnh dạn quyết định: phần ông đã quá già để trực tiếp cầm gươm cầm giáo. Ông khuyến khích các học trò của ông như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào. Ông cũng gửi Ngô Văn Sở cháu ông đi đầu quân. Tuy tham gia vào cuộc khởi nghĩa vào đợt sau, nhưng các học trò của Ngô Mãnh nổi bật lên nhờ tuổi trẻ trong sáng, thiện chí và khả năng võ nghệ. Họ tham dự các trận đánh ra phía bắc như những cấp chỉ huy nhỏ. Dần dần, họ được Nhạc và Nguyễn Thung tin cậy. Cho đến lúc Huệ nắm vai chỉ huy mặt trận phía nam, Sở, Diệu, Dũng đã trở thành những cánh tay đắc lực của Huệ.
Ngô Văn Sở ở trong nhà Bùi Thị Xuân từ nhỏ, nên không lạ gì Lợi. Trong gia đình họ Bùi, cha Bùi Thị Xuân thuộc dòng chính, còn mẹ Lợi thuộc dòng thứ. Tương truyền hình như cách đấy vài mươi năm có một vụ tranh tụng ruộng hương hỏa gay gắt sao đó, đến nỗi đã có đổ máu và cả hai bên mất gần sạch gia tài để lo đút lót bọn tham quan hòng giành phần thắng về mình. Cuối cùng cả hai bên cùng nghèo xác, và không ai thắng, ngoài lòng hiềm thù. Gia đình Lợi và gia đình Bùi Thị Xuân tuy gần gũi nhưng rất ít đi lại với nhau. Khi gia đình Lợi bị thảm sát, rồi Lợi được dịp trả thù, gia đình Bùi Thị Xuân vẫn e ngại có thể nhân cơ hội này Lợi thanh toán luôn bao mối hận cũ. Ông thầy võ Ngô Mãnh đã chuẩn bị cách phòng vệ, nếu đám em út của Lợi kéo đến đòi rượu thịt. Nhưng không. Lợi không nói xa nói gần gì đến gia đình họ Bùi cả. Tuy thế, những gì Lợi làm trong buổi đắc thế họ đều biết cả. Lợi cũng hiểu như vậy. Thành thử khi bọn Sở, Diệu, Dũng được trọng dụng, Lợi cảm thấy khó chịu. Trừ trường hợp bất đắc dĩ, Lợi tránh không muốn gặp họ, hoặc động chạm đến họ. Đường ai nấy đi, thế thôi. Thế không có nghĩa là nếu thuận tiện và kín đáo, Lợi không đưa ra các nhận xét nửa đùa nửa thật bất lợi cho Sở, Diệu, Dũng, ảnh hưởng lớn lao đến Nhạc hay Lữ. Lợi có quá nhiều dịp để gần gũi trại chủ, nên bọn học trò Ngô Mãnh đôi khi ngỡ ngàng không hiểu sao mình đột ngột bị chuyển đến chỗ này, hoặc nhận một nhiệm vụ khác. Lợi không muốn gặp những người đồng hương nguy hiểm trên đường đời. Nhưng tại sao họ lại cứ muốn phá bĩnh. Việc gì đến họ? Lợi tức giận tìm hỏi Huệ:
- Anh cho lệnh tập trung quân đấy chứ?
Huệ đanh nét mặt đáp:
- Phải. Anh muốn gì?
Lợi bật cười, ra vẻ mừng rỡ, nói:
- Thế mà tôi lại cứ tưởng chúng nó phao lệnh giả để quịt tiền nhau. Ôi thôi các ông tướng quá trời! Bao nhiêu quà cáp nhà gửi đem ra đổi chác cho nhau, thậm chí mua đi bán lại như đây là cái chợ xổm. Phải, anh dẹp là phải!
Huệ vẫn nghiêm nét mặt hỏi:
- Chừng nào anh về?
- Tôi ấy à! Có lẽ sáng mai. Tôi còn phải tiếp lương một chuyến nữa ở chợ Giã. Anh cần gửi thư từ gì cho trại chủ không?
Huệ ghét cay ghét đắng bộ mặt ấy. Anh đáp cụt lủn:
- Không.
Trước khi Lợi tiu ngỉu quay đi, Huệ nói thêm:
- Lần sau anh nhớ đừng đem chuyện buôn bán lên đây. Nhớ nhé!
*
* *
Trong thư An nhờ Lợi mang lên cho Lãng chỉ kể sơ lược cảnh sống cô lập của hai cha con vì mặc dù đã niêm phong kỹ lưỡng, cô vẫn còn sợ có một người ngoài gia đình như Lợi hoặc Huệ đọc được. Vị trí ông giáo ở phủ Qui Nhơn thật tế nhị và nguy hiểm, điều đó ai cũng cảm biết, nhưng không ai dám nói ra, vì nói thế nào cũng không hoàn toàn đúng.
Ngay cả nhân vật am tường việc nội bộ nhất là Bùi Văn Nhật cũng không dám công khai xếp chỗ cho ông giáo. Nhật ngó chừng thái độ của trại chủ để điều chỉnh thái độ của mình. Trước những vấn đề quan trọng, Nhạc đều có ý kiến dứt khoát, từ việc dứt khoát chọn cầu hòa với Hoàng Ngũ Phúc cho đến quyết định quản thúc Đông cung, giết Nguyễn Phúc Tịnh. Chỉ riêng đối với ông giáo, Nhạc tỏ ra e ngại, lập lờ. Nhật tưởng khi Nhạc sai Nhật đi mời ông giáo dùng cơm trưa, thì bữa tiệc ấy coi như bữa tiệc đoạn tình. Uống với nhau một chén rượu cuối, rồi thôi, từ đây về sau gặp lại chỉ nói với nhau bằng mũi kiếm. Ban đầu giọng nói của trại chủ có vẻ nghiêm khắc, lạnh lẽo thật. Nhật cũng nương theo đó công khai kết ông giáo cái tội âm mưu tạo phản. Nhưng sau khi ông giáo biện minh thề thốt, Nhạc lại quay ra hòa dịu, thân ái. Nhật chẳng hiểu phải làm cái gì, phải cư xử với ông giáo ra sao. Từ đó về sau Nhạc lại không nhắc đến chuyện cũ, nên Nhật phải rút số lính đã gửi đến canh phòng nhà ông giáo đêm hôm trước. Nhưng rõ ràng ai cũng biết từ nay vai trò của giáo Hiến đã hết!
Họ điều chỉnh lại thái độ cho phù hợp với nhu cầu mới. Trong các cuộc hội họp, bàn bạc, giữa lúc trà dư tửu hậu, họ tránh không nhắc tới ông giáo. Không ai muốn người khác nhắc lại có thời họ đã làm việc chung với ông giáo, hoặc có đi chung một đoạn đường, có cười nói vài câu xã giao với ông. Ông giáo đột nhiên vắng mặt, còn đó nhưng không hiện diện. Sự thay đổi thái độ của người ngoài quá lộ liễu nên ông giáo nhận ra ngay. Lòng tự ái của ông bị xúc phạm nặng nề. Ông phản ứng bằng thái độ tự cô lập khắc kỷ, sự khinh miệt cố ý tỏ ra quá đáng. Ông sai con gái khóa cửa trước, đóng kín cửa sổ quay ra phía đường. Có đêm Thọ Hương lén tìm An tâm sự, gõ cửa giữa khuya khoắt, khẩn khoản gọi An mở cửa, ông giáo giả vờ ngủ say không dậy. An chạy ra mở then, ông lừ mắt ngăn lại. An sợ hãi ánh mắt hung dữ khác thường ấy không biết bao nhiêu!
Thọ Hương không dám đến nữa. Cô Trúc, em gái Bùi Văn Nhựt từ lâu đã thôi học. An đi chợ phủ mỗi sáng sớm, thấy vẻ lạnh nhạt xa lánh của người quen, tủi thân nghĩ mình trở thành tai họa cho kẻ khác, tự nhiên đi về lấm lét thui thủi như người phạm tội. Trong căn nhà kín cửa tối tăm đó, một già một trẻ âm thầm lắng nghe tiếng thở dài của nhau, rồi cùng hãi hùng nghĩ tấn bi kịch này còn kéo dài thật dài về sau, không biết đến lúc nào mới chấm dứt.
Đúng như An đã viết thư cho Lãng, may mắn họ tìm được nguồn an ủi trong thi ca và kinh Phật.
Ông giáo đọc lại thơ của thời Thịnh Đường, đọc bất chợt tùy hứng chứ không theo thứ tự hoặc hệ thống phân loại. Ông muốn bắt gặp tâm hồn người xưa mà không bị định kiến chi phối, để hưởng trọn cái sảng khoái của thông cảm cởi mở. Ông với tay rút ra một tập thơ, lật một trang nào đó. Ông đọc chậm, cho từng chữ ngấm sâu vào tim vào óc mình. Đọc xong một lượt, ông gấp sách, nhắm mắt và ôn lại toàn thể ấn tượng tích lũy được suốt câu đầu đến câu chót. Ấn tượng ấy thường lan man mơ hồ, vui vui hoặc buồn buồn, lâng lâng nhẹ nhàng hoặc hào sảng náo nhiệt. Ông chưa vội tin ở ấn tượng ban đầu đó. Ông đọc to lần nữa, lần nữa, xong một lần lại chiêu một ngụm trà đặc quánh, đọc cho đến lúc ông có cái khoái cảm mừng rỡ như chính mình sáng tác được bài thơ ấy, thích thú thấy nó lớn dậy để bắt đầu một số phận riêng.
Vì thưởng thức thơ theo cách đó nên ông giáo đọc lẫn lộn nào Lý Thương Ẩn, Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Tô Thức, Đào Tiềm… Ông dừng lại lâu nhất với Đỗ Phủ. Với Đỗ Phủ. Chỉ vì một lý do: trong kệ thơ của ông, chỉ riêng Đỗ Phủ là có một tuyển tập riêng biệt, và quyển thơ đó đóng bìa đẹp đẽ công phu quá. Nội dung và hình thức quyển thơ có sức nam châm hút bàn tay lựa chọn đang ngần ngừ do dự của ông: Đó là quyển thơ Huệ gửi biếu An do Thọ Hương mang lại!
*
* *
Ông giáo đau nhói cả lòng khi nhớ lần đầu bắt gặp quyển thơ ấy trên kệ sách. Từ lâu đầu tắt mặt tối với công việc trên phủ, ông ít có thì giờ nói chuyện thân mật tâm tình với con. Văn chương thi phú thì đã gác hẳn sang một góc tưởng niệm đầy bụi bặm, từ thời Tây Sơn thượng.
Cho đến hôm ấy ông cảm thấy lạc loài giữa mọi người, boăn khoăn tự hỏi ý nghĩa của bao nhiêu cuống quít xông xáo, thôi thúc hò hét, toan tính, kế hoạch...đang dồn dập diễn ra quanh ông. Đó là hôm ông chủ định tìm lại Thơ. Ông bắt gặp tập thơ Đỗ Phủ với cái bìa nhiễu sang trọng. Giở trang đầu, ông đọc được triện son của Tuần Vũ Bình Khang. Ông giáo hiểu liền. Một niềm hân hoan pha chút hãnh diện tràn ngập lòng ông. Có thế chứ! Những buổi say mê giảng sách ở nhà học, những đêm thức khuya canh lúa trên gò Miễu, hy vọng ở đôi mắt thông minh chiếu rọi được thấu bản chất của sự vật với tất cả tự tin, cái bóng lớn lao tự trưởng thành của đời ông! Sau phút hân hoan, lòng ông bắt đầu se thắt. Ông ái ngại liếc nhìn con gái, lúc đó đang ngồi lặng lẽ lượm thóc gần cửa sổ hông. Ông hỏi An:
- Gần đây con có giở đến mấy cuốn thơ không?
An hơi ngạc nhiên khi nghe cha hỏi vậy, đỏ mặt lúng túng đáp:
- Dạ thỉnh thoảng buồn quá con có xem!
- Con thích ai nhất?
- An càng lúng túng hơn, ấp úng đáp:
- Con cũng chẳng biết nữa. Lúc thích người này, lúc thích người khác.
- Nhưng con phải đọc của ông này nhiều hơn ông kia chứ!
- Dạ.
- Như vậy con thích họ rồi. Con thường đọc ai?
- Nhiều nhất là Lý Thương Ẩn, cha ạ!
Ông giáo cười nhẹ, tỏ vẻ hiểu con. An cảm thấy sung sướng, muốn chia sẻ niềm vinh dự cho em, nên thêm:
- Lãng nó cũng thích Lý Thương Ẩn lắm.
- Còn Lý Bạch, Đỗ Phủ.
- Hai vị đó cao quá đối với chúng con. Nhất là Lý Bạch. Còn Đỗ Phủ thì...
Ông giáo vội hỏi:
- Con đọc hết tập thơ Đỗ Phủ rồi chứ?
An xấu hổ cúi mặt xuống, hai tai nóng bừng. Lúc An ngước lên, ông giáo thấy gương mặt con thật khác thường, môi An run run muốn nói gì đó mà không nói được, hai mắt sáng xúc động vì một nỗi hớt hải; khuôn mặt của một người phân vân sắp hét lên đau đớn hay khóc òa vì một hoan lạc bất ngờ. Ông lo sợ hỏi:
- Con sao thế?
An trấn tĩnh, nói nhỏ:
- Con hơi bị xâm xoàng.
Rồi đột nhiên giọng An vui vẻ hẳn lên:
- Hôm qua con mua được mẻ gạo ngon quá. Từng hạt đều riêng như hạt ngà. Để chiều nay con nấu thử cho cha xơi. Chắc chắn sẽ thơm và dẻo lắm.
Ông giáo không tìm được lời nào để nói với con. Giọng vui giả tạo còn thảm hơn cả tiếng khóc. Ông hiểu nỗi tuyệt vọng của con gái, ông xót xa vì đó cũng là nỗi tuyệt vọng của đời ông. Bao năm nay ông rộn rã cả lòng khi nghĩ đến cuộc hôn nhân lý tưởng, giữa con gái yêu và người học trò thông minh của ông. Không bao giờ thổ lộ niềm vui đó với ai, ngay cả với An, nhưng được ôm ấp trọn vẹn nó cho mình như một giấc mơ đẹp, như một ý nghĩa thuần khiết, như chút còn lại của cuộc đời bập bềnh, ông thấy an tâm, tự tín hơn. Bây giờ tất cả đều mất, mất, mất hết.
Tối hôm ấy, thức giấc giữa khuya, ông nghe hình như có tiếng khó ấm ức. Ông nín thở lắng tai để nghe cho rõ hơn. Nhưng ngoài tiếng muỗi vo ve, tiếng mọt gặm kèo gỗ, tiếng chuột lâu lâu khua động xó tủ, ông không nghe được gì khác. Ông tự nhủ có lẽ mình quá bi thảm hóa sự đau khổ của con gái!
Thực là ngụy biện nếu bảo rằng hai trận thất bại ở Cẩm Sa và Phú Yên là hai bước tiến quan trọng của phong trào Tây Sơn. Chính Nhạc cũng ú ớ không dám nói như vậy, vì sợ ngượng với mình, và nói như vậy vô ích, vì không ai tin. Hàng loạt những đạo quân lâu nay làm nòng cốt của phong trào tan rã, nhiều nhân vật quan trọng bỏ trốn hoặc làm việc cầm chừng để chờ thời. Nhân tâm ly tán. Lệnh lạc chuệch choạc, các chủ trương chính sách mạnh bạo quyết liệt để ổn định trật tự thường vá víu tạm thời, nên bộ mặt của làng xóm thường tùy thuộc vào phong cách của viên xã trưởng. Những người này không tin tưởng mấy vào sự vững bền của chế độ, thường dùng chính sách hòa hoãn, xuề xòa cho vui vẻ cả làng. Vì thế, từ đèo Cù Mông cho đến châu ổ, vùng kiểm soát của Tây Sơn rã ra thành từng mảng bập bềnh như những dề bèo dạt trên mặt nước lũ.
Chỉ có Huệ là người độc nhất lạc quan trầm tĩnh trước các hiện tượng tan rã nguy hiểm ấy. Lạc quan trầm tĩnh nhờ vững tin vào một điều gần giống như qui luật của lịch sử. Huệ nghĩ dù thế nào chăng nữa, qua bao nhiêu cơn bão và giông tố, qua bao nhiêu trăn trở, bất trắc, mất mát, may rủi, phản trắc, dao động, cuối cùng cái tốt cái đẹp cũng thắng. Đó là qui luật của tạo hóa. Nếu cuộc sống không mỗi ngày mỗi đẹp thêm lên, cuộc đời không mỗi ngày thêm đáng yêu, thì cần gì tạo hóa phải xếp đặt bốn mùa xuân hạ thu đông cho cây cối tăng trưởng tiếp nối, trẻ thơ oe oe chào đời thay chỗ cho kẻ khuất, cần gì mặt trời lên cho người thức dậy ăn uống, cày bừa, khổ sướng, yêu ghét và mặt trời lặn cho giấc ngủ yên nghỉ. Sự hòa điệu của vạn vật vũ trụ, cuộc xếp đặt vĩ đại mà hòa hợp tinh tế ấy tự nó đã là cái đẹp tuyệt đối, cái thiện tuyệt đối. Tạo hóa mất công xếp đặt guồng máy vĩ đại toàn hảo này để cuộc nhân sinh phải thụt lùi từng khắc, để cái xấu đục khoét cây đời như loài bọ độc hay sao? Không! Không! Nhất định không! Cuộc sống là cuộc vận hành phức tạp khó hiểu, nhưng bắt buộc phải xê dần đến cái đích tối thiện.
Trên căn bản suy tưởng đó, Huệ nghĩ ra cái luật thanh lọc mà một lần anh có đánh bạo đem trình bày với thầy. Nhờ vậy, suốt năm Ất Mùi chịu hết thất bại này đến thất bại khác, tai nghe không biết bao lời than van buồn chán, mắt trông thấy những vụ đào thoát phản trắc, hay những hỗn loạn xao xác, Huệ vẫn giữ được lòng lạc quan. Tập Đình bỏ đi mang theo quá nửa số chiến thuyền ở mặt bắc, không khí thường trực dao động của khắp phủ Qui Nhơn sau trận Cẩm Sa, sự đầu hàng của Châu Văn Tiếp, cuộc đào thoát của hai anh em Lễ Nghĩa theo phái bộ Nguyễn Phúc Chất, tất cả những điều đau lòng ấy, qua mắt Huệ, đều ở trong tiến trình đào thải để tinh lọc.
Anh càng tin tưởng ở nhận định của mình hơn, khi thấy do nhiều nguyên nhân, từ nhiều cơ hội (trong đó có những cơ hội hoàn toàn bất ngờ và ra ngoài ý muốn của Huệ) dần dà mặt trận phía nam do anh phụ trách qui tụ được những tướng lãnh trẻ tuổi và thuần khiết nhất của phong trào. Huệ không cần nói một tiếng phản đối, chối từ, mà lần lượt bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn du thủ du thực, bọn say mê bạo hành lặng lẽ lánh xa anh, lánh xa phong trào. Những tên vong mạng còn lại phải tự sửa lối sống do bản năng thích nghi để tồn tại. Châu Văn Tiếp bỏ theo Tống Phúc Hợp kéo theo bọn đầu óc hẹp hòi cố chấp hoặc bọn chuyên sống quì đến nỗi run sợ ở thế đứng thẳng. Khoảng cuối tháng 6 năm Ất Mùi (1775), cùng chung với Huệ ở mặt trận Cù Mông đã có Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Đặng Văn Chân. Ngoài Lộc, Tuyết, Chân xuất thân từ Tây Sơn thượng, ba tướng trẻ lớp sau là Sở, Diệu và Dũng. Sở và Diệu cùng quê làng Xuân Huề với Lợi, còn Dũng người thôn Phú Mỹ ở tả ngạn sông Côn. Đặc biệt Dũng và Diệu rất được người Ba na ở các buôn cao nguyên thương mến, và rất thạo lối đánh theo đường nguồn. Họ cùng một lứa tuổi xấp xỉ trên hai mươi, vững tin ở đạo trời và lòng người, say mê công bằng và lẽ phải, khao khát xây dựng một thứ trật tự mới từ bàn những người dân nghèo chân đất. Dĩ nhiên nhờ là em ruột của trại chủ, lại am tường tình hình chiến trường phía nam, nhất là nhờ ánh mắt lạc quan tin tưởng dễ nổi bật giữa giai đoạn xáo trộn u ám, Huệ được mọi người mặc nhiên công nhận như một vị chỉ huy trẻ tuổi.
Sắc phong "Tiên phong Tướng quân" Nhạc xin Hoàng Ngũ Phúc chấp thuận cho Huệ sau này chỉ làm cái việc cuối cùng là hợp thức hóa vai trò lịch sử của "Chú Tám Thơm" mà thôi!
*
* *
Bản doanh của Huệ đóng ngay trên đỉnh đèo. Dãy núi Cù Mông chạy dài từ cao nguyên xuống đến biển chợ Giã, đến đoạn này lõm xuống một vòng cung tròn như chiếc võng. Màu rừng già in đậm trên bầu trời thanh thiên, cho nên mỗi lần Lãng đi lấy nước từ con suối nhỏ trở về, ngắm bóng những trại lính hình chóp nằm đều trên cái võng êm ái ấy, anh có ý nghĩ đó là hình ảnh hai bàn tay rừng trân trọng dâng trọn những phẩm chất thuần khiết nhất của trần gian cho khuôn thiên. Và lần nào cũng vậy, Lãng hãnh diện sung sướng đến độ đê mê!
Chiều nay vừa về đến bản doanh thì ngựa trạm cũng leo lên tới đỉnh đèo. Được Huệ giao cho nhiệm vụ coi sóc giấy tờ trước khi chuyển cho Huệ giải quyết, Lãng mau chóng phân loại các thư từ, báo cáo, thông lệnh từ nhiều nguồn đem đến. Anh chú ý ngay đến thư của trại chủ báo cho Huệ biết Hoàng Ngũ Phúc đã thuận phong cho Nhạc "Tây Sơn trại trưởng, Tráng tiết Tướng quân" và các đơn khẩn báo ở các làng thuộc Tuy Viễn dọc theo mặt bắc ngọn Cù Mông. Những loại giấy tờ khác kém quan trọng hơn, gồm vài lá đơn của dân khiếu nại lính Tây Sơn thả ngựa ăn lúa, như một tố cáo trộm cướp, và đơn của một bà mẹ xin cho con trai về dự đám cưới của em gái. Lãng lấy viên đá chặn loại giấy tờ không quan trọng lên cái bàn bằng liếp nứa, rồi mang loại giấy tờ khẩn sang cho Huệ giải quyết.
Huệ đọc thư của anh cả, đầu gật gù, miệng cười nửa sung sướng nửa diễu cợt. Huệ ngước lên nhìn Lãng nói:
- "Tráng tiết Tướng quân Tây Sơn trại trưởng", "Tráng tiết Tướng quân Tây Sơn trại trưởng". Oai đấy chứ! Phải không Lãng!
Lãng cười đáp lại:
- Vâng, oai lắm. Như vậy là anh cũng trở thành bề tôi lương đống của nhà Trịnh rồi đấy! Bề tôi quan trọng, vì một mình trấn giữ ở biên thùy heo hút nhất. Giá anh làm thơ được, chắc sẽ trở thành "võ tướng kiêm thi sĩ biên tái"!
Hai người trẻ tuổi cười to. Huệ hỏi:
- Làm sao Lãng biết tôi không làm nổi thơ biên tái?
- Thế anh làm được bài thơ nào, cho em xem thử.
- Chưa làm không có nghĩa là không làm. Mà không làm cũng chưa hẳn là không làm nổi. Cái gì chứ thơ biên tái hả, dễ ợt!
- Thì anh làm đi.
- Khó gì! Một mảnh thành trơ trọi mất hút giữa núi rừng trùng điệp. Đêm đêm tiếng vượn hú thay cho mõ cầm canh. Người lính thú trăn trở suốt đêm trong bộ giáp sắt, nhớ đến lời nỉ non của cành dương liễu. Sáng ra sương lạnh làm mờ vọng canh, đâu đây nghe có tiếng quạ lạnh lẽo.
- Đấy là ý, không phải là thơ biên tái.
Huệ cười cãi lại:
- Quan trọng là ở chỗ tìm ra ý. Còn lựa lời sắp vần là công việc mọn của bọn thợ.
Lãng tức quá, to tiếng:
- Anh nói vậy sao được! Chính do ở cái tài tìm được cái vần chính xác cho cảnh tình, tạo ra được nhạc điệu mà một kẻ phàm phu trở thành thi sĩ. Công việc đó không phải là chuyện tay chân quen thuộc của thợ chữ.
- Nếu vậy, thì đây, Lãng lắng nghe nhé. Tôi làm thơ biên tái đây. Bài thơ không có nhan đề. Chỉ có bốn câu thôi. Tôi đọc xong, hai ta cùng tìm đề sau cũng không muộn. Bốn câu như sau:
Phú Yên nhật mộ loạn phi nha
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia
Đình thụ bất tri nhân khứ tận
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa
(Nghĩa là: Tại Phú Yên lúc chiều tà, chim quạ bay hỗn độn xao xác. Nhìn ra mãi tận phía xa, chỉ trông thấy vài ba nóc nhà tiêu điều. Cây cối trước sân không biết rằng người trong nhà đã đi hết rồi nên khi mùa xuân tới lại nở lại những bông hoa mùa cũ).
- Lãng ngờ ngợ đã nghe bài thơ này ở đâu rồi, đã nghe đã đọc nhiều lần. Chắc chắn không phải là sáng tác của Huệ. Nhưng của ai? Nếu của ai khác, như của một nhà thơ biên tái Trung hoa thì tại sao lại có hai tiếng Phú Yên ở đầu bài. Đột nhiên, Lãng nhớ ra hết. Lãng reo lên:
- A ha! Anh gian lận. Lãng nhớ ra rồi. Đây là bài Sơn phòng xuân sự của Sầm Tham. Anh chỉ đổi hai chữ đầu "Lương viên nhật mộ loạn phi nha" thành "Phú Yên nhật mộ"... Anh lém lắm.
Huệ cười ha hả vì thích thú. Lãng tò mò hỏi:
- Anh tìm đọc ở đâu thế?
Huệ hãnh diện đáp:
- Cả một tủ sách của Tuần Vũ Bình Khang tôi mang về đây. Cái lão tuần vũ ấy trấn nhậm nơi đèo heo hút gió, chắc ít việc, cả ngày chỉ lo đọc thơ vượn hú.
Lãng đưa ra nhận xét:
- Như vậy càng đỡ khổ cho dân. Quan càng ít làm phiền dân bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Cả ngày đọc thơ biên tái rồi nhớ vợ con, dân được yên tâm vỡ rẫy khai hoang.
Rồi nhớ tới một việc quan trọng khác cần báo với Huệ, Lãng trỏ mấy tờ giấy còn lại bảo:
- Nói chuyện thơ thẩn mãi, tí nữa em quên chuyện khẩn cấp này: Một số khá đông các thầy đồ và ký học ở các làng thuộc huyện Tuy Viễn lâu nay vẫn giúp ta việc dạy dỗ trẻ em, tính toán thuế khóa, lục tục kéo nhau bỏ trốn. Tình thế đáng phải báo động về phủ.
Huệ cầm lấy xấp báo cáo, uể oải xem qua như đã biết trước những sự kiện này, không có gì phải kinh ngạc hoặc đáng quan tâm. Huệ chờ Lãng nói nhưng Lãng dừng lại vì thái độ hờ hững của Huệ. Huệ hỏi:
- Theo Lãng thì việc một số nhà nho ở các thôn xóm bỏ đi có tầm quan trọng nào không?
- Dĩ nhiên là quan trọng lắm. Họ là cái óc của các địa phương, là tiêu biểu của đạo đức và truyền thống. Dân tôn kính họ, xem họ là mẫu mực trong tất cả mọi vấn đề.
Huệ tò mò hỏi thêm:
- Thế theo Lãng, vì sao họ trốn đi?
Lãng đáp khỏi cần suy nghĩ:
- Vì chúng ta đã phá sập cái nền lâu nay họ đứng.
- Cái nền gì vậy?
- Cái nền đạo đức. Lâu nay họ chưa trốn đi, vì còn tưởng chúng ta sẽ tôn phù Hoàng Tôn Dương lên ngôi Chúa, làm cái việc lâu nay sách nho vẫn ca tụng là "diệt loạn thần tôn minh chúa". Nay ta dứt khoát làm quan nhà Trịnh, nên các nhà nho ngơ ngác, cảm thấy không còn đất đứng, ấm ức như bị phản bội.
Huệ cãi lại:
- Nhưng cả họ Trịnh lẫn họ Nguyễn đều chỉ là công thần của hoàng triều. Nếu trung là trung với họ Lê, chứ việc gì phải trung với Trịnh hay Nguyễn?
- Từ thời chúa Tiên, miền nam mặc nhiên được xem như cương vực riêng của họ Nguyễn Gia Miêu. Điều đó anh biết rồi. Cho nên các nhà nho nam hà chỉ có thể nhìn chữ trung trong khoảng hẹp hai trăm năm thôi. Xa hơn nữa, họ xem là ngụy biện.
Huệ đột ngột hỏi Lãng:
- Nhưng ý này rất giống với ý thầy. Có phải Lãng thường nghe thầy nói như vậy không?
Lãng thành thực nói:
- Cha em chê em con nít, ít khi nói đến điều gì quan trọng. Hôm trước về thăm nhà thấy cha ủ dột cau có, em hỏi chị An. Chị bảo nguyên do sâu xa là như vậy.
Huệ chợt nhớ điều gì, ánh mắt sáng lên, hạ giọng hỏi:
- Tối hôm ấy, nghĩa là đêm trước ngày chúng ta về đây đấy, An có nói gì với Lãng không?
Lãng đáp:
- Thì kể chuyện em vừa nói. Chuyện vì sao cha buồn rầu.
- Còn chuyện khác.
- Chuyện anh Kiên. Cha hết sức buồn. Anh ấy đi làm đằng kho xong, xuống thẳng chợ phủ mua cá mua mắm về rồi lo nấu ăn, giặt dịa, y như một bà nội trợ. Chị An bảo có lẽ ảnh bị trời hành mới không dưng chen vào làm thân đầy tớ cho một gia đình lạ hoắc.
- Ngoài chuyện anh Kiên, còn nói gì nữa không?
- Hình như hết rồi. Hai chị em nói chuyện tới khuya. Chị An hỏi ở trong này em làm những gì, anh Huệ đối đãi ra sao.
- Rồi Lãng đáp thế nào?
Lãng cười đáp:
- Em bảo anh trở thành "vú em" rồi.
- Nghe Lãng nói vậy, An trả lời thế nào?
- Chị ấy cười. Chị ấy bảo có lẽ vừa bận đánh giặc vừa bận làm vú em, anh ít thì giờ viết thư về nhà.
Huệ tự nhiên dàu dàu nét mặt, nói chậm với Lãng:
- Có gì mà viết. Viết cũng không ai thèm đọc.
Lãng chưa hiểu vội hỏi:
- Anh nói gì thế?
Huệ hỏi lại:
- À, có phải mai Lợi tiếp lương cho ta không?
*
* *
Đây là lần thứ hai Lợi đích thân tiếp lương cho mặt trận phía nam. Và chỉ qua một lần đầu, Lợi đã quen biết khắp mọi người. Cho nên lần này Lợi lên Cù Mông chẳng khác nào một ông trạng vinh qui. Anh chào hỏi người này, bông đùa với người kia, mang thư nhà đến cho người nọ. Những người lần trước nhờ Lợi mua sắm thứ gì, lần này Lợi mang lên đủ, ngay cả đến một cuốn chỉ để vá quần áo anh cũng không quên.
Để mặc cho thuộc hạ lo việc tiếp lương, Lợi chịu khó leo núi đi một vòng thăm khắp các đội trưởng đồn trú đèo Cù Mông. Đến đâu anh cũng mang đến không khí xởi lởi thân mật, tiếng cười đùa huyên náo, và những chuyện gửi gấm mua bán lặt vặt. Anh xưng mày tao với những người nhỏ tuổi, xưng mày tao đối với những người lớn tuổi hơn Lợi đôi chút, điều đó dễ thôi. Cái khó là anh xưng "ông, tôi" một cách dễ dàng tự nhiên với các cụ già khó tính, đăm chiêu, buộc họ phải nhập vào không khí vui vẻ chung. Những món quà nhỏ gia đình gửi Lợi đem lên Cù Mông, cộng thêm những thứ cần thiết cho đời sống đồn trú hiu quạnh như trà, thuốc lá, cau khô, trầu không, đường, kẹo v.v... do Lợi mang theo đủ để họp một cái chợ nhỏ. Và cái chợ đó đã hình thành. Kẻ mua người bán tấp nập, trại lính bị xáo trộn, quấy động vì cảnh đi lại xô bồ mất trật tự. Ngô Văn Sở và Trần Quang Diệu bực quá phải nhờ Huệ can thiệp. Mối ác cảm giữa Lợi và Sở một lần nữa lại gia tăng.
Ngô Văn Sở là cháu của Ngô Mãnh, từng làm Đô thống ở kinh đô, vì nạn Trương Phúc Loan phải dấu gốc tích về ẩn náu trong nhà họ Bùi ở Xuân Huề, giả dạng một người lao động xiêu giạt đi tha phương cầu thực. Ngô Mãnh dạy võ cho con gái chủ nhà là cô Bùi Thị Xuân và cháu của mình là Ngô Văn Sở. Khi Tây Sơn mới khởi nghĩa, Ngô Mãnh còn dè dặt chưa hiểu phong trào có chính nghĩa thực sự hay chỉ là manh động của bọn trộm cướp. Tây Sơn chiếm được Kiên Thành và một dọc các làng từ núi Một xuống An Thái, trong đó làng Xuân Huề, Ngô Mãnh vẫn còn ngần ngừ. Trước mắt ông, cuộc khởi nghĩa dấy quá lớn không còn là một hành động cướp bóc táo tợn, mà rõ ràng đã lôi cuốn được đa số các tầng lớp dân nghèo. Chủ trương đốt sổ thuế, phá kho thóc cứu đói, lấy của nhà giầu đem phân phát cho dân nghèo, thực sự đã thu phục được tin tưởng của quần chúng. Ngô Mãnh tìm gặp Nhạc, khéo léo tìm hiểu chí hướng của trại chủ Kiên Thành. Sau cuộc gặp gỡ đó, viên đô thống họ Ngô mạnh dạn quyết định: phần ông đã quá già để trực tiếp cầm gươm cầm giáo. Ông khuyến khích các học trò của ông như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào. Ông cũng gửi Ngô Văn Sở cháu ông đi đầu quân. Tuy tham gia vào cuộc khởi nghĩa vào đợt sau, nhưng các học trò của Ngô Mãnh nổi bật lên nhờ tuổi trẻ trong sáng, thiện chí và khả năng võ nghệ. Họ tham dự các trận đánh ra phía bắc như những cấp chỉ huy nhỏ. Dần dần, họ được Nhạc và Nguyễn Thung tin cậy. Cho đến lúc Huệ nắm vai chỉ huy mặt trận phía nam, Sở, Diệu, Dũng đã trở thành những cánh tay đắc lực của Huệ.
Ngô Văn Sở ở trong nhà Bùi Thị Xuân từ nhỏ, nên không lạ gì Lợi. Trong gia đình họ Bùi, cha Bùi Thị Xuân thuộc dòng chính, còn mẹ Lợi thuộc dòng thứ. Tương truyền hình như cách đấy vài mươi năm có một vụ tranh tụng ruộng hương hỏa gay gắt sao đó, đến nỗi đã có đổ máu và cả hai bên mất gần sạch gia tài để lo đút lót bọn tham quan hòng giành phần thắng về mình. Cuối cùng cả hai bên cùng nghèo xác, và không ai thắng, ngoài lòng hiềm thù. Gia đình Lợi và gia đình Bùi Thị Xuân tuy gần gũi nhưng rất ít đi lại với nhau. Khi gia đình Lợi bị thảm sát, rồi Lợi được dịp trả thù, gia đình Bùi Thị Xuân vẫn e ngại có thể nhân cơ hội này Lợi thanh toán luôn bao mối hận cũ. Ông thầy võ Ngô Mãnh đã chuẩn bị cách phòng vệ, nếu đám em út của Lợi kéo đến đòi rượu thịt. Nhưng không. Lợi không nói xa nói gần gì đến gia đình họ Bùi cả. Tuy thế, những gì Lợi làm trong buổi đắc thế họ đều biết cả. Lợi cũng hiểu như vậy. Thành thử khi bọn Sở, Diệu, Dũng được trọng dụng, Lợi cảm thấy khó chịu. Trừ trường hợp bất đắc dĩ, Lợi tránh không muốn gặp họ, hoặc động chạm đến họ. Đường ai nấy đi, thế thôi. Thế không có nghĩa là nếu thuận tiện và kín đáo, Lợi không đưa ra các nhận xét nửa đùa nửa thật bất lợi cho Sở, Diệu, Dũng, ảnh hưởng lớn lao đến Nhạc hay Lữ. Lợi có quá nhiều dịp để gần gũi trại chủ, nên bọn học trò Ngô Mãnh đôi khi ngỡ ngàng không hiểu sao mình đột ngột bị chuyển đến chỗ này, hoặc nhận một nhiệm vụ khác. Lợi không muốn gặp những người đồng hương nguy hiểm trên đường đời. Nhưng tại sao họ lại cứ muốn phá bĩnh. Việc gì đến họ? Lợi tức giận tìm hỏi Huệ:
- Anh cho lệnh tập trung quân đấy chứ?
Huệ đanh nét mặt đáp:
- Phải. Anh muốn gì?
Lợi bật cười, ra vẻ mừng rỡ, nói:
- Thế mà tôi lại cứ tưởng chúng nó phao lệnh giả để quịt tiền nhau. Ôi thôi các ông tướng quá trời! Bao nhiêu quà cáp nhà gửi đem ra đổi chác cho nhau, thậm chí mua đi bán lại như đây là cái chợ xổm. Phải, anh dẹp là phải!
Huệ vẫn nghiêm nét mặt hỏi:
- Chừng nào anh về?
- Tôi ấy à! Có lẽ sáng mai. Tôi còn phải tiếp lương một chuyến nữa ở chợ Giã. Anh cần gửi thư từ gì cho trại chủ không?
Huệ ghét cay ghét đắng bộ mặt ấy. Anh đáp cụt lủn:
- Không.
Trước khi Lợi tiu ngỉu quay đi, Huệ nói thêm:
- Lần sau anh nhớ đừng đem chuyện buôn bán lên đây. Nhớ nhé!
*
* *
Trong thư An nhờ Lợi mang lên cho Lãng chỉ kể sơ lược cảnh sống cô lập của hai cha con vì mặc dù đã niêm phong kỹ lưỡng, cô vẫn còn sợ có một người ngoài gia đình như Lợi hoặc Huệ đọc được. Vị trí ông giáo ở phủ Qui Nhơn thật tế nhị và nguy hiểm, điều đó ai cũng cảm biết, nhưng không ai dám nói ra, vì nói thế nào cũng không hoàn toàn đúng.
Ngay cả nhân vật am tường việc nội bộ nhất là Bùi Văn Nhật cũng không dám công khai xếp chỗ cho ông giáo. Nhật ngó chừng thái độ của trại chủ để điều chỉnh thái độ của mình. Trước những vấn đề quan trọng, Nhạc đều có ý kiến dứt khoát, từ việc dứt khoát chọn cầu hòa với Hoàng Ngũ Phúc cho đến quyết định quản thúc Đông cung, giết Nguyễn Phúc Tịnh. Chỉ riêng đối với ông giáo, Nhạc tỏ ra e ngại, lập lờ. Nhật tưởng khi Nhạc sai Nhật đi mời ông giáo dùng cơm trưa, thì bữa tiệc ấy coi như bữa tiệc đoạn tình. Uống với nhau một chén rượu cuối, rồi thôi, từ đây về sau gặp lại chỉ nói với nhau bằng mũi kiếm. Ban đầu giọng nói của trại chủ có vẻ nghiêm khắc, lạnh lẽo thật. Nhật cũng nương theo đó công khai kết ông giáo cái tội âm mưu tạo phản. Nhưng sau khi ông giáo biện minh thề thốt, Nhạc lại quay ra hòa dịu, thân ái. Nhật chẳng hiểu phải làm cái gì, phải cư xử với ông giáo ra sao. Từ đó về sau Nhạc lại không nhắc đến chuyện cũ, nên Nhật phải rút số lính đã gửi đến canh phòng nhà ông giáo đêm hôm trước. Nhưng rõ ràng ai cũng biết từ nay vai trò của giáo Hiến đã hết!
Họ điều chỉnh lại thái độ cho phù hợp với nhu cầu mới. Trong các cuộc hội họp, bàn bạc, giữa lúc trà dư tửu hậu, họ tránh không nhắc tới ông giáo. Không ai muốn người khác nhắc lại có thời họ đã làm việc chung với ông giáo, hoặc có đi chung một đoạn đường, có cười nói vài câu xã giao với ông. Ông giáo đột nhiên vắng mặt, còn đó nhưng không hiện diện. Sự thay đổi thái độ của người ngoài quá lộ liễu nên ông giáo nhận ra ngay. Lòng tự ái của ông bị xúc phạm nặng nề. Ông phản ứng bằng thái độ tự cô lập khắc kỷ, sự khinh miệt cố ý tỏ ra quá đáng. Ông sai con gái khóa cửa trước, đóng kín cửa sổ quay ra phía đường. Có đêm Thọ Hương lén tìm An tâm sự, gõ cửa giữa khuya khoắt, khẩn khoản gọi An mở cửa, ông giáo giả vờ ngủ say không dậy. An chạy ra mở then, ông lừ mắt ngăn lại. An sợ hãi ánh mắt hung dữ khác thường ấy không biết bao nhiêu!
Thọ Hương không dám đến nữa. Cô Trúc, em gái Bùi Văn Nhựt từ lâu đã thôi học. An đi chợ phủ mỗi sáng sớm, thấy vẻ lạnh nhạt xa lánh của người quen, tủi thân nghĩ mình trở thành tai họa cho kẻ khác, tự nhiên đi về lấm lét thui thủi như người phạm tội. Trong căn nhà kín cửa tối tăm đó, một già một trẻ âm thầm lắng nghe tiếng thở dài của nhau, rồi cùng hãi hùng nghĩ tấn bi kịch này còn kéo dài thật dài về sau, không biết đến lúc nào mới chấm dứt.
Đúng như An đã viết thư cho Lãng, may mắn họ tìm được nguồn an ủi trong thi ca và kinh Phật.
Ông giáo đọc lại thơ của thời Thịnh Đường, đọc bất chợt tùy hứng chứ không theo thứ tự hoặc hệ thống phân loại. Ông muốn bắt gặp tâm hồn người xưa mà không bị định kiến chi phối, để hưởng trọn cái sảng khoái của thông cảm cởi mở. Ông với tay rút ra một tập thơ, lật một trang nào đó. Ông đọc chậm, cho từng chữ ngấm sâu vào tim vào óc mình. Đọc xong một lượt, ông gấp sách, nhắm mắt và ôn lại toàn thể ấn tượng tích lũy được suốt câu đầu đến câu chót. Ấn tượng ấy thường lan man mơ hồ, vui vui hoặc buồn buồn, lâng lâng nhẹ nhàng hoặc hào sảng náo nhiệt. Ông chưa vội tin ở ấn tượng ban đầu đó. Ông đọc to lần nữa, lần nữa, xong một lần lại chiêu một ngụm trà đặc quánh, đọc cho đến lúc ông có cái khoái cảm mừng rỡ như chính mình sáng tác được bài thơ ấy, thích thú thấy nó lớn dậy để bắt đầu một số phận riêng.
Vì thưởng thức thơ theo cách đó nên ông giáo đọc lẫn lộn nào Lý Thương Ẩn, Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Tô Thức, Đào Tiềm… Ông dừng lại lâu nhất với Đỗ Phủ. Với Đỗ Phủ. Chỉ vì một lý do: trong kệ thơ của ông, chỉ riêng Đỗ Phủ là có một tuyển tập riêng biệt, và quyển thơ đó đóng bìa đẹp đẽ công phu quá. Nội dung và hình thức quyển thơ có sức nam châm hút bàn tay lựa chọn đang ngần ngừ do dự của ông: Đó là quyển thơ Huệ gửi biếu An do Thọ Hương mang lại!
*
* *
Ông giáo đau nhói cả lòng khi nhớ lần đầu bắt gặp quyển thơ ấy trên kệ sách. Từ lâu đầu tắt mặt tối với công việc trên phủ, ông ít có thì giờ nói chuyện thân mật tâm tình với con. Văn chương thi phú thì đã gác hẳn sang một góc tưởng niệm đầy bụi bặm, từ thời Tây Sơn thượng.
Cho đến hôm ấy ông cảm thấy lạc loài giữa mọi người, boăn khoăn tự hỏi ý nghĩa của bao nhiêu cuống quít xông xáo, thôi thúc hò hét, toan tính, kế hoạch...đang dồn dập diễn ra quanh ông. Đó là hôm ông chủ định tìm lại Thơ. Ông bắt gặp tập thơ Đỗ Phủ với cái bìa nhiễu sang trọng. Giở trang đầu, ông đọc được triện son của Tuần Vũ Bình Khang. Ông giáo hiểu liền. Một niềm hân hoan pha chút hãnh diện tràn ngập lòng ông. Có thế chứ! Những buổi say mê giảng sách ở nhà học, những đêm thức khuya canh lúa trên gò Miễu, hy vọng ở đôi mắt thông minh chiếu rọi được thấu bản chất của sự vật với tất cả tự tin, cái bóng lớn lao tự trưởng thành của đời ông! Sau phút hân hoan, lòng ông bắt đầu se thắt. Ông ái ngại liếc nhìn con gái, lúc đó đang ngồi lặng lẽ lượm thóc gần cửa sổ hông. Ông hỏi An:
- Gần đây con có giở đến mấy cuốn thơ không?
An hơi ngạc nhiên khi nghe cha hỏi vậy, đỏ mặt lúng túng đáp:
- Dạ thỉnh thoảng buồn quá con có xem!
- Con thích ai nhất?
- An càng lúng túng hơn, ấp úng đáp:
- Con cũng chẳng biết nữa. Lúc thích người này, lúc thích người khác.
- Nhưng con phải đọc của ông này nhiều hơn ông kia chứ!
- Dạ.
- Như vậy con thích họ rồi. Con thường đọc ai?
- Nhiều nhất là Lý Thương Ẩn, cha ạ!
Ông giáo cười nhẹ, tỏ vẻ hiểu con. An cảm thấy sung sướng, muốn chia sẻ niềm vinh dự cho em, nên thêm:
- Lãng nó cũng thích Lý Thương Ẩn lắm.
- Còn Lý Bạch, Đỗ Phủ.
- Hai vị đó cao quá đối với chúng con. Nhất là Lý Bạch. Còn Đỗ Phủ thì...
Ông giáo vội hỏi:
- Con đọc hết tập thơ Đỗ Phủ rồi chứ?
An xấu hổ cúi mặt xuống, hai tai nóng bừng. Lúc An ngước lên, ông giáo thấy gương mặt con thật khác thường, môi An run run muốn nói gì đó mà không nói được, hai mắt sáng xúc động vì một nỗi hớt hải; khuôn mặt của một người phân vân sắp hét lên đau đớn hay khóc òa vì một hoan lạc bất ngờ. Ông lo sợ hỏi:
- Con sao thế?
An trấn tĩnh, nói nhỏ:
- Con hơi bị xâm xoàng.
Rồi đột nhiên giọng An vui vẻ hẳn lên:
- Hôm qua con mua được mẻ gạo ngon quá. Từng hạt đều riêng như hạt ngà. Để chiều nay con nấu thử cho cha xơi. Chắc chắn sẽ thơm và dẻo lắm.
Ông giáo không tìm được lời nào để nói với con. Giọng vui giả tạo còn thảm hơn cả tiếng khóc. Ông hiểu nỗi tuyệt vọng của con gái, ông xót xa vì đó cũng là nỗi tuyệt vọng của đời ông. Bao năm nay ông rộn rã cả lòng khi nghĩ đến cuộc hôn nhân lý tưởng, giữa con gái yêu và người học trò thông minh của ông. Không bao giờ thổ lộ niềm vui đó với ai, ngay cả với An, nhưng được ôm ấp trọn vẹn nó cho mình như một giấc mơ đẹp, như một ý nghĩa thuần khiết, như chút còn lại của cuộc đời bập bềnh, ông thấy an tâm, tự tín hơn. Bây giờ tất cả đều mất, mất, mất hết.
Tối hôm ấy, thức giấc giữa khuya, ông nghe hình như có tiếng khó ấm ức. Ông nín thở lắng tai để nghe cho rõ hơn. Nhưng ngoài tiếng muỗi vo ve, tiếng mọt gặm kèo gỗ, tiếng chuột lâu lâu khua động xó tủ, ông không nghe được gì khác. Ông tự nhủ có lẽ mình quá bi thảm hóa sự đau khổ của con gái!
Bình luận facebook