• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Sông Côn Mùa Lũ (1 Viewer)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 50

Mùa đông năm Nhâm Dần (1782), tình hình kinh tế suy sụp vì nhu cầu quốc phòng đòi hỏi triều đình Tây Sơn phải có những quyết định cấp bách. Tin tức Gia Định đưa về không mấy vui. Tuy hai đạo bộ binh của Châu Văn Tiếp và Nguyễn Phúc Dụ đã bị quân tượng ở Bình Khang đánh cho tan tác, nhưng hình ảnh những chiếc tàu chiến Tây Dương cỡ lớn lảng vảng ngoài khơi Hòn Khói về sau vẫn còn được xì xào bàn tán trong quân đội Tây Sơn như một đe dọa khủng khiếp. Thế mà tin từ miền Nam báo về cho biết Nguyễn Ánh đã thuê được nhiều tàu chiến Tây Dương loại ấy, sắp quyết một trận sống mái với Qui Nhơn. Thắc mắc của Nguyễn Huệ về đạo thủy quân hùng hậu của Tống Phước Thiêm, chẳng bao lâu đã được giải tỏa. Nghe tin Nguyễn Ánh đã giết Đỗ Thành Nhân và quân Đông Sơn nổi loạn làm trở ngại cho kế hoạch tấn công Bình Khang mùa hè vừa qua, vua Thái Đức vui mừng reo lên: "Hữu Phương đã chết, ta không còn gì phải lo ngại nữa".


Sự thuận lợi về mặt quân sự, cộng với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở mấy phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn đã thúc đẩy nhà vua quyết định tấn công Gia Định lần nữa. Sau hơn ba năm ngưng tấn công Gia Định vì không đủ điều kiện quân lương, bây giờ, chính sự thiếu thốn quân lương bắt buộc nhà vua phải đích thân cầm quân đánh Gia Định.


Việc chuẩn bị cho cuộc tấn công dự tính vào mùa xuân năm sau thật rầm rộ, không cần giấu diếm. Dân phu được trưng dụng tối đa để đẵn gỗ, đóng thuyền. Lệnh tuyển lính xao động khắp nơi. Trên sông, trên biển, rộn ràng những cuộc diễn tập, nhất là lối đánh hỏa công. Triều đình động viên toàn lực của dân chúng để chuẩn bị kỹ càng cho cuộc tấn công lịch sử, nên chính sách có vẻ hòa hoãn, thoải mái hơn trước. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, vua Thái Đức cũng nhắc nhở đến sự đoàn kết chân thành, tình thương yêu đùm bọc giữa những người chân đất, giữa những kẻ đồng hương, để sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù chung. Câu chuyện bó đũa đã thành một đề tài thời sự, đi đâu cũng nghe truyền tụng: cha dạy con, chồng dạy vợ, thầy dạy trò, quan huyện hòa giải nguyên cáo và bị cáo, trương tuần giải quyết việc xô xát... Mọi người đều muốn chứng tỏ lòng bác ái, tình thương yêu đồng loại, sẵn sàng bỏ qua những tị hiềm để đoàn kết chặt chẽ với nhau. Đoàn kết, hỉ xả trở thành một thứ thời trang, hay nói nôm na như bọn mã phu, như một thứ thuốc cao trị bá chứng.


Lợi được giải thoát một phần nhờ ở cơn sốt đoàn kết ấy. Sau ngày Long Nhương tướng quân tiếp An tại dinh, ông bần thần suốt mấy hôm vì chưa nghĩ ra cách nào hữu hiệu nhất, nhanh chóng nhất để cứu Lợi. Ông biết sau ba năm, thực sự mọi người đã quên Lợi rồi. Lợi không còn là một "vấn đề". Anh ta đã bị gạt ra ngoài, bây giờ bênh Lợi hay chống Lợi cũng không có ích gì, nên không ai nhắc nhở đến Lợi nữa. Nhưng Nguyễn Huệ cũng biết vào địa vị tế nhị của ông, nếu đích thân ông can thiệp cho Lợi thì ngay sau đó, Lợi trở thành cái đích cho sự yêu ghét mỉa mai đàm tiếu hoặc thương xót. Cái gút của mọi rắc rối nằm ở bộ Hình. Ông có thể can thiệp thẳng với Bùi Văn Nhật, anh vợ của ông không? Có và không. Tất nhiên quan Hình bộ không gặp phiền phức nào khi trả tự do cho Lợi. Nhưng sau đó, chính Nguyễn Huệ sẽ gặp nhiều điều phiền phức. Kinh nghiệm sau đám tang ông giáo cho Huệ biết chắc như vậy.


Nguyễn Huệ bóp trán tìm giải pháp thích hợp nhất. Và ông đã tìm ra. Nhân một buổi họp chung để bàn kế hoạch tiếp lương cho các đạo quân sắp dự trận, Huệ khéo léo nhắc lại cái tài tổ chức của Lợi cho quan Hộ giá Phạm Ngạn nghe.


Ban đầu, Phạm Ngạn tỏ ra bối rối, rồi lại giả vờ như không chú ý vào câu chuyện. Long Nhương tướng quân không phải là người dễ dàng chịu thua cuộc. Ông ví viên Hộ giá vào thế bí. Ông đưa đẩy Phạm Ngạn đến chỗ đành phải chịu nhận một số sự thực: Phạm Ngạn không có khả năng cầm quân xông trận, nên dù nhà vua có ưu ái biệt đãi thì cũng chỉ dám giao cho việc quân lương. Đây là một công tác phức tạp, đòi hỏi óc tổ chức và tinh thần trách nhiệm. Bụng đói thì lưỡi giáo phải mềm. Liệu một mình Phạm Ngạn có cáng đáng nổi gánh nặng trách nhiệm ấy không? Nếu cần một viên phụ tá, thì tìm ai đây? Ai đã từng có nhiều kinh nghiệm trong công việc này? Phạm Ngạn rụt rè nhắc đến vài cái tên, cuối cùng mới nhắc đến Lợi. Nguyễn Huệ làm bộ kinh ngạc hỏi lại:


- Lợi à? Hắn đang bị tội mà. Hơn nữa, chính ông đưa hắn đến cửa ngục, ông quên sao?


Viên Hộ giá vội vã chối hết trách nhiệm, bảo rằng Lợi bị bắt lúc ông cùng với Tổng đốc Chu đi đánh Gia Định, rằng trước sau ông vẫn thương mến và cảm phục tài tháo vát của Lợi, rằng sở dĩ Lợi gặp nạn là do dân phu làm đơn tố cáo lên bộ Hình. Nguyễn Huệ khéo léo vây bủa đến nỗi cuối cùng, để thanh minh mình hoàn toàn vô can trong vụ Lợi, viên Hộ giá sẵn sàng đứng ra xin giải oan cho Lợi, và mời anh ta về làm phụ tá lo việc tiếp tế lương cho mình.


Mọi sự xảy ra sau đó đều đúng với dự định của Nguyễn Huệ. Cơn sốt "đoàn kết, thiện cảm" thúc đẩy cho diễn tiến được nhanh hơn, gọn hơn. Đích thân viên Hộ giá tâu trình đề nghị ân xá lên nhà vua. Nhà vua truyền lệnh cho bộ Hình. Bùi Văn Nhật truyền lệnh cho viên giám ngục. Lợi được phóng thích tháng Bảy năm 1782 không đầy nửa tháng sau cuộc hội kiến đáng nhớ giữa Long Nhương tướng quân và An.


*


* *


Lợi được phóng thích đột ngột, bất ngờ y như lúc anh bị bắt. Những người dự vào cuộc vận động kín đáo để trả tự do cho anh, từ Long Nhương tướng quân, Hộ giá Phạm Ngạn, cho đến quan Hình bộ đều không muốn người khác biết mình có dính dáng đến việc này, nên Lãng không hề biết trước để báo cho chị mừng. Phần An, vì tự ái, chị cũng giấu em buổi hội kiến hôm ấy.


An không có gì đáng phải khoe khoang với Lãng. Sau khi nói với em những lời chua chát, độc địa, An sợ nếu Lãng biết mình đã tìm gặp Huệ, chắc chắn Lãng sẽ chê cười mình giả dối, trơ trẽn. Vả lại, cuộc hội kiến cũng tạo cho An những băn khoăn, ray rứt mới. Chị như một người đang cắm cúi đi, đột nhiên khựng lại, ngơ ngác tự hỏi: ta đang ở đâu? ta đi đến đâu? Trước khi gặp Huệ lòng chị dứt khoát, ý tưởng của chị rạch ròi phân biệt cân nhắc lợi hại hơn thiệt, lời lỗ. Chị vững tin ở mình, khinh miệt cái thế giới mông lung huyễn hoặc của những ý niệm chân lý, cao thượng, vị tha, đạo đức. Tất cả đều là giả dối hết, trừ sự thực vạn năng của của cải, tiền bạc.


Nhưng lúc gặp Huệ, An cảm thấy mình nhỏ lại. Những điều chị tưởng là chắc chắn, quan trọng, không thể thiếu, đột nhiên trở nên hư huyễn, vô giá trị. An khựng hẳn lại, và chịu sức cuốn của cảm xúc, chị chỉ còn biết khóc, lí nhí, yếu ớt đáp những câu hỏi đơn giản của Huệ, không chút e dè ngượng ngùng. Được Huệ hứa giúp đỡ, An mừng rỡ bước vội ra khỏi phòng. Và từ đấy, trên đường trở về nhà, mọi sự trước mắt An đều biến đổi. Như một người vừa qua khỏi cơn mê, An ngỡ ngàng không hiểu cả mình. Tại sao chỉ mới đây thôi, ta có thể xem những cái này là đúng, thậm chí còn ca ngợi nó như một cách sống khôn ngoan thức thời. Những bon chen, lừa đảo này sẽ dẫn đến đâu? Giá trị của đời sống, giá trị của con người ở chỗ nào? Tự nhiên An chán nếp sống hiện tại của mình, không muốn ra chợ nữa. Chị trở lại chăm lo con cái, xếp đặt lại nhà cửa, bếp núc. Bữa ăn sáng của mấy đứa bé bớt thất thường. Khói vươn lên khỏi mái nhà bếp đúng lúc.


Nhờ thế khi Lợi đột ngột trở về nhà sau hơn ba năm bị giam, anh có cảm tưởng mọi sự vẫn y nguyên như lúc mình ra đi với chiếc gông trên cổ. Thằng bé Phát mừng rỡ chạy ra vì tưởng những khách hàng của mẹ sẽ đến giải thoát cho nó, đưa nó trở lại cuộc sống tưng bừng ở bến ngựa thồ. Nó thất vọng, vì chỉ gặp một người lạ mặt gầy ốm đang đăm đăm nhìn nó. Thằng Phát đâm sợ, vội kêu cứu:


- Mẹ ơi. Ra đây mau lên, mẹ ơi. Có ông ăn mày dễ sợ!


An nghe giọng hốt hoảng của con, vội bỏ cái áo đang may dở dang ra cổng. Mắt chị đã quáng chưa đây? Rõ ràng anh Lợi đây mà! Hai vợ chồng nhìn nhau qua hàng rào tre mà cả hai đều nghẹn không thốt được ra lời. An tiến đến gần chỗ Lợi đứng, thì thào như sợ tiếng động có thể làm tan mất ảo ảnh đoàn tụ trước mắt:


- Anh! Anh Lợi đấy phải không?


Lợi cũng cố dằn xúc động, đáp khẽ:


- Vâng, anh đây. Mở cửa cho anh với!


Không sợ lầm lẫn nữa, An reo thật lớn:


- Trời ơi anh! Đúng là anh đây rồi. Thế mà thằng quỷ này nó kêu có ông ăn mày nào. Cha đấy con. Tránh cho mẹ mở cửa mau! Cha đấy, đừng sợ. Trời ơi! Sao tay em run thế này. Anh đến kéo cánh cửa cổng ra phía ngoài cho em dễ mở một chút. Anh về thật không anh? Có phải anh được về luôn không?


Lợi qua được cơn xúc động, bắt đầu liến thoắng:


- Lại không thật! Em mở được chưa? Kéo ra tí nữa à? Được chưa. Rán lên. Nhờ ơn trời! Mau lên cho anh vào bồng thằng trưởng nam một chút. Em biết không, anh chạy một mạch từ cửa ngục về đây, vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn lại sợ họ kêu lại vì có lầm lẫn gì đó. Như trùng tên chẳng hạn. Mau lên!


An quýnh quáng không tài nào mở được then cửa. Lợi nôn nóng bảo:


- Thôi em tránh sang một bên.


An không hiểu chồng muốn gì, nhưng cũng vui vẻ dẫn con đứng dịch sang một bên cửa. Lợi dùng hết sức đạp mạnh lên cánh cửa cổng. Cái then bật ngàm. Trong lúc thằng Phát sợ hãi khóc ré lên, hai vợ chồng cười ha hả ôm chầm lấy nhau. Sau một lúc cuống quít, An đẩy chồng ra xa hỏi lại:


- Anh về luôn thật hả?


Lợi cười lớn:


- Hỏi gì kỳ cục! không về luôn chẳng lẽ chỉ về tạm rồi lại vào đó xin mang gông.


Câu nói của Lợi khiến An nhớ lại cuộc đời tù đày của chồng. Cho đến lúc này chị vẫn có cảm tưởng Lợi vừa đi xa trở về. An nhìn kỹ khuôn mặt, thân thể, quần áo của Lợi, và đến lúc ấy chị mới thấy hết tất cả tiều tụy, ốm o của Lợi. An rơm rớm nước mắt thương xót:


- Anh ốm quá. Thôi, vào nhà đi đã. Phát. Không được khóc. Cha chứ ai đâu mà sợ.


Thằng bé nhất định không chấp nhận người lạ mặt vừa đến tranh giành tình thương của mẹ, phụng phịu tránh xa không cho Lợi ôm vào lòng. Lợi hơi thất vọng, lúng túng. An thấy chồng buồn, vội nói:


- Lúc anh đi nó còn bé quá, không nhớ mặt anh đâu. Vào nhà đi anh. Để em bồng nó, không nó lại tưởng...


Lợi ngùi ngùi nhìn lại khung cảnh cũ, thấy khu vườn, căn nhà nhỏ có vẻ điêu tàn, cũ kỹ hơn trước. Mấy hôm nghỉ buôn bán, An chưa kịp săn sóc sửa sang lại vườn tược, con Gái lại bận, nên lá khô rơi ngập cả lối đi. An chạy vào nhà trước với thằng Phát, vực bé Thái dậy. Con bé còn ngái ngủ, ngơ ngác không hiểu vì sao cả nhà náo động khác thường như vậy. Nó sợ, ôm chặt lấy mẹ. Sợ con gái lại không chịu cho mình bồng, Lợi bảo vợ:


- Thôi, em cứ để cho nó ngủ tiếp. Chưa ai về cả à?


Biết chồng muốn hỏi Kiên và Lãng, An đáp:


- Anh Kiên đã về lại bên nhà từ hôm em tạm nghỉ hàng xáo. Còn Lãng không biết chiều nay có về không. Chắc nó chưa hay tin anh về. Anh đi tắm rửa rồi thay quần áo đi. Cái bọc gì thế kia?


Lợi hớn hở khoe:


- Quý lắm đấy. Chốc nữa vào anh sẽ cho xem.


An không dằn được tò mò, vội hỏi:


- Cái gì trong đó vậy?


Lợi không chờ đợi được, mở cái bọc vải lấy ra hai cái khăn thêu rất đẹp và công phu, và một cái lược bằng sừng trâu. An ngạc nhiên hỏi: - ở đâu thế?


- Của anh làm đấy. Quà của em!


An trố mắt nhìn chồng, giọng hoài nghi:


- Anh làm? Có thật không?


Lợi cười hãnh diện, đáp:


- Nói dối với em làm gì. Anh bỏ công để thêu thật đẹp, chờ ngày được tha đem về làm quà cho em. Còn cái lược này...


Lợi không dám nói tiếp vì thực ra anh nói dối. Lợi đã đem quế và thuốc xức ghẻ An gửi vào đổi khăn lược của một người bạn tù, định có dịp thuận tiện sẽ lo lót tiền nhờ cai ngục gửi ra cho vợ. An tin ngay lời chồng, ôm cái khăn và lược vào lòng, rưng rưng nước mắt nhìn Lợi, cảm động đến nỗi không thốt được hai tiếng cảm ơn.


Lợi xấu hổ không dám nhìn đôi mắt chan chứa trìu mến của vợ, tìm cớ đi chỗ khác. Anh nói:


- Thôi để anh đi tắm cho sạch cáu bẩn tù đày đi.


*


* *


Lợi về nhà được ba ngày thì nhận được lệnh phải vào trình diện với quan Hộ giá Phạm Ngạn. Anh được quan Hộ giá an ủi, vỗ về, và bằng những lời nói xa nói gần, quan Hộ giá cho Lợi biết nhờ chủ trương khoan dung độ lượng của nhà vua, mà Lợi được quan bỏ qua chuyện cũ, xin cho được ân xá. Chẳng những thế đích thân quan Hộ giá đã tâu lên nhà vua xin Lợi về giúp mình trong việc tiếp lương quan trọng sắp tới.


Lợi cảm động quá, tin ngay lời Phạm Ngạn. Và anh có thừa tài ăn nói để vuốt ve lòng kiêu căng tự đại của viên Hộ giá, đến nỗi sau buổi trình diện, Lợi trở thành người tâm phúc của Phạm Ngạn.


Lợi đi thăm những người quen biết cũ một cách tự nhiên, không chút dè dặt, không chút mặc cảm, như một người vừa đi xa trở về. Đến nỗi chính những người được Lợi đến thăm phải đâm hồ nghi, lòng nghĩ rằng vận xui của Lợi đã qua, và Lợi lại bắt đầu được một thế lực lớn bảo trợ. Nếu không thế làm sao giải thích được lối ăn nói, đùa cợt hết sức tự nhiên của Lợi? Sự hiểu lầm này giúp đỡ Lợi rất nhiều. Không bao lâu, bạn bè, dân làm ăn lại kéo đến bu quanh anh, nghe anh kể chuyện ở tù như một chuyện đùa nghịch hấp dẫn, như một thử thách làm con người bứt ra khỏi cái tầm thường nhạt nhẽo để đạt đến độ chín chắn cần thiết.


Anh nhanh nhẹn giải quyết tất cả các khúc mắc cả việc nhà lẫn việc nước. Trước tiên là việc nhà, Lợi đồng ý với An là nghề hàng xáo cực nhọc không thích hợp với sức khỏe của vợ. An có thể ở nhà chăm sóc nuôi nấng các con. Nếu An sợ ăn không ngồi rồi, thì nên tìm một nghề buôn bán nào khác nhẹ nhàng hơn mà lại thu được nhiều lãi hơn. Nghề gì? Lợi chưa tìm ra. Nhưng không có gì phải vội!


Đối với việc nước, Lợi mau chóng giải quyết những gì quan Hộ giá đang lúng túng chưa tìm được các giải quyết: Cần bao nhiêu nhân công để đẵn cho được bấy nhiêu gỗ giao cho các xưởng đóng chiến thuyền, cách thức phân định số dân phu thế nào để các xã quan khỏi so bì nhau chuyện nhiều ít, làm sao có được bấy nhiêu bánh tráng làm lương khô đủ cho một đạo quân đông đảo suốt thời gian lênh đênh trên biển cả từ Qui Nhơn vào Gia Định, với số vũ khí nhà vua qui định phải rèn xong trong thời gian eo hẹp thì phải điều động bao nhiêu thợ rèn. Bấy nhiêu tính toán hóc búa từng làm Phạm Ngạn mất ăn mất ngủ đã được Lợi thu xếp êm đẹp và chóng vánh. Và cũng giống như thời còn ở Tây Sơn thượng, Lợi khéo léo núp sau sân khấu để quan Hộ giá có cảm tưởng tất cả mọi điều đều do chính mình nghĩ ra, và chính mình khai thông các khó khăn. Lợi chỉ là một kẻ thừa hành vâng lời và thạo việc, thế thôi!


Lãng đã quá hiểu cả tật lẫn tài của ông anh rể, cũng phải kinh ngạc khi thấy Lợi phục hồi địa vị và uy tín nhanh như vậy. Đến nỗi chính Lãng đâm ngờ sự vô tư của mình. Anh trách mình có nhiều thành kiến sai lầm về Lợi, chưa thấy hết khả năng của Lợi. Rõ ràng từ lúc Lợi về, ngôi nhà quạnh hiu giữa ngôi vườn xơ xác như thức dậy sau một giấc thiêm thiếp uể oải rã rời. Khách khứa lại đông đảo, tiếng nói tiếng cười rộn rã. Chiều nào Lãng về cũng thấy có ngựa cột ở gốc mít gần cổng, hoặc bắt gặp Lợi đang tiễn một người khách nào đó. Lãng phân vân giữa lòng khâm phục và sự khinh khi, chưa biết mình đúng hay sai trong cách xét đoán anh rể. Cho nên dù thấy chị tìm lại được nếp sống yên vui, Lãng vẫn lo âu.


*


* *


Trong lúc Qui Nhơn rộn rã chuẩn bị cho cuộc tấn công Gia Định vào mùa xuân thuận gió, thì Nguyễn Ánh cũng gấp rút chuẩn bị ứng chiến. Hai bên không giấu kế hoạch sống mái một mất một còn ở Gia Định, nên đều chuẩn bị lực lượng và vũ khí rất kỹ lưỡng.


Như đã nói ở trên, mặc dù hai đạo bộ binh của Châu Văn Tiếp và Nguyễn Phúc Dụ bị thiệt hại nặng trong trận Bình Khang năm trước, nhưng đạo thủy quân hùng hậu Nguyễn Ánh dày công xây dựng suốt mấy năm vẫn còn nguyên vẹn. Tin tức Qui Nhơn không làm cho Ánh nao núng. Ngược lại, vương hết sức tự tin.


Đầu năm Tân sửu (1781) Nguyễn Ánh đã có ba vạn quân thủy bộ, tám mươi chiếc thuyền hạng vừa, ba chiến thuyền lớn, hai chiếc tàu kiểu châu Âu và ba tàu Bồ Đào Nha do các sĩ quan và thủy thủ Bồ Đào Nha điều khiển. Cả ba tàu này được đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp là cai cơ Mạn Hòe (Emmanuel).


Nhưng lực lượng hùng hậu trang bị vũ khí, phương tiện tối tân ấy, sau vụ Đỗ Thành Nhân bị Ánh giết, tự nó đã chứa nhiều yếu tố mâu thuẫn, tan rã. Quân đông nhưng không phải là một đạo quân thuần nhất về ý chí, về tính chất. Ánh cũng không tạo được sự thống nhất về chỉ huy. Ngoài một số tàn binh đau yếu, bạc nhược trung thành chạy theo Nguyễn Ánh suốt mấy năm liên tiếp bị săn đuổi, lực lượng còn lại vẫn gồm quân Đông sơn và quân Hòa nghĩa. Quân Đông sơn vừa nổi loạn chống Nguyễn Ánh sau khi chủ tướng Đỗ Thành Nhân của chúng bị ám sát, còn quân Hòa nghĩa sau cái chết của Lý Tài tạm thời chịu khuất phục Ánh, nhưng vẫn duy trì như một đạo quân độc lập, không chịu đồng hóa như một bộ phận trong lực lượng lớn hơn của Gia Định. Chúng ghét Tây Sơn, mà cũng ghét lẫn nhau, nếu cần chúng không ngần ngại chém giết lẫn nhau để tồn tại. Vì thế, Nguyễn Ánh đặt hết hy vọng vào thủy quân, nhất là sau khi đã thuê được nhiều chiếc "Tây dương đại thuyền" của Bồ Đào Nha và thu dụng được một số chuyên viên hàng hải người Pháp; nghĩa là đã lợi dụng được sáng kiến và sự can đảm liều lĩnh đến táo tợn của một bọn phiêu lưu quốc tế. Nhưng chính bản chất phiêu lưu của bọn ngoại nhân này tự nó cũng chứa mầm mống của mâu thuẫn.


Thật vậy, do phát triển của kỹ nghệ tiêu dùng và kỹ thuật hàng hải, từ thế kỷ thứ 15, đã có một trào lưu xuất cư rộng lớn ở các nước Âu châu, làm phát sinh một số đông đảo những tay phiêu lưu quốc tế, gồm các thương nhân, những nhà chinh phục và các giáo sĩ đạo Thiên chúa. So với tầng lớp nông dân bám vào đất, nương theo mùa mà sống, bọn thương nhân nhờ di chuyển trông rộng biết nhiều mà có tinh thần mạo hiểm và sáng kiến, tránh được óc bảo thủ hẹp hòi, sự thiếu gan dạ của dân định cư. Nhờ tầm rộng của biển cả, sự quyến rũ của những món lợi khổng lồ kiếm được ở các nước yếu kém xa xôi, nhờ hấp lực của một khoảng không vô định và một nếp sống chắc chắn khác thường, hành động phiêu lưu của họ có nhiều nét cuốn hút hơn. Một trong những tay phiêu lưu quốc tế ấy về sau đã viết:


"Vì một hạt tiêu, họ không ngần ngại cắt cổ nhau, từ chối sự cứu rỗi linh hồn, điều mà ở vào những lúc khác, họ đã tỏ ra rất bận tâm. Cái lối cứng đầu cứng cổ kỳ lạ trong khi theo đuổi ý muốn làm cho họ thách đố với chết chóc ở hàng nghìn hình thức: những rủi ro của biển cả xa lạ, các bệnh kỳ dị và ghê tởm, thương tích, bắt bớ, đói rét, dịch tễ, tuyệt vọng. Điều đó làm cho họ trở nên to lớn, anh hùng, bi thống ngay cả trong những ham muốn buôn bán không thỏa mãn của họ, trong khi cái chết lạnh lùng sẽ đến đem họ đi không chừa già trẻ. Hình như khó có thể tin rằng chỉ có lòng tham lam đã đủ sức thúc đẩy họ theo đuổi lý tưởng một cách liên tục, cố gắng và hy sinh một cách kiên trì như vậy... Với chúng ta, những người kế tục tránh được cái thử thách ghê gớm ấy, họ có vẻ sáng rực rỡ không phải vì những thành quả họ đã đạt được mà vì chúng ta thấy ở họ những công cụ của định mệnh bị xô đẩy vào cõi vô định, tuân theo một thứ mệnh lệnh bên trong, một khích động toàn thể để đi tìm một giấc mộng xa vời". (1)


Bên cạnh bọn phiêu lưu sẵn sàng cắt cổ nhau vì một hạt tiêu này, còn có những kẻ được gọi là "lớp người phiêu lưu của Chúa và của lòng Bác ái". Họ rời bỏ quê hương và đám con chiên ngoan ngoãn quen thuộc, vượt biển tìm đến những chốn xa lạ để đem kẻ "ngoại đạo" trở về nước Chúa. Giống như bọn thương nhân, các cố đạo Thiên chúa này cũng có tinh thần mạo hiểm và kiên nhẫn chịu đựng không kém. Tuy cùng chung một sứ mệnh, nhưng các cố đạo đến Đàng Trong thời bấy giờ có nhiều gốc gác khác nhau: Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý... Điều đó tạo ra những hậu quả phức tạp: các cố đạo không thể nào tách rời quyền lợi đạo giáo ra khỏi quyền lợi tổ quốc của họ, đúng ra là quyền lợi ông vua nước họ. Do đó ta không ngạc nhiên khi thấy giữa các giáo sĩ người Pháp và người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha từng ủng hộ Nguyễn Ánh và hợp tác chặt chẽ trong sứ mệnh truyền giáo, lại sẵn sàng chém giết nhau, âm mưu ám hại lẫn nhau như hai phía thù nghịch. Bằng chứng là vụ Mạn Hòe, một tên phiêu lưu thân tín của giáo sĩ Pháp Bá Đa Lộc âm mưu giết cả thuyền trưởng, thủy thủ lẫn giáo sĩ tuyên úy người Bồ Đào Nha để cướp tàu cho Nguyễn Ánh.


Bấy giờ Ánh giao cả ba chiếc tàu Bồ Đào Nha thuê được để đi đánh Tây Sơn cho tên thanh niên Mạn Hòe người Pháp, tay chân của Bá Đa Lộc điều khiển. Các thuyền trưởng và thủy thủ Bồ đào nha rất bất mãn về việc này, nên khi ra khơi đi đánh Tây Sơn, hai chiếc đã giong buồm chạy thẳng về Ma Cao, chở theo luôn vũ khí và quân lính của Nguyễn Ánh. Chiếc thứ ba có Mạn Hòe trên buồng chỉ huy nên không trốn được. Do đó Mạn Hòe mới tìm cách diệt hết cả thuyền trưởng, thủy thủ lẫn giáo sĩ người Bồ để đoạt tàu.


Mạn Hòe dọn một bữa tiệc và mời viên thuyền trưởng cùng viên sĩ quan cận vệ của thuyền trưởng đến dự. Sau khi cho họ ăn uống no say, Mạn Hòe bảo viên thuyền trưởng Bồ đào nha rằng có lệnh đại nguyên soái đòi hắn đến hầu. Dù quá say, viên thuyền trưởng cũng phải đến. Hắn không còn biết gì cả, đến nơi ngồi phịch xuống ghế, ngoẻo đầu sang một bên ngủ ngon lành. Hắn bị Mạn Hòe cho một tên thuộc hạ cắt cổ. Những người lính Bồ đào nha còn lại cũng bị Mạn Hòe tàn sát tàn nhẫn không kém. Chờ cho họ ngủ say, Mạn Hòe ra lệnh cho lính Nguyễn Ánh cắt cổ hai mươi bảy thủy thủ Bồ Đào Nha, chỉ sót có vài người nhờ họ nhảy xuống biển lội vào bãi cát.


Trên tàu còn có mặt đức cha Antonio, thuộc dòng Franciscain Bồ Đào Nha ở tỉnh Thánh Thomas của Ấn độ. Cha được giáo sĩ Jumilla phái lên tàu với tư cách tuyên úy cho thủy thủ người Bồ. Mạn Hòe không thể để cho cha sống sót, nên muốn hành quyết Antonio bằng cách cột cha vào đuôi ngựa rồi quất cho nó chạy. Bá Đa Lộc thấy lối hành quyết đó tàn nhẫn quá, nên can thiệp vào. Nhưng Mạn Hòe vẫn cương quyết giết cha Antonio để diệt khẩu. Hắn ra lệnh cho bọn lính của Nguyễn Ánh giết cha. Bọn này từ chối vì lòng cung kính đối với các giáo sĩ. Bị đe dọa, thúc giục, chúng không thể làm khác được, đánh đập Antonio có nhiều thương tích trầm trọng. Cha Antonio quỳ gối xin Mạn Hòe dung tha. Hắn giả bộ thương xót, nhưng ra ám hiệu cho bọn lính xúm lại kết liễu đời vị giáo sĩ Bồ đào nha. Khi đã giết xong người Bồ cuối cùng để chiếm tàu rồi, Mạn Hòe làm một tờ chứng nội dung bảo viên thuyền trưởng Bồ tuyên bố sẽ hạ sát tất cả lính Nguyễn Ánh, nên họ phải ra tay tàn sát người Bồ trước để tự vệ. Làm xong tờ chứng giả dối, hắn bắt tất cả lính ký tên vào. Vụ tàn sát đáng tởm ấy đến tai Nguyễn Ánh, Ánh chuyển nội vụ cho cha Diego de Jumilla xét xử. Nhưng Diego de Jumilla cũng là người Bồ Đào Nha như các đồng bào bất hạnh của ông. Nguyễn Ánh giao cho Jumilla lập tòa án xét xử Mạn Hòe và các kẻ đồng lõa người Pháp rất thế lực của hắn (kể cả Bá Đa Lộc), thì có khác nào đẩy cha vào chỗ chết. Người Pháp sẽ không ngần ngại gì để ám sát Jumilla, sau đó truy phong cho cha danh vị thánh tử đạo. Cho nên cuối cùng cha Jumilla không dám vâng lệnh Nguyễn Ánh, và nội vụ được bỏ qua. (2)


Tóm lại, cái chỗ dựa Nguyễn Ánh tin tưởng là đạo quân đông đảo trên ba vạn người và kỹ thuật thủy chiến tối tân của phương Tây, chẳng qua chỉ là một cây gỗ mục. Nó chỉ được cái lớp sơn rắn chắc bên ngoài. Bọn vô lại đầu trộm đuôi cướp, bọn phiêu lưu quốc tế liều lĩnh và gian manh điên cuồng trước lợi nhuận và máu, tức là cái phần đã bị lực lượng Tây Sơn đào thải để thanh lọc trước đây, bây giờ lại là sức mạnh nòng cốt của Nguyễn Ánh. Phải chờ đến mùa xuân năm sau, năm Nhâm dần (1782), Nguyễn Ánh mới mở mắt sợ hãi nhận ra sự lầm lỗi của mình.


*


* *


Về mặt chiến thuật, Long Nhương tướng quân xem cuộc tấn công Gia Định lần này là một cuộc thử thách đầy ý nghĩa. Nó sẽ giúp ông xác định đúng thực lực của mình, đồng thời tìm hiểu khả năng tác chiến của địch sau khi được các cố đạo và con buôn phương Tây tận tình giúp đỡ. Nguyễn Huệ nói với Lãng: - Cậu có nhớ năm ngoái khắp các phủ từ Bình Khang đến Qui Nhơn, bọn xấu tung ra tin đồn Thầy Cả đã đóng cho thằng Chủng một chiếc tàu Tây dương ghê gớm lắm không? Tàu chạy trên mặt nước cũng được mà lặn sâu xuống đáy biển cũng được. Hư thực thế nào chưa biết, nhưng nhiều đứa nhát đã xanh xám cả mặt. Một số lính ở Bình Khang bỏ trốn cũng vì khiếp sợ cái tàu ma ấy.


Lãng cười chế giễu, đáp lại:


- Làm gì có chuyện huyền hoặc đó, thưa tướng quân. Chúng nó sợ quá, trông gà hóa cuốc, hoặc chính bọn tay chân của Châu Văn Tiếp loan truyền để đánh đòn tâm lý.


Nguyễn Huệ vội nói:


- Điểm chính không phải là có hay không loại tàu chiến tối tân ấy. Với tiến bộ hàng hải và vũ khí hiện nay của các nước Tây dương, có thể có loại tàu ấy lắm chứ. Con cá nổi lên mặt nước rồi lặn xuống sâu được, thì có thể con người cũng làm tàu như thế được. Nhưng, điểm chính là ở chỗ này: không phải sắm được chiếc tàu đó là chắc chắn thắng trận. Chiếc tàu chỉ là một công cụ, như cây gươm bén. Giao nó cho những tên hèn nhát, hoặc bọn đầu trộm đuôi cướp thì cũng chẳng khác nào giao cây gươm quý cho thằng bệnh hoạn hoặc thằng lưu manh. Cho nên ta muốn bày trận này chứng minh cho anh em quân sĩ thấy rằng: dù thằng Chủng có thuê được tàu Tây dương, dù hắn được bọn cố đạo Pháp, Bồ giúp sức, nhưng nếu anh em tự tin ở sức mình, hăng hái chiến đấu, thì cuối cùng, nhất định ta vẫn thắng.


Giọng nói sôi nổi lôi cuốn của Huệ khiến Lãng cảm thấy máu nóng sôi sục trong người. Lúc đó thuyền chỉ huy đang đi trên một vùng biển êm, và Long Nhương tướng quân vừa chủ trì một cuộc họp các tướng lãnh để thông qua kế hoạch hành quân. Lãng vẫn được tướng quân giao cho trách nhiệm thư ký, ghi hết tất cả các sự việc, diễn tiến liên quan đến chiến dịch. Nhớ đến kế hoạch tấn công kỳ này, Lãng do dự, rồi không dằn được tò mò, anh hỏi Nguyễn Huệ:


- Em thấy lối tiến công kỳ này (1782) hoàn toàn khác với kỳ trước (1777) khá nhiều. Thưa tướng quân, tại sao vậy?


Nguyễn Huệ muốn thử thách khả năng nhận xét quân sự của Lãng, không trả lời ngay, quay hỏi trở lại:


- Cậu thấy khác ở đâu?


Lãng đỏ mặt vì ngượng, sợ múa rìu qua mắt thợ. Nhưng anh vẫn đáp:


- Lần trước, ta tiến quân theo hai hướng thủy bộ để họp nhau lại đánh gãy một mục tiêu, sau đó tập trung tiêu diệt mục tiêu khác. Lần này cả thủy binh lẫn bộ binh đều dùng đường biển, và cũng dồn hết sức công phá một mục tiêu.


Huệ gật gù, hỏi thêm:


- Còn gì nữa không?


Lãng đáp:


- Em chỉ thấy được có bấy nhiêu. Nguyễn Huệ vui vẻ giải thích:


- Ta phải thay đổi cách đánh vì tình hình kỳ này khác hẳn tình hình cách đây năm năm. Tên Chủng đã có thì giờ tăng cường lực lượng phòng thủ của Gia định, nhất là thủy quân. Ngoài số tinh binh thủy bộ, hắn còn sắm được nhiều thuyền chiến lớn và chiến hạm kiểu Âu châu, do bọn sĩ quan Tây dương điều khiển. Ta không giấu diếm ý định tấn công vào mùa gió năm nay, nên hắn chuẩn bị phòng ngự cũng kỹ. Theo tin nhận được thì hắn bố trí một lực lượng thủy quân hùng hậu ở chỗ này, ngay cửa biển Cần Giờ để chờ ta. Cột trụ của phòng tuyến này là các tàu chiến Pháp và Bồ Đào Nha. Tên Chủng lại đặt thêm một lực lượng dự bị ở phía trong, có lẽ ở vùng sông Ngã Bảy này, dùng làm lực lượng tiếp ứng khi cần thiết. Nguyễn Hữu Thụy em rể Chủng thì lãnh một đạo quân cả thủy lẫn bộ lên Biên Hòa chuẩn bị ngăn chặn bộ binh của ta, mà hắn đoán sẽ từ Bình Thuận đánh vào y như kỳ trước. Cứ để mặc cho hắn đoán già đoán non. Ta cứ tìm ngay cây cột chính chống đỡ toàn thể niềm tin và sức mạnh của đạo quân ấy, rồi dồn toàn sức đốn cho ngã cây cột ấy, mọi sự sau đó giải quyết dễ dàng như trò trẻ con. Cậu có biết cây cột đó của tên Chủng là gì không?


Lãng dè dặt, vì sợ lầm lẫn nên câu trả lời đầy vẻ rụt rè:


- Có lẽ... hình như hắn quá tin vào kỹ thuật Tây dương. Hắn dồn hết sức ra tuyến Cần giờ, ước mong tiêu diệt quân ta ngay từ tuyến ngoài. Phải thế không ạ?


Nguyễn Huệ cười lớn, vỗ vai Lãng nói:


- Phải rồi. Nói đúng mà sao rụt rè thế. Hắn dựa vào mấy chiếc tàu sắt Tây dương và lũ đầu trộm đuôi cướp mắt xanh, thì nhân dịp này, ta cho chúng thấy sức mạnh của hỏa công trên biển và sức mạnh của ý chí chiến đấu. Cậu phải nhớ ghi chép cho đủ trận này nhé. Ta coi đây là cuộc thử sức đầu tiên với vũ khí và tàu chiến Tây dương đấy.


*


* *


Trong tập ghi chép, Lãng đã ghi: (chữ Hán dịch Nôm).


Ngày... Tháng Ba năm Nhâm dần (1782)


Lại sắp đến cửa Cần Giờ mênh mông nước bạc. Không khí chuẩn bị thật rộn rã. Đêm hôm trước, trên từng thuyền, theo lệnh của thánh thượng, đều có mở tiệc ăn khao trước. Thánh thượng có ban một bài hịch tướng sĩ. Thú vị nhất là câu ví bọn Tây dương giúp đỡ cho Nguyễn Ánh như "những thây ma chết trôi từ biển bắc". Long Nhương tướng quân thường ví von như thế. Tướng sĩ nghe như thế đều phì cười, quên cả mâm rượu dọn sẵn trước mặt.


Ghi việc riêng.


- Hồi chiều có gặp anh Lợi trên chiến thuyền phát lương khô. Anh ấy hẹn vào Bến Nghé sẽ dẫn đi ăn ở một tiệm khách anh ấy quen biết từ năm Dậu. Tôi hỏi hơn sáu năm qua biết bây giờ có còn không. Anh Lợi hơi thất vọng, nhưng sau đó lại bảo không có tiệm này thì còn tiệm khác. Cách nấu vây cá của khách trú khác lắm. - Có ngỏ ý với Long Nhương tướng quân xin được phép xuống Cần Thơ hốt cốt anh Chinh. Tướng quân cười hình như muốn chế giễu mình, xem đó là chuyện nhỏ nhặt không thích hợp chút nào với không khí sôi nổi rộn rã chung. Tướng quân đồng ý, nhưng có nói thêm: "Chết là hết. Đừng làm cho đời sống thêm phức tạp, Lãng ạ". Tôi không biết trả lời thế nào. Trong lòng tôi nghĩ: điều đáng sợ không phải là sự phức tạp rắc rối của đời sống, mà là ý muốn đơn giản nó. Nhưng làm sao nói được những ý tưởng ấy vào lúc này!


Ngày... Tháng Ba năm Nhâm dần (1782)


Đã có tin báo về là Ánh đã dàn hàng ngang chiến thuyền trên sông Ngã Bảy để đợi. Đúng như Long Nhương tướng quân đoán trước, hắn có vẻ tin tưởng vào mấy chiếc tàu Tây dương. Sau cuộc họp các tướng lãnh ở thuyền chỉ huy, thánh thượng xuống chiếu hứa tặng thưởng cho các tướng sĩ đánh chìm, đốt cháy hoặc chiếm được mấy chiếc tàu Tây dương ấy. Dựa vào lời khai của bọn lính Nam Hà thoát được khỏi hai chiếc tàu Bồ Đào Nha năm trước chạy qua cửa Hàn, Long Nhương tướng quân truyền cho các tướng phổ biến hình dạng, tầm vóc, cách bố trí và trang bị súng ống trên tàu Bồ, đồng thời dạy rõ cách tung hỏa pháo và dùng dây néo leo lên.


Tin cuối cùng báo về: đích thân tên Chủng cầm quân ở sông Ngã Bảy. Tuyến đầu được giao cho Tống Phước Thiêm.


Ngày... Tháng Ba năm Nhâm Dần (1782)


Cửa Cần Giờ đây rồi. Thánh thượng ra lệnh cho các đoàn chiến thuyền dừng lại. Từng thuyền chuẩn bị vũ khí sẵn sàng. Giữa mặt nước bạc mênh mông, mầu cờ đào phất phới rực đỏ cả một vùng. Gió bắt đầu thổi mạnh, cờ bay về phía Thất kỳ giang (sông Ngã Bảy). Tuy đã cố ghìm thuyền lại, nhưng gió vẫn đẩy các chiến thuyền đã gác mái về phía trước. Long Nhương tướng quân trỏ hướng gió bảo với các tướng lãnh đến nhận lệnh lần cuối cùng: "Lòng trời không muốn ta dừng lại, mới sai gió đến giục ta tiến về sông Ngã Bảy. Các ngươi hãy thuật lại cho tất cả tướng sĩ biết". Các tướng nhìn lá cờ đào phần phật trên cột buồm thuyền chỉ huy, nét mặt mừng rỡ và phấn khởi. Từng người trở về đội của mình. Tin vui loang nhanh như gió thổi. Không hẹn mà khắp mọi thuyền đồng loạt reo hò, cờ đào phất qua phất lại trong gió rộn rã.


*


* *


Bắt đầu có lệnh xuất quân.


Đoàn chiến thuyền rầm rộ tiến vào cửa Cần Giờ theo hình mũi tên. Lớp đi đầu mang một ít quân giỏi bơi lặn. Trên thuyền có đặt sẵn đồ cứu hỏa và phao. Lớp thứ hai đầy thủy quân trang bị hỏa pháo. Súng đặt trên các thuyền lớn đi phía sau. Suốt cuộc hành trình từ cửa Cần Giờ đến sông Ngã Bảy, anh em tướng sĩ được gió giúp sức khỏi phải nhọc công chèo. Ý tưởng "thuận lòng trời" là một nguồn cổ vũ bất ngờ, khiến tiếng hò reo tở mở không ngớt vang động khắp hai bờ sông. Những người lính trẻ lần đầu tiên vào Gia Định hẹn nhau dạo phố Sài Côn vào ngày mai, sau khi nghe những bác lính già ba hoa tô vẽ sự phồn thịnh của phố xá miền Nam. Một cậu chưa đầy hai mươi bạo dạn hỏi tôi: "Con gái Gia Định có đẹp bằng ngoài mình không?" Tôi cười hỏi lại: "Cậu muốn vào gửi rể hả?" Trận chiến ác liệt như mọi người đã đoán trước.


Địch dàn hàng ngang trên sông, từ xa dùng súng lớn bắn tới để chặn đường. Hai chiến thuyền đi hàng đầu bị trúng đạn, một chiếc gãy cột buồm, một chiếc bị cháy. Chiếc bị gãy cột buồm lảo đảo xoay tròn như người say, cuối cùng nghiêng hẳn sang một bên. Chiếc bị cháy được cứu kịp. Đạn nổ khắp đây đó, tạo thành những cột nước phun, nhưng không thể ngăn được đà xốc tới của quân ta. Từ hàng thuyền tiên phong đẻ ra hằng hà sa số những xuồng nhỏ xốc tới hướng địch như những mũi tên bay. Khoảng cách giữa địch và ta càng lúc càng hẹp. Súng của ta nổ dòn, phía thuyền địch bắt đầu có nhiều đám cháy, khói bốc lên đây đó trên mặt sông. Những chiếc xuồng xung kích vẫn lao tới trước, từ phía sau mà nhìn, đôi lúc có cảm tưởng như những con cá ngụp lặn trên mặt nước bạc. Khi các chiếc xuồng nhẹ đó áp vào được gần thuyền địch, thì lửa bắt đầu lóe lên đây đó phía trước. Những người lính liều lĩnh ấy chỉ mặc độc một cái quần đùi, thân thể bôi mỡ để chống lạnh, đã được luyện tập thành thạo lối đánh hỏa công cận chiến. Lửa lan rộng phía quân địch, tuyến đầu của chúng bắt đầu rối loạn. Khói tỏa lên mù mịt. Nhiều thuyền chiến của ta cũng bị đạn cháy nhưng gió vẫn thổi mạnh đưa cả ngọn hỏa bùng bùng bốc cao trôi về phía địch. Đúng là ý trời thuận với lòng người: chưa kịp đối phó với các xuồng xung kích thì lớp chiến thuyền đầu tiên của ta đã xáp lại gần phòng tuyến địch. Hàng ngũ chúng rối loạn. Những thuyền còn có thể bỏ chạy được không dám chống cự nữa, kéo nhau chạy trốn về phía Bến nghé, chiếc tàu lớn Bồ đào nha đi sau cùng để bảo vệ cho cuộc rút lui.


Long Nhương tướng quân hạ lệnh phải chiếm cho được chiếc tàu Bồ Đào Nha bằng bất cứ giá nào.


Chiến thuyền của ta tiến lên vây chiếc tàu Bồ Đào Nha vào giữa. Thành tàu cao quá, các xuồng xung kích nhiều lần áp vào sát thành tàu mà anh em thủy quân không có cách nào leo lên được. Tàu có nhiều khí giới, nên súng trên tàu bắn cháy nhiều chiến thuyền của ta. Long Nhương tướng quân đích thân chỉ huy cuộc tấn công chiếc tàu Tây dương này, đoán thế nào cũng bắt được tên Chủng. Không dùng xuồng nhỏ nữa, tướng quân ra lệnh các chiến thuyền từ bốn phía đồng loạt tiến công chiếc tàu Bồ. Bốn chiếc bị nó bắn cháy chìm cách tàu Bồ không xa. Số chiến thuyền còn lại áp sát được thành tàu, nhưng lúc anh em thủy quân bắt đầu liễu lĩnh dùng dây móc và thang tre lao lên, trên tàu quăng xuống một thứ hỏa pháo cực mạnh tàn sát gần hết số thủy binh. Đợt xung phong thứ hai cũng bị thất bại như lần đầu. Long Nhương tướng quân nổi giận, ra lệnh tất cả chiến thuyền còn lại xông tới, binh lính tận dụng hỏa công để đốt cho được chiếc tàu Tây dương không cần chiếm đoạt nó nữa. Quả nhiên quân ta thành công. Địch sợ hãi nhảy cả xuống nước bơi trốn vào bờ, phần lớn bị quân ta bắt. Khói bốc lên mù mịt trên chiếc tàu Bồ. Đột nhiên, một tiếng nổ lớn vang động cả một góc trời. Tàu nổ tan tành, các mảnh tàu tung lên cao, rơi xuống tận chỗ thuyền chỉ huy. Số anh em đã gan dạ leo lên chiếm được tàu, dĩ nhiên cũng bị tan xác.


Biến cố bất ngờ ấy khiến thánh thượng và Long Nhương tướng quân sững sờ tức giận. Số chiến thuyền hư hao hơn một phần tư. Quân sĩ hao hụt nhiều. Điều đáng giận hơn hết là Nguyễn Ánh đã thoát. Khi ta hỏi bọn tù binh thoát được khỏi tàu Bồ, chúng cho biết quả thật Nguyễn Ánh có lên tàu để chỉ huy trận đánh, nhưng khi thấy nguy kịch, hắn đã xuống thuyền trốn về phía Bến Nghé.


Ghi chú riêng.


Chưa bao giờ tôi được chứng kiến những người bị phỏng thê thảm như vậy. Cả hai bên đều dùng hỏa công để đốt thuyền của nhau nên những người bị thương đều bị cháy như cây đuốc. Nóng quá, họ nhảy xuống sông, vì vậy khi được vớt lên, lớp da ngoài đã bị bóc hết, giơ lớp thịt tím bầm. Họ kêu gào khát nước, nhưng không ai dám cho họ uống. Những người bị phỏng nặng lần lượt chết sau một ngày quằn quại. Số còn lại, phần lớn bị phỏng ở đầu và ngực vật vã rên rỉ suốt dọc đường. Vết phỏng rộng quá nên không thể băng bó gì được. Vả lại, người ta bảo không nên băng bó, vì càng kín hơi, thịt ở đấy càng dễ thối. Gần như không thể làm gì được cho họ đỡ đau, trừ trường hợp làm đúng như lời họ cầu xin, là cho họ nhảy xuống sông chết cho khỏe xác.


Có thể, nếu Long Nhương tướng quân đọc được những dòng này, tôi sẽ bị chê trách là đã làm cho đời sống thêm phức tạp một cách vô ích. Tôi lập lại lần nữa là điều tôi sợ không phải là phức tạp hóa đời sống, vì đời sống vốn đã mênh mông phức tạp. Điều đáng sợ là đơn giản hóa nó một cách lạnh lùng.


Tôi có một thắc mắc rắc rối không tìm ra lời đáp. Tôi cứ tự hỏi: Nếu Trời đã thuận ý với chúng tôi mà nổi gió để giúp thuyền chúng tôi lướt nhanh về phía sông Ngã Bảy, thì số phận những người chết cháy, chết chìm, chết đâm, chết chém, số phận những kẻ sống dở chết dở đang rên siết quằn quại ngay trước mặt tôi đây thuộc về cái gì trong ý muốn của Trời? Trời phạt họ ư? họ là đồng đội đồng thuyền của anh em chúng tôi, họ có tội lỗi gì mà nỡ nặng tay với họ? Trời thương xót họ ư? Cuộc đời có chật vật khốn khó đấy, nhưng họ không bao giờ chán đời đến độ xin được chết, trừ khi họ bị Trời hành hạ đau đớn như bây giờ? Nếu Trời chí công thì cái chết của họ là tội lỗi của con người. Của người nào? Tôi đã đi quá xa rồi. Bây giờ chính tôi lại phải cầu cứu đến những lý luận đơn giản để yên tâm, nào cái lý muôn thuở của luật đời là mạnh được yếu thua, kẻ chết kẻ bị thương tất nhiên là kẻ yếu, hoặc bất cứ sự thay đổi cải tiến nào cũng phải cần đến những đổ vỡ mất mát không thể tránh, như đứa trẻ sưng nướu nóng mình lúc mọc răng. Sự thua thiệt chết chóc trở thành một hy sinh thiêng liêng cho sự trưởng thành một cái đẹp hơn, tốt hơn. Cầu mong cho lòng tôi yên ổn với những lý luận đơn giản ấy!


Đêm... Tháng Ba năm Nhâm dần (1782)


Cảnh chiến trường về đêm sao mà âm u! trước khi chia làm hai cánh quân (một cánh truy kích Nguyễn Ánh ở Ba Giồng, một cánh gồm đa số quân thủy bộ thẳng tiến về Bến Nghé lấy thành Gia Định), thánh thượng hạ lệnh thu quân và nghỉ đêm ở ngay giữa sông rộng. Mất hết bảy mươi tám chiến thuyền. Số quân bị thiệt hại chưa kiểm được. Nhuệ khí của buổi sáng có giảm vì nhọc mệt và mất mát, những cuộc vui vẫn rộn rã. Người lính trẻ hỏi tôi con gái Gia Định có đẹp bằng ngoài mình không đã chết, xác rơi xuống sông lúc leo lên chiếc tàu Bồ Đào Nha. Một người vô tâm đem chuyện đó ra khôi hài, nhưng không có ai hưởng ứng. Người ta bắt đầu rù rì kể cho nhau nghe chuyện vợ con, chuyện làng xóm. Nước triều lên đập lách chách vào mạn thuyền, hơi giống tiếng heo tham lam hục mõn vào chậu cám. Các xuồng canh phòng thay nhau chèo sâu vào hai bờ để nghe ngóng, canh gác từ xa. Bắt đầu có những tiếng ngáy mệt nhọc, tiếng ú ớ mê sảng. Đêm. Đêm mênh mông. Tàn đuốc rơi xuống mặt nước đen kêu lèo xèo yếu ớt đôi lúc bị lấp trong tiếng sóng vỗ. Không ngủ được. Trăn trở vì ý nghĩ: Ta có phức tạp hóa đời sống quá chăng? nếu có, thì đáng mừng hay đáng trách? không tìm ra câu trả lời!


*


* *


Thấy chiếc tàu Bồ Đào Nha của Mạn Hòe bị nạn, Nguyễn Ánh dẫn đội thuyền chiến dự bị trở lại cứu viện. Đạn của Tây Sơn bắn dữ dội quá, đến nỗi chính thuyền của Ánh cũng bị gãy cột buồm. Nguyễn Ánh hoảng sợ rút chạy về Bến Nghé, hy vọng tìm được nơi ẩn nấp chắc chắn nhờ đồn Thị nghè và thành Gia Định bảo vệ. Nhưng tinh thần quân lính Nguyễn Ánh hỗn loạn, hãi hùng trước sức tấn công như vũ bão của Tây Sơn. Lần lượt các đồn Thị Nghè, thành Gia Định đều vỡ. Nguyễn Ánh phải kéo đám tàn quân chạy lên căn cứ của Đông Sơn là Ba Giồng.


Trong lúc thủy quân do Nguyễn Huệ chỉ huy phá tan đạo quân đông đảo của Ánh, thì bộ binh Tây Sơn do tướng Nguyễn Văn Kim chỉ huy tiến đánh đạo quân của Nguyễn Hữu Thụy tại Biên Hòa. Cả hai cánh quân thủy bộ của Thụy đều bị đánh cho tan tác. Thụy kéo tàn quân về Giang Lăng. Tướng Tây Sơn Nguyễn văn Kim truy kích, tiêu diệt hoàn toàn đạo quân của Thụy tại Giang Lăng. Nguyễn Hữu Thụy sợ hãi bỏ cả cha và vợ lại, thoát thân một mình, trốn theo Nguyễn Ánh.


Như vậy trong vòng có vài ngày, gần hết lực lượng hùng hậu trang bị vũ khí tối tân của Nguyễn Ánh đã bị đập tan. Quân Tây Sơn cho các đội chiến thuyền tỏa khắp các sông rạch tiêu diệt nốt các đám tàn quân, kiểm soát hoàn toàn các trục giao thông và cứ điểm quân sự của Gia Định.


Vua Thái Đức vào thành, xuống chiếu chiêu an, vỗ về dân chúng an tâm tiếp tục làm ăn. Những người sợ hãi tên đạn đã tản cư nên trở về. Chợ búa phố phường nên họp lại. Các chức sắc từng làm việc cho Nguyễn Ánh nên ăn năn hối lỗi ra đầu thú, có thể được giữ chức cũ hoặc bảo vệ tính mệnh tài sản để tiếp tục mưu sinh. Tàn quân của Ánh nếu chịu ra đầu thú và nộp vũ khí thì được tha tất cả tội lỗi. Nếu rủ được kẻ khác đầu thú hoặc chỉ dẫn cho quân Tây Sơn chỗ chôn giấu vũ khí hoặc chỗ nhiều tàn quân còn ẩn núp toan tính chống cự sẽ được ban thưởng.


Tờ chiếu cũng nghiêm cấm những hành động lợi dụng cơ hội chiếm đoạt, dọa nạt, xâm phạm tài sản của lương dân, bất kể kẻ đó là quân Tây Sơn hay quân Nguyễn Ánh, đều phải bị trừng trị nghiêm khắc.


Đã quá quen với những bài chiếu chiêu an loại đó, dân Gia Định rụt rè trở lại cuộc sống bình thường, vừa thi hành lệnh vừa trông chừng tình thế. Vì vậy quân Tây Sơn đã kiểm soát hầu hết những vùng rộng lớn quan trọng của Gia Định, mà chợ còn họp lưa thưa. Ghe thuyền ở vùng phụ cận chưa dám lên Bến Nghé. Phố xá chưa dám mở hàng. Những đội quân tuần tiễu của Tây Sơn, gươm giáo sẵn sàng trước mọi bất trắc còn phải đi theo từng toán đông người trên các phố vắng cửa đóng im ỉm. Lãng nhận thấy nạn hôi của và cướp bóc ít hơn năm năm về trước, nhưng trái lại, những lá cờ đào được treo trước các cửa nhà nhanh hơn và nhiều hơn. Hình như dân chúng đã quen với chuyện đổi chủ, và hằng năm, vẫn chuẩn bị sẵn sàng để chờ đợi bất cứ sự thay đổi nào theo mùa gió thổi.


Từ hôm vào thành Gia Định, Lãng ít gặp Lợi. Vua Thái Đức giao cho quan Hộ giá Phạm Ngạn tất cả mọi công việc liên quan đến lương thực, hàng hóa, nói chung là những vấn đề thuộc kinh tế, nên Lợi phải đầu tắt mặt tối. Việc kiểm kê các kho tàng, phân phát lương thực cho các đạo quân, việc thúc đẩy bình thường hóa sinh hoạt chợ búa và mua bán, việc nắm vững tổ chức thuế khóa để tận thu các khoản tài chính có thể thu được, biết bao nhiêu công việc nặng nhọc và khó khăn phải giải quyết nhanh chóng. Nhà vua và Long Nhương tướng quân vẫn còn bận theo dấu Nguyễn Ánh để truy quét đến tận hang ổ đám tàn quân của họ Nguyễn Gia Miêu, nhổ đến tận rễ để khỏi phải bận tâm hàng năm. Tin tức cuối cùng cho biết Nguyễn Ánh đã trốn lên tận khu rừng Romdoul của Chân lạp.


Cuối tháng Tư, Huệ phái quân lên Chân lạp bắt vua Chân lạp phải hàng phục, bắt tất cả những người Nam chạy trốn lên đó phải về nước. Một lần nữa, Nguyễn Ánh lại thoát được.


Cuộc truy lùng ráo riết ấy thu hút tất cả tâm trí hai anh em vua Thái Đức. Trong lúc đó, quan Hộ giá Phạm Ngạn lại xem việc phải phụ trách quân lương chứ không được trực tiếp cầm quân kỳ này là một điều sỉ nhục. Vì thế, khi được tin viên Tiết chế Bình Thuận Nguyễn Phúc Dụ đem quân cùng với Trần Văn Tự, Nguyễn Văn Đàn và tướng Hòa nghĩa Trần Công Chương vào Gia Định tiếp viện cho Nguyễn Ánh, quan Hộ giá nhất mực xin nhà vua cho được chỉ huy đạo quân đón đánh quân Bình thuận. Vua Thái Đức không thể từ chối lời yêu cầu tha thiết của viên Hộ giá thân tín, đành phải bằng lòng. Đạo quân của Phạm Ngạn gặp đạo quân của Nguyễn Phúc Dụ tại cầu Tham lương. Sau một trận phục kích và phản phục kích ác liệt, cả hai bên đều bị thiệt hại nặng. Quân cứu viện của Bình thuận bị mất viên Tham tán Hồ Công Siêu. Ngược lại, tướng Hòa nghĩa Trần Công Chương giết được Phạm Ngạn. Vua Thái Đức cho Phạm Ngạn kéo quân đi rồi mới bắt đầu thấy lo. Nhà vua quá biết cái tính nông nổi hiếu thắng của viên Hộ giá. Vì thế, Phạm Ngạn đi được ít lâu, nhà vua gửi ngay một đạo quân khác tăng cường cho Phạm Ngạn. Nhưng mọi sự đã trễ. Viên Hộ giá tử trận, và đại binh Tây Sơn chỉ gây được thanh thế đe dọa cho quân Bình Thuận rút lui mà thôi!


*


* *


Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đọc tập nhật ký của Lãng, đến đoạn: "Ngày... Tháng Tư năm Nhâm tuất (1782) (dịch nôm). Thánh thượng tức giận vì sự phản trắc của bọn Hòa nghĩa quân trước đây, nay lại thêm vụ tên tướng Hòa nghĩa Trần Công Chương giết chết quan Hộ giá Phạm Ngạn, nên ra lệnh tàn sát tất cả người Tàu ở Gia Định. Bất luận binh lính hay dân buôn, mới đến hay ở lâu, đều bị bắt giết. Thây chất ngổn ngang vất đầy sông ngòi, đến nỗi nước ứ không chảy được, cả tháng hơn không ai dám ăn tôm cá hay uống nước sông. Trong các dãy phố đìu hiu, tất cả những gì dính dáng đến người Tàu đều trở thành tai vạ. Những ai có hàng Tàu trong nhà như vải lụa, trà thuốc, hương giấy... đều lén vất cả ra đường mà không có ai dám lượm.(3)


Huệ chau mày hỏi người thư ký thân tín:


- Ghi những chuyện nhảm này làm gì vậy?


Lãng mím môi lại để lấy bình tĩnh, cố gắng đáp thật rõ:


- Đó là lịch sử, thưa tướng quân.


Nguyễn Huệ gay gắt bảo:


- Giấy mực không có thừa để ghi những điều nhảm nhí vô ích. Kể cả những ghi chú riêng của cậu về những xác cháy trên sông Ngã Bảy, về thắc mắc phức tạp với đơn giản. Nếu cậu muốn làm vú em để mếu máo khóc theo bọn con nít sướt mướt, thì tùy cậu. Còn nếu muốn dùng giấy mực ghi lại những điều quan trọng, những biến cố to lớn của lịch sử, thì không nên tiếp tục ghi chép lăng nhăng thế này nữa.


Lãng nhìn thẳng vào mặt Nguyễn Huệ, mạnh dạn đáp:


- Sinh mạng con người không phải là điều nhảm nhí, thưa tướng quân.


Nguyễn Huệ nổi giận, bắt đầu to tiếng:


- Thế cậu muốn đánh nhau thế nào? Muốn hai bên dàn hàng ngang dùng ống xịt nước mà đấu với nhau, ai thua phải bị phạt vuốt mũi hoặc bôi lọ lên mặt để cười chăng?


Lãng cãi lại:


- Dạ, không phải thế, nhưng...


Nguyễn Huệ cắt lời Lãng:


- Nhưng thế nào? Cậu thừa biết cuộc đời này không phải là một trò trẻ con. Cuộc chiến đấu giữa tốt với xấu, thiện với ác, đúng với sai, giữa chúng ta với Nguyễn Ánh là một cuộc chiến đấu sống chết, không ai khoan nhượng ai. Hoặc chúng ta còn, hoặc chúng ta bị hắn tiêu diệt. Không có chỗ an toàn giữa hai lằn đạn. Nếu cậu tin chúng ta đúng, thì cậu không ngồi đó ký cóp ghi chép những điều than mây khóc gió nữa.


Lãng cố nói cho được điều ấm ức trong lòng:


- Nhưng cuộc tàn sát mấy nghìn người Tàu trên khắp phố Gia Định vừa qua có lợi ích gì? Chẳng lẽ chỉ vì cái chết của quan Hộ giá, thưa tướng quân?


Nguyễn Huệ hơi bối rối, hạ thấp giọng đáp:


- Cậu đã từng tập múa gươm, chắc biết có lúc đà thanh gươm kéo ta ngã chúi về phía trước, nếu ta không kịp giữ thế thăng bằng. Cậu hiểu ta muốn nói gì rồi. Hãy ghi chép đơn giản, và chỉ ghi những gì cần ghi, để tránh những điều phiền phức. Ta lấy tình thân để khuyên Lãng như vậy! Chẳng hạn tại sao Lãng không chú ý đến biến cố đặc biệt quan trọng này: là chúng ta đã làm nổ tung chiếc tàu Tây dương từng khiến nhiều người xì xầm khiếp sợ và là chỗ dựa để tên Chủng hiu hiu tự đắc. Lãng hãy suy nghĩ xem ta nói có đúng không?


(1) Hutchinson & Berland: Aventuriers au Siam au 17è siècle, BSEI, XXII, 1947, trang 13


(2) Theo thư của Diego de Jumilla viết năm 1782, xem BSEI số 15, 1940, trang 87- 88


(3) Theo BSEI, 1940, La révolte et la guerre des Tây sơn, trang 87
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom