Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 07
Trong khi Lữ dùng những buổi chiều năm Tuất để mơ tưởng gây dựng một "trang-trại-y-như-của-chú-Thung" trên mấy đám đất cao quanh miễu, thì Huệ cũng dùng những buổi lao động ấy để quấy rầy ông giáo.
Thực vậy, chưa bao giờ ông giáo bị quấy rầy nhiều như thế này. Ông đã ngồi dạy học ở nhiều nơi, học trò thuộc nhiều thành phần khác nhau. Bất cứ ở đâu, thời nào ông cũng được lắng nghe một cách trân trọng, gần như thành kính. Vào những lúc chủ nhà vì keo kiệt đối xử với ông tệ bạc quá, ông có thể chua chát nghĩ chữ nghĩa chẳng qua là cái cần câu cơm của anh nhà nho lỡ vận. Ông chán nghiên mực khô, đầu bút xơ, nhưng khi ngồi trước đám học trò trân trọng nắn nót từng nét ngang nét sổ, ê a đọc lời thánh hiền, tự nhiên ông trở nên tự tin. Đời sống như được nâng lên bậc cao hơn những nhu cầu tầm thường của ăn uống, ngủ nghê, bài tiết. Cả đến nỗi gian khổ mà bất đắc dĩ ông phải chịu đựng, tiếng bấc tiếng chì của những bà chủ nhà so đo từng đồng tiền kẽm, cũng trở nên siêu nhiên. Cái vòng hoa dối trá đó dù sao cũng xông chút hương giả lên nhiều nỗi hẩm hiu của đời ông. Ông cắn răng chịu đựng và tiếp tục bước.
Chưa bao giờ ông ngờ đến lúc gặp được một nơi dạy học lý tưởng, lại là lúc ông không có quyền giả trá nữa. Ông phải nhìn thẳng, trả lời không quanh co những vấn nạn mà tầm quan trọng có thể làm lung lay chân đế của cả đời ông. Cái chân đế đó, ngay từ trước, không lấy gì làm vững. Thời còn là môn khách của Ý đức hầu, thấy những kế sách của mình bị vất bỏ không thương xót, niềm tin của ông vào đạo nho đã bắt đầu lung lay. Ý đức hầu bị giết, gia đình ông chạy trốn ở chốn thâm sơn cùng cốc này, ông thì ngày ngày giao thiệp với những người mộc mạc và cần cù, chuộng một thế võ hiểm để phòng thân hơn là một câu trong Khổng Tử gia ngữ. Đã đến lúc dẹp quách mớ sách vở vô dụng kia đi! Chỉ cần một mồi lửa bếp, là xong hết! Trong lúc ông còn do dự, vu vơ, biện Nhạc lại xin ông mở trường dạy học. Thì dạy! Vả lại không ai đòi hỏi ông phải sản xuất ra những ông tú, ông cử, nên thích gì, ông dạy nấy. Những thầy đồ cùng thế hệ với ông không thể mơ ước chỗ dạy học nào thoải mái hơn!
Chính vào lúc đó, chân đế của đời ông gần như sắp rạn nứt, sụp đổ. Không phải trong nhà học, mà sụp đổ trong những buổi chiều làm ruộng như hôm nay.
Thông thường, ít có anh học trò nào thích làm việc bên cạnh thầy. Khép nép, làm ra dáng cần mẫn, ráng tỏ ra đứng đắn trong từng lời nói, cử chỉ, đóng bao nhiêu cái trò kịch ấy trong buổi sáng ở nhà học, đủ rồi! Buổi chiều mênh mang trên cánh đồng xanh, ao ước của mọi người là được thở tự do, cười nói thoải mái. Cho nên khi nào ông giáo gọi đến, sai bảo việc gì, học trò mới đến gần. Đến anh trưởng tràng đạo mạo mà cũng thích tìm một chỗ khuất mắt thầy, ngồi nhìn lên những gò đất, luống cày, gốc mít cỗi, bụi xương rồng, trên cách đồng hoang dại mường tượng ra cảnh vườn tược xinh đẹp, um tùm, lẫm lúa cao ráo, đụn rơm chất ngất, tá điền đông đúc... Chỉ trừ một anh học trò đặc biệt là Huệ.
Từ hôm đọc bài Tựa Truyện du hiệp, hình như giữa ông giáo và Huệ có một thứ ràng buộc vô hình khiến ông giáo cảm thấy vướng víu, muốn tháo gỡ mà không được, còn Huệ thì tự dấn sâu vào những mắc mứu, rắc rối với niềm say sưa mạo hiểm và khoái cảm phạm thượng. Huệ tìm chỗ làm việc cạnh thầy, nhanh nhẹn làm giúp ông giáo những phần việc nặng nhọc. Ông giáo khen:
- Anh khỏe lắm. Lại không quá cẩn thận như anh Lữ. Vậy dễ trở thành một người hiệp!
Huệ ngừng tay lại, ngửng lên nhìn thầy. Mồ hôi ướt cả trán Huệ. Cậu đưa lưng bàn tay phải gạt mớ tóc quăn đang phủ mất một bên mắt. Cả đôi mắt long lanh tươi vui. Huệ nháy mắt vài lần, cục xương yết hầu di động. Ông giáo biết người học trò sắp hỏi điều gì, chuẩn bị lắng nghe, vì chiều nay gió thổi ào ào từng cơn lấp mất mọi tiếng nói. Nhưng Huệ không thu được đầy đủ can đảm, sau một lúc bối rối, lại cầm cán rựa chặt nốt gốc mù u xù xì. Ông giáo tiếp tục công việc của mình, Huệ làm xong công việc, đứng nghỉ lấy hơi phía sau lưng thầy. Ông giáo nghe Huệ hỏi trong nhịp thở hổn hển:
- Thưa thầy!
Ông giáo dừng việc, quay lại nhìn người học trò. Áo chàm của Huệ đẫm mồ hôi, vạt trước dán vào khuôn ngực nở. Thấy Huệ mệt nhọc vì mình, ông xúc động. Giọng ông thân mật, trìu mến:
- Anh hỏi gì hở Huệ?
Huệ do dự một lúc rồi đánh bạo nói nhanh:
- Con đọc mãi bài học hôm qua. Có vài điều con chưa hiểu hết. Như... thế nào mới là người hiệp?
Ông giáo đáp:
- Phải khỏe để làm người không biết sợ. Phải không quá cẩn thận để dám làm. Phải rộng rãi để giúp người mà không so đo hơn thiệt. Nếu cần dám quên mình mà giúp người.
- Quên cả sự chết xông vào cứu một thằng ăn cướp ngay ban ngày, giữa chợ, có phải là hiệp không thưa thầy?
Ông giáo khó chịu vì cái giọng chất vấn bất ngờ của Huệ, trả lời cộc lốc:
- Không.
- Nhảy xuống sông cứu một người sắp chết đuối dù không biết bơi, đã được gọi là hiệp chưa?
Ông giáo càng khó chịu hơn, chau mày đăm đăm nhìn Huệ. Ông thầy làm mặt nghiêm, Huệ không dám cười nữa. Cậu đứng ngay ngắn trở lại, nhưng vẫn nhìn thẳng về phía thầy, chờ câu trả lời. Ông giáo không có cách nào khác, đáp:
- Chưa thể gọi là hiệp. Thêm một người chết nữa, phí đi!
Huệ cười tiếng nhỏ, thưa với ông giáo:
- Vậy là con biết phải làm gì rồi. Gặp một tên thu thuế hống hách và tham lam đang bị bọn cướp đường hành hung, ta không nên can thiệp vào làm gì. Để bọn cướp thanh toán với nhau. Thấy một anh học trò thức khuya, dậy sớm, học thuộc làu làu thi phú để thi đậu ra làm ký phủ, duyện lại, mình phải cứu anh ta, không thì anh ta chết đuối mất.
Ông giáo sững sờ, không ngờ bị cậu học trò nhỏ tuổi dẫn đến chỗ lắt léo đó của luận lý. Ông muốn khuyên Huệ vài điều, nhưng không tìm ra được lời. Cuối cùng ông phải cầu viện đến tuổi tác:
- Chuyện đời có nhiều điều phức tạp. Anh suy ra như vậy có khi đúng, có khi sai. Anh còn trẻ, chưa hiểu hết mọi sự ở đời đâu. Làm việc hiệp nghĩa chỉ trong một khoảnh khắc, suy tính do dự thì không làm được. Nhưng xem xét, quyết đoán việc ấy có đúng là "hiệp nghĩa" hay không, không thể vồ vập. Phải so đo, cẩn trọng. Ngày xưa vì phẫn đời mà ông Tử Trường chép truyện du hiệp. Anh còn trẻ quá. Tôi quên mất điều đó. Làm được một du hiệp đã khó. Định được đâu là người hiệp, càng khó hơn. Thôi, ta bỏ qua chuyện rắc rối đó đi. Kìa sao cánh mũi anh sưng lên như vậy?
Huệ ngượng ngịu đưa tay lên sờ mũi mình, đáp lời:
- Dạ, chỉ là cái mụn.
Ông giáo cố lấy giọng thân mật khuyên:
- Phải cẩn thận. Đưa tay dơ rờ lên hoài, nó làm độc. Có người bị phong đòn gánh, chết co quắp đau đớn, chỉ vì cái mụn nhỏ.
Huệ rụt tay về, hai bàn tay bối rối thêm, không biết giấu vào đâu. Ông giáo không nhận ra được cậu học trò vừa chất vấn mình lúc nãy. Huệ than:
- Ở cái tuổi con, đứa nào cũng bị cái nạn này. Cái mụn này vừa lặn, hai ba cái khác đã nổi cộm lên. Khó chịu lắm. Không hiểu sao con lại bị nhiều hơn anh Chinh và thằng Thìn.
*
* *
Một buổi chiều khác, Huệ lại đột ngột hỏi thầy:
- Cái câu:" Ăn trộm lưỡi câu thì chết chém. Ăn trộm nước người thì phong hầu. Cửa nhà hầu nhân nghĩa thiếu gì đâu!", con đoán hình như không phải lời ông thái sử. Thưa thầy có đúng thế không?
Ông giáo giật mình quay nhìn Huệ, xua tay gạt đi:
- Anh đừng thắc mắc bài đó nữa, không đáng gì đâu.
Huệ nhất định tiến tới, nói tiếp:
- Nếu chính là lời ông thái sử, thì đã không có câu:"Thiệt không phải là nói ngoa" ngay phía dưới.
Ông giáo đành phải giải thích:
- Ông Tử Trường dẫn lời của thầy Trang trong sách Nam Hoa. Anh đừng hỏi thêm thầy Trang là ai và sách Nam Hoa nói gì. Chỉ nên biết cả bài Tựa Truyện du hiệp chỉ là lời nói phẫn. Lúc đó ông thái sử không đủ bình tĩnh và sáng suốt nên bị người đời sau chê không ít.
Huệ lại hỏi:
- Bọn dám chê ông thái sử thuộc hạng nào, thưa thầy? Hạng trộm lưỡi câu thì chết chém cả rồi, chỉ còn hạng ăn trộm nước. Trộm được nước rồi thì tự nhiên nhân nghĩa tìm tới. Hạng ăn trộm lớn đem nhân nghĩa làm cục kê, như bọn đàn bà kê thớt mà đánh vảy cá. Nghĩ tội nghiệp cho hạng cướp nhỏ, thèm ăn cá mà chỉ dám ăn trộm cái lưỡi câu.
Ông giáo lo âu, sợ lại bị Huệ dẫn vào lối bí như hôm trước. Ông cố trấn tĩnh, thân mật vỗ vai Huệ bảo:
- Sách của Tử Trường phức tạp lắm, người chưa hiểu đời khó thấy cái tinh túy. Anh thích sử. Thôi được rồi, tháng sau tôi giảng cho anh nghe sử Nam. Tôi còn giữ được bộ Toàn Thư.
Nét mặt Huệ rạng rỡ hẳn lên. Xúc cảm hân hoan làm cho giọng nói của cậu lắp bắp khác thường. Cậu nói:
- Con chỉ mong có vậy. Nhiều lần con muốn hỏi thầy, nhưng sợ thầy giận. Tại sao ta không học sử nước mình mà lại tụng làu làu Bắc sử? Tại sao không học chữ nước mình? Cái loại chữ thường gọi là "chữ ta", thưa thầy, thật ra đâu phải là chữ ta. Đọc lên phải diễn nghĩa ta mới hiểu, đâu được rõ ràng như mình nói "hột muối, lá trầu, con cá, cây măng".
Ông giáo vội nói lắp cho qua chuyện:
- Trước hết, hãy học chữ ta cho thông đã. Sau đó mới học cho biết thêm chữ nôm. Nhưng sách nôm không có nghĩa lý gì cao thâm đâu. Toàn những chuyện phong tình, ngâm vịnh cho qua thì giờ đó thôi!
*
* *
Lữ từ nhà ông giáo trở lại nhà học, nói với biện Nhạc:
- Thầy mời anh tối nay ăn cơm.
Biện Nhạc dợm phản đối, nhưng ngưng lại kịp. Giọng của ông biện lấp lửng:
- Thôi cũng được. Thế nào cũng phải ăn cơm một lần, không thì ông ấy giận. Tao định tối nay ra ngoài ông thầy Tàu, xem tụi bây học hành ra sao?
Lữ nhìn lên phía nhà thầy giáo. Sau một lúc ngập ngừng, Lữ đến gần anh nói nhỏ:
- Em nghĩ... em nghĩ... hay là ta dẹp quách chuyện học chữ. Mấy tháng nay rồi, có được gì đâu. Mà tốn kém quá.
Biện Nhạc đang nhai trầu, vội nhả miếng trầu nhai dở ra khỏi miệng, ngạc nhiên hỏi:
- Hả? Mày nói cái gì?
Lữ sợ, im lặng không đáp. một lúc lâu, anh mới nói:
- Em xuống dưới này học, anh phải mất công thuê người trông coi trại Tây Sơn Thượng. Anh chọn đúng người đấy, nhưng người dưng nước lã làm sao lo công chuyện nhà mình chu đáo được. Thằng Huệ xuống đây, anh đi nữa, Kiên Thành coi như cái nhà hoang. Bù lại, chỉ được mấy miếng võ, và ba cái chữ nát.
Nhạc vứt miếng trầu đi, nghiêm nghị bảo Lữ:
- Mày chỉ được thấy cái tấm mẳn, mà không thấy được hòn Một. Mày tưởng người ta để yên cho mình làm ăn hay sao? Mày không được chữ nào thì thằng Huệ cũng được vài ba chữ. Thằng Huệ không được chữ nào, thì cái bụng chữ của thầy còn đó, nhờ vả lúc nào không được. Lũ ký lục hết múa bút làm đơn thuê phá mình như lâu nay. Chuyện gì cần tốn, phải biết tốn.
Lữ im lặng nghe lời anh, nét mặt dàu dàu không mấy thỏa mãn. Nhạc chờ em đáp, nhưng không thấy Lữ nói gì. Ông biện biết không thể thuyết phục nổi Lữ, vì nếu có nói gì thêm, thì điều đó đòi hỏi tầm nhìn còn xa hơn cả điều vừa nói. Cho nên ông biện cũng im lặng. Hai anh em cùng chờ nghe lời nhau. Sau cùng, Lữ nói:
- Mấy tháng nay em xuống dưới này, chắc lũ nó mừng lắm.
Nhạc hỏi:
- Lũ nào?
- Tụi trên Tây Sơn Thượng. Anh coi chừng, không để mắt tới, chúng nó bán luôn cả anh lúc nào không biết. Nào là pha trầu loại hai vào trầu loại nhất để tính tiền cao. Nào là đổ thừa trời mưa để ăn bớt muối. Tụi nó ranh, nhưng làm sao qua được mắt em. Chỉ cần nhìn xuống là biết trầu loại nào.
- Kiên nó được việc lắm. Được cái tính thẳng, tuy có hơi chậm chạp. Nghề dạy nghề, cần có thời gian, miễn là...
Lữ chợt nhớ điều quan trọng, vội cắt lời anh:
- Trên trại cho tụi nó ăn lúc nào?
Nhạc không hiểu ý em, hỏi lại:
- Lúc nào là thế nào?
- Em hỏi buổi sáng có cho ăn gì không?
- Thì cho ăn bắp hầm trước khi đi làm việc như thường lệ. hôm vừa rồi tao lên, có cho thêm đường làm kẹo.
Lữ đưa hai tay bứt tóc, tỏ dấu bực bội:
- Vậy là bao nhiêu công phu của em đổ sông đổ biển hết. Em đã tập cho tụi nó quen ăn hai bữa, bây giờ lại thêm bữa sáng. Của đâu chịu cho nổi.
Đến lượt Nhạc ngạc nhiên:
- Không ăn sáng sức đâu chúng nó lên rẫy, lên nguồn.
Lữ đáp:
- Còn cho ăn sáng thì sức đâu mà chịu nổi. Tụi nó dậy sớm hầm bắp, nấu nước pha trà, tốn dầu đèn. Ăn no xong, ngồi uống trà cả buổi chờ mặt trời lên khỏi núi mới chịu vác gánh ra đi. Chưa được nửa bước, đã lo vế nấu cơm ăn trưa. Ngủ một giấc. Chiều tối lúc nào không hay. Phía trên núi, phía dưới núi. Mặt trời mọc đó rồi lặn đó, chỉ đủ thời giờ nấu ba bữa ăn. Núi cũng lở chứ đừng nói cái trường trầu!
Nhạc đã biết tính em, nhưng đây là lần đầu tiên chính miệng Lữ nói thật và đủ những suy tính của mình. Ông biện không khỏi lo âu cho cái tính tủn mủn tội nghiệp đó. Mà nói cho vỡ lẽ cũng khó. Chỉ còn một cách. Ông biện nói:
- Tụi trên trại năm cha bảy mẹ, sai được chúng nó đi không phải dễ. Chúng nó không phục, là nuôi ong tay áo. Đã có khỉ dòm nhà rồi đó. Mày có nhớ lão Thung không?
Nét mặt Lữ trở nên rạng rỡ. Lữ đáp nhanh:
- Anh quên sao? Hôm lễ khai tâm, chú ấy có đến đây mà.
Nhạc nói:
- Ấy,chính lão Thung đó. Hắn ỷ có tiền, định tranh nguồn hàng của mình. Chưa, chưa dám tranh nguồn trầu. Chỉ mới dòm ngó nguồn lợi chở muối lên rừng thôi. Tháng trước, lão giả vờ leo đèo lên trại thăm tao, tuy biết rõ là tao đang ở Kiên Thành. Hắn hỏi thăm đủ chuyện. May hôm đó có thằng Lợi trên trường trầu, không thì hư việc hết.
Mẫu người lý tưởng của Lữ bị phỉ báng, nên anh im lặng, băn khoăn. Chắc chắn những điều anh cả nói đều đúng. Lâu nay, do không động chạm đến lợi của nhau, mối quan hệ giữa hai người thật tốt đẹp. Anh cả nổi giận, phải có lý do chính đáng. Tại sao chú Thung làm vậy? Cái nhà như thế, cái vườn như thế, ruộng đất, gia sản như thế, còn ước muốn gì nữa? Hay gì cuộc sống chìm nổi, long đong, buông tuồng nơi đầu đường cuối chợ!
Lúc đó, Huệ vừa đi tắm sông về. Lữ được dịp thuận lợi, ôm mối hồ nghi ra vườn sau một mình. Biện Nhạc nói đùa với Huệ:
- Mày không về sớm nhìn cái mặt thằng Lữ. Tại tao chạm đến chú Thung của nó.
Huệ hỏi anh:
- Có phải chú Thung có cái vườn sum suê đẹp đẽ không? Anh Lữ mê cái vườn, chứ không phải mê ông chủ.
Nhạc cười, giọng giễu cợt:
- Bây giờ thì ông chủ chán cái vườn đẹp của mình rồi. Hắn định đi buôn nguồn. Chưa hết. Còn định ve vãn tụi trên trại nữa. Lão ỷ có nhiều tiền hơn mình. Nhưng tao đã có cách.
Huệ chậm rãi nói:
- Lũ du thủ du thực của anh, giá cao hơn một chút là mua được. Lâu nay em nghe tụi nó than phiền anh Lữ hẹp lượng, không biết bữa nay thế nào?
- Tao biết. Chuyến vừa rồi có thồ lên đầy đủ nào muối, mắm, đường, dâu ăn. Tao còn định mượn tiền thuế trả trước cho nậu nguồn, mua non cữ trầu sắp tới. Mua măng le cũng làm như vậy. Hoặc bao nhiêu tiền đem mua muối hết, thồ lên cho các buôn.
Huệ nói:
- Em nghĩ không nên động đến tiền thuế Vân Đồn.
Nhạc kinh ngạc hỏi:
- Sợ thâm à? Trầu và măng le mình nắm trong tay, chắc chắn hơn là đống tiền kẽm. Người ta trữ lúa chứ không chịu cất tiền, mình trữ trầu và măng cũng vậy. Tiền thuế còn lâu mới nộp phủ, mình mượn đỡ trong thời gian ngắn.
Huệ thấy anh không hiểu mình, vội giải thích:
- Ý em không phải vậy. Em nghĩ bọn cai tổng, duyện lại bóp họng dân lấy thuế nộp lên phủ, phủ chở ra kinh. Đồng tiền thuế vấy đờm vấy máu của nhiều người, không sạch, không nên động đến.
Biết tính Huệ thẳng thắn đến độ rắn mắt, nhưng Nhạc không ngờ em nghĩ như vậy. Ông biện trố mắt nhìn em, cuối cùng cười to, vỗ vào vai Huệ bảo:
- Té ra mấy tháng nay mày học được bao nhiêu đó. Khá lắm. Mày hơn thằng Lữ, còn nhớ được vài ba chữ trong sách. Được lắm. Miễn đừng có học thuộc làu làu. Tao ghét mấy thằng nho hủ!
*
* *
Sau bữa cơm, ông giáo mời biện Nhạc ra sân trước ngồi uống nước trà. Bụng đầy các thức ăn béo và ngậy gia vị, cả hai đều muốn tìm một chỗ nằm nào đó để tận hưởng cảm giác no đủ, buông thả lười lĩnh. Phép cư xử buộc họ, ngồi lại, cho nên sau khi uống cạn mấy tách trà, câu chuyện qua lại vẫn cứ còn ngắc ngứ. Họ mon men tìm mãi một đề tài chung, nhưng tìm chưa ra. Biện Nhạc ngại ngùng trước cửa ngõ của chữ nghĩa, còn giáo Hiến lại vụng về trong các chuyện làm ăn. Thời tiết tốt không có gì đáng bàn. Sức khỏe của mọi người trong cả hai gia đình, đã thăm hỏi ngay từ đầu bữa. Ông giáo hiểu trách nhiệm ràng buộc của chủ nhà, bạo dạn hỏi thăm ông biện:
- Kỳ này ghé đây, chắc là ông có việc quan?
Biện Nhạc vội cải chính:
- Thưa không. Chuyện riêng thôi. Có một chuyến muối bị trạm canh giữ lại không cho đi. Tôi phải xuống nói qua một tiếng.
Giáo Hiến ngạc nhiên hỏi:
- Mình nộp đủ thuế, sao lại bị giữ?
Biện Nhạc cười, vừa bao dung thông cảm cho kinh nghiệm ít ỏi của ông giáo về trường đời, vừa có ý mỉa mai:
- Có nghìn cách để làm khó dễ, thầy không biết sao! Thuế chuyên chở đường sông, thuế bến, thuế muối. Nếu mọi thứ thuế đã nộp đủ thì hỏi thuế đinh. Thuế đinh đóng đủ, thì bảo có đứa tố cáo ghe muối có chứa hàng quốc cấm, phải mở từng bao ra để kiểm soát. Một con dao bổ cau có thể là vũ khí của bọn làm loạn. Lôi thôi dài dòng lắm. Tốt hơn hết là phải biết điều.
Ông giáo thắc mắc hỏi:
- Chúng nó loạn thế, quan trên có biết không?
Biện Nhạc đang đưa chén nước lên uống, ngưng lại nửa chừng, quay nhìn ông giáo, không tin một người từng trải như ông lại có thể hỏi như vậy. Thấy nét mặt ông giáo có vẻ thắc mắc thật tình, ông biện nói:
- Thầy tính, quan trên của chúng của chúng ta là ai? Là quan phủ chăng? Hoặc cao hơn nữa là triều đình chăng? Tôi nghe nói quyền hành ở Phú Xuân đều nằm trong tay quan quốc phó. Ở phủ Qui Nhơn này, hai nguồn Trà Đinh, Trà Vân tiền thuế được chúa cấp cho quan quốc phó làm bổng lộc. Hằng năm thuế trên 2.500 quan, chưa kể bạc tốt và đèn nhựa trám. Của ở đâu mà lắm vậy, nếu không có bọn lính kiểm tra các trạm thuế.
Nghe biện Nhạc kể xấu bọn đàn em của Trương Phúc Loan, ông giáo thấy lòng khấp khởi. Nhưng ông giấu không để lộ niềm vui ra nét mặt, giả vờ hỏi:
- Làm sao ông biết rõ thế?
Biện Nhạc nóng nảy nói:
- Làm sao ư? Vì chính tôi cũng là một tên chuyên nghề bóp hầu bóp họng dân đen nộp cho quan quốc phó. Chỉ cần nghe chúng đằng hắng một tiếng, tôi đã biết trước chúng định nói gì. Chỉ có điều đáng thương là chúng nắm đồng tiền chưa nóng tay, quan trên đã chụp lấy, rồi lại nộp lên quan quốc phó. Nghe nói, biệt thự ở Phấn Dương càng ngày càng rộng, nguy nga thêm, nên tốn nhiều của. Thưa thầy, có đúng như thế không?
Ông giáo dè dặt đáp:
- Tôi ở kinh nhưng ít đi đâu xa. Vâng, nghe nói đồ sộ lắm. Chẳng kém gì vương phủ.
Mắt biện Nhạc sáng lên, ông biện tò mò hỏi:
- Thế thầy đã được thấy cung điện nhà vua chưa?
Ông giáo ngại ngùng một lúc, rồi ỡm ờ đáp:
- Thỉnh thoảng tôi có qua đó.
Ông biện nôn nóng hỏi:
- Có rộng bằng thành Đồ Bàn ở đây không thầy?
- Tôi chưa thấy tận mắt thành Đồ Bàn, chỉ nhìn qui mô các ngọn tháp thì chắc lớn lắm. Còn thành Phú Xuân cũng đồ sộ. Thành xây dọc theo sông Hương, hình vuông, từ ngoài vào đến cấm thành có ba lớp. Có tất cả bảy cửa vào. Cửa ngọ môn trông thẳng ra bờ sông.
- Nhà vua thiết triều ở đâu, thưa thầy?
- Ngay ở điện phía trong Ngọ Môn. Mỗi tuần thiết triều hai lần. Quan võ tùy cao thấp mà đứng hầu thứ tự ở bên tả. Quan văn bên hữu.
- Ngai vàng đặt ở giữa, phải thế không?
- Vâng, chiếc ngai thếp vàng được đặt trước một cái bàn, trên bàn thường có ống sứ quí cắm bút, một hộp ấn, một nghiên son.
- Còn cấm thành?
- Đó là chỗ nhà vua ở, gồm năm tòa, tòa chính cao nhất ở trên có một vọng lâu có thể quan sát được cả kinh thành và quang cảnh sông núi quanh đó. Đặc biệt nội cung không xây bằng vôi, gạch, mà dựng toàn bằng gỗ, chạm trổ công phu. Cột nhà bằng gỗ quí màu cam, tường phủ màn gấm. Các thời trước cung điện còn đơn sơ. Nhưng từ thời Hiếu Võ Hương, hoàng thành được xây dựng công phu tráng lệ như ta thấy ngày nay. Có người cho rằng cảnh phú quí ở kinh đô không thua Giang Nam mấy.
Biện Nhạc chợt hỏi:
- Mà sao thầy biết tường tận thế?
Giáo Hiến giật mình, vội nói:
- Tôi không đỗ đạt gì, nhưng có nhiều bạn bè thành danh, làm quan trong triều. Những kẻ có lòng không sợ giao du với người thất thế vẫn đến thăm nom tôi luôn. Biết võ vẽ vài chuyện vặt trong cung sâu là nhờ thế!
Ông giáo tự đặt điều để giấu tông tích mình, rồi chính những lời bào chữa bất đắc dĩ ấy, thấm dần vào tâm não ông. Lòng ông lâng lâng cái buồn của kẻ thất chí. Ông im lặng hồi lâu không nói tiếp được, trong khi biện Nhạc trân trọng chờ ông kể tiếp. Đột nhiên, ông giáo ngậm ngùi bảo:
- Tôi trôi dạt về đây, may mà gặp ông. Không thì... Nhưng có đi đến đâu! Chẳng khác gì Đỗ Phủ gặp Lý Qui Niên ở Giang Nam, viết tặng bạn tri kỷ hai câu thơ:
Chính trị Gian Nam hảo phong cảnh
Lạc hoa thời tiết hựu phùng quân.
Nghĩa là:
Chính lúc phong cảnh Giang Nam đang đẹp
Giữa mùa hoa rụng, lại gặp anh!
Gặp ông giữa mùa hoa rụng, tôi hết thời, còn làm gì được!
Biện Nhạc không hiểu hết ý nghĩa hai câu thơ ông giáo vừa đọc, nhưng nét mặt ông giáo, giọng thơ buồn, những chữ vô nghĩa nhưng âm hưởng lê thê như tiếng vọng rầm rì từ những tiếng sấm xa trong núi, đã giúp ông biện hiểu thẳng tâm sự người thầy dạy học của hai em. Biện Nhạc chồm người tới phía trước, hai tay nắm bàn tay phải của ông giáo dặc dặc, kính cẩn nói:
- Thầy chưa hết thời đâu. Bọn dân núi chúng tôi đây, tuy không hay chữ, nhưng biết kính trọng người có chữ. Thầy sẽ giúp cho chúng tôi nhiều việc. Chúng tôi biết quí người tài. Chuyến xuống Mỹ Cang vừa rồi, tôi có gặp một người bạn buôn từ cửa Hội vào. Anh ta nói có biết thầy. Tôi nghe mừng lắm. Thầy chưa hết thời đâu!
Ông giáo giật mình, ngửng lên nhìn đăm đăm vào mặt biện Nhạc dò xét. Ông biện mỉm cười, giữ vẻ thản nhiên tự tin. Từ đó cho đến lúc chia tay về nghỉ đêm, câu chuyện giữa hai người trở lại ngắc ngứ, quanh co, nhạt nhẽo.
Thực vậy, chưa bao giờ ông giáo bị quấy rầy nhiều như thế này. Ông đã ngồi dạy học ở nhiều nơi, học trò thuộc nhiều thành phần khác nhau. Bất cứ ở đâu, thời nào ông cũng được lắng nghe một cách trân trọng, gần như thành kính. Vào những lúc chủ nhà vì keo kiệt đối xử với ông tệ bạc quá, ông có thể chua chát nghĩ chữ nghĩa chẳng qua là cái cần câu cơm của anh nhà nho lỡ vận. Ông chán nghiên mực khô, đầu bút xơ, nhưng khi ngồi trước đám học trò trân trọng nắn nót từng nét ngang nét sổ, ê a đọc lời thánh hiền, tự nhiên ông trở nên tự tin. Đời sống như được nâng lên bậc cao hơn những nhu cầu tầm thường của ăn uống, ngủ nghê, bài tiết. Cả đến nỗi gian khổ mà bất đắc dĩ ông phải chịu đựng, tiếng bấc tiếng chì của những bà chủ nhà so đo từng đồng tiền kẽm, cũng trở nên siêu nhiên. Cái vòng hoa dối trá đó dù sao cũng xông chút hương giả lên nhiều nỗi hẩm hiu của đời ông. Ông cắn răng chịu đựng và tiếp tục bước.
Chưa bao giờ ông ngờ đến lúc gặp được một nơi dạy học lý tưởng, lại là lúc ông không có quyền giả trá nữa. Ông phải nhìn thẳng, trả lời không quanh co những vấn nạn mà tầm quan trọng có thể làm lung lay chân đế của cả đời ông. Cái chân đế đó, ngay từ trước, không lấy gì làm vững. Thời còn là môn khách của Ý đức hầu, thấy những kế sách của mình bị vất bỏ không thương xót, niềm tin của ông vào đạo nho đã bắt đầu lung lay. Ý đức hầu bị giết, gia đình ông chạy trốn ở chốn thâm sơn cùng cốc này, ông thì ngày ngày giao thiệp với những người mộc mạc và cần cù, chuộng một thế võ hiểm để phòng thân hơn là một câu trong Khổng Tử gia ngữ. Đã đến lúc dẹp quách mớ sách vở vô dụng kia đi! Chỉ cần một mồi lửa bếp, là xong hết! Trong lúc ông còn do dự, vu vơ, biện Nhạc lại xin ông mở trường dạy học. Thì dạy! Vả lại không ai đòi hỏi ông phải sản xuất ra những ông tú, ông cử, nên thích gì, ông dạy nấy. Những thầy đồ cùng thế hệ với ông không thể mơ ước chỗ dạy học nào thoải mái hơn!
Chính vào lúc đó, chân đế của đời ông gần như sắp rạn nứt, sụp đổ. Không phải trong nhà học, mà sụp đổ trong những buổi chiều làm ruộng như hôm nay.
Thông thường, ít có anh học trò nào thích làm việc bên cạnh thầy. Khép nép, làm ra dáng cần mẫn, ráng tỏ ra đứng đắn trong từng lời nói, cử chỉ, đóng bao nhiêu cái trò kịch ấy trong buổi sáng ở nhà học, đủ rồi! Buổi chiều mênh mang trên cánh đồng xanh, ao ước của mọi người là được thở tự do, cười nói thoải mái. Cho nên khi nào ông giáo gọi đến, sai bảo việc gì, học trò mới đến gần. Đến anh trưởng tràng đạo mạo mà cũng thích tìm một chỗ khuất mắt thầy, ngồi nhìn lên những gò đất, luống cày, gốc mít cỗi, bụi xương rồng, trên cách đồng hoang dại mường tượng ra cảnh vườn tược xinh đẹp, um tùm, lẫm lúa cao ráo, đụn rơm chất ngất, tá điền đông đúc... Chỉ trừ một anh học trò đặc biệt là Huệ.
Từ hôm đọc bài Tựa Truyện du hiệp, hình như giữa ông giáo và Huệ có một thứ ràng buộc vô hình khiến ông giáo cảm thấy vướng víu, muốn tháo gỡ mà không được, còn Huệ thì tự dấn sâu vào những mắc mứu, rắc rối với niềm say sưa mạo hiểm và khoái cảm phạm thượng. Huệ tìm chỗ làm việc cạnh thầy, nhanh nhẹn làm giúp ông giáo những phần việc nặng nhọc. Ông giáo khen:
- Anh khỏe lắm. Lại không quá cẩn thận như anh Lữ. Vậy dễ trở thành một người hiệp!
Huệ ngừng tay lại, ngửng lên nhìn thầy. Mồ hôi ướt cả trán Huệ. Cậu đưa lưng bàn tay phải gạt mớ tóc quăn đang phủ mất một bên mắt. Cả đôi mắt long lanh tươi vui. Huệ nháy mắt vài lần, cục xương yết hầu di động. Ông giáo biết người học trò sắp hỏi điều gì, chuẩn bị lắng nghe, vì chiều nay gió thổi ào ào từng cơn lấp mất mọi tiếng nói. Nhưng Huệ không thu được đầy đủ can đảm, sau một lúc bối rối, lại cầm cán rựa chặt nốt gốc mù u xù xì. Ông giáo tiếp tục công việc của mình, Huệ làm xong công việc, đứng nghỉ lấy hơi phía sau lưng thầy. Ông giáo nghe Huệ hỏi trong nhịp thở hổn hển:
- Thưa thầy!
Ông giáo dừng việc, quay lại nhìn người học trò. Áo chàm của Huệ đẫm mồ hôi, vạt trước dán vào khuôn ngực nở. Thấy Huệ mệt nhọc vì mình, ông xúc động. Giọng ông thân mật, trìu mến:
- Anh hỏi gì hở Huệ?
Huệ do dự một lúc rồi đánh bạo nói nhanh:
- Con đọc mãi bài học hôm qua. Có vài điều con chưa hiểu hết. Như... thế nào mới là người hiệp?
Ông giáo đáp:
- Phải khỏe để làm người không biết sợ. Phải không quá cẩn thận để dám làm. Phải rộng rãi để giúp người mà không so đo hơn thiệt. Nếu cần dám quên mình mà giúp người.
- Quên cả sự chết xông vào cứu một thằng ăn cướp ngay ban ngày, giữa chợ, có phải là hiệp không thưa thầy?
Ông giáo khó chịu vì cái giọng chất vấn bất ngờ của Huệ, trả lời cộc lốc:
- Không.
- Nhảy xuống sông cứu một người sắp chết đuối dù không biết bơi, đã được gọi là hiệp chưa?
Ông giáo càng khó chịu hơn, chau mày đăm đăm nhìn Huệ. Ông thầy làm mặt nghiêm, Huệ không dám cười nữa. Cậu đứng ngay ngắn trở lại, nhưng vẫn nhìn thẳng về phía thầy, chờ câu trả lời. Ông giáo không có cách nào khác, đáp:
- Chưa thể gọi là hiệp. Thêm một người chết nữa, phí đi!
Huệ cười tiếng nhỏ, thưa với ông giáo:
- Vậy là con biết phải làm gì rồi. Gặp một tên thu thuế hống hách và tham lam đang bị bọn cướp đường hành hung, ta không nên can thiệp vào làm gì. Để bọn cướp thanh toán với nhau. Thấy một anh học trò thức khuya, dậy sớm, học thuộc làu làu thi phú để thi đậu ra làm ký phủ, duyện lại, mình phải cứu anh ta, không thì anh ta chết đuối mất.
Ông giáo sững sờ, không ngờ bị cậu học trò nhỏ tuổi dẫn đến chỗ lắt léo đó của luận lý. Ông muốn khuyên Huệ vài điều, nhưng không tìm ra được lời. Cuối cùng ông phải cầu viện đến tuổi tác:
- Chuyện đời có nhiều điều phức tạp. Anh suy ra như vậy có khi đúng, có khi sai. Anh còn trẻ, chưa hiểu hết mọi sự ở đời đâu. Làm việc hiệp nghĩa chỉ trong một khoảnh khắc, suy tính do dự thì không làm được. Nhưng xem xét, quyết đoán việc ấy có đúng là "hiệp nghĩa" hay không, không thể vồ vập. Phải so đo, cẩn trọng. Ngày xưa vì phẫn đời mà ông Tử Trường chép truyện du hiệp. Anh còn trẻ quá. Tôi quên mất điều đó. Làm được một du hiệp đã khó. Định được đâu là người hiệp, càng khó hơn. Thôi, ta bỏ qua chuyện rắc rối đó đi. Kìa sao cánh mũi anh sưng lên như vậy?
Huệ ngượng ngịu đưa tay lên sờ mũi mình, đáp lời:
- Dạ, chỉ là cái mụn.
Ông giáo cố lấy giọng thân mật khuyên:
- Phải cẩn thận. Đưa tay dơ rờ lên hoài, nó làm độc. Có người bị phong đòn gánh, chết co quắp đau đớn, chỉ vì cái mụn nhỏ.
Huệ rụt tay về, hai bàn tay bối rối thêm, không biết giấu vào đâu. Ông giáo không nhận ra được cậu học trò vừa chất vấn mình lúc nãy. Huệ than:
- Ở cái tuổi con, đứa nào cũng bị cái nạn này. Cái mụn này vừa lặn, hai ba cái khác đã nổi cộm lên. Khó chịu lắm. Không hiểu sao con lại bị nhiều hơn anh Chinh và thằng Thìn.
*
* *
Một buổi chiều khác, Huệ lại đột ngột hỏi thầy:
- Cái câu:" Ăn trộm lưỡi câu thì chết chém. Ăn trộm nước người thì phong hầu. Cửa nhà hầu nhân nghĩa thiếu gì đâu!", con đoán hình như không phải lời ông thái sử. Thưa thầy có đúng thế không?
Ông giáo giật mình quay nhìn Huệ, xua tay gạt đi:
- Anh đừng thắc mắc bài đó nữa, không đáng gì đâu.
Huệ nhất định tiến tới, nói tiếp:
- Nếu chính là lời ông thái sử, thì đã không có câu:"Thiệt không phải là nói ngoa" ngay phía dưới.
Ông giáo đành phải giải thích:
- Ông Tử Trường dẫn lời của thầy Trang trong sách Nam Hoa. Anh đừng hỏi thêm thầy Trang là ai và sách Nam Hoa nói gì. Chỉ nên biết cả bài Tựa Truyện du hiệp chỉ là lời nói phẫn. Lúc đó ông thái sử không đủ bình tĩnh và sáng suốt nên bị người đời sau chê không ít.
Huệ lại hỏi:
- Bọn dám chê ông thái sử thuộc hạng nào, thưa thầy? Hạng trộm lưỡi câu thì chết chém cả rồi, chỉ còn hạng ăn trộm nước. Trộm được nước rồi thì tự nhiên nhân nghĩa tìm tới. Hạng ăn trộm lớn đem nhân nghĩa làm cục kê, như bọn đàn bà kê thớt mà đánh vảy cá. Nghĩ tội nghiệp cho hạng cướp nhỏ, thèm ăn cá mà chỉ dám ăn trộm cái lưỡi câu.
Ông giáo lo âu, sợ lại bị Huệ dẫn vào lối bí như hôm trước. Ông cố trấn tĩnh, thân mật vỗ vai Huệ bảo:
- Sách của Tử Trường phức tạp lắm, người chưa hiểu đời khó thấy cái tinh túy. Anh thích sử. Thôi được rồi, tháng sau tôi giảng cho anh nghe sử Nam. Tôi còn giữ được bộ Toàn Thư.
Nét mặt Huệ rạng rỡ hẳn lên. Xúc cảm hân hoan làm cho giọng nói của cậu lắp bắp khác thường. Cậu nói:
- Con chỉ mong có vậy. Nhiều lần con muốn hỏi thầy, nhưng sợ thầy giận. Tại sao ta không học sử nước mình mà lại tụng làu làu Bắc sử? Tại sao không học chữ nước mình? Cái loại chữ thường gọi là "chữ ta", thưa thầy, thật ra đâu phải là chữ ta. Đọc lên phải diễn nghĩa ta mới hiểu, đâu được rõ ràng như mình nói "hột muối, lá trầu, con cá, cây măng".
Ông giáo vội nói lắp cho qua chuyện:
- Trước hết, hãy học chữ ta cho thông đã. Sau đó mới học cho biết thêm chữ nôm. Nhưng sách nôm không có nghĩa lý gì cao thâm đâu. Toàn những chuyện phong tình, ngâm vịnh cho qua thì giờ đó thôi!
*
* *
Lữ từ nhà ông giáo trở lại nhà học, nói với biện Nhạc:
- Thầy mời anh tối nay ăn cơm.
Biện Nhạc dợm phản đối, nhưng ngưng lại kịp. Giọng của ông biện lấp lửng:
- Thôi cũng được. Thế nào cũng phải ăn cơm một lần, không thì ông ấy giận. Tao định tối nay ra ngoài ông thầy Tàu, xem tụi bây học hành ra sao?
Lữ nhìn lên phía nhà thầy giáo. Sau một lúc ngập ngừng, Lữ đến gần anh nói nhỏ:
- Em nghĩ... em nghĩ... hay là ta dẹp quách chuyện học chữ. Mấy tháng nay rồi, có được gì đâu. Mà tốn kém quá.
Biện Nhạc đang nhai trầu, vội nhả miếng trầu nhai dở ra khỏi miệng, ngạc nhiên hỏi:
- Hả? Mày nói cái gì?
Lữ sợ, im lặng không đáp. một lúc lâu, anh mới nói:
- Em xuống dưới này học, anh phải mất công thuê người trông coi trại Tây Sơn Thượng. Anh chọn đúng người đấy, nhưng người dưng nước lã làm sao lo công chuyện nhà mình chu đáo được. Thằng Huệ xuống đây, anh đi nữa, Kiên Thành coi như cái nhà hoang. Bù lại, chỉ được mấy miếng võ, và ba cái chữ nát.
Nhạc vứt miếng trầu đi, nghiêm nghị bảo Lữ:
- Mày chỉ được thấy cái tấm mẳn, mà không thấy được hòn Một. Mày tưởng người ta để yên cho mình làm ăn hay sao? Mày không được chữ nào thì thằng Huệ cũng được vài ba chữ. Thằng Huệ không được chữ nào, thì cái bụng chữ của thầy còn đó, nhờ vả lúc nào không được. Lũ ký lục hết múa bút làm đơn thuê phá mình như lâu nay. Chuyện gì cần tốn, phải biết tốn.
Lữ im lặng nghe lời anh, nét mặt dàu dàu không mấy thỏa mãn. Nhạc chờ em đáp, nhưng không thấy Lữ nói gì. Ông biện biết không thể thuyết phục nổi Lữ, vì nếu có nói gì thêm, thì điều đó đòi hỏi tầm nhìn còn xa hơn cả điều vừa nói. Cho nên ông biện cũng im lặng. Hai anh em cùng chờ nghe lời nhau. Sau cùng, Lữ nói:
- Mấy tháng nay em xuống dưới này, chắc lũ nó mừng lắm.
Nhạc hỏi:
- Lũ nào?
- Tụi trên Tây Sơn Thượng. Anh coi chừng, không để mắt tới, chúng nó bán luôn cả anh lúc nào không biết. Nào là pha trầu loại hai vào trầu loại nhất để tính tiền cao. Nào là đổ thừa trời mưa để ăn bớt muối. Tụi nó ranh, nhưng làm sao qua được mắt em. Chỉ cần nhìn xuống là biết trầu loại nào.
- Kiên nó được việc lắm. Được cái tính thẳng, tuy có hơi chậm chạp. Nghề dạy nghề, cần có thời gian, miễn là...
Lữ chợt nhớ điều quan trọng, vội cắt lời anh:
- Trên trại cho tụi nó ăn lúc nào?
Nhạc không hiểu ý em, hỏi lại:
- Lúc nào là thế nào?
- Em hỏi buổi sáng có cho ăn gì không?
- Thì cho ăn bắp hầm trước khi đi làm việc như thường lệ. hôm vừa rồi tao lên, có cho thêm đường làm kẹo.
Lữ đưa hai tay bứt tóc, tỏ dấu bực bội:
- Vậy là bao nhiêu công phu của em đổ sông đổ biển hết. Em đã tập cho tụi nó quen ăn hai bữa, bây giờ lại thêm bữa sáng. Của đâu chịu cho nổi.
Đến lượt Nhạc ngạc nhiên:
- Không ăn sáng sức đâu chúng nó lên rẫy, lên nguồn.
Lữ đáp:
- Còn cho ăn sáng thì sức đâu mà chịu nổi. Tụi nó dậy sớm hầm bắp, nấu nước pha trà, tốn dầu đèn. Ăn no xong, ngồi uống trà cả buổi chờ mặt trời lên khỏi núi mới chịu vác gánh ra đi. Chưa được nửa bước, đã lo vế nấu cơm ăn trưa. Ngủ một giấc. Chiều tối lúc nào không hay. Phía trên núi, phía dưới núi. Mặt trời mọc đó rồi lặn đó, chỉ đủ thời giờ nấu ba bữa ăn. Núi cũng lở chứ đừng nói cái trường trầu!
Nhạc đã biết tính em, nhưng đây là lần đầu tiên chính miệng Lữ nói thật và đủ những suy tính của mình. Ông biện không khỏi lo âu cho cái tính tủn mủn tội nghiệp đó. Mà nói cho vỡ lẽ cũng khó. Chỉ còn một cách. Ông biện nói:
- Tụi trên trại năm cha bảy mẹ, sai được chúng nó đi không phải dễ. Chúng nó không phục, là nuôi ong tay áo. Đã có khỉ dòm nhà rồi đó. Mày có nhớ lão Thung không?
Nét mặt Lữ trở nên rạng rỡ. Lữ đáp nhanh:
- Anh quên sao? Hôm lễ khai tâm, chú ấy có đến đây mà.
Nhạc nói:
- Ấy,chính lão Thung đó. Hắn ỷ có tiền, định tranh nguồn hàng của mình. Chưa, chưa dám tranh nguồn trầu. Chỉ mới dòm ngó nguồn lợi chở muối lên rừng thôi. Tháng trước, lão giả vờ leo đèo lên trại thăm tao, tuy biết rõ là tao đang ở Kiên Thành. Hắn hỏi thăm đủ chuyện. May hôm đó có thằng Lợi trên trường trầu, không thì hư việc hết.
Mẫu người lý tưởng của Lữ bị phỉ báng, nên anh im lặng, băn khoăn. Chắc chắn những điều anh cả nói đều đúng. Lâu nay, do không động chạm đến lợi của nhau, mối quan hệ giữa hai người thật tốt đẹp. Anh cả nổi giận, phải có lý do chính đáng. Tại sao chú Thung làm vậy? Cái nhà như thế, cái vườn như thế, ruộng đất, gia sản như thế, còn ước muốn gì nữa? Hay gì cuộc sống chìm nổi, long đong, buông tuồng nơi đầu đường cuối chợ!
Lúc đó, Huệ vừa đi tắm sông về. Lữ được dịp thuận lợi, ôm mối hồ nghi ra vườn sau một mình. Biện Nhạc nói đùa với Huệ:
- Mày không về sớm nhìn cái mặt thằng Lữ. Tại tao chạm đến chú Thung của nó.
Huệ hỏi anh:
- Có phải chú Thung có cái vườn sum suê đẹp đẽ không? Anh Lữ mê cái vườn, chứ không phải mê ông chủ.
Nhạc cười, giọng giễu cợt:
- Bây giờ thì ông chủ chán cái vườn đẹp của mình rồi. Hắn định đi buôn nguồn. Chưa hết. Còn định ve vãn tụi trên trại nữa. Lão ỷ có nhiều tiền hơn mình. Nhưng tao đã có cách.
Huệ chậm rãi nói:
- Lũ du thủ du thực của anh, giá cao hơn một chút là mua được. Lâu nay em nghe tụi nó than phiền anh Lữ hẹp lượng, không biết bữa nay thế nào?
- Tao biết. Chuyến vừa rồi có thồ lên đầy đủ nào muối, mắm, đường, dâu ăn. Tao còn định mượn tiền thuế trả trước cho nậu nguồn, mua non cữ trầu sắp tới. Mua măng le cũng làm như vậy. Hoặc bao nhiêu tiền đem mua muối hết, thồ lên cho các buôn.
Huệ nói:
- Em nghĩ không nên động đến tiền thuế Vân Đồn.
Nhạc kinh ngạc hỏi:
- Sợ thâm à? Trầu và măng le mình nắm trong tay, chắc chắn hơn là đống tiền kẽm. Người ta trữ lúa chứ không chịu cất tiền, mình trữ trầu và măng cũng vậy. Tiền thuế còn lâu mới nộp phủ, mình mượn đỡ trong thời gian ngắn.
Huệ thấy anh không hiểu mình, vội giải thích:
- Ý em không phải vậy. Em nghĩ bọn cai tổng, duyện lại bóp họng dân lấy thuế nộp lên phủ, phủ chở ra kinh. Đồng tiền thuế vấy đờm vấy máu của nhiều người, không sạch, không nên động đến.
Biết tính Huệ thẳng thắn đến độ rắn mắt, nhưng Nhạc không ngờ em nghĩ như vậy. Ông biện trố mắt nhìn em, cuối cùng cười to, vỗ vào vai Huệ bảo:
- Té ra mấy tháng nay mày học được bao nhiêu đó. Khá lắm. Mày hơn thằng Lữ, còn nhớ được vài ba chữ trong sách. Được lắm. Miễn đừng có học thuộc làu làu. Tao ghét mấy thằng nho hủ!
*
* *
Sau bữa cơm, ông giáo mời biện Nhạc ra sân trước ngồi uống nước trà. Bụng đầy các thức ăn béo và ngậy gia vị, cả hai đều muốn tìm một chỗ nằm nào đó để tận hưởng cảm giác no đủ, buông thả lười lĩnh. Phép cư xử buộc họ, ngồi lại, cho nên sau khi uống cạn mấy tách trà, câu chuyện qua lại vẫn cứ còn ngắc ngứ. Họ mon men tìm mãi một đề tài chung, nhưng tìm chưa ra. Biện Nhạc ngại ngùng trước cửa ngõ của chữ nghĩa, còn giáo Hiến lại vụng về trong các chuyện làm ăn. Thời tiết tốt không có gì đáng bàn. Sức khỏe của mọi người trong cả hai gia đình, đã thăm hỏi ngay từ đầu bữa. Ông giáo hiểu trách nhiệm ràng buộc của chủ nhà, bạo dạn hỏi thăm ông biện:
- Kỳ này ghé đây, chắc là ông có việc quan?
Biện Nhạc vội cải chính:
- Thưa không. Chuyện riêng thôi. Có một chuyến muối bị trạm canh giữ lại không cho đi. Tôi phải xuống nói qua một tiếng.
Giáo Hiến ngạc nhiên hỏi:
- Mình nộp đủ thuế, sao lại bị giữ?
Biện Nhạc cười, vừa bao dung thông cảm cho kinh nghiệm ít ỏi của ông giáo về trường đời, vừa có ý mỉa mai:
- Có nghìn cách để làm khó dễ, thầy không biết sao! Thuế chuyên chở đường sông, thuế bến, thuế muối. Nếu mọi thứ thuế đã nộp đủ thì hỏi thuế đinh. Thuế đinh đóng đủ, thì bảo có đứa tố cáo ghe muối có chứa hàng quốc cấm, phải mở từng bao ra để kiểm soát. Một con dao bổ cau có thể là vũ khí của bọn làm loạn. Lôi thôi dài dòng lắm. Tốt hơn hết là phải biết điều.
Ông giáo thắc mắc hỏi:
- Chúng nó loạn thế, quan trên có biết không?
Biện Nhạc đang đưa chén nước lên uống, ngưng lại nửa chừng, quay nhìn ông giáo, không tin một người từng trải như ông lại có thể hỏi như vậy. Thấy nét mặt ông giáo có vẻ thắc mắc thật tình, ông biện nói:
- Thầy tính, quan trên của chúng của chúng ta là ai? Là quan phủ chăng? Hoặc cao hơn nữa là triều đình chăng? Tôi nghe nói quyền hành ở Phú Xuân đều nằm trong tay quan quốc phó. Ở phủ Qui Nhơn này, hai nguồn Trà Đinh, Trà Vân tiền thuế được chúa cấp cho quan quốc phó làm bổng lộc. Hằng năm thuế trên 2.500 quan, chưa kể bạc tốt và đèn nhựa trám. Của ở đâu mà lắm vậy, nếu không có bọn lính kiểm tra các trạm thuế.
Nghe biện Nhạc kể xấu bọn đàn em của Trương Phúc Loan, ông giáo thấy lòng khấp khởi. Nhưng ông giấu không để lộ niềm vui ra nét mặt, giả vờ hỏi:
- Làm sao ông biết rõ thế?
Biện Nhạc nóng nảy nói:
- Làm sao ư? Vì chính tôi cũng là một tên chuyên nghề bóp hầu bóp họng dân đen nộp cho quan quốc phó. Chỉ cần nghe chúng đằng hắng một tiếng, tôi đã biết trước chúng định nói gì. Chỉ có điều đáng thương là chúng nắm đồng tiền chưa nóng tay, quan trên đã chụp lấy, rồi lại nộp lên quan quốc phó. Nghe nói, biệt thự ở Phấn Dương càng ngày càng rộng, nguy nga thêm, nên tốn nhiều của. Thưa thầy, có đúng như thế không?
Ông giáo dè dặt đáp:
- Tôi ở kinh nhưng ít đi đâu xa. Vâng, nghe nói đồ sộ lắm. Chẳng kém gì vương phủ.
Mắt biện Nhạc sáng lên, ông biện tò mò hỏi:
- Thế thầy đã được thấy cung điện nhà vua chưa?
Ông giáo ngại ngùng một lúc, rồi ỡm ờ đáp:
- Thỉnh thoảng tôi có qua đó.
Ông biện nôn nóng hỏi:
- Có rộng bằng thành Đồ Bàn ở đây không thầy?
- Tôi chưa thấy tận mắt thành Đồ Bàn, chỉ nhìn qui mô các ngọn tháp thì chắc lớn lắm. Còn thành Phú Xuân cũng đồ sộ. Thành xây dọc theo sông Hương, hình vuông, từ ngoài vào đến cấm thành có ba lớp. Có tất cả bảy cửa vào. Cửa ngọ môn trông thẳng ra bờ sông.
- Nhà vua thiết triều ở đâu, thưa thầy?
- Ngay ở điện phía trong Ngọ Môn. Mỗi tuần thiết triều hai lần. Quan võ tùy cao thấp mà đứng hầu thứ tự ở bên tả. Quan văn bên hữu.
- Ngai vàng đặt ở giữa, phải thế không?
- Vâng, chiếc ngai thếp vàng được đặt trước một cái bàn, trên bàn thường có ống sứ quí cắm bút, một hộp ấn, một nghiên son.
- Còn cấm thành?
- Đó là chỗ nhà vua ở, gồm năm tòa, tòa chính cao nhất ở trên có một vọng lâu có thể quan sát được cả kinh thành và quang cảnh sông núi quanh đó. Đặc biệt nội cung không xây bằng vôi, gạch, mà dựng toàn bằng gỗ, chạm trổ công phu. Cột nhà bằng gỗ quí màu cam, tường phủ màn gấm. Các thời trước cung điện còn đơn sơ. Nhưng từ thời Hiếu Võ Hương, hoàng thành được xây dựng công phu tráng lệ như ta thấy ngày nay. Có người cho rằng cảnh phú quí ở kinh đô không thua Giang Nam mấy.
Biện Nhạc chợt hỏi:
- Mà sao thầy biết tường tận thế?
Giáo Hiến giật mình, vội nói:
- Tôi không đỗ đạt gì, nhưng có nhiều bạn bè thành danh, làm quan trong triều. Những kẻ có lòng không sợ giao du với người thất thế vẫn đến thăm nom tôi luôn. Biết võ vẽ vài chuyện vặt trong cung sâu là nhờ thế!
Ông giáo tự đặt điều để giấu tông tích mình, rồi chính những lời bào chữa bất đắc dĩ ấy, thấm dần vào tâm não ông. Lòng ông lâng lâng cái buồn của kẻ thất chí. Ông im lặng hồi lâu không nói tiếp được, trong khi biện Nhạc trân trọng chờ ông kể tiếp. Đột nhiên, ông giáo ngậm ngùi bảo:
- Tôi trôi dạt về đây, may mà gặp ông. Không thì... Nhưng có đi đến đâu! Chẳng khác gì Đỗ Phủ gặp Lý Qui Niên ở Giang Nam, viết tặng bạn tri kỷ hai câu thơ:
Chính trị Gian Nam hảo phong cảnh
Lạc hoa thời tiết hựu phùng quân.
Nghĩa là:
Chính lúc phong cảnh Giang Nam đang đẹp
Giữa mùa hoa rụng, lại gặp anh!
Gặp ông giữa mùa hoa rụng, tôi hết thời, còn làm gì được!
Biện Nhạc không hiểu hết ý nghĩa hai câu thơ ông giáo vừa đọc, nhưng nét mặt ông giáo, giọng thơ buồn, những chữ vô nghĩa nhưng âm hưởng lê thê như tiếng vọng rầm rì từ những tiếng sấm xa trong núi, đã giúp ông biện hiểu thẳng tâm sự người thầy dạy học của hai em. Biện Nhạc chồm người tới phía trước, hai tay nắm bàn tay phải của ông giáo dặc dặc, kính cẩn nói:
- Thầy chưa hết thời đâu. Bọn dân núi chúng tôi đây, tuy không hay chữ, nhưng biết kính trọng người có chữ. Thầy sẽ giúp cho chúng tôi nhiều việc. Chúng tôi biết quí người tài. Chuyến xuống Mỹ Cang vừa rồi, tôi có gặp một người bạn buôn từ cửa Hội vào. Anh ta nói có biết thầy. Tôi nghe mừng lắm. Thầy chưa hết thời đâu!
Ông giáo giật mình, ngửng lên nhìn đăm đăm vào mặt biện Nhạc dò xét. Ông biện mỉm cười, giữ vẻ thản nhiên tự tin. Từ đó cho đến lúc chia tay về nghỉ đêm, câu chuyện giữa hai người trở lại ngắc ngứ, quanh co, nhạt nhẽo.
Bình luận facebook