Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 03
Phải thông cảm cho vợ chồng Hai Nhiều, nếu họ không thể tiếp đón gia đình ông giáo một cách nồng hậu niềm nở hơn! Đời sống đã cung cấp cho họ đủ phiền phức rồi! Từ lâu, họ đã chủ trương nên thu người lại, thu càng nhỏ càng tốt, lẩn mất trong vô danh để được yên ổn mà sống. Triết lý sống ấy từ đầu là của anh chồng. Ông Tư Thới về già hình như hết còn tin tưởng vào ngón trỏ linh nghiệm của mình, bỏ hết mọi toan tính, tranh chấp, thu về trong vòng rào khu vườn um tùm. Hai đứa con của ông đều gặp những cảnh ngộ đau đớn. Một đứa tình duyên trắc trở chết không thấy mặt con. Một đứa bị bệnh nan y sống thui thủi giữa đồng vắng. Ông nghĩ đến những hành động táo tợn của mình thời trẻ, nhớ lại những kẻ thất thế bị ông gạt phăng ra khỏi cuộc tranh chấp không chút thương tiếc. Như con hổ về già, ông để mặc cho lũ khỉ, lũ sóc múa may châm chọc với lòng an nhiên. Hai Nhiều lớn lên, rập khuôn theo mẫu sống của ông ngoại, vừa thừa hưởng cái gia tài khá lớn gồm nhà cửa, vườn tược, ruộng rẫy vừa thừa hưởng lối sống dấm dúi xa cách của ông.
Chị Hai Nhiều lúc còn con gái tất nhiên cũng có tham vọng. Lấy chồng, chị hơi thất vọng vì cái tính nhu nhược cầu an của Hai Nhiều. Nhưng như ta thường thấy, dần dần chị nói, chị nghĩ, chị cư xử y như Hai Nhiều, đến nỗi nhiều người quen cũ không nhận ra chị nữa. Chị giúp chồng xếp đặt đời sống trong bốn bức rào, gắng hết sức tránh những điều phiền phức. Nhưng sự phiền phức cứ tới. Đầu tiên tới từ phía cái chòi tranh của người cậu bị cùi. Người bệnh không dám phiền hà đến ai, từ xa mà nhìn chỉ thấy một tấm phên được chống lên, một cánh cửa khép, một ánh đèn leo lét hiu hắt giữa khuya. Chị Hai Nhiều vài lần có phận sự đem đồ tiếp tế thay chồng, nín thở bước tới đặt gói thực phẩm ở gốc mít rồi ù té chạy, vẫn còn nghe được tiếng rên nhức buốt của người cậu. Còn gặp mặt thì chị chưa gặp lần nào. Cả Hai Nhiều cũng vậy. Người bệnh tuy cô lập để khỏi rầy rà cho người quyến thuộc nhưng những oán thù chồng chất do cách xử thế lấn áp tàn nhẫn của ông Tư Thới cứ còn nguyên vẹn đó, chờ dịp là trỗi dậy. Dịp ấy đến. Số là cái chòi tranh ông Tư Thới cất cho đứa con nằm trên một miếng vườn đất cao của dân tạm cư bị phá sản, phải tha phương cầu thực. Ông Tư Thới mua lại miếng đất đó với một mủng gạo đỏ. Giá có rẻ đấy, nhưng chủ quyền miếng đất ấy hợp thức. Ông Tư Thới có đủ giấy tờ cần thiết. Thế nhưng, từ lúc con ông Tư Thới ra ở riêng trong cái chòi nát cạnh mấy gốc mít cỗi, trong làng không ai dám lai vãng tới gần đó nữa. Người ta đồn đại rằng đêm đến nhất là những hôm có trăng, sâu cùi bỏ cái thân còm cõi co quắp của người bệnh, bò đi ăn sương sáng cả một quãng đồng. Hậu quả tâm lý dây chuyền diễn ra sau đó cũng dễ hiểu: cả một vạt đồng quanh cái chòi tranh bị bỏ hoang. Thợ cày không dám lùa trâu đến, thợ cấy không dám cấy. Lúa chín không ai dám gặt. Chuyện kiện tụng đưa đến tổng, rồi đến huyện, đến phủ. Vợ chồng Hai Nhiều mất dần bốn khoảng ruộng thuộc loại nhất đẳng điền để bồi thường cho người ta. Thói thường khi dậu đổ thì bìm leo. Từ đó về sau, cái chòi tranh lẩn khuất và lặng lẽ ấy trở thành cái cớ nổi giận của cả làng. Vì giữa biết bao tai ương, bất trắc, người ta giận ai, oán ai đây? Giận trời ư? Trời xa không thấu! Giận mình? Mình có tội gì! Dân làng cần tìm ra một kẻ chịu trách nhiệm, kẻ tội lỗi đã làm hại lây đến những người lân cận. Thì đâu ai khác hơn ông TưThới. Và bằng chứng sự trừng phạt của Trời Chí Tôn, hãy nhìn cái ánh đèn leo lét mỗi đêm trong cái chòi tranh ấy, hãy nghe tiếng rên xót buốt phát ra từ cái chòi tranh ấy!
Người con bất hạnh chết trước người cha bất hạnh. Dù vậy mãi cho đến lúc ông Tư Thới chết đi, nghĩa là đến năm năm sau, khu vườn của người cùi, lẫn bốn, năm khoảnh ruộng quanh đấy vẫn còn bị bỏ hoang. Vài năm sau, một gia đình xiêu tán từ Tân Quang vào, bất chấp những lời đe dọa của dân làng, xin Hai Nhiều cho cấy thuê mấy khoảng ruộng đó. Đất hoang hóa quá lâu, nên hai mùa đầu coi như mất. Đến mùa thứ ba chưa kịp thu hoạch, người chồng trong gia đình bị trúng gió chết ngay dưới gốc mít. Người vợ lại dắt lũ con nheo nhóc trôi giạt đói khát. Năm đó, trời hạn, lại có nạn dịch tả giết chết gần một nửa dân số. Hai Nhiều phải mất thêm hai đám ruộng tốt: một đám dùng hoa lợi cúng kỳ yên, một đám bán đi để xây một cái miễu ngay trên nền cái chòi tranh của người cậu, để cho oan hồn người bất hạnh siêu thoát khỏi gây họa cho người còn ở lại. Từ đó đến nay, cái miếu hoang chìm khuất giữa một vùng cây cối hoang dại, gai góc um tùm, chim chóc tìm về đó làm tổ, mùa lụt rắn rít trôi dạt vướng vào đó rồi sinh thành đàn, dần dần thành một vùng cấm địa. Người ta quên mất chuyện người cùi, nhờ thế vợ chồng Hai Nhiều rỗi rảnh được ít năm. Con cái họ lớn lên. Hai đứa con gái đầu đã đến tuổi lấy chồng. So với những cô gái khác trong vùng, con gái của Hai Nhiều khá đẹp. Cả hai cô đều khỏe mạnh, làm lụng giỏi, đặc biệt cô Ba Lý mỗi khi cười má có lúm đồng tiền thật xinh xắn. Khi có một vài đám bắn tiếng dạm hỏi, thi cái chòi tranh đã mất dấu dưới nền miễu lại hiện về, gây rắc rối cho gia đình Hai Nhiều. Người ta lại được dịp bàn ra tán vào về đôi má đỏ hây hây của cô chị, về vẻ đẹp khác thường " của cô em. Người ta nói đến căn bệnh di truyền. Người ta bịa bao nhiêu điều có thể bịa được để cột chặt số phận mấy đứa con Hai Nhiều vào gốc mít cỗi còn sót lại trước miễu cô hồn. Năm kia, họ gả được người con gái đầu lòng cho một anh thợ rèn bên Trường Định. Năm ngoái họ lại vừa đưa cô Ba Lý về làm dâu trên Xuân Huề. Vợ chồng Hai Nhiều đã lặng lẽ và can đảm chống chọi nghịch cảnh với hết sức của mình. Cả hai cô con gái đẹp đẽ đã lấy chồng ở hạng cố cùng, vợ chồng Hai Nhiều xót xa về điều ấy lắm. Nhưng biết làm sao? Than thở với ai đây? Mà oán trách ai đây!
Đúng lúc họ muốn thu nhỏ cuộc đời mình lại để tránh sóng gió, lấm lét nhìn ra bên ngoài hàng rào tre, dò trước những tai bay vạ gió, thì gia đình ông giáo đến.
*
* *
Ít lâu sau, ông giáo mới hiểu một phần cuộc đời của cha vợ, và cái miễu hoang vắng ngoài đồng kia, đã trở thành hai mặt chủ yếu của một huyền thoại phổ biến tại An Thái. Trăng là của chung mười phương, nên soi cả đến những vùng hẻo lánh. Sự sống xây dựng bằng hơi thở hừng hực của ý chí phấn đấu, bằng sức mạnh của can đảm và kiên nhẫn, nhưng có một mặt khác cũng là thành phần của sự sống: mặt yên nghỉ, mặt buông thả, lắng đọng. Cho nên cuộc đời càng cam go, càng dễ phát sinh những huyền thoại. Làm sao tưởng tượng nổi một cuộc sống hừng hực ánh nắng mà thiếu những tối quây quần dưới trăng, mắt sáng long lanh theo dõi những tình tiết của chuyện đời xưa. Mấy đời lập nghiệp ở cái bến hiền An Thái này, cũng tạm đủ cho dân ở đây dựng cho mình một chuyện riêng. Già kể cho trẻ, kẻ văn vẻ tô điểm những thiếu sót, người cả thẹn gạn lọc những điều thô lỗ. Phần còn lại của "tấn tuồng Tàu" vùng An Thái, như lời Lợi thuật lại cho ông giáo, là phần được chắt lọc qua những nguyên tắc đạo đức phổ biến: sự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa kẻ cô thế và kẻ bạo tàn, sự tất thắng của lẽ thiện. Kẻ cô thế chiếm trọn cảm tình của người dân An Thái bao nhiêu năm nay, chính là chàng rể bất đắc dĩ đã phải bỏ vợ trốn đi vào một đêm "mưa sa gió lạnh". Bây giờ chính con gái, rể, cháu của "kẻ cô thế" đấy trở về An Thái! Hóa ra chuyện đời xưa có thực chăng? Dân An Thái thích thú tiếp đón gia đình ông giáo như họ sẽ thích thú khi gặp cô Tấm trong truyện cổ tích lấy từ hũ xương cá bống nào hài cườm, xiêm lụa, yếm đào, ngay dưới gốc cây gạo ở chợ An Thái này cho họ xem!
Thiện cảm của đám đông dồn dập đến như sóng. Gần như cả gia đình ông giáo đều choáng váng trước một may mắn bất ngờ và lãng mạn như vậy. Người ta bất mãn khi thấy bà Hai Nhiều chậm hiểu nghĩ mãi chưa ra tại sao những kẻ nói giọng trọ trẹ xa lạ lại tìm đến tận cái xó xa xôi này làm gì. Người ta nhắc nhở Hai Nhiều điều này điều nọ. Tội nghiệp ông Hai Nhiều! Bị tứ phía thúc giục, trách móc, cười cợt, ông đâm quýnh. Ông chạy đi chạy lại, làm theo lời người chung quanh như một cái máy ngoan ngoãn. Roòi mọi việc đâu cũng vào đó! Người ta vực bà giáo vào nằm trên một cái chõng tre. Con gái út của ông Hai Nhiều lo thổi cơm, luộc trứng dầm mắm cua đãi khách. Bác Năm đã thương lượng thuê tiếp một người phu ở Nước Mặn chuyển gánh thai bài của Lợi lên Kiên Thành. Để kịp hẹn với ông biện, và nhân thể báo gấp ông biện tìm cách gỡ Loưị ra khỏi gông dài của bọn lính phủ, họ từ chối không dám nghỉ đêm ở An Thái. Đêm về khuya. Những kẻ hiếu sự cũng thấm mệt, dần dần về nhà. Chỉ còn lại hai gia đình ruột thịt mà xa lạ. Lúc đó, ông giáo mới cặn kẽ kể ngọn ngành gốc gác của gia đình mình. Vợ chồng Hai Nhiều và hai đứa con nhỏ ngồi chồm hổm gần bên cây đèn chai lắng nghe từng tiếng của ông giáo. Đứa con trai em kế cô Ba Lý, nét mặt hơi ngờ nghệch, miệng há hốc càng thêm vẻ đần độn. Cô gái út thì khá linh hoạt, đến ngồi bên An vuốt tóc An làm quen. Nghe ông giáo kể xong. Hai Nhiều đăm chiêu. Còn vợ Hai Nhiều thì hô hoán lên;
- Đã đành như vậy, nhưng chúng tôi tình cảnh thế này, giúp được gì cho các người. Tại sao các người không tìm về quê nội!
*
* *
Cảm tình bồng bột lãng mạn của dân An Thái cứu gia đình ông giáo qua cơn bối rối buổi buổi đầu, chẳng hạn nó thúc giục, hoặc nói đúng hơn, ép buộc chị Hai Nhiều chấp nhận lặng lẽ những điều đáng lý chị vừa chấp nhận vừa càm ràm.
Thuở sinh thời, ông Tư Thới có nhiều mộng ước ngang tàng. Ông muốn ruộng vườn rộng thêm ra. Ông đã mãn nguyện. Muốn cả một dọc bờ nam con sông Côn, không ai đảm lược hơn ông. Ông đã mãn nguyện. Nhưng đến việc dựng nhà lập trại, ông bị nhiều điều ràng buộc. Dù có thừa tiền lắm của, ông cũng không thể xây một căn nhà đúng mơ ước của mình. Cho nên, lúc ông giáo Hiến về An Thái, cảnh tượng căn nhà tranh nhỏ và thấp hơn nhiều so với nhà cửa dinh thự ở Thuận Hóa khiến ông giáo ngao ngán. Ngoài kiểu nhà lá mái hơi lạ, ông giáo không thấy dấu vết nào chứng tỏ sự giàu sang, dư tật. Trái lại, cách bài trí luộm thuộm, cách chạm trổ những hình hoa văn thô kệch ở đầu tường và trước bàn thờ tổ tiên, càng khiến kẻ sành sỏi dễ thấy óc thẩm mỹ lệch lạc và vụng về của chủ nhân. Đã thế, bao nhiêu công phu dồn cả cho phần trình diễn khoe khoang nên phần dành cho sinh hoạt thiết yếu như nơi ăn nơi ngủ trong nhà hết sức chật hẹp, bất tiện. Chái phía đông che đậy sơ sài bằng vài bức phên tre không ngăn nổi nước mưa tạt từng cơn vào lưng khách. Khoảng nhà ngang hẹp gần cái sân cát lại quá tối tăm, hai bên đều có vách đất kín mít, chỉ có một cái cửa sổ nhỏ trổ ra hướng gió bấc, nên đám đàn bà con gái ốm yếu thà chịu ngột không dám mở cửa đương đầu với gió độc. Quanh cái sân nhỏ gần bếp, bên trên đều có mái che cả đấy. Nhưng cái giếng đào ngay giữa sân làm cho nền đất chung quanh thường xuyên lầy lội. Mùi hôi hám từ cái chuồng heo bên trái nhà bếp bao phủ khắp nhà, và nếu không có đống hành tỏi đổ đầy góc phòng ngủ, có lẽ mùi khăm khắm khen khét sẽ vượt nhà ngang, len lỏi đến tận bàn thờ tổ tiên.
Chị Hai Nhiều gắn bó đời mình với khung cảnh ấy đã bao nhiêu năm. Chị đã thuộc lòng từng cái vết bẩn trên tường, từng mô đất nhỏ cộm dưới lòng bàn chân mỗi khi chị đi lại trên nền nhà ẩm. Chị có thể nhắm mắt lại đi vài bước đưa tay là tìm ra cây kim trong rổ may, việc gì phải khó chịu vì cái cửa sổ phòng ngủ hướng ra phía gió bấc cứ đóng im ỉm suốt năm. Âm thanh, màu sắc, mùi vị trong cái căn nhà thân thiết này là những phần tử thiết yếu của cuộc đời chị, là bộ phận của chính thân thể chị. Nhiều lần về quê bên kia sông thăm mẹ một bữa, hai bữa chị chưa cảm thấy gì. Lâu hơn nữa lòng chị bồn chồn. Chị nôn nao vu vơ. Cho đến khi ngửi thấy mùi cháo heo um trấu từ bên kia vườn, chua chua và khét, ngậy nồng vì cám cháy dưới đáy chiếc nồi đất, chị không bình tĩnh được nữa. Chị nhớ đàn heo của chị, nhớ mùi ôi của nước cơm thừa, mùi khai của nước tiểu, mùi khét của khói bếp. Chị cương quyết dứt áo ra về, dù mẹ và em chị có năn nỉ, giễu cợt. Không nói ra, chị hãnh diện vì cái mùi ôi và khắm chung quanh nhà bếp y như ông Hai Nhiều hãnh diện về những hình hoa văn chạm trổ trên tấm ván lim che ngang trước bàn thờ gia tiên.
Vì vậy, thấy ông giáo nhăn mặt xoa trán vì vô ý va đầu vào khuôn cửa nhà ngang, hoặc thấy Chinh đưa ngón tay quệt nhiều lần lên đầu mũi khi xuống bếp múc cho bà giáo chén nước, chị Hai Nhiều đâm bực bội. Lòng tự ái của chị bị xúc phạm một cách thô bạo và vô hình, Phải! Nếu họ có tình thì họ phải giữ ý tứ chứ. Mình có mời họ đến đây đâu, mà họ chê cửa thấp bếp hôi! Chị nói thầm như vậy. Mặt chị dàu dàu, suốt thời gian hai gia đình chịu đựng cảnh "ăn chung ở chạ".
Gia đình người "em chồng bất ngờ" của Hai Nhiều quá đông. Những bảy người. Lại thêm hai điều phiền phức từ lâu chị tưởng không bao giờ gặp lại, hai điều mà chị sợ nhất, đó là tiếng con nít khóc và tiếng người bệnh rên rỉ. Ban ngày, mười mấy con người chen chúc nhau trong gian nhà hẹp, thấp, tối, đi ra đi vào đụng đầu, chạm vai, chị không tìm ra lấy chỗ để dựa tạm cái lưng mỏi. Đêm đến, đám đàn bà con gái chen nhau sắp lớp trong chái nhà ngang. Thằng Út lâu lâu khóc thét lên, khi kêu chị, khi đòi mẹ. Bà giáo từ lúc ghé bến Gò Bồi, cứ chìm mãi trong trạng thái mông muội, hoặc rên nho nhỏ như lâm râm đọc kinh, hoặc đột ngột nói huyên thiên những điều mâu thuẫn, rời rạc, phí lý. Chen vào đó, tiếng khóc thút thít của An. Sống trong tình cảnh ấy, chị Hai Nhiều cảm thấy cân não căng thẳng, dường như cả người chị bị trương lên, sắp phải nổ tung.
Nếu hai vợ chồng chị không từng chịu đựng được một cách khắc kỷ mọi tai họa trong bao lâu nay, thì chị đã nổ tung lên rồi, Chị chịu đựng lặng lẽ!
Trong lúc đó, hàng xóm láng giềng của chị lại quá ồn ào, xốc nổi. Sáng hôm sau, người ta kéo đến nhà chị Hai Nhiều còn đông hơn tối hôm trước. Người ta bắt buộc ông giáo kể lai lịch bà giáo nhiều lần. Giới phụ nữ đi xa hơn, vào tận buồng trong xem mặt cho được cô em gái ông Hai Nhiều, "người con gái lưu lạc" của "chàng rể bất hạnh". Người nào đưa ý kiến sửa giúp cái chuồng bò đã bỏ hoang của Hai Nhiều thành căn nhà tạm cho gia đình ông giáo, sau này không ai nhớ được. Ý kiến đó được mọi người hoan nghênh. Hai Nhiều cũng đồng ý vì không có cách nào khác. Hai vợ chồng đã mua được đôi trâu khỏe, nên cái chuồng bò cũ ở góc vườn phía tây trở nên quá hẹp. Họ đã bỏ cái chuồng ấy, cất một cái chuồng trâu khác ở mé đồng, gần giếng và đống rơm, tiện cho việc ủ phân bón. Họ định qua mùa sẽ dỡ cái chuồng bò đi, lấy tre và tranh cũ che thêm cái chái chuồng heo để nuôi thêm hai con heo nái, phần tre thừa dành rào kín cái cổng dành cho bò đi lâu nay bỏ trống. Hai Nhiều rấp tạm bằng một nùi gai dại. Nhưng nay cả làng gợi ý như thế, cũng tiện đôi đường. Tuy chịu đựng cũng giỏi như vợ mọi điều không được như ý, Hai Nhiều cảm thấy không thể kéo dài cái cảnh sống chung chạ này lâu hơn.
Thế là trong vòng có năm ngày, cả làng An Thái, (kẻ góp công người góp vật liệu) đã lợp xong cho gia đình ông giáo một căn nhà mới. Phần cột trụ căn bản vẫn là cột trụ cái chuồng bò, nhưng nhờ tranh, tre, nứa, rơm nhồi đất trét vách, do của thập phương góp lại nên căn nhà thật khang trang. Cửa chính hai cánh ghép bằng tre đập dập, khuôn cột cẩn thận bằng mây già. Hai cái cửa sổ nhỏ hai bên hình vuông che kín bằng hai tấm phên đan hình mắt cáo, lúc chống nghiêng bằng hai thanh tre cật, trông từ xa, giống y như hai mí mắt mơ màng nhìn về phía hoàng hôn. Bên trong, những người hảo tâm cẩn thận dựng dọc một tấm bình phong bằng tranh, chia đôi căn nhà từ xế cửa lớn, dành phần bên trái làm nhà cầu và nhà bếp. Nền đất nện không được kỹ, nhưng so với mặt đất vườn Hai Nhiều như vậy là khá cao ráo. Những người có tuổi đoán chắc với ông giáo là dù nước lụt có to đến đâu, cũng không thể vào nhà được.
Ông giáo đứng từ ngoài nhìn thẳng vào căn nhà mới. Với hai cửa sổ mở hé và cửa lớn mở rộng, ông thấy căn nhà đang nhìn xuống và cười mỉm trong trầm tư. Gió thổi vào mái tóc tranh lòa xòa chưa kịp cắt bằng, ánh sáng vàng chói của mặt trời sắp lặn rọi thẳng vào nụ cười trầm tư ấy. Ông giáo đột nhiên cảm thấy lòng rộn rã vu vơ, y như buổi sáng hôm ông đứng trên ngọn đồi Ngãi Lãnh nhìn về đồng và biển bao la của phương Nam.
*
* *
Đêm đã khuya. Bên ngọn đèn chai chỉ có hai cha con. Ông giáo lấy cái que cời bớt những mụn chai đã cháy hết ở đầu cây đèn cho bớt khói. Ông cời lạm qua phần cháy dở, từng giọt lửa rỏ xuống đất ẩm, cháy ráng được một lúc rồi tàn lụn trong hơi khói. An ngước lên, thấy cha nhìn đăm đăm vào ngọn đèn mà nét mặt thất thần. Rõ ràng ông giáo không chú ý mình đang làm gì, tay cầm cái que đưa đi đưa lại như làm thuộc lòng theo trí nhớ. Cô bé nhìn đôi mắt sâu nỗi lo âu, nhìn mái tóc thưa và rối của cha. Cô bé muốn ôm lấy cha mà khóc, nhưng lúc ấy nét mặt ông giáo nghiêm nghị quá. An không dám. Ông giáo bỏ cái que xuống cạnh cái giá đèn, hỏi An:
- Con đã xông trấu chưa?
An lo sợ đáp:
- Con quên mất. Thằng Út cựa quậy mãi không chịu ngủ. Mẹ đã bớt nói mê hơn hôm qua. Con chờ cho mẹ và em ngủ xong mới ra đây được.
Giọng ông giáo vẫn đều đều, không tỏ chút nào trách móc:
- Nhà mình mới cất, gần bụi tre rậm, nhiều muỗi lắm. Buổi sáng cha thấy khắp người anh Kiên đầy những nốt lấm tấm đỏ. Ngủ gì mà say như chết.
An nói hộ anh:
- Anh Hai mệt quá đấy cha! Khu đó bỏ hoang bao nhiêu năm nay, gai góc nhiều. Anh Hai nói cả buổi chiều đào không xong cái gốc táo nhơn to tướng.
Ông giáo quay nhìn phía sau lưng. Trên cái phản gỗ tạp bà Hai Nhiều cho mượn, Kiên nằm ngủ mê mệt, một chân còn bỏ thõng xuống đất, một chân trên phản nên dáng nằm có vẻ khổ sở mệt mỏi. Hai tuần nay, ba cha con cùng nhau khai hoang mấy miếng ruộng quanh miễu, hy vọng sang tháng mưa có thể bắt đầu gieo cấy mùa lúa đầu. Nhẩm tính lại số tiền dành dụm, ông tháo mồ hôi. Dù tiện tặn đến thế nào chăng nữa, số tiền ấy không thể nuôi nổi gia đình ông được một năm, với điều kiện không tính đến các chi tiêu bất thường. Nhưng không tính sao được! Bà giáo còn nằm một chỗ, hết rên rỉ lại nói xàm! Từ hơn một tháng về đây, ông đã phải bốn lần đi bổ thuốc cho bà. Ở nơi xa xôi này, giá thuốc bắc quá đắt. Đáng buồn hơn nữa là những món thuốc quí và cần thiết không thể tìm đâu có. Ông giáo viết toa sai Chinh đi bổ thuốc, hiệu bán thuốc bắc gần chợ An Thái chỉ có không đầy một nửa số thuốc kê trong toa. Nhẩm tính lại, thang thuốc không còn hiệu quả gì. Về sau chính ông giáo phải ra hiệu thuốc thăm dò xem họ còn những loại thuốc nào, rồi mới về kê đơn. Bệnh bà giáo chỉ dừng lại, giảm đi chút ít, nhưng không bớt, không có hy vọng gì bớt. Số tiền dành dụm đã ít, tiền thuốc thang theo cái đà này... ông giáo không dám nghĩ đến nữa. Công việc đã gấp lắm rồi! Không chần chờ được. Ông đã sang thương lượng với ông bà Hai Nhiều. Chị vợ lúc nào cũng mau mắn hơn chồng. Chị nói:
- Dạ, cô chú về đây là phải. Dù sao cũng là máu mủ với nhau, không giúp nhau lúc hoạn nạn thì còn chờ đến lúc nào. Nghiệt một điều là ruộng đất miếng to miếng nhỏ đâu đâu cũng có sổ sách hết. Có giấy tờ phân minh mới được giữ tư điền, không có giấy thì phải nhập làm của công, chia cho dân đinh cày cấy mà nộp thuế. Hồi trước cha bỏ nhà đi, đến nỗi nhà tôi mở mắt ra đời còn chưa biết mặt.Thành ra ông ngoại có muốn công bằng chia cho các cháu, cũng không biết tên cô ở nhà là gì mà ghi vô phân thơ...
Ông giáo quá biết chị Hai Nhiều muốn dẫn câu chuyện về phía nào. Ông định nói, nhưng Hai Nhiều đã tiếp lời vợ:
- Phải, cô chú không về thì chúng tôi làm sao biết mấy mươi năm trước, cha bỏ đây rồi là về Thuận Hóa, rồi lại lấy vợ, sinh em. Nói điều này nếu không phải chú bỏ lỗi, nếu có kẻ vô lại nghe được chuyện nhà của mình, ở đâu về đây tự xưng là... là em trai em gái của cô, để đòi này đòi nọ, thì chúng tôi phải xử làm sao?
Ông giáo giận đến ngột thở. May lúc ấy về đêm nên Hai Nhiều không nhận ra được gương mặt đỏ bừng của ông giáo. Có lẽ cả hai vợ chồng Hai Nhiều đều nghĩ mình đã nói đủ, chẳng những thế, đã đi quá cái mức cần thiết, nên sau đó hai vợ chồng đều im lặng để đợi ý kiến của ông giáo. Ông giáo dần dần nguôi giận, ông nói thật chậm để vừa trấn tĩnh mình vừa lưu ý người nghe:
- Xin anh chị yên tâm. Chúng tôi về đây không có cái ý ấy đâu. Không nói ngoa, nếu anh chị thấy ở gần gũi thế này bất tiện, nội ngày mai chúng tôi sẵn sàng đi nơi khác.
Cả ông lẫn bà Hai Nhiều cùng cất tiếng cắt lời ông giáo:
- Không phải thế. Chú hiểu lầm rồi!
- Không phải thế. Ý của chúng tôi chỉ muốn nói...
Ông giáo nói lớn hơn để át giọng hai người:
- Đấy là tôi chỉ nói thế thôi, cho anh chị yên lòng. Của cải vườn ruộng của anh chị, là công lao mồ hôi nước mắt bao năm đào từng gốc cây, nhặt từng hòn đá, khai mương đắp đập khổ cực mới có, chứ đâu phải của trời rơi xuống. Anh chị đang cày cấy, dù có nhượng lại, chúng tôi cũng không dám lấy. Tôi chỉ xin anh chị nghĩ tình máu mủ giúp cho điều này.
Ông giáo ngừng lại. Cả hai vợ chồng Hai Nhiều không ngồi yên được nữa. Quên giữ ý, họ chồm đến phía trước, mắt lom lom nhìn miệng ông giáo. Ông giáo chán chường nhận ra trong lối nhìn ấy, có điều gì thô bỉ đến tội nghiệp. Ông cười nhẹ rồi nói:
- Chúng tôi nghe bà con mách rằng: ngày trước vì cậu không may bị bệnh nan y, mà mấy miếng ruộng quanh miễu không ai dám cày. Lâu ngày cỏ dại, gai góc um tùm. Ba cha con chúng tôi định xin phép anh chị phát hoang, may ra còn trồng tỉa gì được chăng.
Anh chị Hai Nhiều cùng ồ lên vui sướng. Họ vừa thoát khỏi một đe dọa ghê gớm mà dù quen chịu đựng, lần này, họ vẫn nghĩ không có cách nào tránh khỏi tai ương. Chị Hai Nhiều vồ vập bảo:
- Sao chú không nói ngay từ đầu! Được. Được lắm.Tưởng gì nhiều chứ mấy miếng miễu, chú cứ tùy ý làm gì thì làm.
Ông Hai Nhiều đi xa hơn vợ, hứa sẽ đem trâu đến cày giúp khi cha con ông giáo phát cỏ và khai hoang xong. Ông cẩn thận kèm thêm điều kiện: miễn là đất không cứng quá. Trâu của tôi độ này kém ăn!
Họ bắt tay ngay vào việc khai hoang.Tuổi ông giáo đã ngoài 45, việc lao động chân tay sau mấy mươi năm ròng theo đòi nghiên bút, tất nhiên thật vất vả. Kiên nhìn cha cuốc đất, tự nhiên thấy cay nóng nơi đầu mũi. Anh không dám nhìn lâu nữa. Phần Chinh thì chưa qua khỏi cái tuổi bạc bẽo, chỉ mong làm qua loa cho xong để chạy ra chợ đàn đúm. Cho nên Kiên nhận lãnh trách nhiệm chủ yếu. Anh dành phần nặng nhọc vất vả nhất cho mình.Tối tối vừa cơm nước xong, Kiên nằm vật lên phản thiếp đi lúc nào không hay. Nhiều hôm An quên, ông giáo đã chợp mắt một lúc, chợt nhớ một mình thức dậy un muỗi, sửa thế nằm cho con, gài lại một hạt nút, lau sạch một vết bùn trên trán Kiên. Nếu Kiên còn bé, hoặc nếu ông bỏ được thói quen cư xử nghiêm cẩn với con cái, ông giáo đã ôm lấy Kiên rồi. Ngay lúc này đây, thấy dáng ngủ khố sở của Kiên, ông giáo đã xúc động mãnh liệt. Ông muốn diễn tả niềm thương yêu tràn đầy đối với các đứa con ngoan của ông. Nhưng ông không biểu lộ tình cảm chan chứa ấy được. Ông đâm lúng túng trước mặt con gái. Ông cảm thấy An đang trách móc ông, vì ông đã không thấy được công lao khó nhọc và sự tận tụy của anh Hai. Ông giáo tìm chuyện lảng tránh. Ông hỏi con gái:
- Chinh đâu rồi?
An nhìn quanh, giả vờ tìm kiếm, rồi đáp- Anh ấy mới chạy đi đâu đó. Chắc qua nhà cậu mợ.
Ông giáo lại hỏi:
- Tối hôm qua nó về lúc nào?
An nhìn cha, ngập ngừng. Cuối cùng, cô bé nói dối:
- Lúc cha vừa ngủ xong, con dậy mở cửa cho anh ấy, em Út giật mình khóc to, cha không nghe sao!
Sự thực suốt đêm qua, Chinh không về nhà. Ăn cơm tối xong, Chinh bỏ đi đâu suốt cả đêm, gà gáy mới mò về, len lén vào giường, giả vờ ngủ. Có lẽ chỉ có An lưu ý điều đó. Cô bé sợ cha phiền lòng, nên giấu đi. Ông giáo không chú ý thái độ bối rối của con, nói với con gái:
- An này!
An giật thót người, lo sợ hỏi:
- Cha gọi gì con?
Ông giáo ngập ngừng:
- Ban đêm con có dám qua nhà cậu mợ không?
An đáp:
- Con không sợ ma đâu! Hôm trước...
An định nói cứng, chợt nhớ tối hôm ấy mình nín thở chạy một mạch từ nhà cậu mợ về nhà mình, suýt vấp phải cái rễ cây duối, thẹn thùng không dám nói tiếp. Ông giáo nói:
- Nhà mình... cha muốn nói... nhà mình độ này túng lắm, con biết không. Tiền thuốc thang, tiền gạo mắm. Khi chiều Kiên vừa cho cha biết, mình chỉ còn... Mà thôi, con còn bé, chưa nên biết vội. Cha tính mãi chưa biết thế nào... Hay con qua bên nhà cậu mợ...
An lo sợ công việc cha định sai mình. Cô bé nghĩ đến nét mặt bà Hai Nhiều. Ông giáo nói tiếp:
- Cha đàn ông không biết hỏi ai. May ra nhờ mợ Hai giúp cho. Con lấy cái áo lụa của mẹ, sang nhờ mợ tìm người nào muốn mua, bán gấp cho. Bao nhiêu cũng được. Cái áo còn tốt, chắc được giá. Con đem biếu cho mợ cái lược ngà, bảo hôm kia mẹ tỉnh lại có dặn cha, nhưng cha quên mất!
*
* *
Ông giáo không ngờ việc bán vài thứ hàng ngoại, cùng vài món kỷ niệm xinh xinh vốn là quà biếu của quan nội hữu lại có thể gây nhiều xao động lớn lao như vậy cho thôn ấp hẻo lánh này. Ban đầu ông hơi kinh ngạc, pha lẫn đôi chút tự mãn khinh mạn kín đáo. Về sau, các sự kiện ra ngoài dự liệu của ông, ông đâm hoảng.
Chiếc áo lụa, bà Hai Nhiều đổi giúp cho ông giáo được mươi thưng thóc. Cái giá một chiếc áo đã cũ mà được thế thật bất ngờ đối với gia đình ông. Mà cũng bất ngờ đối với chị Bảy Chìa. Cả đời chị quen mặc vải thanh cát dày cứng như mo cau, chị không tưởng tượng nổi trên đời này lại có thứ vải vừa mềm mịn, vừa trơn mặt như thế này! Chị ôm cái áo vào lòng, mùi băng phiến thơm tho đến ngây ngất. Chị mặc áo vào, cởi ra, rồi lại mặc vào. Chị định sang nhà cô em nhờ ngắm xem chiếc áo có vừa với thân hình hơi gầy ốm vì luống tuổi của chị không. Đến ngõ, nghĩ sao chị lại trở vào, cởi áo gói vào cái khăn đội đầu. Cả ngày hôm ấy, chiếc áo lụa được chuyền từ nhà này sang nhà khác. Chị Bảy Chìa phải bay theo nó, mặt giả vờ phụng phịu nhăn nhó nhưng thực lòng hết sức hãnh diện. Nhờ thế, cái áo ấm may bằng nhung Tàu đã bắt đầu ngả màu và rụng lông của ông giáo được leo lên cái giá hai mươi thưng. Một cái lược đồi mồi giá năm thưng. Cái quạt giấy có vẽ cảnh sơn thủy và đề thêm một bài thơ tứ tuyệt của Lý Bạch, do chữ nghĩa ngoằn ngoèo nhăng nhít, bị bớt còn ba thưng.
Nhà chị Hai Nhiều khách khứa đông hẳn lên. Phần lớn là khách phụ nữ đến nhờ chị sang ông giáo hỏi mua dùm khi thì một loại nút áo, khi thì cái gương kiểu Tàu lạ mắt. Có người còn muốn mua những thứ giống y như của chị này, bà kia. Khổ cho bà Hai Nhiều mà cũng khổ cho ông giáo! Ông đâu giàu có đến nỗi sắm một loạt năm bảy cái lược ngà, ba bốn cái gương soi mặt để bây giờ bán cho khách ái mộ. Ông bảo toàn là những thứ lẩm cẩm bạn bè ông quen với giới buôn bán ở cửa Hội, đem về biếu vợ con ông, bây giờ túng quẫn phải đem bán lấy thóc mà ăn. Người ta không chịu tin, cho rằng ông muốn neo giá. Người ta thêm lên một hai thúng thóc, chê món hàng mình đang tìm không được mới nên chỉ có thể thêm bấy nhiêu đó thôi! Ông giáo không bao giờ nghĩ có lúc mình phải ở vào một hoàn cảnh trái khoáy như vậy. Ban đầu ông cố nhịn nhục, phân trần, về sau ông nổi cáu đáp lại dấm dẳng. Lại thêm một cái cớ nữa để dân An Thái hối hận đã đến cất giùm nhà cho ông giáo!
Rồi đến đám khách đàn ông!
Một hôm có một ông khách ăn mặc chững chạc, chân mang guốc, tay cắp dù, theo sau có một tiểu đồng ôm tráp trầu. Ông khách đi thẳng vào nhà ông giáo, không cần mời đã tự động kéo ghế ra ngồi. Yên vị xong, ông khách nhìn quanh nhà một lượt, đầu gật gù. Ông giáo bất mãn trước vẻ tự thị của người khách lạ, nhưng cố bình tĩnh để xem hắn định giở trò gì. Ông khách gật gù một lúc rồi khen:
- Nhà cửa khéo lắm. Nhỏ nhưng mà ngăn nắp, chứng tỏ con người có học.
Ông giáo chưa kịp nói gì, hắn hỏi đốp chát:
- Một người như ông thì về trốn ở cái xứ man mọi này làm gì cho phí người đi! Tôi đã nghĩ ông muốn ẩn thân để chờ cơ hội làm chuyện vá trời lấp biển đây!
Ông giáo hoảng hốt. Hắn là ai mà đến đây tra vấn gốc gác của mình? Hắn muốn gì? Ông giáo làm nhũn, ra vẻ khiêm nhường nhận mình chỉ là một thầy đồ rách ở kinh đô.
Người khách có vẻ thỏa mãn vì đã làm cho ông giáo nhũn lại. Hắn đổi ra giọng tâm sự. Chỉ một khắc sau, ông giáo biết được điều muốn biết. Hắn là ai ư? Một tên xã trưởng trong vùng, chuyên lo thúc ốp tiền sai dư và giúp cai tổng, duyệt lại lập sổ đinh. Hắn muốn gì ư? Muốn được mua rẻ, hoặc biếu không càng tốt, một cái quạt Tàu.
Hôm khác lại có một xã trưởng đến. Ông giáo khỏi phải hồi hộp, thắc mắc như lần trước, vì tên xã trưởng này tính tình bộp chộp, ưa khoe khoang hơn tên kia. Nhờ hắn ông giáo biết hiện ở đây có tất cả bốn xã trưởng và năm tướng thần, tất cả chín người đều được làm việc, nhưng phải cử thêm một viên tri ấp làm đầu mục. Ông giáo biết đây là một cái tệ đã có từ lâu, nhiều lần chính quan nội hữu bạn ông có dâng sớ xin sửa đổi để thống nhất hành chính, nhưng không được kết quả gì. Từ lâu, tướng thần ở hai xứ Thuận Quảng cũng như khán thủ ở bốn trấn được cùng với xã trưởng thu thúc phú dịch. Năm Bảo Thái Ất Tỵ, vương phủ định rõ lệ thu các lễ:
- Tướng thần phải nộp thượng lễ (dâng lên chúa) 35 quan, tiền lễ (nộp vào nội cung) 7 quan, tiền lĩnh bằng và tiền ngụ lộc các quan cộng 7 quan, tất cả 49 quan.
- Xã trưởng phải nộp thượng lễ 30 quan, nội lễ 6 quan, tiền lĩnh bằng, tiền ngụ lộc các quan 5 quan, tất cả 41 quan(1).
Do đó, mọi người tranh nhau nộp tiền để lãnh chức tướng thần hay xã trưởng. Có nơi một xã có đến 16 hay 17 tướng thần, hơn 20 xã trưởng. Ông giáo lẩm bẩm một mình: như vậy là mình đã hân hạnh tiếp chuyện với 2 trong 4 ông xã trưởng của miền đất này rồi. Thật mỗi người một vẻ! Tự giới thiệu xong, tên xã trưởng, không quanh co, đòi mua một cáo áo đoạn. Ông giáo từ chối, bảo mình chỉ còn một cái đã cũ. Tên xã trưởng nhìn quanh quất, như muốn chính mắt xác nhận xem cái áo nó như thế nào, có cũ kỹ như lời thối thác của ông giáo không. Hắn không tìm được cái áo đoạn móc quanh hắn. Và hắn nổi giận. Hắn hỏi:
- Tôi nghe nói thầy có mấy đứa con trai lớn, phải không?
Ông giáo đáp:
- Vâng. Đứa con cả của tôi năm nay 21. Đứa thứ nhì mới 15. Đứa thứ ba con gái. Đứa thứ tư mới 11 tuổi, nó đứng kia kìa. Cháu nhỏ nhất còn bé, lên 3.
Tên xã trưởng lẩm nhẩm tính:
- Con trai đến 18 tuổi thì đã phải theo lệ biên tên ngay vào sổ tuyển binh. Người nào có con mà ẩn lậu, hoặc chức sắc nào biết ẩn lậu mà không cáo gian đều bị tội, bắt làm lính cắt cỏ voi(2). Đứa 21 tuổi đã vào sổ xã binh chưa? Còn cái đứa khai 15, có phải đã hạ mất 3 tuổi để ẩn lậu không?
Ông giáo giận quá, môi mím lại. Giá ông nói được tự do, ông đã đọc cho hắn nghe điều lệ thứ hai trong quân chế. " Hễ là dân mới về hay mới đến thì được chước miễn 3 năm cho yên nghiệp làm ăn, bản xã không được ức bắt thế lính, hết hạn mới thế cấp"(3). Vả lại gia đình ông vốn là dân nội phủ được miễn lính. Nhưng nói những điều ấy ra lúc này chỉ tổ hại cho gia đình ông thôi! Cho nên ông đành một mực kêu oan, vừa tự kể khổ vừa vuốt ve tự ái của tên xã trưởng. Hắn bằng lòng không nghi ngờ gì nữa, nếu ông giáo bằng lòng bán cái áo đoạn cho hắn. Ông mất thêm cái áo đoạn sau khi mất cái quạt trầm hương.
Sau đó bốn hôm, Lợi dẫn đến nhà ông giáo một ông khách nữa. Nhìn qua vẻ trầm tĩnh, bệ vệ, từ cách đi cách ngồi, ông giáo đoán chức vị người này còn cao hơn hai tên xã trưởng. Lợi rất mừng rỡ được gặp lại gia đình ông giáo. Bằng cái giọng liến thoắng quen thuộc, cậu kể mình bị dẫn lên phủ thế nào, kêu oan thế nào, ông biện Nhạc cuối cùng can thiệp ra làm sao. Theo Lợi kể thì thế lực của ông biện khá lớn, mấy lần trước ông can thiệp vụ nào được vụ đó. Lần này gặp trường hợp Lợi, ông biện gặp khó. Tri huyện cứ tra vấn mãi: mua côn thai bài nhiều như vậy để làm gì? Muốn làm giặc phỏng? Buôn nguồn mấy đời rồi còn sợ ai nữa, mà sắm lao để tự vệ? Phải chịu mất một gánh thai bài, bốn gánh trầu nguồn và hai mươi cân mật ong, ông biện mới cứu Lợi ra được. Ông giáo không tin lắm ở những con số Lợi kể. Ông cười dễ dàng, tha thứ cho cái tính ba hoa của cậu. Lợi cho ông biết người khách cậu dẫn đến là ông cai tổng. Ông giáo biết mình phải đối phó với một vụ cướp cạn nữa. Không biết hắn đòi thứ gì? Hắn không đòi. Chính quan tri huyện đòi. Sở dĩ quan tri huyện đòi, là vì lũ lính có phận sự đi sai ốp xã binh mách lẻo, kể cho quan huyện nghe vì sao mình mới nhìn cái chăn nhiễu lục sang trọng đã vội tưởng sắp chạm đoàn hầu cận của một phu nhân. Từ đó bà huyện không ăn không ngủ nổi, nếu không thấy được cái chăn nhiễu lục nó đẹp nó sang đến mức nào. Ông cai tổng xác nhận mình chỉ là cấp thừa hành. Ông thông cảm hoàn cảnh ông giáo, thương bà giáo lưu lạc một thời đến lúc về được quê ngoại thì lâm trọng bệnh, thương ông giáo phải vất vả mưu sinh... Ông giáo thà mất đứt cái chăn nhiễu lục còn hơn phải ngồi nghe tiếp những lời giả dối ấy. Ông giáo không mất đứt, vì cuối cùng, còn được ông cai tổng gửi lại một lời hứa:
- Khi nào gặp khó khăn, thầy cứ qua tôi. Không có gì đâu, đừng ngại. Chúng nó không dám làm phiền thầy đâu! Tôi bảo đảm từ nay về sau, không ai dám làm gì thầy đâu. Vâng, từ nay trở đi... vâng, nếu có thứ gì gói lại cho cẩn thận, càng tốt. Đường xa sợ bụi bặm, nó dơ đi!
*
* *
Có một đêm Chinh dẫn Lãng ra mấy đám ruộng miễu. Lãng sợ đêm tối, dùng dằng không muốn đi. Chinh bảo em:
- Mày con trai mà nhát như cáy. Đi với tao, sợ gì. Ra tao cho xem cái này hay lắm!
Sự tò mò cuối cùng đã thắng nỗi sợ hãi. Lãng nắm chặt lấy vạt áo anh, từ nhà ra đến bờ ruộng không dám thở. Đêm tối mịt mùng. Mùa tháng tư lúa vừa gặt xong, cả cánh đồng bằng phẳng chỉ còn trơ những gốc rạ. Chinh thông thạo đường đi nước bước, dẫn em băng đồng đi về phía miễu. Lãng sợ, níu anh dừng lại hỏi:
- Anh đi đâu đấy?
Chinh cười nhỏ, giọng chế giễu:
- Bạo lên chút, chú thỏ mặt xanh. Không tụi nó cười cho.
Lãng đành lẽo đẽo theo bước anh, tâm trí cứ thắc mắc không hiểu ngoài hai anh em ra, còn "tụi nó" nào nữa.
Sắp đến mấy đám ruộng ba cha con vừa phát quang. Chinh dừng lại, đưa tay lên miệng huýt còi. Từ phía trước, có tiếng huýt còi đáp lại. Gió thổi còi bật về phía triền núi xa, âm thanh ban đầu nghe như tiếng rắn lục rít lên, rồi yếu đuối tan loãng trong đêm tối. Chinh định hướng rồi đi về phía bắc. Lãng hoang mang không chú ý chân bước, vấp phải một bờ ruộng thấp. Cậu bé ngã chúi xuống, trán va vào một mặt ruộng đất cứng lởm chởm gốc rạ. Cậu muốn khóc, nhưng tiếng Chinh cười làm cho cậu nổi lòng tự ái. Cậu bậm môi lại, ráng thản nhiên phủi quần áo. Môi trên cậu rát, và cậu thấy vị nước miếng trong miệng hơi mặn. Mặc kệ! Nhất định không cho anh ấy biết mình sắp khóc. Sao mà giọng cười anh ấy đáng ghét quá, còn đáng ghét hơn cả những lời càm ràm của chị An nữa!
Ba bóng đen chờ hai anh em Chinh, Lãng từ lúc nào. Một người ngồi chồm hổm trên mặt ruộng, hai người kia ngồi trên một thân táo nhơn gác nghiêng lên bờ cao. Cỏ bị phát quang nằm rải rác, nắng đã làm cho cỏ khô nên dưới bước chân hai anh em, tiếng lá cỏ gãy lốp rốp. Lãng dẫm phải một chùm gai mắc cỡ. Cậu dừng lại. Chinh để mặc em ngồi xuống gỡ gai, tiến thêm vài bước hỏi lớn:
- Ra đây lâu chưa?
Có tiếng trả lời:
Mới đây thôi. Cứ tưởng mày sợ, bỏ cuộc.
Chinh cười thật to, cố phóng đại sự ngạo nghễ, khinh mạn. Lãng nhận ra được ba cậu thiếu niên cùng trang lứa với Chinh, nhưng không biết mặt. Giọng nói cả ba là giọng An Thái. Một cậu có giọng rè vỡ như tiếng ngỗng đực hỏi:
- Mày đã nghĩ kỹ chưa?
Chinh quả quyết đáp:
- Hỏi như vậy là xem thường tao đấy. Rồi tụi mày sẽ thấy. Có nhớ đem đèn không?
Một người khác đáp:
- Có đây. Tao lén lấy được trong buồng mẹ tao một thỏi đèn chai. Mày quên đá lửa rồi phỏng?
Chinh cười:
- Tao mà quên! Có cả bùi nhùi nữa. Đưa cả cho anh, Lãng.
Bây giờ Lãng mới biết cái bọc hơi nặng từ nãy đến giờ Chinh nhờ cậu giữ hộ, là bọc đá lửa. Sự tò mò giúp cậu can đảm một cách thất thường. Cậu đưa đá lửa và bùi nhùi cho anh, nóng lòng chờ đợi những điều bí mật lạ lùng chua từng nghĩ tới.
Cậu thiếu lạ mặt từ nãy đến giờ ngồi chồm hổm trên mặt ruộng và im lặng, bây giờ mới chậm rãi bảo Chinh:
- Tụi tao báo trước là nếu mày chết, tụi tao không chịu trách nhiệm đâu. Mày mang thằng nhỏ này theo làm chứng hả? Em ruột mày à? Nó bé tí teo, nhưng thôi cũng tạm được. Phía tụi tao thì có hai đứa này. Thằng Sửu là một, thằng Thìn là hai. Bắt đầu được chưa?
Chinh quả quyết trả lời:
- Tao sẵn sàng. Bắt đầu đi.
Cậu thiếu niên vừa nói chậm rãi đứng dậy. Cả đám tụ lại quanh cậu ta. Bằng một giọng cố ý làm ra vẻ nghiêm trọng, phát chậm và dằn từng lúc, cậu tuyên bố.
- Ba người làm chứng có mặt đêm nay xác nhận rằng: không ai được kiện tụng, đòi bồi thường, nếu có người bị ma cùi vật chết trong miễu. Nếu không chết nhưng bị lây bệnh đến nỗi ngón tay rụng, chân co quắp, mũi xẹp, mắt lòa cũng không được khiếu nại. Phải một mình vào trong miễu, bật lửa đốt đèn huơ tròn ba lần làm hiệu cho người ngoài biết mình đã vào đến nơi. Phải tắt đèn ngồi trong miễu cho đến lúc trăng lên, và phải mang ra đây một cái chân đèn thờ trong miễu. Qua được thử thách này, mới xứng đáng là người đởm lược, và mới được truyền bài võ nhập môn. Lê Trọng Chinh, mày nghe rõ chưa?
- Thưa rõ.
- Mày có muốn rút lui không?
- Thưa không.
- Mày có sợ chết không?
- Không.
- Bắt đầu!
Lãng vội chụp áo Chinh, giọng hốt hoảng:"Đừng, anh", nhưng Chinh đã một mình tiến về phía cái miễu. Mọi người hồi hộp nhìn theo bóng Chinh, ban đầu còn lờ mờ hiện trên nền đồng trống nhờ nhờ, về sau chìm khuất hẳn vào bóng cây rậm. Chim chóc khua động, sợ hãi bay ra. Tiếng kêu xao xác, bầu trời vẫn đen nghịt. Gió thổi lớn thêm, cả bốn người cùng nhận ra tiếng gió hú đe dọa. Cậu bé có tiếng ngỗng đực thì thào:
- Lỡ nó bị rắn thì sao!
Cậu đầu têu gạt đi:
- Đừng nói bậy. Hãy yên lặng nào!
Từ đó không ai bảo ai, mọi người hồi hộp dán mắt về phía miễu, chờ đợi. Lại có người thắc mắc:
- Sao lâu quá! Hay nó không biết đánh lửa? Đèn chai của mày có tốt không?
- Tao đã đốt thử rồi. Nhạy lắm. Có lẽ bùi nhùi xấu không chừng!
Lãng bậm môi lại. Máu trong miệng cậu cứ ri rỉ chạy, nhưng vì mãi lo âu cho anh, cậu quên cả rát buốt. Cậu muốn khóc to, muốn gọi Chinh hãy trở lại. Thấy ba người lạ mặt lầm lì, cậu không dám thở mạnh. Cậu sợ quá!
Đột nhiên, ba người lạ cùng reo lên. Từ đám đen quanh miễu, một chấm đèn di động thật chậm theo hình tròn, đúng ba vòng theo như luật định. Cậu đầu têu thở phào vui mừng, nói với ba người:
- Xong, nó đến nơi rồi. Phải nói là tụi bây không bằng được nó. Tụi bây chỉ nói dóc!
Một đứa chống chế:
- Nhưng hãy chờ thêm đã! Trăng chưa lên mà! Người ta bảo khi trăng lên, sâu cùi mới bò ra sáng cả một quãng đồng.
Chúng kiên nhẫn chờ trăng. Thời gian như dừng lại, phía đông bầu trời giữ nguyên một màu mực xạ. Từ phía tối âm u, có lẽ Chinh cũng nôn nả không ngồi yên được. Cậu phá luật, hay nói đúng hơn là làm quá cả yêu cầu. Cậu đem đèn ra ngoài miễu, huơ tròn hai lần nữa. Rồi cuối cùng điều mọi người mong đợi đã cũng đến. Cả bọn không đứa nào thạo thiên văn địa lý, nên không ngờ đêm ấy mãi tận lúc gà sắp gáy trăng mới nhú lên. Chinh cầm đèn trở ra, ánh sáng bập bùng giữa khuya đủ soi một nụ cười ngạo nghễ. chưa bao giờ Lãng trông thấy anh hùng vĩ và lẫm liệt như vậy. Vừa mệt nhọc vừa bị kích động cực độ, cậu ôm chồng lấy anh mà khóc
*
* *
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa thôi là trời là bắt đầu mưa. Ông giáo bàn tính với Kiên, gắng làm sao vỡ xong khu đất miễu cho kịp gieo bắp thử trong mùa đầu. Kiên làm việc quá sức, hôm qua ngủ dậy bị sốt, cố gượng húp chén cháo dằn bụng đi làm nhưng không được. Anh nằm mê man suốt hai ngày. Ông giáo chẩn bệnh cho con, bảo Kiên bị bệnh sốt rét ngã nước. Ông Hai Nhiều khuyên nên uống thuốc nam, tìm xin cho Kiên một lá dây leo màu xanh cọng phơn phớt tím. Giã lấy ước rồi đun sôi, bát thuốc trở thành màu nâu và đắng nghét. Kiên nín hơi uống cạn hai bát thuốc nóng, mồ hôi vã như tắm. Có vẻ như anh bớt sốt, vì từ trưa đến giờ, An thấy anh cả nằm yên, không rên khe khẽ từng hồi như đêm hôm trước.
Ông giáo và Chinh đã ra khu đất miễu. Cả Lãng cũng đòi theo cha. An nhận thấy mấy hôm gần đây, Lãng có nhiều biến đổi khác thường. Ban đêm, Lãng cứ trằn trọc hết lăn bên này lại xoay bên kia. Một tối chợt thức giấc không thấy em nằm bên cạnh, An tưởng em xuống bếp đi tiểu. Chờ mãi không thấy Lãng lên, An trở dậy, thấy Lãng đứng bên cửa sổ nhìn mông lung ra đêm tối. Cặp mắt Lãng tự nhiên sáng lên khác thường, thứ ánh sáng tỏa chiếu từ những biến chuyển âm u phức tạp của ý nghĩ, của mơ tưởng chứ không bắt nguồn từ thực tại bên ngoài. An quen thuộc với thứ ánh sáng đó, vì mỗi lần cha đọc được một cuốn sách hay, viết được một câu thơ đẹp, nói được vơi bạn bè một giấc mộng ấp ủ, An lại thấy mắt ông giáo bừng lên niềm thỏa thích kỳ lạ này. Có điều ở ông giáo mắt rạng rỡ phát tiết, thì ở Lãng, An mơ hồ nhận ra sự kích động đam mê. An đâm sợ, hoang mang không hiểu nổi em.
Mũi kim đâm vào ngón tay giữa của cô bé. An giật mình. Cô bé lúng túng nhìn quanh sợ có người thấy mình lơ đãng. Thay vì chít ống tay áo lại cho hẹp, An lại may ống rộng theo thói quen. Gia đình ông giáo mau chóng nhận ra rằng kiểu quần áo khác thường họ mang từ kinh về đã chia cách họ với dân làng, từ cái cổ đứng, ống tay áo rộng và dài, cho đến cách kết khuy, xẻ nách. Những quần áo đa cũ, sờn ở cổ và vai, họ giữ lại để mặc trong nhà. Nhưng khi ra ngoài, nhất là đi làm lụng, phải có quần áo thích hợp. Ông giáo nhờ bà Hai Nhiều mua cho một ít vải nhuộm chàm loại dày. Kiên có tài vặt trong việc nội trợ của đàn bà nhờ tính tỉ mỉ, cần cù. Chính Kiên phụ trách việc cắt áo. An lo may. Áo đàn ông may rộng, cổ tròn, tay ngắn và hẹp, vạt trước quàng kín ngực và cột vào ba dải dài kết dọc hông phải. Riêng chiếc áo của An, cô bế chăm chút kỹ hơn. An tự tay cắt áo hơi hẹp, ống tay áo dài, cửa ống tay rộng. Chỉ thiếu cái cổ đứng viền nhiễu xanh và những hàng khuy hình con bướm, An đã ăn mặc gần giống như thuở trước ở kinh đô.
An đang may áo cho Lãng, chợt nhớ lời anh dặn, vội vào buồng trong tìm lại cái áo của Kiên. Mẹ và em đang ngủ. An thấy bà giáo nằm nghiêng, nước dãi chảy thành dòng xuống má, xuống gối. An đau thắt cả lòng: Gần như càng ngày, bà giáo càng mất dần ý thức tham dự vào sự sống, dù là những thói quen sơ đẳng như đưa thức ăn vào miệng, nhắm mắt ngủ lúc tối trời, kéo vạt áo che thân thể. Trước đây bà giáo còn giật mình ngơ ngác hoặc tỏ dấu lo lắng khi nghe tiếng thằng Út khóc. Mấy hôm nay, những phản ứng theo thói quen ấy không còn nữa. Hình như những sợi dây đã từng ràng buộc tâm trí bà với thực tại, từ sợi tơ mềm như tình mẫu tử cho đến những dây oan nghiệt như cơm áo, những sợi dây chằng chịt đó dần dần nới lỏng. Bây giờ bà như con rối sau cuộc diễn trò, nằm bất động vô tình giữa mớ dây nhợ rối rắm đã trở thành vô dụng. An lấy khăn lau nước dãi cho mẹ, đắp ngực cho Út, rồi cầm cái áo Kiên trở ra phòng ngoài.
Kiên rên khe khẽ rồi trở mình, mặt quay về phía An. Mới đau có mấy hôm, khuôn mặt Kiên đã khác. Cằm của Kiên nhọn thêm, hai xương hàm bạnh ra. Thấy anh mở mắt lờ đờ như đang nhìn mình, An định đưa cái áo lên khoe. Nhưng Kiên nhắm mắt lại. An nghĩ: lần đầu tiên từ ngày về An Thái anh ấy ngã bệnh lâu như vậy. chỉ tại anh ấy phí sức quá. Từ sáng đến chiều vỡ ruộng đã nhọc, gặp người thuê gánh hàng xuống chợ Mới với giá hai quan, anh nhận ngay. Tiền anh đem về đủ đi chợ vài tuần thật đấy, nhưng anh ngã bệnh liền. Thế là dự định anh giúp em làm hàng xáo để kiếm thêm chút ít không thành rồi!
*
* *
Buổi chiều Lãng về mang theo một bộ mặt dàu dàu. Quá quen các trái chứng của em, An không để ý. Anh Chinh thì cười nói luôn miệng, cơm vừa chín đã tự lấy bát xúc ăn trước rồi chạy ra chợ như mọi hôm. Chờ anh đi xong, Lãng kéo chị ra phía sau đống rơm nói:
- Em sẽ mách cha. Lần này dù có năn nỉ, em cũng mách cha cho xem.
An hỏi:
- Nhưng mà mách cái gi?
Lãng ngước lên nhìn chị, kinh ngạc:
Chị không bết gì hết à?
An lờ mờ hiểu ý em nhưng giả vờ hỏi:
- Thì chị có biết đâu. Có cần mách cha không?
Lãng bậm môi lại, giọng nói giận dữ:
- Sao lại không. Hồi trưa cha đã hỏi ban đêm làm gì mà ban ngày cái mặt cứ lừ nhừ vậy. Em mà biết được ảnh mọi rợ, em đã nói liền hồi trưa rồi!
An nghe hai chữ "mọi rợ" em dùng khá lạ tai. Có lẽ là một loại từ mới Lãng học được của Chinh. An hỏi em:
- Anh Chinh đánh Lãng hả? Có đau không?
Lãng nói:
- Không. Anh nói dối em. Ảnh hứa nếu em chịu đi làm chứng, ảnh sẽ tìm bắt cho nguyên một tổ sáo nhỏ. Hôm qua ảnh có sáo, lại đem cho thằng Thìn.
An vội hỏi:
- Làm chứng? Làm chứng cho ai? Về chuyện gì?
Đến lượt Lãng thắc mắc:
- Anh Chinh không kể cho chị nghe à?
- Có kể gì đâu. Nhưng chuyện gì mà quanh co mãi!
Lãng nói trong hoang mang, như người vừa dần dần tỉnh ngộ:
- Như vậy là ảnh lại nói dối. Em dọa sẽ kể hết cho chị An. Anh cười bảo An đã nghe tao kể lại từ đầu chí cuối, từ hồi đạp lên mình con rắn cho đến lúc đốt đèn làm hiệu, mày kể cũng vô ích. Em tưởng thật. Đồ mọi rợ!
Rồi Lãng kể cho chị mọi chuyện xảy ra tối hôm ấy, hôm Chinh phải qua một đêm thử thách trong miễu cô hồn để được công nhận là đủ đởm lược học võ. Vì tự ái, Lãng dấu bớt nỗi sợ hãi nhút nhát của mình, tự mô tả như một kẻ tự nguyện đi làm chứng vì sự nghiệp võ nghệ của ảnh, chứ không phải là một kẽ bị đưa đẩy vì tò mò và yếu đuối. An vỡ lẽ, nói nhỏ với em:
- Hóa ra thế! Thấy tối nào ảnh cũng đi đến khuya, chị biết ảnh đi học võ với lũ trẻ ngoài chợ. Nhưng không biết chuyện cái miễu. Đêm hôm tối tăm, lỡ gặp rắn rít cắn cho thì làm sao hở trời!
Lãng giải thích thêm:
- Ảnh cố học cho mau để dự đỗ giàn vào lễ cô hồn rằm tháng bảy. Nghe nói cả hai đám An Thái và An Vinh đều đua nhau chuẩn bị ráo riết. Năm ngoái phe An Vinh giành được con heo quay, mà chỉ bị thương có bảy người. Năm nay AnThái quyết phục thù đấy!
Càng nghe chuyện, An càng sợ hãi. Từ lâu, An đã dõi mắt theo những điều Chinh làm với lòng cảm phục pha lẫn lo âu. Giữa ai anh, thực tình mà nói, An cảm phục Chinh hơn. Anh Kiên cần cù và chân thực, nhưng An vẫn thấy ở người anh cả có cái gì lạnh lẽo, phẳng lặng quá. Ở Chinh, sự táo tợn, gan góc có làm cho An tê điếng vì sợ hãi, nhưng sau đó, cô bé còn lại được cảm giác thích thú phiêu lưu. An nhớ một lần hai anh em đi chơi với bọn trẻ hàng xóm, An và một đứa con gái nhỏ cùng tuổi gây gổ nhau, hai thằng anh vì tự ái và vì thương em, cùng ra tay can thiệp. Chinh nhỏ thó hơn thằng bé kia, chắc chắn lấy lực mà đấu thì không ăn thua gì. Chinh quay sang ngón sở trường của mình, là đấu sự liều lĩnh. Chinh tìm bắt hai con sâu, một con lớn bằng ngón tay út, một con nhỏ hơn. Con sâu mập tròn, cái bụng xanh căng lên, ở đầu có hai cái sừng trông kỳ dị, ghê tởm. Chinh thách thằng bé, có dám cầm con sâu bỏ vào miệng nuốt hay không. Trong lúc thằng bé địch thủ của Chinh còn ngẩn ngơ chưa dám tin ở tai mình, thì Chinh đã đưa hai ngón tay nhón lấy con sâu lớn, bỏ vào miệng nhai nuốt ngon lành. Lũ con gái rú lên bỏ chạy. Thằng bé sợ quá, chân run không chạy được. Chinh túm lấy nó, cầm con sâu dí dí dọa nhét vào mồm nó. Thằng bé sau đó bị đau suốt một tuần lễ vì cơn sốt sợ hãi, còn mấy anh em Chinh thì trở thành những kẻ bất khả xâm phạm, muốn thứ gì chỉ việc ra lệnh chứ không cần xin xỏ.
Nuốt một con sâu! chuyện đó có thể tưởng ra được, nỗi nguy hiểm nếu có cũng chỉ một cơn ói mửa. Nhưng một mình trong cái miễu thờ người cùi, giữa đêm khuya! Dự tính học vài miếng võ để tranh giành với dân An Vinh! Càng nghĩ An càng sợ. Cha phải biết chuyện này! Không thể giấu được! An gắt với em:
Chuyện tầy trời như vậy mà mày dám giấu. Lỡ đêm đó rắn cắn ảnh chết thì sao? Mày thích thú lắm hả! Mày mê mấy con sáo nhỏ, xem thường tính mệnh của anh mày. Tao sẽ mách cha, để cha xử.
Lãng không ngờ tình thế biến chuyển bất ngờ như vậy. Cậu ngớ người ra một lúc, rồi bật khóc. Tối hôm đó, Lãng không ăn cơm. An giận em cứng cổ, không thèm gọi. Lãng nghĩ: như vậy là cả nhà ghét bỏ mình. Chỉ có mẹ thương mình, nhưng mẹ đã mê đi không còn hiểu mình khóc vì sao nữa! Cha không thương mình, vì nếu thương mình tại sao mình bỏ cơm tối mà cha không thắc mắc tìm hiểu. Anh Kiêm thì lạnh lẽo quá, chắc không thương ai. Anh Chinh và chị An, rõ ràng họ ghét mình hơn ai hết. Ngồi khóc thút thít một mình ngoài bờ tre, Lãng nhìn vào nhà chờ một tiếng gọi. Cửa sổ đóng, nhưng cửa lớn mở. Ánh đèn bên trong vẫn còn, tiếng nói chuyện lao xao từ nhà mợ Hai Nhiều và nhà Lãng vẫn còn nghe được "Họ" vẫn còn đó, nhưng "họ" không thèm biết mình đang chờ họ gọi vào, họ an ủi, họ vỗ về. Họ quên hẳn Lãng rồi. Ý nghĩ đó mạnh ghê gớm quá, Lãng bật khóc, nước mắt càng chảy cậu càng thấy cuộc đời mình khổ sở. Không đáng sống nữa. Lãng lại nhìn vào nhà. Cửa lớn khép, cửa sổ phía giường mẹ còn mở. Không ai chờ đón Lãng về để xin lỗi cả. Chỉ vì Lãng chưa chết đi, nên "họ" còn xem thường Lãng. Cậu bé nghĩ vậy, và quyết chí đi tìm cái chết. Cậu lững thững đi về phía mấy đám ruộng miễu. Cậu vấp ngã, cậu do dự, nhưng chân vẫn tiến về cái phía bí nhiệm đó. Chỉ phía đó mới tìm ra cái chết. Chết vì rắn độc, hay chết vì sâu cùi thân hình tê dại co quắp càng tốt. Thi thể càng thảm thương, "họ" càng thương tiếc, hối hận.
Lãng đã trốn nhà đi tìm cái miễu hoang đêm hôm đó và về sau, đã trở lại thao thức cả đêm trong miễu nhiều lần, mỗi lần một lý do khác nhau. Có thể nói tâm hồn cậu đã trải qua nhiều chặng biến chuyển phức tạp và cái mốc trên quãng đường chập chồng nguy hiểm này là những đêm dừng chân cô độc trong miễu hoang.
(1) Theo Phủ Biên Lạp Tục, Lê Quí Đôn, trang 183-184
(2) Theo Phủ Biên Lạp Tục, Lê Quí Đôn, trang 183-184
Chị Hai Nhiều lúc còn con gái tất nhiên cũng có tham vọng. Lấy chồng, chị hơi thất vọng vì cái tính nhu nhược cầu an của Hai Nhiều. Nhưng như ta thường thấy, dần dần chị nói, chị nghĩ, chị cư xử y như Hai Nhiều, đến nỗi nhiều người quen cũ không nhận ra chị nữa. Chị giúp chồng xếp đặt đời sống trong bốn bức rào, gắng hết sức tránh những điều phiền phức. Nhưng sự phiền phức cứ tới. Đầu tiên tới từ phía cái chòi tranh của người cậu bị cùi. Người bệnh không dám phiền hà đến ai, từ xa mà nhìn chỉ thấy một tấm phên được chống lên, một cánh cửa khép, một ánh đèn leo lét hiu hắt giữa khuya. Chị Hai Nhiều vài lần có phận sự đem đồ tiếp tế thay chồng, nín thở bước tới đặt gói thực phẩm ở gốc mít rồi ù té chạy, vẫn còn nghe được tiếng rên nhức buốt của người cậu. Còn gặp mặt thì chị chưa gặp lần nào. Cả Hai Nhiều cũng vậy. Người bệnh tuy cô lập để khỏi rầy rà cho người quyến thuộc nhưng những oán thù chồng chất do cách xử thế lấn áp tàn nhẫn của ông Tư Thới cứ còn nguyên vẹn đó, chờ dịp là trỗi dậy. Dịp ấy đến. Số là cái chòi tranh ông Tư Thới cất cho đứa con nằm trên một miếng vườn đất cao của dân tạm cư bị phá sản, phải tha phương cầu thực. Ông Tư Thới mua lại miếng đất đó với một mủng gạo đỏ. Giá có rẻ đấy, nhưng chủ quyền miếng đất ấy hợp thức. Ông Tư Thới có đủ giấy tờ cần thiết. Thế nhưng, từ lúc con ông Tư Thới ra ở riêng trong cái chòi nát cạnh mấy gốc mít cỗi, trong làng không ai dám lai vãng tới gần đó nữa. Người ta đồn đại rằng đêm đến nhất là những hôm có trăng, sâu cùi bỏ cái thân còm cõi co quắp của người bệnh, bò đi ăn sương sáng cả một quãng đồng. Hậu quả tâm lý dây chuyền diễn ra sau đó cũng dễ hiểu: cả một vạt đồng quanh cái chòi tranh bị bỏ hoang. Thợ cày không dám lùa trâu đến, thợ cấy không dám cấy. Lúa chín không ai dám gặt. Chuyện kiện tụng đưa đến tổng, rồi đến huyện, đến phủ. Vợ chồng Hai Nhiều mất dần bốn khoảng ruộng thuộc loại nhất đẳng điền để bồi thường cho người ta. Thói thường khi dậu đổ thì bìm leo. Từ đó về sau, cái chòi tranh lẩn khuất và lặng lẽ ấy trở thành cái cớ nổi giận của cả làng. Vì giữa biết bao tai ương, bất trắc, người ta giận ai, oán ai đây? Giận trời ư? Trời xa không thấu! Giận mình? Mình có tội gì! Dân làng cần tìm ra một kẻ chịu trách nhiệm, kẻ tội lỗi đã làm hại lây đến những người lân cận. Thì đâu ai khác hơn ông TưThới. Và bằng chứng sự trừng phạt của Trời Chí Tôn, hãy nhìn cái ánh đèn leo lét mỗi đêm trong cái chòi tranh ấy, hãy nghe tiếng rên xót buốt phát ra từ cái chòi tranh ấy!
Người con bất hạnh chết trước người cha bất hạnh. Dù vậy mãi cho đến lúc ông Tư Thới chết đi, nghĩa là đến năm năm sau, khu vườn của người cùi, lẫn bốn, năm khoảnh ruộng quanh đấy vẫn còn bị bỏ hoang. Vài năm sau, một gia đình xiêu tán từ Tân Quang vào, bất chấp những lời đe dọa của dân làng, xin Hai Nhiều cho cấy thuê mấy khoảng ruộng đó. Đất hoang hóa quá lâu, nên hai mùa đầu coi như mất. Đến mùa thứ ba chưa kịp thu hoạch, người chồng trong gia đình bị trúng gió chết ngay dưới gốc mít. Người vợ lại dắt lũ con nheo nhóc trôi giạt đói khát. Năm đó, trời hạn, lại có nạn dịch tả giết chết gần một nửa dân số. Hai Nhiều phải mất thêm hai đám ruộng tốt: một đám dùng hoa lợi cúng kỳ yên, một đám bán đi để xây một cái miễu ngay trên nền cái chòi tranh của người cậu, để cho oan hồn người bất hạnh siêu thoát khỏi gây họa cho người còn ở lại. Từ đó đến nay, cái miếu hoang chìm khuất giữa một vùng cây cối hoang dại, gai góc um tùm, chim chóc tìm về đó làm tổ, mùa lụt rắn rít trôi dạt vướng vào đó rồi sinh thành đàn, dần dần thành một vùng cấm địa. Người ta quên mất chuyện người cùi, nhờ thế vợ chồng Hai Nhiều rỗi rảnh được ít năm. Con cái họ lớn lên. Hai đứa con gái đầu đã đến tuổi lấy chồng. So với những cô gái khác trong vùng, con gái của Hai Nhiều khá đẹp. Cả hai cô đều khỏe mạnh, làm lụng giỏi, đặc biệt cô Ba Lý mỗi khi cười má có lúm đồng tiền thật xinh xắn. Khi có một vài đám bắn tiếng dạm hỏi, thi cái chòi tranh đã mất dấu dưới nền miễu lại hiện về, gây rắc rối cho gia đình Hai Nhiều. Người ta lại được dịp bàn ra tán vào về đôi má đỏ hây hây của cô chị, về vẻ đẹp khác thường " của cô em. Người ta nói đến căn bệnh di truyền. Người ta bịa bao nhiêu điều có thể bịa được để cột chặt số phận mấy đứa con Hai Nhiều vào gốc mít cỗi còn sót lại trước miễu cô hồn. Năm kia, họ gả được người con gái đầu lòng cho một anh thợ rèn bên Trường Định. Năm ngoái họ lại vừa đưa cô Ba Lý về làm dâu trên Xuân Huề. Vợ chồng Hai Nhiều đã lặng lẽ và can đảm chống chọi nghịch cảnh với hết sức của mình. Cả hai cô con gái đẹp đẽ đã lấy chồng ở hạng cố cùng, vợ chồng Hai Nhiều xót xa về điều ấy lắm. Nhưng biết làm sao? Than thở với ai đây? Mà oán trách ai đây!
Đúng lúc họ muốn thu nhỏ cuộc đời mình lại để tránh sóng gió, lấm lét nhìn ra bên ngoài hàng rào tre, dò trước những tai bay vạ gió, thì gia đình ông giáo đến.
*
* *
Ít lâu sau, ông giáo mới hiểu một phần cuộc đời của cha vợ, và cái miễu hoang vắng ngoài đồng kia, đã trở thành hai mặt chủ yếu của một huyền thoại phổ biến tại An Thái. Trăng là của chung mười phương, nên soi cả đến những vùng hẻo lánh. Sự sống xây dựng bằng hơi thở hừng hực của ý chí phấn đấu, bằng sức mạnh của can đảm và kiên nhẫn, nhưng có một mặt khác cũng là thành phần của sự sống: mặt yên nghỉ, mặt buông thả, lắng đọng. Cho nên cuộc đời càng cam go, càng dễ phát sinh những huyền thoại. Làm sao tưởng tượng nổi một cuộc sống hừng hực ánh nắng mà thiếu những tối quây quần dưới trăng, mắt sáng long lanh theo dõi những tình tiết của chuyện đời xưa. Mấy đời lập nghiệp ở cái bến hiền An Thái này, cũng tạm đủ cho dân ở đây dựng cho mình một chuyện riêng. Già kể cho trẻ, kẻ văn vẻ tô điểm những thiếu sót, người cả thẹn gạn lọc những điều thô lỗ. Phần còn lại của "tấn tuồng Tàu" vùng An Thái, như lời Lợi thuật lại cho ông giáo, là phần được chắt lọc qua những nguyên tắc đạo đức phổ biến: sự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa kẻ cô thế và kẻ bạo tàn, sự tất thắng của lẽ thiện. Kẻ cô thế chiếm trọn cảm tình của người dân An Thái bao nhiêu năm nay, chính là chàng rể bất đắc dĩ đã phải bỏ vợ trốn đi vào một đêm "mưa sa gió lạnh". Bây giờ chính con gái, rể, cháu của "kẻ cô thế" đấy trở về An Thái! Hóa ra chuyện đời xưa có thực chăng? Dân An Thái thích thú tiếp đón gia đình ông giáo như họ sẽ thích thú khi gặp cô Tấm trong truyện cổ tích lấy từ hũ xương cá bống nào hài cườm, xiêm lụa, yếm đào, ngay dưới gốc cây gạo ở chợ An Thái này cho họ xem!
Thiện cảm của đám đông dồn dập đến như sóng. Gần như cả gia đình ông giáo đều choáng váng trước một may mắn bất ngờ và lãng mạn như vậy. Người ta bất mãn khi thấy bà Hai Nhiều chậm hiểu nghĩ mãi chưa ra tại sao những kẻ nói giọng trọ trẹ xa lạ lại tìm đến tận cái xó xa xôi này làm gì. Người ta nhắc nhở Hai Nhiều điều này điều nọ. Tội nghiệp ông Hai Nhiều! Bị tứ phía thúc giục, trách móc, cười cợt, ông đâm quýnh. Ông chạy đi chạy lại, làm theo lời người chung quanh như một cái máy ngoan ngoãn. Roòi mọi việc đâu cũng vào đó! Người ta vực bà giáo vào nằm trên một cái chõng tre. Con gái út của ông Hai Nhiều lo thổi cơm, luộc trứng dầm mắm cua đãi khách. Bác Năm đã thương lượng thuê tiếp một người phu ở Nước Mặn chuyển gánh thai bài của Lợi lên Kiên Thành. Để kịp hẹn với ông biện, và nhân thể báo gấp ông biện tìm cách gỡ Loưị ra khỏi gông dài của bọn lính phủ, họ từ chối không dám nghỉ đêm ở An Thái. Đêm về khuya. Những kẻ hiếu sự cũng thấm mệt, dần dần về nhà. Chỉ còn lại hai gia đình ruột thịt mà xa lạ. Lúc đó, ông giáo mới cặn kẽ kể ngọn ngành gốc gác của gia đình mình. Vợ chồng Hai Nhiều và hai đứa con nhỏ ngồi chồm hổm gần bên cây đèn chai lắng nghe từng tiếng của ông giáo. Đứa con trai em kế cô Ba Lý, nét mặt hơi ngờ nghệch, miệng há hốc càng thêm vẻ đần độn. Cô gái út thì khá linh hoạt, đến ngồi bên An vuốt tóc An làm quen. Nghe ông giáo kể xong. Hai Nhiều đăm chiêu. Còn vợ Hai Nhiều thì hô hoán lên;
- Đã đành như vậy, nhưng chúng tôi tình cảnh thế này, giúp được gì cho các người. Tại sao các người không tìm về quê nội!
*
* *
Cảm tình bồng bột lãng mạn của dân An Thái cứu gia đình ông giáo qua cơn bối rối buổi buổi đầu, chẳng hạn nó thúc giục, hoặc nói đúng hơn, ép buộc chị Hai Nhiều chấp nhận lặng lẽ những điều đáng lý chị vừa chấp nhận vừa càm ràm.
Thuở sinh thời, ông Tư Thới có nhiều mộng ước ngang tàng. Ông muốn ruộng vườn rộng thêm ra. Ông đã mãn nguyện. Muốn cả một dọc bờ nam con sông Côn, không ai đảm lược hơn ông. Ông đã mãn nguyện. Nhưng đến việc dựng nhà lập trại, ông bị nhiều điều ràng buộc. Dù có thừa tiền lắm của, ông cũng không thể xây một căn nhà đúng mơ ước của mình. Cho nên, lúc ông giáo Hiến về An Thái, cảnh tượng căn nhà tranh nhỏ và thấp hơn nhiều so với nhà cửa dinh thự ở Thuận Hóa khiến ông giáo ngao ngán. Ngoài kiểu nhà lá mái hơi lạ, ông giáo không thấy dấu vết nào chứng tỏ sự giàu sang, dư tật. Trái lại, cách bài trí luộm thuộm, cách chạm trổ những hình hoa văn thô kệch ở đầu tường và trước bàn thờ tổ tiên, càng khiến kẻ sành sỏi dễ thấy óc thẩm mỹ lệch lạc và vụng về của chủ nhân. Đã thế, bao nhiêu công phu dồn cả cho phần trình diễn khoe khoang nên phần dành cho sinh hoạt thiết yếu như nơi ăn nơi ngủ trong nhà hết sức chật hẹp, bất tiện. Chái phía đông che đậy sơ sài bằng vài bức phên tre không ngăn nổi nước mưa tạt từng cơn vào lưng khách. Khoảng nhà ngang hẹp gần cái sân cát lại quá tối tăm, hai bên đều có vách đất kín mít, chỉ có một cái cửa sổ nhỏ trổ ra hướng gió bấc, nên đám đàn bà con gái ốm yếu thà chịu ngột không dám mở cửa đương đầu với gió độc. Quanh cái sân nhỏ gần bếp, bên trên đều có mái che cả đấy. Nhưng cái giếng đào ngay giữa sân làm cho nền đất chung quanh thường xuyên lầy lội. Mùi hôi hám từ cái chuồng heo bên trái nhà bếp bao phủ khắp nhà, và nếu không có đống hành tỏi đổ đầy góc phòng ngủ, có lẽ mùi khăm khắm khen khét sẽ vượt nhà ngang, len lỏi đến tận bàn thờ tổ tiên.
Chị Hai Nhiều gắn bó đời mình với khung cảnh ấy đã bao nhiêu năm. Chị đã thuộc lòng từng cái vết bẩn trên tường, từng mô đất nhỏ cộm dưới lòng bàn chân mỗi khi chị đi lại trên nền nhà ẩm. Chị có thể nhắm mắt lại đi vài bước đưa tay là tìm ra cây kim trong rổ may, việc gì phải khó chịu vì cái cửa sổ phòng ngủ hướng ra phía gió bấc cứ đóng im ỉm suốt năm. Âm thanh, màu sắc, mùi vị trong cái căn nhà thân thiết này là những phần tử thiết yếu của cuộc đời chị, là bộ phận của chính thân thể chị. Nhiều lần về quê bên kia sông thăm mẹ một bữa, hai bữa chị chưa cảm thấy gì. Lâu hơn nữa lòng chị bồn chồn. Chị nôn nao vu vơ. Cho đến khi ngửi thấy mùi cháo heo um trấu từ bên kia vườn, chua chua và khét, ngậy nồng vì cám cháy dưới đáy chiếc nồi đất, chị không bình tĩnh được nữa. Chị nhớ đàn heo của chị, nhớ mùi ôi của nước cơm thừa, mùi khai của nước tiểu, mùi khét của khói bếp. Chị cương quyết dứt áo ra về, dù mẹ và em chị có năn nỉ, giễu cợt. Không nói ra, chị hãnh diện vì cái mùi ôi và khắm chung quanh nhà bếp y như ông Hai Nhiều hãnh diện về những hình hoa văn chạm trổ trên tấm ván lim che ngang trước bàn thờ gia tiên.
Vì vậy, thấy ông giáo nhăn mặt xoa trán vì vô ý va đầu vào khuôn cửa nhà ngang, hoặc thấy Chinh đưa ngón tay quệt nhiều lần lên đầu mũi khi xuống bếp múc cho bà giáo chén nước, chị Hai Nhiều đâm bực bội. Lòng tự ái của chị bị xúc phạm một cách thô bạo và vô hình, Phải! Nếu họ có tình thì họ phải giữ ý tứ chứ. Mình có mời họ đến đây đâu, mà họ chê cửa thấp bếp hôi! Chị nói thầm như vậy. Mặt chị dàu dàu, suốt thời gian hai gia đình chịu đựng cảnh "ăn chung ở chạ".
Gia đình người "em chồng bất ngờ" của Hai Nhiều quá đông. Những bảy người. Lại thêm hai điều phiền phức từ lâu chị tưởng không bao giờ gặp lại, hai điều mà chị sợ nhất, đó là tiếng con nít khóc và tiếng người bệnh rên rỉ. Ban ngày, mười mấy con người chen chúc nhau trong gian nhà hẹp, thấp, tối, đi ra đi vào đụng đầu, chạm vai, chị không tìm ra lấy chỗ để dựa tạm cái lưng mỏi. Đêm đến, đám đàn bà con gái chen nhau sắp lớp trong chái nhà ngang. Thằng Út lâu lâu khóc thét lên, khi kêu chị, khi đòi mẹ. Bà giáo từ lúc ghé bến Gò Bồi, cứ chìm mãi trong trạng thái mông muội, hoặc rên nho nhỏ như lâm râm đọc kinh, hoặc đột ngột nói huyên thiên những điều mâu thuẫn, rời rạc, phí lý. Chen vào đó, tiếng khóc thút thít của An. Sống trong tình cảnh ấy, chị Hai Nhiều cảm thấy cân não căng thẳng, dường như cả người chị bị trương lên, sắp phải nổ tung.
Nếu hai vợ chồng chị không từng chịu đựng được một cách khắc kỷ mọi tai họa trong bao lâu nay, thì chị đã nổ tung lên rồi, Chị chịu đựng lặng lẽ!
Trong lúc đó, hàng xóm láng giềng của chị lại quá ồn ào, xốc nổi. Sáng hôm sau, người ta kéo đến nhà chị Hai Nhiều còn đông hơn tối hôm trước. Người ta bắt buộc ông giáo kể lai lịch bà giáo nhiều lần. Giới phụ nữ đi xa hơn, vào tận buồng trong xem mặt cho được cô em gái ông Hai Nhiều, "người con gái lưu lạc" của "chàng rể bất hạnh". Người nào đưa ý kiến sửa giúp cái chuồng bò đã bỏ hoang của Hai Nhiều thành căn nhà tạm cho gia đình ông giáo, sau này không ai nhớ được. Ý kiến đó được mọi người hoan nghênh. Hai Nhiều cũng đồng ý vì không có cách nào khác. Hai vợ chồng đã mua được đôi trâu khỏe, nên cái chuồng bò cũ ở góc vườn phía tây trở nên quá hẹp. Họ đã bỏ cái chuồng ấy, cất một cái chuồng trâu khác ở mé đồng, gần giếng và đống rơm, tiện cho việc ủ phân bón. Họ định qua mùa sẽ dỡ cái chuồng bò đi, lấy tre và tranh cũ che thêm cái chái chuồng heo để nuôi thêm hai con heo nái, phần tre thừa dành rào kín cái cổng dành cho bò đi lâu nay bỏ trống. Hai Nhiều rấp tạm bằng một nùi gai dại. Nhưng nay cả làng gợi ý như thế, cũng tiện đôi đường. Tuy chịu đựng cũng giỏi như vợ mọi điều không được như ý, Hai Nhiều cảm thấy không thể kéo dài cái cảnh sống chung chạ này lâu hơn.
Thế là trong vòng có năm ngày, cả làng An Thái, (kẻ góp công người góp vật liệu) đã lợp xong cho gia đình ông giáo một căn nhà mới. Phần cột trụ căn bản vẫn là cột trụ cái chuồng bò, nhưng nhờ tranh, tre, nứa, rơm nhồi đất trét vách, do của thập phương góp lại nên căn nhà thật khang trang. Cửa chính hai cánh ghép bằng tre đập dập, khuôn cột cẩn thận bằng mây già. Hai cái cửa sổ nhỏ hai bên hình vuông che kín bằng hai tấm phên đan hình mắt cáo, lúc chống nghiêng bằng hai thanh tre cật, trông từ xa, giống y như hai mí mắt mơ màng nhìn về phía hoàng hôn. Bên trong, những người hảo tâm cẩn thận dựng dọc một tấm bình phong bằng tranh, chia đôi căn nhà từ xế cửa lớn, dành phần bên trái làm nhà cầu và nhà bếp. Nền đất nện không được kỹ, nhưng so với mặt đất vườn Hai Nhiều như vậy là khá cao ráo. Những người có tuổi đoán chắc với ông giáo là dù nước lụt có to đến đâu, cũng không thể vào nhà được.
Ông giáo đứng từ ngoài nhìn thẳng vào căn nhà mới. Với hai cửa sổ mở hé và cửa lớn mở rộng, ông thấy căn nhà đang nhìn xuống và cười mỉm trong trầm tư. Gió thổi vào mái tóc tranh lòa xòa chưa kịp cắt bằng, ánh sáng vàng chói của mặt trời sắp lặn rọi thẳng vào nụ cười trầm tư ấy. Ông giáo đột nhiên cảm thấy lòng rộn rã vu vơ, y như buổi sáng hôm ông đứng trên ngọn đồi Ngãi Lãnh nhìn về đồng và biển bao la của phương Nam.
*
* *
Đêm đã khuya. Bên ngọn đèn chai chỉ có hai cha con. Ông giáo lấy cái que cời bớt những mụn chai đã cháy hết ở đầu cây đèn cho bớt khói. Ông cời lạm qua phần cháy dở, từng giọt lửa rỏ xuống đất ẩm, cháy ráng được một lúc rồi tàn lụn trong hơi khói. An ngước lên, thấy cha nhìn đăm đăm vào ngọn đèn mà nét mặt thất thần. Rõ ràng ông giáo không chú ý mình đang làm gì, tay cầm cái que đưa đi đưa lại như làm thuộc lòng theo trí nhớ. Cô bé nhìn đôi mắt sâu nỗi lo âu, nhìn mái tóc thưa và rối của cha. Cô bé muốn ôm lấy cha mà khóc, nhưng lúc ấy nét mặt ông giáo nghiêm nghị quá. An không dám. Ông giáo bỏ cái que xuống cạnh cái giá đèn, hỏi An:
- Con đã xông trấu chưa?
An lo sợ đáp:
- Con quên mất. Thằng Út cựa quậy mãi không chịu ngủ. Mẹ đã bớt nói mê hơn hôm qua. Con chờ cho mẹ và em ngủ xong mới ra đây được.
Giọng ông giáo vẫn đều đều, không tỏ chút nào trách móc:
- Nhà mình mới cất, gần bụi tre rậm, nhiều muỗi lắm. Buổi sáng cha thấy khắp người anh Kiên đầy những nốt lấm tấm đỏ. Ngủ gì mà say như chết.
An nói hộ anh:
- Anh Hai mệt quá đấy cha! Khu đó bỏ hoang bao nhiêu năm nay, gai góc nhiều. Anh Hai nói cả buổi chiều đào không xong cái gốc táo nhơn to tướng.
Ông giáo quay nhìn phía sau lưng. Trên cái phản gỗ tạp bà Hai Nhiều cho mượn, Kiên nằm ngủ mê mệt, một chân còn bỏ thõng xuống đất, một chân trên phản nên dáng nằm có vẻ khổ sở mệt mỏi. Hai tuần nay, ba cha con cùng nhau khai hoang mấy miếng ruộng quanh miễu, hy vọng sang tháng mưa có thể bắt đầu gieo cấy mùa lúa đầu. Nhẩm tính lại số tiền dành dụm, ông tháo mồ hôi. Dù tiện tặn đến thế nào chăng nữa, số tiền ấy không thể nuôi nổi gia đình ông được một năm, với điều kiện không tính đến các chi tiêu bất thường. Nhưng không tính sao được! Bà giáo còn nằm một chỗ, hết rên rỉ lại nói xàm! Từ hơn một tháng về đây, ông đã phải bốn lần đi bổ thuốc cho bà. Ở nơi xa xôi này, giá thuốc bắc quá đắt. Đáng buồn hơn nữa là những món thuốc quí và cần thiết không thể tìm đâu có. Ông giáo viết toa sai Chinh đi bổ thuốc, hiệu bán thuốc bắc gần chợ An Thái chỉ có không đầy một nửa số thuốc kê trong toa. Nhẩm tính lại, thang thuốc không còn hiệu quả gì. Về sau chính ông giáo phải ra hiệu thuốc thăm dò xem họ còn những loại thuốc nào, rồi mới về kê đơn. Bệnh bà giáo chỉ dừng lại, giảm đi chút ít, nhưng không bớt, không có hy vọng gì bớt. Số tiền dành dụm đã ít, tiền thuốc thang theo cái đà này... ông giáo không dám nghĩ đến nữa. Công việc đã gấp lắm rồi! Không chần chờ được. Ông đã sang thương lượng với ông bà Hai Nhiều. Chị vợ lúc nào cũng mau mắn hơn chồng. Chị nói:
- Dạ, cô chú về đây là phải. Dù sao cũng là máu mủ với nhau, không giúp nhau lúc hoạn nạn thì còn chờ đến lúc nào. Nghiệt một điều là ruộng đất miếng to miếng nhỏ đâu đâu cũng có sổ sách hết. Có giấy tờ phân minh mới được giữ tư điền, không có giấy thì phải nhập làm của công, chia cho dân đinh cày cấy mà nộp thuế. Hồi trước cha bỏ nhà đi, đến nỗi nhà tôi mở mắt ra đời còn chưa biết mặt.Thành ra ông ngoại có muốn công bằng chia cho các cháu, cũng không biết tên cô ở nhà là gì mà ghi vô phân thơ...
Ông giáo quá biết chị Hai Nhiều muốn dẫn câu chuyện về phía nào. Ông định nói, nhưng Hai Nhiều đã tiếp lời vợ:
- Phải, cô chú không về thì chúng tôi làm sao biết mấy mươi năm trước, cha bỏ đây rồi là về Thuận Hóa, rồi lại lấy vợ, sinh em. Nói điều này nếu không phải chú bỏ lỗi, nếu có kẻ vô lại nghe được chuyện nhà của mình, ở đâu về đây tự xưng là... là em trai em gái của cô, để đòi này đòi nọ, thì chúng tôi phải xử làm sao?
Ông giáo giận đến ngột thở. May lúc ấy về đêm nên Hai Nhiều không nhận ra được gương mặt đỏ bừng của ông giáo. Có lẽ cả hai vợ chồng Hai Nhiều đều nghĩ mình đã nói đủ, chẳng những thế, đã đi quá cái mức cần thiết, nên sau đó hai vợ chồng đều im lặng để đợi ý kiến của ông giáo. Ông giáo dần dần nguôi giận, ông nói thật chậm để vừa trấn tĩnh mình vừa lưu ý người nghe:
- Xin anh chị yên tâm. Chúng tôi về đây không có cái ý ấy đâu. Không nói ngoa, nếu anh chị thấy ở gần gũi thế này bất tiện, nội ngày mai chúng tôi sẵn sàng đi nơi khác.
Cả ông lẫn bà Hai Nhiều cùng cất tiếng cắt lời ông giáo:
- Không phải thế. Chú hiểu lầm rồi!
- Không phải thế. Ý của chúng tôi chỉ muốn nói...
Ông giáo nói lớn hơn để át giọng hai người:
- Đấy là tôi chỉ nói thế thôi, cho anh chị yên lòng. Của cải vườn ruộng của anh chị, là công lao mồ hôi nước mắt bao năm đào từng gốc cây, nhặt từng hòn đá, khai mương đắp đập khổ cực mới có, chứ đâu phải của trời rơi xuống. Anh chị đang cày cấy, dù có nhượng lại, chúng tôi cũng không dám lấy. Tôi chỉ xin anh chị nghĩ tình máu mủ giúp cho điều này.
Ông giáo ngừng lại. Cả hai vợ chồng Hai Nhiều không ngồi yên được nữa. Quên giữ ý, họ chồm đến phía trước, mắt lom lom nhìn miệng ông giáo. Ông giáo chán chường nhận ra trong lối nhìn ấy, có điều gì thô bỉ đến tội nghiệp. Ông cười nhẹ rồi nói:
- Chúng tôi nghe bà con mách rằng: ngày trước vì cậu không may bị bệnh nan y, mà mấy miếng ruộng quanh miễu không ai dám cày. Lâu ngày cỏ dại, gai góc um tùm. Ba cha con chúng tôi định xin phép anh chị phát hoang, may ra còn trồng tỉa gì được chăng.
Anh chị Hai Nhiều cùng ồ lên vui sướng. Họ vừa thoát khỏi một đe dọa ghê gớm mà dù quen chịu đựng, lần này, họ vẫn nghĩ không có cách nào tránh khỏi tai ương. Chị Hai Nhiều vồ vập bảo:
- Sao chú không nói ngay từ đầu! Được. Được lắm.Tưởng gì nhiều chứ mấy miếng miễu, chú cứ tùy ý làm gì thì làm.
Ông Hai Nhiều đi xa hơn vợ, hứa sẽ đem trâu đến cày giúp khi cha con ông giáo phát cỏ và khai hoang xong. Ông cẩn thận kèm thêm điều kiện: miễn là đất không cứng quá. Trâu của tôi độ này kém ăn!
Họ bắt tay ngay vào việc khai hoang.Tuổi ông giáo đã ngoài 45, việc lao động chân tay sau mấy mươi năm ròng theo đòi nghiên bút, tất nhiên thật vất vả. Kiên nhìn cha cuốc đất, tự nhiên thấy cay nóng nơi đầu mũi. Anh không dám nhìn lâu nữa. Phần Chinh thì chưa qua khỏi cái tuổi bạc bẽo, chỉ mong làm qua loa cho xong để chạy ra chợ đàn đúm. Cho nên Kiên nhận lãnh trách nhiệm chủ yếu. Anh dành phần nặng nhọc vất vả nhất cho mình.Tối tối vừa cơm nước xong, Kiên nằm vật lên phản thiếp đi lúc nào không hay. Nhiều hôm An quên, ông giáo đã chợp mắt một lúc, chợt nhớ một mình thức dậy un muỗi, sửa thế nằm cho con, gài lại một hạt nút, lau sạch một vết bùn trên trán Kiên. Nếu Kiên còn bé, hoặc nếu ông bỏ được thói quen cư xử nghiêm cẩn với con cái, ông giáo đã ôm lấy Kiên rồi. Ngay lúc này đây, thấy dáng ngủ khố sở của Kiên, ông giáo đã xúc động mãnh liệt. Ông muốn diễn tả niềm thương yêu tràn đầy đối với các đứa con ngoan của ông. Nhưng ông không biểu lộ tình cảm chan chứa ấy được. Ông đâm lúng túng trước mặt con gái. Ông cảm thấy An đang trách móc ông, vì ông đã không thấy được công lao khó nhọc và sự tận tụy của anh Hai. Ông giáo tìm chuyện lảng tránh. Ông hỏi con gái:
- Chinh đâu rồi?
An nhìn quanh, giả vờ tìm kiếm, rồi đáp- Anh ấy mới chạy đi đâu đó. Chắc qua nhà cậu mợ.
Ông giáo lại hỏi:
- Tối hôm qua nó về lúc nào?
An nhìn cha, ngập ngừng. Cuối cùng, cô bé nói dối:
- Lúc cha vừa ngủ xong, con dậy mở cửa cho anh ấy, em Út giật mình khóc to, cha không nghe sao!
Sự thực suốt đêm qua, Chinh không về nhà. Ăn cơm tối xong, Chinh bỏ đi đâu suốt cả đêm, gà gáy mới mò về, len lén vào giường, giả vờ ngủ. Có lẽ chỉ có An lưu ý điều đó. Cô bé sợ cha phiền lòng, nên giấu đi. Ông giáo không chú ý thái độ bối rối của con, nói với con gái:
- An này!
An giật thót người, lo sợ hỏi:
- Cha gọi gì con?
Ông giáo ngập ngừng:
- Ban đêm con có dám qua nhà cậu mợ không?
An đáp:
- Con không sợ ma đâu! Hôm trước...
An định nói cứng, chợt nhớ tối hôm ấy mình nín thở chạy một mạch từ nhà cậu mợ về nhà mình, suýt vấp phải cái rễ cây duối, thẹn thùng không dám nói tiếp. Ông giáo nói:
- Nhà mình... cha muốn nói... nhà mình độ này túng lắm, con biết không. Tiền thuốc thang, tiền gạo mắm. Khi chiều Kiên vừa cho cha biết, mình chỉ còn... Mà thôi, con còn bé, chưa nên biết vội. Cha tính mãi chưa biết thế nào... Hay con qua bên nhà cậu mợ...
An lo sợ công việc cha định sai mình. Cô bé nghĩ đến nét mặt bà Hai Nhiều. Ông giáo nói tiếp:
- Cha đàn ông không biết hỏi ai. May ra nhờ mợ Hai giúp cho. Con lấy cái áo lụa của mẹ, sang nhờ mợ tìm người nào muốn mua, bán gấp cho. Bao nhiêu cũng được. Cái áo còn tốt, chắc được giá. Con đem biếu cho mợ cái lược ngà, bảo hôm kia mẹ tỉnh lại có dặn cha, nhưng cha quên mất!
*
* *
Ông giáo không ngờ việc bán vài thứ hàng ngoại, cùng vài món kỷ niệm xinh xinh vốn là quà biếu của quan nội hữu lại có thể gây nhiều xao động lớn lao như vậy cho thôn ấp hẻo lánh này. Ban đầu ông hơi kinh ngạc, pha lẫn đôi chút tự mãn khinh mạn kín đáo. Về sau, các sự kiện ra ngoài dự liệu của ông, ông đâm hoảng.
Chiếc áo lụa, bà Hai Nhiều đổi giúp cho ông giáo được mươi thưng thóc. Cái giá một chiếc áo đã cũ mà được thế thật bất ngờ đối với gia đình ông. Mà cũng bất ngờ đối với chị Bảy Chìa. Cả đời chị quen mặc vải thanh cát dày cứng như mo cau, chị không tưởng tượng nổi trên đời này lại có thứ vải vừa mềm mịn, vừa trơn mặt như thế này! Chị ôm cái áo vào lòng, mùi băng phiến thơm tho đến ngây ngất. Chị mặc áo vào, cởi ra, rồi lại mặc vào. Chị định sang nhà cô em nhờ ngắm xem chiếc áo có vừa với thân hình hơi gầy ốm vì luống tuổi của chị không. Đến ngõ, nghĩ sao chị lại trở vào, cởi áo gói vào cái khăn đội đầu. Cả ngày hôm ấy, chiếc áo lụa được chuyền từ nhà này sang nhà khác. Chị Bảy Chìa phải bay theo nó, mặt giả vờ phụng phịu nhăn nhó nhưng thực lòng hết sức hãnh diện. Nhờ thế, cái áo ấm may bằng nhung Tàu đã bắt đầu ngả màu và rụng lông của ông giáo được leo lên cái giá hai mươi thưng. Một cái lược đồi mồi giá năm thưng. Cái quạt giấy có vẽ cảnh sơn thủy và đề thêm một bài thơ tứ tuyệt của Lý Bạch, do chữ nghĩa ngoằn ngoèo nhăng nhít, bị bớt còn ba thưng.
Nhà chị Hai Nhiều khách khứa đông hẳn lên. Phần lớn là khách phụ nữ đến nhờ chị sang ông giáo hỏi mua dùm khi thì một loại nút áo, khi thì cái gương kiểu Tàu lạ mắt. Có người còn muốn mua những thứ giống y như của chị này, bà kia. Khổ cho bà Hai Nhiều mà cũng khổ cho ông giáo! Ông đâu giàu có đến nỗi sắm một loạt năm bảy cái lược ngà, ba bốn cái gương soi mặt để bây giờ bán cho khách ái mộ. Ông bảo toàn là những thứ lẩm cẩm bạn bè ông quen với giới buôn bán ở cửa Hội, đem về biếu vợ con ông, bây giờ túng quẫn phải đem bán lấy thóc mà ăn. Người ta không chịu tin, cho rằng ông muốn neo giá. Người ta thêm lên một hai thúng thóc, chê món hàng mình đang tìm không được mới nên chỉ có thể thêm bấy nhiêu đó thôi! Ông giáo không bao giờ nghĩ có lúc mình phải ở vào một hoàn cảnh trái khoáy như vậy. Ban đầu ông cố nhịn nhục, phân trần, về sau ông nổi cáu đáp lại dấm dẳng. Lại thêm một cái cớ nữa để dân An Thái hối hận đã đến cất giùm nhà cho ông giáo!
Rồi đến đám khách đàn ông!
Một hôm có một ông khách ăn mặc chững chạc, chân mang guốc, tay cắp dù, theo sau có một tiểu đồng ôm tráp trầu. Ông khách đi thẳng vào nhà ông giáo, không cần mời đã tự động kéo ghế ra ngồi. Yên vị xong, ông khách nhìn quanh nhà một lượt, đầu gật gù. Ông giáo bất mãn trước vẻ tự thị của người khách lạ, nhưng cố bình tĩnh để xem hắn định giở trò gì. Ông khách gật gù một lúc rồi khen:
- Nhà cửa khéo lắm. Nhỏ nhưng mà ngăn nắp, chứng tỏ con người có học.
Ông giáo chưa kịp nói gì, hắn hỏi đốp chát:
- Một người như ông thì về trốn ở cái xứ man mọi này làm gì cho phí người đi! Tôi đã nghĩ ông muốn ẩn thân để chờ cơ hội làm chuyện vá trời lấp biển đây!
Ông giáo hoảng hốt. Hắn là ai mà đến đây tra vấn gốc gác của mình? Hắn muốn gì? Ông giáo làm nhũn, ra vẻ khiêm nhường nhận mình chỉ là một thầy đồ rách ở kinh đô.
Người khách có vẻ thỏa mãn vì đã làm cho ông giáo nhũn lại. Hắn đổi ra giọng tâm sự. Chỉ một khắc sau, ông giáo biết được điều muốn biết. Hắn là ai ư? Một tên xã trưởng trong vùng, chuyên lo thúc ốp tiền sai dư và giúp cai tổng, duyệt lại lập sổ đinh. Hắn muốn gì ư? Muốn được mua rẻ, hoặc biếu không càng tốt, một cái quạt Tàu.
Hôm khác lại có một xã trưởng đến. Ông giáo khỏi phải hồi hộp, thắc mắc như lần trước, vì tên xã trưởng này tính tình bộp chộp, ưa khoe khoang hơn tên kia. Nhờ hắn ông giáo biết hiện ở đây có tất cả bốn xã trưởng và năm tướng thần, tất cả chín người đều được làm việc, nhưng phải cử thêm một viên tri ấp làm đầu mục. Ông giáo biết đây là một cái tệ đã có từ lâu, nhiều lần chính quan nội hữu bạn ông có dâng sớ xin sửa đổi để thống nhất hành chính, nhưng không được kết quả gì. Từ lâu, tướng thần ở hai xứ Thuận Quảng cũng như khán thủ ở bốn trấn được cùng với xã trưởng thu thúc phú dịch. Năm Bảo Thái Ất Tỵ, vương phủ định rõ lệ thu các lễ:
- Tướng thần phải nộp thượng lễ (dâng lên chúa) 35 quan, tiền lễ (nộp vào nội cung) 7 quan, tiền lĩnh bằng và tiền ngụ lộc các quan cộng 7 quan, tất cả 49 quan.
- Xã trưởng phải nộp thượng lễ 30 quan, nội lễ 6 quan, tiền lĩnh bằng, tiền ngụ lộc các quan 5 quan, tất cả 41 quan(1).
Do đó, mọi người tranh nhau nộp tiền để lãnh chức tướng thần hay xã trưởng. Có nơi một xã có đến 16 hay 17 tướng thần, hơn 20 xã trưởng. Ông giáo lẩm bẩm một mình: như vậy là mình đã hân hạnh tiếp chuyện với 2 trong 4 ông xã trưởng của miền đất này rồi. Thật mỗi người một vẻ! Tự giới thiệu xong, tên xã trưởng, không quanh co, đòi mua một cáo áo đoạn. Ông giáo từ chối, bảo mình chỉ còn một cái đã cũ. Tên xã trưởng nhìn quanh quất, như muốn chính mắt xác nhận xem cái áo nó như thế nào, có cũ kỹ như lời thối thác của ông giáo không. Hắn không tìm được cái áo đoạn móc quanh hắn. Và hắn nổi giận. Hắn hỏi:
- Tôi nghe nói thầy có mấy đứa con trai lớn, phải không?
Ông giáo đáp:
- Vâng. Đứa con cả của tôi năm nay 21. Đứa thứ nhì mới 15. Đứa thứ ba con gái. Đứa thứ tư mới 11 tuổi, nó đứng kia kìa. Cháu nhỏ nhất còn bé, lên 3.
Tên xã trưởng lẩm nhẩm tính:
- Con trai đến 18 tuổi thì đã phải theo lệ biên tên ngay vào sổ tuyển binh. Người nào có con mà ẩn lậu, hoặc chức sắc nào biết ẩn lậu mà không cáo gian đều bị tội, bắt làm lính cắt cỏ voi(2). Đứa 21 tuổi đã vào sổ xã binh chưa? Còn cái đứa khai 15, có phải đã hạ mất 3 tuổi để ẩn lậu không?
Ông giáo giận quá, môi mím lại. Giá ông nói được tự do, ông đã đọc cho hắn nghe điều lệ thứ hai trong quân chế. " Hễ là dân mới về hay mới đến thì được chước miễn 3 năm cho yên nghiệp làm ăn, bản xã không được ức bắt thế lính, hết hạn mới thế cấp"(3). Vả lại gia đình ông vốn là dân nội phủ được miễn lính. Nhưng nói những điều ấy ra lúc này chỉ tổ hại cho gia đình ông thôi! Cho nên ông đành một mực kêu oan, vừa tự kể khổ vừa vuốt ve tự ái của tên xã trưởng. Hắn bằng lòng không nghi ngờ gì nữa, nếu ông giáo bằng lòng bán cái áo đoạn cho hắn. Ông mất thêm cái áo đoạn sau khi mất cái quạt trầm hương.
Sau đó bốn hôm, Lợi dẫn đến nhà ông giáo một ông khách nữa. Nhìn qua vẻ trầm tĩnh, bệ vệ, từ cách đi cách ngồi, ông giáo đoán chức vị người này còn cao hơn hai tên xã trưởng. Lợi rất mừng rỡ được gặp lại gia đình ông giáo. Bằng cái giọng liến thoắng quen thuộc, cậu kể mình bị dẫn lên phủ thế nào, kêu oan thế nào, ông biện Nhạc cuối cùng can thiệp ra làm sao. Theo Lợi kể thì thế lực của ông biện khá lớn, mấy lần trước ông can thiệp vụ nào được vụ đó. Lần này gặp trường hợp Lợi, ông biện gặp khó. Tri huyện cứ tra vấn mãi: mua côn thai bài nhiều như vậy để làm gì? Muốn làm giặc phỏng? Buôn nguồn mấy đời rồi còn sợ ai nữa, mà sắm lao để tự vệ? Phải chịu mất một gánh thai bài, bốn gánh trầu nguồn và hai mươi cân mật ong, ông biện mới cứu Lợi ra được. Ông giáo không tin lắm ở những con số Lợi kể. Ông cười dễ dàng, tha thứ cho cái tính ba hoa của cậu. Lợi cho ông biết người khách cậu dẫn đến là ông cai tổng. Ông giáo biết mình phải đối phó với một vụ cướp cạn nữa. Không biết hắn đòi thứ gì? Hắn không đòi. Chính quan tri huyện đòi. Sở dĩ quan tri huyện đòi, là vì lũ lính có phận sự đi sai ốp xã binh mách lẻo, kể cho quan huyện nghe vì sao mình mới nhìn cái chăn nhiễu lục sang trọng đã vội tưởng sắp chạm đoàn hầu cận của một phu nhân. Từ đó bà huyện không ăn không ngủ nổi, nếu không thấy được cái chăn nhiễu lục nó đẹp nó sang đến mức nào. Ông cai tổng xác nhận mình chỉ là cấp thừa hành. Ông thông cảm hoàn cảnh ông giáo, thương bà giáo lưu lạc một thời đến lúc về được quê ngoại thì lâm trọng bệnh, thương ông giáo phải vất vả mưu sinh... Ông giáo thà mất đứt cái chăn nhiễu lục còn hơn phải ngồi nghe tiếp những lời giả dối ấy. Ông giáo không mất đứt, vì cuối cùng, còn được ông cai tổng gửi lại một lời hứa:
- Khi nào gặp khó khăn, thầy cứ qua tôi. Không có gì đâu, đừng ngại. Chúng nó không dám làm phiền thầy đâu! Tôi bảo đảm từ nay về sau, không ai dám làm gì thầy đâu. Vâng, từ nay trở đi... vâng, nếu có thứ gì gói lại cho cẩn thận, càng tốt. Đường xa sợ bụi bặm, nó dơ đi!
*
* *
Có một đêm Chinh dẫn Lãng ra mấy đám ruộng miễu. Lãng sợ đêm tối, dùng dằng không muốn đi. Chinh bảo em:
- Mày con trai mà nhát như cáy. Đi với tao, sợ gì. Ra tao cho xem cái này hay lắm!
Sự tò mò cuối cùng đã thắng nỗi sợ hãi. Lãng nắm chặt lấy vạt áo anh, từ nhà ra đến bờ ruộng không dám thở. Đêm tối mịt mùng. Mùa tháng tư lúa vừa gặt xong, cả cánh đồng bằng phẳng chỉ còn trơ những gốc rạ. Chinh thông thạo đường đi nước bước, dẫn em băng đồng đi về phía miễu. Lãng sợ, níu anh dừng lại hỏi:
- Anh đi đâu đấy?
Chinh cười nhỏ, giọng chế giễu:
- Bạo lên chút, chú thỏ mặt xanh. Không tụi nó cười cho.
Lãng đành lẽo đẽo theo bước anh, tâm trí cứ thắc mắc không hiểu ngoài hai anh em ra, còn "tụi nó" nào nữa.
Sắp đến mấy đám ruộng ba cha con vừa phát quang. Chinh dừng lại, đưa tay lên miệng huýt còi. Từ phía trước, có tiếng huýt còi đáp lại. Gió thổi còi bật về phía triền núi xa, âm thanh ban đầu nghe như tiếng rắn lục rít lên, rồi yếu đuối tan loãng trong đêm tối. Chinh định hướng rồi đi về phía bắc. Lãng hoang mang không chú ý chân bước, vấp phải một bờ ruộng thấp. Cậu bé ngã chúi xuống, trán va vào một mặt ruộng đất cứng lởm chởm gốc rạ. Cậu muốn khóc, nhưng tiếng Chinh cười làm cho cậu nổi lòng tự ái. Cậu bậm môi lại, ráng thản nhiên phủi quần áo. Môi trên cậu rát, và cậu thấy vị nước miếng trong miệng hơi mặn. Mặc kệ! Nhất định không cho anh ấy biết mình sắp khóc. Sao mà giọng cười anh ấy đáng ghét quá, còn đáng ghét hơn cả những lời càm ràm của chị An nữa!
Ba bóng đen chờ hai anh em Chinh, Lãng từ lúc nào. Một người ngồi chồm hổm trên mặt ruộng, hai người kia ngồi trên một thân táo nhơn gác nghiêng lên bờ cao. Cỏ bị phát quang nằm rải rác, nắng đã làm cho cỏ khô nên dưới bước chân hai anh em, tiếng lá cỏ gãy lốp rốp. Lãng dẫm phải một chùm gai mắc cỡ. Cậu dừng lại. Chinh để mặc em ngồi xuống gỡ gai, tiến thêm vài bước hỏi lớn:
- Ra đây lâu chưa?
Có tiếng trả lời:
Mới đây thôi. Cứ tưởng mày sợ, bỏ cuộc.
Chinh cười thật to, cố phóng đại sự ngạo nghễ, khinh mạn. Lãng nhận ra được ba cậu thiếu niên cùng trang lứa với Chinh, nhưng không biết mặt. Giọng nói cả ba là giọng An Thái. Một cậu có giọng rè vỡ như tiếng ngỗng đực hỏi:
- Mày đã nghĩ kỹ chưa?
Chinh quả quyết đáp:
- Hỏi như vậy là xem thường tao đấy. Rồi tụi mày sẽ thấy. Có nhớ đem đèn không?
Một người khác đáp:
- Có đây. Tao lén lấy được trong buồng mẹ tao một thỏi đèn chai. Mày quên đá lửa rồi phỏng?
Chinh cười:
- Tao mà quên! Có cả bùi nhùi nữa. Đưa cả cho anh, Lãng.
Bây giờ Lãng mới biết cái bọc hơi nặng từ nãy đến giờ Chinh nhờ cậu giữ hộ, là bọc đá lửa. Sự tò mò giúp cậu can đảm một cách thất thường. Cậu đưa đá lửa và bùi nhùi cho anh, nóng lòng chờ đợi những điều bí mật lạ lùng chua từng nghĩ tới.
Cậu thiếu lạ mặt từ nãy đến giờ ngồi chồm hổm trên mặt ruộng và im lặng, bây giờ mới chậm rãi bảo Chinh:
- Tụi tao báo trước là nếu mày chết, tụi tao không chịu trách nhiệm đâu. Mày mang thằng nhỏ này theo làm chứng hả? Em ruột mày à? Nó bé tí teo, nhưng thôi cũng tạm được. Phía tụi tao thì có hai đứa này. Thằng Sửu là một, thằng Thìn là hai. Bắt đầu được chưa?
Chinh quả quyết trả lời:
- Tao sẵn sàng. Bắt đầu đi.
Cậu thiếu niên vừa nói chậm rãi đứng dậy. Cả đám tụ lại quanh cậu ta. Bằng một giọng cố ý làm ra vẻ nghiêm trọng, phát chậm và dằn từng lúc, cậu tuyên bố.
- Ba người làm chứng có mặt đêm nay xác nhận rằng: không ai được kiện tụng, đòi bồi thường, nếu có người bị ma cùi vật chết trong miễu. Nếu không chết nhưng bị lây bệnh đến nỗi ngón tay rụng, chân co quắp, mũi xẹp, mắt lòa cũng không được khiếu nại. Phải một mình vào trong miễu, bật lửa đốt đèn huơ tròn ba lần làm hiệu cho người ngoài biết mình đã vào đến nơi. Phải tắt đèn ngồi trong miễu cho đến lúc trăng lên, và phải mang ra đây một cái chân đèn thờ trong miễu. Qua được thử thách này, mới xứng đáng là người đởm lược, và mới được truyền bài võ nhập môn. Lê Trọng Chinh, mày nghe rõ chưa?
- Thưa rõ.
- Mày có muốn rút lui không?
- Thưa không.
- Mày có sợ chết không?
- Không.
- Bắt đầu!
Lãng vội chụp áo Chinh, giọng hốt hoảng:"Đừng, anh", nhưng Chinh đã một mình tiến về phía cái miễu. Mọi người hồi hộp nhìn theo bóng Chinh, ban đầu còn lờ mờ hiện trên nền đồng trống nhờ nhờ, về sau chìm khuất hẳn vào bóng cây rậm. Chim chóc khua động, sợ hãi bay ra. Tiếng kêu xao xác, bầu trời vẫn đen nghịt. Gió thổi lớn thêm, cả bốn người cùng nhận ra tiếng gió hú đe dọa. Cậu bé có tiếng ngỗng đực thì thào:
- Lỡ nó bị rắn thì sao!
Cậu đầu têu gạt đi:
- Đừng nói bậy. Hãy yên lặng nào!
Từ đó không ai bảo ai, mọi người hồi hộp dán mắt về phía miễu, chờ đợi. Lại có người thắc mắc:
- Sao lâu quá! Hay nó không biết đánh lửa? Đèn chai của mày có tốt không?
- Tao đã đốt thử rồi. Nhạy lắm. Có lẽ bùi nhùi xấu không chừng!
Lãng bậm môi lại. Máu trong miệng cậu cứ ri rỉ chạy, nhưng vì mãi lo âu cho anh, cậu quên cả rát buốt. Cậu muốn khóc to, muốn gọi Chinh hãy trở lại. Thấy ba người lạ mặt lầm lì, cậu không dám thở mạnh. Cậu sợ quá!
Đột nhiên, ba người lạ cùng reo lên. Từ đám đen quanh miễu, một chấm đèn di động thật chậm theo hình tròn, đúng ba vòng theo như luật định. Cậu đầu têu thở phào vui mừng, nói với ba người:
- Xong, nó đến nơi rồi. Phải nói là tụi bây không bằng được nó. Tụi bây chỉ nói dóc!
Một đứa chống chế:
- Nhưng hãy chờ thêm đã! Trăng chưa lên mà! Người ta bảo khi trăng lên, sâu cùi mới bò ra sáng cả một quãng đồng.
Chúng kiên nhẫn chờ trăng. Thời gian như dừng lại, phía đông bầu trời giữ nguyên một màu mực xạ. Từ phía tối âm u, có lẽ Chinh cũng nôn nả không ngồi yên được. Cậu phá luật, hay nói đúng hơn là làm quá cả yêu cầu. Cậu đem đèn ra ngoài miễu, huơ tròn hai lần nữa. Rồi cuối cùng điều mọi người mong đợi đã cũng đến. Cả bọn không đứa nào thạo thiên văn địa lý, nên không ngờ đêm ấy mãi tận lúc gà sắp gáy trăng mới nhú lên. Chinh cầm đèn trở ra, ánh sáng bập bùng giữa khuya đủ soi một nụ cười ngạo nghễ. chưa bao giờ Lãng trông thấy anh hùng vĩ và lẫm liệt như vậy. Vừa mệt nhọc vừa bị kích động cực độ, cậu ôm chồng lấy anh mà khóc
*
* *
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa thôi là trời là bắt đầu mưa. Ông giáo bàn tính với Kiên, gắng làm sao vỡ xong khu đất miễu cho kịp gieo bắp thử trong mùa đầu. Kiên làm việc quá sức, hôm qua ngủ dậy bị sốt, cố gượng húp chén cháo dằn bụng đi làm nhưng không được. Anh nằm mê man suốt hai ngày. Ông giáo chẩn bệnh cho con, bảo Kiên bị bệnh sốt rét ngã nước. Ông Hai Nhiều khuyên nên uống thuốc nam, tìm xin cho Kiên một lá dây leo màu xanh cọng phơn phớt tím. Giã lấy ước rồi đun sôi, bát thuốc trở thành màu nâu và đắng nghét. Kiên nín hơi uống cạn hai bát thuốc nóng, mồ hôi vã như tắm. Có vẻ như anh bớt sốt, vì từ trưa đến giờ, An thấy anh cả nằm yên, không rên khe khẽ từng hồi như đêm hôm trước.
Ông giáo và Chinh đã ra khu đất miễu. Cả Lãng cũng đòi theo cha. An nhận thấy mấy hôm gần đây, Lãng có nhiều biến đổi khác thường. Ban đêm, Lãng cứ trằn trọc hết lăn bên này lại xoay bên kia. Một tối chợt thức giấc không thấy em nằm bên cạnh, An tưởng em xuống bếp đi tiểu. Chờ mãi không thấy Lãng lên, An trở dậy, thấy Lãng đứng bên cửa sổ nhìn mông lung ra đêm tối. Cặp mắt Lãng tự nhiên sáng lên khác thường, thứ ánh sáng tỏa chiếu từ những biến chuyển âm u phức tạp của ý nghĩ, của mơ tưởng chứ không bắt nguồn từ thực tại bên ngoài. An quen thuộc với thứ ánh sáng đó, vì mỗi lần cha đọc được một cuốn sách hay, viết được một câu thơ đẹp, nói được vơi bạn bè một giấc mộng ấp ủ, An lại thấy mắt ông giáo bừng lên niềm thỏa thích kỳ lạ này. Có điều ở ông giáo mắt rạng rỡ phát tiết, thì ở Lãng, An mơ hồ nhận ra sự kích động đam mê. An đâm sợ, hoang mang không hiểu nổi em.
Mũi kim đâm vào ngón tay giữa của cô bé. An giật mình. Cô bé lúng túng nhìn quanh sợ có người thấy mình lơ đãng. Thay vì chít ống tay áo lại cho hẹp, An lại may ống rộng theo thói quen. Gia đình ông giáo mau chóng nhận ra rằng kiểu quần áo khác thường họ mang từ kinh về đã chia cách họ với dân làng, từ cái cổ đứng, ống tay áo rộng và dài, cho đến cách kết khuy, xẻ nách. Những quần áo đa cũ, sờn ở cổ và vai, họ giữ lại để mặc trong nhà. Nhưng khi ra ngoài, nhất là đi làm lụng, phải có quần áo thích hợp. Ông giáo nhờ bà Hai Nhiều mua cho một ít vải nhuộm chàm loại dày. Kiên có tài vặt trong việc nội trợ của đàn bà nhờ tính tỉ mỉ, cần cù. Chính Kiên phụ trách việc cắt áo. An lo may. Áo đàn ông may rộng, cổ tròn, tay ngắn và hẹp, vạt trước quàng kín ngực và cột vào ba dải dài kết dọc hông phải. Riêng chiếc áo của An, cô bế chăm chút kỹ hơn. An tự tay cắt áo hơi hẹp, ống tay áo dài, cửa ống tay rộng. Chỉ thiếu cái cổ đứng viền nhiễu xanh và những hàng khuy hình con bướm, An đã ăn mặc gần giống như thuở trước ở kinh đô.
An đang may áo cho Lãng, chợt nhớ lời anh dặn, vội vào buồng trong tìm lại cái áo của Kiên. Mẹ và em đang ngủ. An thấy bà giáo nằm nghiêng, nước dãi chảy thành dòng xuống má, xuống gối. An đau thắt cả lòng: Gần như càng ngày, bà giáo càng mất dần ý thức tham dự vào sự sống, dù là những thói quen sơ đẳng như đưa thức ăn vào miệng, nhắm mắt ngủ lúc tối trời, kéo vạt áo che thân thể. Trước đây bà giáo còn giật mình ngơ ngác hoặc tỏ dấu lo lắng khi nghe tiếng thằng Út khóc. Mấy hôm nay, những phản ứng theo thói quen ấy không còn nữa. Hình như những sợi dây đã từng ràng buộc tâm trí bà với thực tại, từ sợi tơ mềm như tình mẫu tử cho đến những dây oan nghiệt như cơm áo, những sợi dây chằng chịt đó dần dần nới lỏng. Bây giờ bà như con rối sau cuộc diễn trò, nằm bất động vô tình giữa mớ dây nhợ rối rắm đã trở thành vô dụng. An lấy khăn lau nước dãi cho mẹ, đắp ngực cho Út, rồi cầm cái áo Kiên trở ra phòng ngoài.
Kiên rên khe khẽ rồi trở mình, mặt quay về phía An. Mới đau có mấy hôm, khuôn mặt Kiên đã khác. Cằm của Kiên nhọn thêm, hai xương hàm bạnh ra. Thấy anh mở mắt lờ đờ như đang nhìn mình, An định đưa cái áo lên khoe. Nhưng Kiên nhắm mắt lại. An nghĩ: lần đầu tiên từ ngày về An Thái anh ấy ngã bệnh lâu như vậy. chỉ tại anh ấy phí sức quá. Từ sáng đến chiều vỡ ruộng đã nhọc, gặp người thuê gánh hàng xuống chợ Mới với giá hai quan, anh nhận ngay. Tiền anh đem về đủ đi chợ vài tuần thật đấy, nhưng anh ngã bệnh liền. Thế là dự định anh giúp em làm hàng xáo để kiếm thêm chút ít không thành rồi!
*
* *
Buổi chiều Lãng về mang theo một bộ mặt dàu dàu. Quá quen các trái chứng của em, An không để ý. Anh Chinh thì cười nói luôn miệng, cơm vừa chín đã tự lấy bát xúc ăn trước rồi chạy ra chợ như mọi hôm. Chờ anh đi xong, Lãng kéo chị ra phía sau đống rơm nói:
- Em sẽ mách cha. Lần này dù có năn nỉ, em cũng mách cha cho xem.
An hỏi:
- Nhưng mà mách cái gi?
Lãng ngước lên nhìn chị, kinh ngạc:
Chị không bết gì hết à?
An lờ mờ hiểu ý em nhưng giả vờ hỏi:
- Thì chị có biết đâu. Có cần mách cha không?
Lãng bậm môi lại, giọng nói giận dữ:
- Sao lại không. Hồi trưa cha đã hỏi ban đêm làm gì mà ban ngày cái mặt cứ lừ nhừ vậy. Em mà biết được ảnh mọi rợ, em đã nói liền hồi trưa rồi!
An nghe hai chữ "mọi rợ" em dùng khá lạ tai. Có lẽ là một loại từ mới Lãng học được của Chinh. An hỏi em:
- Anh Chinh đánh Lãng hả? Có đau không?
Lãng nói:
- Không. Anh nói dối em. Ảnh hứa nếu em chịu đi làm chứng, ảnh sẽ tìm bắt cho nguyên một tổ sáo nhỏ. Hôm qua ảnh có sáo, lại đem cho thằng Thìn.
An vội hỏi:
- Làm chứng? Làm chứng cho ai? Về chuyện gì?
Đến lượt Lãng thắc mắc:
- Anh Chinh không kể cho chị nghe à?
- Có kể gì đâu. Nhưng chuyện gì mà quanh co mãi!
Lãng nói trong hoang mang, như người vừa dần dần tỉnh ngộ:
- Như vậy là ảnh lại nói dối. Em dọa sẽ kể hết cho chị An. Anh cười bảo An đã nghe tao kể lại từ đầu chí cuối, từ hồi đạp lên mình con rắn cho đến lúc đốt đèn làm hiệu, mày kể cũng vô ích. Em tưởng thật. Đồ mọi rợ!
Rồi Lãng kể cho chị mọi chuyện xảy ra tối hôm ấy, hôm Chinh phải qua một đêm thử thách trong miễu cô hồn để được công nhận là đủ đởm lược học võ. Vì tự ái, Lãng dấu bớt nỗi sợ hãi nhút nhát của mình, tự mô tả như một kẻ tự nguyện đi làm chứng vì sự nghiệp võ nghệ của ảnh, chứ không phải là một kẽ bị đưa đẩy vì tò mò và yếu đuối. An vỡ lẽ, nói nhỏ với em:
- Hóa ra thế! Thấy tối nào ảnh cũng đi đến khuya, chị biết ảnh đi học võ với lũ trẻ ngoài chợ. Nhưng không biết chuyện cái miễu. Đêm hôm tối tăm, lỡ gặp rắn rít cắn cho thì làm sao hở trời!
Lãng giải thích thêm:
- Ảnh cố học cho mau để dự đỗ giàn vào lễ cô hồn rằm tháng bảy. Nghe nói cả hai đám An Thái và An Vinh đều đua nhau chuẩn bị ráo riết. Năm ngoái phe An Vinh giành được con heo quay, mà chỉ bị thương có bảy người. Năm nay AnThái quyết phục thù đấy!
Càng nghe chuyện, An càng sợ hãi. Từ lâu, An đã dõi mắt theo những điều Chinh làm với lòng cảm phục pha lẫn lo âu. Giữa ai anh, thực tình mà nói, An cảm phục Chinh hơn. Anh Kiên cần cù và chân thực, nhưng An vẫn thấy ở người anh cả có cái gì lạnh lẽo, phẳng lặng quá. Ở Chinh, sự táo tợn, gan góc có làm cho An tê điếng vì sợ hãi, nhưng sau đó, cô bé còn lại được cảm giác thích thú phiêu lưu. An nhớ một lần hai anh em đi chơi với bọn trẻ hàng xóm, An và một đứa con gái nhỏ cùng tuổi gây gổ nhau, hai thằng anh vì tự ái và vì thương em, cùng ra tay can thiệp. Chinh nhỏ thó hơn thằng bé kia, chắc chắn lấy lực mà đấu thì không ăn thua gì. Chinh quay sang ngón sở trường của mình, là đấu sự liều lĩnh. Chinh tìm bắt hai con sâu, một con lớn bằng ngón tay út, một con nhỏ hơn. Con sâu mập tròn, cái bụng xanh căng lên, ở đầu có hai cái sừng trông kỳ dị, ghê tởm. Chinh thách thằng bé, có dám cầm con sâu bỏ vào miệng nuốt hay không. Trong lúc thằng bé địch thủ của Chinh còn ngẩn ngơ chưa dám tin ở tai mình, thì Chinh đã đưa hai ngón tay nhón lấy con sâu lớn, bỏ vào miệng nhai nuốt ngon lành. Lũ con gái rú lên bỏ chạy. Thằng bé sợ quá, chân run không chạy được. Chinh túm lấy nó, cầm con sâu dí dí dọa nhét vào mồm nó. Thằng bé sau đó bị đau suốt một tuần lễ vì cơn sốt sợ hãi, còn mấy anh em Chinh thì trở thành những kẻ bất khả xâm phạm, muốn thứ gì chỉ việc ra lệnh chứ không cần xin xỏ.
Nuốt một con sâu! chuyện đó có thể tưởng ra được, nỗi nguy hiểm nếu có cũng chỉ một cơn ói mửa. Nhưng một mình trong cái miễu thờ người cùi, giữa đêm khuya! Dự tính học vài miếng võ để tranh giành với dân An Vinh! Càng nghĩ An càng sợ. Cha phải biết chuyện này! Không thể giấu được! An gắt với em:
Chuyện tầy trời như vậy mà mày dám giấu. Lỡ đêm đó rắn cắn ảnh chết thì sao? Mày thích thú lắm hả! Mày mê mấy con sáo nhỏ, xem thường tính mệnh của anh mày. Tao sẽ mách cha, để cha xử.
Lãng không ngờ tình thế biến chuyển bất ngờ như vậy. Cậu ngớ người ra một lúc, rồi bật khóc. Tối hôm đó, Lãng không ăn cơm. An giận em cứng cổ, không thèm gọi. Lãng nghĩ: như vậy là cả nhà ghét bỏ mình. Chỉ có mẹ thương mình, nhưng mẹ đã mê đi không còn hiểu mình khóc vì sao nữa! Cha không thương mình, vì nếu thương mình tại sao mình bỏ cơm tối mà cha không thắc mắc tìm hiểu. Anh Kiêm thì lạnh lẽo quá, chắc không thương ai. Anh Chinh và chị An, rõ ràng họ ghét mình hơn ai hết. Ngồi khóc thút thít một mình ngoài bờ tre, Lãng nhìn vào nhà chờ một tiếng gọi. Cửa sổ đóng, nhưng cửa lớn mở. Ánh đèn bên trong vẫn còn, tiếng nói chuyện lao xao từ nhà mợ Hai Nhiều và nhà Lãng vẫn còn nghe được "Họ" vẫn còn đó, nhưng "họ" không thèm biết mình đang chờ họ gọi vào, họ an ủi, họ vỗ về. Họ quên hẳn Lãng rồi. Ý nghĩ đó mạnh ghê gớm quá, Lãng bật khóc, nước mắt càng chảy cậu càng thấy cuộc đời mình khổ sở. Không đáng sống nữa. Lãng lại nhìn vào nhà. Cửa lớn khép, cửa sổ phía giường mẹ còn mở. Không ai chờ đón Lãng về để xin lỗi cả. Chỉ vì Lãng chưa chết đi, nên "họ" còn xem thường Lãng. Cậu bé nghĩ vậy, và quyết chí đi tìm cái chết. Cậu lững thững đi về phía mấy đám ruộng miễu. Cậu vấp ngã, cậu do dự, nhưng chân vẫn tiến về cái phía bí nhiệm đó. Chỉ phía đó mới tìm ra cái chết. Chết vì rắn độc, hay chết vì sâu cùi thân hình tê dại co quắp càng tốt. Thi thể càng thảm thương, "họ" càng thương tiếc, hối hận.
Lãng đã trốn nhà đi tìm cái miễu hoang đêm hôm đó và về sau, đã trở lại thao thức cả đêm trong miễu nhiều lần, mỗi lần một lý do khác nhau. Có thể nói tâm hồn cậu đã trải qua nhiều chặng biến chuyển phức tạp và cái mốc trên quãng đường chập chồng nguy hiểm này là những đêm dừng chân cô độc trong miễu hoang.
(1) Theo Phủ Biên Lạp Tục, Lê Quí Đôn, trang 183-184
(2) Theo Phủ Biên Lạp Tục, Lê Quí Đôn, trang 183-184
Bình luận facebook